Chẳng Tìm Thấy Người

Chương 18: Ngày Mưa




Mộng Cầu Vồng đóng cửa như sự ra đi của cả một thời đại, có những thứ cũng thật sự dần tan biến theo. Trần Hải Thiên đánh mất hoàn toàn hứng thú với diễn đàn đồng tính, thậm chí có lúc anh còn quên luôn mất rằng bản thân là gay, hoặc cũng có thể tính hướng chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên con người anh, mà đó còn là yếu tố ít quan trọng nhất.

Niềm đam mê dành cho cà phê đã chiếm trọn tâm trí thể xác anh, đến nỗi anh còn nói ra được một câu khiến Lương Mĩ Lị mắc ói rợn hết cả người như “Tôi và cà phê đang yêu nhau.”

Anh đã có thể hoàn toàn tự lực cánh sinh trong công việc, từ những việc hành chính như đặt hàng, nhận hàng, gửi hàng, đến những việc mang tính chuyên môn như pha brewing cà phê[1] thành kỹ xảo, rành rọt nằm lòng luôn cả chỗ bán sỉ đĩa than. Anh giống như hạt cà phê trong máy, trong quá trình rang chậm rãi ngả từ xanh non sang nâu nhạt, thẫm dần và đậm màu hơn.

Đầu năm 2007, ông chú nhập viện đặt stent mạch vành cho tim[2], lúc xuất viện quyết định dừng việc rang cà phê, về quê ở Nghi Lan[3] mở một cửa hàng cà phê bình thường, bán cả đồ ăn nhẹ.

Trần Hải Thiên dốc toàn bộ số tiền mình dành dụm mua hai máy rang cà phê của ông chú, tự kinh doanh riêng. Anh không muốn thuê nhân viên, cũng không muốn sống quá tằn tiện tiết kiệm. Cũng may, lượng hạt cà phê mà hai chiếc máy sản xuất ra vừa đủ nuôi sống bản thân anh. Anh nhận lại một số khách của ông chú – những người mà anh thấy hợp mắt ưng ý, đồng thời mở một cửa hàng trên mạng, thu nhập cao hơn làm pha chế một chút, cuộc sống tạm ổn định.

Mấy tháng sau, anh làm đơn vay một khoản nhỏ, cộng thêm tiền đầu tư của mẹ, trong tháng 7 biến nửa trước tầng một thành quán cà phê.

Quán cà phê khá nhỏ, cỡ 33 mét vuông, chỉ bán đồ uống và những thứ anh thích mà thôi. Cửa hàng bày biện đơn giản gọn gàng, gần như chẳng trang trí gì, màu sắc trang nhã nền nã, đèn đóm sáng sủa, có bốn cái bàn. Cạnh tường kê vài cái tủ đĩa than và tủ trưng bày đủ thứ linh tinh.

Mặc dù không bán đồ ăn, song anh vẫn bố trí một gian bếp nhỏ ở sau quầy bar, để nhỡ lúc nào nổi hứng muốn làm chơi chơi món gì đó đầu độc bạn bè. Nửa sau tầng một là khu rang hạt cà phê và khu nghỉ ngơi với sô pha chuyên dụng cho bạn bè mà Lương Mĩ Lị nằng nặc đòi.

Một người bạn của Ngũ A Ca đã giúp anh thiết kế trang hoàng nội thất. Sau khi làm xong, đối phương còn theo đuổi Trần Hải Thiên vô cùng dữ dội. Kể ra điều kiện đối phương rất tốt, nhưng giờ anh hoàn toàn chẳng còn tâm trí, hứng thú hẹn hò yêu đương với ai cả. Sau rốt đối phương bám riết tấn công tới mức quá giới hạn, Ngũ A Ca và A Minh bàng quan mặc kệ, khiến anh bất lực buộc phải dùng đến tuyệt chiêu “Đóng cửa, thả Lương Mĩ Lị.”

“Một trong những thú vui của bọn anh là xem Viên Sơn Trần Tiểu Vạn chà đạp người khác mờ.” – Ngũ A Ca đã giải thích như vậy.

Lúc đặt tên cho quán cà phê này, anh đã nghĩ nát cả óc để ra được mười cái tên, rồi kéo Lương Mĩ Lị đến cung Hành Thiên xin hào[4], nhưng thần linh không thích cái tên nào hết. Thế rồi, anh chợt nghĩ ra một cái tên, hỏi thần linh xem “Noone” có được không, ngờ đâu lấy được những ba hào lận. Anh dở khóc dở cười, quyết định không làm biển hiệu nữa, chỉ lấy bút viết bảng viết mấy chữ xiêu vẹo lên tấm cửa kính được đẩy sang bên: Quán cà phê Noone.

“Sau này muốn đổi tên cũng dễ.” Anh giải thích với người mẹ xùy xùy ngao ngán và ba người bạn của mình như vậy.

Anh quán triệt thi hành chính sách “chỉ tiếp những người hợp mắt”. Hợp mắt là thế nào? Không liên quan tới vẻ bề ngoài của đối phương mà hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của anh. Nói thế chứ anh cũng cố gắng nới rộng tiêu chuẩn hết cỡ, ráng kiềm chế không đuổi khách, trừ khi đối phương gây ác cảm tột độ cho anh.

Tình hình kinh doanh trong hai ba tháng đầu ảm đạm buồn bã như ánh dương ngày hè. Trong một tháng, chưa tới mười người ghé quán, gần như chỉ có ba người bạn anh tới. Dù lời lãi bán hạt cà phê vẫn đủ để giúp anh trang trải cuộc sống, song anh vẫn mong có người đến uống cà phê anh pha, nếu không chiếc máy pha cà phê hơn 200 ngàn Đài tệ (~163 triệu VNĐ) đặt trong góc kia sẽ lẻ loi cô đơn lắm.

Một buổi tối nọ, Lương Mĩ Lị nhìn quán cà phê vắng ngắt, phán xanh rờn: “Tôi thấy cửa hàng không có khách vì thiếu linh thú đó.”

“Là cái gì vậy?” Trần Hải Thiên kêu lên, anh lại thấy không có khách chủ yếu do tên.

“Mèo thần tài hoặc Pikachu, mấy con kiểu này á.” Lương Mĩ Lị giơ đấm tay vung vẩy mấy cái bên mặt.

Mấy ngày sau, Lương Mĩ Lị mang một con vật nhỏ màu xám đến, đặt lên quầy bar: “Linh vật tới rồi.”

Trần Hải Thiên nhìn con vật be bé màu xám bước đi xiêu vẹo, hỏi: “Đây là con chuột hả?”

“Đây là mèo Ba Tư xám xanh[5] đó ông ơi, nổi tiếng lắm ấy, một con hơn mấy ngàn Đài tệ (~ một vài chục triệu VNĐ) đó.” Lương Mĩ Lị chọc chọc vào cổ con mèo: “Nẫng của Tiểu Mã đó, mèo mẹ nhà cậu ta sinh năm con, con này đáng yêu nhất đấy, tên là Madrid.”

“Ma… Madr… Madri…d…”

“Nào, Trần Tiểu Vạn, dũng cảm nói ra coi nào, đời người thỉnh thoảng phải chửi thề để thể hiện tình cảm trong lòng.”[6]

Trần Hải Thiên đảo mắt lên trên bất lực, nói: “Sao Tiểu Mã lại đặt cái tên này?!”

Lương Mĩ Lị ấn ngón tay đọc mấy cái tên: “Cậu ta đặt tên theo thành phố, Paris, London, New York, Tokyo, Madrid. Lúc Tiểu Mã đặt tên, cậu bạn ngốc nghếch của cậu ta cũng ở đó, bạn cậu ta học tiếng Tây Ban Nha nên cứ khăng khăng phải đặt một con là Madrid mới chịu.”

“Kiểu người đó đáng ghét thật, cậu ta không quan tâm con mèo nghĩ gì à. Bà trông, nhìn vẻ mặt nó rầu rĩ ủ ê chưa kìa, do cái tên chứ còn gì nữa, để nghĩ một cái khác coi.” Trần Hải Thiên cau mày nghĩ ngợi: “Xám Nhỏ? Khoai Sọ? Tetrapod? Mickey? Thập Nhị thiếu gia?[7]”

“Thập Nhị thiếu gia gì đấy?”

“Quốc Vinh ca ca đó, nó là con thứ hai nên gọi là Nhị Thiếu, thêm Thập nữa cho vui nhà vui cửa.” Trần Hải Thiên tóm lấy Madrid. Madrid trong tay anh nho nhỏ, thậm chí còn chẳng to hơn lòng bàn tay anh bao nhiêu.

“Nhân vật này bạc tình lắm, không được, ông đã nghĩ đến cảm xúc của con mèo chưa vậy? Thế Đại thiếu là ai?”

“Mặt Trời nhà Ngũ A Ca,” Trần Hải Thiên ôm Madrid lên đến khi mắt nó và mắt anh song song với nhau: “Mèo vằn màu quýt gọi là Mặt Trời, thế mèo Ba Tư xanh xám gọi là gì giờ? Tiểu Lam? Ánh Trăng? Mây Đen? Ngày Âm U? Ngày Mưa…”

“Meo~”

“Ngày Mưa?”

“Meo~”

“Rồi, Ngày Mưa!” Lương Mĩ Lị hắng giọng gào lên: “Người chấp nhận được ~ Tôi có Ngày Mưa ~ Thì tôi bằng lòng ~ Quay về bên người ~”[8]

“Lương Mĩ Lị, nín ngay!”

Ngày Mưa nom vô tội ngờ nghệch, làm ai cũng thấy thương thấy yêu, song thực ra nó là một con mèo vừa im lìm vừa lạnh nhạt, giống Trần Hải Thiên chẳng thích đám đông. Hễ mà cửa hàng có hơn ba người cái là nó lạch bà lạch bạch đôi chân ngắn ngủn tót ngay lên tầng hai, ườn mình tắm nắng trên lớp lông nhung mềm mại của sô pha trong phòng sách. Nó chỉ cho mỗi Trần Hải Thiên và Lương Mĩ Lị ôm, gặp Ngũ A Ca và A Minh thì vẫy vẫy đuôi vài cái ra bộ chào hỏi, Mặt Trời thì ngó lơ luôn chẳng màng.

“Chủ nào mèo nấy.” Một lần Lương Mĩ Lị ôm Ngày Mưa càng ngày càng béo lắc lư: “Trần Ngày Mưa! Mày tưởng mày là mèo Ba Tư thì ngon lắm hở? Cạo trụi lông mày thì có mà ma chê quỷ hờn nhé!”

Thế là suốt mấy tuần sau Ngày Mưa đều phớt lờ Lương Mĩ Lị.

Ngày Mưa tới, mùa thu sang, có thể bởi thời tiết đang dần chuyển lạnh nên con người bất giác muốn tìm tới một nơi ấm áp, do đó tình hình kinh doanh cũng khởi sắc hơn hẳn, khách càng lúc càng đông, lượng người mua đĩa than cũng tăng theo cấp số nhân.

“Nếu biết thế này thì tôi đã nẫng luôn cả Tokyo với Paris tới, biết đâu còn bán chạy hơn.” Lương Mĩ Lị ngồi ở vị trí chuyên dụng bên quầy bar, ra chiều tiếc nuối nói.

“Thế này là ok rồi, tôi không muốn chỗ này biến thành địa điểm tham quan du lịch đâu.” Trần Hải Thiên đang chia gói hạt cà phê đã rang xong, cứ tầm hai lạng rưỡi một gói, xong xuôi rồi xếp vào cửa hàng bán.

Giờ cửa hàng buôn bán cũng ổn, hạt cà phê và đĩa than đều đắt hàng, có nhiều khách quen, thậm chí vài người đã trở thành khách ruột. Anh luôn giữ mức độ “Trên khách ruột, dưới bạn bè” với những người khách ruột ấy. Trước họ, anh không cần phải nở nụ cười thương mại, mà như Latte, có thể thoải mái bâng quơ tám nhảm đôi câu vẩn vơ về cuộc sống, đôi khi còn bất lực đảo mắt nhìn trời với họ.

Anh thầm đặt biệt danh cho mấy khách ruột, lắng nghe những câu chuyện của đối phương, góp vài ý kiến sặc mùi lý trí.

Ví như “chị gái túi hiệu” luôn đeo đủ loại túi đắt đỏ xịn sò này, lúc nào cũng xoắn quẩy mấy chuyện tình yêu tình báo.

“Nếu thích một người chỉ vì muốn thắng, nhưng lại không thực sự muốn có được thì phải làm sao? Cơ mà vẫn muốn có, chú hiểu ý chị không?” Chị gái túi hiệu chuyên môn thích lấy chủ đề tình yêu làm lời dạo đầu câu chuyện.

“Vì có được rồi sẽ cảm thấy rất phê, đúng không? Uống gì nào?” Anh biết thể nào cũng phải hỏi tới lần thứ ba thì chị gái túi hiệu mới trả lời.

“Chuẩn luôn, đúng là rất phê, nhưng khi người mình muốn có ở bên người khác thì chị lại cảm thấy rất khó chịu buồn bực.”

“Bởi vì chị thấy mình thua rồi, chuẩn chưa? Uống gì đây?” Hỏi lần hai.

“A Vạn, chú lúc nào cũng hiểu chị.” Chị gái túi hiệu ôm chặt lồng ngực như đang diễn phim: “Từ đã, chỗ chị làm có người mới, khác bọt hoàn toàn với mọi người, hình như anh ấy chính là một nửa còn lại của chị!”

“Tóm lại là chị vẫn chưa quen đối phương đúng chưa nào? Muốn uống gì?” Hỏi lần ba.

“Quen hay không quen không quan trọng, dù sao thì lúc ở bên nhau cực tuyệt luôn, anh ấy nhất định là Kim Thừa Ngũ[9] mà chị hằng đợi chờ.”

“… Thế uống gì nào?” Thỉnh thoảng phải hỏi tới lần thứ tư lận.

Ví như “cậu trai kính vạn hoa” ăn mặc như bảng pha màu, đằng sau lớp vỏ màu mè lòe loẹt quái dị lại là một chàng trai rất lặng lẽ và dè dặt, vào cửa tiệm chỉ chăm chăm cầm bản phác thảo tô tô vẽ vẽ, hoặc giương cặp mắt to tròn dáo dác nhìn quanh tìm Ngày Mưa, ngàn năm như một nói đúng ba câu “Speciality”[10], “Ngày Mưa đâu?”, “Tạm biệt”.

Ví như “hộ pháp hồng phấn” lực lưỡng đô con, hay mặc áo phông Polo hồng bó sát, thường tới vào tối thứ Tư hàng tuần, mang theo đĩa than và Notebook, để vào trong tủ đĩa, lựa nghe hết đĩa này tới đĩa khác. Hộ pháp hồng phấn thích nhạc cổ điển, cũng nhờ thế mà Trần Hải Thiên biết tới Johannes Brahms,  Christian Tetzlaff, Dinu Lipatti, Max Richter[11] …

Hay như “Long Ngũ[12] húi cua” hung thần ác sát, xăm rồng phượng khắp người, nom y chang tay xã hội đen máu mặt, cơ mà thực chất lại là chuyên gia nắn xương, thích mê sinh tố kiwi. Có lần Trần Hải Thiên đổi năm cốc sinh tố lấy một lần nắn xương. Sau khi kêu gào thảm thiết, cả người anh đã đời phê pha, song đừng hòng bảo anh thử thêm lần nào nữa.

Mạch suy nghĩ và tư duy đậm đặc lý trí của anh dần dà bị tác động bởi những vị khách muôn màu muôn sắc, được mềm hóa từ từ qua các cốc cà phê pha đúng độ. Qua họ, anh học được cách nén lại những lời vô tình, đồng thời thoải mái nói ra những lời chất chứa rung động mỏng manh dễ phai, để mối quan hệ tương tác vốn gượng gạo cứng nhắc sinh vị bồi hồi vương vấn. Từ họ, anh nhìn thấy sự hy vọng về một bản thân mềm dẻo khéo léo trong tương lai.

Anh cũng học được thói quen mở cửa sổ tầng hai vào lúc 2 giờ chiều, để khuôn mặt Ngày Mưa tắm trong nắng vàng ấm áp.