30 phút sau, Lịch Xuyên quả nhiên xuất
hiện ở sân bay. Anh ngồi trên một chiếc xe lăn khéo léo nhẹ nhàng, đang
đi qua cửa tự động.
Trong đại sảnh của sân bay, có không ít
đàn ông mặc đồ tây, hoặc đi hoặc ngồi. Mà tôi lại có thể nhận ra Lịch
Xuyên ngay từ giây đầu tiên anh xuất hiện, trong đầu đồng thời hiện ra
danh ngôn của thi nhân Bàng Đức :
Gương mặt đó hiện ra như u linh trong đám người đông đúc.
Hoa đua nở trên nhánh cây đen ẩm ướt
Với tôi mà nói, Lịch Xuyên là tia sáng
duy nhất trong đám người ẩm ướt đó. Tôi nhìn anh không chớp mắt, tim
cuồn cuộn sóng triều, yêu hận tràn về. Đã bao nhiêu ngày chúng tôi không gặp nhau? Tám mươi ngày rồi! Mỗi lần ly biệt đều dài như vậy, vừa đủ để phai nhạt gương mặt anh, vừa đủ để tất cả yêu hận đều biến mất, tất cả
vết thương đều lành lại, trong nháy mắt lại biến thành tình yêu.
Lịch Xuyên vẫn gây chú ý như vậy. Đi tới đâu cũng thu hút ánh mắt của mọi người. Anh mặc một bộ đồ tây thoải
mái, tóc xịt keo dựng thẳng lên, làm nổi bật đường nét khuôn mặt anh,
càng gầy càng cứng rắn hấp dẫn hơn.
Có lẽ do bác sĩ cấm, Lịch Xuyên không
mang chân giả. Mới đi vào, liền có một nữ nhân viên sân bay đi về phía
anh, thấp giọng nói, hỏi xem anh có cần giúp đỡ không. Lịch Xuyên khẽ
lắc đầu, ánh mắt nhìn phía trước, thấy tôi, khuôn mặt lạnh lùng bỗng
nhiên nở nụ cười.
“Hi! Lịch Xuyên!” tôi kéo va ly, chạy về phía anh.
Tới trước mặt anh, tôi bỗng nhiên dừng lại, đứng lại trước anh khoảng một cánh tay.
Hơn 4 tuần liền không để ý tôi, không
biết Lịch Xuyên hết giận hay chưa. Tôi tự tiện tới đây, chắc chắn lại
làm anh phiền lòng. Gặp mặt trong tình huống như vậy, nên dùng lễ nghi
nào mới phù hợp đây?
Ôm? Hay là bắt tay?
Trong lúc tôi do do dự dự, Lịch Xuyên đã đứng lên, giơ hai tay ra với tôi : “Lại đây, cô nhóc liều lĩnh. Chào
mừng em tới Zurich.”
Tôi nhào vào lòng anh. Lịch Xuyên dùng
sức ôm tôi, những cọng râu mới mọc của anh cào lên mặt tôi. Tôi vuốt ve
khuôn mặt gầy gò của anh, cười ngây ngô : “Từ trước tới giờ chưa thấy
anh để râu nha.”
“Sợ không đón được em, cạo không kịp.”
anh ôm tôi một lần nữa, ôm quá chặt, tôi hơi nghẹt thở, đồng thời cũng
không biết rõ vì anh đứng không vững nên mới ôm tôi, hay đơn giản chỉ là anh muốn ôm tôi mà thôi. Tóm lại, gần như một phần ba sức nặng của anh
đặt lên người tôi, tôi ôm eo anh, vẫn không nhúc nhích đỡ anh.
Lịch Xuyên rất nhẹ, cũng rất gầy. Nhưng
nhìn rất có sức sống, chỉ có điều hành động không nhanh nhẹn như lúc
khỏe mạnh, ngay cả đứng dậy cũng mất rất nhiều sức, trên cổ tay vẫn đeo
vòng plastic của bệnh viện.
Tôi đánh giá anh, trong lòng hơi quặn lên.
“Em bay chuyến buổi sáng 6 giờ à?” anh ngồi lại lên xe lăn, hỏi tôi.
“Ừ.”
“Như vậy, em đã đứng ở đây đợi khoảng 7 tiếng?”
“Không lâu tới mức đó…”
“Có đói bụng không?”
“Ăn một cái sandwich.”
“Tạm được, không ngốc quá mức.”
Anh mang tôi ra chỗ để xe, xe anh đậu ở
ven đường. Một người tài xế ngoại quốc nói một câu tiếng Đức với tôi,
Lịch Xuyên giới thiệu : “Đây là tài xế của ông nội anh, Fehn. Ông ấy nói chào em.” Tôi dùng tiếng Anh chào hỏi ân cần với ông ta, hiển nhiên ông ta hiểu được, cười tươi với tôi, rất ngượng ngùng.
Lịch Xuyên mở cửa xe, dùng tay che đầu
tôi, đưa tôi vào trong xe. Sau đó anh chui vào. Fehn gấp xe lăn lại, để
trong cốp xe đằng sau. Tôi tìm được dây an toàn, Lịch Xuyên giơ tay ra
cầm lấy, nói “Để anh.” Một tay cầm tay vịn trên trần xe, một tay tìm
được móc gài gài cho tôi. Tôi kinh ngạc nhìn anh chồm tới chồm lui.
Lịch Xuyên bệnh như vậy rồi, mà vẫn ga lăng như vậy.
Trong xe rất rộng rãi, chiếc chân dài duy nhất của Lịch Xuyên, không ngờ vẫn có thể duỗi thẳng được.
Tôi có chút ngượng ngùng, ngượng ngùng
nói chuyện. Trong lòng hối hận không ngừng không nên gọi điện thoại cho
Lịch Xuyên, kéo anh từ bệnh viện tới đây. Nếu như người nhà của anh
biết, không biết sẽ oán tôi như thế nào.
Thấy tôi không nói gì, Lịch Xuyên nghiêng người qua hỏi tôi : “Đứng đợi ở sân bay lâu như vậy, em có mệt không?”
“Không mệt.”
“Sao không gọi điện thoại cho anh sớm hơn?”
“Em…không muốn quấy rầy anh, chỉ lo đứng đợi René.” Sợ anh không tin, tôi lấy ra mấy tờ vé xe đủ màu “Anh xem,
em còn mua vé xe ngắm cảnh nữa nè.”
Anh cầm mấy tấm vé, cầm trong tay nghiên cứu : “Anh ở đây lâu như vậy, cũng không biết vé xe ngắm cảnh có hình dạng như vậy.”
“Đừng làm mất, ngày mai em còn dùng nó
nữa.” tôi lấy vé lại, nhét vào ví tiền, lại lấy mấy tấm card đưa cho anh “Bạn em giới thiệu vài khách sạn cho em, đều ở gần sân bay. Anh tham
khảo dùm em thử xem, khách sạn nào tốt?”
Anh nhìn nhìn mấy tấm card, hỏi tôi : ““Tốt” là như thế nào?”
“Bao bữa sáng, có phòng tắm. Một ngày tốt nhất không quá 200 France Thụy Sĩ. Đúng rồi, điện áp ở đây là bao nhiêu?”
“220V.”
“Cảm ơn trời đất. Em có thể mở máy tính an toàn.”
Anh mỉm cười : “Chuẩn bị kế hoạch rất
chu đáo. Nếu anh không giữ em lại, em cũng sẽ vui chơi thỏa thích ở
Zurich một ngày, đúng không?”
“Chị Emma còn tự đi Honduras nữa kìa.”
Anh bỗng dưng lấy khăn tay che miệng lại, nhẹ nhàng ho khan.
“Muốn uống nước không?” tôi lấy một chai nước khoáng máy bay phát từ trong túi xách ra, nhét vào tay anh.
“Không cần, cảm ơn.”
Một lát sau, anh nói : “Nếu đã tới đây rồi, thì ở lâu một chút đi.”
Cho dù có ngốc cỡ nào cũng nghe ra, đây không phải câu mời nhiệt tình cho lắm, giọng điệu thản nhiên, ôn hòa.
“Mua vé bay về rồi, chiều mai về Bắc Kinh.”
“Vé máy bay có thể đổi.”
“Chắc chắn ngày mai phải về, trong công ty có việc không trì hoãn được.”
“Không thay đổi được à?”
“Ừ.”
Không biết là thở dài nhẹ nhõm một hơi
hay là thở dài một hơi, anh đổi đề tài : “Hai ngày này em đừng ăn chay,
biết chưa? Đồ ăn ngon ở đây đều không có rau. Có rau cũng không ăn được, không ngon như thức ăn trong mấy quán ăn chay ở Bắc Kinh.”
“Sao anh biết em thích ăn? Lỡ may em còn thích cái khác thì sao?”
Không thể không thừa nhận, thời gian vui sướng nhất khi ở bên Lịch Xuyên chính là cùng nhau nấu cơm, hoặc đi ra
ngoài ăn, miệng tôi thì kén chọn, miệng anh lại khó tính, hai chúng tôi
ngồi trong tiệm cơm gọi món, tra tấn đầu bếp gần chết.
“Em có hai sở thích lớn, cái này có vẻ dễ dàng thỏa mãn, anh sẽ cố hết sức để thỏa mãn em.”
Tôi quay đầu nhìn anh, cảm thấy rất bất ngờ : “Em có hai sở thích lớn, sao em lại không biết?”
Anh nhìn về phía trước, nửa cười nửa không : “Em biết rõ, chỉ có điều không ý thức được thôi.”
Tôi mờ mịt nhìn anh, suy tư, cúi đầu
xuống, phát hiện tay của tôi không biết đã đặt lên đùi anh từ lúc nào.
Mồ hôi…mướt mồ hôi…mồ hôi rơi như thác Lư Sơn…đúng là háo sắc thành
quen. Tôi vội vàng rút tay về.
“Bây giờ ý thức được rồi?”
“Em nghĩ đó là tay vịn” người nào đó mặt không đổi sắc, bình tĩnh tự nhiên nói.
Rất nhanh đi vào nội thành Zurich. Lịch
Xuyên nói một câu với tài xế, ô tô dừng lại. Anh dắt tôi đi trên đường.
Phố đối diện có một cửa hàng bán Hot Dog, bán đủ loại xúc xích nướng.
Khói bay ra tứ phía, làm người ta thèm chảy nước miếng.
Lịch Xuyên chống nạng, vừa xếp hàng vừa
nói : “Cửa hàng này tên là Sternen Grill, lúc anh còn là học sinh trung
học rất hay tới ăn. Bố anh nói thứ này thiếu dinh dưỡng, anh liền ăn
lén, một ngày hai cái, buổi tối không chịu ăn cơm.”
Khách hàng rất nhiều, quầy bán hàng rất
dài, vài đầu bếp mặc đồ trắng bận rộn không ngừng. Chỉ xếp hàng chừng 2
phút liền tới lượt. Lịch Xuyên mua cho tôi một cây xúc xích nướng thành
màu đen và một chiếc bánh nhỏ. Đầu bếp dùng giấy gói lại đưa cho chúng
tôi.
“Ăn mù tạt không?” Lịch Xuyên chỉ vào mấy chiếc chén đựng mù tạt bên cạnh.
“Ăn.”
Anh đồng thời mua cho tôi một ly bia tươi nhỏ, dẫn tôi đi dọc theo con phố về chỗ xe dừng.
Xúc xích vừa thơm vừa cay, không phải
ngon bình thường. Huống chi tôi cũng đói bụng, đi tới ô tô, chưa kịp
ngồi yên, tôi đã ăn hết sạch, chưa đã thèm, liếm đầu ngón tay liên tục.
Đề cử chiếm được sự khẳng định, Lịch Xuyên cười vô cùng đắc ý : “Đủ không? Có muốn ăn nữa không? –xem ra em vô cùng đói bụng.”
“No rồi.” tôi vui sướng hài lòng vỗ vỗ
bụng, bắt đầu uống bia. Rất thoải mái, lại mờ mịt nhìn ô tô chạy dọc
theo một con đường đầy bóng cây. Hai bên đường có rất nhiều cửa hàng
trưng bày, cửa hàng tạp hóa và tiệm cà phê. Cuối đường là một hồ nước
lớn. Bên hồ có bến tàu, có thuyền, hai bên bờ sông có rất nhiều căn nhà
màu trắng san sát nhau, lớp cỏ xanh mượt bên hồ cũng đủ làm đẹp khung
cảnh. Xa xa có thể nhìn thấy rừng rậm và núi tuyết thấp thoáng.
“Lịch Xuyên, chúng ta đi đâu vậy?”
“Về nhà.’
Về nhà. Tim tôi nổ lớn. Nhà ai? Nhà Lịch Xuyên à?
Lịch Xuyên ở Zurich đương nhiên có chỗ ở riêng. Chỉ có điều, quen biết với Lịch Xuyên lâu như vậy, anh rất ít
khi nói về chính mình, cũng rất ít khi nhắc tới Zurich. Ai không biết
còn tưởng rằng hồi nhỏ anh bị ngược đãi nên bị tổn thương tâm lý không
chừng. Thật ra, là do Lịch Xuyên không nói nhiều, mỗi lần gọi điện thoại với anh trai anh, nhiều nhất cũng chỉ 1 phút. Hơn nữa, bố mẹ tôi đều
mất, anh cố gắng tránh đi đề tài này, để không làm tôi buồn.
“Anh xuất viện rồi à?”
“Chưa. Anh chuồn ra. Em đã tới đây rồi, cơ hội hiếm có, không thể để em ở trong bệnh viện với anh mãi được.”
“Em tình nguyện ở trong bệnh viện với
anh,” tôi lo lắng nhìn anh “Bệnh anh chưa khỏi hết, em không cần anh cố
theo em, sẽ mệt lắm.”
“Không mệt,” anh nói “Tất cả đều dựa vào máy móc.”
Ô tô đi tới một ngọn đồi cạnh hồ, dừng ở một chiếc sân râm mát bóng cây. Hướng tới một mặt cỏ thật lớn, hoa xuân hai bên nở rộ trong bóng râm. Đường cho xe chạy xuyên qua mặt cỏ, hướng tới một biệt thự hai tầng màu trắng, tầng dưới dài gần gấp 3 lần tầng
trên, từ xa nhìn lại, giống như một chữ L kép.
Quả nhiên là nhà của Lịch Xuyên, hai bên cửa chính đều có đường dành riêng cho người tàn tật. Lịch Xuyên nói với Fehn mấy câu, ông ta lái xe đi. Tôi kéo va ly, đi theo Lịch Xuyên vào
nhà.
Thiết kế trong nhà vô cùng hiện đại,
thoáng mát rõ ràng, màu sắc đơn giản, không có tầng tầng lớp lớp khung
cửa và tủ, chỉ có vài đồ gia dụng cần thiết. Trên tường chằng chịt các
hốc ngăn, bày các tác phẩm nghệ thuật sưu tầm, đa số là của Phương Đông : tượng Phật, bình gốm Thanh Hoa, chén rượu Thanh Đồng, tượng điêu khắc
bằng gỗ…một một góc đều không nhiễm một hạt bụi.
“Sạch sẽ như vậy à?” tôi không khỏi nhớ
tới những vệt đen trên gạch men màu trắng trong bếp của tôi. Lúc chủ nhà giao nhà đã có sẵn, chùi thế nào cũng không đi. Lịch Xuyên ghét bẩn,
nhưng cũng không phải người quét dọn mỗi ngày. Dạo gần đây anh lại nằm
viện, căn nhà này cũng phải bỏ không mấy tháng rồi.
“Ngày nào cũng có người tới đây quét dọn,” anh nói “Chỉ cần kí một hợp đồng với công ty vệ sinh là được.”
Tôi gật gật đầu, nói thêm : “Căn nhà này không phải do anh thiết kế đúng không?” Lịch Xuyên không khoa trương
như vậy, không dựa theo chữ viết tắt tên mình để thiết kế.
“Nội thất chủ yếu là anh trai anh thiết
kế. Toilet và bếp là anh họ anh thiết kế. Tầng hai là bà ngoại thiết kế. Vườn hoa là bà nội thiết kế, bể bơi là ông nội thiết kế. Hình chữ L này là kiệt tác của bố anh – ông nói như vậy người ta sẽ tìm anh dễ hơn.”