Chim Công Trắng

Chương 54: Báu vật trong lòng






Trên đường từ bệnh viện trở về, Lý Mậu lái xe, im lặng không nói.

Nửa đường, Lý Mậu đỗ xe lại ven đường, lấy ra đủ loại dược phẩm nhìn qua lần nữa, lẩm bẩm: “Hiện giờ giống như đang nằm mơ vậy.”

Kỷ Nguyên nói: “Em nghĩ tới một thành ngữ, Diệp Công thích rồng. Diệp Công không phải thật sự thích rồng, anh cũng không phải thật thích em bé.”

Lý Mậu hôn trán Kỷ Nguyên một cái, hỏi: “Nhóc Nguyên, em có đặc biệt muốn ăn gì không?”

Kỷ Nguyên đáp: “Không có.”

Lý Mậu hỏi: “Thế em bé có đặc biệt muốn ăn gì không?”

Kỷ Nguyên nói: “Cũng không.”

Lý Mậu nằm sấp trên tay lái, cười ngây ngô nói: “Bố đứa nhỏ cần yên tĩnh.”

Kỷ Nguyên hừ một tiếng, nói: “Mẹ đứa nhỏ muốn đến vườn bách thảo chơi.”

Lý Mậu cười nói được, khởi động xe lần nữa, chạy về phía vườn bách thảo.

Vườn bách thảo, cây phong linh tháng tư tháng năm, hoa trắng hoa vàng, tựa như một bó tú cầu, hết sức mềm mại. Bên đường trồng cây bạch đàn chanh, tỏa ra mùi hương mát rượi.

Lý Mậu nhìn Kỷ Nguyên đứng dưới chùm hoa, anh thích cô như vậy, tự nhiên, sáng sủa, không hề phức tạp.


Cuối tuần, hai người ở phòng khách đọc sách, Lý Mậu đang đọc tản văn, Kỷ Nguyên thì đọc sách đầu tư quốc tế.

Lý Mậu nói: “Nhóc Nguyên, anh thích dáng vẻ im lặng đọc sách của em.”

Kỷ Nguyên hỏi: “Ai cho phép anh thích hả?”

Lý Mậu bật cười.

Kỷ Nguyên nói: “Anh ở bên cạnh em nóng quá, địa bàn này là của em.”

Cô tìm một ranh giới ma pháp.

Lý Mậu ngồi vào sofa đơn, anh dự cảm sau này chỉ có thể nghe được câu sai khiến và câu hỏi vặn lại, câu nói dịu dàng trong khoảng thời gian ngắn sẽ không xuất hiện nữa.

Kỷ Nguyên một mình chiếm sofa dài trong phòng khách, Lý Mậu dứt khoát bật tivi xem tin tức.

Kỷ Nguyên bỗng nhiên nói: “Tắt tivi đi, em muốn ngủ.”

Tiểu bá vương nằm xuống, đắp chăn, thoải mái muốn ngủ.

Anh gọi: “Nhóc Nguyên?”

Cô nhắm mắt lại nói: “Số điện thoại ngài gọi hiện đã tắt máy.”

Lý Mậu cười nghiêng người qua, trực tiếp bồng cô lên, nói: “Bên ngoài dễ cảm lạnh, vào phòng lên giường ngủ.”

Kỷ Nguyên chẳng nói gì, ôm lấy cổ anh, im lặng một chút.

Qua mấy hôm, Lý Mậu chọn một danh sách ca khúc dưỡng thai, trong nước ngoài nước đều có.

Kỷ Nguyên nhìn, cảm thấy rất tốt.

Buổi chiều, hai người ngồi nhàn nhã, lắng nghe Bình đàn* Tô Châu đang hát: “Hương liên bích, thủy động phong lương, hạ nhật trường.”

(*) một hình thức văn nghệ dân gian, vừa kể chuyện vừa hát vừa đàn, lưu hành ở vùng Giang Tô, Chiết Giang, Trung Quốc.

Một câu mười chữ, có thể đọc xuôi, có thể đọc ngược.

Trường nhật hạ, lương phong động thủy, bích liên hương.

Kỷ Nguyên nói: “Trong hí khúc, tính từ và động từ không phân chia. Đình mẫu đơn dùng đến tận cùng, năm tháng tựa nước chảy (tự thủy lưu niên). Một chữ lưu, vừa tôn lên dòng nước chảy, cũng tôn lên năm tháng trôi qua.”

Lý Mậu mỉm cười, nói: “Nhóc Nguyên, anh đặt câu cho em nghe.”

Kỷ Nguyên nói: “Anh nói đi.”

Lý Mậu thuận miệng nói: “Cô nhạn quy, vũ hiết bình loạn, thu dạ hàn.”


Kỷ Nguyên thầm đọc ngược: “Hàn dạ thu, loạn bình hiết vũ, quy nhạn cô.”

Anh hỏi: “Thế nào?”

Cô trêu chọc: “Bây giờ em tin bài văn hồi cao trung của anh là bài văn mẫu.”

Anh nhoẻn miệng cười.

Ngày tháng bình thản êm đềm, Kỷ Nguyên đến bệnh viện kiểm tra theo định kỳ, ở nhà ăn món dinh dưỡng do Lý Mậu nấu, mỗi ngày hai người đều ra ngoài tản bộ.

Hè đi thu đến, có đôi khi Kỷ Nguyên rất nhạy cảm, nghĩ tới mình hồi còn trẻ không thuần túy, chỉ vì trốn tránh tình cảnh không vui, mới gắng sức đi học.

Kỷ Nguyên hy vọng con mình hồn nhiên ngây ngô, tâm không phiền nhiễu.

Lý Mậu nói: “Mỗi bậc cha mẹ đều có rất nhiều tâm nguyện.”

Cô không thèm để ý tới anh.

Hôm qua anh còn nói sinh mười đứa bé, một đứa làm nhà khoa học, một đứa làm nhà nghệ thuật, một đứa làm nhà ngân hàng… bao trọn các ngành nghề.

Lúc ấy cô không nhịn được nở nụ cười.

Cuối tháng mười một, Kỷ Nguyên vào ở bệnh viện chờ sinh.

Buổi sáng hôm Kỷ Nguyên sắp sinh, Lý Mậu ngồi bên ngoài phòng sinh, trong lòng bàn tay luôn đổ mồ hôi lạnh.

Bọn họ có mời một dì chăm sóc

trước, lúc này dì ta đang cùng ở hành lang, trấn an ngài Lý nói, không sao không sao, mẹ con sẽ mau chóng ra thôi. Lý Mậu chẳng nói được câu nào.

Nhóc Nguyên từ bốn giờ sáng bắt đầu nói đau, bây giờ đã sắp mười hai giờ, vẫn còn ở phòng sinh. Trái tim anh siết chặt.

Lúc tới hai giờ chiều, bác sĩ rốt cuộc đi ra, báo tin vui nói, sản phụ thuận lợi sinh ra một bé trai.

Dì chăm sóc cười nói chúc mừng.

Chân Lý Mậu tê dại, hồi lâu sau mới đứng dậy.

Y tá bồng đứa bé đi tiêm phòng ngừa, Kỷ Nguyên nằm trên giường đẩy đi ra.

Lý Mậu đi theo quay về phòng bệnh, ngồi cạnh giường nhóc Nguyên.

Kỷ Nguyên yếu ớt, thấy sắc mặt anh tái nhợt, cô hơi muốn cười.

Chỉ chốc lát sau, bé con tiêm xong, y tá đưa về đây, đặt nằm bên cạnh mẹ.

Lý Mậu nhìn Kỷ Nguyên, lại nhìn ánh mắt tròn xoe của đứa bé, trong lòng anh cay cay. Anh nhoài người qua, lau mặt nhóc Nguyên, nói năng lộn xộn: “Lần này hù chết bố nó. Sau này không sinh nữa.”


Kỷ Nguyên nở nụ cười.

Một tuần sau, Kỷ Nguyên mang em bé xuất viện.

Mỗi ngày Lý Mậu theo dì chăm sóc học cách nuôi dạy con, rất có kinh nghiệm.

Kỷ Nguyên hỏi anh không cần đến công ty sao?

Lý Mậu nói: “Anh nghỉ đẻ.”

Kỷ Nguyên cười nhìn anh, Vương Tú Quyên và Thủy Tinh nghe nói Kỷ Nguyên sinh con, đều đi qua thăm.

Thủy Tinh hết sức vui mừng.

Vương Tú Quyên rất trầm lặng, Kỷ Nguyên nằm viện sinh con cũng không gọi mẹ ở cùng. Con gái làm sao bỗng nhiên trưởng thành rồi? Thi cao trung thi đại học cũng không cần cha mẹ ở cùng, lên đại học một mình ngồi xe lửa đến thành phố lớn, tìm công việc tìm đối tượng, cũng không cần hỏi ý kiến người lớn.

Con gái dường như luôn là một người lớn.

Hai mươi ba mươi năm chợt trôi qua, Kỷ Nguyên từng là một đứa bé nho nhỏ trong lòng Vương Tú Quyên.

Vương Tú Quyên hơi đổi tính, không gấp gáp về quê, ở cùng con gái cháu ngoại, ở lại hai tháng trời, không đụng vào bài bạc.

Sáng hôm đó Vương Tú Quyên trở về, trời tờ mờ sáng, Kỷ Nguyên dậy sớm.

Vương Tú Quyên và Kỷ Nguyên trò chuyện một hồi, thu dọn xong xuôi, bà nhẹ giọng nói với Kỷ Nguyên: “Mười mấy năm nay, mẹ không săn sóc Nguyên Nguyên. Nguyên Nguyên con rất ngoan, mẹ rất yên tâm.”

Kỷ Nguyên đã lâu không nghe được lời nói như vậy của Vương Tú Quyên, cô ngây ngẩn cả người.

Vương Tú Quyên phải đi, Kỷ Nguyên ra ngoài tiễn bà đến nhà ga.

Khoảnh khắc xe lửa chạy đi, Kỷ Nguyên bỗng nhiên phát hiện quá khứ của cô cũng đi rồi.

Giây phút ngoái đầu nhìn lại, buồn cũng được, vui cũng được, cũng không quan trọng.

Tương lai đang chờ đợi cô chính là một cuộc sống mới, nơi đó có mọi thứ quan trọng nhất cũng tốt đẹp nhất trong sinh mệnh của cô.