Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 17 - Chương 4




Sau khi đã từ bỏ quan niệm trước kia cho rằng thần linh bắt ý muốn của một dân tộc phải phục tùng một con người duy nhất đã được lựa chọn, và ý muốn ấy phải phục tùng thần linh, lịch sử không thể tiến lên một bước nào mà không gặp mâu thuẫn nếu nó không chọn một trong hai cách sau đây: hoặc là quay trở lại tín điều ngày xưa về sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào công việc của loài người, hoặc là đưa ra một cách giải thích chính xác về bản chất của cái sức mạnh gây nên các biến cố lịch sử mà người ta gọi là quyền lực.

Khoa luật học quan niệm vấn đề quyền lực đúng như vậy, khoa học này là cái bàn đổi tiền của lịch sử, có nhiệm vụ đổi quan niệm lịch sử về quyền lực để lấy vàng thực.

Quyền lực là tổng số những ý muốn của quần chúng, mà do một sự thoả thuận hiển nhiên hay mặc nhiên, được trao cho những con người được lựa chọn trong đám quần chúng này.

Trong lĩnh vực luật học, một khoa học mà nội dung là những nhận định về cách tổ chức nhà nước và chính quyền, nếu có thể tổ chức nó thì điều đó rất rõ ràng. Nhưng nếu ứng dụng nó vào lịch sử thì định nghĩa này về quyền lực còn phải được xác minh.

Khoa luật học quan niệm nhà nước và quyền lực như người cổ đại vẫn quan niệm lửa, tức là như một vật tồn tại tuyệt đối. Đối với lịch sử thì trái lại, nhà nước và quyền lực chỉ là những hiện tượng, cũng như đối với vật lý học của thời đại chúng ta thì lửa không phải là một thực thể mà chỉ là một hiện tượng.

Chính sự khác nhau cơ bản về quan niệm này giữa khoa học lịch sử và luật học đã cho phép khoa luật học tha hồ bàn bạc về cách tổ chức quyền lực và bản chất của quyền lực được quan niệm như một cái gì tồn tại một cách im lìm bất động ở bên ngoài thời gian, nhưng đối với những vấn đề lịch sử đề cập đến ý nghĩa của một quyền lực thay đổi theo thời gian, thì nó không thể đưa ra một lời giải đáp nào.

Nếu quyền lực là tổng số những ý muốn quần chúng trao cho người lãnh đạo, thì phải chăng Pugatsov là người đại biểu cho ý muốn của quần chúng? Nếu không phải thì tại sao Napoléon lại là một người đại biểu? Tại sao Napoléon III(1) khi bị bắt ở Bolonhơ lại là một tên tội phạm, và tại sao sau đó tội phạm lại chính là những người mà ông ta bắt được?

Trong những cuộc đảo chính ở cung đình, đôi khi chỉ do hai hay ba người làm, phải chăng đó cũng là ý muốn của nhân dân trao cho con người mới được chọn? Trong những quan hệ quốc tế phải chăng ý muốn của bao nhiêu dân tộc được trao cho kẻ chinh phục họ? Phải chăng năm 1808 ý muốn của Liên minh sông Ranh được trao cho Napoléon? Phải chăng ý muốn của quần chúng nhân dân Nga năm 1809 được trao cho Napoléon khi quân đội Nga liên minh với quân đội Pháp để đánh quân Áo?

Có thể trả lời những câu hỏi này bằng ba cách khác nhau:

1. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng bao giờ cũng được giao phó một cách vô điều kiện cho một hay những người cầm quyền mà nó đã chọn, và do đó, mọi sự xuất hiện của một quyền lực mới, mọi cuộc đấu tranh chống lại quyền lực này một khi nó đã được giao phó đều phải xem là một hành động vi phạm quyền lực chân chính.

2. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao cho những người cầm quyền với những điều kiện nhất định và rõ ràng, trong trường hợp ấy mọi hành động phá hoại cái quyền lực đã được thiết lập sở dĩ thực hiện được đều do ở chỗ những người cầm quyền không tuân theo những điều kiện kèm theo việc trao quyền lực cho họ.

3. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao cho những người cầm quyền một cách có điều kiện, nhưng đó là những điều kiện mơ hồ, không ai biết rõ và sự xuất hiện của những quyền lực khác những cuộc tranh giành và sự sụp đổ của nó chẳng qua là do mức độ những người cầm quyền đã thực hiện đúng hay sai những điều kiện mơ hồ đó mà ý muốn của quần chúng chuyển từ một người này sang người khác.

Các sở gia cắt nghĩa quan hệ quần chúng với những người cầm quyền bằng ba cách như vậy.

Chỉ có những sử gia vì quá thật thà mà không hiểu vấn đề quyền lực, chỉ có những sử gia chuyên sử và những tác giả viết tiểu sở cá nhân nói trên mới dường như thừa nhạn rằng tổng số ý muốn của quần chúng được trao cho các nhân vật lịch sử một cách vô điều kiện, vì vậy trong khi miêu tả một quyền lực nào đó thì các sử gia này giả thiết rằng quyền lực này là quyền lực duy nhất tuyệt đối và chính đáng, và bất cứ lực lượng nào khác chống lại cái quyền lực chân chính này đều không phải là quyền lực mà là một hành động vi phạm quyền lực, một hành vi bại ngược.

Lý thuyết của họ thích hợp với những thời kỳ nguyên thuỷ và hoà bình của lịch sử, nhưng đem áp dụng vào những thời kỳ phức tạp và bão táp của đời sống các dân tộc, khi trong cùng một lúc có nhiều quyền lực khác nhau xuất hiện và đấu tranh với nhau, thì nó lại có điều bất tiện là một sử gia thuộc phái chính thống sẽ chứng minh rằng Quốc dân hội nghị, uỷ ban Đốc chính và Bonaparte đều chỉ là những kẻ phá hoại quyền lực, trái lại một người theo phái Cộng Hoà và một người theo phái Bonaparte sẽ chứng minh khác, người thứ nhất nói rằng Quốc dân hội nghị, người thứ hai nói rằng Đế chế là những quyền lực chân chính, và tất cả những thứ khác đều là những hành động vi phạm quyền lực.

Hiển nhiên là trong khi bác bỏ lẫn nhau như vậy, những cách giải thích về quyền lực mà các sử gia này đưa ra chỉ có thể làm thoả mãn những đứa trẻ rất ít tuổi.

Thừa nhận tính chất sai lầm của cách quan niệm lịch sử như vậy một loại sở gia nói rằng quyền lực căn cứ vào việc trao có điều kiện cho những người cầm quyền toàn bộ những ý muốn của quần chúng và các nhân vật lịch sử chỉ nắm quyền lực với điều kiện họ thực hiện cái chương trình mà ý muốn của quần chúng đã định cho họ bằng một sự thoả thuận thầm lặng. Nhưng những điều kiện này là gì thì các sử gia này không nói cho chúng ta biết, hay có nói chăng nữa thì cũng luôn luôn mâu thuân với nhau.

Mỗi sử gia, tuỳ theo quan niệm của mình về mục đích vận động của mốt dân tộc, sẽ tìm thấy những điều kiện này trong sự vĩ đại, sự giàu có, nên tự do, trình độ học vấn của quốc dân nước Pháp hay một nước nào khác. Nhưng dù không kể đến những mâu thuân giữa các sử gia về những điều kiện này, thậm chí dù có giả định rằng tất cả các nhà sử học đều có một cương lĩnh chung về những điều kiện ấy ta cũng sẽ nhận thấy rằng các sự kiện lịch sử hầu như bao giờ cũng mâu thuẫn với lý thuyết này. Nếu những điều kiện của việc trao chính quyền là ở sự giàu có, ở quyền tự do, trình độ học vấn của quốc dân, thì tại sao những Louis XIV và những Ivan IV lại trị vì một cách êm thấm suốt triều đại của mình, trái lại những Louis XVI và những Charles I lại bị nhân dân chặt đầu? Để trả lời câu hỏi này, các sử gia nói rằng những hành động của Louis XIV, trái với cương lĩnh ảnh hưởng đến Louis XV? Tại sao nó lại đợi đến Louis XVI mới có ảnh hưởng? Ảnh hưởng này phải đợi một thời gian bao lâu mới có tác đụng? Những câu hỏi này không có và không thể có cách nào giải đáp. Cũng vậy, theo lý thuyết này người này không cắt nghĩa được vì lý do gì toàn bộ những ý muốn trong mấy thế kỷ vẫn nằm trong tay những người cầm quyền và những kẻ kế tục họ, thế rồi sau đó, đùng một cái, trong vòng năm mươi năm nó lại lần lượt được trao cho Quốc dân hội nghị, Đốc chính, Napoléon, Alekxandr, Louis XVIII, rồi lại Napoléon, Sáclơ X(3), Louis Philip, chính phủ cộng hoà năm 1848, Napoléon III?

Muốn cắt nghĩa những sự chuyển di nhanh chóng quyền lực từ một người này sang một người khác, nhất là ở giữa những quan hệ quốc tế phức tạp, những cuộc chinh phục và những khối liên minh, ngay các sử gia này cũng phải thừa nhận, trái với ý muốn của họ, rằng một bộ phận những biến cố này không phải là do sự giao phó ý muốn của quần chúng một cách quy luật, mà là những việc ngẫu nhiên, lệ thuộc vào một mưu mô, hay một sai lầm, hay sự xảo quyệt, hay tính nhu nhược của một nhà ngoại giao của một ông vua hay một lãnh tụ chính đáng. Thành thử phần lớn những biến cố lịch sử, những cuộc nội chiến, những cuộc cách mạng, những cuộc chinh phục đối với các sử gia này không còn là sản phẩm của sự giao phó những ý muốn tự do, mà là sản phẩm của ý muốn sai lầm của một người hay của nhiều người, tức cũng lại là những hành động vi phạm quyền lực.

Và do đó, ngay các sử gia thuộc loại này cũng trình bày các biến cố lịch sử như những hiện tượng trái với lý thuyết.

Các sử gia này cũng giống như một nhà thực vật học sau khi nhận thấy rằng có một số cây sinh ra từ những hạt giống có hai lá mầm, liền khẳng định rằng tất cả các thực vật đều mọc từ hai chiếc lá mầm, và do đó, cây cọ, cây nấm và ngay cả cây sồi khi đã phát triển đầy đủ không có hai lá mầm nữa đều là những hiện tượng trái quy luật.

Các sở gia thuộc loại thứ ba thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao một, cách có điều kiện cho một nhân vật lịch sử, nhưng ta không biết được những điều này. Họ nói rằng các nhân vật lịch sử có quyền lực chỉ vì họ thực hiện ý muốn mà quần chúng đã giao phó cho họ.

Nhưng nếu sức mạnh làm các dân tộc vận động không phải nằm trong các nhân vật lịch sử, mà nằm trong bản thân các dân tộc, thì ý nghĩa của các nhân vật lịch sử này là ở chỗ nào?

Các nhân vật lịch sử, theo các sử gia này, biểu hiện ý muốn của quần chúng, hoạt động của các nhân vật lịch sử đại diện cho hoạt động của quần chúng.

Nhưng nếu thế thì có một vấn đề đặt ra, là phải chăng toàn bộ hoạt động của các nhân vật lịch sử đều thể hiện ý muốn của quần chúng hay chỉ một mặt nào đó trong hoạt động của họ mà thôi?

Nếu toàn bộ hoạt động của các nhân vật lịch sử đều thể hiện ý muốn của quần chúng, như một vài người quan niệm, thì các sách tiểu sử của những Napoléon, những Ekaterina với tất cả những chi tiết của nó về những chuyện ngồi lê đôi mách trong cung đình, cũng đều biểu hiện sinh hoạt của các dân tộc, và điều đó hiển nhiên là vô lý Trái lại, nếu chỉ có một mặt hoạt động của nhân vật lịch sử thể hiện đời sống của các dân tộc, như một vài sử gia khác mang danh là những sử gia triết học quan niệm thì muốn xác định xem mặt nào trong hoạt động của họ thể hiện đời sống của dân tộc, trước hết ta phải biết đời sống của dân tộc là cái gì đã.

Đứng trước khó khăn này, các sử gia thuộc loại thứ ba đã nghĩ ra một khái niệm trừu tượng mơ hồ nhất, khó nắm nhất và khái quát nhất, có thể bao quát một số lượng sự kiện lớn nhất, và nói rằng khái niệm trừu tượng này chính là mục đích của sự vận động của nhân loại. Những khái niệm trừu tượng thông thường nhất là khái quát nhất được hầu hết các sử gia chấp nhận là: tự do, bình đẳng., tiến hoá, văn minh, văn hoá, giáo dục. Sau khi đã cho mục đích cuộc vận động của nhân loại là một khái niệm trừu tượng nào đó trong số những khái niệm trừu tượng này, các sử gia nghiên cứu những nhân vật đã để lại nhiều kỷ niệm nhất, vua chúa, bộ trưởng, tướng tá, các tác gia, các nhà cải cách, các giáo hoàng, các nhà báo, nhưng chỉ trong chừng mực mà theo y học các nhân vật này đã góp phần ủng hộ khái niệm trừu tượng này hay chống lại nó. Nhưng vì không có gì chứng minh rằng mục đích của nhân loại là tự do, bình đẳng, giáo dục hay văn minh, và vì mối liên hệ giữa quần chúng với những người cầm quyền và những nhà cải cách của nhân loại chỉ căn cứ vào một giả thiết độc đoán cho rằng toàn bộ những ý muốn của quần chúng bao giờ cũng trao cho những nhân vật được chúng ta chú ý nhất, cho nên hoạt động của hàng triệu con người đã di chuyển, đốt nhà, bỏ việc đồng áng, chém giết lẫn nhau, quyết không bao giờ có thể thấy được thể hiện trong những sách vở miêu tả hoạt động của một chục nhân vật là những kẻ không đốt nhà, không cày cấy, không chém giết lẫn nhau.

Mỗi một trang sử đều chứng minh điều đó. Cuộc vận động của các dân tộc ở phương Tây vào cuối thế kỷ vừa qua và việc họ muốn tiến về phương Đông phải chăng có thể cắt nghĩa bằng hoạt động của Louis XIV, của Louis XV, của Louis XVI, của những cô tình nhân, của những ông bộ trưởng của họ, bằng thân thể của Napoléon của Russeau, của Didro, của Bomarse và của những nước khác?

Cuộc vận động của dân tộc Nga về phía Đông, về phía Kazan và Sibiri phải chăng có thể cắt nghĩa bằng những chi tiết trong cái tính cách bệnh tật của Ivan IV và bằng những thư từ ông ta trao đổi với Kurxki?

Cuộc vận động của các dân tộc trong thời kỳ Thập tự chinh phải chăng có thể cắt nghĩa bằng lịch sử của thân thế của những Godfrue(3) của những Saint-Louis và các công nương của họ? Đối với chúng cuộc vận động này của các dân tộc từ phương Tây sang phương Đông, không mục đích, không có người cầm đầu, với một đoàn người lang thang, với Piere ẩn sĩ(2), vẫn là một điều kiện không thể hiểu được. Và có một điều còn khó hiểu hơn nữa là cuộc vận động này dừng lại khi những người lãnh đạo của nó đã đưa ra cho Thập tự quân một mục đích hợp lý và thiêng liêng là giải phóng Jerusalem. Các giáo hoàng, các vị vua và các hiệp sĩ cổ vũ nhân dân giải phóng đất Thánh, nhưng nhân dân không đi bởi vì cái nguyên nhân bí ẩn trước đây đã khiến cho họ đi giờ không còn nữa.

Lịch sử của những Godfrue và những người hát rong dĩ nhiên không thể nào bao quát được đời sống các dân tộc. Và trái lại, lịch sử của đời sống và các dân tộc và của những yếu tố thúc đẩy họ vẫn là một điều chưa được biết đến.

Lịch sử các nhà văn và các nhà cải cách lại còn ít cắt nghĩa được đời sống của các dân tộc hơn nữa.

Văn hoá sử cắt nghĩa cho chúng ta những động cơ, những điều kiện sinh hoạt và những ý nghĩ của một nhà văn hoá hay một nhà cải cách. Chúng ta biết rằng Luyte là người hay nổi nóng, và đã nói một số câu nào đấy, chúng ta biết rằng Russeau có tính đa nghi và đã viết những quyển sách nào đấy, nhưng chúng ta vẫn không biết tại sao, sau cuộc cải cách tôn giáo các dân tộc lại giết nhau và tại sao trong cuộc Cách mạng Pháp người ta lại xử tử nhau như vậy.

Chú thích:

(1) Napoléon III (1808-1873) cháu gọi Napoléon I bằng chú. Làm chủ tịch nước Pháp cộng hoà sau khi cách mạng 1848 thất bại. Bị phế truất sau khi Pháp bị Phổ đánh bại năm 1870.

(2) Louis XIV vua Pháp cai trị từ 1643 đến 1715, Ivan IV vua Nga từ 1533 đến 1584. Louis XIV vua Pháp từ 1774 bị cách mạng Pháp xử tử năm 1793. Charles I vua Anh từ 1600 đến 1649 bị cách mạng xử tử năm 1649

(3) Godfue, người lãnh đạo cuộc Thập tự chinh thứ nhất

(4) Piere ẩn sĩ - tu sĩ Pháp cổ động cho cuộc Thập tự chinh thứ nhất.