Sau khi thu hoạch đậu tương, lại xới đất bừa đất xong thì gieo hạt củ cải. Mỗi ngày Khuyển Tử đều đặn tưới nước làm cỏ, chăm bón tỉ mỉ, mấy ngày sau mầm cải lít nhít mọc lên xanh biếc. Khuyển Tử xách giỏ trúc đi nhổ hết những cây mầm xấu cho vào giỏ, chỉ để lại nhưng cây phát triển tốt. Mầm củ cải hái về tươi non ăn ngon lắm, nhặt rễ rồi mang đi rửa sạch, thái nhỏ xong trộn bột, nướng thành bánh rau cải, ăn cùng với cháo là ngon hết nấc.
Mẹ Lưu là một người phụ nữ khéo tay, bà hay dành thời gian cho việc nấu nướng, thường chế biến nhiều món ăn ngon từ những nguyên liệu đơn giản, sơ sài.
Hàng ngày Khuyển Tử tưới nước, làm cỏ, bắt sâu, chăm chút cẩn thận cho mảnh ruộng cải củ này.
Còn ruộng khoai sọ nó chỉ cần nhổ cỏ rồi trồng ở ven sông, bên đó phù sa tốt cũng không cần phải tưới nhiều. Khoai sọ lớn chậm, chỉ có thể thu hoạch vào mùa thu. Lương thực nhà trồng tất nhiên không đủ ăn, nhưng may là Khuyển Tử biết bắt cá săn thú, cũng biết gồng gánh đi vào huyện thành bán đồ khô. Thêm cả mẹ Lưu dệt vải kiếm tiền, từ đó cuộc sống của hai mẹ con ở Trúc lý ổn định dần, không phải chịu cảnh được bữa nay lo bữa mai nữa.
Gần đây Khuyển Tử phơi không ít măng khô, có thể mang đi bán. Như thường ngày trời vừa tảng sáng là Khuyển Tử bắt đầu quẩy gánh đi vào huyện lị. Một đầu đòn gánh là một cái giỏ trúc, còn một đầu có treo cá muối phơi khô. Trong giỏ trúc là măng khô mang đi bán, còn cá muối thì để mang cho người.
Sau khi bán măng xong thì đã là đầu chiều.
Khuyển Tử gánh cái giỏ không đến Lai lý, tới nhà lão Đoàn. Trước cửa nhà lão Đoàn có một cô bé đang cho gà ăn, đó chính là Đoàn Tư con gái lão Đoàn. Đoàn Tư thấy Khuyển Tử thì vui vẻ chào hỏi:
“A Hoằng huynh, hôm qua cha mới vừa nhắc không biết bao giờ huynh đến.”
“Chào Tiểu Tư, sư phụ huynh đâu rồi?”
“Cha đang bổ củi ở đằng sau ạ.”
Khuyển Tử đặt đòn gánh xuống, tháo cá khô đang treo trên đó ra đưa cho Đoàn Tư. Cô bé xách cá trong tay, thích chí cất bước đi về phía nhà bếp. Nhà Đoàn Quảng Tông nghèo khó, hễ là đồ ăn Đoàn Tư sẽ rất quý trọng.
“A Hoằng huynh khát không, uống nước nhé.”
Đoàn Tư bưng một gáo nước đi ra cho Khuyển Tử uống.
Khuyển Tử đi cả buổi vất vả mệt mỏi, mồ hôi rồi bụi bặm trên mặt có thể cọ ra thành tảng. Khuyển Tử đi đến dòng suối nhỏ trước nhà lão Đoàn, vốc nước lên rửa mặt mũi với chân tay, rồi buộc lại mái tóc rối. Đoàn Tư đứng một bên đưa cho Khuyển Tử tấm vải bố để lau mặt.
Đoàn Quảng Tông đã nghe thấy tiếng trò chuyện từ lâu, biết là Khuyển Tử đến thì hắn ta vào nhà lấy bộ cung tên ra, đứng dưới gốc cây đào già chờ Khuyển Tử.
Cây đào già trong sân nhà lão Đoàn có treo một tấm bia ngắm. Cả tấm bia lẫn cây đào đều chằng chịt vết tích do mũi tên tàn phá. Cây đào số khổ, thân cành vẫn còn tươi tốt, hơn nữa đầu cành còn sai trĩu quả.
Khuyển Tử chắp cung đứng cách xa bia ngắm, nó mới vừa giương cung lên còn chưa ngắm bắn lão Đoàn đã vụt vào tay nó: “Đứng lùi ra sau.” Khuyển Tử nghe lời lùi lại chục bước. Lão Đoàn vẫn nói: “Lùi nữa đi.”
Cho đến khi Khuyển Tử lùi đến bên bờ suối, không còn đường để lùi nữa thì lão Đoàn mới hô: “Bắn.”
Đoàn Tư ngồi trên thềm đá trước cửa, trong tay cầm một trái lê, bên người là một giỏ lê đầy ắp. Cô bé vui vẻ ăn, cũng chẳng thấy xa lạ gì với những mũi tên bay vùn vụt kia.
“Vút.” Một mũi tên bay thẳng cắm phập vào bia ngắm.
“Rộp”, Đoàn Tư cắn một miếng lê, nước quả trong suốt ứa ra.
Đoàn Tư mặc trên người bộ quần áo của người lớn, rộng thùng thình, là một bộ quần áo cũ. Đoàn Tư mặt mày thanh tú, không giống lão Đoàn tướng mạo thô lỗ, cô bé giống vơ lão Đoàn.
“Vùn vụt”, thỉnh thoảng có mũi tên bay qua trước mặt, Đoàn Tư nhìn chăm chú vào bia ngắm, thầm đếm trong lòng. Chờ Khuyển Tử bắn hết tên trong bao xong, cùng lão Đoàn đi qua đây, Đoàn Tư gặm sạch quả lê chìa ngón tay chỉ: “A Hoằng huynh bắn trượt hai mũi.”
Khuyển Tử gật đầu, nhận lấy một trái lê to, lấy quần áo lau qua rồi cắn một miếng lớn. Đoàn Tư cũng đưa cho Đoàn Quảng Tông một trái: “Cha ăn đi ạ.”
Lão Đoàn nhận lấy trái lê, ngồi xuống bên cạnh cô bé, cha cùng con gái ngồi bên nhau ăn hoa quả.
Khuyển Tử ngồi ở bậc dưới ăn vèo cái hết trái lê. Nó đến trước bia ngắm rút mũi tên ra cất lại. Trên bia ngắm cắm chi chít tên, khoảng chục mũi. Khuyển Tử ngước đầu nhìn mặt trời đang ngả dần về Tây.
“Sư phụ, con phải về rồi.”
“Nhóc con chờ đã, ta đi lấy đồ này cho cậu.”
Lão Đoàn vào nhà lấy ra một thanh đao đầu vòng, thân đao màu lam, chuôi đao bằng gỗ đã sờn đến không còn nhìn ra màu sắc ban đầu, lưỡi đao cũng loang lổ rỉ sét.
“Sư phụ tịch thu thanh đao cũ từ một tên cướp, cậu thử dùng xem.”
Lão Đoàn quẳng đao cho Khuyển Tử, Khuyển Tử ngạc nhiên mừng rỡ nhận lấy.
“Tạ ơn sư phụ.”
Khuyển Tử cầm đao đầu vòng vung múa, cảm thấy khá nặng tay, khác hẳn với trước kia nó tập bằng đao gỗ. So với thanh đao này, đúng là đao gỗ chỉ là đồ chơi cho trẻ con.
Khuyển Tử vung thanh trường đao, thực hiện các động tác đâm chém, khi nó múa đao cũng ra hình ra dạng, như một người đã học lâu năm. Lão Đoàn khoanh tay đứng một bên xem. Liên tục gật gù.
Trên đường về nhà Khuyển Tử, lão Đoàn cưỡi ngựa đưa nó về, một đường phi nước đại dưới ánh chiều tà. Nhìn bóng lưng dày rộng của lão Đoàn, Khuyển Tử có ảo giác là cha đang dẫn nó cưỡi ngựa. Mặt trời lặn phía chân trời đỏ như màu máu, một lớn một nhỏ cùng cưỡi trên lưng một con ngựa đi về Trúc lý.
Mỗi lần Khuyển Tử đi đến huyện thành bán cá khô hay măng khô cũng đều đến nhà lão Đoàn tập võ. Nếu trời đã quá muộn lão Đoàn sẽ cưỡi ngựa đưa cậu học trò tâm đắc này đến con đường ngoài Trúc lý.
Khuyển Tử vác trên lưng một thanh đao đầu vòng về nhà, mẹ Lưu biết nó tập võ với Đoàn du kiếu ở Lai lý, bà cũng không phản đối, chỉ dặn nó đừng bỏ bê ruộng vườn.
“Vâng ạ, mẹ yên tâm.”
“Hôm nay cậu ba nhà họ Trang đến tìm con, con qua đó chút hỏi xem có chuyện gì.”
“Vâng.”
Khuyển Tử vội vã uống bát cháo xong chạy sang nhà họ Trang.
Mấy ngày nay nó vẫn đưa cá sang nhà họ, qua lại ngày càng thân thiết. Không biết hôm nay A Bình tìm nó có việc gì.
Đến sân nhà họ Trang, vừa mới qua cửa đã thấy Trang Lan chạy từ trong nhà ra, chạy trước con bé là Măng. Con bé gọi lớn: “Măng thối, không được chạy, trả khung thêu lại đây.”
Khi Trang Lan chạy còn nghe tiếng lục lạc kêu lanh lảnh, trên thắt lưng của nàng có treo một đôi lục lạc.
Vừa hay Khuyển Tử chặn trước đường chạy của Măng, nó một tay xốc Măng lên lấy lại khung thêu bị gấu nhỏ cắn trong miệng ra đưa cho Trang Lan.
“A Hoằng huynh đến rồi!” Trang Lan thấy Khuyển Tử thì vui lắm.
“Ừ, mẹ huynh bảo nay A Bình đến tìm, huynh tới xem một chút.”
“A Bình thì có chuyện gì quan trọng chứ, chắc chắn là muốn tìm huynh chơi cờ thôi.”
A Bình thích đánh cờ, nhưng chỉ chơi được với Khuyển Tử.
Măng giãy giụa trong tay Khuyển Tử. Khuyển Tử thấy con gấu nặng hơn rất nhiều, nó ngồi xổm xuống thả Măng xuống đất.
“Ăn măng trúc thôi mà cũng béo tròn như này được.”
Cảm thấy Măng không chỉ lớn gấp đôi so với lần đầu tiên nó gặp, lớn rất nhanh, lại còn béo ú.
“Huynh trưởng bảo đến mùa thu Măng sẽ trưởng thành, định mang nó thả lại vào rừng.”
Trang Lan cảm thấy chắc chắn anh trai sẽ không bỏ được, chính con bé thấy cũng không nỡ.
Khuyển Tử xoa cái đầu tròn của Măng, con gấu cho rằng Khuyển Tử muốn chơi cùng, nó lập tức vươn móng ra ôm đùi Khuyển Tử. Con gấu này giỏi nhất là ôm chân người ta, Khuyển Tử vất vả lắm mới thoát khỏi nó, đi lên lầu hai tìm A Bình.
Khuyển Tử lên trên lầu tìm A Bình lại thấy phòng Trang Dương đang sáng đèn. Nó đi qua nhìn một cái, thấy A Bình đang ở phòng Trang Dương.
“Giữ đức vô tư khắp đất trời.
Mong tàn úa vẫn là dài lâu.
Tốt đẹp…”(1)
Trang Dương ngồi trước bàn đang viết gì đó, thỉnh thoảng sẽ xếp xếp que tính. A Bình hai tay đặt trên một cuộn thẻ tre được trải ra, cậu nhóc ngồi bên bàn ngâm thơ. Nó ngâm đến hai chữ “Tốt đẹp” thì dừng lại một hồi, đã quên mất câu thơ rồi.
“Tốt đẹp một lòng…”
Trang Dương nhắc từ, anh ngẩng đầu lên đúng lúc thấy Khuyển Tử đứng ở cửa.
“A Hoằng, đừng đứng ngoài cửa thế, cậu vào đi.”
Lúc này Khuyển Tử mới bước vào phòng, nó ngồi xuống bên cạnh Trang Dương. Nó luôn thích xem Trang Dương viết chữ, mặc dù một chữ bẻ đôi nó cũng không biết gì.
“Hoằng huynh, huynh muốn học chữ không?”
A Bình nhận ra Khuyển Tử có hứng thú với chữ nghĩa.
“Cậu hai, tôi có thể học viết chữ không?”
Khuyển Tử hỏi Trang Dương, tất nhiên nó muốn học chữ rồi, nhưng nó chưa học bao giờ cả. Nó khá hâm mộ những người đọc sách, bởi vì Trang Dương là người rất có học thức.
“Được chứ, học như tụi trẻ học vỡ lòng là được, cứ từ mấy chữ cơ bản sơn thủy điền nhật học lên thôi.” (山水田日)
Trang Dương gật đầu, anh cảm thấy Khuyển Tử rất thông minh, chắc chắn có thể học được.
“Cậu hai, tôi muốn học viết tên của tôi trước.”
“Được, để tôi dạy cậu cầm bút.”
Trang Dương cầm lấy bút lông làm mẫu, xong lại đưa bút cho Khuyển Tử. Khuyển Tử nhận lấy, năm ngón tay lóng ngóng không biết phải cầm thế nào, Trang Dương nghiêng người đến gần, sửa lại động tác của nó. Khuyển Tử ngửi thấy hương thơm thoang thoảng từ quần áo Trang Dương, nó thu lại tâm trí, nghiêm túc lắng nghe Trang Dương dạy bảo.
***
Ngày tháng cứ thế lặng trôi, gia súc nhà Khuyển Tử dần phát triển sinh sản. Sinh đẻ sớm nhất là thỏ, còn chưa vào thu đã sinh ra một ổ thỏ nhỏ trắng hồng. Mẹ Lưu bế thỏ con để Khuyển Tử lấy quần áo cũ rách làm ổ cho đàn thỏ nhỏ, rồi sau đó mẹ Lưu sẽ chăm sóc thỏ con. Hàng ngày bà sẽ ôm thỏ con đến bên thỏ mẹ để ti sữa, đợi ăn no xong sẽ ôm về, tránh thỏ con bị thỏ mẹ không may đè chết, thậm chí xảy ra hiện tượng kinh khủng thỏ mẹ ăn con. Từ khi sinh thỏ con, thỏ mẹ ăn uống rất tốt, hay được ăn đậu tương để có sữa nuôi đàn con.
Mùa thu đến, dê nhà Khuyển Tử cũng sinh hai con dê non, một con trắng thuần một con đen thui, là do phối giống với dê đực có lông đen. Ở bên cạnh dê mẹ lông trắng là hai chú dê con một đen một trắng, đúng là rất thú vị. Thỉnh thoảng Trang Lan sang xem, đút cho dê con ăn cỏ. Thậm chí còn muốn mua dê con lông trắng của Khuyển Tử, A Bình nói con bé: “Nuôi được hai ngày thể nào muội cũng lười dắt nó đi ăn cỏ, đến lúc đấy chẳng phải để nó chết đói ư.” Lúc này Trang Lan mới từ bỏ ý định.
Con lợn nhà Khuyển Tử đẻ ra một đàn sáu con, bởi vì nuôi thả nên mãi Khuyển Tử mới phát hiện ra. Còn con lợn phối thế nào chẳng ai hay biết, cũng không biết là lợn hoang nào ở trong rừng nhanh lẹ. Ở Trúc lý lợn rừng rất hiếm, tất nhiên là trừ tít tận sâu trong rừng.
Lợn mẹ mang đàn lợn con đi khắp nơi kiếm ăn, ở sau nhà ủn đất khắp nơi, Khuyển Tử cảm thấy có lẽ không nuôi nổi. Nó bán cho cha Xuân một con, để nhà nuôi một con, còn lại thì đi mượn cha Xuân cái xe kéo chở đến tiệm nhà họ Ngô bán hết.
Có thể nói là phát tài trong nháy mắt.
Bạch Bạch đã làm mẹ đang nằm nhoài trong hố đất gặm rễ cây, nằm bên cạnh nó là một con lợn con lười biếng vẫy vẫy cái tai lớn, kêu ụt ịt, trông rất giống Bạch Bạch thủa bé.
Đến cuối thu, thiếu niên Khuyển Tử mặc quần áo mùa thu cũ của Trang Dương, nó bận rộn luôn chân luôn tay. Nuôi lợn chăm thỏ, làm ruộng nhổ cỏ, đan lưới mổ cá. Thỉnh thoảng nó dừng tay sẽ nhìn về phía sân nhà họ Trang, có lúc có thể thấy bóng dáng Trang Dương.
Hàng ngày khi trời mới tờ mờ sáng, Trang Dương bị tiếng gà gáy đánh thức, anh khoác áo ra khỏi phòng, đứng trên hành lang trông ra, đều có thể thấy hình bóng Khuyển Tử múa đao trong sân.
Từ ngày thu lá rụng tới trời đông tuyết rơi giá rét, lại đến đầu xuân chim hót hoa thơm.
Trang Dương cứ đứng nhìn trên hành lang như thế, nhìn một thoáng đã qua hai năm, nhìn Khuyển Tử từ một đứa trẻ gầy gò thành một thiếu niên cao lớn mạnh mẽ.
Hết quyển I