Chẳng Tìm Thấy Người

Chương 2: Hai bảy




Cả bốn cái đầu khác màu chúm chụm chen vào trong khung ảnh, xếp hình theo kiểu rất chi là ba chấm, chụp lại một tấm ảnh kỷ niệm trước tòa án.

“Cưng ơi ba tháng sau đừng quên tới đây ly hôn nha.” Lương Mĩ Lị ấn huyệt thái dương, híp mắt dặn Ngũ A Ca.

“Rồi biết rồi, Tiểu Vạn, đặt xong vé anh sẽ báo chú, anh đã chuẩn bị hết đồ cho Miêu Miêu trong mấy ngày tới rồi.” Ngũ A Ca nói xong, kéo A Minh chuồn lẹ.

“Tôi cũng phắn đây, phải mua đồ ăn sáng cho bạn gái nữa,” Lương Mĩ Lị quơ tay với Trần Hải Thiên: “Công việc sao rồi?”

“Thứ Tư tuần sau đi làm.”

“Bách Nhật Duy Tân Tiểu Vạn Vạn ới, tôi sẽ ủng hộ cưng về tinh thần nha…” Còn chưa nói hết, nhoắng cái Lương Mĩ Lị đã đi mất hút, bỏ lại một mình Trần Hải Thiên đứng dưới ánh mặt trời chói lòa trước tòa án.

“Không lấy thân ra cổ vũ là may rồi.” Trần Hải Thiên nói với theo bóng hình Mĩ Lị giờ đã xa tít tắp, “Bách Nhật Duy Tân… về sau biến pháp thất bại, triều Thanh diệt vong.” Anh tự đặt cho mình biệt danh này, lúc đặt thì thấy hay hớm, giờ lại nghe có mùi xui xẻo, tự buồn thay cho cái khả năng đặt tên sứt sẹo của mình.

Hầu hết mọi người đều coi 30 tuổi là một cột mốc trong cuộc đời, nhưng với Trần Hải Thiên thì là 27 tuổi.

Nay là ngày anh 27 tuổi được ba tuần, lần đầu tiên đi làm người chứng hôn.

Đối với anh đặc sản thường thấy của thời đại này chính là con một trong gia đình đơn thân. Họ sống với mẹ, thỉnh thoảng gặp cha ruột, không anh em, không bạn nối khố, chẳng có bạn bè.

Trong lần anh làm khảo sát với sáu bạn học mà anh thân nhất, thì có hai người gia đình đơn thân, ba người cùng sống với mẹ ghẻ bố dượng, chỉ có một người gia đình êm ấm cha mẹ chưa ly hôn. Có thể thấy, so với những gia đình đơn thân, con cái trong gia đình cha mẹ chưa ly hôn càng dễ có suy nghĩ, tính cách lệch lạc hơn do chịu sự xa lánh chèn ép. Tuy vậy, không biết chừng bởi con người anh vặn vẹo nên mới có ý nghĩ như thế cũng nên.

Tóm lại, ngoài việc mong cho bản thân không sống qua 27 tuổi thì đầu óc anh vẫn còn bình thường lắm, nhân cách cũng tốt đẹp cực kỳ.

Thời cấp hai anh là fan cuồng của nhạc Rock. Hồi 15 tuổi, anh mê đắm ca sĩ hát chính Kurt Cobain trong nhóm nhạc Nirvana[1]. Vào một ngày cuối tuần trời đẹp như mơ, chàng ca sĩ ấy để lại di thư, rồi tự nã súng vào đầu mình.

“I’m too much of a neurotic moody person and I don’t have the passion anymore, so remember, it’s better to burn out, than fade away.”

(Tôi là kẻ bất ổn điên loạn đã mất đi đam mê, nhớ lấy bạn tôi, thà bùng cháy huy hoàng rồi tắt lịm, còn hơn mòn mỏi chết dần.)

Nỗi u ám tuyệt vọng tột cùng ẩn mình len lỏi giữa những con chữ giản đơn ấy đã mê hoặc anh.

Ngày ấy, “Câu lạc bộ 27”[2] là cụm từ được lan truyền mạnh mẽ trong giới truyền thông. Rất nhiều ca sĩ nhạc Rock vĩ đại đều ra đi ở tuổi 27 và trở thành truyền thuyết. Vậy nên, chết ở tuổi 27 dường như là một điều gì đó rất ngầu với Trần Hải Thiên – một kẻ cô độc quái gở đương trong thời kỳ phản nghịch. Anh đã viết trong bài tập làm văn của mình rằng: “Mong rằng mình sẽ viết được một bức di thư để đời vào năm 27 tuổi.” Kết quả là, mẹ anh được mời tới trường.

Mẹ anh nói với giáo viên chủ nhiệm: “Tôi chỉ chịu trách nhiệm với nó tới 18 tuổi, sau 18 tuổi nó tự do quyết định cuộc sống, do đó dù con tôi có muốn viết di thư thì đó cũng là chuyện của nó. Dẫu thế, trong khi Khang Hi 15 tuổi bắt Ngao Bái thì con tôi lại muốn viết di thư, thật sự là tôi đã dạy hỏng nó.”

Năm ấy mẹ Trần Hải Thiên 42 tuổi, là giảng viên Lịch sử chuyên nghiên cứu triều Thanh, đôi khi cũng có bài trên báo hoặc tạp chí. Tuy nhiên, do bà quá thờ ơ với cuộc sống con mình, nên Trần Hải Thiên cũng không phải loại con giáo viên luôn tươi cười niềm nở với mọi người, hay được thầy cô người lớn ngợi khen, hoàn toàn chẳng phải con ngoan trò giỏi.

“Chỉ cần không làm ảnh hưởng tới người khác là được, nếu làm chuyện xấu thì đừng có để bị tóm.” Đó là giới hạn mà mẹ anh đặt ra, làm gì tùy anh, xếp hạng bét cũng chẳng sao, mà kể có là đồng tính cũng không hề gì.

Ngày đó lúc rời trường, bà đưa anh đi ăn vịt kho gừng, nói chuyện bâng quơ với anh.

“Mẹ đã từng kể cho con về nguồn gốc của tên con chưa?”

“Dạ, bắt nguồn từ anh hùng đại hiệp Giang Hải Thiên trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh[3], cha con gọi là Giang Nam,” Trần Hải Thiên bĩu môi: “Cha mẹ đặt tên mà chẳng thèm nghĩ tới cảm xúc con cái gì hết.” Mẹ anh mê Lương Vũ Sinh còn hơn cả Kim Dung, bởi vì gần như tất cả thế giới võ hiệp trong truyện Lương Vũ Sinh đều xảy ra ở triều Thanh.

“Thế vẫn đỡ hơn Trần Thế Di hay Trần Kinh Thiên nhỉ?” – Kim Thế Di và Đường Kinh Thiên là hai vị đại hiệp khác trong truyện Lương Vũ Sinh. “Thực ra đó chỉ là lý do thứ nhất, còn một lý do nữa là do mẹ rất thích câu thành ngữ ‘Trời biển đồng màu’.”[4]

“Dạ?”

“Khoảng cách xa xôi nhất trên thế gian này nào phải chuyện giày vò tan hợp trong ái tình mà chính là đường chân trời, bởi vì con chẳng thể chạm tới nó, bởi vì ở nơi chân trời tít tắp mù khơi, hai thứ rộng lớn nhất trên thế gian với màu sắc tương tự hòa tan vào nhau, con có thấy nó tràn ngập sự ẩn dụ không?”

“Vâng, gọi thêm một đĩa bắp cải nhé mẹ?”

Về tới nhà, mẹ Trần Hải Thiên quăng cho anh một bộ truyện kể lịch sử Khang Hi. Anh xem xong thì thích mê, thậm chí chẳng kém với tình yêu dành cho nhạc Rock.

Nirvana, Dream Theater và những cuốn sách tài liệu triều Thanh của mẹ đã trở thành người bạn đồng hành với anh suốt thời niên thiếu.

Lớn dần, anh dần dần ngộ ra ý nghĩa ẩn trong “Trời biển đồng màu” mà mẹ anh nói: Thứ bạn nhìn thấy có thể chỉ là bề mặt tảng băng trôi của sự thật, chỉ khi nào tìm thấy đường chân trời, bạn mới có thể nhìn thấu tảng băng chìm cùng những sắc độ nông sâu khác nhau bên dưới dải màu đồng sắc ấy.

Như cách nói thịnh hành bây giờ, thì khi Tổ trưởng Lý[5] nhướng mày phát hiện vụ án không đơn giản như vậy, bởi Tổ trưởng Lý đã nhìn thấy đường chân trời.

Thuở đại học, anh thi đỗ khoa Lịch sử đại học Bách thú, thuận lợi thẳng tiến vào học thạc sĩ ở Viện lịch sử, còn soulmate Lương Mĩ Lị của anh – không như ý muốn phải học năm thứ 5 đại học, rồi sau đó cũng thi đỗ thạc sĩ, bọn họ lại tiếp tục cuộc sống trong vòng 10km quanh trường, người nào người nấy đổi người yêu.

Mấy năm đó, cứ dăm ba bữa họ lại kiếm góc trường nào đó ngồi uống bia tám nhảm, say sưa xong cầm cái chai bị bóp bẹp dí rồi cất đi nội tâm của chính mình.

“Bà muốn theo nghề quảng cáo hở?” Hồi mới học thạc sĩ, Trần Hải Thiên đã hỏi Lương Mĩ Lị như vậy, bởi trừ nghề đó ra anh không nghĩ ra nổi học quảng cáo thì có thể làm gì nữa.

“Tạm thời thì không, mà bộ ông không thấy nếu không có kinh nghiệm xã hội thực tế thì những quảng cáo làm ra sẽ rất trống rỗng giả dối sao?”

“Thế bà làm nghề nào khác trước đã?”

“Ờ, phải kiếm việc nào mà không cần ngủ sớm dậy sớm, không phải ngồi văn phòng, không mặc đồ công sở gò bó, cũng không phải trang điểm.” Lương Mĩ Lị gảy tàn thuốc, “Có khi tôi làm bartender đã, tiện thể tìm hiểu về vài loại ‘thuốc’ giúp cảm xúc thăng hoa, coi mặt khuất của xã hội ra sao.”

“Bà không muốn tích lũy kinh nghiệm xã hội chứ gì? Lại muốn tìm chuyện đời để viết sách ha?”

“Chuẩn, thông minh!” Lương Mĩ Lị mập mờ nhướng mày, “Tới lúc đó trang bìa sẽ để câu như ‘Lời thú tội về khát khao trần trụi nhất của bartender’, buồn cười nhờ?”

Sau hai năm, Trần Hải Thiên vào viện bảo tàng Viên Sơn làm trợ lý nghiên cứu, tiền lương và thưởng cuối năm đều rủng rỉnh, tuần nghỉ hai ngày, cảnh đẹp ý vui, thi thoảng còn được tiếp xúc với đủ loại di sản văn hóa. Ngoài chuyện họp hành triền miên vô ích, đồ ăn nhạt nhẽo chán nhách, uống cà phê cháy khét ra thì mọi thứ đều ngon lành.

Còn Lương Mĩ Lị, sau khi trải qua cuộc cách mạng ầm ĩ với gia đình thì vào làm bartender trong chuỗi nhà hàng kiểu Mỹ.

Lương Mĩ Lị khép hờ mắt, vẻ mặt phớt đời, đưa cốc trà Long Island cho Trần Hải Thiên, nói: “Chung là dăm ba cái khóc lóc dọa dẫm tự tử gì đó chẳng xi nhê gì với tôi. Thậm chí tôi còn sẵn sàng tinh thần từ mẹ tôi luôn rồi, máu mủ ruột rà đấy nhưng chớ có lấy tình thân ra mà đe dọa bức ép tôi, ông hiểu không, họ không có lý gì mà cấm cản tôi hết.”

“Ờ.” Nếu đổi lại là Trần Hải Thiên, anh cũng sẽ làm như vậy. Bọn họ có một điểm chung đó là đều rất yêu bản thân, không có khái niệm sống để làm vừa lòng ai. Cuộc đời của bọn họ đâu phải để làm thỏa mãn thói kiểm soát trói buộc của người khác?

Nhưng điểm khác nhau giữa họ chính là: Lương Mĩ Lị mềm mỏng nhẹ nhàng, lạt mềm buộc chặt, cô sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu sự tổn thương; song Trần Hải Thiên thì dửng dưng thờ ơ, bất chấp tất thảy đều tan nát tàn lụi, mặc cho ngọc nát đá tan.

“Sau khi chết chúng ta sẽ bị đày xuống 18 tầng địa ngục mất.” Trần Hải Thiên thở dài.

“Bên bờ về cõi âm có ông đồng hành, không cô đơn ~”

“Thôi đừng, tôi xin.” Trần Hải Thiên hít sâu một hơi.

“Mà, ông biết hề nhất là gì không? Mẹ tôi có thể chấp nhận tôi là les, nhưng không thể chấp nhận một đứa thạc sĩ như tôi lại đi làm bartender,” Lương Mĩ Lị cầm dao gọt hoa quả đang cắt chanh bên tay trái lên lia mấy nhát, “Tôi thấy khi nào mà tôi tính học tiến sĩ, lúc viết sách thể nào cũng sửa tiêu đề thành ‘Nữ tiến sĩ đồng tính thuận tay trái trở thành bartender, gửi tới bạn lời thú tội về khát khao trần trụi nhất của bartender’, ông thấy có hài không?”

“Bà làm gì mà chẳng hề hước,” Trần Hải Thiên cẩn thận tránh con dao, “Mà thời đại nào chẳng có những chuyện kỳ lạ, như là thời Đạo Quang[6] đó, trang phục rách nát vá chằng vá đụp còn đắt hơn đồ mới.”

“Ông đúng là cái đồ văn vở thư sĩ, thở ra câu nào là khó ngửi nhạt thếch câu đó”, Lương Mĩ Lị ném hạt chanh vào anh, “Thư sinh là cái bọn vô dụng chẳng được cái nước gì”. Dưới góc nhìn của người bình thường, Trần Hải Thiên đích thị là một kẻ văn vở, bề ngoài, cách ăn vận đều giống dân trí thức, đến cả tác phong cũng giống dân trí thức, thậm chí ngay cả chuyện yêu đương cũng vậy.

“Rồi sau này bà lại chẳng là tiến sĩ…”

“Nhưng tôi không văn vẻ hoa lá, với cái sự trí thức nó đâu có liên quan gì chuyện học hành nghiên cứu, nó toát lên từ khí chất và tâm thái cơ.”

“Rồi tôi biết.” Trần Hải Thiên thích nhất Lương Mĩ Lị ở điểm này, cô chẳng bao giờ buồn che giấu sự tục tằn bỗ bã của mình, cũng chẳng có thói dùng học vị hay lý luận học thuật để đánh bóng bản thân.

“Cơ mà tôi là thư sinh chứ không phải tay trí thức nào đâu nhé.” Đối với anh, ‘trí thức văn nhân’ là một từ chẳng hay ho đẹp đẽ gì.

“Mà chỉ có mỗi tôi nhận ra điều này nhở?”

“Còn mẹ tôi nữa.”

“Này ngụy trí thức, uống rượu lẹ đi rồi biến về viện bảo tàng giùm.”

Khi anh học thạc sĩ năm thứ hai, mẹ anh chuyển tới Nhật Bản sống cùng với ông chú đầu bếp.

Chú đầu bếp đến từ Singapo, là bếp trưởng trứ danh trong mắt mọi người. Tuy vậy, đối với mẹ anh, ông chú chỉ là một người đầu bếp mà thôi.

“Cũng giống như mẹ, chỉ là một nhà giáo mà thôi.”

Mẹ anh chú trọng nhân cách và bản lĩnh chứ không phải là vai vế địa vị trong xã hội. Bất cứ sự so sánh chứa đựng ý thức giai cấp nào cũng đều rất nực cười. Là bếp trưởng nhà hàng không có nghĩa sẽ cao cấp hơn đầu bếp bình thường, và đồng thời giảng viên đại học cũng chẳng cứ là sẽ giỏi hơn giáo viên tiểu học.

Bởi thế, chết ở tuổi 27 hay 72 cũng chẳng có gì khác biệt. Câu lạc bộ 27 chỉ là một con số thống kê. Nên dẫu chết vào tuổi nào đi nữa thì những con người huyền thoại vẫn sẽ trở thành truyền thuyết, dù có là giám khảo của cuộc thi hát thì cũng sẽ trở thành truyền thuyết như thế.

Còn một kẻ tầm thường như anh, kể cả có viết di thư vào tuổi 27 đi nữa hay nã súng vào đầu thì họa chăng cũng chỉ chiếm được một góc nhỏ xíu trên báo xã hội, hay chớp nhoáng xuất hiện trong thời sự buổi tối, để rồi bị lãng quên.

Cái chết và truyền kỳ, hôn nhân và hạnh phúc, sở hữu và thỏa mãn… chúng đều giống như dải màu đồng sắc nhưng thật ra lại mang bản chất và định nghĩa khác nhau, ở giữa chúng có một đường chân trời, nằm ở nơi mà người ngoài chẳng thể nào chạm tới, cất lên tiếng vọng miên man xa xăm.

Trời biển đồng màu, là anh cũng là one, là one cũng là vạn. Anh là Trần Tiểu Vạn với lớp mặt nạ như dải màu đồng sắc. Chỉ có mẹ anh và Lương Mĩ Lị mới nhìn thấy đường chân trời, cũng chỉ họ mới là Tổ trưởng Lý.

Nhưng câu lạc bộ 27 vẫn còn đó trong lòng Trần Hải Thiên. Vào năm 27 tuổi một tuần anh bỏ công việc ở viện bảo tàng, tham gia buổi tiệc chia tay xã giao vớ vẩn với đồng nghiệp, dọn dẹp bàn làm việc và vứt sạch tài liệu nghiên cứu giấy tờ họp hành nhét đầy trong ngăn tủ, tạm biệt mớ di sản văn hóa cổ đại.

Thời niên thiếu anh đắm mình trong phòng sách của mẹ, thuở thanh xuân anh vùi đầu với những tư liệu lịch sử, đến khi trưởng thành lại buông mình trong viện bảo tàng. Anh thích cuộc sống chìm đắm trong học thuật văn thơ thật, nhưng vẫn không thể thoát khỏi thứ cảm xúc mệt mỏi chán chường. Đến năm 27 tuổi, những cảm xúc ấy càng ngày càng dữ dội mãnh liệt.

Anh không muốn chôn thân ở chốn này, anh buộc phải tiến về phía trước đến một nơi khác. Anh đã hẹn ước với bản thân, nếu như trước năm 27 tuổi chẳng kịp chết đi, anh sẽ tiễn “anh” của trước 27 về cõi tử.

Giờ đây anh đã 27 tuổi được ba tuần, vừa mới làm người chứng hôn, có một soulmate cùng hai người bạn thân, và, đã từng yêu một người.