Đây là năm học thứ hai của Trần Dị ở trường nghề.
Mỗi tuần anh chỉ đến trường học một, hai buổi, thời gian còn lại anh không ở khu trò chơi điện tử, tiệm bida thì cũng sắm vai cậu thiếu niên nửa đêm đua xe ngoài đường.
Thời thơ ấu thiếu đi sự giáo dục dạy dỗ, từ bé anh đã buông thả như thế, đạp xe đạp thôi mà cũng có thể biểu diễn cả một màn xiếc.
Chiếc mô tô kia cũng là hàng cũ, kiểu dáng tồi tàn dần dần được nâng cấp, là món quà chiến thắng anh giành về từ tay người khác.
Lớp 9, hai tháng nữa thôi là Miêu Tĩnh thi chuyển cấp.
Cô chịu khó học hành, nghiễm nhiên được coi là học sinh tiêu biểu của lớp, thành tích đứng top 10 toàn trường, trên tấm bảng vinh danh còn treo ảnh chụp của cô.
Tuy nhiên tính cô có phần hướng nội, suốt ngày mặc đồng phục lầm lũi một mình, sáng đi học, tối học tiết tự học, sau đó về nhà nấu cơm sinh hoạt, sống cuộc sống đơn điệu buồn tẻ của một học sinh cấp 2.
Căn nhà hai buồng ngủ một phòng khách nói lớn không lớn, nói nhỏ chẳng nhỏ, những món đồ do Trần Lễ Bân và Ngụy Minh Trân để lại lần lượt biến mất tăm hơi.
Đương nhiên, hơi thở dịu dàng của mẹ Trần Dị vấn vương trong ngôi nhà mà cô cảm nhận được lúc xưa khi vừa đặt chân vào cửa nhà này đã lặng lẽ biến tan theo năm tháng, chỉ còn dấu vết sinh sống nhỏ nhặt của hai đứa nhỏ choai choai.
Căn nhà trông càng thêm trống vắng, đơn sơ và cũ kỹ.
Trần Dị thường hay xuất hiện bất thình lình.
Lúc thì nửa đêm có người gõ cửa sổ buồng cô về nhà, lúc thì sáng sớm phát hiện buồng bên cạnh có người, cũng có lần kết thúc tiết tự học tối, cô bắt gặp chiếc mô tô phóng bên đường như bay, hoặc là lúc ăn cơm có người đột nhiên xông vào.
Hai người sống cùng nhau, thực ra cũng không bất tiện chỗ nào, hồi bé từng ngủ chung một căn buồng, cả hai đều không có mấy thói quen xấu.
Hai người không nói chuyện với nhau nhiều, người nào bận việc người nấy, chỉ có giờ ăn cơm mới ngồi cùng bàn.
Miêu Tĩnh không có cảm nhận gì khác, chỉ biết anh ăn cực kỳ khỏe, sức ăn ít nhất là gấp đôi cô, sữa trong tủ lạnh và mức gạo trong lu tiêu hao với tốc độ chóng mặt.
Cô nhớ Trần Lễ Bân có vóc dáng cao gầy nhã nhặn, nhưng Trần Dị lưng dài vai rộng, anh đứng trước mặt rất có cảm giác áp bức, khiến người khác khiếp sợ.
Cơm nước xong, Trần Dị sẽ để ít tiền cơm trên bàn, số tiền không quá lớn, có khi ba bốn chục tệ, có khi một hai trăm.
Bình thường sẽ nhận ra được khả năng tài chính của anh theo từng giai đoạn, lúc là tiền anh đánh bida thắng, mười tệ hai chục tệ, cũng có lúc là tiền thưởng anh đua mô tô.
Miêu Tĩnh nghe anh nói chuyện điện thoại, biết họ có một nhóm người, nửa đêm lại tụ tập ở cung đường núi vùng ngoại thành, đua thắng là có tiền thưởng, thường là mấy ngàn tệ.
Thế nhưng tiền đó vào tay, không phải dùng nâng cấp trang bị cho xe thì cũng dùng mời bạn bè anh em ăn nhậu chơi bời.
Sau cùng tiền còn thừa anh đưa Miêu Tĩnh, chính để cho cô mua đồ ăn ngon.
Nói ra thì trong những năm cấp 2 Miêu Tĩnh trọ ở trường, đây là quãng thời gian cô ăn uống đủ đầy nhất.
Một mặt, cô đã biết đến xưởng đồ ăn mua những thực phẩm thừa hoặc sắp hết hạn để tạm lấp bụng.
Mặt khác, thi thoảng sẽ luôn có một bữa cơm toàn món mặn.
Lần đầu tiên cô làm thịt cừu kho tàu và hải sản tôm cua, bấy giờ tay nghề nấu nướng đã chuyển từ non nớt sang nhuần nhuyễn thuần thục, song Trần Dị ăn chả bao giờ kén cá chọn canh, dù có khó ăn cỡ nào anh cũng ung dung ăn hết.
Ban công có máy giặt quần áo, nếu không có gì phiền phức thì quần áo trong nhà thường được ném cho máy giặt.
Lần đầu Miêu Tĩnh lấy hết can đảm ngăn Trần Dị lại, ngăn anh quăng cả đồ lót lẫn tất vào máy.
Cô đỏ mặt, ấp a ấp úng đứng trước máy giặt, khó khăn lắm mới thốt ra được những lời ấy.
Tóc Trần Dị nhỏ nước, chống nạnh chế nhạo cô lắm trò.
Anh trở về buồng đổ bột giặt thành thạo vò quần áo, từ nhỏ tới lớn, có chuyện gì mà anh chưa từng làm đâu.
Trải qua vụ việc Trần Dị xách dao dọa dẫm hàng xóm, tên tuổi anh đã vang dội khắp khu dân cư này.
Không ai dám đến gần, tất nhiên hai anh em cũng lạnh nhạt không buồn giao lưu với người ngoài.
Mọi người đợi có chuyện để hóng hớt, không có người lớn bảo ban, hai đứa trẻ chưa thành niên ở nhà, với tính nết của Trần Dị, một thằng nhóc bồng bột xốc nổi, vào sở cảnh sát chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Có điều nhà mình cần né xa một chút, tránh gặp tai ương.
Ngày tháng cứ thế yên ả trôi.
Hai ngày trước kỳ thi chuyển cấp, Trần Dị bất ngờ về nhà.
Vì trời quá nóng nên Miêu Tĩnh ôn bài ở nhà, tâm trạng hơi hồi hộp, không có thời gian nấu cơm, hai người ăn mì sợi mấy hôm liền.
Nay Trần Dị mua mấy hộp thức ăn nóng ở ngoài, còn có dưa hấu và vài loại trái cây khác.
Hai người ngồi cạnh bàn, Trần Dị bỗng quẳng một cái đùi gà to vào bát của cô.
Nước lèo nóng hổi văng lên khuôn mặt ngỡ ngàng bối rối của Miêu Tĩnh, bắn cả vào mắt cô.
Cô rưng rưng chớp mắt liên tục, Trần Dị hậm hực đẩy nửa hộp thịt bò ngâm tương sang: “Ăn đi.”
Miêu Tĩnh rửa xong bát ra ngoài, trên bàn còn nửa quả dưa hấu, chiếc thìa trơ trọi cắm thẳng đứng, một nửa khác đã được Trần Dị bưng vào buồng ngủ.
Địa điểm thi ở ngay tại trường, Miêu Tĩnh định sáng sẽ bắt xe buýt đến trường, buổi chiều thi xong về nhà, trưa ăn cơm nghỉ ngơi ở trường.
Cô mang chiếc túi vải bố là phần thưởng thi đua ra khỏi nhà, kiểm tra văn phòng phẩm của mình, xem lại phiếu thi, còn chuẩn bị thêm một quả táo.
Trần Dị uể oải mở cửa buồng đi vào toilet, chân Miêu Tĩnh vừa bước qua cửa chính.
anh ngậm kem đánh răng gọi với theo: “Chờ tao.”
Trần Dị hắt nước lạnh lên mặt, vuốt vuốt mái đầu húi cua: “Tao chở mày đi.”
“Vâng ạ…”
Hai người đi xe máy, Miêu Tĩnh đội mũ bảo hiểm, khẽ nắm vạt áo anh một cách đúng mực.
Xe nổ máy ầm ầm, anh chống chân dài xuống đất, nghiêng đầu nói: “Giữ cho chắc, mày ngã thì chạy thẳng đến bệnh viện luôn là vừa.”
Chiếc mô tô lao đi, người Miêu Tĩnh đổ về trước theo quán tính, cả khuôn mặt đập lên lưng anh.
Tấm lưng rộng lớn nhuốm mùi thuốc lá lành lạnh, mùi hương khỏe khoắn tràn trề, không hề khó ngửi.
Chẳng biết có phải do xe chạy nhanh quá hay không, làm cô thấy hơi bồng bềnh choáng váng.
Lúc này Miêu Tĩnh thôi gồng người ngồi thẳng, mà yếu ớt ngả xuống lưng anh, hai tay siết chặt hai góc áo phông anh mặc, khép hờ mắt, lặng im cảm nhận cơn gió mạnh ập vào mặt và tiếng ồn ào quét qua tai.
Hơi hơi thấy… một niềm vui mơ hồ.
Trần Dị chở cô đến trường rồi quay đầu xe rời đi.
Miêu Tĩnh hòa cùng dòng người vào trường học, ngoảnh đầu thoáng liếc bóng chiếc mô tô màu đen.
Kỳ thi rất suôn sẻ, buổi chiều ra khỏi trường, phụ huynh đón con đứng chật ních ngoài cổng.
Miêu Tĩnh cúi đầu chậm chạp lê bước ra ngoài.
Chợt cô nghe thấy một tiếng còi chói tai, vừa ngẩng đầu, ngờ đâu lại trông thấy ngoài kia có bóng hình chàng trai trẻ ngồi vắt vẻo trên con xe mô tô sáng loáng, tay kẹp điếu thuốc lá, cặp mắt đen nhánh dường như chất chứa nét cười, lười biếng nhìn cô.
Mắt cô bỗng dưng sáng ngời, sải bước rộng đi tới trước anh, hoàn toàn không hay biết gì về nụ cười rực nắng trên gương mặt và bước chân hân hoan của mình đang hòa cùng vầng thái dương chói chang thiêu đốt, tan trong làn gió chiều khô rang.
Nét mặt Trần Dị thờ ơ, hỏi giọng có lệ: “Thi sao rồi?”
“Tạm được ạ.”
“Đi thôi.”
“Vâng.”
Thi xong hết các môn, Trần Dị chả hỏi thăm gì, lại biến mất dạng.
Điểm thi được công bố vào đầu tháng bảy, thành tích của Miêu Tĩnh lọt top 10 toàn trường, tên nằm trong top 100 thành phố.
Đằng Thành có một trường cấp 3 trọng điểm của tỉnh, đậu vào trường trọng điểm với thành tích đó là điều chắc chắn, là một chuyện rất đáng để khoe.
Trần Dị cũng thấy tờ giấy báo trúng tuyển đỏ tươi kia, anh làm ổ trên ghế, hai chân bắt chéo gác lên cái ghế đẩu, hờ hững hỏi cô: “Mày định khi nào đi?”
Nụ cười của Miêu Tĩnh tắt ngúm, chớp chớp mắt, hai tay đặt ở đầu gối, mím chặt môi.
Ngày trước đã hẹn, đợi cô học hết cấp 2 xong sẽ biến ngay.
Cô đã ở nhà này bao nhiêu lâu rồi, Trần Dị không truy cứu chuyện Ngụy Minh Trân, cũng không làm khó cô, Miêu Tĩnh chẳng còn lý do ở lại nữa.
Nhưng điện thoại Ngụy Minh Trân tới nay vẫn chưa gọi được.
Đi thẳng đến địa chỉ Ngụy Minh Trân cho để tìm người? Hay làm theo ý Ngụy Minh Trân, về quê ở tỉnh Z tìm nhà dì rồi tiếp tục đi học?
“Tao mua vé tàu cho mày về quê rồi đấy.” Trần Dị thu chân về, cụp mắt chậm rãi dặn dò cô, “Mày đi xếp đồ đi, tao chở mày ra ga tàu.”
Miêu Tĩnh khẽ vâng, xoay người về buồng dọn hành lý.
Thực ra cũng không có gì để dọn, chỉ mỗi vài món quần áo giặt đến độ cũ mèm, một số đồ dùng hằng ngày, mấy cuốn sách đọc ngoại khóa, giấy báo trúng tuyển và hồ sơ cá nhân.
Thậm chí chưa xếp đầy một chiếc vali, đeo cái cặp sách thôi cũng đã đủ.
Trần Dị mua vé tàu về tỉnh Z cho cô thật.
Anh chở cô ra ga, dẫn tới cổng kiểm vé, đứng sừng sững trước mặt cô, nghĩ ngợi, lấy từ trong túi ra một xấp tiền: “Cầm lấy.”
“Không cần đâu ạ.” Miêu Tĩnh lắc đầu, tay co rụt, “Em vẫn còn ít tiền, đủ dùng rồi.”
Anh cất tiền vào, đẩy đẩy vai cô: “Thế đi đi.”
“Tạm biệt.” Miêu Tĩnh cúi đầu không nhìn anh, khẽ nói chia tay, “Cảm ơn anh, Trần Dị.”
“Tạm biệt, đi đây.” Anh duỗi tay như đang vỗ hờ lên đầu cô, vừa quay gót, anh đã sải bước dài, giơ tay vẫy vẫy, nhanh chóng rời phòng chờ.
Miêu Tĩnh dõi nhìn bóng lưng anh đi xa, lẳng lặng dời mắt, mông lung ngồi ở ghế chờ đoàn tàu đến ga.
Nếu có thể, cô hy vọng hiện giờ mình đã đủ mười tám tuổi, là một người trưởng thành, có thể sống một mình, có thể làm mọi việc tùy thích, có thể đi tới nơi mình muốn tới, có thể mọc cánh hoặc có mục tiêu.
Nay cô chỉ mới mười lăm, cách mười tám tuổi chỉ ba năm, nhưng vì sao lại không được chứ?
Đám đông bên cạnh đến đến đi đi, đi đi dừng dừng.
Không biết có phải do ý trời hay chăng, đoàn tàu cứ hoài lẫn lữa chẳng tới sân ga, bảng điện tử hiển thị đã trễ ba tiếng đồng hồ.
Miêu Tĩnh ngồi thật lâu thật lâu, khoảnh khắc cuối cùng cô máy móc đứng dậy, cất bước đến quầy trả vé, kế đó ra khỏi ga tàu.
Trước luống hoa của nhà ga có người lặng lẽ đợi, chân dài thẳng, vai rất rộng, đầu húi cua, đứng dựa cột điện, tư thế nghênh ngang, ngạo nghễ nuốt mây nhả khói.
Sau màn khói trắng mỏng tang gay mũi là khuôn mặt nét nào ra nét ấy, biểu cảm lạnh lùng, nhìn chằm chằm người con gái có mái tóc dài buộc kiểu đuôi ngựa, mặc chiếc áo phông nhàu nhĩ, trầm tĩnh và yếu gầy.
“Đi đâu?” Anh cao giọng quát cô.
Miêu Tĩnh quay người, mắt ánh lên chút hoảng hốt, lại vờ trấn định đi tới chỗ anh, nhấp môi: “Em đi tìm việc.”
“Việc gì?”
“Xưởng điện tử đang tuyển công nhân làm ba tháng hè, hay vào quán cơm rửa chén đĩa cũng được, người ta bao ăn bao ở.” Cô cầm mấy tờ quảng cáo tuyển dụng trong tay.
Anh lắc đầu cười.
“Anh tự nuôi sống mình được, em cũng thế.” Miêu Tĩnh bình tĩnh nhìn anh: “Em tự đi, không tìm anh nữa đâu, cũng sẽ không làm phiền anh nữa.”
“Miêu Tĩnh, không nhìn ra đấy, mày có triển vọng lắm.” Anh cường điệu nụ cười giễu, “Vậy mày đi đi.”
Cô nghiêm túc gật đầu, xoay người rời đi.
Cô đi dọc theo con phố với những cửa hàng, hướng về nơi nhộn nhịp và dơ bẩn nhất của thành phố.
Những con người sống ở tầng lớp dưới chót mang trong mình sức tồn tại cực mạnh mẽ, thời đại này chỉ cần có tay và đầu óc, mùa hè kéo dài và không có mùa đông, thì sẽ không làm người ta chết đói hay chết cóng được.
Cô có rất nhiều công việc có thể làm, cũng có thể chịu khổ.
Đi trên vỉa hè, có chiếc xe phi ngang qua cô rồi đột ngột phanh gấp.
Người trên xe vươn cánh tay vòng ngang eo cô kéo một cái, Miêu Tĩnh thấy trời đất ngả nghiêng, chưa kịp hô thành tiếng thì đã bị lôi lên chiếc mô tô.
Tim cô đập bình bịch, đụng trúng cánh tay anh, là một mùi con trai quen thuốc dễ ngửi.
“Trần Dị —”
Miêu Tĩnh hét toáng, song tốc độ xe chẳng hề giảm, lao đao xóc nảy.
Cô sợ mất thăng bằng sẽ ngã nên chỉ đành bám chặt người anh.
“Mày bướng bỉnh ghê nhỉ, học ai đấy?” Trần Dị cười to, “Từ nhỏ đã thế, ghét đếch chịu được.”
“Anh chở em đi đâu?” Cô la to.
“Chở mày đi ăn mừng.”
Mô tô rẽ trái rẽ phải, luồn lách không ngừng giữa dòng xe cộ rồi quẹo vào một ngọn núi ở ngoại thành.
Xe tiếp tục tăng tốc, bắt đầu chạy siêu tốc, trận gió thổi bùng quần áo ai người, bên tai toàn tiếng gió rít gào, người dần lơ lửng mất trọng lượng.
Miêu Tĩnh không tài nào chịu nổi trò kích thích ấy, tâm trí trống rỗng, miệng khô lưỡi khô, chứng kiến cảnh anh bốc đầu, xe bất chợt vọt lên, cơ thể hai người bị nhấc lên không trung, cô nhắm tịt mắt níu chặt lấy lưng Trần Dị.
“Trần Dị, Trần Dị, em sợ, dừng lại, dừng lại…”
Anh chạy trên con đường núi ngoằn ngoèo như thân rắn, bước vào trò đùa giỡn tàn khốc, bất chấp chạy băng băng ở viền vách núi.
Miêu Tĩnh thực sự không chịu nổi, da đầu tê rần, tay chân mềm nhũn, sợ đến nỗi òa lên khóc.
Không biết có phải vì não thiếu oxi không, cô khóc hết sức thảm thiết đã đời, ngồi sau lưng anh nức nở, mũ bảo hiểm ướt đẫm, lưng áo anh cũng ướt đẫm, nhưng rất nhanh đã được gió thổi khô.
Cuối cùng chiếc mô tô dừng bánh ở một con dốc thoải trên đỉnh núi.
Trần Dị nhếch mép cười, hỏi cô có sảng khoái không.
Anh xuống xe bằng một phong thái vô cùng hiên ngang, chống cánh tay ngồi dưới đất hứng gió lạnh.
Miêu Tĩnh kiệt lực leo xuống xe, vừa không dùng sức cái đã ngã sõng soài ra cỏ.
Cô khóc đỏ bừng hai mắt, nước mắt giàn giụa, tóc tai lơ thơ bết vào gò má và cổ, nhếch nhác khủng khiếp, bờ vai giật giật, nghẹn ngào nấc cụt.
Gió núi lướt qua tai, không khí ngọt lành, nắng gắt trong veo, cỏ xanh mượt mà, có tiếng chim hót véo von.
Trần Dị mặc kệ người bên cạnh đang khóc dữ dội, anh ngậm ngọn cỏ nhắm mắt ngủ.
Sau đó thức dậy, anh phát hiện Miêu Tĩnh khóc mệt rồi cũng ngủ, tay chân mảnh khảnh cuộn tròn trên bãi cỏ, sợi tóc hỗn độn dính vào khuôn mặt trắng ngần, đuôi mắt vương giọt nước, chiếc mũi và đôi môi nhỏ nhắn, hàng mày nhăn tít.
Anh vỗ người cô: “Miêu Tĩnh.”
Miêu Tĩnh mơ màng mở mắt, sau khi rửa mặt, lòng cô yên tĩnh lạ thường, cảm xúc cũng trở nên an ổn, như thể mọi phiền não đã trôi đi rất xa, chuyện cũ cũng không đáng để nhớ lại nữa.
“Đứng lên đi.” Anh xách cô dậy, “Về nhà.”
Cô ngẩn mặt.
Trần Dị đã đội mũ bảo hiểm xong: “Coi như tao làm việc tốt, đợi mày học hết cấp 3 rồi hẵng biến.
Cái trường cấp 3 ở nhà quê nghèo nàn của mày cóc được cái tích sự gì, chẳng thà khỏi học cho rồi.”
“Lên xe.” Anh bực mình, “Nhanh lên, về nhà nấu cơm đi, tao đói rồi.”
Miêu Tĩnh run tay, chân chầm chậm bò lên mô tô, phấp phỏng dè dặt: “Anh chạy chậm một chút được không ạ? Ngã là chết luôn đấy.”
Anh cười ha ha.
(còn tiếp)
oOo
*1 phút nhảm nhí*
Tưởng tượng của tôi khi đọc lướt khúc Trần báo thủ bốc đầu: