Chim Trong Lồng

Chương 5: Xuất Giá




Đầu tháng bảy, Khương Linh Châu xuất giá.

Vừa vào thu không bao lâu nên thời tiết vô cùng mát mẻ và dễ chịu, các bậc thềm bằng ngọc dường như đang phát sáng, cả trong và ngoài cung đều được quét dọn cẩn thận, đổi mới hoàn toàn.

Khương Linh Châu là công chúa có phong hào, Tề đế đồng ý để nàng gả đi từ cửa Chu tước theo quy tắc của tổ tiên. Vào giờ Mẹo, Khương Linh Châu thức dậy, tỳ nữ búi tóc kiểu Như Vân cho nàng, khoác lên người bộ y phục màu đỏ tươi rồi đưa nàng đến chỗ Thái hậu và Hoàng hậu để bái biệt. (1)

(1) Bái biệt: Từ biệt một cách trang trọng (Bái: Lạy, Biệt: Từ biệt)

Tình cảm của Khương Linh Châu và Chu Thái hậu rất sâu sắc nên nàng cảm thấy vô cùng lưu luyến khi phải từ biệt bà. Chỉ tiếc là thân thể Thái hậu không tốt, không thể ra khỏi cung điện để tiễn nàng xuất giá.

Khi vào cung của Hoàng hậu, bà đang ngồi ngay ngắn trên ghế cao, đôi mắt thanh tú nheo lại, khuôn mặt bình thản, không rõ là vui hay buồn.

Khi còn ở nhà mẹ đẻ, Hoàng hậu là một cô nương nhỏ rất được cưng chiều, đến khi thành thân bà lại trở thành người phụ nữ cao quý nhất đô thành Hoa Đình, cuộc đời bà quá thuận buồm xuôi gió. Đời này, Hoàng hậu không phải trải qua bất kì khó khăn hay thử thách nào, vì vậy đến tuổi này rồi nhưng tính khí của bà vẫn hơi trẻ con.

Chuyện con gái xin đi hòa thân làm Hoàng hậu giận dỗi mấy tháng liền. Bà luôn tỏ ra lạnh lùng với Hoàng đế, cảm thấy chỉ vì Hoàng đế muốn lưu lại tiếng thơm trong sử sách mà nhẫn tâm gả con gái yêu của mình đi xa. Vì vậy, đến ngày Khương Linh Châu xuất giá, Hoàng hậu vẫn rất tức giận.

Thái tử thấy vẻ mặt của Hoàng hậu thì thở dài một tiếng, nhẹ giọng nói với bà: “Mẫu hậu đừng tức giận nữa. Người phải tranh thủ trò chuyện với Hà Dương nhiều một chút, có lẽ sau này con bé không thể trở về đây và nói chuyện với người thế này đâu.”

Hoàng hậu nghe những lời này, do dự một lúc, sắc mặt cuối cùng dịu xuống. Bà nắm tay Khương Linh Châu, muốn nói gì đó lại thôi, vất vả lắm mới tức giận thốt ra một câu: “Nếu sau này bị bắt nạt ở nước Ngụy, mẫu hậu không thể bảo vệ con được nữa rồi… Nhớ thường xuyên gửi thư về, tổ mẫu con muốn xem.”

Thái tử và Khương Linh Châu đều hiểu, “Chu Thái hậu muốn xem” chỉ là cái cớ mà thôi. Thật ra là Hoàng hậu nhớ con gái, muốn con gái thường xuyên gửi thư về nhưng mà xấu hổ nên bướng bỉnh không chịu nói.

Hoàng hậu dặn Khương Linh Châu xong thì sai tỳ nữ lấy một hộp trang sức tới. Nắp hộp được mở lên, cả sảnh đường như sáng bừng lên trong phút chốc. Bên trong hộp là một đống châu báu lấp lánh rực rỡ, trâm cài tóc hình khổng tước màu xanh biếc, chiếc cài bằng vàng có gắn hình bông hoa bằng hồng ngọc, trâm cài tóc khảm hoa văn như ý… Từng món châu báu, trang sức lấp lánh như ánh sao.

Hoàng hậu lấy trang sức trong hộp ướm lên đầu Khương Linh Châu, nhìn đi nhìn lại, bà cảm thấy bất kì món đồ nào trong đây đều chỉ làm nền cho vẻ đẹp của nàng. Cuối cùng, Hoàng hậu đổ hết trang sức trong hộp ra đặt vào tay Khương Linh Châu. Trong chốc lát, đủ loại trâm cài chất thành một đống trong tay nàng.

“Hà Dương, con cầm hết những thứ này đi.” Hoàng hậu nói.

“Mẫu hậu, của hồi môn của Hà Dương đã được chuẩn bị kĩ càng rồi.” Khương Linh Châu dở khóc dở cười.

Lúc này Hoàng hậu mới nhớ, của hồi môn của Khương Linh Châu do chính tay mình lo liệu, sắp xếp rất cẩn thận, chu đáo. Châu báu, đồ trang sức, gấm Tứ Xuyên, lụa nước Ngô, vòng ngọc Thẩm Đàn, hương liệu quý giá, mọi thứ đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Giờ đây những thứ trong tay nàng chỉ là đồ thừa.

Hoàng hậu sai người cất châu báu đi, đỡ Khương Linh Châu ra khỏi cửa cung.

Mặt trời dần lên cao, gần đến giờ Tỵ. Các quần thần đã đứng sẵn trên bậc thềm trước cửa Chu tước khiến nơi đây như biến thành một rừng người. Mây trắng tô điểm trên thềm ngọc, nắng sớm dịu dàng chiếu lên những tấm cửa son, Cửu Trọng Lâu điện sáng như vừa được gột rửa.

Khương Linh Châu đứng trên đài ngọc, phấn son xinh đẹp, áo hoa tóc vấn. Hỷ phục khâu bạc thêu vàng, đỏ rực tựa đoá hoa loa kèn, châu ngọc rủ trước trán, trâm vàng nổi bật trên búi tóc đen như mun. Nhìn từ xa trông như một đoá sen lửa, lại như ngọn lửa đỏ rực ở tâm ngọn nến, cực kỳ xinh đẹp.

Tề đế xuống kiệu, bước tới chỗ Khương Linh Châu.

Khi vừa đi ngang qua chỗ Hoàng hậu, bà hậm hực lườm ông một cái. Cái nhìn này làm biểu cảm trên khuôn mặt Tề đế đột nhiên cứng đờ.

“Hà Dương của trẫm.” Hoàng đế quay sang Khương Linh Châu, ân cần nói: “Hôm nay con gả làm thê tử người khác nhưng sau này vẫn phải giữ vững tập tục của Đại Tề, biết đức biết lễ và luôn có tâm hồn lương thiện, trong sáng. Khi sang nước Ngụy con càng phải nhớ kỹ điều này, không được làm xấu tên Đại Tề chúng ta.”

Khương Linh Châu gật đầu đồng ý.

Lễ quan (2) vừa báo đã đến giờ lành, lập tức có tỳ nữ dâng một bầu rượu và một chiếc ly vàng tới trước mặt Khương Linh Châu. Nàng nhận lấy bình, rót rượu vào ly rồi nghiêng ly vẩy rượu xuống bậc thềm trước mặt, nàng vừa lặp đi lặp lại động tác ấy ba lần vừa nói bằng giọng điệu nhẹ tựa gió thoảng mây bay.

(2) Lễ quan: Vị quan phụ trách những nghi lễ lớn nhỏ trong cung

“Thứ nhất, ta từ biệt phụ mẫu huynh đệ, cầu cho phụ mẫu thọ như tùng bách, sống lâu trăm tuổi; huynh đệ cung kính, thương yêu lẫn nhau, tỷ muội an yên và có tấm lòng trong sáng, cao thượng.”

“Thứ hai, tạm biệt dân chúng Đại Tề, cầu cho từ nay về sau Đại Tề quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, của cải dồi dào, người người sung túc.”

“Thứ ba, tạm biệt ngàn dặm non sông, cầu cho hàng năm hoa nở khắp đồi, cây xanh khắp núi, phong cảnh lúc nào cũng hùng vĩ và tráng lệ như bây giờ.”

Rượu dần thấm vào bậc thềm, Khương Linh Châu ngẩng đầu lên, cung nhân sửa sang lại khăn voan đỏ cho nàng. Có mệnh phụ (3) tiến lên phía trước muốn dẫn nàng vào xe ngựa nhưng Thái tử Khương Yến Nhiên lại ngăn bà ấy lại, hắn bước tới trước mặt Khương Linh Châu, đích thân cõng nàng trên lưng.

(3) Mệnh phụ là danh từ gọi các phụ nữ có tước hàm thuộc các triều đại phong kiến ở Trung Quốc, cùng các quốc gia Hán quyển Đông Á như Việt Nam và Hàn Quốc.

Thấy cảnh này, triều thần không khỏi vang lên tiếng xì xầm bàn tán.

Đại Tề coi trọng lễ nghi, quy tắc, trai gái trên mười tuổi không thể quá gần gũi, thân thiết với nhau, kể cả huynh muội hay tỷ đệ trong nhà cũng cần phải tránh. Vậy mà Khương Yến Nhiên lại dám cõng Khương Linh Châu tới xe ngựa.

Khương Linh Châu nằm trên lưng huynh trưởng, khăn voan đỏ thắm trước mắt nàng đung đưa theo từng bước chân. Nàng thấp giọng nói: “Hoàng huynh, muội có thể tự đi mà.”

“Đây là lần cuối cùng…” Khương Yến Nhiên nói một cách lơ đễnh: “Lần cuối cùng huynh cõng muội là lúc muội mới tám tuổi. Muội bị Lưu… An Khánh vương bắt nạt, khóc lóc đòi huynh phải cõng muội về mách mẫu hậu. Vậy mà mới chỉ chớp mắt một cái, muội lớn đến vậy, đã đến tuổi phải xuất giá, có lẽ sau này muội không thể trở lại nơi này nữa rồi.”

Khương Linh Châu nghe lời huynh trưởng, vừa muốn cười vừa muốn khóc.

Cuối cùng, nàng nhẹ nhàng lau giọt nước đọng nơi khóe mắt một cách cẩn thận, sợ sẽ làm hỏng lớp trang điểm trên mặt.

Thái tử bước tới trước xe ngựa, Khương Linh Châu liền ngồi vào trong xe.

“Hà Dương, dù gả sang nước Ngụy nhưng muội nhất định phải nhớ mọi người.” Khương Yến Nhiên nhìn màn xe. Một lúc sau hắn lại nhẹ giọng nói: “Nhưng mà Khương Thanh Cừ đáng ghét như vậy, muội không muốn nhớ thì đừng nhớ.”

Khương Linh Châu vén một góc màn xe lên đáp: “Được ạ.”

Một lúc sau nàng còn nói: “Hà Dương sẽ nhớ hoàng huynh.”

Lễ quan hô một tiếng, cung nữ đồng loạt quỳ gối, bánh xe ngựa bắt đầu lăn, dần dần rời xa khỏi cửa Chu Tước. Nữ tỳ đi nối đuôi nhau thành một hàng dài, của hồi môn của nàng vô cùng xa xỉ và phong phú, nghi trượng (4) đỏ rực như lửa rồng, uốn lượn quanh co, liên miên không dứt.

(4) Nghi trượng: vũ khí, quạt, dù, cờ… mà đội hộ vệ mang theo khi vua, quan lại… đi tuần hành thời xưa.

Khương Linh Châu vén khăn voan của mình lên, nhìn ra bên ngoài qua tấm rèm cửa sổ, chỉ thấy quần thần vẫn đang kính cẩn cúi đầu trước những tòa cung điện cáo chót vót. Không bao lâu sau, nàng thấy rất nhiều dân chúng đang quỳ rạp xuống đất, dập đầu tạ ơn; thấy nhà cửa trong đô thành Hoa Đình trùng trùng điệp điệp. Dường như Khương Linh Châu đang cố gắng ghi nhớ từng căn nhà, từng góc phố qua song cửa sổ trên xe.

Nàng lại quay đầu nhìn cửa Chu Tước với hi vọng có thể tìm thấy được bóng hình của người thân trên những bậc thềm. Chỉ tiếc rằng ngọc đài ở quá xa khiến nàng không còn nhìn thấy hình dáng của phụ hoàng, mẫu hậu và huynh trưởng nữa rồi.

Nàng thở dài một hơi từ tận đáy lòng, thầm nghĩ lúc bước ra khỏi cửa thành Hoa Đình, nàng không còn là Hà Dương công chúa Đại Tề nữa mà đã trở thành Cạnh Lăng Vương phi của nước Ngụy. Nàng công chúa được người dân tôn kính, được phụ mẫu yêu thương, có huynh muội vây quanh đã không còn nữa, chỉ trong một tối nàng mất tất cả.

Lần tha hương gả sang địch quốc này có lẽ sẽ khiến nàng u uất cả đời, trở thành cá chậu chim lồng, dần dần chết già trong cung.

Nghĩ đến đây, nàng vô thức nắm chặt đoản kiếm mà Tiêu Tuấn Trì tặng.

Tiêu Tuấn Trì ơi Tiêu Tuấn Trì… Ngươi nhất định phải đối xử tốt với bổn công chúa một chút…

***

Trước cửa Chu Tước ồn ào náo nhiệt đến thế mà trong cung điện phía Tây lại yên tĩnh, im lặng đến vậy.

Lậu Thanh Trì cung, gió lạnh thổi bên thềm nhưng tấm rèm ngọc châu ở ngoài lại yên tĩnh đến lạ.

Tay Lưu Tông cầm một quyển sách, hắn đọc đến đoạn “Cố từ bất năng, tử sử dư dã, nhân các hữu năng hữu bất năng” (5). Ở đằng xa, tiếng nhạc linh đình vang tới đây. Trong phút chốc, chữ viết trong sách trở nên vô cùng tẻ nhạt, vô vị và khô khốc y như sáp nến vậy.

(5) Cố từ bất năng, tử sử dư dã, nhân các hữu năng hữu bất năng: Chỉ có những kẻ bất tài mới không thể làm xong chuyện của mình, phải sai khiến con cái làm thay

Hắn để cuốn sách xuống, bước lên bậc thềm.

Lúc này, nghi trượng của Khương Linh Châu đã đi đến cửa thành Hoa Đình, kể cả nơi cao nhất của Tây cung cũng không thể thấy được gì nhưng Lưu Tông vẫn có thể tưởng tượng ra dáng vẻ của nàng khi xuất giá.

Hắn đi đi lại lại vài lần và lẩm bẩm trong miệng.

“Thủy tinh ngọc thiền bát huyền thủ, giá dữ hãn hải khuyến địch tửu. Húc nhật sơ lạc cận ly đầu, mãn giai tố quang ánh hồng y.” (6)

(6) Thủy tinh ngọc thiền bát huyền thủ, giá dữ hãn hải khuyến địch tửu. Húc nhật sơ lạc cận ly đầu, mãn giai tố quang ánh hồng y: Người con gái xinh đẹp, trong sáng phải gả đến sa mạc xa xôi, ánh mặt trời buổi sớm đầu tiên tỏa ánh nắng xuống bộ hỷ phục đỏ thắm của nàng.

Hắn lẩm bẩm đọc câu này, lại cảm thấy sử dụng “Thủy tinh ngọc thiền” không hay lắm, thay thế bằng câu “Hiểu đại bích lang” (7) thì phù hợp hơn. Lưu Tông đắn đo suy nghĩ, lặp đi lặp lại những câu trên vài lần, cảm thấy hơi khó quyết định.

(7) Hiểu đại bích lang: Cặp lông mày xanh biếc, bừng sáng thể hiện sự ngây ngô, trẻ trung và xinh đẹp.

Cuối cùng, hắn lặng lẽ thở dài một tiếng, gọi thầm một cái tên nhưng không ai có thể nghe được.

***

Khương Linh Châu rời khỏi đô thành Hoa Đình, ngồi trong xe ngựa lắc lư khá lâu. Tới chiều, nàng bảo Bạch Lộ giúp nàng cởi lớp hỷ phục ra và thay bằng thường phục. Nơi dừng chân của nàng là nước Ngụy xa xôi, có lẽ phải đi mất một tháng mới đến nơi. Nếu Khương Linh Châu phải mặc bộ hỷ phục vừa dày vừa nặng trong suốt hành trình thì e rằng sẽ rất khó chịu.

Đây cũng là lần đầu tiên Bạch Lộ và Kiêm Hà rời khỏi Hoa Đình, ngay cả các nàng ấy còn cảm thấy lo lắng chứ chưa nói tới những cung nhân khác. Ban đêm, khi đoàn người nghỉ chân tại dịch quán, một nhóm tỳ nữ ngồi chung với nhau kể khổ.

Kiêm Hà sợ Khương Linh Châu lo lắng nên cố ý động viên nàng.

“Công chúa, nghe nói Cạnh Lăng vương không gần nữ sắc nên đến giờ vẫn chưa nạp thiếp. Nước Ngụy cũng không thịnh hành tập tục tam thê tứ thiếp, đều là những cặp phu thê tình thâm sống bên nhau hạnh phúc tới già.” Kiêm Hà nói.

“Nếu hắn thật sự không gần nữ sắc…” Khương Linh Châu thấp giọng nói: “Thì tốt nhất là cũng đừng tới gần ta.”

Nghe được lời nói của Khương Linh Châu, Bạch Lộ mỉm cười: “Sao lại vậy ạ? Đã là phu thê thì chuyện thân mật với nhau là điều không thể tránh khỏi. Huống hồ, công chúa là đệ nhất mỹ nhân nổi danh Đại Tề. Dù tên Cạnh Lăng vương kia có sắt đá đến đâu đi chăng nữa cũng phải quỳ dưới váy người.”

Khương Linh Châu vừa nghe đã tưởng tượng ngay ra cảnh: Một nam nhân vai u thịt bắp, người khoác khôi giáp mạnh mẽ, lưng đeo bao đựng tên nặng nề lại bổ nhào tới dưới váy nàng, yếu đuối gọi hai tiếng “Nương tử”… Nàng lập tức cảm thấy buồn nôn.

“Thôi… quên đi.” Khương Linh Châu nói.

Cứ thế, đội nghi trượng dần tiến ra Bắc đến gần biên giới Tề – Ngụy.

Càng lại gần phía Bắc, thời tiết ngày càng giá rét. Đến U Yến, Khương Linh Châu không còn nhìn thấy làn sương khói quen thuộc ở Giang Nam, nơi đây chỉ có vạn dặm núi sông, cảnh sắc không giống phía Nam chút nào.

Hai, ba buổi tối đầu tiên, Khương Linh Châu rất lo lắng, sợ hãi và nhớ nhà nên nàng không thể ngủ ngon giấc. Sau đó, mấy ngày đi đường mệt nhọc liên tiếp khiến tối đến Khương Linh Châu vừa đặt lưng xuống đã chìm vào giấc ngủ say. Đường đi xóc nảy khó chịu làm nàng bắt đầu mong sớm ngày đến Cạnh Lăng vương phủ, nằm trong chăn ấm đệm êm mà ngủ một giấc thật ngon.

Dù Tiêu gia hay Cạnh Lăng vương có ghê gớm thế nào thì nàng cũng chỉ muốn nằm trên gối êm ngủ một giấc mà thôi.

Cuối cùng đến một ngày, nàng còn đang ngủ thì đã bị Kiêm Hà đánh thức.

“Công chúa, công chúa, chúng ta đến Đại Ngụy rồi. Tối nay chúng ta tìm chỗ trọ ở đây nhé.”

Khương Linh Châu dụi đôi mắt còn đang buồn ngủ, vén rèm xe ngựa lên nhìn về phía trước.

Nước trắng núi đen, mây trôi trên nền trời hoang vắng.

Một con quạ tự do bay ngang qua chân trời u ám lạnh lẽo, giống như một vết mực bóng bẩy mờ mờ ảo ảo trên bức tranh thủy mặc u buồn.

Trăng khuyết treo lơ lửng trên nền trời xanh thẫm, ánh sao mờ nhạt, áng mây tĩnh lặng.

Một cơn gió lớn thổi tới, cát, côn trùng, đá vụn bay qua khiến không gian như vang lên tiếng khóc nghẹn ngào, làm người ta bỗng cảm thấy cô đơn đến lạ.

~~~ Tác giả có lời muốn nói: Cuối cùng cũng xuất giá rồi nhé!

Cạnh Lăng vào mùa đông.