Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 6: Hiện trường vụ án




Nơi thảm kịch xảy ra là một con hẻm nhỏ. Cửa hàng của bà Ascher nằm đoạn giữa con hẻm bên lề phải.

Khi chúng tôi rẽ vào con hẻm, Poirot liếc nhìn đồng hồ đeo tay thì tôi hiểu ra lý do ông hoãn việc đi xem hiện trường vụ án đến bây giờ. Lúc này là 5 giờ 30 phút, ông ấy muốn tái hiện khung cảnh của ngày hôm qua càng giống càng tốt.

Nhưng nếu đó là mục đích của Poirot thì ông đã thất bại. Hiển nhiên vào lúc này con hẻm rất khác so với chiều hôm trước. Có một số cửa hàng nhỏ nằm rải rác giữa những ngôi nhà riêng của dân nghèo. Tôi đoán bình thường sẽ có khá nhiều người chủ yếu là người nghèo qua lại con hẻm này và một vài đứa bé chơi đùa trên vệ đường hay trên lòng đường.

Giờ thì có rất nhiều người đứng nhìn chằm chằm vào một ngôi nhà hay cửa hàng và rất khó đoán đó là ngôi nhà nào.

Chúng tôi chỉ thấy một đám dân thường đang vô cùng tò mò nhìn vào chỗ có một con người đã bị sát hại.

Khi chúng tôi đến gần hơn thì đúng là như vậy. Trước cửa hàng trông bẩn thỉu có mấy ô cửa chớp đóng im ỉm ấy, một anh cảnh sát trẻ vẻ mặt căng thẳng đang uể oải yêu cầu đám đông “giải tán khỏi chỗ đó”. Nhờ một đồng nghiệp cảnh sát nữa giúp đỡ, đám đông mới giải tán. Vài người thở dài vẻ miễn cưỡng và quay lại với công việc của họ thì ngay lập tức một đám khác đến thế chỗ và nhìn chăm chăm vào nơi vụ giết người đã xảy ra.

Poirot dừng lại cách đám người đông đúc đó một quãng. Từ nơi chúng tôi đứng mấy dòng chữ sơn trên cửa hiện lên rõ mồn một. Poirot lặp đi lặp lại thật khẽ.

“A. Ascher. Qui, c’est peut-être là...” [1]

Rồi ông bỏ lửng.

“Nào, chúng ta hãy vào bên trong đi, Hastings”.

Tôi đã sẵn sàng.

Lách người qua đám đông, chúng tôi đến gần viên cảnh sát trẻ hỏi chuyện. Poirot trình giấy ủy nhiệm mà thanh tra Glen đã cho ông. Viên cảnh sát gật đầu mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi bước vào trong sự tò mò quá đỗi của những người đứng xem ngoài kia.

Cửa chớp bị đóng nên bên trong rất tối. Viên cảnh sát tìm công tắc và bật đèn lên. Bóng đèn loại công suất thấp nên trong nhà chỉ sáng lờ mờ.

Tôi nhìn xung quanh.

Một nơi chật hẹp và nhớp nhúa. Vài quyển tạp chí rẻ tiền nằm rải rác và cả mấy tờ báo ra ngày hôm qua - tất cả đều phủ một lớp bụi mờ. Sau quầy là một hàng kệ cao tới gần chạm nóc nhà chất đầy thuốc sợi và gói thuốc điếu.

Ngoài ra còn có vài lọ kẹo bạc hà cứng và kẹo mạch nha. Chỉ là một cửa hàng nhỏ bình thường như hàng ngàn cửa hàng khác.

Viên cảnh sát nói giọng vùng Hampshire chậm rãi giải thích bối cảnh hiện trường với chúng tôi.

“Bà cụ ngã sụp xuống phía sau quầy. Bác sĩ pháp y chưa biết vật gì đã đánh gục bà cụ. Có lẽ lúc đó bà đang với lấy hàng trên kệ”.

“Trong tay bà không cầm vật gì à?”

“Không, thưa ông, nhưng có một gói Player nằm bên cạnh bà”.

Poirot gật đầu. Ông đưa mắt quan sát quanh cửa hàng chật hẹp rồi ghi chú.

“Còn quyển thông tin đường sắt nằm ở đâu?”

“Đây thưa ông”. Viên cảnh sát chỉ về phía quầy. “Nó được giở đúng trang có Andover và đặt úp xuống mặt quầy. Có vẻ như tên đó đã tra cứu giờ tàu đi Luân Đôn. Nếu vậy, chắc hắn không phải là người ở Andover. Song, tất nhiên, quyển thông tin đường sắt có thể là của người khác không liên quan gì đến kẻ giết người hết, chỉ là bỏ quên ở đây”.

Tôi hỏi: “Có dấu vân tay không?”

Viên cảnh sát lắc đầu.

“Chúng tôi đã cho kiểm tra toàn bộ nơi này, thưa ông. Không có dấu vân tay nào lạ”.

“Trên quầy cũng không có à?” Poirot hỏi.

“Có quá nhiều, thưa ông! Chúng lộn xộn như một mớ bòng bong ấy”.

“Có dấu tay của Ascher trong số đó không?”

“Vẫn chưa biết, thưa ông”.

Poirot gật đầu, rồi hỏi có phải bà cụ quá cố sống ở tầng trên của cửa hàng không.

“Vâng thưa ông, ông đi bằng lối cửa sau đó ạ. Ông đi một mình nhé, tôi xin phép ở lại đây...”

Poirot băng qua lối cửa đó và tôi đi theo ông. Đằng sau cửa hàng có một gian vừa là phòng khách vừa là bếp rất hẹp. Căn phòng gọn gàng, sạch sẽ nhưng trông buồn tẻ và ít đồ đạc. Trên bệ lò sưởi có một vài tấm ảnh. Tôi bước đến xem và Poirot cũng làm theo tôi.

Có ba tấm ảnh. Một ảnh chân dung loại rẻ tiền của cô gái mà chúng tôi gặp chiều nay - Mary Drower. Hẳn là cô đang mặc bộ cánh đẹp nhất của mình. Nụ cười trên khuôn mặt cô ngượng ngập và gượng gạo không giống với thường ngày, kiểu mà ta hay thấy trong các bức ảnh chụp có sắp đặt nhưng người ta lại thích thế.

Bức ảnh thứ hai có vẻ đắt tiền hơn và mờ ảo một cách nghệ thuật - ảnh của một bà cụ tóc trắng, cổ áo lông cao ôm ấy cổ bà.

Tôi đoán đây có thể là bà Rose, người đã để lại cho bà Ascher một ít của cải giúp bà ấy buôn bán làm ăn.

Tấm ảnh thứ ba là tấm ảnh rất cũ, đã bạc màu và ố vàng. Trong ảnh là một đôi trai gái ăn mặc khá lỗi thời đang đứng khoác tay nhau. Người con trai có hoa cài trên áo và không khí hội hè mới xong bao trùm trong bức ảnh.

Poirot lên tiếng: “Có lẽ ảnh cưới. Hastings này, tôi đã nói với ông là bà ấy hồi trẻ rất đẹp đúng không?”

Poirot nói đúng. Dù cô gái trong ảnh có kiểu tóc lỗi thời và ăn mặc kỳ quặc thì cũng không giấu nổi vẻ đẹp của khuôn mặt rõ nét và dáng vẻ năng động. Tôi nhìn kỹ hơn người thứ hai trong ảnh. Khó mà nhận ra dáng vẻ tiều tụy của ông Ascher trong người con trai có phong thái chỉnh tề này.

Nhớ lại ông già say xỉn đôi mắt láo liên, và khuôn mặt bơ phờ của bà lão quá cố, tôi khẽ rùng mình sợ hãi trước sự tàn nhẫn của thời gian...

Từ phòng khách có một cầu thang dẫn lên hai căn phòng phía trên. Một phòng trống không có đồ đạc gì, phòng còn lại ắt hẳn là phòng của bà lão quá cố. Sau khi cảnh sát lục soát căn phòng, nó được trả về trạng thái ban đầu. Có vài cái chăn cũ đã sờn trên giường, một đống quần lót vá chằng vá đụp nằm trong một ngăn kéo, còn ngăn khác chứa vài công thức nấu ăn. Ngoài ra còn có một quyển tiểu thuyết loại bìa mềm tựa đề Ốc đảo xanh tươi, một đôi tất dài mới bóng lộn rẻ tiền nhìn thật thảm hại, một ít đồ trang trí bằng sứ, tượng anh chàng chăn cừu Dresden bị vỡ và một con chó có đốm xanh và vàng, một cái áo mưa đen và áo len mắc trên móc. Đó là tất cả tài sản của bà Alice Ascher quá cố.

Nếu có loại giấy tờ cá nhân nào thì cảnh sát đã lấy đi rồi.

“Pauvre femme”, Poirot lẩm bẩm. “Đi thôi Hastings, chúng ta không kiếm thêm được manh mối nào ở đây nữa đâu”.

Khi chúng tôi ra tới ngoài phố, ông chần chờ vài phút rồi băng qua đường.

Cửa hàng rau quả nằm gần như đối diện với nhà bà Ascher, tất cả hàng hóa trong cửa hàng dường như được bày bán bên ngoài nhiều hơn là ở trong nhà.

Poirot hạ giọng hướng dẫn tôi vài điều rồi bước vào cửa hàng. Vài phút sau tôi cũng bước vào theo. Lúc đó ông đang trả giá mớ rau xà lách. Tôi thì mua mấy lạng dâu tây.

Poirot sôi nổi nói chuyện với bà bán hàng mập mạp.

“Vụ giết người xảy ra ở đối diện phải không nhỉ? Đúng là một vụ động trời. Hẳn nó làm bà khiếp vía!”

Rõ ràng bà bán hàng mập mạp đã chán nói về vụ giết người rồi. Bà đã mệt mỏi vì nó. Bà nhận xét:

“Tốt hơn hết cái đám đông đang đứng há hốc mồm đó giải tán hết đi. Có gì hay mà nhìn cơ chứ?”

“Khung cảnh tối qua chắc rất khác”, Poirot nói. “Thậm chí không chừng bà đã thấy kẻ giết người đi vào cửa hàng ấy chứ. Hắn cao, trắng trẻo và có râu đúng không? Tôi nghe nói hắn là người Nga”.

“Gì cơ?” Bà bán hàng ngẩng phắt lên. “Ông nói là một người Nga gây án sao?”

“Nghe nói cảnh sát bắt được hắn rồi”.

“Thật thế ư?” Bà ta trở nên phấn khích, liến thoắng. “Một người nước ngoài”.

“Mais oui. [2] Tôi nghi không chừng bà đã trông thấy hắn ta tối qua?”

“Thật ra tôi không có cơ hội thấy hắn. Buổi chiều là lúc bán buôn đắt hàng nhất và khi đó cũng có nhiều người đi làm về ngang qua đây. Một người đàn ông cao, trắng trẻo và có râu, không, tôi không nghĩ đã thấy ai có hình dáng như thế quanh đây”.

Đúng lúc đó, tôi chen vào.

“Xin lỗi thưa ông”, tôi nói với Poirot. “Có thể ông được báo thông tin sai rồi. Tôi nghe nói đó là một người đàn ông thấp và da đen”.

Cuộc tranh luận xảy ra giữa bà bán hàng mập mạp, ông chồng gầy gò của bà và thằng bé bán hàng có giọng khàn khàn. Họ thấy không dưới bốn người đàn ông thấp và da đen còn thằng bé giọng khàn thì thấy một người cao và trắng trẻo, thằng bé nói thêm vẻ luyến tiếc, “nhưng mà ông đó không có râu”.

Cuối cùng chúng tôi cũng mua xong và rời cửa hàng mà không buồn đính chính câu chuyện bịa đặt vừa rồi.

Tôi hỏi vẻ trách móc: “Vì sao chúng ta phải làm thế hả Poirot?”

“Ừ, tôi muốn thử xem liệu có khả năng người ta trông thấy ai lạ mặt bước vào cửa hàng đối diện không”.

“Sao ông không hỏi thẳng để khỏi phải nói dối?”

“Không đâu, ông bạn à. Nếu ‘hỏi thẳng’ như ông bảo thì tôi không bao giờ nhận được câu trả lời nào. Ông là người Anh thế mà không biết người Anh phản ứng ra sao với câu hỏi trực tiếp. Người ta luôn nghi ngờvà kết quả tất yếu là họ sẽ trở nên dè dặt. Nếu tôi hỏi thẳng mấy người kia, họ sẽ câm như hến. Nhưng khi tôi kể chuyện (hơi sai lệch và phi lý) và ông lại thêm vào ý trái ngược thì người ta buộc phải lên tiếng ngay. Chúng ta còn biết lúc đó là giờ cao điểm, mọi người ai lo việc nấy và có nhiều người qua lại trên vỉa hè. Tên giết người đã chọn thời điểm quá thích hợp, Hastings à”.

Ông ngưng nói rồi lên tiếng trách móc:

“Kiến thức phổ thông của ông bỏ đi đâu hết vậy, Hastings? Tôi bảo ông mua gì cũng được và thế là ông chọn ngay dâu tây! Chúng bắt đầu thấm qua bao và chuẩn bị vấy sang bộ com-plê của ông rồi đó”.

Tôi lo lắng khi nhận ra sự thật phũ phàng.

Tôi vội vàng đưa số dâu mới mua cho một đứa bé trai khiến nó rất ngạc nhiên và hơi nghi ngờ.

Poirot lại đưa thêm cả xà lách khiến đứa bé càng hoang mang.

Ông tiếp tục giảng giải.

“Ở mấy cửa hàng rau quả rẻ tiền, đừng bao giờ mua dâu tây. Dâu tây nếu không phải mới hái thì hay bị chảy nước lắm. Chuối, táo hay bắp cải thì được chứ đừng mua dâu tây”.

Tôi giải thích kiểu bào chữa: “Nó là thứ đầu tiên tôi nghĩ đến”.

Poirot lạnh lùng trả lời: “Trí tưởng tượng của ông phải hơn thế chứ”.

Ông dừng lại trên vỉa hè.

Nhà và cửa hàng phía bên phải nhà bà Ascher đều bỏ trống. Tấm biển “Cho thuê” treo trên cửa sổ. Bên phía còn lại là một ngôi nhà có rèm cửa may bằng vải mút-xơ-lin phủ đầy bụi bẩn.

Poirot chú ý đến ngôi nhà này. Nhà không có chuông nên phải gõ cửa nhiều lần.

Hồi lâu, một thằng bé dơ dáy mũi chảy lòng thòng ra mở cửa.

Poirot nói: “Chào cháu. Mẹ cháu có nhà không?”

Thằng bé hỏi lại: “Dạ?”

Nó nhìn chúng tôi không mấy thiện cảm và có vẻ rất nghi ngờ.

Poirot lặp lại: “Mẹ cháu ấy”.

Phải mất vài chục giây sau thằng bé mới quay về phía cầu thang và hét lớn: “Mẹ ơi, có khách” rồi nhanh chóng trốn biệt vào trong căn nhà lờ mờ tối.

Người phụ nữ vẻ mặt sắc sảo nhìn qua lan can cầu thang rồi mới đi xuống.

“Ông chỉ tốn công vô ích thôi...” bà ta bắt đầu nói thì Poirot ngắt lời.

Ông ngả mũ và cúi đầu chào rất điệu nghệ.

“Chào bà. Tôi là nhân viên báo Evening Flicker. Tôi rất mong bà nhận 5 bảng Anh và cung cấp cho chúng tôi thông tin để viết về người hàng xóm quá cố của bà, bà Ascher”.

Những lời giận dử chững lại trên môi bà nọ rồi bà ta đi xuống cầu thang, tay thì vuốt tóc, tay thì kéo váy áo.

“Mời ông vào, phía bên trái ấy. Mời ông ngồi”.

Bộ bàn ghế sa-lông làm cho căn phòng chật hẹp càng bề bộn hơn nhưng chúng tôi cũng cố gắng lách mình qua để ngồi lên chiếc ghế sofa cứng ngắc.

Người đàn bà nói: “Ông thứ lỗi cho. Tôi rất xin lỗi vì đã nói với ông bằng giọng điệu gay gắt lúc nãy, nhưng ông khó mà tin được tôi phải chịu đựng đến mức nào đâu. Nào là mấy gã đến chào bán cái này cái kia, nào là máy hút bụi, tất, túi thơm và những thứ vớ vẩn khác. Tất cả đều là bọn dẻo miệng và ăn nói lịch sự. Họ nhớ cả tên của khách hàng nữa. Nào là bà Fowler này bà Fowler nọ”.

Poirot khéo léo nắm ngay tên bà, ông nói:

“Bà Fowler này, hy vọng bà sẽ làm theo yêu cầu của tôi”.

“Chắc là tôi không biết gì đâu”. Năm bảng Anh treo lơ lửng mời gọi trước mắt bà Fowler. “Đương nhiên tôi biết bà Ascher nhưng để viết về bà ấy thì chưa chắc”.

Poirot vội vàng trấn an. Bà không phải làm gì nhiều. Ông sẽ khai thác thông tin từ bà và sẽ viết thành một bài phỏng vấn.

Vì được khuyến khích, bà Fowler vui vẻ hồ hởi kể lại rồi đưa ra phán đoán và thêm thắt vào cả tin đồn nữa.

Bà Ascher sống rất khép kín. Bà không hẳn quá thân thiện nhưng ở đây ai cũng biết bà gặp nhiều phiền toái, tội nghiệp bà cụ. Và đúng ra Franz Ascher phải bị bỏ tù lâu rồi. Không phải bà Ascher sợ ông ta vì bà có thể nổi cơn tam bành khi bị chọc giận. Bà ấy lúc nào cũng ăn miếng trả miếng. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, người ta nói già néo đứt dây. Nhiều lần bà Fowler nói với bà Ascher: “Rồi có ngày ông ấy hại bà cho mà xem. Nhớ lời tôi đó”. Và ông ta đã làm thế phải không nào? Bà Fowler ở sát bên mà không nghe thấy bất kỳ tiếng động nào.

Khi bà ta ngừng kể, Poirot cố chèn vào một câu hỏi.

Bà Ascher có nhận được lá thư nào đặc biệt không, loại thư không có chữ ký đàng hoàng hoặc chỉ ký là A B C?.

Đáng tiếc bà Fowler trả lời là không có.

“Tôi biết điều ông đang muốn nói tới, loại thư nặc danh có những ngôn từ mà khi đọc lên người ta thấy ngượng cả mồm chứ gì. Ừm, chắc chắn tôi không biết liệu Franz Ascher có thể viết những thứ như thế không. Mà nếu ông ta có viết thì bà Ascher cũng không tiết lộ với tôi đâu. Gì cơ? Quyển thông tin đường sắt A B C à? Không, tôi chưa bao giờ thấy nhưng chắc chắn nếu bà Ascher được gửi thì tôi đã biết rồi. Tôi quá đỗi ngạc nhiên khi nghe về chuyện đó. Con gái Edie của tôi kể với tôi rằng: ‘Mẹ ơi, bên nhà hàng xóm có nhiều cảnh sát quá’. Tôi giật mình. Khi nghe về vụ án tôi nói: ‘Chà, đáng lẽ bà không nên ở một mình, đáng lẽ đứa cháu gái đó phải ở với bà’. Tôi nói: ‘Đàn ông say rượu giống như con sói đói mồi. Còn lão chồng khốn kiếp của bà thì như thú dữ. Tôi cảnh báo bà ấy thế nhiều lần rồi và giờ đây những lời tôi nói đã thành sự thật, ông ta sẽ làm thế với bà’. Và ông ta đã làm thế thật! Không ai có thể đoán được kẻ say rượu sẽ làm gì và vụ giết người này là một minh chứng”.

Nói rồi bà ta thở hổn hển.

Poirot hỏi: “Tôi đoán không ai thấy ông Ascher vào cửa hàng đúng không?”

Bà Fowler khịt mũi vẻ khinh bỉ.

“Đương nhiên là ông ấy không để ai thấy rồi”, bà nói.

Còn làm thế nào ông Ascher đi vào đó mà không ai biết thì bà không hề giải thích.

Bà thừa nhận nhà đó không có cửa sau và ở khu phố này ai cũng biết mặt ông Ascher rất rõ.

“Nhưng chắc chắn ông ấy không để lộ rồi, ông ấy núp rất kỹ”.

Poirot kéo cuộc nói chuyện lâu thêm chút nữa nhưng dường như bà Fowler đã kể hết những gì bà ấy biết không chỉ một lần mà rất nhiều lần nên ông kết thúc buổi phỏng vấn sau khi trả số tiền như đã hứa.

Khi chúng tôi đã ra ngoài đường tôi mạnh dạn nhận xét: “Cũng đáng 5 bảng Anh, Poirot nhỉ”.

“Ừ, cho đến bây giờ thì đúng thế”.

“Ông có nghĩ bà ấy biết nhiều hơn những điều bà ấy mới kể không?”

“Ông bạn thân mến, chúng ta đang ở trong tình thế không biết phải hỏi gì. Chúng ta như lũ trẻ con chơi trốn tìm trong bóng tối. Chúng ta đưa tay ra mò mẫm. Bà Fowler kể cho chúng ta tất cả những điều mà bà ta nghĩ là mình biết, rồi còn đưa ra phỏng đoán này nọ nữa! Dù vậy, sau này những chứng cứ của bà sẽ có ích cho chúng ta. Vì lợi ích sau này mà tôi phải đầu tư 5 bảng Anh đấy”.

Tôi chưa hiểu hết ý ông, nhưng đúng lúc ấy chúng tôi tình cờ gặp thanh tra Glen.

Chú thích:

[1] Ừ, có lẽ ở đây...

[2] Đúng thế.