Sáng hôm sau chúng tôi làm vệ sinh cá nhân xong, ăn sáng rồi tới giảng đường nghe giảng. Có một học giả nghiên cứu rất sâu về Trường Thành tới diễn thuyết cho chúng tôi nghe. Thầy còn mang một mảnh gạch vụn từ Trường Thành to bằng bàn tay đến, để các bạn sinh viên thử độ cứng của nó.
“Có thể dùng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể các bạn, ai làm vỡ được sẽ có thưởng,” thầy cười nói.
Khi mảnh gạch chuyền tới tay tôi, tôi nói với cậu em bên cạnh: “No, cho anh mượn đầu cậu.”
“Anh mượn cái đầu lợn làm gì?” cậu ta đáp.
Tôi chẳng buồn đếm xỉa tới cậu ta, hai tay nắm chặt mảnh gạch vụn, vận hết tất tật công lực, tưởng tượng mình là Songoku trong Bảy viên ngọc rồng, miệng gầm AA... chuẩn bị biến hình thành Siêu Xayda.
“Gãy rồi,” tôi nói.
“Gãy thật rồi?” Noãn Noãn kinh ngạc hỏi.
“Ngón tay anh gãy rồi.”
Lần này đến lượt Noãn Noãn không buồn đếm xỉa đến tôi nữa.
Tiết giảng kết thúc vào khoảng 10 giờ, các giáo viên kêu mọi người chuẩn bị rồi đi leo Trường Thành.
Lại nhớ tối qua các thầy còn dặn đi dặn lại nên đi giày thoải mái, các bạn nữ đừng điệu đà đi giày cao gót, nhớ mang bình nước, đừng vứt rác bừa bãi ở Trường Thành, ai dám ký tên lên gạch Trường Thành thì chết chắc vân vân.
“Còn phải chuẩn bị gì nữa?” tôi tò mò hỏi Noãn Noãn. “Chẳng nhẽ còn phải đeo cà vạt nữa à?”
“Em nghĩ là muốn mọi người chuẩn bị tinh thần không lại vui quá mà ngất đi,” Noãn Noãn nói.
Tôi nghĩ cũng có lý.
Hồi đầu muốn tham gia trại hè lần này phần lớn cũng là vì muốn được leo lên Trường Thành.
Chúng tôi sẽ leo đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh cách Bắc Kinh chừng 70 cây số, có thể đi thẳng tới bằng đường cao tốc.
Nếu thời cổ kỵ binh vượt qua Bát Đạt Lĩnh, chẳng phải phút chốc có thể đến sát chân thành Bắc Kinh sao?
Đang toát mồ hôi sợ thay cho Bắc Kinh, đột nhiên trong xe rộ lên tiếng “Ồ”.
Tôi quay đầu nhìn ra cửa kính, bị cảnh tượng trước mắt làm cho sững sờ.
“Đây...” tôi lắp bắp.
“Đây là Cư Dung Quan,” Noãn Noãn nói.
Hai bên Cư Dung Quan là núi cao sừng sững chót vót như những lưỡi gươm, giữa là khe sâu, quan thành Cư Dung Quan nằm ở chính giữa khe sâu đó.
Địa thế hiểm trở, chắn giữ vị trí xung yếu của Bắc Kinh, chẳng trách Lã thị Xuân Thu * từng đề: Thiên hạ cửu tắc, Cư Dung kỳ nhất.
*Lã thị Xuân Thu còn gọi là Lã Lãm là bộ sách do Lã Bất Vi – thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc sai các môn khách soạn ra những điều mình biết, hợp lại thành sách.
Cư Dung Quan không chỉ hùng vĩ, mà phong cảnh còn mê đắm lòng người, dãy núi hai bên ánh màu lam biếc, dòng suối trong xanh chảy ở chính giữa. Thật khó tưởng tượng nổi chiến tranh có thể thay thế vẻ hào hùng, tú lệ nơi đây.
“Xem ra Bắc Kinh có thể thở phào nhẹ nhõm rồi” tôi nói.
“Anh bảo gì cơ?” Noãn Noãn hỏi.
“Kỵ binh vượt qua Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh, nhìn thấy Cư Dung Quan nhất định sẽ phải xuống ngựa chiêm ngưỡng cảnh đẹp này,” tôi nói. “Trong lúc cảm kích trước vẻ đẹp tú lệ nơi đây, có lẽ sẽ đột nhiên tỉnh ngộ, cảm nhận nhân sinh khổ đoản, đánh đánh giết giết quá vô vị, lên ngựa quay đầu rút về chưa biết chừng.”
Noãn Noãn trợn tròn mắt nhìn tôi, không nói gì.
“Em đừng lo.” Tôi cười cười với Noãn Noãn. “Bắc Kinh an toàn rồi.”
“Đã bảo anh phải chuẩn bị tâm lý mà.” Noãn Noãn trừng mắt với tôi. “Giờ lại toàn nói nhảm nữa.”
Qua Cư Dung Quan, chẳng mấy chốc đã đến Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh. Nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến mười một rưỡi.
Giáo viên nói giờ đi ăn mì trụng tương trước, ăn no xong còn có sức lên đường.
(Câu “ăn no còn có sức lên đường” nghe thật kỳ kỳ, phạm nhân bị chém đầu vào phút cuối đều được nghe câu này.)
Lúc ăn mì trụng tương, Cao Lượng khơi chuyện, cậu ta nói hồi nhỏ mẹ cậu ta thường nấu một nồi to tương, chỉ cần múc vài thìa tương rưới lên mì, đảo đảo mấy cái, xì xụp húp là hết một bát, bữa ăn coi như xong.
“Bình thường đều ăn thế đấy,” cậu ta nói.
Tôi bỗng nhớ ra từ lúc xuống máy bay đến giờ, một hạt gạo trắng cũng chưa từng nhìn thấy, chứ đừng nói đến cơm trắng.
Trong sách giáo khoa Địa lý có viết: Người miền Nam ăn gạo, người miền Bắc ăn mạch, cổ nhân nói quả nhiên không sai.
Lên đến cáp treo phía nam nối với Nam Tư Lầu, khoang cáp vừa khởi động, Noãn Noãn liền cười thích thú.
Em xoay người lại, quỳ lên ghế ngồi, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, vẫy tay lia lịa, miệng còn nói gì đó.
“Ngồi chắc đi,” tôi nói.
“Lần đầu gặp cũng phải chào Trường Thành, nói câu ‘đã vất vả rồi’ chứ,” Noãn Noãn nói.
“Em...”
“Đây cũng là lần đầu em leo Trường Thành đấy.”
“Đã nói em chuẩn bị tâm lý mà,” tôi nói. “Giờ thì toàn nói nhảm rồi.”
“Anh mới nói nhảm ý.” Noãn Noãn lại xoay người ngồi ngay ngắn.
Xuống cáp treo, các giáo viên dặn dò ngắn gọn nên lượng sức mình, không miễn cưỡng cố quá, nhớ hẹn tập trung ở Phong Hỏa Đài.
Tôi nhìn ra xa, Trường Thành uốn lượn qua các mỏm núi, như một con rồng lớn đang đợi rướn mình bay thẳng lên bầu trời.
Nhìn sang trái phải, hai mặt tường thành độ cao không đều, hình dạng cũng không đồng nhất.
Cao Lượng nói những răng cưa lồi lõm kia gọi là tường lũy, cao gần một mét bảy, vừa đủ để che chắn cho những người giữ thành, phòng ngự kẻ địch bên ngoài. Tường lũy có các lỗ hổng để quan sát bên ngoài lúc tuần tra, dưới các lỗ hổng có một lỗ nhỏ hình vuông để đặt cung tên bắn; mặt thấp hơn chỉ cao một mét, gọi là tường hiên, cũng giống như những bức tường thấp khác.
“Tường hiên dng để làm gì?” Noãn Noãn hỏi.
“Tuần tra mệt rồi có thể ngồi nghỉ uống miếng nước,” tôi nói.
“Đừng nói bừa,” Noãn Noãn nói.
“Người ngựa đi trên đường lên thành, nhỡ may bị ngã xuống dưới thì nguy hiểm, tường hiên này có tác dụng bảo vệ,” Cao Lượng nói. “Hơn nữa tường hiên cách mỗi đoạn lại có một cửa tròn, trong cửa có bậc thang đá để binh sĩ lên thành xuống thành.”
Tôi nhìn Cao Lượng bằng ánh mắt kính trọng.
“Sau khi đến Bắc Kinh, cứ không có việc gì làm em lại leo Trường Thành mà,” cậu ta nói.
Chúng tôi cùng leo về phía Bắc, đoạn nào quá dốc còn có lan can sắt để mọi người vịn vào mà lên xuống.
Nhìn qua các lỗ hổng trên thành, toàn là núi non trùng điệp, cây khô, cỏ dại, làm thành một dải hoang vu.
Cứ cách trăm mét lại có một cái lầu thành hình vuông, loại hai tầng gọi là địch lầu, tầng trên cùng dùng để quan sát hoặc tấn công, tầng dưới để binh sĩ nghỉ ngơi hoặc trữ vũ khí; loại một tầng gọi là thành đài, bốn phía đều có lỗ hổng để tuần tra và tấn công.
Cao Lượng nói lầu Nam Tư, Nam Tam, Bắc Tam, Bắc Tư giờ vẫn hay gọi đều là các địch lầu.
“Chúng ta sẽ trèo lên Bắc Bát Lầu cao nhất so với mực nước biển trên đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh,” cậu ta nói.
Noãn Noãn dù gì cũng là con gái, thể lực yếu, thỉnh thoảng lại phải dừng lại dựa vào lan can thở lấy hơi.
Có lúc gió thổi khiến em nghiêng ngả, Cao Lượng nói đây là chỗ hút gió, nên gió rất lớn.
“Nếu là vào giữa mùa Thu Đông, gió còn mạnh hơn, trời còn lạnh hơn. Đến lúc đó leo Trường Thành mới càng có cảm nhận sâu sắc,” cậu ta nói.
Lúc này chúng tôi ai nấy đều mặc quần áo mỏng, chỉ mang thêm bình nước mà vẫn phải bám vào lan can lên xuống; vậy mà tướng sĩ giữ thành thời cổ cả người giáp sắt, tay mang binh khí, đầu đội cuồng phong chạy lên chạy xuống nơi này. Ngày ngày nhìn ra cảnh hoang vu bên ngoài, ngoài tấm áo bào của mình chẳng thấy nổi một bóng ai khác, hẳn phải đơn độc, cô quạnh đến nhường nào.
Muốn thấy bóng người lại cũng sợ thấy bóng người, bởi chỉ cần nhìn thấy một bóng người có thể sẽ đồng nghĩa với việc chiến sự bùng nổ, đây là kiểu tâm trạng mâu thuẫn gì?
“Nếu như...”
“Nếu như nam nữ trên đời đều có thể đối với nhau bằng tấm lòng chân thành thuần khiết,” Noãn Noãn ngắt lời tôi, nói tiếp: “đến lúc đó Trường Thành có thể ngậm cười mà sụp đổ rồi. Có phải anh muốn nói thế không?”
“Hì,” tôi bật cười. “Em nghỉ đủ chưa?”
“Rồi,” Noãn Noãn gật đầu.
Cao Lượng thể lực khỏe, dọc đường cứ giơ máy ảnh như giơ súng chụp đông chụp tây chẳng ngơi nghỉ. Tôi và Noãn Noãn cứ đến một địch lầu lại ngồi nghỉ ngơi uống nước, ngắm nghía tứ phía.
Trên tường thành thường thấy mấy dòng chữ “Đã từng đến đây” do các du khách đề lên, hiện tượng này cũng thường thấy tại các danh lam thắng cảnh ở Đài Loan.
Xem ra Tôn Ngộ Không trong Tây du kí quả là hại người không nhẹ.
Còn nhớ hồi đại học đi thăm nhà ma Dân Hùng, ở đó đâu đâu cũng bị viết “đã từng đến đây”.
Có cậu học sinh chơi ác, khắc xong dòng chữ “đã từng đến đây” còn tiện tay viết thêm điện thoại liên lạc với địa chỉ thầy giáo.
“Xem ông còn dám tùy tiện nữa không nào.” Viết xong cậu ta chua thêm một câu.
Tôi đứng dậy xem trên tường còn có những chữ gì.
“Đến Trường Thành rồi! Mình là Hảo hán!”
Câu này quá thường, không chừng phải có đến tám nghìn viên gạch trên Trường Thành viết thế này.
“Mình phải học theo Trường Thành, kiên cường sừng sững nghìn năm!”
Kiên cường cũng tốt, nhưng phải có công, tâm, đức. Không có công, tâm, đức mà sừng sững nghìn năm chắc thành di họa nghìn năm mất.
“Tiểu Hồng! Tình yêu anh dành cho em ngun ngút như Trường Thành!”
Trò ngớ ngẩn làm lúc si mê, cũng có thể thông cảm. Tiểu Hồng làm ơn, đá thằng cha đó đi.
“XX của ta còn dài hơn Trường Thành!”
“Mẹ kiếp!” tôi không kìm nổi buột miệng.
“He he...” Thấy Noãn Noãn đang nhìn, mặt tôi đỏ bừng. “Anh luống cuống quá.”
“Không sao,” Noãn Noãn nói, “anh chửi được đấy”.
“Anh còn có thể chửi khó nghe hơn ấy chứ.”
“Chửi nghe xem nào.”
Tôi mở miệng, trước sau đều không phun được từ nào nữa, cuối cùng đành nói: “Hay bọn mình đi tiếp đi.”
Trèo lên phía trước một lúc, cuối cùng cũngPhong Hỏa Đài, địa thế ở đây vừa cao vừa hiểm, tầm nhìn lại rộng rãi, vậy nên mới được dùng làm nơi đốt lửa báo hiệu.
Có khoảng hơn hai mươi sinh viên đang ngồi tán chuyện, Từ Trì nhìn thấy tôi bèn nói: “Anh Thái, chân anh vẫn ổn đấy chứ?”
Nghe cậu ta nói tôi mới cảm thấy chân mình đã hơi bủn rủn.
Trong bốn giáo viên đã có ba người tới nơi, thầy Lý phía Bắc Kinh bị tụt lại phía sau, thầy tới cũng có nghĩa là cả đoàn đã đầy đủ.
Mười phút sau, thầy Lý cuối cùng cũng cán đích.
Thầy thở hồng hộc, đếm lại số người, hắng giọng vài cái rồi nói:
Mọi người đều đã nghe câu “Bất đáo Trường Thành phỉ hảo hán” rồi, nhưng có nhất định phải leo Trường Thành mới chứng tỏ mình là hảo hán không? Các bạn cứ thử chọn một ngọn núi hiểm trở, rồi trèo từ chân núi lên đỉnh núi xem, ai dám nói các bạn không phải hảo hán? Hoặc giả các bạn đi bộ một lèo quanh Bắc Kinh, giữa đường không nghỉ, không gọi xe cấp cứu không khóc bố gào mẹ, lại chẳng phải hảo hán sao? Leo Trường Thành, mục đích không chỉ để chứng tỏ mình là hảo hán, nhìn dưới chân xem, các bạn đang giẫm lên những động mạch lịch sử. Có Trường Thành, nước Tần mới có thể thôn tính sáu nước, thống nhất Trung Nguyên; nếu như không có Trường Thành, lịch sử sẽ hoàn toàn thay đổi. Các bạn thường đọc trong sách những câu thơ ngắm vịnh Trường Thành cùng những tướng sĩ nơi biên cương, đó là nét đẹp của văn học; ngày hôm nay, các bạn leo một lượt, càng có cảm xúc sâu sắc hơn về nét đẹp văn học ấy, đồng thời các bạn cũng có thể cảm nhận tính chân thực của lịch sử. Lịch sử chính là dấu chân của nhân loại để lại qua hàng nghìn năm, dấu chân của các bạn lúc này đây cũng sẽ trở thành lịch sử trong tương lai đấy. Nhìn quanh bốn phía, địa thế càng hiểm yếu, càng thể hiện sự hùng vĩ của Trường Thành, nếu như Trường Thành được xây trên đồng bằng, thế lại chẳng như một bức tường sao. Đời người cũng thế, càng khó khăn trắc trở, càng có thể thể hiện giá trị của các bạn, càng có thể khích lệ các bạn tiến lên, hiểu được tầng đạo lý này, các bạn mới là hảo hán đích thực.
Thầy nói xong mọi người rào rào vỗ tay, thầy Lý quả thực nói rất hay. Tuy nhiên hơi cảm tính quá thì phải.
Thầy Trương phía Bắc Kinh đứng dậy, cũng hắng giọng nói:
“Lát nữa mọi người cùng đứng chụp một bức ảnh tập thể dưới Phong Hỏa Đài. Trong lúc chụp ảnh, mong các bạn sinh viên hãy cùng thầm cầu nguyện trong lòng: Nguyện Phong Hỏa Đài mãi không còn đốt lên khói lửa.”
Giờ thì sao đây? Cảm tính cũng có thể bị lây nhiễm rồi.
Thầy Trương mời thầy Chu phía Đài Loan cũng lên nói vài lời, thầy Chu chậm rãi đứng dậy, nhìn quanh khắp lượt, nói:
“Thường nghe người ta nói: Đây chính là lịch sử. Câu nói này còn có một ý nghĩa sâu xa khác. Chúng ta đều biết ‘đây’ trong Tiếng Anh nói là ‘dít-sờ’ (this), đọc lên nghe rất giống ‘lịch sử’, do vậy this is lịch sử có nghĩa là...”
Thầy ngẩng đầu lên, nhìn về phía xa, nói: “Đây chính là lịch sử.”
Nghe xong câu này, tôi chỉ còn biết ngã lăn ra đất.
Phong Hỏa Đài dù có đốt lên khói lửa, nghe thầy nói một câu, có lẽ cũng tắt luôn.
Cuối cùng là thầy Ngô phía Đài Loan, thầy chỉ điềm nhiên nói:
“Các bạn sinh viên trong lòng nhất định có rất nhiều cảm xúc muốn được bộc bạch. Thế này đi, tối nay trước khi đi ngủ, mỗi người hãy nộp một bài viết 500 chữ về cảm xúc khi leo Trường Thành cho tôi.”
Tôi vừa nghe xong liền từ dưới đất đứng bật dậy, tru lên một tiếng bi thương.
“Tôi chỉ đùa thôi.” Thầy bật cười ha hả. “Lát nữa còn phải leo tiếp, cho các bạn liều thuốc kích thích ấy mà.”
“Hơi đâu đùa cái gì chứ.” Tôi hừ mũi.
“Thế còn anh?” Noãn Noãn hỏi. “Anh thì có cảm xúc gì?””
“Anh...”
“Có phải anh lại định nói cáp treo dài, Trường Thành lại càng dài, đến sợi mì ăn bữa trưa cũng dài hơn ở Đài Loan, tóm lại chỉ một chữ dài?”
Tôi cười không trả lời. Đúng là bị em nói trúng rồi.
Khi mọi người tập trung lại chuẩn bị chụp ảnh, thầy Chu lại nói:
“Mọi người lôi chứng minh thư ra để trước ngực chụp ảnh, như vậy mới kool.”
Giờ là lúc chụp ảnh tội phạm truy nã ư?
Tôi liếc trộm tấm thẻ chứng minh thư trong tay Noãn Noãn, còn em đường hoàn quay đầu nhìn chăm chú tấm thẻ của tôi.
Tôi khẳng khái đưa tấm thẻ cho em, em cười cười, cũng đưa tấm thẻ của em cho tôi.
Chứng minh thư của Noãn Noãn có in nổi bản đồ Trung Quốc màu trắng trên nền xanh dịu, còn có một cột biểu thị “Dân tộc Hán”.
“Tiếp tục lên đường thôi,” chụp ảnh xong, thầy Trương nói.
Mới leo được không lâu, đã thấy tận cùng của tường thành là vách núi, cụt đường rồi.
“Đây là nơi nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành phải không?”
“Không phải,” Noãn Noãn chỉ tay phải về phía Đông, “là ở Sơn Hải Quan kìa, nơi Trường Thành nhập vào biển.
“Thật không?”
“Phía đông thành Sơn Hải Quan có làng Đá Vọng Phu, phía bắc ngôi làng là ngọn núi Phượng Hoàng, miếu nàng Mạnh Khương ở chỗ đó. Sau miếu có một hòn đá lớn, gọi là đá Vọng Phu. Phía trên bên phải có một vết lõm, là dấu chân em Mạnh Khương đứng trên hòn đá chờ chồng.”
“Em đến đó rồi à?”
“Em nghe kể thế.”
“Sao em toàn nghe kể thế?”
“Vì tai em tốt mà.” Noãn Noãn cười.
Noãn Noãn dứt khoát ngồi xuống, vẫy vẫy tay với tôi, tôi bèn ngồi xuống cạnh em.
“Trên mặt biển Bột Hải phía đông nam miếu nàng Mạnh Khương, có hai rặng san hô cao thấp đối xứng nhau, rặng cao đứng như một tấm bia, rặng thấp nằm như một ngôi mộ, nghe nói đó chính là mộ nàng Mạnh Khương.” Ngừng lại một lúc, Noãn Noãn lại nói tiếp:
“Dù cho nước biển dâng thế nào, cũng vĩnh viễn không nhấn chìm được ngôi mộ đó.” Giọng Noãn Noãn khi kể chuyện rất dịu dàng, khiến người ta không muốn chen ngang phá tan không khí.
“Rất đẹp phải không?” một lúc sau, Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi gật đầu.
Liếc mắt sang thấy Noãn Noãn khẽ ngẩng đầu, nhắm mắt lại, thần thái rất thả lỏng.
Sau lưng vang lên hai tiếng he he, tôi và Noãn Noãn cùng quay đầu lại, đã thấy Cao Lượng đứng sau lưng.
“Xin lỗi nhé, quấy rầy hai người rồi,” cậu ta nói. “Thực ra có rất nhiều lỗ hổng trong truyền thuyết nàng Mạnh Khương.
“Hở?” Tôi đứng lên.
“Thứ nhất, nàng Mạnh Khương và Tần Thủy Hoàng căn bản không phải là người cùng một thời, Tần Thủy Hoàng phải kêu nàng Mạnh Khương là bà cố cố cố cố..., vài từ cố nữa vẫn còn thiếu. Thứ hai, Trường Thành mà Tần Thủy Hoàng và các vị tiên tổ khác đã xây dựng chưa từng tới tận Sơn Hải Quan.”
Cao Lượng nói như đinh đóng cột.
Tôi tin những gì Cao Lượng nói là đúng với sử sách.
Nhưng, giữa nàng Mạnh Khương “đẹp” và nàng Mạnh Khương “thật”, nếu như hai nàng muốn xông vào đánh nhau một mất một còn, tôi thà giữ nàng Mạnh Khương “đẹp” lại lòng mình.
Dù gì tôi cũng đã lĩnh ngộ được cái “thật” của lịch sử, vậy hãy để tôi giữ lấy cái “đẹp” của nàng Mạnh Khương đi.
Nghe úi chao một tiếng, hóa ra Noãn Noãn muốn đứng dậy kết quả lại ngã phệt xuống đất.
“Chân hơi tê.” Noãn Noãn cười đứng dậy.
“Để anh giúp em.” Tôi đưa tay phải ra.
Noãn Noãn cũng giơ tay phải nắm lấy tay tôi, tôi thuận thế kéo một cái, em liền đứng dậy, phủi phủi ống quần.
“Có đường tắt,” Cao Lượng chỉ về một bên, “đi qua kia là có thể tiếp tục leo rồi.”
Cao Lượng dẫn tôi và Noãn Noãn lên Trường Thành qua đường tắt. “Sắp tới rồi,” cậu ta cứ luôn mồm nói vậy.
Nhìn thấy có một địch lầu không xa, tôi thầm nghĩ lại được nghỉ một lúc
“Cuối cùng cũng đến Bắc Thất Lầu,” Cao Lượng nói.
“Bắc Thất? Cậu khẳng định đây là Bắc Thất ư?”
“Đúng thế,” Cao Lượng nói. “Lầu tiếp theo là điểm cuối cùng, Bắc Bát Lầu.”
“Noãn Noãn!” tôi gọi lớn.
“Em ở ngay cạnh anh này,” Noãn Noãn nói, “anh gọi cái gì thế?”
“Mau, đây là lầu của em, em phải đứng đây chụp riêng một kiểu.”
Noãn Noãn và Cao Lượng hình như đều không hiểu mô tê gì.
Tôi giục mãi, Noãn Noãn nói: “Máy ảnh của cậu ấy chuyên nghiệp lắm, đừng lãng phí phim.”
“Phim cũng như tuổi trẻ ấy, đều dùng để lãng phí mà,” Cao Lượng cười cười.
Ồ? Lời Cao Lượng nói cũng sâu sắc thật.
Cao Lượng giơ ống kính ra ý Noãn Noãn mau chọn tư thế, Noãn Noãn nhìn ánh mắt gian tà của tôi, chỉ tôi nói: “Anh quay người đi, không được nhìn.”
Tôi quay người đi, Cao Lượng chụp tách một kiểu, rồi nói: “Anh Thái, anh cũng làm một kiểu không?”
“Thôi,” tôi lắc đầu, “cái lầu này chỉ có thể dùng để hình dung Noãn Noãn thôi.”
Phóng tầm mắt nhìn ra xa, Bắc Bát Lầu cô quạnh đứng giữa không trung, xa xôi nghìn trùng.
Tưởng như ông trời đã giơ tay ra túm Bắc Bát Lầu nhấc lên trời, vậy nên con đường tới Bắc Bát Lầu mới theo đó mà thẳng đứng như vậy.
Đường càng đi càng dốc, thành càng đi càng hẹp, gạch trên tường thành dường như cũng càng dày nặng hơn.
“Đoạn đường này được gọi là dốc Hảo Hán,” Cao Lượng nói. “Anh Thái, cố nữa lên.”
Tôi sắp nước mắt ròng ròng rồi đây.
Phàm là những nơi mang tên dốc Hảo Hán, đều là chỗ ngang nhiên hành hạ con người.
Hồi đại học leo lên dốc Hảo Hán ở núi Ali, leo đến nỗi cuối cùng đúng thành bốn chân bò trên mặt đường mà leo.
Tôi bảo Noãn Noãn leo trước tôi, làm thế ngộ nhỡ em trượt chân rơi xuống tôi còn có thể đỡ kịp.
“Sư huynh, em ở sau anh này.” Tôi quay đầu bèn thấy cậu em khóa dưới, nhưng đến câu chào tôi cũng chẳng còn sức mà nói nữa.
Cậu ta tay phải kéo tay Vương Khắc leo lên, tay trái còn giơ chữ V ra với tôi.
“Em hơi sợ độ cao, nên...” Vương Khắc dường như thấy ngại, nhỏ nhẹ nói.
Không ngờ tên tiểu tử này tinh thần tốt vậy, còn có thể nắm tay con gái nhà người ta nữa, điều này khiến tôi thật không thoải mái.
“Đừng khựng mông lại chứ huynh.” Cậu ta lại nói, “Em không tránh được đâu.”
Nếu như không phải... tôi hết hơi... chửi người... Vương Khắc lại ở đây... tôi nhất định chửi cậu... đồ đầu lợn.
Tôi hẳn phải mệt chết rồi, ngay đến tâm tư trong lòng cũng bị ngắt quãng thế nà
Noãn Noãn hình như cũng không chịu nổi nữa, dừng chân thở hồng hộc.
“Noãn Noãn,” tôi nói, “nói cho em chuyện này rất hay.”
“Gì?” Noãn Noãn quay lại.
“Em có biết ở Đài Loan đồ ngốc nói thế nào không?”
“Nói thế nào?”
“Chính là ‘bắc thất’.”
“Anh...”
Noãn Noãn trừng mắt chỉ tay về phía tôi.
“Muốn báo thù thì đi tiếp hẵng nói.”
Noãn Noãn biến phẫn uất thành sức mạnh, cắm đầu đi tiếp. Sắp tới rồi... sắp tới rồi...
Cuối cùng cũng tới rồi.
Noãn Noãn chẳng còn sức đâu mà mắng tôi, ngồi liệt dưới đất. Còn tôi đến sức để ngồi cũng chẳng có nữa.
Vương Khắc lia lịa cảm ơn cậu em nọ, thằng nhóc chỉ biết cười ngớ ngẩn.
“Không có gì đâu,” cậu ta nói, “tớ hay dắt mấy bà lão qua đường lắm.”
Thằng khốn, đến tay bà già đầy vết nhăn nheo cũng không tha.
Cảnh sắc trên Bắc Bát Lầu càng hoang vắng, người đứng ở nơi này càng cảm thấy cô độc.
Tôi thầm nghĩ những binh sĩ trấn thủ nơi đây ăn cơm thế nào được? Có khi còn đưa cơm lên nữa.
Lúc đi xuống ăn cơm, cứ nghĩ đến ăn no xong lại phải leo một đoạn thế này, thì sao mà ngon miệng cho nổi.
Có khi lâu ngày rồi chẳng buồn xuống ăn cơm nữa.
Thật khiến người ta quá thương cảm.
Thầy Lý sau rốt cũng lên tới nơi. “Thế nào rồi?” thầy cười hỏi.
“Liệt rồi ạ.” Cả đám sinh viên kêu thảm thiết.
“Đã lĩnh ngộ được ‘’Ỷ kiếm dục thùy ngữ, quan hà không uất hu ‘’* của thi nhân Cao Thích thời Đường chưa?” thầy hỏi.
‘’Ỷ kiếm dục thùy ngữ, quan hà không uất hu ‘’: Rút kiếm khỏi bao, chí hướng báo quốc tỏ cùng ai? Mặt sông biên cương, mênh mông khói sóng lặng như tờ.
“Một lĩnh ngộ quá đau đớn,” có sinh viên Đài Loan trả lời.
“Đây chính là lịch sử,” thầy Chu phía Đài Loan nói. “Mọi người nói có phải không?”
Lần này chẳng ai còn sức trả lời nữa.
“Hăng hái lên nào, các vị hảo hán.” Thầy Trương phía Bắc Kinh giơ máy ảnh lên. “Mọi người cùng chụp chung một bức ở đây, mong các bạn thầm nhủ trong lòng: tôi là một hảo hán yêu hòa bình.”
Lúc chụp ảnh, thầy Ngô phía Đài Loan kêu cậu em khóa dưới tôi nằm xuống đất giả chết, lại gọi thêm bốn sinh nữa lần lượt nắm lấy tứ chi cậu ta khiêng lên làm bối cảnh. Thật khổ cho thầy vẫn còn có hứng làm trò cười.
Từ đây, chúng tôi ngồi cáp treo phía bắc xuống thành. Ngồi trong khoang cáp, thấy buồn ngủ, nên xuống khỏi cáp treo, lên ô tô, chẳng bao lâu tôi đã ngủ thiếp đi.
Noãn Noãn lay tôi tỉnh, mở choàng mắt đã thấy mọi người đều đang xuống xe, tôi cũng nhổm dậy theo.
Trời đã tối, tôi cảm thấy mờ mờ ảo ảo, lúc xuống xe chân bước còn không vững.
“Cả đoàn đi rửa mặt mũi, xốc lại tinh thần trước đã,” thầy Lý nói. “Tôi thấy hay tối nay đừng ra ngoài nữa, cứ ăn trong nhà ăn của trường thôi.”
“Ăn trên xà ngang?” tôi hỏi Noãn Noãn. “Chúng ta đều biến thành vượn rồi sao?”
“Nhìn miệng em đây này.” Noãn Noãn nói lại rành rọt từng chữ: “Nhà – ăn.”
Hóa ra là ăn cơm tại căng tin trường, thế thì quá tốt, không cần phải vội vàng nữa.
Rửa mặt bằng nước lạnh xong, cũng coi như lấy lại được chút tinh thần. Bước vào căng tin, cuối cùng cũng nhìn thấy cơm trắng.
Ai chà, mấy ngày không gặp rồi, em vẫn trắng như thế, thật khiến người ta cảm động quá.
Lát nữa mà ta có ăn ít thì em đừng phật lòng nhé, đấy không phải lỗi của em, chỉ là vì ta mệt quá thôi.
Ý? Hình như em khô đi hả, sau này nhớ vào nồi cơm điện rồi phải uống thêm ít nước nhé.
“Anh lầm bầm cái gì đấy?” Noãn Noãn bê đĩa cơm đứng trước mặt tôi. “Vẫn chưa tỉnh à?”
“Tỉnh rồi chứ.”
“Anh chắc không?” Noãn Noãn đặt đĩa cơm, ngồi xuống đối diện tôi.
“Anh biết em tên là Noãn Noãn, người Hắc Long Giang, lên Bắc Kinh học, thích tỏ ra sành sỏi, tai rất thính nên thường hay nghe nói. Như thế đã coi là tỉnh chưa?”
“Anh vẫn còn quên một chuyện.”
“Chuyện gì?”
“Em muốn tới Noãn Noãn.”
“Anh lại buồn ngủ rồi.” Tôi nằm bò ra bàn giả vờ ngủ. Nằm một lúc, không nghe thấy Noãn Noãn có phản ứng gì.
Cứ nằm bò ra cũng không phải cách hay, tôi bèn từ từ ngồi dậy, len lén cầm bát đũa.
“Mỏi chân không?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi gật đầu. “Em cũng thế à?”
“Đương nhiên rồi, leo cả một ngày Trường Thành, lẽ nào chân vẫn còn bình thường được?”
“Tính hài hước của em sâu sắc thật đấy.”
“Thế ư?”
“Anh từng xem một bộ phim, nữ nhân vật chính và nam nhân vật chính đứng tránh mưa dưới cây dừa, đột nhiên từ trên cây rơi xuống một quả dừa, chàng trai nói: Là quả dừa đấy! Cô gái vặc lại: Từ trên cây dừa rơi xuống đương nhiên là quả dừa, lẽ nào lại là quả ổi chắc?” Tôi cười cười, “tính hài hước của em giống nữ nhân vật chính thật.”
“Anh thích xem phim à?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ,” tôi gật đầu, “phim gì cũng xem, nhưng phim nghệ thuật thì rất ít xem.”
“Sao lại thế?”
“Có lần anh xem một bộ phim nghệ thuật, trong đó Võ Tòng nói với Phan Kim Liên rất thâm tình thế này: trong lòng tôi, chị mãi là một bông hoa vàng trên đồng cỏ xanh.” Tôi cười sằng sặc. “Khoảnh khắc đó, anh sụp đổ luôn.”
“Sao lại cười kiểu thế?”
“Lúc đó anh cười thế đấy, kết quả bao ánh mắt như băng xung quanh đều chĩa hết lại. Từ đó anh không dám xem phim nghệ thuật nữa, sợ lại nghe thấy mấy câu thoại kinh điển kiểu thế.”
Nói xong, tôi lại không kìm nổi cười sằng sặc.
“Cười xong chưa?” Noãn Noãn nói. “Miệng anh không tê à?”
“He.” Tôi ngừng cười, nói: “Thật đến giờ anh vẫn còn sợ đây.”
Đột nhiên cảm thấy chỉ cần ở bên Noãn Noãn, tôi liền trở nên lắm lời.
Điều này có hai khả năng, một là em có thể khiến tôi bất giác muốn nói nhiều, hai là tôi dễ dàng cảm thấy em muốn nghe, thành ra càng nói càng nhiều chuyện.
Ngay như bây giờ, em có vẻ khá mệt mỏi, nhưng lại vẫn có tinh thần nghe tôi nói mấy lời nhảm nhí này.
“Thật mệt quá.” Em cúi đầu nhìn đĩa cơm. “Ăn không hết, phải làm sao đây?”
“Ăn không hết, gói mang về.” Tôi nói.
“Câu này không phải dùng thế đâu.”
“Ở Đài Loan dùng thế đấy.” Tôi cười he he mấy tiếng.
Tôi và Noãn Noãn ra khỏi nhà ăn, đi mấy bước, tôi bỗng dừng khựng lại.
“À. Suýt nữa quên mất,” tôi nói.
“Quên gì?”
“Anh mới là ‘bắc thất’,” tôi chỉ mình nói. “Lúc ở Trường Thành trêu em, em đừng để bụng nhé.”
Noãn Noãn nghĩ một lúc rồi bật cười thành tiếng, nói: “Lần sau đừng có đem tiếng Đài Loan ra mắng em, em nghe không hiểu đâu.”
“Ừ,” tôi nói, “muốn mắng em nhất định phải mắng bằng tiếng phổ thông, thế em mới hiểu được.”
“Này!”
“Anh đùa thôi.”
Đi qua giảng đường, thấy phần lớn sinh viên đều đang ở bên trong, tiếng cười đầy ắp căn phòng.
Người nói chuyện, người khoe đồ lưu niệm hôm nay mua ở Trường Thành, có người lại xem ảnh trong máy kỹ thuật số.
Tôi và Noãn Noãn nhập hội với bọn họ, Từ Trì nói với tôi: “Anh Thái, em chụp trộm anh một cái đấy.”
Xích lại xem, hóa ra là kiểu tôi ngã phịch xuống đất ở Phong Hỏa Đài.
“Lúc đấy sao anh không làm chữ V?” Noãn Noãn nói.
“Em đúng là chỉ thấy cây mà không thấy rừng,” tôi nói, “hai chân anh choãi ra, chẳng phải là hình chữ V rồi còn gì?”
Tôi đắc ý cười ha ha, cười còn chưa dứt, mắt đã tia thấy cậu em khóa dưới đang ngồi cùng Vương Khắc trong góc giảng đường.
Tôi tò mò tiến lại.
Vương Khắc đang cúi đầu vẽ gì đó, cậu em ngồi đối diện, cũng cúi đầu xem Vương Khắc vẽ vẽ.
Tôi chen đầu vào giữa hai người, ba cái đầu vừa hay làm thành một tam giác cân.
Đó là một bản vẽ phác, Trường Thành uốn lượn trên các mỏm núi như một con rồng, người tới ngao du Trường Thành điểm xuyết thành những vây rồng.
“Vẽ đẹp quá!” tôi thốt lên cảm thán.
Vương Khắc ngẩng đầu lên, bẽn lẽn cười với tôi.
“Sư huynh.” Tên tiểu tử cũng ngẩng lên, ra chiều thần bí nói: “Sáng nhỉ.”
“OK,” tôi gật đầu với cậu ta, “anh hiểu.”
Lúc quay người định đi, tôi còn thấy ánh mắt Vương Khắc đầy vẻ bối rối.
“Ý của cậu ta là anh đang làm cái bóng điện giữa hai đứa ấy,” tôi nói với Vương Khắc. “Bóng điện chính là...”
“Sư huynh!” Cậu em đã hơi sốt ruột.
Vương Khắc đã hiểu ra, mặt lộ vẻ ngượng nghịu, lại cúi xuống vẽ tiếp.
Tôi cười thỏa mãn bỏ đi.
“Anh này, thật xấu gớm,” Noãn Noãn nói.
“Xấu gớm?” tôi hỏi. “Nghĩa là gì?”
“Gớm trong tiếng Đông Bắc nghĩa là rất, cực kỳ.”
“Ồ,” tôi bừng tỉnh lĩnh ngộ, “Noãn Noãn, em thật xinh gớm. Nói thế có được không?”
“Cách nói thì không sao,” Noãn Noãn bật cười, “nhưng tính từ miêu tả em có vẻ không thích hợp"
“Đã không thích hợp sao em còn cười vui thế?”
“Lương Lương!” Noãn Noãn hét lên.
Tôi vội vàng dạt sang bên Từ Trì giả bộ bận bịu.
Mọi người ngồi trong giảng đường nói chuyện rất khuya, mãi đến khi các thầy tới đuổi mới chịu tan.
Về đến phòng, vừa nhảy lên giường đã thấy hai mắt trĩu xuống.
“Anh Thái, lần sau anh đến Bắc Kinh, em dẫn anh đi leo đoạn Trường Thành Tư Mã Đài,” Cao Lượng nói.
Cậu ta bảo chỗ đó là đoạn Trường Thành heo hút, rất ít du khách, với lại phần lớn toàn là khách nước ngoài.
Cậu ta cũng nói Trường Thành Tư Mã Đài cực kỳ hùng vĩ hiểm trở, là thiên đường của các nhà thám hiểm, vân vân...
Tôi cũng chả nhớ nữa, vì cậu ta kể đến nửa tôi đã ngủ thiếp rồi, người đã ngủ trí nhớ vốn ngắn mà.