Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 6 - Chương 3




Sáng hôm sau công tước Andrey từ biệt mỗi một mình lão bá tước và ra về trước khi các tiểu thư xuống phòng khách.

Bấy giờ đã là đầu tháng Sáu. Trên đường về nhà, công tước Andrey lại đi ngang khóm rừng bạch dương có cây sồi già đã từng gợi cho chàng những ấn tượng kỳ lạ khó quên. Tiếng lục lạc trong rừng nghe còn mơ hồ xa xăm hơn một tháng rưỡi trước đây; cánh rừng trông non rải rác trong rừng không còn tương phản với cảnh đẹp xung quanh; bây giờ chúng đã hoà mình vào khung cảnh chung, đã trổ những ngọn chồi non xanh mịn.

Suốt hôm trời oi bức. Đâu đây một trận giông đang sửa soạn kéo đến, nhưng chỉ có một đám mây đen nhỏ hắt mấy giọt mưa trên bụi đường và trên khóm lá xanh mọng. Phía bên trái, cánh rừng tối sẫm với những bóng cây rợp mát; phía bên phải, thì ẩm ướt, bóng lộn, lá cây óng ánh dưới nắng, chỉ khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Cảnh vật đều nở hoa; có tiếng hoạ mi thánh thót khi xa khi gần.

"Phải, ở đây, trong khóm rừng này có cây sồi mà dạo nọ ta đã từng đồng tình, - công tước Andrey nghĩ thầm. - Nó đâu rồi nhỉ?".

Chàng nhìn sang bên trái đường và bất giác đưa mắt ngắm phía một cây sồi lớn không nhận ra rằng đây chính là cây sồi mà chàng đang tìm kiếm. Cây sồi già bây giờ đã đổi mới hẳn, toả rộng thành một vòm lá xum xuê thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rấu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được rằng chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy.

"Phải chính cây sồi dạo trước" - Công tước Andrey nghĩ, và chàng bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình. Chiến trường Austerlix với bầu trời cao lồng lộng, khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi đã tắt thở, Piotr trên chuyến phà, người con gái bồi hồi rung động trước cảnh đẹp đêm ấy, và cả cái đêm hôm ấy, vầng trăng - tất cả những cái đó đều cùng hiện lên trong ký ức của chàng.

"Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt, công tước Andrey đột nhiên nghĩ thầm, và ý nghĩ này có cái sức mạnh của một điều quyết định, không thể nào thay đổi được nữa". Ta biết rõ những gì ở trong ta ư? Không đủ. Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết cơ: cả Piotr, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời. Phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ta, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta, như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!".

Về đến nhà, công tước Andrey định đến mùa thu sẽ đi Petersburg và ngồi nghĩ ra nhiều lý do này nọ để biện hộ cho ý định này. Cả một loạt lý luận phải chăng, hợp lý sẵn sàng hiện ra để giúp chàng cắt nghĩa tại sao chàng lại cần phải đi Petersburg và hơn nữa phải nhận một chức vụ của Nhà nước.

Ngay đến giờ chàng cũng chưa hiểu vì sao đã có lúc chàng có thể nghĩ về sự cần thiết phải sống một cuộc sống hăng hái, cũng đúng như một tháng trước đây ý nghĩ đi ra khỏi làng đối với chàng sẽ là phi lý. Chàng thấy rất rõ ràng tất cả những kinh nghiệm của chàng về cuộc sống tất sẽ phí và trở thành một điều vô nghĩa nếu chàng không đem nó ra sử dụng và không trở lại hoạt động với đời. Thậm chí chàng không hiểu nổi tại sao trước đây cũng dựa trên những lập luận thảm hại ấy chàng đã yên trí là sau nhưng bài học đường đời ấy mà còn tin rằng mình có thể hữu ích, còn tin vào hạnh phúc và tình yêu, thì thật là tủỉ nhục.

Bây giờ lý trí nói với chàng những điều khác hẳn. Sau chuyến đi, công tước Andrey thấy chán cảnh sống ở thôn quê, chàng không còn thấy thú vị trong những công việc trước kia nữa, và nhiều khi đang ngồi một, mình trong phòng làm việc, chàng đứng dậy, đến trước tấm gương và nhìn mặt mình một hồi lâu.

Rồi chàng quay lại nhìn bức chân dung của nàng Lyza quá cố, tóc uốn quăn theo kiểu Hi Lạp, đang âu yếm và vui vẻ nhìn chàng trong chiếc khung thiếp vàng. Nàng không còn nói với chàng những lời lẽ khủng khiếp trước kia nữa, nàng chỉ vui vẻ nhìn chàng, vẻ giản dị và tò mò. Và công tước Andrey chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, khi cau mày, khi mỉm cười ôn lại những ý nghĩ điên rồ, không thể nói ra được bằng lời, bí ẩn như một tội ác, những ý nghĩ có liên quan đến Piotr, đến danh vọng, đến cô gái ở cửa sổ, đến cây sồi, đến nhan sắc đàn bà và tình yêu, những ý nghĩ đã biến đổi cả cuộc đời của chàng. Và trong những giờ phút như vậy nếu có ai đến gặp chàng, chàng thường lỏ ra đặc biệt kiên nghị, nghiêm khắc và lạnh lùng, và nhất là chàng lý sự một cách khó chịu.

Trong những phút như vậy có khi công tước tiểu thư Maria vào phòng chàng và nói: "Anh ạ, cháu Nikolai hôm nay không cho đi chơi được đâu lạnh lắm".

Và những lúc ấy, công tước Andrey thường trả lời em rất xẵng:

- Nếu trời ấm thì nó sẽ mặc áo sơ mi mà đi chơi nhưng trời rét thế này thì phải mặc thêm áo ấm cho nó, sinh ra áo ấm là để dùng vào những việc như thế. Đấy, nếu trời rét thì phải làm như vậy chứ không phải là lại ở nhà trong khi trẻ nó cần không khí. - chàng nói với một giọng lý sự đặc biệt, như muốn trừng phạt một người nào về sự chuyển biến bí ẩn, phi lý đang diễn ra trong tâm hồn chàng.

Trong những trường hợp như vậy, nữ công tước Maria thường nghĩ rằng công việc trí óc làm cho đàn ông khô cằn đi nhiều quá.