Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 1 - Chương 13




Pie (1) chưa kịp chọn nghề nghiệp trong thời gian ở Peterburg thì đã bị trục xuất về Moskva vì hành động liều lĩnh. Câu chuyện kể lại ở nhà bá tước Roxtov là có thực. Piotr can dự vào vụ trói viên quận trưởng cảnh sát vào con gấu. Chàng đã trở về nhà trước mấy ngày và ở lại nhà cha chàng như thường lệ. Mặc dầu chàng đoán biết rằng Moskva người ta đã biết câu chuyện của mình, và các bà các cô ở xung quanh cha chàng xưa nay vốn không ưa gì chàng, thế nào cũng lợi dụng dịp này để làm cho bá tước ghét mình, nhưng ngay hôm về chàng liến đến ngay căn nhà của cha. Bước vào phòng khách, nơi các công tước tiểu thư vẫn thường ngồi, chàng chào các tiểu thư đang đọc sách. Có ba chị em tất cả. Người đang đọc sách là bà chị cả, một người đàn bà lưng dài, vẻ mặt nghiêm khắc, ăn mặc chỉnh tề. Đó chính là người đã ra gặp bà Anna Mikhailovna. Hai cô em thì hồng hào, xinh xắn, họ chỉ khác nhau ở chỗ một trong hai người có cái nốt ruồi ở môi trên làm cho cô ta đẹp hơn rất nhiều.

Piotr được đón liếp như một người chết hiện về hay một người mắc bệnh ôn dịch. Công tước tiểu thư lớn tuổi nhất ngừng đọc sách và ngây người ra nhìn chàng với đôi mắt sợ hãi. Cô trẻ hơn không có nốt ruồi, cũng liền có cái vẻ mặt y như thế. Người em út có nốt ruồi, tính tình vui vẻ: và hay cười cúi đầu trên miếng vải thêu để cho một nụ cười có lẽ nghĩ đến cái cảnh sắp diễn ra mà nàng đoán là rất ngộ nghĩnh. Nàng kéo sợi len xuống, cúi đầu làm như muốn nhìn thật kỹ các hình vẽ và chật vật lắm mới nhịn được cười. Piotr hỏi:

- Chào chị. Chị không nhận ra tôi sao?

- Tôi nhận ra anh rõ quá, rõ quá đi chứ.

- Bá tước ra sao? Tôi có thể vào thăm được không? - Piotr hỏi vụng về như thường ngày nhưng không hề lúng túng.

- Bá tước ốm cả thể xác lấn tinh thần, và tôi thấy hình như anh cố tìm cách làm cho bá tước khổ thêm về tinh thần thì phải.

- Tôi có thể gặp bá tước được không. - Piotr hỏi lại.

- Hừ! Nếu anh muốn làm cho bá tước chết, nếu anh muốn giết ngay ông cụ thì ông cứ vào thăm. Olga, em hãy xem thử xúp của cậu đã được chưa; đã đến giờ rồi đấy - Cô ta nói thêm để cho Piotr biết rằng họ rất bận, đặc biệt rất bận an ủi và chăm sóc cha chàng trong lúc chàng rõ ràng là chỉ nghĩ cách làm cho cha mình đau khổ.

Olga đi ra. Piotr đứng lại một lát nhìn hai người chị họ rồi cúi chào nói:

- Vậy thì tôi đi lên phòng tôi, khi nào có thể thăm thì xin các chị cho tôi biết.

Chàng đi ra, và tiếng cười ròn rã nhưng không lo tiếng của người con gái có cái nốt ruồi vẫn còn vang lên sau lưng.

Ngày thứ hai, công tước Vaxili đến ở tại nhà bá tước. Ông gọi Piotr lại và nói với chàng:

- Này anh bạn, nếu ở đây mà anh bạn vẫn cứ xử sự như ở Peterburg thì rốt cục sẽ hỏng bét cả đấy. Tôi chỉ bảo anh thế thôi. Bá tước đau nặng, rất nặng. Anh nhất định không nên vào thăm.

Từ đấy người ta không đả động gì đến Piotr nữa, và chàng ngồi cả ngày trong phòng riêng của chàng ở trên gác.

Lúc Boris bước vào thì Piotr đang đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng lại dừng lại ở góc phòng quay về phía tường làm những cử chỉ hăm doạ tưởng chừng như đang cầm kiếm đâm một kẻ thù vô hình nào. Chàng nhìn vượt lên trên cặp kính một cách nghiêm nghị rồi lại bắt đầu đi, nhún vai, hoa tay và nói những lời không ai hiểu được:

- Nước Anh đã tận số, - chàng cau mày nói và lấy ngón tay chỉ vào một người khác - Ông Pit là kẻ phản bội quốc gia và quyền lợi nhân dân, bị kết án…

Trong giây phút ấy, chàng đang tưởng tượng mình là Napoleon và đang cùng vị anh hùng của mình hoàn thành cuộc viễn chinh nguy hiểm vượt qua eo biển Cale và đánh chiếm London. Chàng chưa kịp tuyên bố tội trạng của Pit thì thấy một viên võ quan trẻ tuổi, tuấn tú, người dong dỏng cao, đang bước đến phía mình. Chàng đứng lại. Piotr từ biệt Boris từ hồi Boris còn là cậu bé mười bốn tuổi và hoàn toàn không nhớ mặt Boris. Tuy vậy, vì bản tính hồn nhiên và thân mật, chàng nắm lấy tay Boris và mỉm cười vồn vã. Boris mỉm cười một nụ cười dễ ưa, nhìn thẳng vào Piotr và bình tĩnh nói:

- Anh có nhớ tôi không? Tôi và mẹ tôi đến thăm bá tước, nhưng hình như bá tước đang mệt thì phải.

- Phải, hình như đang mệt. Họ cứ làm phiền ông cụ, - Piotr đáp trong khi cố nhớ xem người trẻ tuổi này là ai.

Boris thấy Piotr không nhận ra mình nhưng chàng cảm thấy không cần phải nói tên mình ra; chàng vẫn nhìn thẳng vào mặt Piotr không chút lúng túng. Sau một phút im lặng khá dài làm cho Piotr ngượng nghịu, chàng nói.

- Bá tước Roxtov hôm nay mời anh đến nhà ông ta dùng bữa chiều.

- À! Bá tước Roxtov - Piotr mừng rỡ reo lên - Thế ra cậu là Ilya con trai ông ta! Này cậu, cậu có biết không, thoạt mới nhìn cậu tôi không sao nhận ra đấy. Cậu có nhớ dạo chúng mình cùng đi chơi ở trên đỉnh núi chim sẻ với Mme Jacquot … đã lâu lắm rồi.

- Anh lầm rồi! - Boris nói thong thả, miệng nở một nụ cười mạnh dạn và hơi chế giễu. - Tôi là Boris, con công tước phu nhân Anna Mikhailovna Drubeskaya. Trong nhà bá tước Roxtov, ông bố tên là Ilya còn anh trai tên là Nikolai. Tôi không bao giờ biết bà Jacquot nào hết.

Piotr bắt đầu hoa tay và lắc đầu tưởng chừng như bị muỗi hay bị ong đốt:

- Thế à! Mình lẫn lộn hết cả. Ở Moskva mình có nhiều bà con quá. Cậu là Boris, phải rồi. Thôi thế bây giờ chúng mình biết nhau rồi. Cậu thấy kế hoạch Bulônhơ thế nào? Nếu như Napoleon vượt qua eo biển thì người Anh sẽ nguy to chứ chẳng chơi. Miễn là Vilnov(2) đừng sơ suất.

Boris không biết gì về cuộc viễn chinh ở Bulônhơ. Chàng không đọc báo và lần đầu tiên, nghe nói đến Vilnov. Chàng nói với cái giọng thản nhiên bỡn cợt thường có.

- Ở đây ở Moskva chúng tôi lo ăn uống và ngồi lê đôi mách hơn là quan tâm đến chính trị. Vì vậy tôi không biết gì hết và không lo nghĩ đến cái gì hết. Moskva chỉ lo đến những chuyện kháo vặt thôi. Hiện nay người ta đang nói về anh và về bá tước.

Piotr mỉm cười một nụ cười hồn hậu, tựa hồ như chàng lo hộ cho người nói chuyện với mình, sợ anh ta sẽ nói một điều mà sau này anh ta sẽ hối hận. Nhưng Boris nói rõ ràng, phân minh và lạnh nhạt, mắt vẫn nhìn thẳng vào mặt Piotr. Chàng nói tiếp:

- Moskva không làm việc gì hơn là kháo vặt. Mọi người đều muốn biết bá tước để tài sản cho ai tuy có lẽ ông cụ sẽ sống lâu hơn tất cả chúng ta, và bản thân tôi rất mong điều đó…

- Phải đấy, thật là đau xót. - Piotr nói xen - thật là đau xót - Piotr vẫn sợ rằng người võ quan này vô ý khơi ra một câu chuyện sẽ làm cho chính bản thân anh ta ìúng túng.

Boris hơi đỏ mặt nhưng vẫn không thay đổi giọng nói và điệu bộ:

- Chắc thế nào anh cũng… thế nào anh cũng cho rằng tất cả mọi người chỉ lo làm sao có được một cái gì ông già giàu có này để lại. "Chính là như vậy" - Piotr nghĩ thầm.

- Nhưng riêng tôi, tôi muốn nói với anh để tránh mọi sự hiểu lầm, rằng anh sẽ lầm to nếu anh kể cả tôi và mẹ tôi vào số những người kia. Chúng tôi rất nghèo, nhưng ít nhất tôi có thể tự nói với mình rằng: Chính vì ông cụ anh giàu cho nên tôi không xem mình là bà con của ông cụ, cả tôi và cả mẹ tôi sẽ không bao giờ xin hay nhận của ông cụ một tí gì.

Piotr một hồi lâu không sao hiểu, nhưng đến khi đã hiểu, chàng liền nhảy ra khỏi ghế sofa nắm lấy tay Boris với một cử chỉ hấp tấp vụng về. Và mặt đỏ bừng, đỏ hơn cả mặt Boris, chàng bắt đầu nói với một cảm giác vừa xấu hổ vừa bực tức.

- Thật là lạ lùng. Chả nhẽ tôi lại… Vâng ai lại có thể nghĩ rằng… Tôi rất biết.

Nhưng Boris lại ngắt lời:

- Tôi rất sung sướng là đã nói hết. Có lẽ anh không thích thế.

- Anh tha lỗi cho tôi - chàng nói, và an ủi Piotr chứ không để cho Piotr an ủi mình - Nhưng tôi hy vọng anh sẽ không giận tôi. Tôi có cái thói có gì nói thẳng. Bây giờ tôi phải nói lại với gia đình Roxtov thế nào đây? Anh đến ăn bữa chiều ở nhà Roxtov chứ?

Boris có vẻ như đã trút bỏ được một trách nhìệm nặng nề. Chàng đã ra khỏi một tình trạng lúng túng, và sau khi đặt người khác vào tình trạng ấy, chàng lại thành một người hết sức hoà nhã, Piotr điềm tĩnh lại, nói:

- Này cậu, cậu khá lắm, điều cậu vừa nói với tôi thật là hay, rất hay. Cố nhìên, cậu chưa biết tôi, chúng ta đã lâu không gặp nhau… từ thời còn nhỏ. Cậu có thể cho tôi là… Tôi hiểu cậu, tôi rất hiểu. Nếu là tôi thì tôi sẽ không nói như thế. Tôi rất sung sướng được làm quen với cậu. Thật là lạ, - chàng nói thêm, rồi lại im bặt và mỉm cười - Cậu cho tôi là người như thế nào? - Chàng cười - Nhưng thôi, chẳng hề gì. Chúng ta sẽ biết nhau hơn - Chàng nắm tay Boris - cậu có biết không? Tôi chưa vào thăm bá tước lần nào. Ông cụ không gọi tôi… Là một con người, tôi thấy thương ông cụ lắm… nhưng biết làm thế nào bây giờ?

- Thế theo anh thì liệu Napoleon có thể đem quân vượt biển được không? - Boris mỉm cười hỏi.

Piotr hiểu rằng Boris muốn nói lảng sang chuyện khác và cũng tán thành ý định ấy; chàng bắt đầu trình bày những điều hơn thiệt của kế hoạch Bulônhơ.

Người đầy tớ đến gọi Boris ra gặp công tước phu nhân để cùng ra về. Piotr hứa sẽ đến ăn, để có dịp gần gũi với Boris hơn nữa, rồi chàng siết chặt tay Boris, nhìn vào mặt Boris một cách trìu mến qua đôi kính trắng. Sau khi Boris ra về, chàng còn đi đi lại lại một hồi lâu trong phòng. Lúc này chàng không lấy kiếm đâm kẻ thù vô hình nữa, nhưng chàng mỉm cười khi nhớ đến con người trẻ tuổi, dễ thương, thông minh và cương nghị ấy.

Như người ta vẫn thường thấy khi hãy còn ít tuổi, và nhất là khi người ta sống trong cảnh cô độc một mình, chàng bỗng dưng cảm thấy mình yêu mến chàng thanh niên kia một cách vô cớ và tự hứa thế nào cũng phải chơi thân với anh ta hơn nữa.

Công tước Vaxili tiễn phu nhân ra cửa. Phu nhân khẽ đưa khăn lên mặt, nước mắt ràn rụa hai bên má. Phu nhân nói:

- Thật là kinh khủng, kinh khủng, nhưng dù sao tôi cũng làm nhiệm vụ của tôi. Tôi sẽ đến. Ở lại đêm ở đây. Không thể nào để bá tước một mình như thế được. Mỗi phút mỗi giây đều quý. Tôi không hiểu các công tước tiểu thư còn chờ đợi gì nữa. Có thể chúa giúp tôi tìm ra một cách để sửa soạn cho bá tước! Xin chào công tước, cầu Chúa phù hộ cho ngài!

- Chào phu nhân - Công tước Vaxili đáp, và quay mặt đi.

- Bá tước đang ở trong một tình trạng thật là khủng khiếp - Bà Anna Mikhailovna nói với con trai khi hai người ngồi lên xe ngựa - Ông ta hầu như không còn nhận ra ai nữa.

Người con hỏi:

- Thưa mẹ con không hiểu thái độ của ông ta đối với Piotr sẽ như thế nào.

- Tờ di chúc sẽ nói tất cả con ạ. Số phận chúng ta cũng lệ thuộc vào đó!

- Nhưng tại sao mẹ lại nghĩ ông ta sẽ để lại một cái gì đó cho chúng ta?

- Con ơi, ông ta thì giàu như thế mà chúng ta thì nghèo khổ thế này…

- Đó vẫn không phải là một lý do đầy đủ mẹ ạ.

Anna Mikhailovna than thở:

- Ồ, trời ơi! Trời ơi! Bệnh tình ông ta trầm trọng quá!

Chú thích:

(1) Tức Piotr (Pie là cách gọi lối Pháp)

(2) Năm 1805, Vilnov (Villeneuve) là tư lệnh hạm đội Pháp để đánh Anh. Bấy giờ Napoleon chuẩn bị tập trung quân ở Bulônhơ định vượt qua eo biển Cale để đánh Anh. Tháng 10, năm ấy hạm đội Pháp bị đánh bại và kế hoạch của Napoleon không thực hiện được.