Chúa Sẽ Phù Hộ Em

Quyển 1 - Chương 2-2: Tính mạng mong manh (2)




“Ngải, Tiểu Ngải!” Abbas vứt chiếc ba lô xuống, gọi ầm lên và ôm chầm lấy tôi. “Cô vẫn còn sống, cảm ơn Thánh Allah, cô vẫn còn sống!” Anh ta vui sướng vỗ lấy vỗ để lên người tôi, mới đầu tôi còn miễn cưỡng chịu đựng nhưng sau vài lần vỗ đã phải khom lưng ho sặc sụa. Cuối cùng vẫn là Lâm nhận ra vấn đề bất ổn, miễn cưỡng giơ tay kéo tôi ra khỏi bàn tay mạnh mẽ của Abbas, trước khi anh ta vỗ chết tôi.

Tôi vừa ho vừa giới thiệu hai người với nhau. Abbas nhìn dáng vẻ yếu đuối tàn tạ của tôi và Lâm từ trên xuống dưới, sau đó nghiêm giọng nói: “Cô và Lâm tiên sinh cần phải ăn chút gì đó.”

Tôi gật đầu lia lịa. “Được! Ăn chút gì đó! Phải ăn chút gì đó chứ!”

Từ lúc quen nhau, Abbas chỉ gọi tôi là “Tiểu Ngải”, nhưng đối với những người khác, kể cả Muri, anh ta luôn cung kính gọi là tiên sinh. Tôi cũng chả hiểu tại sao người ta đều là tiên sinh này, tiểu thư nọ, tới lượt tôi lại chỉ là “Tiểu Ngải”.

Abbas bắt đầu nhóm bếp nấu cơm, tôi kiệt sức ngồi bên cạnh nhưng lòng lại cảm thấy vô cùng thoải mái. Cảm giác tai qua nạn khỏi thực sự rất tuyệt vời, cảm ơn ông trời! Không lâu sau, Abbas đưa cho tôi và Lâm mỗi người một cốc trà Bạch Ngọc. Tôi nhăn mặt, nhận lấy, Lâm nhìn nét mặt kì quái của tôi và càm thấy rất khó hiểu. Tôi vội ngồi thẳng lên, cầm cốc trà, nét mặt lộ rõ vẻ háo hức, thế là anh ta không nghi ngờ gì nữa, bắt đầu uống trà; sau đó, trước ánh mắt trách móc của Abbas, anh ta phun hết chỗ trà trong miệng ra ngoài. Vác bộ mặt tái mét, anh ta run run chỉ vào cốc trà, hỏi: “Đây là cái gì, sao… sao mà thối thế?” Nếu như không phải vì cái chân bị thương, tôi dám chắc anh ta sẽ chạy tới chỗ vách núi, nôn cả mật xanh mật vàng ra ngoài.

Abbas có vẻ rất không vui, đáp: “Trà! Thưa ngài, đây là loại trà tốt nhất của Pakistan, có thể giúp anh hồi phục thể lực đấy.”

Tôi liếc nhìn hai người họ, một người là thanh niên đẹp trai tuấn tú, một người là dân bản địa với gương mặt nhem nhuốc nứt nẻ, vậy mà hiện giờ người đẹp trai lại đang nôn thốc nôn tháo, còn người nhem nhuốc vẫn vững như Thái Sơn, đúng là cục diện đảo lộn hoàn toàn. Thế là tôi không nhịn được vừa vỗ đùi lia lịa vừa cười nghiêng ngả.

Trà Bạch Ngọc là thánh phẩm của những người phu khuân vác và dân leo núi ở Pakistan, về cơ bản có thể xếp vào loại trà sữa nhạt, chỉ có điều cũng giống như nấm mốc trong đậu phụ thối, Boulogne trong pho mát thối, mặc dù rất nổi tiếng nhưng cũng chả có mấy người nuốt trôi, trong trà Bạch Ngọc có một loại bơ chua để lâu năm có tên “Martha”. Thử nghĩ kĩ mà xem, vị của bơ đã đủ nặng rồi, đừng nói tới bơ chua, lại còn là bơ chua để lâu năm nữa chứ!

Cuối cùng Lâm cũng nôn xong, anh ta ngẩng đầu nhìn tôi bằng ánh mắt căm hận, đột nhiên không hiểu sao, anh ta lại hỏi với vẻ nghi hoặc và thăm dò: “Sao cô lại có thể như thế được nhỉ?”

Tôi bèn quay sang phía anh ta, giả vờ ngu ngơ hỏi: “Anh biết tôi à?”

Anh ta vội vã phủ nhận: “Không biết.”

Nhưng lời nói đó của anh ta rõ ràng là có ẩn ý, tôi lắc đầu ngán ngẩm, có lẽ mình quá đa nghi rồi. Sau đó, tôi cúi xuống nhìn mình, ban nãy vừa cười vừa vỗ đùi đúng là không được tế nhị cho lắm, nhưng bây giờ đang lúc gặp nạn, chẳng lẽ còn phải nhã nhặn cười duyên sao?

Lúc này, Lâm đã quay sang hỏi đường Abbas, tôi quay đầu đi, quyết định không nghĩ ngợi vẩn vơ nữa mà cầm cốc trà lên, bắt đầu nín thở nhấp từng ngụm nhỏ.

Trà Bạch Ngọc mặc dù kinh tới mức “long trời lở đất” nhưng là thức uống giàu năng lượng, hơn nữa đối với người Balti mà nói, đó là thức uống vô cùng quý giá, nếu như không phải là tình huống nguy cấp sẽ không nỡ dùng. Abbas giúp chúng tôi vác toàn bộ hành lí, một ngày cũng chỉ kiếm được vài đô la. Nói đến tiền, liền nhớ tới Muri, tôi vội hỏi Abbas: “Muri đang ở đâu? Vẫn khỏe chứ?”

Trên mặt Abbas thoáng hiện vẻ không vui rồi lập tức trở về bình thường, anh ta đáp: “Muri đi Chitral rồi, tôi chịu trách nhiệm đưa cô đến đó. Tiểu Ngải, đừng lo lắng, anh ấy đợi cô.”

“Muri bảo anh tới tìm tôi và đưa tôi đi Chitral sao?”

“Không phải.” Abbas trả lời ngắn gọn.

Ban nãy tôi vốn chỉ tiện miệng hỏi nhưng nghe câu trả lời của Abbas xong, tôi bất giác sững sờ, quên cả uống trà. “Không phải?” Sao có thể không phải là Muri được, về tình về lí lẽ ra đều phải là anh ta chứ. Người đàn ông Pakistan đó là người duy nhất Ngô Chung cử đi trợ giúp tôi, sự an toàn của tôi phải do anh ta phụ trách mới đúng.

“Tiểu Ngải, tôi không biết có chuyện gì nhưng anh Muri nói không cần phải tìm cô.”

Muri nói không cần tìm tôi? Tôi không hiểu, vậy là Abbas tự quyết định đi tìm tôi? Nhưng tại sao Muri lại nói không cần tìm tôi? Ai cũng biết một mình tôi bị lạc giữa chốn hoang vu này, đây đâu phải là chuyện có thể đem ra đùa được chứ.

Thấy mặt tôi biến sắc, Abbas đặt một tay lên vai tôi, nói: “Yên tâm, Tiểu Ngải, chỉ cần tôi ở đây, tuyệt đối sẽ không bỏ rơi cô, mãi mãi!”

Tôi ngước nhìn Abbas, giống như tất cả những người có lời hứa đáng giá nghìn vàng khác, khi Abbas hứa điều gì đều không hề tỏ vẻ quá nghiêm trọng. Anh ta nhắm mắt lại, giọng điệu nhẹ nhàng, thoải mái. Sau khi hiểu rằng đối phương không hề nói đùa, tôi nghiêm túc nói: “Tôi biết rồi.”

Rất nhiều, rất nhiều năm sau, vào lúc tôi cô độc nhất, khó cất bước tiếp nhất, mỗi đêm nằm mơ, tôi đều nghe thấy câu nói này, câu nói do Abbas, người phu khuân vác người Balti, nói với tôi: “Tiểu Ngải, chỉ cần tôi ở đây, tuyệt đối sẽ không bỏ rơi cô.”

Sau này, luôn có người hỏi tôi tại sao lại dành nhiều thiện cảm cho người Pakistan thế, đó là vì vào lúc tôi bơ vơ không nơi nương tựa nhất, chính họ đã chìa tay ra giúp tôi.

Đáng tiếc, lúc đó tôi không hề nhận ra điều này, vì phần lớn tâm tư của tôi đang nghĩ về Muri, tôi không hiểu tại sao anh ta lại bỏ rơi tôi lại không thèm quan tâm, chỉ nói sẽ đợi tôi ở Chitral. Tôi thầm nhủ đợi tới Chitral, nhất định phải hỏi anh ta cho ra lẽ rồi một hơi uống cạn cốc trà Bạch Ngọc.

“Uống trà xong, chúng ta sẽ xuất phát, vẫn còn hai ngày đường nữa.” Abbas đợi tôi uống hết cốc trà mới nói.

Tôi ngẩng đầu hỏi: “Sao vẫn còn hai ngày?”

Abbas bối rối liếc nhìn cái chân của Lâm, đáp “Con đường đó rất khó đi, chúng ta đành phải đi đường khác, vòng qua sông Broughton. Có tôi ở đây, sẽ không có vấn đề gì đâu.”

Tôi sung sướng gật đầu, đáp: “Được!” Chỉ cần có Abbas, không có gì phải lo lắng nữa.

Thấy tôi đồng ý, Abbas ngoác miệng cười sung sướng. “Tiểu Ngải, qua sông là tới thôn Gama của chúng tôi. Trước khi đi Chitral, tôi có thể… có thể về nhà thăm bọn trẻ không? Chỉ cần một giờ đồng hồ thôi, đồng thời chúng ta có thể ăn chút gì đó.” Abbas có hai đứa con, đứa út vẫn còn rất nhỏ.

Tôi gật đầu đồng ý, cuộc sống vùng núi nghèo khổ, Abbas quanh năm suốt tháng đi làm phu khuân vác cho người ta, lần đầu tiên tôi gặp anh ta là lúc anh ta vừa hoàn thành một lượt khuân vác, muốn kiếm thêm chút tiền cho chặng đường về, đây cũng là lượt cuối cùng trong năm nay của anh ta, cho nên mặc dù Muri chỉ trả cho anh ta có vài đô là, anh ta vẫn vui vẻ đồng ý. Trước khi tới cứu tôi, anh ta và tôi gần như không nói chuyện gì với nhau.

Abbas thấy tôi đã đồng ý, liền pha ấm trà Bạch Ngọc cuối cùng, sau đó không thèm để ý tới thái độ khó chịu của Lâm, rót đầy một cốc rồi đưa cho anh ta, nói: “Tiên sinh, anh nhất định phải uống hết, không được để thừa một giọt, giống như Tiểu Ngải đó! Sau đó, chúng ta mới có thể nhanh chóng tới được Gama.”

Abbas nâng cốc trà lên, ánh mắt vô cùng kiên định, khiến Lâm không thể từ chối. Anh ta đón lấy cốc trà với vẻ quả quyết. Nhớ lúc ở trong hang, anh ta vẫn còn muốn đánh răng, tôi liền bật cười, hoặc chịu mùi thối hoặc chết, “to be or not to be”, đó là cả một vấn đề.

Lâm xị mặt, cầm lấy cốc trà, đồng thời đưa mắt lườm tôi một cái, tôi vội vã thu lại nụ cười và tỏ vẻ nghiêm nghị. Tên này thù dai lắm, không nên trêu anh ta quá. Lâm cầm cốc trà lên rồi bịt mũi uống một hơi hết sạch.

Về sau, có lần Lâm nói khi tôi cười, có thể nhìn thấy chiếc răng khểnh rất đáng yêu.

Mấy ngày tiếp theo, ba người chúng tôi tiến về phía sông Broughton. Abbas không bao giờ để tôi và Lâm rời khỏi tầm mắt của mình, ngay cả khi cầu nguyện, anh ta cũng không quên ngoái đầu liếc trộm để chắc chắn chúng tôi vẫn ngoan ngoãn đứng ở vị trí cũ.

Mỗi lần nhìn thấy nét mặt căng thẳng khi ngoái đầu lại của anh ta, tôi đều cố nén cười, sau đó là cảm động. Từ nhỏ đến lớn, chưa có ai đối xử với tôi như thế này, ý tôi là ngoại trừ người nhà, người yêu thì không có ai, lại là một người xa lạ, che chở tôi như thế này, khiến tôi thấy rất ấm áp. Thực ra Abbas hoàn toàn có thể không đi tìm tôi, mấy đô la mà Muri đưa cho anh ta chỉ là tiền khuân vác hành lí, không hề bao gồm tiền công cứu viện, mà Muri cũng chưa từng một lần yêu cầu anh ta làm như thế. Tôi cũng biết để cứu tôi và Lâm, vào cái đêm bão tuyết hoành hành đó, Abbas đã một thân một mình ở ngoài trời suốt cả đêm. Đợi tới được Chitral, nhất định tôi phải đưa thêm ít tiền cho Abbas, dùng tiền của chính tôi chứ không phải mười ngàn đô la của Lâm. Hừ, tôi phải để em Lâm thấy thế nào là sự rộng rãi và hào phóng của người nghèo!

Hai ngày sau, cuối cùng chúng tôi cũng chạm chân được xuống nền đất sét ở phần cuống lưỡi của dòng sông băng. Sông ngầm nằm dưới lớp băng kéo dài và đổ ra từ chỗ này, thác ghềnh dữ dội, nước sông cuồn cuộn kèm theo những tảng băng lớn vỗ ầm ầm vào thân núi.

Abbas vẫn che chở cho chúng tôi như đối với trẻ con; có lúc, anh ta đỡ Lâm, có lúc lại dùng một sợi dây thừng cũ nát không biết từ đời nào buộc ngang người rồi, kéo đi như thể dắt một con khỉ. Mỗi lần nhìn thấy cảnh tượng này, khóe miệng Lâm đều khẽ nhếch lên, thế là tôi cố gắng giãy giụa thoát khỏi cảnh tượng bối rối này. Abbas nói rất chân thành: “Tiểu Ngải, như thế này chúng ta mới có thể đi nhanh hơn được.”

Tôi vô cùng phẫn nộ, lẽ nào tôi lại đi chậm hơn cái tên Lâm què kia? Nhưng không bao lâu sau, tôi đành ngoan ngoãn im lặng, cái cảnh trâu già kéo xe cũ này khó coi thì khó coi thật nhưng thực sự là đỡ mệt hơn rất nhiều.

Sau khi xuống tới chân núi, đường vẫn không dễ đi hơn so với khi ở trên núi là mấy, khắp nơi đều là bùn đất và sỏi đá, những chỗ không có ánh mặt trời chiếu tới vẫn còn tuyết phủ, rồi qua một chỗ rẽ, lại là ánh mặt trời chói lóa. Tôi càng đi càng chậm, thời gian nghỉ cũng càng lúc càng dài, Abbas không ngừng động viên tôi: “Nhìn kìa, Tiểu Ngải, chỉ cần vượt qua ngọn đồi đó, sau đó lại vượt qua ngọn đồi nữa là sẽ tới thôi.”

Trong con mắt của những phu khuân vác người Balti, chỉ có K2 hay Himalaya mới có thể được coi là “dãy núi”, còn những nơi khác, bao gồm cả sườn dốc mà tôi và Lâm rơi xuống đều chỉ là “đồi” thôi. Nói tóm lại là những ngọn núi mà không cần phải mang theo cuốc, cào và bình dưỡng khí đều được gọi là “đồi” hết; nhưng đối với tôi, tất cả đều là những “dãy núi” mà chỉ cần nhìn thoáng qua đã khiến tôi rùng mình. Đặc biệt là sau vài ngày gian khổ vừa qua, cả người tôi dường như rã rời hết cả, bàn tay bị thương càng trở nên thâm tím, cứng đờ tới mức không thể co duỗi được; Lâm cũng không khá hơn tôi là mấy, khi xuống dốc, tôi nhìn thấy đầu gối anh ta không ngừng run rẩy.

Cho nên tói chiều tối ngày thứ ba chúng tôi mới đến được đoạn hẹp nhất ở thượng nguồn sông Broughton. Ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy giữa lòng sông chất đầy những tảng đá to đùng, đen sì và lộn xộn, dòng sông bị chia cắt ở đây, các tảng băng bị mắc ở đây, những tảng đá to đùng đó giống như những cây cầu gỗ nối giữa hai eo biển, dù trông rất chênh vênh nhưng chắc hẳn đó là con đường độc đạo. Abbas vui vẻ chỉ một chỗ mờ mờ ảo ảo ở bờ kia sông, nói: “Nhìn thấy không, đó chính là thôn Gama, chỉ cần đi qua con sông này, vượt qua ngọn đồi đó, nhiều nhất chỉ một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ được ăn Chapati (1) và uống trà ngọt rồi. Cô thích uống trà ngọt phải không, Tiểu Ngải? Ồ, đừng chối chứ, tôi biết cô thích uống trà ngọt, không thích uống trà Bạch Ngọc.”

(1) Chapati: Một loại bánh rán của Pakistan.

Mặc dù cũng vui lây với tâm trạng sung sướng của Abbas nhưng tôi vẫn không sao cười nổi, ngày mai mới có thể qua sông ư? Phải ở ngoài trời thêm một đêm nữa ư? Fenbid đã uống hết mất rồi, đêm dài trước mắt sẽ phải làm sao đây? Còn nữa, chúng tôi phải đi thêm một giờ đồng hồ nữa, rời khỏi bờ sông ẩm ướt này mới có thể tìm được nơi thích hợp để ngủ, điều đó có nghĩa là sáng sớm ngày mai lại phải quay lại đây một lần nữa.

Đúng lúc này, Lâm lên tiếng: “Nếu như quay lại cũng mất một giờ đồng hồ, vậy bây giờ qua sông, sau đó tranh thủ tối nay đến thôn Gama luôn thì thế nào?”

Abbas lắc đầu lia lịa, chỉ vào dòng sông Broughton, đáp: “Không được, thủy triều đang lên, nguy hiểm lắm.”

Lâm ngoái đầu quan sát dòng Broughton, khoảng cách giữa hai bờ bắc nam dùng mắt thường ước tính nhiều nhất cũng chỉ vài trăm mét, nếu thuận lợi chỉ mất vài chục phút, nhiều nhất là nửa tiếng đồng hồ nhất định có thể qua được. “Chúng ta sẽ qua trước khi thủy triều lên! Hơn nữa, vì việc này tôi sẽ trả thêm tiền công cho anh. Thế nào, có được không?” Giọng anh ta đầy vẻ dụ hoặc.

Câu cuối cùng mới là trọng điểm, đặc biết là đối với người nghèo, Abbas bắt đầu lưỡng lự. Tôi nhìn Lâm đầy ngưỡng mộ, em Lâm hôm nay mới ngầu làm sao!

Về sau, tôi luôn ân hận về sự ngu ngốc lúc này của mình, nếu biết nể sợ thiên nhiên, nếu biết thế nào là trời cao dất dày, nếu tôi nghe theo lời can ngăn của Abbas, nếu tôi có thể nhận ra mình và Lâm đang cậy thế ức hiếp người khác... tôi nguyện bất chấp tất cả để thay đổi quyết định của mình.

“Bây giờ qua sông luôn.” Lâm cương quyết nói.

Ánh mắt của Abbas đưa qua đưa lại giữa bàn tay tím bầm co quắp của tôi và cái chân bị thương của Lâm, cuối cùng anh ta miễn cưỡng gật đầu.

Chúng tôi xếp theo hàng dọc, Lâm đi đầu, Abbas ở giữa, tôi đi sau cùng, thận trọng bước lên tảng đá đen đầu tiên ở bãi sông. Có đứng trên những tảng đá này mới biết dòng sông Broughton cuồn cuộn như một cái máy xay thịt khổng lồ, có lẽ vì lòng sông đột ngột bị thắt lại ở chỗ này nên đâu đâu cũng là nước xoáy nước ngầm, hơn nữa càng lúc càng mãnh liệt. Những cột sóng lẫn với băng tuyết dâng cao, chốc chốc lại ào tới làm chúng tôi ướt sũng từ đầu tới chân; nếu bị rơi xuống, không quá một giây, chúng tôi sẽ bị nghiền nát, ngay đến bã cũng chẳng còn.

Abbas đỡ Lâm đi một cách khó nhọc, mỗi bước đều quay lại dặn dò tôi: “Tiểu Ngải, mỗi bước đều phải dẫm lên vết chân cũ của tôi, nhớ đấy, mỗi bước!” Tôi gạt những giọt nước trên mặt, lo lắng gật đầu, biết rằng những tảng đá này trông thì vững như Thái Sơn nhưng có những tảng chỉ là đá cuội, chạm nhẹ vào là lung lay, lúc đó tính mạng sẽ khó bảo toàn.

Hơn nửa giờ sau, chúng tôi đã vượt qua dòng sông và trèo được lên một quả đồi cao ở bờ nam. Đây là một vách núi gần như thẳng đứng, nhưng dù sao cũng cách xa dòng sông Broughton nguy hiểm rồi. Tôi thở phào, trên mặt Abbas cũng hiện lên một nụ cười nhẹ nhõm. Đêm nay, chúng tôi có thể uống trà ngọt và ăn bánh Chapati nóng rồi, và quan trọng nhất là được ngủ trên một chiếc giường đúng nghĩa.

Đột nhiên, Abbas thét to một tiếng, đồng thời đẩy mạnh Lâm về phía vách đá, bắt anh đứng sát vào đó rồi lao về phía tôi, nhưng tất cả đã quá muộn.

Từ lúc lên bờ, tốc độ của tôi đã chậm lại. Đây là một con đường vòng ngược chiều kim đồng hồ, chỉ nhỏ bằng nửa thân người, bên trái là núi, bên phải là vực. Vì tôi bị thương bên tay trái nên đi đứng rất khó khăn. Lúc Abbas hét lên cũng là lúc cả ngọn núi rung chuyển. Một đàn dê mấy chục, mấy trăm, sau đó là mấy nghìn con kêu be be lao từ góc đường tới, tôi còn chưa kịp phản ứng thì chúng đã tràn tới chỗ tôi như dòng nước lũ, sau đó nhấn chìm tôi.

Trước kia, tôi chưa bao giờ so sánh một đàn dê với dòng nước lũ, nhưng đàn dê trước mặt hoàn toàn không nhìn thấy chúng tôi, chúng chen lấn, giẫm đạp, giành giật từng centimet đất trên con đường chật hẹp này.

Abbas gào lên: “Không được cử động, Tiểu Ngải, tuyệt đối không được cử động!”

Tôi không hề cử động nhưng sừng của sơn dương lại móc vào quần áo tôi, “xoạt” một tiếng, túi áo khoác rách toạc, mười nghìn đô la lập tức bị gió cuốn đi. Gần như là bản năng, tôi giơ tay túm lấy những đồng tiền đang bay như hoa rụng đầy trời. Mười nghìn đô la đối với tôi là một khoản tiền lớn, mất rồi sẽ không thể kiếm lại nổi, vì thế tôi không để ý thấy cơ thể mình đã tách ra khỏi vách núi, bỗng một nguồn lực ào tới, đẩy mạnh tôi vào vách núi.

Thời gian Abbas rơi xuống vực rất dài. Anh ta cong lưng về phía sau, mặt hướng về phía tôi, lúc rơi xuống còn làm mấy con sơn dương giật mình sợ hãi. Tôi nhìn thấy trên gương mặt nứt nẻ vì gió lạnh đó có nhiều nét kinh ngạc hơn là sợ hãi. Abbas dang rộng hai tay như thể muốn túm vào thứ gì đó, nhưng cuối cùng, anh ta không túm được cái gì cả, sau đó thì biến mất.

Tất cả giống như một cảnh quay chậm, cảnh tượng cuối cùng đọng lại trong đầu tôi là đôi chân giang rộng của Abbas, đôi ủng cao su sản xuất tại Trung Quốc, ngay đến tất cũng không có, sau đó, cả người anh ta rơi thẳng xuống vực sâu vạn trượng, không uốn lượn, không hề có tiếng gào thét, cũng không còn sau đó nữa…