Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 8 - Chương 5




Trù tính lấy một người vợ giàu ở Petersburg nhưng không xong, Boris bèn đến Moskva cũng với dự định ấy. Ở Moskva, Boris phân vân giữa hai đám giàu có nhất: Juyly và nữ công tước Maria.

Chàng thấy nữ công tước Maria tuy có xấu thật nhưng vẫn còn hấp dẫn hơn Juyly Karaghina, và không hiểu tại sao chàng cứ thấy ngượng ngùng khi tìm cách tán tỉnh nữ công tước. Lần gặp nàng vừa rồi, nhân ngày lễ thánh của lão công tước, chàng đã hết sức tìm cách nói chuyện tình cảm với nàng, nhưng nàng trả lời chẳng đâu vào đâu và chắc hẳn là không nghe chàng nói.

Juyly thì ngược lại, tuy đón nhận những lời tán tỉnh của chàng theo một lối đặc biệt chỉ riêng nàng có, nhưng dù sao cũng rất vui lòng đón nhận.

Lúc này Juyly đã hai mươi bảy tuổi. Sau khi hai anh nàng chết đi nàng đã trở nên giàu có. Bây giờ nàng không còn một chút nhan sắc nào; nhưng nàng lại tưởng đâu rằng không những mình vẫn đẹp như xưa, mà lại có sức hấp dẫn hơn trước nhiều. Có những điều góp phần làm cho nàng lầm tưởng như vậy, trước hết là nàng đã trở thành một "đám" rất giàu có, và thứ hai là nàng càng đứng tuổi thì bớt nguy hiểm cho đàn ông đàn ông càng có thể nói năng với nàng tự nhiên hơn và tha hồ dự những bữa tiệc, những tối tiếp tân, cho nên giới giao tế tấp nập lui tới nhà nàng mà không sợ bị ràng buộc gì. Một người đàn ông mười năm trước đây không dám hàng ngày đến chơi một nhà có cô con gái mười bảy tuổi vì sợ làm nàng mang tiếng và sợ mình bị ràng buộc, thì bây giờ ngày nào cũng mạnh dạn đến nhà nàng và ăn nói với nàng không phải như với một cô gái chưa chồng, mà như với một người quen không phân biệt nam nữ.

Mùa đông năm ấy ở Moskva nhà Karaghina là nhà thú vị nhất và mến khách nhất. Ngoài những tối tiếp tân và những bữa tiệc sang trọng, ngày nào ở nhà Juyly cũng rất đông khách khứa, đặc biệt là khách nam giới, dùng bữa ăn khuya lúc mười hai giờ đêm và ngồi ráng lại đến hơn hai giờ sáng. Không có lấy một buổi vũ hội, một buổi dạo chơi, một buổi diễn kịch nào mà Juyly lại bỏ qua. Cách phục sức của nàng bao giờ cũng đúng thời trang mới nhất. Tuy vậy Juyly vẫn làm ra vẻ chán ngán mọi sự đời, với ai nàng cũng nói là mình không còn tin vào tình bạn hay tình yêu gì nữa, không tin là cuộc sống có thể đưa lại một niềm vui nào, và chỉ chờ được yên tĩnh ở thế giới bên kia mà thôi.

Nàng bắt chước giọng nói của một người đã từng vỡ mộng đau đớn của một thiếu nữ đã mất người yêu hoặc bị người yêu phụ bạc tàn nhẫn. Tuy xưa nay nàng chưa hề gặp chuyện gì tương tự, người ta vẫn coi nàng là một người như vậy và chính nàng cũng đâm ra tin rằng mình đau khổ nhiều trong cuộc đời. Nỗi buồn u uẩn này không hề cản trở nàng vui chơi, cũng không ngăn trở các chàng thanh niên đến nhà nàng tiêu hao ngày giờ một cách dễ chịu. Mỗi tân khách đển nhà nàng đều chiểu theo cái tâm trạng u hoài của nữ chủ nhân một chút cho trọn đạo rồi sau đó lại nói chuyện, lại khiêu vũ, lại chơi những trò đấu trí, những trò ghép thơ, là những trò chơi rất được ưa chuộng ở nhà Juyly. Chỉ có vài chàng thanh niên, trong số đó có Boris, là đi sâu vào tâm trạng u uẩn của nữ chủ nhân, và với mấy chàng thanh niên đó nàng có những cuộc nói chuyện rất lâu về sự phù phiếm của mọi việc trên thế gian này, và mở cho họ xem những tập an-bom của nàng, đầy những hình vẽ, những câu cách ngôn và những câu thơ buồn.

Juyly đặc biệt dịu dàng đối với Boris: nàng thương xót cho tuổi thanh xuân của chàng đã quá sớm vỡ mộng, khuyên chàng hãy lấy tình bạn của nàng mà tự an ủi, nàng rất có thể đem lại cho chàng những niềm an ủi đó, vì chính đời nàng cũng đã từng đau khổ nhiều, và nàng mở tập an-bom cho chàng xem. Boris vẽ vào an-bom cho nàng hai cái cây và viết:"Hỡi những cổ thụ mộc mạc, những cành lá âm u của các người gieo vào lòng ta bóng tối và u sầu".

Ở một chỗ khác chàng vẽ một nấm mồ và viết:

Chết là thoát khổ bình yên.

Muốn tránh đau khổ đừng tìm ở đâu.Juyly nói rằng những ý đó thật là tuyệt diệu.

- Có một cái gì thật là lôi cuốn trong nụ cười của u hoài - nàng nói với Boris đúng y từng chữ một câu lấy trong sách ra. - Đó là một tia sáng trong bóng tối, là một sắc thái xoa dịu giữa đau khổ và tuyệt vọng, nó cho ta thấy rằng có thể có được một niềm an ủi. Sau đó Boris lại viết cho nàng mấy câu thơ:

Là thuốc độc của tâm hồn đa cảm

Không có ngươi hạnh phúc chẳng còn chi

U hoài ơi, hãy an ủi ta đi

Làm dịu bớt cảnh âm u ẩn dật

Đem đến chút khổ đau sâu kín

Khi lệ ta đang lặng lẽ trào tuôn.

Juyly lấy thụ cầm ra gảy cho Boris nghe những dạ khúc u sầu nhất. Boris đọc cho nàng nghe truyện "Nàng Lise bất hạnh"(1) và trong khi đọc chàng phải dừng lại mấy lần vì xúc động nghẹn ngào.

Những khi gặp nhau giữa đám tân khách đông đúc Juyly Karaghina và Boris nhìn nhau như hai tâm hồn duy nhất có thể hiểu nhau giữa cái thế gian lạnh nhạt vô tình.

Bà Anna Mikhailovna vốn thường hay đến nhà Juyly Karaghina đánh bài với bà mẹ và nhân thể thu lượm những tài liệu đích xác về món của hồi môn của Juyly (gồm có hai điền trang ở Penza và mấy khu rừng ở Niznyi Novgorod). Đây là lòng phục tòng ý chúa, bà Anna Mikhailovna nhìn nỗi buồn cao thượng gắn bó con trai bà với nàng Juyly Karaghina giàu có với lòng thương cảm.

- Tiểu thư bao giờ cũng mơ mộng và thật đáng yêu, tiểu thư Juyly yêu quý ạ! - bà ta nói với cô con gái. - Boris nói rằng đến nhà tiểu thư tâm hồn cháu mới được thư thái. Cháu nó vốn đã chịu đựng nhiều nỗi thất vọng, và tâm hồn lại rất đa cảm, - bà ta nói với bà mẹ.

- Con ơi, gần đây mẹ thấy mến Juyly quá, - bà Anna Mikhailovna nói với con trai, - Mẹ không thể tả cảm xúc đó cho con nghe được? Vả lại ai mà có thể không yêu Juyly Karaghina?

- Thật là một con người thiên giới, Boris, Boris ơi! - Bà im lặng một lát. - Mẹ thấy thương bà mẹ của cô ấy quá. - Bà nói tiếp. - Hôm nay bà ta vừa cho mẹ xem những lô giấy tính tiền và những bức thư ở Penza gửi về (họ có những điền trang rộng mênh mông ở đấy) tội nghiệp một mình bà ta phải cáng đáng hết mọi việc!

Boris khẽ mỉm cười một nụ cười tế nhị trong khi nghe mẹ nói. Chàng nhẹ nhàng giễu cợt cái mưu mẹo ngây thơ của mẹ, nhưng cũng chú ý nghe và thỉnh thoảng có vẻ quan tâm hỏi han bà về các điền trang ở Penza và ở Niznyi Novgorod.

Juyly đã từ lâu chờ đợi lời cầu hôn của con người u sầu đang thờ phụng mình, và đã sẵn sàng tiếp nhận lời cầu hôn đó; nhưng Boris có một cảm giác ghê tởm thầm kín đối với nàng, đối với lòng thèm muốn lấy chồng cuồng nhiệt của nàng, đối với vẻ giả tạo của nàng; và một cảm giác sợ hãi nghĩ mình đã từ bỏ mối hy vọng sẽ tìm được một người yêu chân chính vẫn còn ngăn chặn Boris. Thời hạn nghỉ phép của chàng đã sắp hết. Ngày nào cũng ngồi suốt ngày ở nhà gia đình Juyly, và ngày nào chàng cũng nghĩ đi nghĩ lại, rồi tự nhủ là ngày mai mình sẽ ngỏ lời cầu hôn. Nhưng khi đứng trước Juyly, trông thấy cái mặt đỏ và cái cằm hầu như bao giờ cũng trát bự phấn của nàng, đôi mắt ướt át và gương mặt lúc nào cũng như sẵn sàng từ vẻ u sầu chuyển ngay tức khắc sang vẻ hân hoan đường đột trước hạnh phúc lứa đôi, những khi ấy Boris không sao nói ra được những lời có tính chất quyết định, mặc dầu đã từ lâu trong trí tưởng tượng Boris đã hình dung mình làm chủ các điền trang Penza và Nizni Novgorod và đã trù tính cách sử dụng số hoa lợi của hai nơi này. Juyly Karaghina thấy rõ Boris lưỡng lự và thỉnh thoảng nàng thoáng có ý nghĩ rằng chàng ghét mình; nhưng lập tức lòng tự ái của phụ nữ lại an ủi nàng và nàng tự nhủ rằng chàng rụt rè như vậy chẳng qua là quá yêu nàng. Tuy nhiên nỗi u sầu của nàng bắt đầu chuyển thành một tâm trạng cáu bẳn, và trước hôm Boris ra đi ít lâu nàng bắt đầu thực hiện một kế hoạch quyết liệt, đúng vào lúc thời hạn nghỉ phép của Boris sắp chấm dứt, ở Moskva và dĩ nhiên là ở phòng khách của nhà Juyly Karaghina, bỗng thấy Anatol Kuraghin xuất hiện, và Juyly Karaghina đột nhiên bỏ vẻ u sầu vui hẳn lên và tỏ ra rất ân cần đối với Kuraghin.

Bà Anna Mikhailovna bảo con trai:

- Anh bạn ơi, tôi được biết qua một nguồn tin chắc chắn là công tước Bazil cho con trai đến Moskva để tìm cách lấy Juyly đấy, tôi quý Juyly lắm, nên thấy thương cô ta quá. Anh bạn ơi, anh nghĩ thế nào đây?

Nghĩ rằng mình có thể bị tâng hẩng và mất toi một tháng trời khó nhọc làm ra vẻ u sầu để phục vụ Juyly và bao nhiêu hoa lợi của các điền trang ở Penza mà trong tưởng tượng chàng đã phân phối và dự trù cách sử dụng sẽ rơi vào tay kẻ khác - Nhất là lại rơi vào tay thằng Anatol ngu xuẩn - ý nghĩ khiến cho Boris rất cay cú. Chàng liền đến nhà Juyly với ý định quả quyết là sẽ ngỏ lời cầu hôn. Juyly tiếp chàng một cách vui vẻ và vô tự lự, lơ đễnh kể lại rằng trong buổi vũ hội tối qua nàng rất vui, và hỏi xem bao giờ thì chàng đi.

Tuy Boris có ý định đến nói rõ tình yêu của mình cho nên đã dự tính trước là sẽ dịu dàng âu yếm, nhưng bây giờ chàng lại quay ra nói một cách bực bội rằng lòng dạ đàn bà thật dễ thay đổi: rằng họ có thể chuyển một cách dễ dàng từ buồn sang vui, rằng tâm trạng họ tuỳ chỗ người đến tán tỉnh họ là ai. Lòng tự ái bị xúc phạm, Juyly nói rằng quả đúng như vậy, phụ nữ vốn cần thay đổi, và nếu lúc nào cũng như lúc nào thì ai cũng phải phát chán.

- Về điều này tôi xin khuyên cô, - Boris mở đầu toan nói một câu cạnh khoé, nhưng ngay phút ấy chàng lại cay cú nghĩ rằng mình có thể rời Moskva tay không và bao nhiêu công phu khó nhọc bấy lâu sẽ mất toi cả (xưa nay chàng chưa hề gặp phải một trường hợp nào như thế). Đang nói dở câu, chàng ngừng lại, cụp mắt xuống để khỏi thấy cái mặt bực tức khó chịu và có vẻ phân vân của Juyly, rồi nói - Tôi đến đây tuyệt nhiên không phải để sinh sự với cô. Trái lại. Chàng đưa mắt nhìn nàng để liệu xem có thể nói tiếp được không. Tất cả cái vẻ bực tức của nàng bỗng biến đi đâu hết. và đôi mắt lo lãng, thỉnh cầu đang chăm chăm nhìn chàng, hau háu chờ đợi.

"Ta vẫn có thể thu xếp thế nào để ít gặp cô ta. - Boris thầm nghĩ. - Còn cơ sự này đã chót thì phải chét?" Chàng đỏ bừng hai má, ngước mắt lên nhìn nàng và nói:

- Cô cũng rõ tình cảm của tôi đối với cô rồi!

Không cần phải nói thêm gì nữa: gương mặt của Juyly rạng rỡ lên vì đắc thắng và thoả mãn, nhưng nàng bắt Boris phải nói với nàng cho kỳ hết tất cả những điều người ta thường nói trong những trường hợp như vậy; phải nói rằng chàng yêu nàng và chưa bao giờ chàng yêu một người phụ nữ nào hơn nàng. Nàng biết rằng hai điền trang Penza và mấy khu rừng ở Nixni Novgorod cho phép nàng đòi hỏi như vậy, và nàng nhận được những điều mà nàng đòi hỏi.

Đôi vợ chồng chưa cưới bây giờ không còn cân nhắc đến những cây cổ thụ gieo bóng tối u sầu vào tâm hồn họ nữa; họ trù tính dọn một ngôi nhà lộng lẫy ở Petersburg, họ đi thăm hỏi các nơi chuẩn bị chu đáo cho một đám cưới thật sang trọng.

Chú thích:(1) Tiểu thuyết của Caramdin, thế kỷ 19, kể chuyện một người con gái nông thôn yêu một người quý tộc rồi bị người ấy bỏ nên nhẩy xuống sông trầm mình.