1.
Lâm Phương Văn cũng đã đi tuyến đường này đến đảo Fiji.
Tôi và Cát Mễ Nhi trước từ Hương cảng đến Auckland[1], sau đó lại chuyển máy bay từ Auckland đến đảo Fiji. Cả nhà Cát Mễ Nhi đều ở phía nam đảo lớn nhất Viti Levu[2], là một thắng cảnh du lịch.
[1]Auckland: là thành phố lớn nhất của New Zealand.
[2] Viti Levu: là đảo quốc lớn nhất của cộng hòa Fiji, trên có thủ đô Suva.
Trên máy bay đến Suva, Cát Mễ Nhi gác đầu lên vai tôi ngủ say. Chặng đường dài như thế, đối với một người bệnh mà nói không khỏi có phần khó khăn.
Nhìn cô, tôi lại nhớ đến khoảng thời gian tôi và Lâm Phương Văn chia tay, tôi đã từng lặng lẽ đến trước cửa nhà của cô ấy chỉ để nhìn cô ấy. Từ trên người cô ấy để tưởng nhớ tình yêu của tôi và Lâm Phương Văn. Tại sao giống như bắt chước lẫn nhau, mà chúng tôi chỉ có thể nhận lấy tâm tình phức tạp chứ?
2.
Tôi đắp chăn cho Cát Mễ Nhi, dùng chiếc gối mềm kê đầu của cô ấy, đứng dậy đi lấy chút đồ uống. Một nữ tiếp viên hàng không New Zealand đang trốn bên máy pha cà phê đọc sách. Trong lúc vô tình, tôi thoáng nhìn qua quyển sách kia, tác giả chính là Sai Baba mà Lâm Nhật đã nhắc đến.
“Chị cũng là tín đồ của ông ấy sao?” Tôi chợt lên tiếng hỏi.
“Trước đây có một hành khách người Trung Quốc ngồi chiếc máy bay này đến Suva. Cô ấy kể với chúng tôi rất nhiều chuyện về Sai Baba. Tôi thấy rất hứng thú, cho nên mua sách của ông ấy.” Cô ấy trả lời.
“Vị hành khách kia có bộ dạng ra sao?”
“Cô ấy rất nhỏ gầy, da tương đối đen, tóc dài, ăn mặc quần áo Ấn Độ, khoảng ba mươi mấy tuổi.” Cô ấy miêu tả cho tôi nghe.
“Chị có nhớ tên của người đó không?”
“Cô ấy họ Lâm, là bạn của chị sao?”
Tôi gật đầu, mang một bụng băn khoăn quay lại chỗ ngồi. Tiếp viên hàng không nói ngày gặp Lâm Nhật chính là ngày hôm sau sau khi chị rời Hương cảng. Chị ấy nói phải trở lại Ấn Độ, sao cũng đến đảo Fiji?
3.
Máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Suva, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến mảnh đất đó, từ mùa đông quay lại mùa hè. Ở đây không có bốn mùa, mà nóng bức quanh năm. Sự đau buồn dường như cũng không hợp với nơi đây, mọi người đến đây để nghỉ mát, tới để tìm niềm vui. Đi cùng máy bay với tôi là một nhóm người, chuyên đi lặn.
Người nhà của Cát Mễ Nhi đều tới: ba, mẹ, ba chị gái và ba anh rể. Người một nhà giống như được đúc từ một khuôn, bề ngoài rất giống nhau, đều cao lêu khêu và gầy, da ngăm đen. Họ vừa nhìn thấy Cát Mễ Nhi liền nhào đến ôm chặt cô ấy. Chín người ôm ôm kéo kéo cùng một chỗ, quấn chặt như một gốc cây đại thụ rắc rối khó gỡ. Lúc đầu họ cùng cười, sau đó lại khóc, khóc xong lại cười. Bọn họ cùng chia sẻ niềm vui trùng phùng vô bờ, rồi lại vì nỗi buồn sắp phải xa nhau mà nức nở. Còn tôi, dường như biến thành một con ngỗng, ngước nhìn cái cây gia đình này, biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. Tôi theo cô ấy đi đoạn đường này, đưa cô ấy trở về với vòng tay ấm áp của gia đình. Sau bao năm tháng trôi qua, tôi sẽ mãi nhớ cảnh tượng làm tôi rơi nước mắt này.
4.
Trong màn đêm yên tĩnh chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu loạn, tôi lăn qua lăn lại trên chiếc giường xa lạ. Tôi lấy bài vở ra ôn tập, nhưng một chữ cũng không vào đầu.
Cát Mễ Nhi ngủ ở căn phòng bên cạnh. Ba chị gái của cô ấy đều đến ở cùng, khi thì cười lớn, khi thì nhỏ giọng khóc nức nở. Mấy ngày qua, tình hình đều như thế này.
Điều chúng ta sợ không phải là cái chết, mà là nỗi đau thân xác và sự từ biệt những người thân yêu.
5.
Cạnh biển có một cửa hàng tụ tập những người đi lặn. Sáng sớm tôi đã đến đó, có một nhóm người vừa lên thuyền, chuẩn bị xuất phát.
“Có phải thuyền đến bãi san hô ngầm không ạ?” Tôi hỏi nhân viên cửa hàng.
“Đã đầy chỗ rồi.” Ông ta nói.
"Không có chuyến nào khác sao?"
Người đàn ông người Fiji đeo khuyên tai kia trả lời: "Mỗi ngày chỉ có một chuyến, ngày mai cô lại quay lại đi!"
"Chính là chuyến tàu đang chuẩn bị xuất phát kia sao?"
"Đúng thế."
"Có thể để tôi chen lên không?"
"Chúng tôi không thể làm như vậy được." Ông ấy mỉm cười cự tuyệt.
6.
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm hơn cả hôm qua, lại đến cửa hiệu thợ lặn kia.
"Có thuyền đến rạn san hô Bekaa không ạ?" Tôi hỏi người đàn ông đeo khuyên tai ngày hôm qua.
"Có, còn hai chỗ." Sau đó, ông ta nói: "Làm phiền cô, tôi muốn xem giấy phép lặn của cô."
Tôi ngây ngẩn cả người, nói: "Tôi không có giấy phép lặn."
"Vậy xin lỗi, chúng tôi không thể để người không có giấy phép lặn lên thuyền."
"Tôi không phải đi lặn, tôi chỉ muốn đi xem, tôi có thể trả tiền như cũ."
Ông ta lại dùng nụ cười để cự tuyệt tôi: "Chúng tôi chỉ nhận những du khách đến đây đi lặn, đây là hội lặn."
Ngay giây phút này, một đôi nam nữ ngoại quốc đi vào, chìa ra giấy phép lặn của họ, muốn hai vị trí cuối cùng kia.
Tôi oán giận ông ta: "Hôm qua chú không có nói là cần có giấy phép lặn."
"Tôi không ngờ cô lại không có." Ông ấy vội phân bua.
"Coi như tiêu." Tôi biết tôi trách ông ấy là không đúng.
"Chúng tôi có một buổi học sơ cấp, có lẽ cô sẽ muốn tham gia." Ông ấy nói.
"Có phải đến học ở rạn san hô Bekaa không?"
"Chúng ta không cần đến đó để học lặn đâu. Gần đây cũng có rất nhiều địa điểm lặn đẹp. Có phải cô có lý do đặc biệt muốn đến đó?"
"Chú có còn nhớ khoảng chừng hai năm trước, có một người đàn ông Trung Quốc đến từ Hồng Kông, là ở đây lên thuyền đến rạn san hô Bekaa không?" Tôi hỏi.
Ông cười trừ: "Xin lỗi, tôi mới đến đây được một năm."
Tôi lòng đầy thất vọng rời khỏi tiệm lặn kia. Có một khoảnh khắc, tôi thậm chí đã căm ghét bản thân dù không biết lặn, thì chí ít tôi cũng nên chuẩn bị một tờ giấy phép giả chứ.
7.
"Sớm như vậy mà chị đã đi đâu?" Cát Mễ Nhi đứng ở bên ngoài căn nhà, hỏi tôi lúc tôi về đến.
"Chị muốn đến rạn san hô Bekaa kia, nhưng mà chị không có giấy phép được lặn, họ không cho chị lên thuyền."
"Sao chị không nói cho em biết?"
Tôi cũng không có cách nào trả lời vấn đề này. Có lẽ, tôi muốn một mình đến đó để tưởng nhớ.
"Em có thể kêu chồng của chị hai lái thuyền đưa chị đi, anh ấy có thuyền mà." Cô ấy lập tức gọi điện thoại, trò chuyện xong cô ấy quay sang nói với tôi: "Anh ấy lát nữa sẽ qua."
"Cảm ơn em." Tôi nói lời cảm ơn.
"Chị nên đi đi, rạn san hô Bekaa rất đẹp, là thắng cảnh nổi tiếng thế giới, lúc hoàng hôn là đẹp nhất. Lúc chị đến được đó, vừa hay là lúc mặt trời lặn. Trước đây em thích nhất là lặn ở đó, đáng tiếc bây giờ em không thể lặn xuống nước, mọi người cũng sẽ không cho em đi. Chị phải đi một mình rồi." Một lát, cô ấy lại nói: "Có thể thay em gửi lời hỏi thăm đến Lâm Phương Văn không?"
Tôi gật đầu: "Em muốn nói với anh ấy chuyện gì sao?"
Cô nàng suy nghĩ giây lát, nói: "Hãy nói với anh ấy, em rất nhớ Zimi khi còn sống.”
Tôi nhìn cô ấy và mỉm cười: "Anh ấy sẽ hiểu hơn bất kỳ ai."