Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 15 - Chương 14




Khi một tổ kiến đã bị phá huỷ, đàn kiến đi lại tấp nập, con thì kéo từ trong tổ ra những mảnh rác, những cái trứng và những cái xác chết, con thì lại đi vào tổ, và thật khó lòng mà giải thích nổi chúng đi đâu mà tấp nập như vậy, tại sao chúng lại đuổi theo nhau, xô đẩy nhau, cắn nhau như thế. Người ta sẽ gặp một khó khăn tương tự khi muốn cắt nghĩa những nguyên nhân đã khiến cho người Nga sau khi quân Pháp rút đi, tấp nập kéo đến cái nơi trước kia gọi là Moskva. Nhưng cũng như khi nhìn đàn kiến tán loạn chung quanh tổ, mặc dầu cái tổ đã tan tành, sự kiên trì, sự quả quyết sức hoạt động của bầy kiến đông nghịt ấy vẫn cho người ta thấy rằng tất cả đều bị huỷ hoại trừ một cái gì không thể huỷ hoại được một cái gì phi vật chất làm nên tất cả sức mạnh của tổ kiến.

Moskva cũng vậy, vào tháng mười năm ấy, mặc dầu không có nhà chức trách, không có nhà thờ, đền miếu, của cải, nhà cửa, nó vẫn là thành Moskva trước kia, như hồi tháng tám, loại trừ một cái gì phi vật chất, nhưng kiên cường và không thể nào huỷ hoại được.

Những động cơ đã thúc đẩy những con người từ bốn phía đổ dồn về Moskva sau khi quân địch đã rút sạch, là những động cơ hết sức khác nhau, hết sức riêng biệt, và trong thời gian đầu thì phần nhiều là những động cơ man rợ, thú vật. Duy chỉ có một động cơ chung cho tất cả mọi người, đó là cái ước vọng trở về trước kia gọi là Moskva để tìm cách sử dụng sức hoạt động của mình ở đấy.

Sau một tuần, ở Moskva đã có một vạn năm nghìn dân, sau hai tuần đã có hai vạn rưỡi v.v… Con số đó mỗi ngày một tăng lên mãi, và cho đến mùa thu năm 1813 thì đã vượt quá số dân năm 1812.

Những người Nga đầu tiên vào Moskva là những toán lính cô-dắc của chi đội Vintxingherot, những người nông dân ở các làng lân cận và những người dân Nga ẩn náu ở các vùng ngoại ô. Những người dân Nga khi vào Moskva và trông thấy cảnh tượng hoang tàn của cái thành phố bị cướp phá ấy, cũng bắt đầu ra tay cướp phá. Họ tiếp tục cái công việc mà quân Pháp đã làm. Nông dân đưa xe tải đến Moskva để chở về làng tất cả những gì còn vương vãi trong các nhà đổ nát và trên các phố xá hoang tàn của Moskva. Lính cô-dắc lấy tất cả những gì có thể lấy được đem về trại quân; các chủ nhà vơ vét tất cả những gì họ tìm được trong các nhà khác để đem về nhà mình, lấy cớ rằng đó là của riêng họ.

Nhưng sau đợt người đến cướp bóc đầu tiên lại một đợt khác, rồi một đợt thứ ba, và số người đến cướp bóc càng tăng lên thì việc cướp bóc mỗi ngày một trở nên khó khăn và dần dần có những hình thức rõ ràng phân minh hơn.

Quân Pháp đã tiến vào một thành Moskva tuy không người, nhưng có đủ những hình thái hữu cơ của một thành phố sống có quy củ có đủ các tổ chức thương mại, thủ công, xa xỉ phẩm, quản lý nhà nước, tôn giáo. Những hình thái đó đã tê liệt, nhưng vẫn tồn tại.

Hãy còn có những khu chợ, có những nhà máy, những xưởng thủ công; có những bệnh viện, những nhà tù, những toà án, những nhà thờ. Quân Pháp ở càng lâu thì những hình thái sinh hoạt của thành phố ấy càng mất đi và cuối cùng tất cả đều trộn lẫn lại thành một cảnh hỗn loạn không hồn của sự cướp phá.

Sự cướp bóc của quân Pháp càng kéo dài thì càng phá hoại những của cải của Moskva và sức lực của kẻ cướp bóc. Sự cướp bóc của người Nga, mở đầu cho việc người Nga chiếm lại thủ đô, càng kéo dài, số người tham gia càng đông thì sự trù phú và sinh hoạt quy củ của thành phố lại càng chóng hồi phục.

Ngoài những người đến đấy để cướp bóc ra, còn có những người thuộc đủ các hạng, người thì vì tò mò, người thì vì công vụ, người thì vì quyền lợi - chủ nhà, giáo sĩ, viên chức, quan lại, nhà buôn, thợ thủ công, nông dân - từ nhiều phía đổ về Moskva như máu dồn về tim.

Chỉ một tuần sau khi những người nông dân mang xe tải không đến để chở đồ thì đã bị nhà chức trách giữ lại và bắt buộc phải chở những xác chết ra khỏi thành phố. Những người nông dân khác biết chuyện này bèn chở bột mì, lúa mạch, rơm rạ vào thành phố, phá giá lẫn nhau cho đến khi giá cả tụt xuống thấp hơn giá ngày trước.

Ngày nào cũng có những phường thợ mộc, hy vọng được trả công hời, kéo vào Moskva, và khắp nơi người ra dựng lên những ngôi nhà cũ cháy dở. Những người lái buôn mở cửa hàng trong những cái lán gỗ. Các giáo sĩ lại bắt đầu làm lễ trong nhiều nhà thờ không bị cháy. Những tín chủ mang lại cho nhà thờ những đồ đạc đã bị cướp. Những người công chức đặt bàn viết trải dạ và tủ đựng giấy má trong những căn phòng nhỏ hẹp. Các quan chức cao cấp và sở cảnh sát thu xếp việc phân phối những của cải do quân Pháp để lại.

Các chủ nhân của những ngôi nhà có chứa nhiều của cải từ các nhà khác mang đến than phiền rằng tập trung tất cả đồ đạc tại điện Granovitia là bất công, những người khác một mực nói rằng quân Pháp đang mang đồ đạc lấy được trong nhiều nhà tập trung vào một nơi cho nên của để ở nhà ai mà chủ nhà ấy lấy là bất công, người ta chửi bới cảnh sát; Người ta đút lót cho họ; người ta ước lượng số của công bị cháy lên gấp mười lần sự thật; người ta đòi cứu tế. Bá tước Raxtovsin ra sức viết tuyên cáo.