Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 7 - Chương 8




Bá tước Ilya Andreyevich đã từ chức đô thống quý tộc vì chức vụ này đòi hỏi những khoản chi tiêu quá lớn. Nhưng sau đó tình hình kinh tế của ông vẫn không khả quan hơn. Nhiều lần Natasa và Nikolai bắt gặp cha mẹ đang bàn tán có vẻ bí mật lo lắng, và nghe nói chuyện bán toà nhà sang trọng của họ Roxtov và bán trang viên ở ngoại thành Moskva. Vì không giữ chức đại biểu quý tộc nên bá tước không phải tổ chức những cuộc tiếp tân linh đình như trước và cuộc sống ở Otradnoye trôi qua yên tĩnh hơn những năm trước; nhưng toà nhà chính đồ sộ cũng như các dãy nhà dọc vẫn cứ đầy người, và đến bữa ăn vẫn có hơn hai mười người ngồi vào bàn. Đó đều là những người quen thân đã ở mãi trong nhà và đã gần thành những người trong gia đình, hoặc giả là những người có vẻ như thân thiết cần phải ở nhà bá tước. Trong số những người như thế có vợ chồng ông Dimler - nhạc sĩ, và gia đình ông Foghel - giáo sư khiêu vũ bà già độc thân Bêlova và còn nhiều người khác nữa: ông thầy giáo của Petya, bà cựu gia sư của các tiểu thư, hoặc chẳng qua là những người thấy rằng sống ở nhà bá tước thì thú hơn và có lợi hơn ở nhà mình, thế thôi. Khách khứa không còn tấp nập như trước, nhưng cách sinh hoạt vẫn thế, vì bá tước và phu nhân không thể hình dung một cách sinh hoạt nào khác. Cũng vẫn những phường săn như trước, nay có Nikolai lại càng tăng thêm người, trong tàu vẫn có năm mươi con ngựa và mười lăm người đánh xe, cũng vẫn những món quà tặng đắt tiền nhân ngày lễ thánh, và những bữa tiệc lính đình mời khắp cả huyện, vẫn những ván bài "whist" và "boston", trong đó bá tước cầm bài hết sức hớ hênh ai cũng nhìn thấy mặt bài, đến nỗi mỗi ngày cứ mất hàng trăm rúp cho các ông bạn láng giềng vốn xem việc đánh bài với bá tước Ilya Andreyevich là nguồn thu nhập béo bở nhất của họ.

Bá tước bị vướng mắc trong công việc, tiền nong như trong một cái lưới khổng lồ, cố gắng không tin rằng mình đang sa lầy, nhưng cứ càng bước tới lại càng sa lầy thêm, và cảm thấy không đủ sức xé rách những mảng lưới đang vây bọc lấy mình mà cũng không thể thận trọng kiên nhẫn gỡ lần từng mối được. Bá tước phu nhân xót xa cảm thấy rằng con cái mình đang dần dần khánh kiệt, rằng chồng mình cũng chẳng có lỗi gì, ông không thể tránh khỏi lâm vào tình trạng như bây giờ, rằng chính ông cũng khổ tâm (mặc dầu ông cố giấu) vì biết rõ mình và con mình đang đi đến chỗ phá sản; và phu nhân cố nghĩ cách cứu giúp chồng. Theo quan điểm phụ nữ của bà thì còn một cách là thu xếp cho Nikolai lấy một bà vợ giàu. Bà cảm thấy rằng đó là hy vọng cuối cùng, và nếu Nikolai lại không thích cái đám mà bà tìm cho chàng, thì đành phải chịu bó tay không mong gì cứu vãn tình thế được nữa. Đám ấy là Juyly Karaghina, là người con nhà rất tử tế, cha mẹ phúc hậu, từ hồi nhỏ đã quen gia đình Roxtov, và hiện nay vì người anh cuối cùng vừa chết nên đã trở thành một cô gái thừa kế rất giàu có.

Bá tước phu nhân viết thư thẳng cho bà Karaghina ở Moskva, bàn chuyện xin con gái bà ta cho Nikolai và đã nhận được một bức thư phúc đáp có ý thuận tình. Bà Karaghina trả lời rằng về phía bà thì bà ưng thuận, nhưng mọi việc đều tuỳ ở chỗ con gái nó có ưng hay không. Bà Karaghina mời Nikolai lên Moskva chơi.

Đã mấy lần, mắt rớm lệ, bá tước phu nhân nói với Nikolai là hiện nay hai đứa con gái của bà đều đã có nơi có chốn, bà chỉ còn một ước nguyện duy nhất nữa là thấy chàng lập gia đình. Bà nói rằng được như vậy thì có nằm xuống mồ bà cũng yên tâm. Rồi bà lại nói thêm là bà đã nhằm một đám rất khá, và dò hỏi ý kiến chàng về việc hôn nhân.

Vào những dịp khác bà lại khen ngợi Juyly và khuyên Nikolai đi Moskva dự các buổi hội hè để giải trí. Nikolai đã đoán ra ý mẹ qua những câu chuyện ấy và nhân một lần nói chuyện chàng xin mẹ cứ nói thẳng ra. Phu nhân bèn bảo chàng là chỉ còn cách chàng lấy cô Juyly Karaghina thì mới hy vọng cứu vãn được tình cảnh gia đình.

- Thế nếu con yêu một người con gái không có tiền của, mẹ sẽ bắt con phải hy sinh tình cảm và danh dự của con vì tiền hay sao? - chàng hỏi mẹ; lúc bấy giờ chàng không hiểu hết cái tàn nhẫn trong câu hỏi của mình và chỉ muốn tỏ rõ lòng mình cao thượng mà thôi.

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ. - phu nhân nói, trong bụng không biết làm thế nào để thanh minh cho mình. - Con chưa hiểu ý mẹ, Nikolai ạ. Mẹ chỉ mong cho con được sung sướng, - phu nhân nói thêm, nhưng lại cảm thấy mình đang dối con và đâm ra lúng túng. Bà khóc oà.

- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, chỉ xin mẹ nói cho con biết mẹ muốn thế nào, mẹ cũng biết rằng con sẵn sàng hiến dâng đời con, hiến dâng tất cả để mẹ được yên lòng - Nikolai nói - Con sẽ hy sỉnh tất cả vì mẹ, dù là tình cảm của con cũng vậy.

Nhưng bá tước phu nhân không có ý muốn đặt vấn đề như vậy; bà không muốn con phải hy sinh vì mình, chính bà muốn hy sinh cho con thì có. Bá tước phu nhân lau nước mắt, nói:

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ, thôi ta đừng nói chuyện ấy nữa con ạ.

"Phải, có thể là ta yêu một người con gái nghèo - Nikolai tự nhủ - Vậy ta phải hy sinh tình yêu và danh dự vì tiền tài chăng? Cũng lạ, không hiểu sao mẹ lại có thể nói với mình như vậy. Vì Sonya nghèo, phải chăng ta không thể yêu nàng được, không thể đển đáp được mối tình chung thuỷ tận tuỵ của nàng? Chắc hẳn là lấy nàng ta còn sung sướng hơn lấy bất kỳ một con búp bê nào kiểu như Juyly. Ta không thể ra lệnh cho tình cảm của ta được. Ta đã yêu Sonya, thì đối với ta tình yêu này mãnh liệt và cao quý hơn tất cả".

Nikolai không đi Moskva, bá tước phu nhân không nói chuyện hôn nhân với chàng nữa, và lòng buồn rầu, đôi khi căm giận nữa, phu nhân nhận thấy rằng con trai mình ngày càng thêm gắn bó với con Sonya, mắng mỏ nàng, và nhiều lần gọi nàng là "cô", là "cô bạn thân mến", mặc dầu sau đó bà vẫn thường tự trách mình. Bá tước phu nhân vốn tốt bụng, nhưng bà vẫn căm giận Sonya, mà căm giận hơn cả là vì cái cô cháu gái mắt đen nghèo hèn ấy dịu hiền trung hậu, đầy lòng tận tuỵ biết ơn đối với các ân nhân, lại yêu Nikolai một cách trung thành, chung thuỷ quên mình đến nỗi không còn chỗ nào có thể chê trách nàng được.

Nikolai đã hết hạn nghỉ phép ở nhà. Gia đình Roxtov nhận được bức thư thứ tư của công tước Andrey từ La mã gửi về, trong thư viết rằng đáng lẽ chàng đã về Nga từ lâu, nhưng ở nơi khí hậu ấm áp vết thương chàng lại tái phát, cho nên phải hoãn đến đầu năm sau mới về được, Natasa vẫn say mê người chồng chưa cưới như trước vẫn được tình yêu làm cho thanh thản và vẫn dễ cảm xúc trước tất cả những niềm vui sướng của cuộc đời; nhưng xa cách người yêu được gần bốn tháng thì nàng hắt đầu có những lúc sầu não mà nàng không sao nén nổi. Nàng thấy thương hại mình, tiếc rằng đã để trôi qua một cách phí hoài, không có lợi gì cho ai, tất cả quãng thời gian ấy, mặc dầu trong những ngày tháng ấy lẽ ra nàng có thể yêu và được yêu không biết đến nhường nào.

Cảnh gia đình Roxtov thật là buồn tẻ.