Cẩn Ngôn

Chương 114




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đầu tháng 4 năm 1913 Dương lịch, tức năm Dân Quốc thứ năm.

Thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ ở Chahar.

Hai mục dân trẻ tuổi ngồi trên lưng ngựa, xua hơn ba mươi con trâu và hai mươi con dê đi về phía đồng cỏ mới mọc. Trong lúc đàn dê và trâu mải gặm cỏ non, hai người vừa để ý xem có sói rình rập xung quanh không, vừa bàn luận về những tin tức do Ba Đặc Nhĩ mới mang đến.

“Ba Âm, cậu nghe anh Ba Đặc Nhĩ nói chưa?” Ba Căn mặc áo Mông Cổ (1) màu xanh lam, nước da ngăm đen, nhìn qua vô cùng rắn rỏi. Hắn lắc lắc cái roi trong tay, tiếp tục nói: “Chuyện Quân đội sáu tỉnh Bắc Kỳ đang chiêu binh ấy.”

(1) Áo Mông Cổ: Hình minh họa.



“Nghe rồi, nhưng mà tôi nghe anh Ngải Ngạn nói.” Ba Âm nhìn còn cao lớn vạm vỡ hơn cả Ba Căn. Hắn mặc áo Mông Cổ loại dày, ngồi trên lưng ngựa trông hệt như một ngọn núi nhỏ: “Anh Ngải Ngạn nói với tôi, anh ấy cũng muốn cùng anh Ba Đặc Nhĩ, rời khỏi thảo nguyên, xông pha một trận. Ngày mai anh ấy sẽ lên đường.”

“Anh Ngải Ngạn?” Ba Căn hết sức kinh ngạc: “Trong nhà anh ấy có năm mươi con trâu, hơn một trăm con dê, anh ấy đi rồi thì ai trông?”

“Anh ấy còn có ba người anh em mà.” Ba Âm kéo dây cương lại, con ngựa dưới thân liền không tiến lên phía trước nữa: “Anh Ba Đặc Nhĩ là chú chim ưng oai phong lẫm liệt của thảo nguyên. Nếu có thể trở thành một người giống như anh ấy, tôi cũng thản nhiên xông ra chiến trường mà chẳng do dự một chút nào.”

“Đúng vậy.” Ba Căn gật gật đầu: “Tôi cũng muốn đi cùng anh Ba Đặc Nhĩ. Cha mẹ tôi đều đồng ý, nhưng anh Ba Đặc Nhĩ lại nói tôi mới mười lăm tuổi, quân đội không nhận. Rõ ràng tôi đã cao to ngang ngửa cha mình, còn từng g!ết chết một con sói bự nữa kia!”

“Đừng nhụt chí.” Ba Âm lại nói: “Đợi đến sang năm, chúng ta sẽ cùng đi!”

“Cậu cũng đi?”

“Ừ, Tô Hợp đã mười hai tuổi rồi, có thể chăm sóc cha mẹ, cũng có thể chăn dê. Tôi nhập ngũ, ra chiến trường giết quân thù. Nếu có chiến công sẽ có thể cho cha mẹ một cuộc sống tốt đẹp giống như anh Ba Nhĩ vậy.”

Nơi mà Ba Âm, Ba Căn chăn thả rất gần biên giới Chahar và Ngoại Mông Cổ. Đi về phía trước khoảng một kilomet nữa chính là Đông Ngoại Mông, khu vực thuộc về bộ tộc Secen han (2) từ thời nhà Thanh. Hiện nay, ngoại trừ người Mông Cổ, nơi này còn có rất nhiều người Nga sinh sống. Đám người ấy chạy từ Nga sang sau khi Bogd Khan (3) tuyên bố tự lập. Mục dân Chahar không có chút thiện cảm nào đối với dân di cư của Nga, ngược lại còn vô cùng chán ghét. Ba Âm và Ba Căn đã chứng kiến cảnh người Nga bắt nạt mục dân Chahar không dưới một lần. Nhưng gần đây, đám di dân cả ngày chỉ biết rượu chè say khướt đó đã bớt quấy rầy mục dân. Đặc biệt là sau khi Lâu Thiếu soái đánh thắng trận Mãn Châu Lý, mỗi khi bọn chúng gặp phải mục dân Chahar thì đều né tránh đi.

(2) Secen han: (Hán Việt: Xa Thần Hãn Bộ; tiếng Mông Cổ: Сэцэн хан) một trong bốn bộ tộc thuộc phân nhóm Khalka, sinh sống ở phía Đông của Mạc Bắc Mông Cổ. Sau khi nhà Thanh chinh phục toàn cõi Mông Cổ, các bộ lạc chịu quy phục ở Mạc Nam (phía nam sa mạc Gobi) được gọi là Nội Mông Cổ. Còn các bộ lạc thuộc phân nhóm Khách Nhĩ Khách (Khalka) và Vệ Lạp Đặc (Oirat) ở Mạc Bắc thì được gọi là Ngoại Mông Cổ.

(3) Bogd Khan (chính trị gia) đăng quang như khắc hãn Mông Cổ vào ngày 29 tháng 12 năm 1911, khi Ngoại Mông tuyên bố độc lập từ triều đại nhà Thanh sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi. Ông sinh ra ở Tây Tạng. (Khắc hãn, hoặc Khả hãn, Đại hãn, là một tước hiệu thủ lĩnh cao nhất trong ngôn ngữ Mông Cổ và Turk, được xem là người đứng đầu của đế quốc).

Mùa đông năm trước rét lạnh lạ thường, thảo nguyên bị đóng băng, cho nên rất nhiều dê và trâu bị chết. Lý Cẩn Ngôn cố ý bảo Ba Đặc Nhĩ mang theo thật nhiều lương thực, bao gồm muối ăn và cả rượu ngon để phân phát cho mục dân ở nơi này. Hắn còn nhờ Ba Đặc Nhĩ nói với mọi người rằng, năm nay hắn sẽ mua trâu dê ở thảo nguyên, thậm chí là mua với số lượng lớn.

Ngoài ra, Ba Đặc Nhĩ còn mang về Chahar tin tức: sáu tỉnh Bắc Kỳ đang chiêu binh và tuyển công nhân. Mông Cổ là dân tộc sống trên lưng ngựa, thanh niên trẻ tuổi người Mông trải qua một thời gian huấn luyện sẽ trở thành những kỵ binh ưu tú nhất. Rất nhiều người hâm mộ cuộc sống của gia đình Ba Đặc Nhĩ hiện giờ. Vì thế cho nên, khi nghe nói sáu tỉnh Bắc Kỳ đang chiêu binh, không ít người bắt đầu dao động. Những nhà có nhiều anh chị em nhanh chóng tụm lại bàn bạc với nhau, người đủ lớn sẽ đi theo Ba Đặc Nhĩ, người chưa đủ tuổi thì luôn miệng hỏi sang năm còn chiêu binh không. Về phương diện tuyển nhân công, bọn họ không có quá nhiều hứng thú.

Cuộc sống của mục dân Chahar ngày càng dễ chịu. Thế nhưng, những ngày tháng sau mùa đông của mục dân ở gần Ngoại Mông lại chẳng khá khẩm gì, thậm chí có thể nói là càng lúc càng gian nan. Theo lời dặn của Lý Cẩn Ngôn, vào tháng hai và tháng ba, Ba Đặc Nhĩ lần lượt trà trộn vào đoàn ngựa thồ đi tới Ngoại Mông. Hắn thu mua trâu, dê của các nhóm mục dân ở nơi này, đồng thời cho bọn họ chịu nợ một ít muối ăn và lương thực. Tuy nhiên, những gì Ba Đặc Nhĩ có thể làm rất có hạn. Vẫn còn không ít hộ gia đình nghèo khó bị mất toàn bộ gia súc vào mùa đông giá lạnh, cuối cùng chết đói hoặc chết rét khi còn chưa kịp nhìn thấy mùa xuân.

Quá trưa, gió lạnh thổi vù vù trên thảo nguyên rộng lớn.

Ba Âm ngẩng đầu nhìn sắc trời, sau đó bắt đầu bảo Ba Căn lùa đàn gia súc trở về. Xa xa đột nhiên truyền đến một trận tiếng vó ngựa, Ba Âm quay đầu nhìn về phía phát ra âm thanh, đột nhiên ngây ngẩn cả người.

Đằng xa xuất hiện hơn hai mươi mục dân, bọn họ đều mang theo hành lý, nhìn như đang di dân. Thế nhưng trong đội ngũ lại không có dê, chỉ có ngựa thồ và trâu. Đầu đoàn là một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi. Ba Âm biết người này, cách đây không lâu đối phương đã từng đổi lương thực cho hắn.

“Anh Ba Đồ, các anh đang…”

Ba Âm giục ngựa tiến lên. Ba Căn cũng ghì chặt dây cương. Đàn trâu, dê dường như bị hoảng sợ, không khỏi náo loạn một hồi. Vì thế Ba Căn vội vàng dồn chúng lại thành bầy.

“Ba Âm, chúng tôi không sống nổi dưới ách thống trị của Bogd Khan nữa, nên muốn xin được chuyển từ quan ngoại vào trong biên giới, nguyện trung thành với thủ lĩnh của sáu tỉnh Bắc Kỳ!”

Ba Đồ vừa dứt lời, Ba Âm và Ba Căn đồng loạt ngây người. Cả hai bàn bạc với nhau một chút, sau đó Ba Âm đưa ngón tay lên miệng huýt gió. Tiếng huýt gió truyền đi rất xa. Đây là cách mà bọn họ liên lạc với những người anh em đang chăn thả ở vùng lân cận. Ba Căn lập tức quay đầu ngựa. Hắn phải nhanh chóng báo tin này cho biên quân đóng tại vùng biên giới Chahar.

Hơn hai mươi mục dân vượt qua biên giới, nhưng không một ai đuổi theo Ba Căn. Trái lại, dưới sự hướng dẫn của Ba Đồ, bọn họ lập tức bình tĩnh, yên ổn chờ ở chỗ này. Ba Âm cởi túi da đựng rượu treo trên mình ngựa xuống đưa cho Ba Đồ. Thấy trong đội ngũ còn có người ôm theo em bé, hắn lại lấy một hộp trái cây cất trong túi áo ra. Đây là thứ hắn đổi được từ chỗ Ba Đặc Nhĩ, định dùng làm quà tặng cho Thác Á.

Rút con dao găm đeo ở bên hông, Ba Âm mở nắp hộp hoa quả rồi mới đưa cho Ba Đồ: “Anh Ba Đồ, cho các anh này.”

“Đây là… táo?”

Một hộp trái cây truyền qua tay của hơn hai mươi người dân du mục. Gần như mỗi người chỉ được nếm thử một chút xíu, táo ngâm ở bên trong đều để cho đứa nhỏ đi theo đội ngũ. Đây là lần đầu tiên đứa bé mục dân được ăn một thứ ngon đến vậy. Nó cứ ngậm miếng táo ở trong miệng, dường như không nỡ nuốt vào.

So với đồ hộp, đàn ông thảo nguyên lại thích rượu sữa ngựa (4) hơn. Cho nên, túi da đựng rượu của Ba Âm bị uống sạch chỉ trong giây lát.

(4) Rượu sữa ngựa: Kumis là một sản phẩm sữa lên men thường được làm từ sữa ngựa. Thức uống này phổ biến với những người sinh sống tại các thảo nguyên Trung Á, như những người Kazakh, người Bashkir, người Kalmyk, người Kyrgyz, người Mông Cổ, và người Yakut.

“Người anh em đừng trách tội, vì vội vã bỏ đi cho nên chúng tôi đã đổi toàn bộ dê còn sống để lấy ngựa, lương thực và rượu sữa ngựa đã ăn hết ở dọc đường rồi.”

Ba Âm gật gật đầu, tiếp tục nói chuyện với đám người Ba Đồ.

Dưới ách thống trị của Bogd Khan, đời sống của các mục dân Ngoại Mông ngày càng sa sút. Đã thế, trên đầu bọn họ còn có người Nga tác oai tác quái. Đám Tây lông này xông vào nhà mục dân, cướp đi lương thực quý giá, thậm chí còn bắt cả súc vật mục dân chăn thả xung quanh.

Những mục dân vừa tiến vào Chahar này vốn thuộc bộ tộc Tuvan turkic (5) thời Thanh. Cuộc sống của bọn họ còn gian nan hơn so với người Secen han. Từ miệng đoàn thương buôn và mục dân vùng biên giới, bọn họ được biết rằng: mục dân Chahar chăn được rất nhiều trâu dê, không cần nộp sưu cao thuế nặng, không cần buồn khổ âu lo về ngày tháng tương lai, lại không bị người Nga đè đầu cưỡi cổ. Nói chung là mục dân Chahar sống tốt hơn họ gấp trăm lần. Đứa nhỏ Chahar cũng khỏe mạnh như là nghé con vậy.

(5) Tuvan turkic (Hán Việt: Thổ Tạ Đồ Hãn Bộ; tiếng Mông Cổ: Түшээт хан аймаг) một trong bốn bộ tộc một trong bốn bộ tộc thuộc phân nhóm Khalka, sinh sống ở phía Tây của Mạc Bắc Mông Cổ.

Ba Đồ đã tới biên giới đổi lương thực cùng muối ăn mấy lần rồi. Hắn đã chính mắt chứng thực tất cả mọi thứ. Sau khi trở về, hắn liền bàn bạc với mọi người, cho nên mới có lần di dân này. Lúc xuất phát, bọn họ còn có gần bốn mươi người, nhưng khi đi đến Chahar chỉ còn lại không tới ba mươi. Một số người tuổi già sức yếu đã ngã xuống dọc đường.

Nhận được tin tức, Vương Sung Nhân – Tỉnh trưởng Chahar lập tức liên hệ với biên quân đóng ở Chahar. Sau khi hơn hai mươi mục dân này được bố trí thỏa đáng, ông ta liền gửi điện báo tới thành Quan Bắc.

“Mục dân Ngoại Mông?” Lúc ấy, Lý Cẩn Ngôn đang thảo luận chuyện chuyển nhà máy hóa chất tới khu công nghiệp trong tương lai với Quản lý Lục. Thấy Sĩ quan phụ tá vào báo cáo, hắn bỗng hơi động trong lòng: “Từ Ngoại Mông tới, trực tiếp tiến vào Chahar?”

“Đúng vậy.” Sĩ quan phụ tá nói với Lý Cẩn Ngôn: “Thiếu soái nhận được điện báo của Tỉnh trưởng Vương.”

Lý Cẩn Ngôn đứng bật dậy, nói với Quản lí Lục: “Việc chuyển nhà máy hóa chất chúng ta sẽ bàn sau, tôi phải đi gặp Thiếu soái.”

Nhìn dáng vẻ hấp tấp vội vàng của Lý Cẩn Ngôn, Quản lí Lục liền bỏ qua vấn đề mới bàn được một nửa mà nảy sinh cảm giác tò mò với chuyện Ngoại Mông. Đây là lần đầu tiên ông ta thấy Ngôn thiếu gia nôn nóng đến như vậy.

So với việc bảo Lý Cẩn Ngôn sốt ruột, nói hắn kích động thì có phần chính xác hơn.

Trước đó, khi bảo Ba Đặc Nhĩ mạo hiểm tới Ngoại Mông, hắn chính là có ý tưởng này. Quả thực, lượng lớn súc vật mua được từ tay mục dân ở thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ là để cung cấp cho xưởng đồ hộp. Song, hành động ấy cũng có tác dụng tạo ra chênh lệch lớn giữa Chahar và Ngoại Mông. Có chênh lệch đến đối lập, người ta mới bắt đầu suy tính. Nếu có thể khiến những mục dân Ngoại Mông tôn thờ Bogd Khan kia thấy được rằng, chỉ có quay về Hoa Hạ bọn họ mới có khả năng ăn no mặc ấm, sống những ngày tháng an lành, vậy thì Nga với Nhật có bao nhiêu âm mưu thủ đoạn cũng vô dụng mà thôi.

Mục dân Chahar có thể ăn no mặc ấm, không phiền muộn lo lắng về tương lai, không cần phải nộp sưu cao thuế nặng. Còn Ngoại Mông của bọn họ thì sao?

Lý Cẩn Ngôn xiết chặt nắm tay. Chỉ cần đục một lỗ nhỏ, nước sẽ không ngừng tràn ra. Khi tường vây đã vỡ rồi thì sẽ không có cách nào lấp kín, giành lại Ngoại Mông chỉ là vấn đề thời gian thôi.

Thế nhưng, bố trí cho những mục dân kia thế nào thực sự là một vấn đề rất lớn. Sau này, trong số họ sẽ có những người quay lại Ngoại Mông kêu gọi di cư. Nếu không nhanh chóng cướp Ngoại Mông về tay, chờ lúc tất cả mục dân đều vượt biên vào nội quốc thì sẽ phải làm sao?

Sự thật chứng minh Lý Cẩn Ngôn đã đúng, đám người Ba Đồ chỉ là mở màn. Khoảng thời gian kế tiếp, không ngừng có mục dân Ngoại Mông di cư tới Chahar, Tuy Viễn (6) và Nội Mông. Những người này có khi tay không mà đến, có khi mang theo súc vật hàng đàn. Điều khiến Lý Cẩn Ngôn kinh ngạc chính là, nhóm mục dân di cư đông nhất có tới hơn ba trăm người, thế mà binh lính Ngoại Mông lại vờ như không thấy, để bọn họ dắt theo bầy dê vượt biên vào Tuy Viễn.

(6) Tuy Viễn là một tỉnh cũ tại Trung Quốc. Tỉnh lị của Tuy Viễn là Quy Tuy, tên giản xưng của tỉnh là “Tuy”. Đây là một trong bốn tỉnh của “Tắc Bắc” cùng với Nhiệt Hà, Sát Cáp Nhĩ (Chahar) và Ninh Hạ.

Thậm chí, một vài binh lính Ngoại Mông cũng chạy vào Nội Mông, Chahar và Tuy Viễn. Nếu không phải bọn họ ném vũ khí xuống, chỉ sợ biên quân Nội Mông và hai khu vực còn lại sẽ cho rằng Bogd Khan nổi điên, phái quân tới đánh.

Trong số những mục dân tràn vào Chahar còn có không ít người Siberia, phần lớn họ đến từ phía Đông Siberia. Andre – Tổng chỉ huy quân biên cảnh phía Đông Siberia không thỏa mãn với kiểu thống trị đàn áp. Càng ngày hắn càng bóc lột các dân tộc thiểu số bạo tàn hơn, ngay cả người Nga Trắng (7) cũng không thể có được cuộc sống yên bình. Toàn quyền Viễn Đông từng cảnh cáo hắn một lần, thế nhưng Andre vẫn cứ mắt điếc tai ngơ. Sau khi hắn đưa hai cái thùng nặng trịch vào phủ Toàn quyền, Toàn quyền Viễn Đông liền mắt nhắm mắt mở đối với những gì diễn ra tại Đông Siberia. Huasilev – Tổng chỉ huy quân biên cảnh Tây Siberia là một quý tộc chính trực. Hắn báo chuyện phát sinh ở Đông Siberia tới St. Petersburg, thậm chí còn nói rõ, nếu cứ để Andre tiếp tục muốn làm gì thì làm, chắc chắn sự thống trị của Đế quốc Nga ở Đông Siberia sẽ bị lung lay.

(7) Bạch Nga hay Nga Trắng (tiếng Belarus: Белая Русь = Rus trắng) là một tên gọi lịch sử nhằm ám chỉ một vùng đất ở Đông Âu, bao gồm một phần lớn lãnh thổ miền Đông Belarus, tính cả các thành phố Polatsk, Vitsyebsk, Mogilev.

Đáng tiếc, St. Petersburg không coi trọng vụ việc này, ngược lại còn trách hắn làm to chuyện.

Huasilev chẳng biết làm sao, chỉ đành mắt mở trừng trừng nhìn cục diện Đông Siberia tiếp tục chuyển biến xấu.

Dân tộc thiểu số ở phía Đông Siberia bắt đầu biến mất. Một phần trốn sang Tây Siberia, một phần chạy về phía biên giới Hoa Hạ, phần còn lại cầm lấy vũ khí đứng lên phản kháng. Bọn họ thành lập một tổ chức chống chính quyền. Người cầm đầu lại là một sĩ quan Nga đồng tình với người dân tộc thiểu số. Tuy tổ chức này nhanh chóng bị quân đội trấn áp, đại đa số thành viên đều bị g!ết chết, song, một khi loại phản kháng này đã bắt đầu thì liền giống như một đốm lửa, chỉ cần có một chút dầu là sẽ bùng cháy lên.

Cùng lúc đó, Tiêu Hữu Đức cũng hỏi ra được không ít thông tin có ích từ miệng Michalov. Có một kho hàng mà quân Nga dùng để tiếp viện ở rất gần Zabaykalsk, trong kho có một ít súng ống đạn dược. Ngay lập tức, ông hạ lệnh cho đám người Hứa nhị tỷ giả dạng thành viên tổ chức chống chính quyền ở Đông Siberia, đi cướp bóc kho súng đạn này.

“Giả thành người Nga?” Mạnh Nhị Hổ than thở một tiếng: “Mẹ kiếp, thật là xui xẻo!”

“Mày nói cái gì đó!” Thường Đại Niên phun ra hai vòng khói: “Tiêu tiên sinh bảo sao thì chúng ta cứ làm vậy đi, đều là giết đám Tây lông cả, mày than thở cái gì.”

Hai Đao tựa lưng vào tường không nói chuyện. Thỉnh thoảng hắn lại mài con dao găm trong tay lên tảng đá, tạo ra những tiếng động khiến người khác nghe mà cảm thấy ê răng.

“Nếu Tiêu tiên sinh hạ lệnh, vậy chúng ta cứ làm thôi.” Hứa nhị tỷ nhảy từ cửa sổ xuống: “Tiêu tiên sinh đã nói, đồ tốt ở đó không ít, cướp được thì đều là của chúng ta. Mạnh Nhị Hổ, trước kia không phải chú là cướp sao? Mang theo vài người đi trước mở đường nhé?”

Mạnh Nhị Hổ đứng lên, vỗ vỗ cái áo choàng ngắn bằng da mặc trên người: “Được rồi.”

Ngày mùng 10 tháng 4, sau hơn nửa tháng tốn nước bọt, cuối cùng, cuộc đàm phán hòa bình giữa hai miền Nam – Bắc cũng đã có kết quả. Chính phủ Liên hiệp được thành lập, chính sách Liên tỉnh Tự trị được thi hành. Đồng thời, đám người của ông Cố – một nhà Luật học nổi tiếng trong nước, cũng được đề cử tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp nước Cộng hoà dân chủ Trung Hoa. Tổng thống Chính phủ Liên hiệp, thành viên Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội được chọn thông qua hình thức bỏ phiếu. Chính phủ Trung ương xây dựng sáu bộ (8), quản lý toàn bộ các sự vụ quốc gia. Tòa án và Viện kiểm sát được xây dựng độc lập với cơ cấu hành chính và đặc quyền riêng. Các tỉnh hoạt động theo mô hình của Chính phủ Trung ương. Tư lệnh các tỉnh quản lý quân vụ tỉnh mình. Tỉnh trưởng được bầu chọn. Hội nghị tỉnh cũng được thành lập. Các tỉnh có quyền lợi độc lập về mặt hành chính, lập pháp và tư pháp. Nhưng những quyền lợi này không được xung đột với Hiến pháp cũng như luật pháp quốc gia.

(8) Sáu bộ hay Lục bộ: là thuật ngữ chỉ sáu cơ quan chức năng cao cấp trong tổ chức triều đình quân chủ Á Đông. Đọc thêm ở ĐÂY.

Ngân hàng Nhà nước được thành lập. Bạch Bảo Kỳ – Bộ trưởng bộ Tài chính của sáu tỉnh Bắc Kỳ sẽ đảm đương vai trò Tổng giám đốc.

Ngày 12 tháng 4, với ưu thế tuyệt đối, Lâu Đại soái đã trở thành Tổng thống của Chính phủ Liên hiệp nước Cộng hoà dân chủ Trung hoa, kiêm Tổng tư lệnh bộ Quốc phòng. Tống Chu giữ chức Phó tổng thống. Tư Mã Quân vẫn là Tư lệnh Hà Bắc. Vốn không muốn nhậm chức trong Chính phủ Liên hiệp, nhưng ngoài ý muốn, ông ta lại được đề cử làm Viện trưởng viện Kiểm sát.

Ngày 13 tháng 4, Lâu Thịnh Phong lấy thân phận Tổng thống đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp, gửi điện đi cả nước, tuyên bố thống nhất Hoa Hạ.

Cả nước vui mừng.

Ngày 15 tháng 4, Đức quốc tuyên bố, thừa nhận Chính phủ của nước Cộng hòa dân chủ Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Hoa Hạ. Sau đó là Mĩ, Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Nga… Công sứ Nhật Bản Ijuin cũng gửi đến một phong điện mừng. Tuy nhiên, Lâu Tổng thống chẳng thèm nhìn dù là một cái, tiện tay ném ngay vào một góc.