Cây Sa Kê Ra Đi

Chương 4-4: Một vùng trời xanh nhất(4)




11.

Cửa hàng bánh mì ở tầng hầm bách hóa Sùng Quang sắp đóng cửa, tôi cầm hai chiếc bánh Canelé cuối cùng đi thanh toán.

“Bác có thể cho con biết, loại bánh ngọt này làm thế nào không?” Tôi hỏi bác lớn tuổi phụ trách thu tiền của cửa hàng.

Người Nhật Bản nói tiếng Trung đã trả lời tôi rằng: “Cô phải hỏi thợ làm bánh, chỉ có cậu ta mới biết làm.”

Thợ làm bánh người Nhật trẻ tuổi kia đã thay sang quần áo khác, nách kẹp một tờ báo, đang định rời khỏi.

“Anh có thể cho tôi biết bánh Canelé này làm như thế nào không?” Tôi chạy theo hỏi anh ta.

“Phương thức bí truyền không thể tiết lộ ra ngoài.” Anh ta nói thẳng.

Tôi đưa danh thiếp cho anh ta, lại nói:

“Tôi là phóng viên, muốn giới thiệu món điểm tâm ngọt này của các anh.”

“Đây là quy định của công ty, tuyệt đối không thể nói.” Anh ta lạnh lùng như một kiếm khách Nhật Bản, có chết cũng không chịu giao ra bí kíp trong người mình.

“Được báo chí giới thiệu sẽ càng được yêu thích.” Tôi cố gắng thuyết phục anh ta.

“Không được.” Anh ta dứt khoát từ chối, nói xong liền lên thang cuốn.

Tôi xuôi theo thang cuốn đuổi theo anh ta, dùng phép khích tướng đối phó với anh ta.

“Có phải món bánh này rất dễ làm, anh sợ người khác sẽ làm tốt hơn anh?”

Anh ta vẫn không có phản ứng, quay đầu nói với tôi:

“Cô này, ở đây chỉ có mình tôi làm món bánh này, cô nói gì cũng vô dụng.”

Anh ta ra khỏi trung tâm bách hóa, vào một cửa hàng đĩa hát. Tôi cũng đi theo anh ta.

“Xin anh hãy nói cho tôi biết, được không?” Tôi chuyển sang năn nỉ.

“Cô à, xin đừng theo tôi nữa. Con gái Hồng Kông đều như vậy sao?”

“Không, chỉ có tôi da mặt đặc biệt dày thôi. Thật lòng nói với anh, tôi muốn làm món này cho người tôi thích ăn. Tôi hứa với anh, tuyệt đối sẽ không viết ra, đồng ý nha?”

Anh ta không nhìn tôi mà tiếp tục xem đĩa nhạc.

Tôi vốn muốn làm bánh quy chocolate cho Hàn Tinh Vũ ăn. Nhưng mẹ của Dư Bình Chí nói đúng, sáng tạo một kỷ niệm khác có lẽ sẽ càng đẹp hơn. Tôi chưa thấy bầu trời mà Hàn Tinh Vũ ngắm lúc nhỏ, cũng chưa từng ăn món bánh quy mà khi nhỏ anh đã ăn. Tôi sao lại tham lam như thế, muốn dùng món bánh quy của mình làm để đổi lấy hồi ức của anh sao? Địch Chi nói rất đúng, tôi cũng rất yêu bản thân mình.

Tôi thấy thợ làm bánh kia lấy một đĩa nhạc của Cát Mễ Nhi.

“Anh thích nghe bài hát của cô ấy sao?” Tôi hỏi.

Anh ta cười rất rạng rỡ: “Tôi rất thích!”

Tôi nhất thời nóng lòng, vội nói với anh ta:

“Tôi quen cô ấy. Tôi có thể lấy được chữ ký của cô ấy, chỉ cần anh nói cho tôi biết cách làm bánh Canelé.”

Anh ta nhìn tôi, cuối cùng cũng hỏi: “Thật chứ?”

12.

Khi Cát Mễ Nhi nghe thấy giọng của tôi qua điện thoại, cô ta có phần kinh ngạc, có lẽ cô ta không ngờ tôi lại gọi đến.

“Không biết em có thể giúp chị một việc không?” Tôi hỏi.

Cô ta sảng khoái đồng ý. Chúng tôi hẹn gặp trong quán café, cô ấy còn mang theo poster có chữ ký của cô ấy.

“Người kia là bạn của chị ư?” Cô ta hỏi.

“Anh ta là một thợ làm bánh, người hâm mộ của em. Tôi có xin anh ta một chuyện, chỉ cần đem chữ ký của em đi đổi.”

“Thế này là đã giúp được chị sao?”

“Vậy là được rồi.” Tôi nói.

Cô ta cởi áo khoác, bên trong áo khoác là một chiếc áo bông tay dài màu xanh, mặt trước có huy hiệu trường Đại học Hồng Kông, trên cổ áo có một lỗ thủng. Cái áo bông này, không phải giống như tôi từng biết sao? Cát Mễ Nhi thấy tôi cứ nhìn chằm chằm chiếc áo bông trên người cô ta, liền nói:

“Chiếc áo bông cũ này là do em len lén lấy đi từ chỗ Lâm Phương Văn. Mặc quần áo anh ấy từng mặc, mặc dù đã xa nhau nhưng giống như vẫn còn ở bên anh ấy. Có phải em rất ngốc không?”

Người dân Fiji đều như vậy sao? Lúc Uy Uy chia tay Cát Mễ Nhi, cậu ta đã ăn Mozart, để nó ở lại mãi trong người cậu ta. Cũng may Cát Mễ Nhi có lớp vỏ văn hóa hơn Uy Uy, cô ta chưa ăn Lâm Phương Văn.

“Hai người còn gặp nhau không?” Tôi hỏi.

“Chúng em vẫn là đồng bọn trong công việc, cũng là bạn bè.” Sau đó, cô ta lại hỏi tôi: “Chị sẽ trở lại chứ?”

“Không, chị đã có người chị yêu.” Tôi trả lời dõng dạc.

“Em không hiểu anh ấy.” Cô ta buồn bã nói.

“Đàn ông không phải dùng để hiểu.”

“Chỉ dùng để yêu sao?” Cô ta ngây thơ hỏi lại.

“Chỉ dùng để hiểu bản thân chúng ta.” Tôi đáp.

Rốt cuộc tôi dùng poster của Cát Mễ Nhi đến đổi bí mật làm bánh Canelé. Vì lớp ngoài của bánh có màu sắc giống như sọc rằn ri trên lưng cọp, cho nên gọi là làm da cọp. Lớp da ngoài này là phải dùng trứng gà, bơ, bột mì và đường cát để làm. Về phần nhân bánh bên trong chỉ dùng bột sữa trứng để làm. Liều lượng bột trứng sữa cùng với quế, rượu brandy và sữa cũng phải dựa vào kinh nghiệm cân đo hòa hợp.

Đối với những người chưa từng làm bánh, đó là một trình tự rất phức tạp, phải làm hai, ba lần mới thành công, biến đổi như câu chuyện nghìn lẻ một đêm.

Trong lúc tôi ở nhà làm loại bánh ngọt kia, tôi lại một lần rồi một lần tự hỏi chính mình. Tôi tìm Cát Mễ Nhi rốt cuộc là vì tôi muốn có được phương pháp làm bánh kia, hay là tôi muốn moi được chút tin tức của Lâm Phương Văn từ miệng Cát Mễ Nhi?

Khi Cát Mễ Nhi đi về, sẽ nói với Lâm Phương Văn rằng tôi đã yêu ai đó. Có thật là tôi muốn cô ta làm như vậy không? Chúng tôi vì cô ta nên mới xa nhau mà. Kết quả, cô ta lại trở thành chú chim bồ câu đưa thư lượn lờ giữa hai chúng tôi, truyền đi thư từ sau khi chia tay.

Tối đến, tôi lấy quả cầu thủy tinh phong cảnh trong ngăn kéo ra, đặt ở bên giường. Tôi không còn sợ nhìn thấy nó nữa. Trong sóng nước, ở sâu trong đáy lòng, có một thứ cứ lênh đênh đó chính là một hồi ức khó lòng quên được.

13.

“Ăn ngon chứ?” Tôi hỏi Hàn Tinh Vũ với giọng chờ mong.

Anh ăn bánh Canelé do đích thân tôi làm.

“Là em làm đó.”

“Không phải chứ.” Anh thể hiện bộ dạng khó tin.

“Thật đó! Em thử rất nhiều lần mới làm được.” Tôi kéo anh đến phòng bếp, để anh nhìn đống nguyên liệu còn sót lại.

Tôi không lừa anh, tôi đã không hề nghĩ đến chuyện bỏ cuộc sau nhiều lần thất bại, bởi do làm vì người mình yêu nên mới có thể kiên cường tiếp tục.

“Hèn chi mùi vị có chút không giống.” Anh nhận xét.

“Anh thấy cái nào ngon hơn?”

“Nếu nói bánh em làm ăn ngon hơn, em sẽ không tin. Còn nếu nói bánh ở tiệm ngon hơn, em sẽ buồn. Đây là câu hỏi IQ à!”

“Nếu vậy, đáp án là?”

“Anh sẽ nói bánh em làm ăn ngon hơn.”

“Tại sao?”

“Nói như thế sẽ có tác dụng cổ vũ, sau đó em sẽ tiến bộ. Cuối cùng cũng có một ngày, em sẽ làm ngon hơn bánh trong tiệm.”

“Hứ! Thật ra anh đã có đáp án rồi!”

Anh ôm tôi, nói: “Anh thích ăn.”

“Vậy với anh mà nói, có phải nó là kỷ niệm món ăn ngon khó quên nhất trong hồi ức sau bánh quy chocolate không?”

“Càng khó quên hơn so với bánh quy chocolate.”

“Không phải anh đã nói mùi vị trong hồi ức là không có cách nào lặp lại sao?”

“Thế nhưng, cũng không có người thứ hai như em.” Anh cười nói.

Tôi lại nghĩ đến ván cờ vây giữa anh và Phó Thanh Lưu, trong lúc tôi còn chưa biết chuyện gì đang xảy ra, thì thắng bại đã định rồi. Tình yêu của chúng ta cũng là như vậy sao? Không biết bắt đầu từ khi nào, đã trở nên gắn bó với nhau, đã không thể tìm được một người khác. Hồi ức đúng là không thể thay thế, con người cũng không thể thay thế. Song, những hoài niệm cũng sẽ bị tình yêu mới mãi mãi thay thế.

“Anh đã đến Brittany của Pháp chưa?” Tôi hỏi.

“Chưa, nhưng anh có một người bạn Mỹ cưới vợ là một cô gái Pháp. Họ sống ở Brittany, nghe nói đó là một thành phố xinh đẹp.”

“Anh đã thấy nhà hàng vòng xoay ngựa gỗ chưa?”

“Chưa thấy.”

“Brittany có một nhà hàng có vòng xoay ngựa gỗ. Nghe nói, ngựa gỗ ngay bên cạnh bàn ăn.”

Anh hưng phấn hỏi tôi: “Thật sao?”

“Lễ Giáng Sinh này, chúng ta có thể đến đó không?”

“Được, để anh sắp xếp một chút.”

“Anh thật sự có thể đi sao?”

“Sao lại không thể? Lễ Giáng Sinh, mọi người đều nghỉ. Chúng ta có thể đón giao thừa ở Brittany.”

Tôi là muốn đón giao thừa ở đó sao? Đối với kỷ niệm bài hát đêm giao thừa, thì vòng xoay ngựa gỗ ở Brittany cũng có thể thay thế được.