Cao Sơn Ngưỡng Chỉ

Chương 58: Ôm tự do và bần cùng




Bấm ngón tay tính thời gian, chỗ cấm quân hẳn là chẳng mấy chốc sẽ nhận được tin tức ta mất tích. Một khi bọn họ biết thì chắc chắn sẽ đến tìm kiếm. Thời gian còn lại cho ta không nhiều lắm.

Ánh mắt ta trầm xuống, giận quá hóa liều: Nếu đã có đường lối, vậy thì cược một phen. Cùng lắm là bị Lý Tư Diễm bắt về chứ gì?

Ý Đắc thận trọng, trên đường cẩn thận xóa dấu chân của chúng ta. Rất nhanh đã tới một bến đò hoang như lời nó nói. Ý Đắc nói một tiếng "đắc tội", rồi bôi một lớp đất vàng lên mặt ta, che giấu dung mạo ban đầu của ta.

Ta không ngờ Ý Đắc còn có tay nghề đến độ này, quả đúng là trợ thủ chạy trốn trời cao phái tới cho ta.

"Đi về phía trước chính là Duyện Châu, thông thương bốn phương. Nương nương muốn đi chỗ nào, chỉ cần thuê xe là được." Sau khi qua sông, nó móc ra một xâu tiền đưa cho ta: "Cẩn thận đừng để người ta lừa."

Ta cực kỳ cảm động, không quên hóng hớt: "Đệ chuẩn bị chu đáo như thế chẳng lẽ là vốn định tự chạy trốn?"

"Làm sao có thể?" Nó cười: "Nương nương là người duy nhất trong cung sẵn lòng quan tâm những hạng người vô danh chúng ta. Ý Đắc muốn hầu hạ nương nương cả đời."

Nó tiện tay xé toang y phục cũ của ta, lại cọ rất nhiều máu lên, chọn một vị trí thích hợp ném vào dòng sông chảy xiết. Ta lấy lộ dẫn ra, đưa hộp thư giả và túi tiền cho Ý Đắc. Nó khẽ gật đầu, chèo thuyền ba lá đến giữa sông, ném hộp chìm vào trong nước. Như vậy, binh sĩ Lý Tư Diễm phái tới đều sẽ cho rằng ta không cẩn thận rơi xuống nước lúc qua sông, chết thảm.

Tử Thần điện quả là tàng long ngọa hổ. Ngay cả một nội thị im hơi lặng tiếng cũng tâm tư tỉ mỉ như thế.

Ta thi lễ một cái thật sâu với nó cách bờ. Sau khi nó trả lễ, không quên nhắc nhở ta cẩn thận che giấu vết chân mình.

Ta nghe lời làm theo nhưng vẫn lo lắng bất an. Cũng may sau khi ta thuận lợi vào thành Duyện Châu, trên trời đổ xuống một trận mưa, gột rửa tất cả vết tích ta không muốn bị phát hiện.

Lộ dẫn Ôn Bạch Bích cho dùng cực kỳ tốt. Thủ vệ ở cổng vừa nghe người này là nô tỳ nhà chủ từ Trường An thả ra, đi qua Duyện Châu hồi hương, lại thêm mặt mũi toàn đất, dáng vẻ phong trần mệt mỏi thì không suy nghĩ nhiều, vẫy tay để cho ta qua.

Chuyện đầu tiên khi ta vào thành chính là thuê xe ngựa.

Nhưng hình như nhóm mã phu không quá muốn lên đường trong trời mưa. Trông thấy trời đã tối, chỗ cấm quân hẳn cũng đã biết chuyện ta biến mất, ta không dám kéo dài thêm, lấy cớ phải về quê tế tổ, chậm nữa thì sẽ không kịp vân vân, khó khăn lắm mới thuyết phục được một phu xe xe ba bánh chở ta đoạn đường.

Phu xe xe ba bánh không hề khách khí đòi mất toàn bộ gia sản của ta, cảm khái nói: "Cô bé số may đấy, ông già ta đi hết chuyến xe này của cô thì sẽ về quê làm ruộng, về sau không còn màn trời chiếu đất đánh xe ngày đêm nữa, vui vẻ cực kỳ."

"Về quê rất tốt!" Ta kích động đến suýt nữa kêu thành tiếng. Ông ta về quê, chẳng phải sẽ không ai biết ta đi Minh châu sao? Ta lại tới gần thêm một bước đến khoảng cách chết giả an toàn!

Ta đã vận hạn xui xẻo quá lâu rồi, không thể tin được lần này lại thuận lợi như thế.

***

Xe ngựa chậm chạp đi trên quan đạo mười ngày, cuối cùng chúng ta đã qua Hoàng Hà, đi tới đường Hà Bắc.

Mấy ngày đầu, chân dung dán khắp nơi và binh sĩ hối hả kiểm tra đều chứng minh Lý Tư Diễm đang tìm ta như phát điên. Nhưng về sau, ta nghĩ hắn đã vớt được áo máu của ta và hộp chìm dưới lòng sông rồi, binh sĩ kiểm tra không còn nghiêm ngặt như trước, đợi đến phía bắc Hoàng Hà thì không có người kiểm tra chúng ta nữa.

Sau này tự thuật lại thì có vẻ bình thản, nhưng lúc thân ở trong cuộc thì ta hoảng sợ không yên một ngày.

Lý Tư Diễm không muốn tin ta đã chết. Vào mấy ngày đầu, có thể nói là bày thiên la địa võng, dốc hết lực lượng thủ hạ có thể dùng được, gần như lật tung toàn bộ đường Hà Nam.

Ta biết hắn say mê ta, phát hiện không thấy ta chắc chắn sẽ ra sức tìm kiếm, nhưng ta không ngờ hắn lại điên như vậy, lần này phái cả cấm quân Bắc nha ra tìm ta.

May là hôm đó thị vệ điện tiền thương vong nghiêm trọng, trong đại quân ra ngoài tìm ta có rất ít người từng thấy khuôn mặt thật của ta, cho ta lỗ hổng để lừa dối qua ải.

Ngày ấy đi ngang qua quan ải nào đó, thị vệ nhìn đi nhìn lại lộ dẫn của ta vặn hỏi.

Nhưng ngoại trừ tuổi tác ta tương tự, còn lại tướng mạo, ăn mặc, lai lịch, trải nghiệm đều bắn đại bác cũng không tới người Hoàng đế muốn tìm. Đám thị vệ này tăng ca lâu cũng ngại phiền, nhìn thấy không khác nhiều lắm bèn giơ cao đánh khẽ để cho ta qua.

Lúc ra cửa ải, ông bác đánh xe híp mắt nhìn chân dung dán ở cửa thành, thuận miệng nói với ta: "Ầy, đều đang tìm Thẩm Anh này. Nhìn diện mạo cô gái này cũng không phải thiên tiên mỹ nhân, làm sao lại mê hoặc Hoàng đế đến độ này? Tô Đát Kỷ à?"

"Ta cũng thấy thế, cô gái này mặt mũi xảo trá, dẫn ong dụ bướm, chắc chắn không phải người tốt lành gì, ắt là yêu nữ." Ta nóng lòng phủi sạch bản thân, nói đến hùng hồn.

"Đúng đấy." Ông bác đánh xe cảm khái nói: "Suy cho cùng cũng là một hồ ly tinh có chí khí. Dương khí của thư sinh nghèo có gì tốt mà hút? Muốn hút thì phải hút của Chân Long Thiên Tử!"

"Bác nói quá đúng."

Hài hước, bác có từng thấy Hoàng đế ép buộc hồ ly tinh hút nguyên khí của hắn chưa?

Ông bác hưng phấn kể cho ta một trăm câu chuyện nhỏ ướt át của hồ ly tinh làm loạn. Ta cẩn thận nghe, cảm thấy quen tai, đột nhiên nhớ ra truyện ông bác kể chẳng phải chính là "Du hồ tiên quật" năm đó ta viết trong Dịch Đình sao?

Sự nghiệp truyền kỳ sách tranh của ta luôn cho ta kinh ngạc vào lúc không ngờ đến.

Ông bác nhìn ta một cái: "Cô bé, về quê thì bàn chuyện hôn nhân trước đi. Việc này không để lâu được. Cô từng làm việc ở gia đình giàu có, từng thấy sự đời, nhưng tướng mạo này quả thật hơi kém. Nhất định phải gả đi nhân lúc mình còn trẻ, về sau thì khó đấy."

Trên mặt ta bôi kín phấn vàng, còn lấy bột nhão bóp méo hình dạng đôi mắt đi một chút, hình ảnh khác rất xa tiểu nương tử mỉm cười trên bức họa.

Ông bác đánh xe hoàn toàn không ngờ tới Tô Đát Kỷ đương thời đang say xe ngồi sau ông ta đâu.

Xe ngựa lại đi rất lâu trên đường Hà Bắc. Sau khi đi mãi, đất đai dần trở nên khô cằn, rừng cây dần thưa thớt khô héo. Ta nghĩ thầm, nhìn khung cảnh hoang vu này hẳn cũng sắp đến Minh châu rồi.

Quả nhiên, tối hôm đó, ông bác chỉ vào đỉnh núi trước mặt nói: "Qua ngọn núi này chính là Minh châu."

Ta vui mừng kêu lên: "Cuối cùng cũng về nhà rồi!"

Ông bác nói: "Đi đường không kể ngày đêm như thế, không cho chút khen thưởng sao?"

Ta nghèo rớt mùng tơi, căn bản không chi trả nổi tiền bo cho ông bác, chỉ có thể tặng cho ông ta nụ cười chân thành, cùng một câu dứt khoát: Ta không có tiền.

Đầu tiên là ông bác khinh bỉ chủ nhà ta quá keo kiệt, đến cả phí thôi việc cũng phát không đủ dùng, sau đó hỏi ta cụ thể nhà ta ở đâu, ông ta tốt bụng đưa đến cửa nhà, chưa biết chừng người nhà ta còn có thể cho ít quà bánh.

Ta nói: "Lúc ta còn rất nhỏ đã bị lừa rồi, chỉ biết nhà ở Minh châu, cụ thể là nhà nào thì chính ta cũng không rõ."

Ông bác tức điên lên: "Chuyến xe cuối cùng trước khi ông đây về vườn tại sao lại dính phải quỷ nghèo như cô!"

Ta gãi gãi đầu: "Ta thật sự hết tiền rồi. Thế này đi, bác muốn gửi thư không? Ta viết miễn phí cho bác mấy bức."

Ông bác cười nhạt: "Ông già ta chạy xe đấy, cần gì viết thư?"

Cuối cùng ta cười tiễn vị bác già này đi. Thấy sắc trời đã muộn, ta lại bắt đầu buồn rầu với kế sinh nhai... Hầy, chỉ thuê xe tới Minh châu đã ngốn sạch tiền bạc, ta không có tiền ở trọ...

Có câu nói một đồng tiền làm khó anh hùng hảo hán. Từ nhỏ Thẩm Anh ta không lo ăn mặc, xem tiền tài như bụi đất, đến lúc chính thức phải kiếm tiền thì hoàn toàn mù tịt.

Suy đi nghĩ lại, ta đến tiệm cầm đồ cầm mấy sợi dây lụa, đều là ta bện lúc đi đường nhàm chán. Người làm tiệm cầm đồ nhìn ta thương hại, cho ta ba trinh tiền.

Ta tội nghiệp nhận lấy mấy đồng tiền này, chợt để ý đến bàn tính trong tay hắn, đôi mắt bừng sáng, đầy lòng mong mỏi nói: "Tiểu ca ca, chủ tiệm nhà huynh tuyển người làm không?"

"Không tuyển." Hắn nói: "Tiểu nương tử, trông bề ngoài cô cũng được. Nếu thật sự thiếu tiền thì chi bằng đến quán rượu tiệm mì làm công việc bưng trà đổ nước đi."

Không được, ta nhíu mày. Công việc bưng trà đổ nước ta không thạo, khiến người ta nhìn ra ta là người chưa từng hầu hạ người khác, còn nói là nha hoàn gia đình giàu có Trường An thế nào được?

Ta không cam lòng, vẫn cố gắng chào hàng mình: "Tiểu ca có điều không biết, ta là tỳ nữ của gia đình giàu có ở Trường An. Chủ tử xuất giá, khai ân cho ta về quê, nhưng trên đường gặp trộm bị trộm mất tiền mới đến bước đường cùng, muốn tìm một chỗ dừng chân trước..."

Tiểu nhị không hề bị lay động: "Câu chuyện này mỗi ngày ông đây nghe tám trăm lượt."

"Chắc chắn bọn họ không đa tài đa nghệ như ta!" Ta nói: "Ta biết cầm kỳ thi họa, làm sổ sách, quản gia. Nương tử chủ tử biết cái gì thì ta biết cái đó."

Hắn nói: "Tiểu nương tử, cô suy nghĩ xem, nếu như cái gì cô cũng biết, ông chủ thuê cô thì ta thất nghiệp à..."

Ta vùng vẫy giãy chết: "Vậy... ông chủ nhà huynh có thiên kim không? Ta có thể dạy nàng thành nương tử sĩ tộc số một Trường An..."

Tiểu nhị nói: "Sắp giới nghiêm ban đêm rồi, phía trước có chỗ lưu dân, cô đi xin tạm một bát đi, đừng làm chậm trễ chúng ta đóng cửa."

Ta cầm ba đồng tiền kia, trong lòng bi ai.

Mặc dù nói ra có chút mất mặt, nhưng trước lúc lên đường ta thật sự không ngờ rằng ta lại có thể thiếu tiền.

Giờ phút này ta vô cùng hối hận, năm đó lúc Ngụy Hỉ Tử và nhóm hạ thần hàn vi khác trao đổi một vạn kinh nghiệm tiết kiệm tiền mua nhà, tại sao ta lại không tích cực tham gia thảo luận chứ. Phàm là ta học được một chút thì bây giờ cũng không đến nỗi màn trời chiếu đất, lưu lạc đầu đường...

Hết cách rồi, ta chỉ có thể cắn răng đi đến chỗ lưu dân của quan phủ, nói lại một lần câu chuyện ta bịa ra với bác gái giữ cửa.

Cũng may bác gái này tốt bụng, sảng khoái cho ta ở lại, cũng nói với ta, dạo này ngày mùa, cửa hàng lớn nhỏ trong thành đều thiếu người làm, chỉ cần ta sẵn lòng làm thì không thiếu cơm ăn cho ta.

Chỗ lưu dân này là sửa lại từ lều cháo. Tuy chỗ nhỏ, nhưng mở ngay bên cạnh phủ nha, thuộc nơi sầm uất. Ta vào nhà nhìn sang đường phố đối diện, đúng lúc nhìn thấy một cửa hàng sách, đầu óc lập tức vận hành, tiến lên hỏi bác gái giữ cửa: "Làm công cho người ta mặc dù kiếm tiền nhanh nhưng chung quy không phải kế lâu dài. Xin hỏi thím có biết quầy thư từ làm ăn thế nào không? Ta đang suy nghĩ dùng cái này làm kế sinh nhai..."

Bác gái kinh ngạc nhìn ta: "Tiểu nương tử, dọn quầy bừa bãi là cướp miếng ăn của người ta. Cô phiêu bạt bên ngoài, thân cô thế cô, chưa đến một khắc đồng hồ đã bị những chủ quán này đuổi đi rồi."

Ta trố mắt ngạc nhiên: "Hả? Có loại chuyện này sao?"

"Đương nhiên, có câu nói phép vua thua lệ làng, đi đến đâu phải theo luật ở đó." Bác gái cuộn chăn đệm cho ta: "Cô vẫn nên chờ đứng vững chân rồi hẵng suy nghĩ dọn quầy đi."

"Vâng, cảm ơn thím."

Ta vô cùng uể oải.

***

Sau khi ôm chăn đệm bẩn thỉu ngủ hết một đêm, ta hỏi rõ vị trí mấy cửa hàng thư họa ở Minh châu, dự định bắt đầu tìm kiếm từ công việc tương đối ra tiền trước.

Theo kiến thức thị trường nghèo nàn của ta, công việc ra tiền nhất là làm quan, sau đó là làm ăn. Văn nhân mặc khách muốn kiếm ít lộc lá, chủ yếu dựa vào viết bia, viết biển cửa cho người ta, viết tất cả những văn tự trông tương đối có giá trị kỷ niệm.

Ta tự nhận trình độ thư họa không tồi, không nói là có một không hai đương thời, nhưng so với trình độ cử nhân thì tuyệt đối không có vấn đề, kiếm tiền hẳn là chuyện nước chảy thành sông. Thế là đến cả bữa sáng ta cũng không ăn, khí thế bừng bừng hiên ngang đi đến bên kia đường trong ánh mắt kinh ngạc của bác gái.

Đi làm gì á? Đương nhiên là nộp đơn rồi!

Không cho bày sạp hàng, vậy ta đi làm công cho cửa hàng khác thì không có vấn đề chứ?

***

Nhưng mà chưa đến một canh giờ, ta lại xám xịt quay về chỗ lưu dân, hỏi bác gái giữ cửa kia: "Thím, còn bánh ngô không?"

Bác gái nhìn ta thương hại: "Hết rồi."

Thị lại hỏi ta: "Tiểu nương tử tìm việc không thuận lợi à?"

Ta muốn nói lại thôi, muốn dốc bầu tâm sự nhưng cảm thấy mất mặt, cuối cùng hóa thành một tiếng thở than thật dài: ".... Ài."

Chỉ có thể nói, ta đánh giá thấp nghiêm trọng mức độ xảo quyệt của cửa hàng thư họa Minh châu.

Đi hết thảy bốn, năm cửa hàng; cửa hàng tốt nhất thì không thiếu một thư họa vô danh tiểu tốt như ta, ngay cả cơ hội thử bút cũng không cho; một cửa hàng kém hơn chút thì ngược lại bất ngờ với tài hoa của ta, nhưng bọn họ thấy ta nghèo rớt mùng tơi, há miệng bảo ta ký giấy bán thân, ta không bằng lòng, đối phương cười khẩy đuổi ta ra ngoài cửa: Hừ, không làm thì thôi, đi xin cơm đi.

Ta tức điên lên, với tố chất này mặt mũi này mở cửa hàng thư họa mà không thấy xấu hổ sao?

Chỗ khác không phải chê ta là nữ nhân thì cũng là không muốn cho ta mượn văn phòng tứ bảo. Tóm lại một lời khó nói hết, bực mình cực kỳ. Cuối cùng, gần như là lúc cùng đường bí lối, ta hít sâu một hơi, gõ cửa một cửa hàng tranh cuối cùng.

Cửa hàng này mở trong một ngõ sâu, môn đình vắng vẻ, bên trong ánh sáng lờ mờ, chỉ có một tiểu nhị lười biếng ngủ gật trông coi một phòng tranh.

Hắn thấy ta vào cửa, đầu cũng không thèm ngẩng lên, thuận miệng nói: "Tự xem đi, thích cái nào cứ lấy là được."

Ta trưng ra nụ cười chân thành, hỏi tiểu nhị: "Vị tiểu ca này, xin hỏi quý tiệm có thiếu người làm công hiểu sách thạo vẽ không?"

Tiểu nhị vén mí mắt, quét nhìn trên mặt ta một vòng, uể oải nói: "Không thiếu, cô đi nhà khác đi."

Ta chân thành nói: "Tiểu ca, huynh tin ta, ta vẽ đẹp hơn tất cả những bức tranh huynh treo trong nhà này."

Ánh mắt tiểu nhị nhìn ta như đang nhìn một bệnh nhân tâm thần.

"Ta là tỳ nữ của gia đình giàu có ở Trường An, trên đường về quê bị trộm hết tiền mới dừng lại ở đây. Chỉ là muốn kiếm mấy đồng thôi, ta rao giá không cao. Ta không cần đến nửa canh giờ đã có thể vẽ ra cho huynh bức vẽ kiểu này!"

Ta thấy hai mắt hắn lại từ từ ríu lại, nước mắt ướt mi, thiếu điều quỳ xuống cầu xin hắn: "Xin huynh thương xót, ta... đến cả bữa sáng ta cũng không có mà ăn, ta đói hai ngày rồi..."

Có lẽ là thấy ta thực sự đáng thương, hắn nói: "Cô nói cô có thể vẽ rất đẹp? Vậy cô cầm vài tác phẩm qua cho ông chủ chúng ta xem xem."

Ta ủ rũ cúi đầu: "Bây giờ ta ăn gió nằm sương, không xu dính túi... Huynh cho ta mượn một bộ văn phòng tứ bảo, ta lập tức vẽ cho huynh mấy bức. Không thu tiền nhuận bút, huynh chỉ cần cho ta một chiếc bánh Hồ no bụng là được."

Tiểu nhị do dự một lát.

Ta không ngừng hạ thấp tiêu chuẩn: "Bánh Hồ không có nhân cũng được."

Hắn chậm rãi đứng lên, nói: "Được rồi, cô chờ một chút đã. Ta đi hỏi thử ông chủ nhà ta."

Có hi vọng rồi! Ta vui mừng quá đỗi, gật đầu như giã tỏi.

Chỉ chốc lát sau, tiểu nhị vén rèm đi ra, nói với ta: "Ông chủ nhà ta đồng ý rồi. Có điều hiện nay giấy đắt, chỉ có thể cho cô một tấm. Nếu như vẽ hỏng thì tìm chỗ khác đi."

Cơ hội tới rồi!

Ta lập tức xắn tay áo lên mài mực khai bút, kê chặn giấy, hòa mực vô cùng thành thạo.

Lúc đầu tiểu nhị còn mặt ủ mày chau, nhưng từ khi ta hạ xuống nét bút đầu tiên, ấy vậy mà con mắt him híp của hắn lại mở ra, càng mở càng lớn. Chờ nửa canh giờ sau lúc ta thu bút, hắn đã hoàn toàn ngây người tại chỗ.

Rút kinh nghiệm mấy lần tìm việc thất bại, lần này ta cố ý khoe tài. Không vẽ những vật nhỏ như hoa chim cá sâu gì đó, vừa bắt đầu đã lưu loát làm một bức sơn thủy lớn, còn thuận tay đề một bài thơ lên, dùng thể hành khải, là tự ta bí mật luyện, không sợ bị Lý Tư Diễm nhìn thấy.

"Vẽ xong rồi." Ta đưa giấy cho hắn: "Huynh xem có cần mang đi cho ông chủ nhà huynh đánh giá thử không?"

Tiểu nhị như vừa tỉnh cơn mơ: "... Được, ta đi tìm ông chủ. Tiểu nương tử họ gì? Nhà ở đâu?"

"Thẩm... thôi được thôi được. Ta tên Vương Nha Ngọc, nhà ở huyện Vĩnh Niên."

Suýt nữa nói lỡ miệng, cũng may tiểu nhị không phát giác, gật đầu nói với ta: "Huyện Vĩnh Niên? Vậy cô và ông chủ chúng ta là đồng hương rồi."

"Đồng hương thì tuyệt!" Ta hận không thể kết nghĩa anh em với chủ hiệu kia ngay tại chỗ. Đồng hương gặp nạn chẳng lẽ không thể quan tâm một chút?

Tiểu nhị quay người lễ độ đi đến hậu viện, để lại một mình ta chờ trong cửa hàng.

Hắn vừa đi là đi rất lâu, mà ngay cả cửa cũng không khóa, hình như hoàn toàn không thèm để ý ta nhân cơ hội trộm đồ hàng của hắn đi vậy.

Sau khi bình tĩnh lại, ta bồn chồn nhìn xung quanh một vòng, cảm thấy có phần kỳ quái.

Cửa hàng vắng vẻ thế này, trình độ còn không tốt. Hơn nữa thoạt nhìn hình như tranh treo cả phòng chỉ xuất từ tay một người, rốt cuộc ai lại vào đây xem?

Ta không khỏi cảm khái: Tiền thuê ở Minh châu thấp thế nào mà đến cả cửa hàng kiểu này cũng mở ra được...

Trong lúc đang suy tư, màn cửa khẽ lay động. Tiểu nhị kia dẫn tới một nam tử trẻ tuổi mặc áo xanh, khuôn mặt thanh tú. Trong tay nam tử kia cầm bức họa của ta, mơ màng đi về phía ta.

Ánh mắt ta nhìn xuống, phát hiện trên tay áo hắn dính mấy giọt mực.

À... Ta hiểu đại khái rồi, nếu vị này là một mặc khách, vậy có lẽ tiệm này là hắn mở ra để bán tranh của mình.

Thật thảm, thuở đầu lập nghiệp, thân kiêm nhiều chức, ôm đồm trong ngoài, còn không người vào xem...

Không, rất nhanh thôi hắn sẽ ôm về một con gà mái biết đẻ trứng vàng.

"Chào ông chủ, ta tên Vương Nha Ngọc, mới đến..." Ta nhiệt tình giới thiệu bản thân.

"Tranh của cô là học của ai!" Hắn ta vội vàng ngắt lời ta.

Ta hắng giọng một cái, nói: "Ta vốn là tỳ nữ của gia đình giàu có ở Trường An, chủ nhân..."

Hắn nói: "Rốt cuộc là học của ai!"

Ta hậm hực nói: "Chủ nhân của ta chính là trưởng nữ của Kinh quốc công Ôn gia..."

"Vậy nàng học của ai!"

"Thấu Thạch cư sĩ!" Ta hung hăng ném bốn chữ này vào mặt hắn.

Vẻ mặt đối phương chấn động, từ từ lui lại hai bước ngồi xuống, không ngừng vỗ đùi: "Hóa ra là Thấu Thạch cư sĩ. Chẳng trách, chẳng trách."

Thấu Thạch cư sĩ là một Hàn lâm nghỉ hưu. Chức vụ công việc thì làm bình thường không có gì nổi bật, duy chỉ có một tay bản lĩnh vẽ tranh có thể nói là kinh tài tuyệt diễm. Thân phận Ôn Bạch Bích cao quý, cùng Công chúa Thanh Hà đi theo Thấu Thạch cư sĩ học hội hoạ rất nhiều năm. Nhưng mà về sau Thanh Hà bỏ học giữa chừng nên Thấu Thạch chỉ dạy mỗi Ôn Bạch Bích.

Nhưng mà ông ấy chỉ là thầy của Ôn Bạch Bích thôi, kỹ năng vẽ của ta là học từ cha ruột ta, không có mảy may liên quan tới ông lão này.

Chủ hiệu này hiểu tranh. Ta thấy vẻ mặt hắn giật mình, sợ hắn nhận ra được, thế là lại bồi thêm một câu: "Đương nhiên chủ nhân nhà ta còn có sư phụ thư họa khác, không chỉ có một mình ông ấy."

Nam tử trẻ tuổi bỗng ngẩng đầu: "Cô là người huyện Vĩnh Niên?"

Ta cũng không biết làm sao hắn đột nhiên quay ngoắt từ vấn đề vẽ tranh sang ta là người nơi nào, nhưng đã hỏi thì ta nói: "Đúng vậy, nhưng mà lúc ta còn nhỏ bị lừa..."

Hắn lập tức nói: "Ta đưa nhà của ta cho cô ở."

Hắn vừa mới dứt lời, cả phòng yên tĩnh.

Khoan... khoan đã...

Ta tưởng là mình không nghe rõ: "Ngươi nói cái gì?"

Hắn tha thiết nói: "Mời cô vào ở nhà ta!"

Ta nhìn hắn, hắn nhìn ta.

Hắn chờ mong chớp chớp mắt, nuốt ngụm nước bọt.

Ta thì cười khẩy "ha" một tiếng.

Vào ở nhà ngươi?

Buồn cười. Nam nhân trước mời ta ở chung còn là cẩu Hoàng đế, để lại cho ta bóng ma tâm lý to như tòa Thái Sơn như vậy, Thẩm Anh ta làm sao có thể vấp ngã hai lần ở cùng một chỗ!

Ta đặt bút lên giá, quay người rời đi: "Quấy rầy rồi, cáo từ!"

Trong lòng hung tợn nghĩ, đúng là hắc điếm, bà đây từ bỏ cái bánh hấp này! Cửa hàng thư họa không nhận ta, ta đi làm nha đầu quản lý sổ sách vậy. Trời đất bao la, ta có tay có chân có đầu óc, còn có thể chết đói được chắc?

"Này, Vương nương tử!" Người thanh niên kia ở sau lưng hốt hoảng gọi ta.

Ta càng chạy nhanh.

"Vương nương tử xin hãy ở lại! Nương tử không có chỗ dừng chân, tiểu sinh sẵn lòng nhường lại nhà của mình, chỉ xin có thể được chỉ điểm vẽ tranh. Vương nương tử! Vương nương tử!"

Ta nghi hoặc nhìn lại, không ngờ thấy hắn lê giày vải đuổi theo, lập tức sợ đến lông tơ dựng đứng. Ta không lo được nhiều như vậy, co cẳng mà chạy, miệng la lớn: "Ngươi ngươi đừng tới đây! Chủ tử cũ của ta là Hoàng hậu nương nương! Ngươi dám động đến ta, ta ắt không để yên cho ngươi!"

Hai người ngươi đuổi ta trốn, một trước một sau cắm đầu chạy trong ngõ nhỏ của phương bắc rộng lớn.

Ta càng chạy lòng càng hoảng, xung quanh hoang vu, đến cả một bóng người cũng không có, bị đuổi kịp thì xong đời.

Cuối cùng, sau một khúc ngoặt, ta thấp thoáng nhìn thấy một người đang đứng phía trước. Ta mừng rỡ trong lòng, xông tới hô to cứu mạng.

Người kia chầm chậm quay người lại, lộ ra khuôn mặt.

Ta phanh xe khẩn cấp, suýt nữa tức xỉu. Mẹ nó đây không phải là tiểu nhị lờ đờ của tiệm sách kia sao?

Hắn hành lễ với ta: "Vương nương tử."

"Rốt cuộc các ngươi muốn làm gì ta?" Ta há mồm thở dốc, siết chặt nắm đấm.

Tiểu nhị thở dài: "Vương nương tử đừng chạy. Lang quân nhà ta là thật lòng muốn theo nương tử học vẽ. Ngài ấy bảo cho cô ở nhà ngài ấy ý là ngài ấy mang chăn đệm đến cửa hàng sách ngủ dưới đất, để lại sương phòng đàng hoàng cho cô."

"Chỉ vì học vẽ mà hắn đuổi ta như đuổi thỏ năm con phố?"

"Thể lực lang quân nhà ta không tốt..."

"Vương nương tử!"

Lúc đang nói chuyện, thanh niên kia nhễ nhại mồ hôi đuổi đến.

Hắn vừa định vươn tay kéo ta, mặt ta đanh lại: "Cách xa ta ra một chút!"

Người thanh niên tội nghiệp rút tay về.

Hắn cúi đầu đứng đó hồi lâu, đột nhiên "lạch bạch" lùi lại phía sau ba bước, nhìn ta nghiêm túc một lúc, sau đó...

Sau đó quỳ gối cho ta ở bên đường.

Giọng nói của hắn từ dưới vang lên: "Khẩn cầu Vương nương tử truyền thụ một hai, tiểu sinh nguyện coi nương tử làm thầy!"

Dứt lời, chỉ nghe "cộc" một tiếng, người này dập đầu cho ta một cái vang dội.

***

Ngõ nhỏ bông liễu bay lượn lâm vào im lặng quỷ dị, im lặng là Minh châu đêm nay.

Ta và tiểu nhị: ...

Ta không ngờ rằng sau khi xuất cung còn có người hành đại lễ với ta thế này.

Càng không ngờ rằng lại có một đại nam nhân còn cao hơn ta một cái đầu muốn bái ta làm thầy.

Tình hình phát triển quá bất hợp lý. Ta bắt đầu luống cuống. Ai không sợ bệnh nhân tâm thần? Bọn họ giết người còn không phạm pháp! Người này hành đại lễ bái sư cho một thiếu nữ trẻ tuổi chưa từng gặp mặt, bảo đầu óc không có bệnh ai mà tin?

"Ngươi... ngươi dẫn hắn đi bệnh viện tâm thần xem đi, việc này không để lâu được." Ta chỉ vào nam nhân cúi rạp đầu xuống đất, quay sang tiểu nhị ở bên cạnh xem trò vui: "Ngươi nhìn hắn xem, điên thì thôi đành, còn dập đầu cho người ta ngoài đường, đây là dấu hiệu tâm thần có khuynh hướng bạo lực!"

Tiểu nhị bất động như núi: "Vương nương tử, ngài ấy không điên, chỉ là một người mê tranh thôi. Thường ngày rất bình thường, nhưng vừa gặp chuyện liên quan đến vẽ tranh thì dễ mất khả năng kiềm chế."

"Mê tranh? Mấy bức kia trong tiệm ngươi đúng là hắn vẽ?"

Ta càng thêm chấn động. Dân gian quả thật là tàng long ngọa hổ, lần đầu tiên ta gặp tên điên kiểu này.

Tiểu nhị nói: "Đúng vậy. Cửa hàng kia là sản nghiệp của tổ tiên lang quân, cho nên không kiếm tiền cũng không sao, chỉ mở ra vẽ cho vui thôi."

Thanh niên kia vẫn giữ tư thế quỳ xuống đất, cao giọng nói: "Nếu Vương nương tử không chê, viện tử sau cửa hàng cũng có thể cho Vương nương tử."

Ta giật nảy mình: "Ai cần viện tử của ngươi. Mau đứng lên cho ta, ngươi không ngại mất mặt ta còn ngại giảm thọ đấy."

Lúc này đối phương mới đứng thẳng người dậy, cảm động nói: "Vương nương tử cao thượng. Trương mỗ cung kính không bằng tuân mệnh."

Có lẽ tiểu nhị cũng cảm thấy mất mặt, một tay đỡ chủ tử hắn lên, quay đầu nói với ta: "Vương nương tử vừa mới đến, tiền bạc lại bị cướp sạch, chắc hẳn chỉ có thể ở trong chỗ lưu dân. Nhưng chỗ đó không phải nơi có thể tiếp đãi người ta, chi bằng ở lại đây sẽ tốt hơn."

"Cảm ơn ý tốt của ngươi, nhưng ta không muốn. Cáo từ."

"Nương tử yên tâm đi, lang quân nhà ta là người thật thà."

Tiểu nhị kia cụp mí mắt, thần thái lười biếng lại có mấy phần giống Khánh Phúc: "Trương gia còn có hai trạch viện bỏ trống đã lâu đằng sau ngõ. Cửa khóa để đó, tất cả đồ dùng đều có sẵn. Nếu như nương tử có thể dạy lang quân nhà ta vẽ tranh, tòa nhà sẽ cho nương tử thuê miễn phí. Ý cô thế nào?"

"Ý của ngươi là ta dạy hắn vẽ tranh, ngươi cung cấp chỗ ở cho ta?"

"Còn có tất cả đồ ăn." Tiểu nhị bổ sung.

Ta im lặng, nghĩ lại lúc tìm cửa hàng sách đi ngang qua sau con ngõ kia, nhà cửa dọc đường có hướng và chất lượng đều rất tốt. Đây quả thực là một cuộc trao đổi cực tốt.

Nhìn thư sinh này cũng không giống người xấu, nho nhã yếu đuối, trông đến cả sức giết gà cũng không có. Ta chỉ dạy hắn vẽ một chút thôi là có thể ở không tòa nhà tốt như vậy...

Một đồng tiền làm khó anh hùng hảo hán, đáng xấu hổ là ta động lòng rồi.

Nhưng mà đi ra bên ngoài vẫn nên lấy cẩn thận làm đầu. Mặc dù trong lòng đã lung lay, ta vẫn lãnh đạm hỏi: "Muốn học cũng được, nhưng trước tiên cần trả lời ta mấy vấn đề."

Đối phương mừng tít mắt: "Vương nương tử xin cứ hỏi."

"Lai lịch ngươi thế nào? Họ gì tên gì? Tình trạng trong nhà ra sao?" Ta cẩn thận hỏi: "Đến cả sản nghiệp tổ tiên cũng muốn cho ta chỉ để học vẽ sao?"

Hắn chân thành nói: "Nhà tặng cho người khác còn có thể mua mới, nhưng Minh châu vắng vẻ, đồ đệ của Thấu Thạch tiên sinh lại có thể gặp nhưng không thể cầu."

Ta sửa đúng: "Là đồ tôn."

Tiểu nhị kia chỉ giận rèn sắt không thành thép, nhắc nhở nói: "Lang quân, Vương nương tử hỏi danh tính ngài."

"À à..." Thanh niên cung kính hành lễ với ta: "Tiểu sinh họ Trương, tên một chữ Chí, tự Chính Kỷ, công danh tú tài, người huyện Vĩnh Niên. Phụ mẫu đều đã không còn tại thế, chỉ có mấy thúc bá sống ở huyện Vĩnh Niên. Con đường này đều là sản nghiệp của tổ tiên ta, Vương nương tử có thể chọn bừa một gian trống để ở."

Ta vừa nghe hắn còn từng thi tú tài, tức khắc bớt lo đi rất nhiều. Người có công danh đa phần quý trọng danh dự, sẽ không làm ẩu.

Đương nhiên, nếu như hắn thật sự dám có lòng gian với ta, bà đây cũng không phải ăn chay.

Ngay cả Hoàng đế ta còn dám đánh, ta còn sợ hắn sao?

"Được, quyết định như vậy trước. Ngươi phải lập chứng từ, ấn dấu vân tay báo cho nha môn." Vì tòa nhà miễn phí, ta cắn răng đồng ý: "Sau này coi nhau như sư đồ, lấy lễ đối đãi, không được vượt khuôn phép."

"Không dám, không dám." Thanh niên tên Trương Chí cười ngu ngơ: "Ta mang sư phụ đi xem nhà."

***

Trở về cửa hàng của hắn, ta tìm cái chiếu nghiêm chỉnh ngồi xuống, nói: "Ngươi vừa mới dập đầu rồi, không cần dập nữa. Dập đầu một cái cho tổ sư gia của trường phái tranh rồi ngươi sẽ được coi là đồ đệ của ta."

Trương Chí vui vẻ làm theo, phấn khích như một con tinh tinh, nóng lòng theo sau lưng ta.

Tiểu nhị của hắn có vẻ đã sớm quen rồi, ỉu xìu gọi người tới tu sửa lại tòa nhà cho ta ở. Ta hỏi hắn tên là gì, hắn nói: "Ta tên Tham Vi. Lang quân còn có một tên sai vặt nữa, hôm nay xin nghỉ, tên là Khải Chi."

Khải Chi, Tham Vi, đều là tên họa sĩ trứ danh thời Ngụy Tấn.

Ta cười phụt một tiếng: "Có phải các ngươi còn có đồng liêu tên là Tăng Diêu không?"

Mặt Tham Vi không cảm xúc nói: "Lúc trước thì có. Về sau người này chê đi theo lang quân không có tiền đồ, tự chuộc thân, đi làm việc ở phủ tri huyện."

"À à, đi ăn máng khác." Ta gật gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu.

Tham Vi có vẻ không có hứng thú nói chuyện, lại chuyện mình mình làm quay về chỗ ngồi trông tiệm của hắn, lấy từ đằng sau ra một bộ thanh sam hơi cũ, thành thạo khâu vá.

Ta liếc nhìn: "Là của Trương Chí sao?"

Tham Vi nói: "Đúng vậy. Vừa rồi lúc lang quân đuổi theo Vương nương tử không cẩn thận bị toạc ra."

Ta lại liếc nhìn một cái, bộ thanh sam này dùng chất liệu phổ thông, cắt may cũng bình thường. Điều kỳ quái nhất chính là đường may, đường may xiêu xiêu vẹo vẹo như một con giun bị khùng, đến Thượng Quan Lan khâu cũng không đến mức như này.

Tóm lại không hề giống y phục một địa chủ nên có chút nào.

Ta chuyển bàn ghế ra tiếp tục hóng hớt: "Ta quả thực rất tò mò, lang quân nhà huynh có tiền như vậy, cả con đường đều là của hắn, vậy làm sao hắn còn mặc y phục rách vá? Ít nhất phải mua một bộ áo lĩnh chứ."

Tham Vi thở dài: "Vương nương tử không biết đấy thôi. Những tòa nhà, cửa hàng này đều là sản nghiệp tổ tiên, không thể cầm cố, chỉ có thể dựa vào cho thuê sống tạm. Minh châu ít người, năm tòa nhà chỉ cho thuê được hai. Tiền thuê tới tay đều bị ngài ấy mang đi mua giấy mực tốt, hoàn toàn không đủ dùng."

Lần đầu ta gặp loại người dốc hết tiền bạc để theo đuổi sở thích kiểu này, không khỏi tấm tắc lấy làm lạ.

Đã nói tới tiền bạc thì ta không thể không hỏi một vấn đề ta suy nghĩ đã lâu: "Tham Vi tiểu ca... Huynh biết làm thế nào ra tiền nhanh chút không? Suy cho cùng ở nhờ không phải kế lâu dài, ta vẫn muốn tự mình mua một ngôi nhà coi như gia sản. Tiếc là kinh tế eo hẹp, không có tiền bạc..."

Tham Vi gật đầu, trầm ngâm nói: "Ta biết không nhiều, nhưng bình thường lang quân sẽ làm mấy việc chép sách in tranh bù vào chi phí trong nhà. Nương tử không ngại thì thử xem."

"Đúng là có thể, chỉ sợ kiếm được hơi ít..."

Tham Vi nói qua loa: "Chép được nhiều, tự nhiên có thể kiếm được nhiều."

Chúng ta đang nói chuyện ở cửa của cửa hàng, đầu hẻm có một nam nhân mặc trường y tơ lụa đi tới.

Diện mạo nam nhân tuấn tú, khóe mắt lông mày phong lưu tự nhiên, trong tay cầm một chiếc quạt phấp phới như hoa, cười ha ha nói: "Tham Vi tiểu ca, lâu rồi không gặp. Chủ tiệm nhà huynh có ở đây không?"

Chỉ thấy bóng người bên cạnh thoắt một cái, Tham Vi đứng bật dậy, lấy động tác nhanh nhẹn nhất cả nửa ngày nay đóng cửa "rầm" một tiếng.

Hắn lạnh lùng nói cách cánh cửa: "Không có!"

Ta ở bên cạnh nhìn như rơi vào trong sương mù.

"Tiểu ca, các người mở cửa làm ăn, khách tới cửa cũng không tiếp đãi sao?"

Tham Vi lưu loát cài then: "Người khác là khách, nhưng hắn không phải."

Nam nhân kia chưa từ bỏ ý định nấn ná ngoài sân hồi lâu, cuối cùng thật sự không đợi được Tham Vi mở cửa mới tiếc nuối rời đi.

Trước khi đi còn thuận tay ngắt một bông hoa cẩm đái cài lên ngực, cực kỳ đỏm dáng. Tham Vi "hừ" một tiếng, lườm một cái khinh bỉ với bóng lưng của hắn.

"Nhìn qua cũng là một văn nhân." Ta nói: "Chẳng qua khí chất hoàn toàn khác với Trương Chí."

Tham Vi lại mở cửa ra, vừa mở vừa nói: "Người này tên Lư Sâm, thi không đậu cử nhân, suốt ngày làm ăn bất chính bên ngoài. Hắn thường tới tìm lang quân chúng ta, lần nào đến cũng quấy rầy đòi lang quân vẽ mấy bức họa cho bọn họ. Nói là thù lao tương đối khá, không làm sẽ hối hận."

Ta vừa nghe mấy chữ "thù lao tương đối khá", lỗ tai lập tức dựng lên: "Tha thiết mong cho hay thế nào gọi là tương đối khá?"

Tham Vi nói: "Một quyển sách có thể đáng giá nửa quan tiền thì phải."

"Nửa quan tiền!" Ta hít sâu một hơi.

"Vương nương tử chớ có hỏi nữa, cô không đi được cửa này đâu." Tham Vi nói: "Nói tóm lại có hơi không vẻ vang, cho nên lang quân có túng quẫn nữa cũng không muốn kiếm số tiền đó."

Có tiền không kiếm là đồ ngu! Lòng tham tiền của ta trỗi dậy, nói như chém đinh chặt sắt: "Huynh cứ nói đừng ngại. Một quyển nửa quan tiền, nửa quan tiền đấy! Cho dù bảo ta ra đường làm xiếc nuốt lửa ta cũng bằng lòng!"

Tham Vi không nói.

Ta không cam lòng, túm lấy hắn hỏi: "Xin cho biết, ta thật sự thiếu tiền. Huynh yên tâm đi, ta tuyệt đối không nhiều lời nửa chữ ra ngoài!"

Tham Vi vẫn không nói lời nào.

Ta lải nhải không ngừng: "Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều!"

Lảm nhảm như vậy hồi lâu, cuối cùng ta cũng hỏi cho Tham Vi thấy phiền. Hắn bất đắc dĩ buông kim khâu xuống, thở dài.

"Được rồi." Hắn nói: "Cô xích lại gần đây, đừng để lang quân nhà ta nghe được."

Ta ngoan ngoãn ghé tai đến.

Tham Vi thì thầm nói: "Hắn bán xuân cung đồ."