Chờ Tôi Có Tội

Quyển 5 - Chương 288: Thánh nhân trong mộng (1)




Tư liệu chi tiết của 19 năm trước đã được đưa tới. Ân Phùng muốn xem thì cần phải thông báo cho Đinh Hùng Vĩ một tiếng. Vưu Minh Hứa đang vội bèn vứt thẳng Ân Phùng vào phòng làm việc của Đinh Hùng Vĩ rồi đi mất.

Đinh Hùng Vĩ ngẩng đầu nhìn Ân Phùng, Ân Phùng cũng nhìn ông, hai người cách nhau hai mét, không khí trong phòng bỗng chốc trở nên kì lạ.

Thực ra Ân Phùng luôn cảm nhận được Đinh Hùng Vĩ không quá ưa thích mình nhưng lại không rõ nguyên do. Vốn dĩ anh sẽ chẳng thèm để tâm đến cái nhìn của một người dưng. Nhưng hiện giờ… ông già trung niên mặt khó đăm đăm, tâm tư khó dò này là sếp trực tiếp của bà xã anh, quản nhiệm vụ thường ngày và tiền đồ của cô.

Ân Phùng tự động ngồi xuống trước bàn làm việc, nở nụ cười chuẩn mực hoàn mỹ: “Đội trưởng Đinh.”

Đinh Hùng Vĩ quan sát anh, nói: “Vừa nãy tôi đã giao quyền hạn cho Vưu Minh Hứa rồi, cậu cứ dùng thẻ của con bé đăng nhập vào hệ thống hồ sơ. Còn có vài tư liệu giấy khác, lát nữa tôi sẽ bảo người mang đến cho cậu.”

Nụ cười của Ân Phùng không hề thay đổi: “Cảm ơn.”

Đinh Hùng Vĩ im lặng vài giây, cảm thấy nụ cười của đám người văn hóa này đặc biệt giả tạo, cuối cùng vẫn không nhịn được hỏi ra miệng: “Cậu và Minh Hứa thế nào rồi?”

Ân Phùng được sủng ái mà lo sợ, nói: “Vô cùng tốt.”

Đinh Hùng Vĩ bỗng chẳng muốn nói chuyện với anh nữa, lật mở hồ sơ trước mặt, cười nói: “Lát nữa tôi còn phải tiếp khách quý, cậu bận gì thì bận đi.”

Ân Phùng đứng dậy ra ngoài.

Thân là nhà tâm lý học, chẳng mấy chốc anh đã hiểu ra tâm trạng của Đinh Hùng Vĩ. Ông ấy làm như đang gả con gái đấy à? Ân Phùng cuối cùng bật cười, ông cụ chưa nghe câu con gái lớn không thể giữ mãi trong nhà hay sao? Hơn nữa Vưu Minh Hứa… trước nay chỉ độc bảo vệ anh, Đinh Hùng Vĩ mà đòi đấu lại anh?

Nhưng thôi sau này sẽ không tính toán với ông ấy nữa.

Ân Phùng đến phòng làm việc của Vưu Minh Hứa, mọi người đã đi hết, phòng trống hoác không một bóng người, anh đóng cửa, ngồi xuống bàn làm việc của Vưu Minh Hứa, lấy làm vui vẻ vì được thanh tịnh.

Hung thủ bắt chước thủ đoạn gây án của 19 năm trước chắc chắc là có nguyên nhân. Nhóm Vưu Minh Hứa cũng hiểu rõ điều này. Chỉ là thời gian trôi qua đã lâu, muốn quay lại điều tra những người liên quan phải tốn rất nhiều sức lực. Trong khi đó hai cỗ thi thể đang chình ình trước mặt, còn có khả năng xuất hiện thi thể thứ ba, cảnh sát chỉ có thể lựa chọn nắm chắc manh mối trực tiếp nhất, tạm gác án cũ sang một bên. Nhưng Ân Phùng thì khác, dù sao anh cũng không bị ai quản thúc, nên sẽ bổ sung lỗ hổng này thay cho cảnh sát vậy.

Có điều, phải trả cái giá to lớn nhường này, về sau tất nhiên cũng phải là Vưu Minh Hứa “đích thân” bồi thường cho anh mới được.

Phòng làm việc sau buổi trưa vô cùng tĩnh lặng, Ân Phùng lật mở tập hồ sơ, bật hệ thống, từ từ đọc đến say mê.

Nói ra thật trùng hợp, vụ án 19 năm trước cũng xảy ra vào mùa xuân.

Hung thủ Hứa Bá Bình là một thanh niên vô công rồi nghề, cả ngày lang thang. Gia đình khá giả nên càng xao nhãng học hành, lao vào bài bạc, chơi bời vô độ, vơ vét hết tiền của trong nhà. Đối tượng giới thiệu cho gã cũng xem mắt thất bại.

Người ta hay nói họa vô đơn chí, nhà dột còn gặp mưa rào, một hôm Hứa Bá Bình ra ngoài thì gặp tai nạn xe, không bị gãy tay gãy chân nhưng lại hôn mê ba ngày ba đêm. Sau khi tỉnh lại thường hay kêu đau đầu, tính tình càng thêm nóng nảy. Ra viện, gã chỉ nhốt mình trong nhà, có lúc thậm chí còn động tay động chân với bố mẹ, hai ông bà vừa giận lại vừa sợ. Bạn bè cũng dần xa lánh gã.

Về sau, bố Hứa ra ngoài, trượt chân ngã xuống ao chết đuối. Vài tháng sau, mẹ Hứa treo cổ tự vẫn. Hứa Bá Bình không ai quản thúc nên không người nào biết cả ngày gã làm gì. Nghe hàng xóm đồn có khi mấy ngày liền gã mới ra khỏi nhà một lần, đầu tóc bù xù, cả người bốc mùi hôi thối, không biết bao lâu rồi không tắm rửa. Bộ dạng quái đản còn hung dữ. Chẳng ai dám trò chuyện cùng gã.

Cho nên nói, một người sống, một khi mất đi hy vọng bất kể nguyên nhân, nếu không tự cứu mình trước thì sẽ chẳng ai cứu nổi, cuộc đời sa ngã, người khác muốn cứu cũng khó.

Nhưng không biết vì sao, về sau mỗi lần Hứa Bá Bình gây án đều vệ sinh bản thân sạch sẽ, lộ ra ngũ quan hơi gầy song đoan chính. Gã cũng dùng dáng vẻ đó để cưỡng hiếp, ngược đãi và sát hại những nạn nhân nữ đó.

Đọc đến đây, Ân Phùng cảm thấy Hứa Bá Bình tuy là người của hai mươi năm trước, thủ đoạn không tài giỏi như tội phạm ngày nay nhưng cũng là một gã thần kinh hàng thật giá thật, một gã sát thủ ngây ngô theo đuổi điều gì đó. Nhiều thêm chút cá tính kỳ quái so với tên “sát thủ học trò” mà hiện giờ họ cần truy bắt.

Thủ đoạn phạm tội của Hứa Bá Bình thực sự không được tính là cao minh. Theo ghi chép của cảnh sát hình sự phụ trách vụ án năm đó, đêm Hứa Bá Bình quyết định gây án sẽ tắm rửa sạch sẽ, mai phục ở những ngách nhỏ xung quanh nhà nạn nhân. Gã rất quen thuộc hoàn cảnh xung quanh, cũng thấu hiểu màn đêm, biết rõ những nơi các cô gái độc thân tan làm một mình có khả năng xuất hiện cao nhất.

Từ điều này cho thấy phương thức lựa chọn mục tiêu của “sát thủ học trò” khá giống với gã.

Sau khi bám theo mục tiêu, Hứa Bá Bình sẽ ra tay ở nơi không người, trực tiếp kéo nạn nhân vào chỗ tối như bụi rậm, công trường hoặc khu đất trống, thực hiện hành vi cưỡng hiếp rồi siết cổ nạn nhân đến chết. Sau đó, gã cắt hai đầu v* nạn nhân, dùng con dao dài 20 centimet làm tổn thương cơ quan sinh dục rồi tẩu thoát.

Ân Phùng cầm những bức ảnh chụp hiện trường khác lên xem, đầu mày đen khẽ nhíu.

Hiện trường này rất bẩn, rất loạn. Mấy nạn nhân trừ những vết thương đã nói trên thì trên cơ thể còn có vết ngoại thương ở mức độ khác nhau. Có nạn nhân còn bị đánh bầm mặt, bộc lộ rõ sự tàn nhẫn của hung thủ. Khắp nơi đều là máu, đồ đạc tùy thân của nạn nhân có lúc còn vương vãi khắp nơi.

Còn Hứa Bá Bình ngoài lưu lại máu và tinh dịch, ở hiện trường còn có vài dấu vân tay, tóc, thậm chí là một chiếc giày của gã. Chỉ là kho DNA và kho vân tay năm đó không rộng lớn và hoàn thiện như hiện nay, nên cảnh sát không xác định được thân phận của gã một cách nhanh chóng.

Nhưng về sau vẫn xác định được, phát lệnh truy nã, truy bắt, Vưu Nhuy Tuyết hy sinh, Hứa Bá Bình bị sát hại, bị kẻ khác lột da.

Nhắc đến cái chết của Hứa Bá Bình, trong lần đụng độ của kẻ trừng phạt và Hình Kỷ Phục, ông ta đã chính miệng thừa nhận nên món nợ này tất nhiên cũng tính trên đầu ông ta, coi như là dấu chấm hết cho vụ án 19 năm trước. Có điều không hiểu sao Ân Phùng cảm thấy người ra tay lột da không chắc đã là Hình Kỷ Phục. Mà kiểu “bọ ngựa bắt ve, chim sẻ chực sẵn” này trái lại rất giống phong cách của anh trai anh. Điều này chứng tỏ anh ta thực sự có dính dáng đến vụ án năm đó.

Nhưng nghi vấn này sẽ tạm gác sang một bên.

Cuối tập hồ sơ còn có một bức ảnh của chuyên gia năm đó – người đã phác họa bức tranh tâm lý tội phạm của Hứa Bá Bình. Ân Phùng mỉm cười nhìn người chuyên gia trong ảnh, không ai khác chính là giáo sư hướng dẫn của anh – Phạm Thục Hoa.

Nội dung trong bức tranh phác họa gần như trùng khớp hoàn toàn với suy nghĩ của anh.

Hứa Bá Bình là sát thủ biến thái vô tổ chức điển hình. Gã vốn đần độn, lại chịu ngoại thương nên biến thành nóng nảy dễ tức giận. Là con độc đinh, được nuông chiều từ nhỏ. Gã không có kế hoạch khi gây án, chỉ hoàn toàn dựa trên nỗi kích động. Đi bộ đến hiện trường phạm tội, có lúc gã sẽ đeo găng tay công nhân, có lúc thì chẳng thèm.