Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 12 - Chương 4




Trong khi nước Nga đã bị chiếm mất một nửa, dân cư Moskva đã đi lánh nạn về những tỉnh xa, và các đoàn dân binh lần lượt đứng lên bảo vệ tổ quốc, thì chúng ta, những người không sống vào thời kỳ bấy giờ, không khỏi hình dung rằng tất cả những người Nga, từ bé đến lớn, đều chỉ một lòng muốn hy sinh thân mình, cứu nguy cho tổ quốc hay khóc thương trước hoạ diệt vong của đất nước.

Những truyện ký, những bài văn miêu tả thời đấy giờ đều nhất thiết nói đến sự hy sinh quên mình, đến tình yêu tổ quốc, đến sự tuyệt vọng, nỗi đau buồn và lòng dũng cảm của người Nga, song thực tế không phải như vậy. Chẳng qua ta chỉ có cảm tưởng như vậy thôi, bởi vì khi nhìn về quá khứ ta chỉ thấy cái lợi ích chung về lịch sử của thời đại, ta không thấy được tất cả những quyền lợi cá nhân, có tính chất người, của những người thời bấy giờ. Thế nhưng trong thực tế thì những quyền lợi cá nhân ấy quan trọng hơn những lợi ích chung, đến nỗi thường lấn át và thậm chí còn che lấp hẳn những lợi ích chung nữa là khác. Phần đông những người thời ấy đều không hề chú ý đến quá trình diễn biến đại thể của sự việc, mà chỉ hành động theo những quyền lợi và những suy tính thiết thân đối với cá nhân họ trong hiện tại. Và chính những người đó là những con người hữu ích nhất của thời đại bấy giờ.

Còn những người cố hiểu quá trình diễn biến chung của tình hình và muốn tham gia vào đấy một cách anh dũng và hy sinh cái gì họ cũng hiểu sai lệch đi, và tất cả những việc đó để đem lại lợi ích cho tổ quốc đều chỉ là những trò nhảm nhí vô bổ, như các trung đoàn dân binh của Piotr, của Mamonov, chỉ giỏi đi cướp phá các làng mạc Nga, hay như những mớ vải xô để buộc vết thương của các tiểu thư làm, chẳng bao giờ đến tay thương binh, v.v… ngay cả những người thích lý sự và bày tỏ tình cảm của mình, trong khi bàn bạc về tình hình hiện nay tại các nước Nga, bất giác cũng có những lời lẽ vờ vĩnh và dối trá, hoặc những lời phê phán hằn học vô bổ dối với những người khác, gán cho họ những tội mà không ai có thể là thủ phạm. Qua các biến cố lịch sử có thể thấy rõ hơn cả tại sao lại có lệnh cấm quả cây trí thức(1). Chỉ có một hoạt động bất tự giác mới có thể mang lại kết quả, và con người đóng một vai trò nào đó trong một biến cố lịch sử không bao giờ hiểu ý nghĩa của biến cố đó. Nếu con người đó cố tìm cách hiểu thì hoạt động của hắn sẽ không đem lại kết quả gì hết.

Về các biến cố đang diễn ra lúc bấy giờ ở Nga thì con người càng tham gia tnrc tiếp vào đấy càng khó thấy rõ ý nghĩa của nó. Ở Petersburg và ở các nơi tỉnh xa Moskva, các phu nhân và các ông lớn mặc quân phục dân binh thương khóc nước Nga, thương khóc thủ đô và luôn luôn nói đèn sự hy sinh quên mình v.v… nhưng trong quân đội bấy giờ vừa rút về phía nam Moskva người ta hầu như không nói gì và không nghĩ gì đến Moskva cả, và khi nhìn ánh lửa cháy nhà, không ai thề thốt trả thù quân Pháp, người ta chỉ nghĩ đến số tiền lương sắp được lĩnh quý sau, đến địa điểm trú ngụ sắp tới, cô bán hàng rong Matrioska v.v.

Nikolai Roxtov, chẳng vì mục đích hy sinh quên mình nào cả, mà chỉ vì tình cờ chiến tranh xảy ra trong khi chàng đang tại ngũ, đã trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ tổ quốc trong một thời gian dài, và vì vậy, đã nhìn nhận những sự việc diễn ra ở đất Nga thời bấy giờ một cách bình tĩnh, không tuyệt vọng, không có những suy diễn bi quan. Giá có ai hỏi chàng nghĩ gì về tình hình hiện nay của nước Nga thì chàng sẽ nói rằng mình chẳng việc gì phải nghĩ đến cả đã có Kutuzov và nhiều người khác làm việc đó; còn các trung đoàn, chắc là sẽ còn đánh nhau lâu, và trong tình hình hiện nay rất có thể chỉ vài năm nữa chàng sẽ được nhận chỉ huy một trung đoàn.

Vì chàng nhìn nhận sự việc như vậy, nên khi được tin phải đi Voronez làm công tác bổ sung số ngựa cho trung đoàn, không những chàng không thấy buồn bực vì không được tham gia vào cuộc chiến đấu quyết liệt, mà chàng lấy làm thích thú vô cùng, điều đó chàng cũng không giấu giếm, và các bạn đồng ngũ của chàng hiểu rõ tâm trạng này.

Trước trận Borodino ít hôm, Nikolai nhận được tiền bạc, giấy tờ và sau khi phái một người lính kỵ binh đi trước chàng lên xe trạm đi Voronez.

Chỉ có người nào đã từng trải qua cảnh ngộ đó, nghĩa là sống mấy tháng liền trong bầu không khí nhà binh, trong sinh hoạt chiến đấu mới có thể hiểu được cái khoái cảm mà Nikolai thể nghiệm khi chàng ra khỏi khu vực quân đội thường lui tới để lấy cỏ cho ngựa, kiếm lương thực và lập bệnh xá, khị chàng trông thấy những làng mạc không có lính, không có xe tải nhà binh, không có những dấu vết bẩn thỉu của một doanh trại đóng gần đâu đấy, những làng mạc với những bác mu-gich, những cô gái quê, những toà nhà của trang chủ, những cánh đồng lác đác những súc vật đang ăn cỏ, những ngôi trạm với những bác coi trạm đang ngủ gật, chàng thấy lòng phơi phới tưởng như lần đầu tiên được trông thấy những thứ này.

Và đặc biệt, điều làm cho chàng ngạc nhiên và vui mừng mãi là được gặp những người đàn bà, trẻ trung, khoẻ mạnh, và mỗi người như vậy lại không bị hàng chục sĩ quan đi theo ve vãn, và đều lấy làm mừng và hãnh diện khi thấy người sĩ quan qua đường đùa cợt với họ.

Trong một tâm trạng cao hứng tột độ Nikolai đến Voronez vào ban đêm, chàng tới khách sạn gọi tất cả những món ăn mà trong quân đội đã lâu chàng phải nhịn, và hôm sau, râu cạo nhẵn thín, mình mặc một bộ đại quân phục duyệt binh đã từ lâu không mặc tới chàng đến trình diện các cấp chỉ huy sở tại.

Viên thủ trưởng dân binh là một viên quan văn đã già; ông ta có vẻ thích thú với các chức vị và cấp bậc của mình lắm. Ông ta tiếp Nikolai một cách cáu kỉnh (vì cho đó là tác phong nhà binh) và hỏi chuyện chàng một cách quan trọng, vừa hỏi vừa bàn luận về tình hình của chiến sự, khi thì tỏ ra ý tán thành, khi thì tỏ ý phàn nàn, làm như mình có quyền phê phán những việc đó. Nikolai đang vui cho nên những điều đó chàng chỉ thấy ngộ nghĩnh mà thôi.

Sau khi gặp viên thủ trưởng dân binh, chàng đến tìm viên tổng đốc. Viên tổng đốc là một người nhỏ nhắn, linh lợi, rất niềm nở và xuề xoà. Ông ta thích cho Nikolai biết những trại có thể đến tìm ngựa, giới thiệu cho chàng một anh lái ngựa trong thành phố và một trang chủ ở cách thị xã hai mươi dặm, có những con ngựa tốt nhất vùng, và hứa sẽ hết sức giúp đỡ chàng.

- Ông là con trai bá tước Ilya Andreyevich phải không? Ngày trước nhà tôi chơi thân với bà cụ thân sinh ông lắm đấy. Thứ năm nào nhà tôi cũng tiếp khách; hôm nay là thứ năm, mời ông cứ đến chơi tự nhiên nhé, - viên tổng đốc nói khi chàng cáo từ ra về.

Ở nhà viên tổng đốc ra, Nikolai thuê ngay một cỗ xe trạm vào cùng viên tào trưởng đến trại người trang chủ cách thị xã hai mươi dặm. Trong thời gian mới đến Voronez, Nikolai thấy việc gì cũng dễ dàng và vui vẻ, và khi người ta đang ở trong một tậm trạng như vậy thì làm việc gì cũng hường có kết quả mỹ mãn.

Người trang chủ mà Nikolai đến gặp là một viên sĩ quan kỵ binh già sống độc thân, một tay chơi ngựa rất sành, thích săn bắn. Ông ta có một hầm rượu hồ tiêu để lâu hàng trăm năm, có rượu vang Hungary và những con ngựa rất hay.

Hai bên chỉ trao đổi qua vài câu là Nikolai đã bằng lòng mua ngay mười bảy con ngựa đực ưu tú (như chàng nói) với giá sáu nghìn rúp, để cung cấp cho đơn vị. Sau khi ăn bữa chiều và uống khá nhiều rượu Hung, Roxtov ôm hôn ông chủ nhà (hai người đã gọi nhau bằng "cậu") rồi lên đường về thị xã, trong lòng cao hứng đến tột độ, luôn mồm thúc giục người xà ích cho ngựa phi thật nhanh để kịp về dự tối tiếp tân ở nhà quan tổng đốc.

Sau khi thay quần áo, xức nước hoa và gội đầu bằng nước lạnh, Nikolai đến nhà quan tổng đốc. Chàng đến hơi muộn, nhưng đã sắp sẵn một câu "Thà muộn còn hơn không" để tự bào chữa.

Đây không phải là một vũ hội, và chẳng có ai nói rằng tối hôm nay sẽ có khiêu vũ; nhưng mọi người đều biết rằng Katerina Petrovna sẽ chơi những bài Valse và những điệu nhảy Scotland trên đàn dương cầm, và người ta sẽ khiêu vũ, cho nên mọi người đều phục sức như khi đi dự hội.

Cuộc sống ở tỉnh nhỏ vào năm một ngàn tám trăm mười hai cũng giống như mọi năm khác, chỉ khác một điều là không khí trong thị xã nhộn nhịp hơn vì có nhiều gia đình giàu có ở Moskva mới về, và cũng như trong tất cả nước việc diễn ra ở nước Nga lúc bấy giờ, có thể nhận thấy một cái gì vô tư lự, phóng túng đặc biệt, và ngoài ra, những câu chuyện gẫu rất cần trong khi giao thiệp và trước kia vẫn nói về thời tiết và những người quen chung, thì nay lại nói về Moskva, về quân đội và Napoléon.

Đám tân khách tụ tập ở nhà viên tổng đốc là những người thượng lưu vào bậc nhất ở Voronez. Số phụ nữ rất nhiều, trong đó có mấy người quen cũ của Nikolai ở Moskva, nhưng trong đám nam giới thì không ai có thể kình địch phần nào với chàng sĩ quan phiêu kỵ đeo huân chương Georges, đồng thời lại là bá tước Roxtov, hồn nhiên và phong nhã.

Trong số tân khách nam giới có một người tù binh Ý - vốn là sĩ quan của quân đội Pháp, và Nikolai cảm thấy sự có mặt của người tù binh này lại càng đề cao phẩm giá một trang anh hùng Nga như chàng. Người đó dường như là một chiến lợi phẩm. Nikolai thấy như vậy, và chàng có cảm tưởng mọi người cũng nhìn người Ý ấy với quan niệm như vậy, cho nên đối với hắn chàng tỏ ra hoà nhã một cách nghiêm trang và dè đặt.

Khi Nikolai vừa bước vào, mình mặc quân phục phiêu kỵ, sực nức mùi nước hoa và rượu vang, mấy lần nói lại và được nghe lại câu "Thà muộn còn hơn không", thì mọi người đều vây lấy chàng; bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào chàng, và chàng cảm thấy ngay rằng mình đã trở về với địa vị của con người được mọi người quý mến, địa vị chính đáng của chàng ở tỉnh nhỏ, địa vị mà xưa nay chàng vẫn thích, nhưng bây giờ, sau một thời gian dài sống thiếu thốn, lại càng khiến chàng say sưa ngây ngất. Không những ở các trạm xe, ở các quán trọ, ở phòng khách của người chủ bán ngựa, các cô hầu gái đều lấy làm thích thú được chàng để ý đến, mà ngay ở đây trong buổi tối dạ hội của viên tổng đốc, cũng có vô số những phu nhân còn trẻ và những tiểu thư xinh đẹp (chàng có cảm tưởng như vậy) đang nóng lòng chỉ mong sao Nikolai để ý đến họ. Các phu nhân và các tiểu thư làm duyên làm dáng với chàng, và ngay từ đầu các ông già bà già đã nghĩ ngay đến chuyện kiếm vợ cho cái anh chàng phiêu kỵ bảnh trai và tinh nghịch này để cho anh ta trở nên chí thú. Trong số những người ấy có cả bà tổng đốc: bà ta tiếp chàng như một người bà con gần, gọi chàng là "Nikolai", là "cậu".

Katerina Petrovna quả nhiên bắt đầu chơi những điệu Valse và những điệu vũ Scotland, và cuộc khiêu vũ khai mạc Nikolai nhảy rất cừ, và lại càng làm cho đám tân khách tỉnh nhỏ này say mê hơn nữa. Thậm chí chàng còn làm cho mọi người phải kinh ngạc vì cái phong cách phóng túng đặc biệt của chàng trong khi khiêu vũ.

Chính Nikolai cũng hơi lấy làm lạ về cách khiêu vũ của mình tối hôm ấy. Trước kia ở Moskva chàng không bao giờ nhảy quá phóng túng như thế và thậm chí còn cho rằng lối nhảy quá phóng túng ấy là không đớng đắn, là phong cách kéml, nhưng ở đây chàng thấy cần phải có một cái gì khác thường để cho họ ngạc nhiên, một cái gì mà chắc họ phải tưởng là thông thường ở hai thủ đô, nhơng vì ở tỉnh nhỏ nên họ chưa biết.

Suốt buổi tối hôm ấy Nikolai để ý hơn cả đến một thiếu phụ tóc vàng, người đầy đặn, mắt màu thanh thiên, trông rất dễ thương. Đó là vợ của một viên chức trong tỉnh. Với cái lòng tin tưởng ngây thơ của những người trẻ tuổi đang cao hứng cho rằng vợ mình sinh ra để mua vui cho mình, Roxtov cứ bám riết lấy người thiếu phụ và nói năng với người chồng một cách thân mật như chỗ bạn bè hay thậm chí gần như một người đồng loã: chàng làm như thể chàng và ông chồng ấy… Tuy không nói ra lời nào nhưng cả hai đều biết rằng họ (tức là Nikolai và vợ ông ta) rất hợp ý nhau. Song ông chồng hình như không đồng tình với những ý nghĩ đó, và có vẻ hậm hực khi nói chuyện với Roxtov. Nhưng thái độ của Nikolai ngây thơ, thật thà đến nỗi ông chồng cũng bất giác nhiễm cái tâm trạng vui vẻ của chàng. Nhưng về cuối buổi dạ hội, mặt người vợ càng ửng đỏ và càng hồ hởi, thì mặt người chồng lại càng đạo mạo và buồn rầu, tưởng chừng như cả hai vợ chồng chỉ có chung một liều lượng vui vẻ nhất định cho nên vợ càng vui lên thì chồng lại càng kém vui đi.

Chú thích:

(1) Theo truyền thuyết thánh kinh, khi hai con người đầu tiên là Adame và Eva đang ở vườn Eden (thiên đường trần gian) thượng đế cấm họ ăn quả tri thức. Chính vì vi phạm lệnh cấm này mà loài người bị thượng đế đày đoạ (Cựu ước)