Chế Tạo Hào Môn

Chương 224: Chuyện nhà họ Hoắc




Cậu ta là con cháu trực hệ nhà họ Hoắc mà lại bị răn dạy như thế, không những không phản bác, mà còn đáp lời theo bản năng, đúng là mất mặt thật. Đường Trọng Vi ngồi ở đối diện hơi nhíu mày lại.

Mặc dù cô ấy chưa gả vào nhà họ Hoắc, nhưng từ lâu đã coi mình là một thành viên trong nhà họ Hoắc, Hoắc Giai Minh thân với Hoắc Khải, vậy nên cô ấy cũng coi cậu ta như em trai mình.

Bây giờ em trai bị người ngoài răn dạy, Đường Trọng Vi sinh lòng bất mãn, cô ấy nói: “Có vẻ như anh Lý cũng hiểu biết về thư pháp thì phải? Rất nhiều người nói rằng chưa ăn thịt heo thì cũng từng thấy heo chạy, chuyên gia ẩm thực chưa chắc đã là một đầu bếp giỏi. Tôi nghĩ anh Lý không phải người thích cãi cố đâu nhỉ?”

Đương nhiên là Hoắc Khải nghe ra được cô ấy đang bệnh vực Hoắc Giai Minh. Trong lòng anh không khỏi cảm thán, bất kể xảy ra chuyện gì, bất kể trải qua bao lâu thì cô gái này vẫn không hề thay đổi, đặt nặng chuyện của nhà họ Hoắc hơn bất cứ điều gì.

Hoắc Giai Minh còn chưa nói gì thì cô đã lên tiếng rồi.

Thế nhưng quả thực là Hoắc Khải cũng có chút trình độ về thư pháp. Cũng giống với cờ vây, nhờ sự hun đúc của gia đình nên anh cũng học một thời gian, hơn nữa còn học ngay từ lúc nhỏ.

Theo ý của bố anh, nét chữ nết người, nếu viết chữ không đẹp thì làm việc cũng chẳng thể tốt được.

Vào năm học lớp sáu, Hoắc Khải đoạt được giải nhì trong cuộc thi thư pháp dành cho thanh thiếu niên.

Sở dĩ không được giải nhất là bởi vì năm đó Hương Giang được trả về, những người khác đều viết bài liên quan đến nó, ví dụ như khắp chốn vui mừng, Giang Hà cùng dòng chảy… Chỉ có anh là viết một một bài ca chính nghĩa.

Kể từ đó Hoắc Khải không tham gia bất cứ một cuộc thi nào nữa, bởi vì anh nhận ra cái gọi là kết quả thi tài đều phải dựa vào sở thích cá nhân của giám khảo, không phải thực sự xem chữ viết thế nào.

Cuộc thi đã có mục cộng điểm thì chẳng có cái gọi là công bằng nữa. Tuy rằng anh không theo đuổi công bằng tuyệt đối, nhưng không cần thiết phải chuốc nỗi bực dọc không đâu ấy vào người.

Lúc còn nhỏ Hoắc Giai Minh cũng từng học luyện chữ với Hoắc Khải, chỉ có điều thằng nhóc này không chuyên tâm, Hoắc Khải có thể viết bốn, năm tiếng liền không nghỉ, cậu ta cùng lắm chỉ được bốn, năm mươi phút là xách mông chạy khắp nơi.

Vì chuyện này, năm đó cậu ta từng bị chú Út đánh không ít lần.

Mỗi lần bắt được là một trận đòn, chú Út còn chỉ vào Hoắc Khải nói: “Học anh mày kia kìa, sao tao lại sinh ra cái thằng nhãi tăng động như mày vậy không biết nữa!”

Nói tóm lại, Hoắc Khải chính là “con nhà người ta” trong truyền thuyết.

Nếu là người khác nói khích như thế thì Hoắc Khải chỉ cười cho qua, ngay cả cuộc thi mang tầm quốc gia anh còn chẳng thèm tham gia, sao lại so đo với một người cho được.

Nhưng hôm nay thì khác, người nói câu này là Đường Trọng Vi, một người mà anh rất quan tâm.

Đối với Hoắc Khải, Đường Trọng Vi giống em gái của anh hơn, xét về mặt tình cảm thì anh không muốn kết hôn với cô.

Không phải không thích, mà là không có cảm giác ấy.

Một cô gái mà anh coi là em gái từ nhỏ đến lớn thì sao có thể trở thành vợ anh được!

Chỉ có điều trước kia Hoắc Khải quá coi trọng lợi ích của gia tộc, để giúp gia tộc giành được nhiều thành công hơn thì việc kết thông gia với quốc tế Đường Thị rõ ràng là lựa chọn tối ưu nhất, vậy nên anh mới đồng ý với sự sắp xếp của người lớn.

Dù có muốn kết hôn với Đường Trọng Vi hay không thì lúc này Hoắc Khải đều không muốn đánh mất thể diện trước mặt cô.

Đường Trọng Vi đã nói vậy rồi thì Hoắc Khải cũng không lùi bước. Anh chấm một ít nước trà rồi viết một hàng chữ lên bàn mà không nghĩ nhiều gì cả.

Bọn con em đất Giang Đông còn nhiều người tài giỏi, cuốn đất trở về chưa thể biết được sẽ ra sao!

Đây là câu thơ trích trong “Đề ô giang đình” của Đỗ Mục thời Đường, nói đến chuyện của Tây Sở Bá Vương.

Thất bại của Tây Sở Bá Vương ấy khiến người đời tiếc nuối, trong lòng rất nhiều người, ông ta mới là đế vương thực thụ, chứ không phải là Lưu Bang có xuất thân từ đình trưởng.

Con cháu vùng Giang Đông đa số đều rất tài giỏi, nếu giương cờ vùng dậy thì khó mà nói trước được bên nào sẽ là bên chiến thắng trong vụ phân tranh Sở Hán.

Tình hình hiện nay của Hoắc Khải cũng gần giống với Tây Sở Bá Vương, chỉ có điều anh bị người hại chết, còn Tây Sở Bá Vương thì tự vẫn.

Ngoài ra, anh hơn Hạng Vũ một cơ hội để làm lại từ đầu.

Chỉ có điều muốn xông về nhà họ Hoắc không phải là chuyện dễ dàng, có thành công hay không vẫn còn là một ẩn sổ.

Không phải chỉ cần tự tin thì nhất định sẽ thành công, Hoắc Khải chỉ chuẩn bị tâm lý để “không thành công thì cũng thành nhân” mà thôi.

Đường Trọng Vi và Hoắc Giai Minh nhìn sang, cả hai đều rất ngạc nhiên.

Hàng chữ này như rồng bay phượng múa, hài hòa với nhau, có thể xưng là cứng cáp mạnh mẽ. Rõ ràng chỉ là nước trà, nhưng lại không thua kém gì hiệu quả khi dùng bút mực.

Điều này chứng tỏ lực khống chế bút của Hoắc Khải đã đạt tới trình độ cực kỳ cao.

Trong cả nhà họ Hoắc, có lẽ chỉ có chú Út luyện chữ lâu năm rồi mới sánh bằng được.

“Chữ đẹp! Không kém gì anh Ba của tôi!”, đôi mắt của Hoắc Giai Minh sáng rực lên, cậu ta nói: “Anh Lý, anh đỉnh thật, chơi cờ vây giỏi, còn viết chữ đẹp như thế, đúng là thiên tài như anh Ba tôi!”

Đường Trọng Vi nhìn hàng chữ trên bàn, cô ấy không nói gì nữa, chữ viết của mỗi người đều sẽ có điểm khác nhau. Dựa theo tính cách và thành quả luyện tập lâu dài, đến cuối cùng sẽ hình thành phong cách đặc biệt.

Phong cách của Hoắc Khải là kiểu mạnh mẽ, anh làm người như thế, làm việc như thế, viết chữ cũng như thế.

Một nét bút hạ xuống là muốn ghì thật mạnh rồi hoàn thành trong một nét, như muốn xé rách đất trời.

Kiểu chữ của anh lột tả sự bá đạo khó nói, đến người bình thường cũng có thể cảm nhận được khí thế ấy.

Đường Trọng Vi càng nhìn càng thấy hàng chữ này rất quen thuộc.

Nếu là bình thường, chắc chắn cô ấy sẽ phản bác câu nói của Hoắc Giai Minh, không ai có thể sánh bằng vị hôn phu của mình được.

Nhưng hiện tại cô không nói gì cả, bởi vì chữ này thật sự quá đẹp, lại còn rất giống nữa.

Nếu chỉ nhìn chữ thì nhất định cô sẽ cho rằng đây là chữ Hoắc Khải viết.

Nhưng nhìn người đàn ông ngồi ở phía đối diện, Đường Trọng Vi dám khẳng định đó không phải là vị hôn phu của mình.

Có lẽ là trùng hợp chăng? Hoắc Khải đã nói là trên đời này có cô gái giống cô ấy thì cũng không có gì là lạ khi chữ anh giống với vị hôn phu của mình.

Sau khi viết ra hàng chữ này, Hoắc Khải không hỏi xem bọn họ thấy thế nào, bởi vì anh đã biết kết quả từ biểu cảm và ánh mắt của họ rồi.

Hoắc Khải nâng chén trà nhấp một ngụm, sau đó nhìn Hoắc Giai Minh và hỏi: “Gần đây trong nhà không có chuyện gì chứ?”

“Không có chuyện gì, tất cả đều ổn”, Hoắc Giai Minh vô thức đáp lời, sau đó mới hơi khựng lại, nhìn Hoắc Khải bằng ánh mắt là lạ.

Đây là lần thứ hai trong ngày hôm nay rồi, phong cách và giọng điệu quen thuộc đến thế, làm cậu ta cứ có cảm giác như đang ngồi với anh Ba.

Nhưng khuôn mặt này thực sự không giống chút nào cả.

Một lát sau Hoắc Giai Minh mới nói: “Anh Lý, anh nên gặp anh Ba tôi một lần thật đấy, hai người thực sự rất giống nhau. May mà tôi biết bác Cả tôi không thể có con riêng ở bên ngoài được, nếu không tôi cũng phải hoài nghi rằng anh và anh Ba là anh em ruột! Nhưng hình như gần đây anh Ba hơi khó tính, rất ít khi ăn cơm chung với tôi, muốn sắp xếp cho hai người gặp nhau chắc là khó phết”.

“Anh Ba cậu là ngôi sao hi vọng của nhà họ Hoắc đó hả? Cậu nói anh ta khó tính, ai đắc tội với anh ta hay là xung đột gì với ai?”, Hoắc Khải hỏi.

“Tôi không rõ lắm đâu, nói thật ra thì tôi rất ít khi để ý tới chuyện trong gia tộc, chỉ biết là hai tháng trước anh ấy thay mấy thư ký liền, những người trong văn phòng tổng giám đốc cũng bị thay mới một lượt, nói là không đủ năng lực. Trong cuộc họp cổ đông, anh ấy còn cách chức bác Tư vì bác ấy sai sót trong công việc, nghe nói vụ đó khá căng”, Hoắc Giai Minh nói.

Hoắc Khải nghe vậy nhíu mày. Bác Tư mà Hoắc Giai Minh nhắc tới chính là chú Tư Hoắc Bộ Châu của anh.

Giống với chú Út, chú Tư Hoắc Bộ Châu cũng là kiểu người khá lười biếng, năng lực thì có hạn, vậy nên tuy rằng có địa vị cao trong gia tộc nhưng ông ấy chỉ được phụ trách công tác quản lý văn phòng tổng giám đốc.

Quản lý văn phòng tổng giám đốc cũng coi như phó tổng giám đốc, tuy không có thực quyền nhưng lại giống thái giám tổng quản bên cạnh hoàng đế thời cổ đại, không ai dám tùy tiện đắc tội ông ấy.

Mặc dù năng lực của chú Tư không được tốt lắm, nhưng cũng coi như tận tâm tận lực, ít nhất khi được giao việc, ông ấy chẳng đòi hỏi gì cả, có thể yên tâm sử dụng.

Không ngờ tên giả mạo ấy lại cách chức chú Tư.

“Vậy hiện tại ai đang quản lý văn phòng tổng giám đốc?”, Hoắc Khải hỏi.

“Hình như là thư ký của chú Ba thì phải, tên là gì ấy nhỉ? Hoắc, Hoắc Hải Thanh? Chắc là tên này đấy, là một họ hàng xa của nhà họ Hoắc chúng tôi, cách nhau năm đời rồi, tôi không thân lắm”, Hoắc Giai Minh trả lời.