Anh Sĩ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh A. Vì không có tiền đi bệnh viện nên mẹ Sĩ sinh anh ngay tại nhà do một bà hộ sinh đỡ đẻ. Ngày anh sinh ra, quạ bay đậu kín nóc nhà, người ta gọi đó là điềm gở.
Anh vừa cất tiếng khóc chào đời thì gia đình anh hay tin bác trai và ông ngoại của anh mất lái, đâm vào cột điện ngoài đầu làng tử vong. Những người hàng xóm nói rằng anh đã khắc chết người ông và bác trai độc đinh của dòng họ nhà ngoại, là đứa trẻ xui xẻo không nên tồn tại trên cõi đời này. Cũng chính vì những lẽ đó nên anh bị cả gia đình ghét bỏ, xa lánh, coi rằng như vậy là bất bình thường. Duy chỉ có mẹ của anh là vẫn chăm sóc yêu thương anh như lẽ thường. Càng lớn lên, Sĩ càng bộc lộ những điểm kì quái. Anh hãy mơ thấy người này người kia tiến tới nói chuyện với mình ngay sát bên giường ngủ, đôi khi còn nói trước được những việc sắp xảy ra.
Gia cảnh đã nghèo khó, bố anh lại thêm tính cờ bạc rượu chè. Mẹ anh làm điều dưỡng viên của trạm xá của huyện, đồng lương còm cõi chẳng được bao nhiêu. Bà đành phải làm thêm nghề nông kiếm thêm chút ít, tần tảo nắng mưa quanh năm. Cứ khi nào mẹ anh không đưa được tiền cho bố anh là bà lại bị đánh đập, giày xéo không thương tiếc. Cứ khoảng 10 năm như thế, mẹ anh không chịu nổi tính ôm con bỏ đi biệt xứ. Thế nhưng hễ cứ ở bên cạnh Sĩ là mọi việc đều hỏng. Chần chừ mãi, cuối cùng bà cũng bỏ đi sau một trận đòn chí tử của người chồng vô dụng. Bà để lại Sĩ cùng với bố của mình, không dám đưa anh theo. Vậy là chuỗi ngày bất hạnh của Sĩ bắt đầu dai dẳng. Cậu bé 10 tuổi khóc cạn nước mắt không biết tại sao mẹ lại bỏ rơi mình. Không có người trút giận, bố anh lôi anh ra làm bia đỡ đạn. Bao nhiêu trận đòn roi trút lên người cậu bé gầy guộc mới có 10 tuổi này. Sĩ học hết lớp 4 thì nhà cạn tiền, ông bố bắt cậu phải theo lũ trẻ con lên tỉnh để ăn xin. Nếu không mang đủ tiền về cậu sẽ bị bỏ đói, đánh đập. Cuộc đời của anh không dễ dàng như vậy. Trên đường phố, Sĩ luôn bắt gặp những chiếc bóng mờ mờ trăng trắng, hình người lao vào trêu chọc, cướp tiền, cướp đồ ăn của mình. Sĩ không biết những thứ đó là gì nhưng anh rất sợ chúng. Tiền Sĩ mang về rồi cũng chẳng được bao nhiêu.
Một lần đói quá, Sĩ bèn ăn trộm miếng chả ở cửa hàng giò lụa. Rồi nhiều lần như thế quen thói, Sĩ nhón tay ăn cắp hết hàng này đến hàng khác. Điều gì đến cũng đến, Sĩ bị chủ cửa hàng bắt được, đánh cho một trận nhừ tử. Không may cho Sĩ, cú đánh bằng gậy gỗ đã làm cậu gãy cổ chân. Lê lết về đến nhà, Sĩ đau đớn mê man đi. Thế nhưng bố của anh chẳng thèm bận tâm, nhà cũng không đủ tiền chữa trị cho anh. Thế là chân của Sĩ thành tật từ ấy. Họ hàng hai bên thấy thế cũng thương cảm, quan tâm đến cậu bé hơn trước.
Những ngày sau, người cô bên nội kiếm được công việc làm công nhân một nhà máy trên HN cho bố Sĩ. Ông bèn kéo theo anh lên thành phố kiếm sống. Hai bố con ở trong một nhà trọ vô cùng chật hẹp bẩn thỉu, sống tiếp cõi đời lầm than. Sĩ lớn dần thành một chàng trai có sức vóc, làm nghề bốc vác kiếm sống qua ngày. Cuộc sống vẫn không hề khấm khá lên bao nhiêu. Vận may luôn luôn từ chối anh. Nhiều lần anh bị chủ công trình quỵt mất tiền lương. Những ảo giác anh nhìn thấy ngày một rõ hơn. Họ ở khắp mọi nơi, nhìn chằm chằm vào anh, đi theo anh khiến Sĩ vô cùng mỏi mệt và buồn khổ mà không dám nói ra với ai.
Có lần bà cô của Sĩ lên thăm hai bố con, bà nhờ Sĩ đèo đi tới một ngôi đền nổi tiếng ở ngoại ô thành phố. Vừa theo bà vào cửa, anh đã bị thanh đồng chỉ thẳng mặt: "Kiếp đọa đày chưa dứt đâu. Tổ tiên bà cách đây 13 đời từng gϊếŧ con nhà quan, giờ cái nghiệp này phải trả cho hết. Tên đó giờ đầu thai vào cậu này để trả nghiệp cho gia tiên, làm ghế hầu Thánh, căn ông Hoàng Bảy. Khi nào trả hết nghiệp may ra mới bớt khổ. Các nhánh khác của gia tộc cũng không thể vượng phát lên được. Đúng là tích phúc rất khó còn hao phúc thì dễ vô cùng..."
Nghe thế Sĩ run rẩy cả người. Anh lắp bắp nói ra những trải nghiệm của mình trong suốt những năm qua, mong được cứu giúp.
"Thế phải làm lễ khất đồng thôi... Chà, cũng khá tiền đấy. Cậu có không?"
Câu hỏi cuối cùng của bà đồng làm anh nín lặng. Anh không có.
Thấy anh chen việc của mình, bà cô đuổi anh ra ngoài. Không giải quyết được gì nhưng chí ít từ hôm đó anh cũng đã hiểu ra về năng lực đặc biệt của mình.
Sau bao nhiêu năm, bố anh vẫn quen thói cờ bạc rượu chè. Năm ấy bố anh thua bạc một số tiền lớn không đủ khả năng chi trả. Bố anh gán nợ bằng tên anh rồi bỏ trốn. Chủ nợ đến tận nhà dằn vặt anh từng ngày. Chuỗi kiếp khổ nạn của Sĩ vẫn chưa chấm dứt. Không kiếm đủ tiền trả tiền phòng lại bị chủ nợ quấy rầy, chủ khu trọ đành phải đuổi anh đi. Không nhà, không cửa, không tiền, Sĩ lang thang ngoài khu cầu bắc ngang sông, dùng những đồng tiền cuối cùng mua một chiếc bánh mì khô khốc, vừa ngồi gặm vừa khóc nấc lên. Đã lâu lắm rồi từ ngày bị đánh gãy chân, anh không khóc. Anh hiểu rằng nếu như bản thân anh không mạnh mẽ thì sẽ chẳng có ai cứu giúp. Nhưng thực sự ngày hôm ấy anh không còn đủ mạnh mẽ nữa. Nghiệp báo này đến bao giờ anh mới có thể trả hết?
Bỗng nhiên một chiếc xe ô tô đỗ kít lại. Cánh cửa sổ hạ xuống.
"Cậu trai, sao cậu lại ngồi đây?" Một người đàn bà đeo kính râm nói với ra.
Anh Sĩ im lặng. Lại có người muốn chế giễu anh nữa sao?
"Đi theo tôi. Cậu sẽ có nhà, có tiền. Được không?"
Sĩ vẫn im lặng. Xã hội giờ đảo điên, anh không nên tin tưởng ai hết.
"Bộp..." Một tập gì đó bọc trong giấy rơi xuống trước mặt anh.
"Cầm lấy đi rồi suy nghĩ nhé." Nói xong chiếc xe ô tô rời đi.
Sĩ run run mở bọc giấy ra: 5 triệu tiền mặt. Một số tiền quá lớn với anh ở thời điểm ấy. Trên tờ giấy còn ghi rõ địa chỉ một bệnh viện nào đó nếu anh cần tìm đến.
Một tháng sau, số tiền đã sớm cạn kiệt. Lũ đòi nợ vẫn ráo riết tìm anh và lột hết số tiền còn lại trên người anh. Bất đắc dĩ, anh phải tìm tới địa chỉ bệnh viện, gặp người phụ nữ hôm nào. Bà ta đón tiếp anh niềm nở với nụ cười trắng bóng. Bà ta chính là giám đốc bệnh viện tư nhân này.
Bà ta nói rằng có công việc cần người như anh làm, có tiền lương ổn định hàng tháng và nhàn hạ, chu cấp cả nhà ở cho anh luôn.
"Sao lại là tôi?" Anh thắc mắc.
"Vì anh có chút năng lực đặc biệt còn gì... Anh sẽ quản lý được thôi."
Hóa ra công việc bà ta giao cho anh là làm quản trang cho một nghĩa địa gần đó. Công việc khá nhàn hạ, chỉ giúp đỡ các gia quyến thực hiện các nghi lễ an táng, quản lý quy hoạch đất và chăm sóc mộ phần những người đã khuất. Đơn giản như vậy nhưng đâu phải ai cũng dám làm. Nỗi sợ dâng lên trong anh. Người đàn bà lại trấn an: "Anh yên tâm, không có chuyện gì đâu. Tôi tặng anh lá bùa này, dán trong nhà vào ban đêm là không sao hết. Rồi... sau này tôi nhờ gì thì nhớ giúp nhé". Bà ta lấy từ trong ngăn kéo bàn một lá bùa gấp để trong túi zip. Lá bùa trông cứng, to và nặng, trên có ghi nhiều chữ ngoằn nghoèo màu đen.
"Cứ dán thôi, đừng mở lá bùa ra nhé. Trước khi nhận việc, anh cứ ở tạm phòng nghỉ của bệnh viện."
Nghe xuôi tai mà cũng cùng đường, anh Sĩ quyết định nhận công việc này.
Trên đường xuống tầng 1, anh tò mò bóc lá bùa ra xem. Anh phải kiểm tra xem họ có gài bẫy gì anh không. Dù không ăn học đầy đủ nhưng những chiêu trò ngoài phố chợ anh nắm rất rõ.
Lá bùa có hai mặt, dán vào nhau, ở giữa phồng lên như chứa thứ gì đó. Anh Sĩ khẽ dùng tay tách nhẹ hai mặt của lá bùa ra. Anh giật mình nhận ra một nắm tóc xác xơ đang được nhét ở giữa, xung quanh là.... Những chiếc móng tay vẫn còn rướm máu. Anh run rẩy trước hình ảnh đó rồi khẽ khép lá bùa vào. Loại bùa gì mà ghê rợn vậy?
Sau đó, người ta sắp xếp cho anh căn phòng nho nhỏ và lụp xụp ở ngoài nghĩa trang. Căn nhà nhỏ nhưng cũng đầy đủ tiện nghi. Chỉ ngặt một nỗi, căn nhà có mái bằng tôn, khi trời mưa nghe lộp độp ầm ĩ, thi thoảng có vài chỗ bị dột. Anh Sĩ bắt đầu cuộc sống kì lạ của một người quản trang từ đó. Ngoài lương của ủy ban trả, anh thi thoảng còn nhận được thêm chút tiền của gia quyến các nạn nhân gửi gắm. Anh còn nhận thêm đồ gia công về nhà làm. Cuộc sống cũng từ từ khấm khá lên.
Thế nhưng cuộc sống về đêm của anh lại là những nỗi ám ảnh. Những ngày đầu ở ngoài nghĩa trang, bốn bề xung quanh vắng lặng, chỉ có tiếng gió rít ở trên những lùm cây. Một tối, anh khẽ khép tất cả cửa sổ và cửa ra vào, nằm im trên chiếc giường chiếu cói, xem phim trên chiếc tivi nho nhỏ.
"Cộc cộc!" Tiếng gõ cửa vang lên giữa đêm.
"Ai đấy?" Anh Sĩ ngạc nhiên vì có người ghé qua vào giờ này.
"Cộc cộc"- " Cho tôi vào với, ngoài này lạnh quá!"
Nghe giọng nói đó, anh có chút gai sống lưng. Cẩn thận, anh xuống khỏi chiếc giường gỗ, lại gần chiếc cửa sổ mở hé, nhìn ra ngoài.
Khung cảnh đập vào mắt anh khiến anh như tê dại cả đi.
Có rất nhiều những khuôn mặt đang nhìn chằm chằm vào ngôi nhà của anh. Già có, trẻ có, trai gái đủ cả với những ánh mắt vô hồn. Họ đứng bên cạnh những bia mộ trải dài heo hút và tất cả đều không có chân. Vậy chắc chắn người gọi anh ngoài kia không phải con người...
Sĩ nghe tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực, anh khóa cửa sổ lại, miệng không ngừng lẩm bẩm: "Con nam mô a di đà phật..."
"Rầm Rầm!" Anh nghe tiếng động từ trên mái nhà.
"Ây! Cho vào với!". Tiếng nói, tiếng xì xào không ngớt vang lên dội vào trong.
Anh run rẩy lấy từ trong ngăn tủ ra lá bùa hôm trước, bất chấp mà dán lên trên cửa ra vào. Từ ấy, tiếng gọi cửa cũng im bặt. Anh ngủ qua đêm trong nỗi lo sợ thấp thỏm.
Những ngày sau ấy, những tiếng động kia không còn xuất hiện nữa, cuộc sống của anh dần ổn định trở lại. Cho đến một ngày, người đàn bà giám đốc bệnh viện kia gọi điện cho anh, kêu rằng anh hãy sắp xếp an táng cẩn thận bốn người giúp bà ta. Ngay sau đó, anh phải quan sát những người đàn ông lạ mặt chuyển chiếc quan tài vào nghĩa địa cuối giờ chiều, khi ánh dương đã dần tắt lịm.
"Xoẹt xoẹt! Xoẹt xoẹt!" Anh nghe thấy tiếng cào cấu phát ra từ trong những chiếc quan tài.
"Ơ này này! Hình như họ còn sống! Mở ra đi!"
Những người đàn ông cười, lắc đầu: "Còn sống sao được. Thứ khác còn sống thôi. Anh nhớ trông chừng cẩn thận bốn ngôi mộ này nhé. Đừng để những thứ đó bước ra khỏi nghĩa trang...Anh có năng lực, anh hiểu mà!"
Họ chôn 4 ngôi mộ ở bốn góc khác nhau của nghĩa trang, còn cẩn thận dùng cả đinh lớn đóng vào từng chiếc quan tài. Xong xuôi, họ đưa cho anh một chiếc hộp và dặn: "Để chiếc hộp này dưới giường anh nhé. Để may mắn thôi. Lúc nào cần thì ôm lấy chứ đừng mở ra..."
Anh mới đầu nghe chẳng hiểu gì. Nhưng ngay sau đó thì anh đã hiểu.
Những cơn ác mộng lại kéo tới. Anh đang thiu thiu ngủ trên giường thì nghe tiếng cửa sổ bật mạnh ra khỏi chốt. Gió lạnh thốc vào phòng. Anh mở mắt ra thì nhìn thấy một người phụ nữ da trắng bệch, mặc bộ đồ màu đen bí hiểm, giấu mặt trong chiếc khăn voan, tay đang bám vào khung cửa của anh, những ngón tay dài và lở loét hết...
Cô ta rít lên: "Thả ta ra! Thả ta ra! Ta vật chết ngươi. Quân đốn mạt".
Anh sợ hãi quá không biết nên làm gì. Có vẻ lá bùa dán trên cửa không có tác dụng.
Cô gái vẫn đứng ở cửa sổ nhìn chằm chằm vào trong bằng ánh mắt căm thù.
"Trời đất ơi, lại gì nữa đây... Cứu con với!" Anh thầm nghĩ. Thế rồi anh chợt nhớ ra chiếc hộp lạ, bèn cúi ngay xuống giường ôm lấy.
Đột nhiên hồn ma cô gái hét lên đau đớn rồi tan biến đi mất. Anh bàng hoàng không hiểu đây là thứ gì mà uy nghiêm đến thế. Anh tò mò cậy nắp hộp mở ra, quên khuấy lời dặn của những người đàn ông kia.
Đập vào mắt anh lại là một thứ ghê tởm: Một trái tim to lớn được khâu chằng chịt nhiều lớp với nhau. Trông rõ ràng là một trái tim người... Khắp trái tim được đâm bằng những cây kim lớn, ở dưới đáy hộp còn có một lá bùa. Nó được ngâm trong một thứ chất lỏng vàng ệch, xung quanh nổi lềnh phềnh những con mắt trắng dã đầy máu me. Anh Sĩ kêu lên khiếp đảm buông chiếc hộp rơi xuống bàn, lùi lại. Những thứ này không phân hủy ư? Chúng là cái quái gì vậy?
Anh thầm hiểu đây là một loại tà thuật nào đó rồi... Hành tung của người đàn bà kia không hề đơn giản một chút nào... Giờ anh không thể rút chân ra được nữa.
Những ngày sau đó, những con nữ quỷ vẫn thay phiên nhau làm phiền anh, chỉ khi anh ôm khư khư trái tim bị yểm bùa ấy chúng mới chịu đi mất. Có vẻ như đây chính là trái tim của họ. Anh mệt mỏi và buồn khổ lắm. Khi gọi điện cho mụ đàn bà kia, bà ta cười khẩy: "Cậu có chết được đâu nào? Nhưng cậu mà bỏ đi hay kể ra với ai thì mới là chết thật đấy. Cho cậu công cụ kiếm sống, trả nợ cho cậu để cậu nuốt lời vậy sao? Không dễ thế đâu!"
Anh Sĩ sống vật vờ bên nghĩa trang như vậy suốt 2 năm trời. Anh trở nên cáu gắt và nhạy cảm với tất cả những ai có hành vi lạ trong khu vực của anh. Những con nữ quỷ luôn tìm cách phá đám những người ghé đến chôn cất thân nhân, chiếm lấy thân xác của họ khiến anh vô cùng chật vật. Có vẻ như kiếp nạn kia chưa từng buông tha cho anh.
Thế rồi cho đến một ngày mưa tầm tã, một người đàn ông mặc chiếc áo mưa dài gõ cửa nhà anh trong gấp gáp. Người đàn ông này đã cứu vớt cuộc đời anh.