Chương 40: Lang gia có lão bà.
Ngoài trời cơn mưa tầm tã, rải rác có tiếng mưa đá lộp bộp rơi trên mái nhà. Mấy cành cây khẳng khiu vừa trải qua mùa đông buốt giá, còn chưa kịp đâm chồi đã phải còng mình dưới những cơn mưa lạnh tới thấu xương. Từ thư phòng lão gia chủ, mành che khẽ khàng hất lên. Bóng người bước ra khỏi phòng an nhiên, sau lưng còn vang lên tiếng thở dài.
Bên ngoài tiến tới một gia đinh nhanh nhẹn, hắn hướng tới người đang thảnh thơi bước trên lối hành lang hoa lệ. Sau lưng là hai nô tì xinh đẹp theo hầu.
- Chủ nhân, bên Lang phủ lúc nãy sang tìm người, nói là Lang đại công tử biến mất. Hiện Lang gia đang cho người đi tìm ở khắp nơi.
- Đã xảy ra chuyện gì sao? - An ngoảnh đầu nhìn về phía Nguyệt Nương, cất lời hỏi.
- Dạ, nô tì cũng không rõ. Từ sau khi đưa Lang công tử trở về, nô tì chỉ nghe nói hắn đóng cửa dưỡng thương, chưa từng bước ra ngoài. Sau đó cũng không chú ý nữa.
- Dạ vâng.
Sau khi Nguyệt Nương đi khỏi, hai chủ tớ cùng bước vào phòng. Vừa ngồi xuống, nô tì Như Hoa không khỏi bật cười nhìn chủ nhân mình hai tay chà sát, ánh mắt phát quang hỏi.
- Nào, nào... Đừng tưởng ta không biết ngươi theo dõi Lang gia.
- Nô tì chẳng phải cũng là vì phục vụ tính hiếu kỳ của chủ nhân sao! - Như Hoa che miệng cười.
- Ta biết. Thế nên nói nhanh xem nào. Lang gia rốt cuộc xảy ra cái sự tình gì?
- Đúng như dự đoán như chủ nhân người. Lang lão phu nhân hoả vượng đốt thân, quả nhiên nhẫn không nổi nữa, liền lén sai người mua biệt viện ở gần chùa Linh Quang để nuôi nam sủng.
- Thật?!
- Hoàn toàn không giả chút nào? Nghe nói lão bà đó ngày ngày lấy lý do đi lễ chùa, thực ra là tới biệt viện tận hưởng lạc thú. Dân khắp thành Vạn Xuân còn đang xôn xao chuyện quý phu nhân trong Lang phủ nuôi nam sủng kìa.
- Nói về khả năng linh thông tin tức của người dân thành Vạn Xuân, cũng có thể coi là một loại kỳ tài xuất chúng. Cũng không hiểu bằng cách nào mà chưa đầy năm ngày, khắp thành đã truyền tai nhau việc này. Lão cáo già Lang Chính nghĩa kia đã cho người tới phá dỡ căn biệt viện, sau đó nói với bách tính thành là phu nhân hắn đồi phong bại tục, gian díu nam nhân ngoài, nay lão không dung nổi, ném trả về Trương gia.
- Khục... - Nước trà từ vòm họng xuôi dòng qua hai lỗ mũi, ho tới đỏ cả mắt, đồng chí An vẫn không thể tin vào lỗ tai mình. - Cái gì cơ? Lão già đó thà mang tiếng bị cắm sừng còn hơn để mẹ lão chịu nhục cơ đấy! Mà ta tưởng lão hưu thê cách đó không lâu về trước rồi cơ mà, lấy đâu ra vợ để trả về lắm thế?
- Nhớ.
- Người đó đích thị là kế mẫu của nhà họ Lang. - Trước vẻ mặt bất ngờ của An, Như Hoa đồng cảm gật đầu.
- Nhắc tới mới nhớ, lần đó ta quên không hỏi. Tin đồn Lang thái thú trên đường gặp người đưa tin rồi về bỏ vợ, có phải hay không là do các ngươi nhúng tay vào?
- Việc này nô tì quả thực không biết. - Như Hoa nghiêm túc trả lời, theo lời dặn của cung chủ đại nhân, chết cũng không thừa nhận.
- Lúc đó lão già kia bố cáo thiên hạ là bỏ vợ, vậy mà chỉ chớp mắt liền dẫn người về. Như chuyện đùa của con nít, mặt mũi Trương gia có lẽ đặc sắc vô cùng. - An nhún vai lắc đầu. - Ta thật là tò mò muốn biết vì sao lúc đó lão nhất thời nói hưu thê.
- Cái này thì nô tì biết. - Cánh cửa bật mở, Nguyệt Nương đã phủi xong sương giá, chạy vào rồi khép cửa lại.
- Đi nhanh như vậy! Có mệt không? - Vừa nói An vừa rót một tách trà nóng cho Nguyệt Nương.
Nguyệt Nương hớp một ngụm trà cho ấm người, ngồi xuống cùng bàn với An và Như Hoa, cười nói.
- Không mệt. Có cái gì mà quản gia Lang gia không biết. Nô tì thuận tay nhét vào mồm hắn một nắm cỏ Thú Thật, là chuyện gì hắn cũng khai ra.
- Cỏ Thú Thật? Chả có nhẽ quản gia Lang gia là bò sao, mà để ngươi dễ dàng nhét cỏ vào mồm như vậy? - An cười, ánh mắt mờ ám liếc về phía Nguyệt Nương. Sau khi yến mừng thọ kết thúc, ngày hôm đó có một vị nam tử cứ đứng ngây ngẩn từ xa nhìn theo hướng Nguyệt Nương. An lúc đó còn trêu ghẹo "thính nhà ai rang thơm quá".
- Phương pháp thì cũng là nô tì học chủ nhân thôi.
An chẹp miệng, nàng phải thừa nhận, năng lực quan sát của Nguyệt Nương hơn hẳn Như Hoa Như Ngọc, nhưng bị "đồ đệ" vạch trần thế này cũng không thể không chút ngượng ngùng. Nguyệt Nương nói đến vừa đủ cũng bắt đầu chuyển câu chuyện về trọng tâm chính.
- Ngày đó Lang Chính Nghĩa trên đường trở về thì gặp một người đưa tin. Nghe nói lão đã lật tung cả Lang phủ lên, sau một đêm tựa hồ gia nhân Lang phủ liền vơi đi một nửa. Không biết là đã đi về đâu. Vì trong Lang phủ có trận pháp nên người ngoài không dễ gì biết được thông tin, nhưng Trần quản gia hẳn nhiên là biết. Nô tì đã đem Thú Thực thảo bỏ vào trà của hắn, không ngờ nghe được rất nhiều chuyện. Trong đó phải kể đến lý do vì sao Lang công tử bị phế.
Lúc này cả hai người đều lặng yên nhìn nhau. Nguyệt Nương thở dài một tiếng cảm thương, rồi bắt đầu kể.
Sau khi Lang Chính Nghĩa đọc mảnh giấy nhận được, lão bán tín bán nghi, cho gọi người tới. Theo tin tức trên giấy, rất nhanh lão đã tìm ra kẻ còn sót lại trong đám tặc năm đó tấn công đại nhi tử của mình. Kẻ đó khi bị bắt lại không hề sợ hãi. Hắn dùng một tay còn sót lại, cầm lấy tay nải, ung dung bước đi theo. Sau khi vào Lang phủ, hắn điềm tĩnh trả lời tất cả các câu hỏi của Lang Chính Nghĩa, từ quê quán mình ở đâu, quá khứ hắn đã làm gì...v.v, cho tới chuyện năm đó nhóm hắn nhận tiền của người để hủy đi một tiểu công tử đang trên đường dự thi.
Thì ra năm đó đã có kẻ bỏ một món tiền lớn cho tụi hắn, yêu cầu chặn đường dự thi của một cặp huynh đệ. Bọn hắn lấy ký hiệu nhận biết là chiếc hà bao trên người bọn họ. Một trong hai kẻ, chỉ cần là kẻ nào mang chiếc hà bao thêu lục trúc màu xanh trong người, kẻ đó chính là mục tiêu của chúng.
Khi đó tụi hắn lục soát thì đúng một kẻ mang hà bao lục trúc, kẻ còn lại mang hà bao thêu liên hoa tịnh đế. Vì thế tụi hắn cố ý đánh ngất người kia, sau đó hủy đi đôi chân của kẻ còn lại. Chỉ không ngờ trước sự chống trả quyết liệt của người nọ, bọn chúng càng ra tay tàn nhẫn, cũng xuýt chút nữa lấy đi mạng của tiểu công tử nọ.
Sau khi việc hoàn thành, bên thuê hẹn bọn hắn tới giao trả thư tín, đồng thời đưa nốt khoản tiền còn lại. Nhưng khoản tiền lớn vốn đã hứa hẹn lại chả thấy đâu, hắn cùng cả nhóm lại bị người truy gϊếŧ đến sạch sẽ. May mắn hắn được một lão hoà thượng nghèo cứu về, mới giữ được nửa cái mạng tàn.
Kẻ này dùng bàn tay duy nhất, cũng đã không còn lành lặn, mở ra tay nải. Hắn đưa sấp giấy mỏng về hướng Lang Chính Nghĩa, hắn nói:
- Ta đã chờ ngày này từ rất lâu rồi.
- Ngươi hẳn là oán hận những kẻ đã lừa gạt mình?
- Không phải. Nghiệp do ta tạo, ắt tự ta phải trả. Chỉ là ta không thể nào quên ánh mắt quật cường của tiểu công tử nhỏ tuổi kia khi đó. Một đôi mắt trong suốt, thông tuệ, vậy mà chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng cùng ảm đạm. Tựa như một vì sao trên trời rơi xuống đất, chỉ còn lại thống khổ cùng đau đớn.
- Chát! - Tiếng tát mạnh mẽ vang lên. Lang Chính Nghĩa thu lại bàn tay đau rát của mình, nhìn khuôn mặt lệch đi của đối phương. - Ngươi không có tư cách để nói những lời như vậy.
Từ nét chữ, lão rất nhanh đi tới chỗ phu nhân của mình. Trương Phù Dung đang ngồi thêu hà bao bất ngờ thấy phu quân mình lạnh lùng bước vào, không ngừng lật giở tất cả các tập thi từ do nàng viết, cảm thấy có chút không đúng. Đang định mở miệng hỏi thì liền ăn một cái tát như trời giáng vào giữa mặt. Trương Phù Dung lảo đảo ngã trên nền đất cứng, giương đôi mắt sững sờ nhìn về phía Lang Chính Nghĩa.
- Tại sao? - Lang Chính Nghĩa gằn giọng nói.
Lọt vào ánh mắt lão chính là đám hà bao đang thêu dang dở. Ngày đó phu nhân còn đặc biệt thêu cho hai nhi tử lão hai chiếc hà bao lục trúc và tịnh đế. Là chính tay đại nhi tử của hắn nhận lục trúc mà nhường tịnh đế cho nhị đệ mình. Trong phòng chỉ có bốn người, không khí thật ấm áp vui vẻ. Giờ đây, đống hà bao này lại như gai đâm vào mắt hắn. Hắn tức giận ném tất cả xuống đất rồi quay lại gầm lên về phía Trương Phù Dung.
- Ta hỏi ngươi, tại sao? Quân nhi nó đã làm cái gì có lỗi với ngươi, tại sao ngươi lại thuê người hủy nó?
- Lão gia là nghe từ ai...
Lời còn chưa nói hết đã thấy Lang Chính Nghĩa ném vào mặt nàng ta một sấp giấy, trong đó là những bản thư tay do chính nàng ta viết và đóng dấu gửi đi. Điều này sao có thể, chẳng phải là tên gia đinh nàng sai đi đã nói với nàng rằng hắn đã thiêu hủy hết số thư từ này rồi sao. Thực tế, Lang phu nhân không biết một điều rằng tất cả là ý trời. Ngay trước ngày hẹn gặp, chỉ vì bất cẩn mà kẻ cầm thư tín đã nhầm lẫn với một tập thư khác. Sau khi nhận về sấp thư tín kia, tên gia đinh cũng vì vội vàng nên đã thiêu hủy đi luôn mà không kiểm tra lại. Vì thế sấp thư tín thật mới lọt vào tay Lang lão gia lúc này.
- Giờ ngươi muốn nói gì?
Từ bên ngoài, có thể nghe thấy tiếng đổ vỡ cùng tiếng khóc nức nở của Lang phu nhân không ngừng vang lên.
- Ta sai rồi, ta sai rồi... Lão gia, xin hãy tha thứ cho ta. Những năm qua không có ngày nào mà ta không ngừng ân hận. Ta có lỗi với quân nhi, là ta vì đố kỵ mà mờ mắt... Hu hu... Lão gia, xin hãy tha thứ cho ta.
Nhưng cho dù mặc sức van xin thế nào đi nữa, Lang Chính Nghĩa cũng nhất quyết hưu nàng ta, và đuổi về nhà mẹ đẻ. Chuyện nghĩ có lẽ như vậy là xong, nhưng Lang lão phu nhân không hiểu nghe Trương gia nói gì mà ngay sau đó khóc lóc ầm ĩ đòi con dâu quay lại. Thậm chí lấy bệnh tình ra để uy hiếp Lang Chính Nghĩa.
Ngày xưa khi còn cơ hàn, Lang Chính Nghĩa bởi vì nghèo túng, không lo nổi tiền sính lễ mới thành hôn muộn màng. Lúc cưới Trương Thị Hân cũng là mẫu thân của Lang Quân về cửa, Lang lão phu nhân có bao nhiêu khinh rẻ con dâu khi đó. Trương Thị Hân chỉ bởi vì là con tư sinh nhà họ Trương, nên suốt ngày bị bà trì triết, chửi rủa, rồi bắt bẻ đủ điều. Lang Chính Nghĩa xuất thân nghèo khổ, lại có tâm lý muốn quản lý tiền bạc trong nhà. Vì vậy mà gia đình luôn thiếu thốn, Thị Hân phải giật gấu vá vai, nhịn ăn nhịn mặc, đem hồi môn ít ỏi của mình chu cấp nhà chồng. Nhưng dù vậy vẫn bị mẹ chồng chê bai nàng hèn kém, nghèo túng nên càng chán ghét. Lang Chính Nghĩa khi đó còn mải mê với quan trường, không để tâm đến thê tử, mặc nàng một mình tủi khổ, vất vả gồng gánh, chăm lo cho gia đình.
Chỉ không ngờ, không quá vài năm, nàng liền đổ bệnh rồi mất sớm. Lang Chính Nghĩa tuy rằng keo kiệt nhưng lão cũng thật thương tiếc người vợ kết tóc se duyên này. Sau đó, nghe lời khuyên của Lang lão phu nhân, hắn tái hôn với Trương Phù Dung, là tỷ tỷ đồng phụ khác mẫu với Trương Thị Hân. Cứ ngỡ lấy đại di về chăm sóc nhi tử là tốt nhất, không ngờ lại hại hắn tàn phế cả đời. Lang Chính Nghĩa cảm thấy có lỗi với cố phu nhân, lão cũng thật vô cùng tức giận Trương Phù Dung, nhưng trước sức ép của mẫu thân cùng lợi ích hai nhà Lang Trương, lão đành phải để Trương thị quay lại.
Lại nói tới mẫu thân lão sau khi cải lão hồi xuân. Biết rõ ý đồ của bà bà, nhưng Trương thị nửa lời cũng không báo với lão, âm thầm tiếp tay cho lão phu nhân nuôi nam sủng bên ngoài. Lão thật tức giận tới bật cười. Nữ nhân là cái giống loài ngu xuẩn gì thế này. Dân phong Vạn Xuân dễ gì che mắt, vậy mà dám tự coi mình thông minh, đem thứ như thế giấu bên ngoài. Vì thế, Lang Chính Phong không chút áy náy mà đổ hết tất cả sai lầm cùng dơ bẩn lên đầu Trương thị, đem Trương thị làm thế thân hứng mọi tiếng xấu thay cho mẫu thân mình.
Trương thị vừa ôm mặt nức nở, cút về nhà mẹ đẻ, thì ngay đêm đó, Lang lão bà bỗng nhiên phát rồ mà mò vào phòng tôn nhi là Lang đại thiếu gia. Lang Chính Nghĩa không dám gia pháp mẫu thân, liền quay ra đánh nhi tử. Lang Quân trong cơn tức giần liền cứ thế bỏ đi khỏi nhà.
Nghe xong câu chuyện, An muốn bật thốt lên "thật con mẹ nó cạn lời". Lão bà đó điên rồi hay sao mà đến cháu mình cũng muốn xơi nốt. Ngay cả lão già kia nữa, nhi tử lão chưa đủ khổ hay sao mà lão còn giận cá chém thớt lên người hắn. Ngay cả đến Như Hoa cũng chết lặng, không cất lên được lời.
Nghĩ tới mẫu thân Lang Quân, An bỗng dưng nghĩ tới những người phụ nữ trong thế giới này và cả thế giới cũ. Họ đều giống nhau, chịu thương chịu khó hi sinh tất cả tới quên cả mình. Hi vọng tới ngày khổ tận cam lai, lại ko ngờ chỉ có cái kết "sad ending" cho chính mình. Giống như mẹ của thân xác này, bà ý vì yêu lão cha bạc tình mà cố gắng sinh đứa con, để rồi buông tay ra đi trong cô đơn buồn bã. Giống như mẹ của Lang Quân, giống như cuộc đời của nàng ở kiếp trước cũng vậy. Họ chết rồi, chắc gì đã ai còn thương tiếc. Vậy ý nghĩa của sự hi sinh là gì An cũng ko biết nữa.
Rõ ràng sự hi sinh là thứ đáng quý biết bao, và cái người nhận được điều đó đáng ra càng phải trân trọng. Nhưng vì sao phụ nữ càng hi sinh, người xung quanh lại càng rẻ rúng coi thường họ? Dường như những kẻ nhận được lợi ích từ sự hi sinh đó, họ đã coi đó là chuyện hẳn nhiên phải thế. Thật nực cười!