Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 15: Ngài carmichael clarke




Churston nằm ở chặng giữa đoạn cong của vịnh Torbay với Brixham một bên và Paignton và Torquay một bên. Mới mười năm trước, nơi này vẫn chỉ là một sân golf và bên dưới sân golf là khung cảnh miền quê xanh mướt uốn lượn ra đến tận biển, chỉ điểm xuyết một vài trang trại có người ở. Nhưng vài năm sau đó, có nhiều dự án xây dựng lớn mọc lên ở đoạn giữa Churston và Paignton và dải bờ biển này giờ đây rải rác nhiều nhà ngôi nhà nhỏ, con đường mới, vân vân.

Ngài Carmichael Clarke mua một khu đất rộng hai mẫu nhìn thẳng ra biển. Ngôi nhà ông xây có kiến trúc hiện đại - nhà hình khối chữ nhật màu trắng nhưng khá bắt mắt. Ngoài hai phòng trưng bày lớn dành cho bộ sưu tập của ông, ngôi nhà thật ra không lớn lắm.

Chúng tôi đến đấy lúc 8 giờ sáng. Một cảnh sát địa phương đón chúng tôi ở ga và báo cáo tình hình vụ án.

Theo lời kể thì ngài Carmichael Clarke có thói quen đi dạo sau bữa ăn tối mỗi ngày. Khi cảnh sát gọi điện đến nhà - khoảng sau 11 giờ - lúc ấy ông chưa về. Vì ông hay đi dạo ở những nơi quen thuộc nên chẳng bao lâu đội tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của ông. Nguyên nhân tử vong là do nạn nhân bị đánh vào sau đầu bằng một vật nặng. Quyển A B C đang mở nằm úp trên thi thể nạn nhân.

Chúng tôi đến Combeside (tên ngôi nhà) vào khoảng 8 giờ sáng. Một người quản gia già ra mở cửa, nhìn đôi tay run rẩy và khuôn mặt lo lắng cũng đoán được thảm kịch đó khiến ông ta bị chấn động đến mức nào.

“Xin chào ông Deveril”, viên cảnh sát lên tiếng.

“Xin chào, ông Wells”.

“Các vị đây từ Luân Đôn đến, ông Deveril ạ”.

“Đi lối này, thưa các ông”. Ông dẫn chúng tôi vào một phòng ăn dài và trên bàn đã bày bữa sáng. “Tôi sẽ đi mời ông Franklin”.

Vài phút sau, một người đàn ông tóc vàng cao to với khuôn mặt rám nắng bước vào phòng.

Đó là Franklin Clarke, em trai duy nhất của người đàn ông quá cố.

Anh ta là con người kiên định và đã quá quen đương đầu với những việc khẩn cấp.

“Xin chào các ông”.

Thanh tra Wells giới thiệu từng người.

“Đây là thanh tra Crome từ Cục Điều tra Hình sự, ông Hercule Poirot và Đại úy Hayter”.

“Hastings”, tôi lạnh lùng sửa lại.

Franklin Clarke lần lượt bắt tay từng người và cái bắt tay nào cũng kèm theo một cái nhìn sắc lẹm.

“Mời các ông dùng chút điểm tàm”, anh ta nói. “Chúng ta sẽ vừa ăn vừa bàn chuyện”.

Không ai phản đối nên chẳng bao lâu sau chúng tôi ngồi vào bàn thưởng thức bữa ăn sáng ngon lành gồm có trứng, thịt lợn muối xông khói và cà phê.

“Nói về vụ án”, Franklin Clarke mở lời. “Tối qua, thanh tra Wells đã cho tôi biết sơ qua tình hình - dù vậy tôi thấy đây là câu chuyện tàn bạo nhất mà tôi từng được nghe. Thanh tra Crome, có đúng người anh tội nghiệp của tôi là nạn nhân của một kẻ cuồng sát và đây là vụ án thứ ba hắn thực hiện và ở mỗi vụ án quyển thông tin đường sắt A B C lại được đặt bên cạnh thi thể nạn nhân?”

“Đúng như thế đấy, ông Clarke ạ”.

“Nhưng tại sao? Dù là trong ý nghĩ bệnh hoạn nhất, gây tội ác như thế thì được lợi ích gì...?”

Poirot gật đầu đồng tình: “Ông đánh trúng vào trọng tâm vấn đề rồi đấy, ông Franklin”.

“Hiện tại chúng tôi chưa tìm ra động cơ nào chính đáng cả”, thanh tra Crome trả lời. “Đây là vấn đề của các nhà tâm thần học - dù thế có thể nói tôi đã có chút kinh nghiệm với loại tâm lý tội phạm này và động cơ thường rất ít. Có sự khao khát muốn khẳng định cá tính hắn, để lôi cuốn sự chú ý của công chúng - trong trường hợp này là để được trở thành một ai đó thay vì là một kẻ vô danh tiểu tốt”.

“Có đúng vậy không, ông Poirot?”

Clarke có vẻ ngờ vực. Sự quan tâm của anh ta dành cho người lớn tuổi hơn khiến thanh tra Crome cau mày lộ vẻ không vui.

“Đúng đấy”, ông bạn tôi đáp.

“Sớm muộn gì tên đó cũng bị bắt thôi”, Clarke nói vẻ nghĩ ngợi.

“Vous croyez? [1] A, nhưng chúng rất xảo quyệt - những kẻ đó là thế mà! Và anh phải biết là những kẻ như thế thường không quan trọng gì - hắn thuộc loại người bị bỏ rơi, không ai để ý hoặc thậm chí bị chế nhạo!”

“Ông vui lòng cho chúng tôi một ít thông tin được không, ông Clarke”, Crome nói, cắt ngang câu chuyện.

“Được chứ”.

“Tôi đoán hôm qua sức khỏe và tinh thần của anh trai ông vẫn bình thường, đúng không ạ? Ông ấy không nhận được lá thư nào bất ngờ chứ? Không có gì khiến ông ấy phiền lòng chú?”

“Không. Tôi thấy anh ấy vẫn thế”.

“Không cáu bẳn hay lo lắng gì chứ”.

“Xin lỗi, ông thanh tra. Tôi không nói vậy. Đối với anh trai tôi thì cáu bẳn và lo lắng là tình trạng bình thường của anh ấy”.

“Sao lại thế ạ?”

“Chắc ông chưa biết nhưng chị dâu tôi, phu nhân Clarke, lâm bệnh nặng. Giữa chúng ta với nhau, tôi xin nói thẳng là chị dâu tôi bị bệnh ung thư nan y và không sống được bao lâu nữa. Bệnh tình của chị ám ảnh tâm trí anh trai tôi ghê gớm. Tôi cũng chỉ mới từ miền Đông về không lâu và tôi thật sự bị sốc khi thấy anh tôi thay đổi quá nhiều”.

Poirot hỏi chen vào.

“Anh Clarke này, giả sử nếu người ta tìm thấy anh trai anh bị bắn ở chân vách núi hay bị bắn bằng súng lục tìm thấy bên cạnh thi thể của anh ấy thì ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu anh là gì?”

“Nói thật tôi sẽ kết luận ngay đó là một vụ tự sát”, Clarke đáp.

“Encore!” [2] Poirot nói.

“Gì vậy ạ?”

“Một sự kiện lặp đi lặp lại. Không đáng chú ý đâu”.

“Dù sao, đây cũng không phải là một vụ tự sát”, Crome nói cộc lốc. “Thưa ông Clarke, có phải anh trai ông có thói quen đi dạo vào mỗi chiều tối không?”

“Đúng. Anh ấy luôn làm thế”.

“Đêm nào cũng thế?”

“Ờ, đương nhiên nếu mưa to quá thì thôi”.

“Và mọi người trong nhà ai cũng biết thói quen này của ông ấy?”

“Đúng thế”.

“Còn người ngoài thì sao ạ?”

“Tôi không hiểu ý ông nói người ngoài là sao. Tôi không rõ người làm vườn có để ý đến việc đó không”.

“Thế người trong làng thì sao?”

“Nói thật nơi này chưa hẳn là một ngôi làng. Ở Churston Ferrers chỉ có một bưu điện và một vài túp nhà thôi chứ không có làng hay cửa hàng gì cả”.

“Tôi đoán nếu một người lạ quanh quẩn ở đây thì sẽ dễ bị phát hiện đúng không ạ?”

“Ngược lại là đằng khác. Vào tháng 8, vùng này có nhiều người lạ đến lắm. Mỗi ngày đều có người từ Brixham, Torquay và Paignton đi xe riêng, đi xe buýt, hay đi bộ đến đây. Broadsands ở dưới kia (anh ta chỉ tay theo hướng đó) là một bãi biển rất nổi tiếng và Elbury Cove cũng thế - là thắng cảnh lừng danh nên người ta đến để picnic. Tôi ước giá mà họ đừng đến! Ông không tưởng tượng nổi nơi này đẹp và yên bình thế nào vào tháng 6 và đầu tháng 7 đâu”.

“Thế ý ông là người lạ khó mà bị chú ý?”

“Không, trừ khi hắn bị... ờ.... điên”.

“Tên này không giống kẻ điên đâu ạ”, Crome nói chắc nịch. “Thưa ông Clarke, ý tôi là, tên này hẳn đã dòm ngó ở đây trước và hắn phát hiện ra anh trai ông có thói quen đi dạo vào buổi tối. Nhân tiện, tôi đoán chắc hôm qua không có ai đến nhà và xin gặp ngài Carmichael đúng không?”

“Tôi không rõ lắm, nhưng để tôi hỏi Deveril xem”.

Anh ta rung chuông và đặt câu hỏi cho người quản gia.

“Không có thưa ông, không ai đến gặp ngài Carmichael cả ạ. Và tôi cũng không thấy ai lảng vảng bên ngoài nhà ạ. Tôi đã hỏi người hầu trong nhà và họ cũng không thấy ai lạ hết”.

Người quản gia đợi một chốc rồi hỏi: “Vậy thôi phải không, thưa ông?”

“Ừ, ông có thể lui ra, Deveril”.

Người quản gia lui ra, đi bằng lối cửa sau và nhường đường cho một cô gái trẻ bước qua.

Franklin Clarke đứng dậy khi cô gái tiến vào.

“Thưa các ông, đây là cô Grey. Thư ký của anh trai tôi”.

Làn da trắng khác thường của cô gái kiến tôi chú ý ngay lập tức. Cô có mái tóc màu xám bạc gần như không màu, đôi mắt nâu nhạt, và nước da trắng muốt như da của người Na Uy và Thụy Điển. Cô trông chừng 27 tuổi và có vẻ vừa giỏi giang vừa xinh đẹp.

Cô ngồi xuống ghế rồi hỏi: “Tôi có thể giúp gì được cho các ông không ạ?”

Clarke bung cho cô một tách cà phê, cô từ chối không ăn.

Crome hỏi: “Cô phụ trách thư từ của ngài Carmichael đúng không?”

“Vâng ạ, tất cả các loại thư từ”.

“Tôi đoán ông ấy không bao giờ nhận được lá thư nào ký tên là A B C đúng không?”

“A B C à?” Cô lắc đầu. “Không, tôi chắc chắn ông ấy không hề nhận được thư nào như thế”.

“Ông ấy không kể là thời gian gần đây có thấy ai đó lảng vảng xung quanh trong lúc ông ấy đi dạo vào buổi tối à?”

“Không, không có”.

“Cô cũng không thấy ai lạ sao?”

“Không hẳn là lảng vảng quanh đây. Đương nhiên có nhiều người quanh quẩn trong vùng vào khoảng thời gian này trong năm. Người ta thường thấy có người đi dạo loanh quanh trên sân golf hoặc đi xuống mấy con đường dẫn ra biển. Thực ra bất kỳ ai mà người ta gặp vào khoảng thời gian này đều là người lạ”.

Poirot gật đầu vẻ nghĩ ngợi.

Thanh tra Crome yêu cầu được đưa đến nơi mà ngài Carmichael hay đi dạo vào buổi tối. Franklin Clarke dẫn mọi người qua lối cửa kiểu Pháp, cô Grey cũng đi với chúng tôi.

Cô và tôi đi sau cùng.

Tôi mở lời: “Tất cả sự việc này đều gây sốc cho cả nhà nhỉ”.

“Đúng là khó mà tin được ạ. Tối qua tôi đi ngủ rồi thì cảnh sát gọi điện. Tôi nghe tiếng người dưới nhà và khi tôi đi xuống hỏi có chuyện gì xảy ra thì Deveril và ông Clarke vừa chuẩn bị đi ra tay cầm đèn”.

“Ngày Carmichael thường đi bộ về lúc mấy giờ?”

“Khoảng 10 giờ kém 15 ạ. Ông thường vào nhà bằng cửa bên và đôi khi ông đi ngủ luôn nhưng cũng có lúc ống đến phòng trung bày bộ sưu tập của ông. Đó là lý do vì sao nếu cảnh sát không gọi điện thì có lẽ không ai để ý cho đến khi họ đến tìm ông vào sáng nay”.

“Chắc bà vợ ông bị sốc dữ lắm nhỉ?”

“Phu nhân Clarke phải dùng moọc-phin nhiều lắm. Tôi nghĩ bà ấy không tỉnh táo nên không biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh”.

Chúng tôi đi đến sân golf bằng lối cổng phụ trong vườn. Sau khi băng qua một góc sân golf, chúng tôi bước qua hàng rào thấp rồi xuống con đường dốc ngoằn ngoèo.

“Con đường này dẫn đến Elbury Cove”. Franklin Clarke giải thích. “Nhưng hai năm trước họ làm một con đường mới dẫn từ đường cái đến Broadsands và đến tận Elbury nên con đường này hầu như bị bỏ hoang”.

Chúng tôi đi dọc con đường đó. Cuối con đường, có một lối rẽ giữa những bụi mâm xôi và dương xỉ dẫn xuống biển. Đột nhiên chúng tôi ra tới mép bờ đất cỏ xanh rì nhìn ra biển và một bãi cát đầy những viên sỏi trắng óng ánh. Cây cối có tán tròn xanh đậm mọc tràn xuống tận biển. Đúng là một thắng cảnh quyến rũ lòng người với màu trắng, xanh lục đậm và màu ngọc bích.

Tôi ồ lên: “Đẹp quá!”

Clarke vui vẻ nhìn tôi.

“Chẳng phải thế sao? Sao người ta phải ra nước ngoài để đến tận Riviera trong khi chúng ta có cảnh đẹp thế này! Tôi đã lang thang khắp nơi trên thế giới bấy lâu và nói thật thì tôi chưa thấy nơi nào đẹp bằng nơi này”.

Rồi như xấu hổ vì vẻ hồ hởi của mình, anh ta nói với giọng hợp hoàn cảnh hơn:

“Đây là nơi anh trai tôi hay đi dạo vào buổi tối. Anh đi tới tận đây rồi quay lại con đường đó, và thay vì rẽ trái anh rẽ phải, đi ngang qua nông trại, sau đó băng qua mấy cánh đồng để trở về nhà”.

Chứng tôi tiếp tục đi cho tới khi đến nơi tử thi được phát hiện nằm gần hàng rào, đoạn giữa cánh đồng.

Crome gật đầu.

“Dễ thật. Tên đó đứng đợi trong bóng tối. Anh trai của ông không thấy gì cho tới khi bị đánh gục”.

Cô gái đứng cạnh tôi chợt rùng mình.

Fraklin Clarke nói:

“Vững vàng lên nào Thora. Đúng là rất dã man nhưng tránh né sự thật cũng chẳng ích gì đâu”.

Thora Grey - cái tên rất hợp với cô gái.

Chúng tôi quay lại ngôi nhà lúc thi thể đã được đưa về sau khi người ta chụp ảnh xong.

Khi chúng tôi bước lên cầu thang rộng, vị bác sĩ bước ra khỏi phòng, tay cầm một cái túi đen.

Clarke hỏi: “Có điều gì ông cần báo cho chúng tôi không, bác sĩ?”

Vị bác sĩ lắc đầu.

“Một vụ án quá đơn giản. Tôi sẽ giữ lại các chi tiết chuyên môn để điều tra. Dù sao thì ông ấy không phải chịu đựng đau đớn. Cái chết đến tức khắc”.

Ông bỏ đi.

“Tôi đi khám bệnh cho phu nhân Clarke đâ nhé”.

Một cô y tá bệnh viện bước ra từ căn phòng nằm phía cuối dãy hành lang và ông bác sĩ đến gặp cô ấy.

Chúng tôi đi vào căn phòng lúc nãy bác sĩ mới bước ra.

Tôi quay ra liền. Thora Grey vẫn đang đứng ở bậc trên cùng của cầu thang.

Trên khuôn mặt cô xuất hiện một nỗi sợ hãi kỳ lạ.

“Cô Grey này”, tôi dừng lại. “Sao thế cô?”

Cô ta nhìn tôi.

“Tôi đang nghĩ về chữ D”, cô nói.

“Về chữ D ư?” Tôi nhìn chằm chằm vào cô, mặt thộn ra.

“Vâng. Vụ giết người tiếp theo. Phải làm gì đó thôi. Phải ngăn chặn chứ”.

Clarke bước ra khỏi phòng và đứng sau lưng tôi. Anh nói:

“Cái gì cần phải bị ngăn chặn thế, Thora?”

“Những vụ giết người ghê rợn này ạ”.

“Ừ”. Môi anh ta trề ra vẻ hằn học, rồi đột nhiên nói: “Tôi muốn nói chuyện với ông Poirot một lúc... Thanh tra Crome có giỏi không?”

Tôi trả lời rằng anh ta có vẻ là một thanh tra rất thông minh.

Đáng lẽ giọng tôi phải hào hứng hơn.

“Thái độ của anh ta hung hãng quá”, Clarke nói. “Anh ta làm như thể cái gì anh ta cũng biết - nhưng anh ta biết gì cơ chứ? Tôi thấy là anh ta chẳng biết gì cả”.

Anh im lặng vài phút rồi nói tiếp:

“Ông Poirot đúng là người đáng đồng tiền tôi bỏ ra. Tôi có kế hoạch này nhưng chúng ta sẽ bàn sau”.

Anh ta đi dọc hành lang và gõ vào cánh cửa mà vị bác sĩ lúc nãy đã đi vào.

Tôi chần chừ vài giây. Cô gái thì đứng nhìn về phía trước mặt.

“Cô đang nghĩ gì thế, cô Grey?”

Cô gái đưa mắt nhìn tôi.

“Tôi băn khoăn không biết hắn ta bây giờ đang ở đâu... ý tôi là tên giết người ấy. Vụ án xảy ra chưa đầy 12 tiếng... Ôi! Sao không có nhà tiên tri tài ba nào có thể thấy được bây giờ hắn ở đâu và đang làm gì...”

Tôi đáp: “Cảnh sát đang truy tìm....”

Những lời cũ rích của tôi hóa ra lại hiệu nghiệm. Thora Grey bình tĩnh trở lại.

“Vâng. Tất nhiên rồi”, cô nói.

Xong cô bước xuống cầu thang. Tôi nán lại đó một chốc nữa để nghiền ngẫm những lời nói của cô trong đầu.

A B C....

Giờ này hắn ta đang ở đâu...?

Chú thích:

[1] Anh nghĩ thế sao?

[2] Lại nữa rồi!