Cẩm Tú Đích Nữ

Chương 369: Yến Hội Bắt Đầu




Ngày diễn ra yến hội được tổ chức trang trọng như quốc khánh của Đại Ung, chỉ thua Tết âm lịch. Đế vương thiết yến ở trong cung mời cả quan viên và thê nữ của mình đến dự tiệc.

Hai ngày trước còn có những cơn mưa thu phơ phất vậy mà hôm nay bầu trời không một gợn mây trong xanh thăm thẳm, ánh sáng chan hòa tràn ngập khắp nơi nơi.

Yến hội còn chưa bắt đầu mà trong Ngự Hoa Viên đã rất náo nhiệt. Các cung nhân đã chuẩn bị sẵn điểm tâm cùng nước trà để các quan nhân lót bụng trước khi vào tiệc. Trong lúc mọi người ở trong Ngự Hoa Viên chờ đợi bữa tiệc có thể tiến hành các trò chơi được chuẩn bị riêng cho lớp trẻ tiêu khiển như ngâm thơ làm đối, múa bút làm văn.

Đối với những trò chơi này Vân Khanh không còn nhiều hứng thú nữa. Từ khi đến kinh thành nàng cũng nhận được các bái thiếp mời tham gia làm thơ, nhảy múa, vẽ tranh nhưng đều từ chối. Nếu không phải là yến hội quan trọng Vân Khanh sẽ không tham gia bởi nàng phải đối mặt với phiền toái so với người khác còn nhiều hơn nên muốn dành thời gian để nghiên cứu, học tập những thứ hữu ích hơn.

Nhưng An Tuyết Oánh lại rất thích mấy thứ này bởi sức khỏe nàng ấy không tốt nên những tiết mục có chút năng động thì không thể tham gia mà thường chỉ có thể ở nhà làm mấy việc tỉ mẩn. Nhưng nếu đi một mình thì một phần do không quen biết nhiều, một phần khác là không nỡ để Vân Khanh ở lại đứng một mình nên nàng ấy chỉ đành trơ mắt nhìn người ta chơi vui vẻ. Vân Khanh thấy vậy cũng không đành lòng đành phải cùng nàng ấy đi đến nơi đám nữ quyến tập trung.

Phu nhân và các tiểu thư sau một hồi làm quen, giới thiệu náo nhiệt thì tự tách ra. Các tiểu thư tốp năm tốp ba đứng ở trong các mái đình nói chuyện phiếm, trong đó tập trung đông nhất là Hoằng Nguyệt Thủy Tạ nằm gần Thái Cực Trì đã có khoảng mười lăm mười sáu vị tiểu thư lại còn có các nha hoàn ma ma đứng hầu hạ phía sau làm cho Thủy Tạ trở nên chật chội.

Lúc này Lâm Chân đang ngồi ở đó nhìn thấy Vân Khanh và An Tuyết Oánh liền đứng lên gọi: "Quận chúa Vận Ninh, An tiểu thư lại đây chơi này."

Ban đầu An Tuyết Oánh cũng chỉ là muốn đi xem thôi nhưng lúc này nghe vậy liền hưng phấn cầm lấy tay Vân Khanh đi vào.

Ở đây không có tiểu thư nào có thân phận cao hơn Vân Khanh cho nên khi nàng đi vào đều phải đứng lên hành lễ. Đối với những lễ tiết này Vân Khanh cũng không quá chú ý, chỉ cần người ta không cố ý trêu chọc thì nàng cũng sẽ không xù lông như con nhím đâm chọc mọi người, do vậy cũng gật đầu đáp lại rồi tìm một chỗ tránh gió ngồi xuống cùng An Tuyết Oánh.

Mặc dù hôm nay có ánh mặt trời nhưng thời tiết cuối thu của tháng 10 cũng đã se lạnh, đặc biệt là ở nơi Thái Cực trì lại có nhiều hơi nước ẩm ướt do vậy các tiểu thư đều khoác thêm áo choàng.

Ở trong đêm hội Thất Tịch Cháu gái Mai Thái Phó là Mai Dư cũng đã gặp qua Vân Khanh cười nói: "Vừa rồi chúng ta đang chơi Hành Tửu Lệnh, bây giờ có các ngươi đến thì lại càng náo nhiệt hơn rồi." Tiếp đó liền quay đầu nhìn về cô gái chủ trì nói: "Thần Tư, vừa rồi ngươi lại thắng một bàn. Lần này chúng ta cũng sẽ không dễ dàng nhận thua đâu nha."

"Vậy thì cũng khó nói lắm. Mặc dù có thêm một quận chúa nhưng cũng đâu chắc chắn là có thể thắng. Mọi người ở chỗ này chơi chính là văn tập, không phải là đấu phú. Lời của Mai Dư ta không dám đồng ý đâu." cô gái được gọi là Thần Tư cười đáp. Vừa nghe lời này Vân Khanh liền biết đây là nhằm vào mình. Tại sao những người này cứ muốn dùng xuất thân người khác để làm khó dễ, một lần hai lần thì cũng không nói làm gì nhưng nhiều lần quá thì cũng thấy hơi phiền nhiễu.

Cồ Thần Tư là cháu gái của Nội các Cổ Thứ Phụ có tuổi xấp xỉ với Vân Khanh xấp xỉ, tư sắc trên trung bình, quần áo thanh nhã với váy dài thêu Mai Lan Trúc Cúc, dáng vẻ lộ ra thần thái của dòng dõi Thư Hương, ánh mắt cao ngạo, người khác vừa nhìn đều biết là người thường ngày luôn được ca ngợi là tài nữ.

Vân Khanh cười với Cổ Thần Tư: "Cổ tiểu thư nói đúng, đây là đang đấu văn chương cũng không phải nơi đấu võ mồm. Không biết kế tiếp chơi như thế nào đây?"

Nếu nói Vân Khanh và Cổ Thần Tư có điều gì khúc mắc thì quả thật không có, tuy nhiên giữa người và người vô hình luôn tồn tại một mạch nước ngầm. Theo đại cục biến hóa mà nói Cổ các lão cùng Trương các lão hai người đúng là có khúc mắc, một người là đương triều Thứ Phụ (Phó thủ lĩnh),một người là đương triều Thủ phụ (thủ lĩnh),ngẫm lại cũng biết nguyên nhân cuộc xung khắc. Tư lịch, xuất thân cũng không khác nhau lắm thế nhưng lại chênh lệch một cấp bậc, dù ngoài sáng trong tối thì cũng có nhiều lần đấu đá lẫn nhau mà Trương các lão lại vẫn có thể vững vàng ngồi ở trên vị trí Thủ phụ. Cũng theo đó, Trương các lão có ngoại tôn là Cảnh Trầm Uyên, mà Thẩm Vân Khanh là nghĩa muội của Cảnh Trầm Uyên, do vậy đương nhiên sẽ tạo nên mối quan hệ này.

Còn theo cá nhân mà nói, bởi vì Cổ Thần Tư trước đêm Thất Tịch bị bệnh nặng không thể tham gia, sau khi khỏi hẳn lại nghe người khác bàn luận về cuộc tỉ thí trên đài. Đệ Nhất Danh thế nhưng chính là con gái của một thương nhân đê hèn nên nàng ta không thể nào tin được cũng đã đi hỏi một số nhân tài chân chính để xác định. Cổ Thần Tư cảm thấy sở dĩ Vân Khanh có thể đạt được hạng Nhất cũng là bởi vì khi ấy nàng ta không thể đi tham gia tỷ thí mà thôi.

Do vậy hôm nay trông thấy Vân Khanh thái độ của nàng ta liền mang theo chút ý thù địch, lúc nói chuyện cũng không còn dễ nghe.

Phần lớn tiểu thư ở đây đều gặp qua Vân Khanh nhưng cũng chưa từng nói chuyện nhiều. Đối với nữ tử Thẩm Vân Khanh mới xuất hiện ở kinh thành nửa năm mà chỉ trong một thời gian ngắn đã từ một địa vị thấp là con gái thương nhân thăng làm Quận quân và nay là Quận chúa của Đột An Bá phủ nên các nàng cũng cảm thấy có chút hiếu kỳ, hôm nay được ngồi gần như vậy nên cũng chú ý quan sát.

Cổ Thần Tư cũng mang theo tâm tình như vậy mà nhìn. Cổ gia quyền cao chức trọng, nàng ta theo mẫu thân tiến cung đã gặp qua không ít mỹ nhân cũng phải công nhận rằng hầu như không người nào có thể so sánh được với Thẩm Vân Khanh. Chẳng qua trong lòng Cổ Thần Tư đối với mỹ nhân luôn không có nhiều hảo cảm, đặc biệt là một mỹ nhân có tài thì trong lòng lại càng không vui và thầm muốn đè ép Vân Khanh một lần.

Phụ thân của Thẩm Vân Khanh chẳng qua chỉ là người thuộc giới thương nhân, cho dù Ngoại Tổ Phụ nàng ta từng là tài tử liên tiếp giành được các chức Giải nguyên, Hội nguyên, Trạng nguyên (Tam nguyên trong triều) nhưng rốt cuộc cũng đã cách một thế hệ lại tráng niên mất sớm thì làm sao có cơ hội dạy ngoại tôn nữ. Lại nhìn thấy Vân Khanh mặc trang phục quý khi, dung mạo diễm lệ khuynh thành mà đa số mỹ nhân đều bất tài, Thẩm Vân Khanh chẳng qua là dựa vào việc cứu được Bệ hạ lại có phần may mắn hiểu được một chút phương pháp cứu chữa bệnh cho Thái Hậu mới được đến vị trí hôm nay, còn chân tài thực học chỉ sợ là không có.

Trong lòng đã có kết luận như vậy nên Cổ Thần Tư trực tiếp đi đến vị trí chủ tọa của mình ngồi xuống nói: "Đã có người mới vào, không bằng trước tiên chúng ta chơi trò chơi làm nóng người để tránh Quận chúa trong thời gian ngắn còn chưa thể quen thuộc cách chơi. Chúng ta chơi trò chơi "Tiếp chữ" có được không?"

Lời nói này của nàng mang ý châm chọc, nếu vừa bắt đầu đã chơi trò cao cấp thì sợ Vân Khanh nói không chuẩn bị tốt liền cho qua, còn đối với trò "Tiếp chữ" nếu Vân Khanh không chơi nổi thì cũng đồng nghĩa là nàng không tham gia nổi những trò chơi khác nữa.

Những người khác không có nghĩ nhiều như Cổ Thần Tư vì tham gia trò chơi cũng là muốn náo nhiệt, chỉ cần đông người là được. Lâm Chân đồng ý nói: "Nhiều người như vậy chơi cùng nhau thì trò "Tiếp chữ" này cũng trở nên khó khăn rồi." Có nàng ấy mở đầu mọi người đều đồng ý, Vân Khanh tất nhiên cũng sẽ không phản đối.

Cổ Thần Tử thấy tất cả mọi người đồng ý liền đem quy củ trò "Tiếp chữ" nói qua một lần, đại khái là người chủ trì nói lên câu thành ngữ thứ nhất thì người tiếp theo tính từ trái sang phải sẽ phải có một câu thành ngữ ứng với chữ cuối của câu thành ngữ trước đó mà phải là đồng tự đồng âm, thời gian suy nghĩ không thể quá lâu, không được lặp lại thành ngữ đã nói qua. Nếu không thể tiếp được thì người thua phải tự nhận phạt uống một chén.

Chính giữa gian nhà Thủy tạ có một bàn tròn bày sẵn hạt dưa, điểm tâm, còn có chút rượu hoa quả chuyên dùng để chiêu đãi nữ quyến.

Trò chơi có quy tắc rất đơn giản nên không cần phải nói đến lần thứ hai thì mọi người đều đã hiểu được, chỉ cần là người đã đọc qua sách cũng sẽ không cảm thấy quá khó khăn.

Trước tiên Cổ Thần Tư nói một câu "Vinh Hoa Phú Quý", Mai Dư ngồi tiếp theo nàng liền đáp "Quý Ở Tri Tâm" (Quý ở tấm lòng hiểu biết),tiểu thư kế tiếp nói: "Tâm Cao Hơn Trời."

"Cao Cao Tại Thượng"

"Thượng Trí Hạ Ngu" (Trên thông minh, dưới ngu ngốc)

"Ngu Muội Bất Kham" (Ngu không chịu nổi)

Đến Vân Khanh chính là chữ ‘Kham’. Cũng không biết có phải những tiểu thư cố tình thử bản lĩnh của nàng hay vì điều gì khác mà ai nấy đều nói ra thành ngữ không phải là dạng thường dùng, tuyển chọn sử dụng các câu từ lạ.

An Tuyết Oánh ngồi bên cạnh Vân Khanh nghe được chữ ‘Kham’ cũng có chút sốt ruột vì thành ngữ có từ này không dễ để nối tiếp. Không chỉ An Tuyết Oánh mà các tiểu thư khác cũng cảm thấy có chút không dễ tiếp nên nhìn Vân Khanh chờ đợi.

Chỉ thấy nàng nhẹ nhàng cười, nhìn tiểu thư của An Thuận Hầu bên cạnh nói: "Chữ "Kham" này thật đúng là không dễ tiếp..." Vân Khanh ngập ngừng nói sau đó ánh mắt nhìn về hướng Cổ Thần Tư "Cũng may ta nhớ tới một câu thành ngữ: Kham Dĩ Cáo Úy (đáng để thoải mái),không biết có đúng hay không?"

‘Kham’ đứng trong đầu câu thành ngữ không nhiều nên những tiểu thư không biết đáp án đều nhìn Vân Khanh với cặp mắt khác xưa. An Tuyết Oánh cũng biết câu thành ngữ này đã sớm chuẩn bị kỹ càng nói tiếp: "Úy Tình Thắng Vô" (có còn hơn không).

Lâm Chân có chút không vui nhìn thoáng qua Cổ Thần Tư rồi cố ý lớn tiếng nói: "Vô Chốn Tự Dung!" (Xấu hổ vô cùng, không chốn dung thân) làm cho sắc mặt của Cổ Thần Tư lại càng thêm khó chịu. Sau hai vòng chơi phát hiện cơ bản là không thể làm khó được Vân Khanh vì thế nàng ta nhìn sang bờ hồ bên kia nói với mọi người: "Các vị nhìn xem, các vị thế gia công tử đã ở bờ bên kia. Không bằng chúng ta viết thơ ca rồi mời bọn họ đến bình luận, như thế cũng có vẻ công bằng lại còn có thể chọn ra bài thơ của ai hay nhất.”

Đề nghị này vừa nói ra liền được các tiểu thư ủng hộ ngay. Phải biết rằng các nàng đều là vị thành niên đang ở đúng độ tuổi tươi đẹp mà ngày thường ít có cơ hội thể hiện tài năng trước mặt nam tử mình thích cho nên Cổ Thần Tư vừa đề suất như vậy cũng là dịp để bọn họ có cơ hội biểu hiện một chút. Dù sao ngồi ở đây cũng chỉ có thể chờ đợi mà các tiểu thư thiên kim thì có thể làm quen trong các tiệc trà khác nên dịp tốt như thế này đương nhiên là sẽ không từ chối.

Cổ Thần Tư phân phó ma ma bên người qua nhà Thủy Tạ bên kia chuyển lời: "Bên kia đành nhờ Tam hoàng tử điện hạ chủ trì cuộc bình luận thơ ca này rồi."

Nàng vừa nói như vậy, sắc mặt của các tiểu thư cũng có chút thay đổi. Cổ Thứ Phụ và Tam Hoàng Tử của nhà Ngụy quý phi là bà con, Cổ Thần Tư cùng Tam Hoàng Tử đương nhiên cũng có quan hệ thân cận. Tam Hoàng Tử làm trưởng tử của Minh Đế thì việc chủ trì các cuộc thơ ca tỷ thí như vậy cũng rất bình thường, nhưng ở đây có vài tiểu thư không thuộc phe của Tam Hoàng Tử, đối với sự ủng hộ của gia đình mình hoặc nhiều hoặc ít đều có chút hiểu biết mà giờ phút này để cho Tam Hoàng Tử làm chủ trì cũng làm cho người ta cảm thấy có chút khác thường.

Đương nhiên những suy nghĩ như vậy cũng chỉ để ở trong lòng, dù sao ở mặt ngoài các gia đình cũng sẽ không xung đột trực diện nên khi cần cười thì vẫn phải cười, nên nói thì không chút sai lầm và hầu hết các nàng vẫn nghĩ đợi lát nữa phải biểu hiện thật tốt để có thể hấp dẫn tầm mắt của các công tử xuất sắc chưa có hôn phối.

Vân Khanh thì không có chút tâm tư suy nghĩ nào như bọn họ mà chỉ muốn ngồi ở đây cùng An Tuyết Oánh là được rồi.

Một lúc sau vị ma ma đi truyền lời trở về hồi báo các công tử đã đáp ứng, cùng tổ chức một hội thơ hữu nghị.

Cổ Thần Tư gật gật đầu trong sự chờ đợi của các thiếu nữ nói ra đề mục: "Hôm nay đúng là tiết trời cuối thu, bên bờ Phi Tinh Trì tổ chức hội hoa cúc cũng vừa chấm dứt không lâu vậy lấy "Hoa Cúc" làm chủ đề đi. Mỗi người sáng tác một bài thơ rồi nộp lại cho ta."

Hoa cúc.

Vân Khanh cũng dự đoán được đề mục mà Cổ Thần Tư sẽ ra như vậy, quay đầu nói với An Tuyết Oánh: "Ngươi nghĩ ra chưa?"

So với Vân Khanh có chút tùy ý thì An Tuyết Oánh lại rất nghiêm túc. Sau khi nghe được đề mục nàng nhìn về phương xa nhớ lại cảnh tượng ngày ấy cùng Vân Khanh đi thưởng cúc.

Hoa cúc cũng không xem như chủ đề thơ ca mới mẻ, muốn làm thơ không khó nhưng mấu chốt là phải thể hiện được sự khác biệt với mọi người, có thể trổ hết tài năng thơ ca của mình. Mai Dư hơi nhíu mi, tinh tế tạo hình từng câu chữ.

Lâm Chân thì hơi nhăn mặt vì từ xưa đến nay nàng không có hứng thú gì đối với thơ ca. Sau hơn nửa khắc linh cảm đã cạn kiệt đành nghĩ hết sức làm một bài thơ có chút dễ nghe, chỉ mong không quá kém cỏi là tốt rồi.

Trước đó đã có cung nhân đưa tới giấy mực bày ở trước mặt các vị tiểu thư. Vân Khanh suy nghĩ một lúc, thấy các tiểu thư khác cũng bắt đầu rộn ràng đi lên nộp thơ thì bắt đầu cầm bút viết rồi đợi khi mực khô nộp cùng với An Tuyết Oánh.

Cổ Thần Tư xem tốc độ của Vân Khanh cũng không nhanh, khi cầm bút thì lông mày hơi nhíu lại có vẻ như rất khó khăn nên tiện tay lấy thơ ca Vân Khanh làm ra đọc trước, sau đó ánh mắt nàng chuyển biến thật nhanh.

《 Vấn Cúc *》(Hỏi Cúc)

Dục tín Thu tình chúng mặc tri,

Thì thào phản thủ khấu Đông Ly,

Cô tiêu ngạo thế giai ai ẩn?

Nhất dạng khai hoa vì tận trễ?

Vườn lộ đình sương hà tịch mịch?

Hồng hồi cung bệnh khả tương tư?

Hưu ngôn cử thế vô đàm giả,

Giải ngữ hà e ngôn phiến thời.

Tạm dịch: (của riêng editor)

Tình thu nhanh đến người không biết

Thì thào trở tay gõ Đông Ly (hình như một dạng vườn cúc >"<)

Ngạo thế cao khiết cùng ai ẩn?

Cùng mùa hoa nở sao cúc lại muộn màng?

Đình vườn đẫm sương có bao cô độc?

Chim về tổ dế đổ bệnh có phải vì tương tư?

Nhàn thoại cả thế gian có thể cùng ai nói

Người tri âm không e ngại lời đàm tiếu

*Trích trong Hồng Lâu Mộng, hồi thứ 38.

So với bài thơ này thì thơ của nàng ta căn bản không được coi là cái gì. Hôm nay nàng ta vốn là muốn trong cuộc thi này đem mặt mũi tài nữ của mình vãn hồi nên mới đưa ra chủ ý làm thơ, nhưng cứ như vậ thì ngược lại càng nâng cao địa vị của Thẩm Vân Khanh. Điều này quả thật khiến nàng ta cảm thấy không thoải mái.

Nàng ta suy nghĩ một hồi rồi cúi đầu phân phó ma ma bên người mấy câu, sau đó lại đứng lên xem còn bao nhiêu vị tiểu thư chưa hoàn thành bài thơ.

Vân Khanh bưng một ly trà mật hoa mới pha lên khẽ nhấp một ngụm làm như không nhìn thấy động tác của Cổ Thần Tư, ánh mắt nhìn sang gian Thủy Tạ ở phía đối diện.

Thái Cực Trì rất rộng lớn, nhìn vào giữa hai gian Thủy Tạ có thể mơ hồ nhận ra dáng người trong đó có một thân ảnh màu trắng, ngọc thụ lâm phong như viên minh châu ẩn trong đám ngọc thạch làm cho người khác chỉ cần liếc mắt một cái cũng có thể nhận thấy sự khác biệt.

Nhưng nguyên nhân khiến Vân Khanh quay đầu không phải bởi vì Ngự Phượng Đàn. Trong nháy mắt vừa rồi nàng cảm nhận được có một ánh mắt xa lạ nhìn nàng. Từ sau khi nàng được trọng sinh thì rất nhạy cảm đối với các ánh mắt. Loại cảm giác bị nhìn chằm chằm vừa không triền miên giống Ngự Phượng Đàn, cũng không lạnh lẽo như Tứ Hoàng Tử lại làm cho nàng cảm thấy không thoải mái. Mà khi nàng quay đầu nhìn lại tầm mắt kia liền biến mất không thấy, dường như chưa bao giờ tồn tại vậy