Cẩm Thành Mùa Hoa

Chương 22: Đầu hồ*




“Trông kìa trên khuỷu sông Kỳ,

Bờ tre mới mọc xanh rì thướt tha.”

Phu tử Đổng một thân áo bào xanh nhã nhặn sạch sẽ, cầm sách lụa đứng trên bục ngâm tụng thơ cổ, A Bình và A Ly ngồi quỳ ở bàn học, cầm thẻ gỗ đảo đầu học theo.

Qua buổi trưa, toàn bộ tâm tư A Ly không còn đặt trên sách vở, thằng nhóc buồn ngủ, thừa dịp phu tử không chú ý mà lén lút chống cằm lên thẻ gỗ mà gật gù.

A Bình ngồi bên vẫn còn ngay ngắn, nhưng cũng đã thấp thỏm không tập trung, đọc đến “Bờ tre mới mọc xanh rì thướt tha” thì cậu bé ngẩng đầu đưa mắt nhìn rừng trúc ngoài cửa sổ. Trông thấy một chú bướm đậu trên song cửa.

Phu tử Đổng dạy học có một khuyết điểm, ông rất dễ chìm đắm trong thơ ca mà bỏ quên đám học trò của mình. Lúc này ông đang thả hồn vào thơ, sợ rằng trước mắt đang là khuỷu sông Kỳ nước vỗ bờ, tre mọc xanh rì liên miên, tâm trí không biết đã bay đi đâu rồi.

“Có người quân tư tài ba,

Như lo cắt dũa để mà lập thân.

Dồi mài dốc chí siêng cần.”



Con bướm bên song cửa vỗ vỗ cánh nhẹ nhàng bay đi. A Bình thấy nhất định là nó từ vườn hoa cải dầu bay đến, theo làn gió mà bay đến trước mắt thằng bé, mà giờ đây lại theo cơn gió bay đi.

“Xem người thận trọng thêm phần nghiêm trang.

Hiển vinh danh tiếng rỡ ràng…”1

Rốt cuộc phu tử cũng ngẩng đầu lên nhìn học trò một chút, phát hiện đôi mắt A Ly đã sắp híp lại thành một đường.

“A Ly, đứng lên!”

Phát giác bị điểm tên phạt đứng, A Ly không thể làm gì hơn đành bất đắc dĩ đứng dậy, tay cầm thẻ gỗ, dùng giọng điệu bình bình mà đọc theo. A Ly không hiểu mấy câu thơ này có ý nghĩa gì, chỉ cần nhớ là được, phu tử Đổng cũng không bắt buộc quá nhiều.

Thấy A Ly bị phạt đứng, A Bình cũng lấy lại tinh thần, nghiêm túc chăm chú, nghe phu tử giảng giải ý nghĩa bài thơ. A Bình nghĩ, có người quân tử tài ba như này không phải là nói đến anh Trang Dương của nó hay sao.

***

Một buổi chiều nhàn nhã, Trang Lan ở trong phòng mẹ học thêu. Mấy môn thêu thùa may vá này, đối với con bé mà nói thì quá mức cao sâu. Mẹ Trang tao nhã thêu hoa trước giá thêu, Trang Lan nâng khung thêu, cầm kim đâm qua đâm lại, rõ ràng là phác một đóa hoa, vậy mà lại thêu xiên xiên xẹo xẹo không thành cái gì. “A.” Khẽ hô một tiếng, ngẩng đầu nhìn mẹ còn đang chăm chú thêu. Trang Lan hút khí, ngậm đầu ngón tay vào trong miệng, cô bé chẳng may đâm kim vào ngón trỏ.

Mẹ Trang không có sở thích thường ngày nào, lúc có tinh thần thì sẽ đóng giày, may quần áo cho tụi nhỏ. Mẹ Trang dịu dàng ít nói, sinh mấy cậu con trai tính tình cũng giống bà, chỉ có Trang Lan là không giống cha mẹ, nghĩ kỹ một chút, có vẻ giống chú của con bé. Đó là một người khiến người ta vô cùng đau đầu.

Cúi đầu mút giọt máu trên đầu ngón tay, Trang Lan buồn bã, cầm kim thêu mà khổ não nghĩ đến phải bị kim đâm bao nhiêu vết mới có thể luyện thành kỹ năng thành thục như mẹ, thêu ra được một đóa hoa xinh đẹp. Nghĩ đến lại khiến người ta khổ sở và tuyệt vọng.

“Ra ngoài chơi đi, đừng chạy xa đó.”

Mẹ Trang ngẩng đầu nhìn vào mắt cô con gái, thấy con bé sầu khổ nghiêm mặt, cũng hiểu nếu nhốt con bé ngồi yên trong phòng thì chẳng khác nào giam nó ngồi trong tù. Nghe thấy mẹ nói vậy, trong nháy mắt Trang Lan toét miệng cười, cao hứng mà hứa: “Con sẽ không chạy lung tung đâu mẹ!” Quăng khung thêu sang một bên rồi ngay lập tức chạy ùa ra khỏi phòng như một cơn gió.

Mẹ Trang bất đắc dĩ lắc đầu, tuy bà hay trách cứ Trang Lan, nhưng bà vẫn rất thương con cái. Nghĩ thầm, nếu đúng như lời Trang Dương từng nói, tính cách đã như vậy thì cũng chẳng ép buộc được gì, sau này lớn lên cố cho nàng nhiều của hồi môn một chút, để tránh bị nhà chồng ghét bỏ.

Trang Lan chạy như bay ra ngoài sân, đắm chìm dưới ánh mặt trời, con bé vươn vai, thấy mọi thứ vẫn tốt đẹp như cũ.Trong sân chỉ có A Hà đang nhấc đám gà con trong lồng ra rồi để vào giỏ trúc. Đàn gà con lông vàng đáng yêu lúc trước giờ đã mọc ra lớp lông màu nâu xám, cái đầu lớn gấp đôi. Trang Lan chống cằm ngồi xổm một bên xem. Con bé sợ mấy động vật nhỏ nhỏ lại còn lông tơ, thấy tò mò nhưng cũng không dám sờ. Đàn gà con chiêm chiếp kêu vang, A Hà bắt từng con từng con, không trượt phát nào, mang chúng nó chuyển hết sang giỏ trúc.

“Định bắt tụi nó đi đâu ạ?”

“Mang thả ra nuôi sau nhà.”

“A.”

Trang Lan không định đi theo, cô bé biết gà con mà mang ra sau nhà nuôi thả, qua mấy ngày là đều lớn hết. Vẫn là gà con lông vàng đáng yêu nhất, nhưng thịt chúng nó đúng là ăn rất ngon. Ăn thật nhiều thật nhiều cám như vậy, tự nhiên là nhanh lớn lên cho nhà họ ăn.

A Hà xách giỏ đựng gà ra sau nhà. Còn Trang Lan lại đi đến bụi hoa sơn trà, cô bé biết sau buổi trưa anh trai thường hay đi dạo bên bờ ao.

Quả nhiên, từ xa đã nhìn thấy Măng lúc lắc bên bờ ao, rồi ngay sau đó là thấy anh trai đang ở phía sau bụi hoa sơn trà.

Bên cạnh ao Trang Dương đang trải chiếu ngồi, còn bày ra một tấm án thư, anh cúi đầu viết viết gì đó, hết sức chuyên chú.

Đột nhiên Trang Lan không muốn đi quấy rầy anh nữa, cô bé đứng nhìn từ xa rồi lặng lẽ rời đi.

Trang Lan ra khỏi sân, dọc theo đường đá đi đến bên bờ sông. Mẹ Trang dặn con bé không được phép chạy đi chơi xa nên con bé vẫn chơi ở lân cận.

Cô bé hái một bông hoa bìm bịp màu lam ở ven đường, gài lên tai. Thích thú chạy qua cầu gỗ đi tìm Khuyển Tử.

Khuyển Tử đang ở ngoài nhà đan lồng thỏ, nó bện một cái lồng thô sơ đơn giản, dùng thanh trúc làm đế lót, rồi lại đan rào dần lên, vuông vức, có thể chứa thỏ và cả rau cỏ cho thỏ, đồng thời còn có cả cái nắp. Nhìn như một cái hòm trúc.

Lúc Trang Lan sang tới nơi, Khuyển Tử đã đan xong lồng thỏ, đang cho thỏ dời ổ.

“A Hoằng huynh, thỏ con ở đâu ra thế này.”

Lần đầu tiên Trang Lan thấy hai con thỏ trắng nhỏ, vô cùng ngạc nhiên mừng rỡ.

“Mua.”

Khuyển Tử xách tai thỏ, chuyển con thỏ trắng lông xù từ giỏ trúc vào lồng.

“Muội sờ nó có được không?”

“Được.”

Trang Lan nhanh chóng vươn tay vuốt lưng thỏ trắng nhỏ, mềm mại, con thỏ con thật là nhỏ, chỉ lớn bằng lòng bàn tay Trang Lan.

“A Hoằng huynh, muội đi nhổ cỏ cho thỏ con ăn nhé.”

Trang Lan hứng chí bừng bừng chạy vào bụi cỏ rồi bắt đầu nhổ cỏ. Con bé nhổ bừa nhổ bịt mấy nhánh cỏ, rất nhanh đã nhổ được một nắm cỏ dại. Khuyển Tử kiểm tra nắm cỏ dại đó, đều là cỏ mà thỏ con ăn được.

“Mi đã từng cho thỏ ăn à?”

“Vâng, trước trong nhà có nuôi, nhưng mà đều là thỏ rất to, to chừng này này.”

Dẫu sao sinh sống ở nông thôn, Trang Lan đã gặp rất nhiều loài vật.

Trang Lan cho cỏ vào lồng, hai chú thỏ trắng thấy cỏ thì có vẻ rất thích chí nhảy nhót, ăn không ngừng. Trang Lan ngồi xổm một bên nhìn.

“A Hoằng huynh này, sau này hàng ngày muội đều sang cho thỏ ăn có được không?”

“Được.”

Khuyển Tử nhớ không phải con bé thường hay chạy sang xem lợn nhỏ đó sao, dường như là ngày nào cũng chạy sang bờ Tây vậy.

Đến bờ Tây không chỉ có Trang Lan. Buổi chiều ngày hôm đó, phu tử Đổng dạy xong rồi rời khỏi nhà họ Trương thì A Bình và A Ly lập tức chạy ra ven hồ, hai đứa thi nhau chạy. Chạy qua cầu gỗ, sang tới bờ Tây, từ xa gọi vọng lại: “Hoằng huynh.”

Khuyển Tử khi thì ở sân nhà họ Trang dạy tụi nó luyện bắn cung, lúc thì lại ở bờ Tây.

Bờ Tây rộng rãi, lúc luyện bắn cung Khuyển Tử cầm đến một cái bình sứ đặt dưới đất, còn phòng ngừa nếu tên bắn vào bình còn nhảy ra, Khuyển Tử còn đổ thêm cát vào bình. Tụi A Bình thi bắn, xem ai bắn vào bình nhiều tên nhất thì người đấy giành chiến thắng. Có lần Trang Dương nhìn thấy, cười nói đây là đầu hồ, còn hỏi là ai nghĩ ra được.

Tụi nhỏ thi bắn cung, người lớn thì đến vây xem, vô cùng náo nhiệt.

Trong ba đứa, A Ly là bắn tốt nhất, xong đến Trang Lan, cuối cùng là A Bình.

Tụi nó đứng cách mười bước chân bắn tên vào bình, A Ly bắn mười mũi thì trúng năm, coi như là rất tốt.

Bọn nhỏ rút tên của riêng mình từ trong bình ra, đứng một bên kiểm kê, A Ly vui mừng reo lên: “Ta nhiều nhất, mấy đứa kém ta rồi.” Trang Lan nói: “Hừm mi không sánh bằng A Hoằng huynh.”

“Nghe nói đứa bé này bách phát bách trúng.”

“Đúng thế, A Hoằng, mau bắn một tên xem nào.”

Quần chúng vây xem mồm năm miệng mười. Ở nông thôn không có thú vui giải trí gì, người đến xem đa phần là người hầu của hai nhà Trang Trương.

Khuyển Tử nghe mọi người xôn xao, cũng không định biểu diễn gì, nó không thích khoe khoang.

Đến khi mọi người tản đi, bên bờ Tây chỉ còn lại mình nó. Lúc này nó mới căn từ chỗ bình gốm, đi ra cách ba mươi bước rồi sau đó giương cung bắn tên, tên bay từng mũi từng mũi lọt vào bình, không chệch một tên.

Mẹ Lưu đã từng dặn dò Khuyển Tử, đừng nên khoe tài trước mặt người khác. Nghĩ đến thời này đang binh hoang mã loạn, nếu bắn cung giỏi, chỉ sợ sẽ phải bắt buộc phải ra chiến trường. Những ưu tư như vậy cũng không phải là không có lý.

Nhưng với chuyện năng lực như vậy thì rất khó mà che giấu, không lâu sau chuyện con trai nhà họ Lưu ở bờ Tây là một tay bắn cung thành thần trong Trúc lý không ai là không biết. Sau khi nổi danh, cũng có chỗ tốt, mấy đứa trẻ ngỗ nghịch kia cũng không còn dám trêu chọc Khuyển Tử nữa. Nhất là đám A Đề, A Quý từ bờ bên kia, thấy Khuyển Tử là nơm nớp lo sợ, rất sợ nó đột nhiên trả thù, bắn một mũi tên là mạng tụi nó theo xuống hoàng tuyền mất thôi.

Những tháng ngày an lành yên tĩnh trôi qua nhanh từng ngày.

Hàng ngày Khuyển Tử làm ruộng, săn thú, bắt cá, dựa vào kỹ năng, không phải chịu cảnh đói bụng nữa.

Trước nhà phơi đầy cá khô, càng ngày càng nhiều.

Khuyển Tử tháo hai xâu xuống, bỏ vào giỏ trúc, khoảng chừng hai mươi con cá. Mẹ Lưu cầm một tấm vải cũ đậy giỏ trúc lại, dặn dò Khuyển Tử: “Con đừng đi ngang qua thôn, đi đường nhỏ bên cạnh nhé.”

Mẹ Lưu sợ Khuyển Tử lần này đi sang Phong hương* sẽ gặp bác dâu hoặc là anh họ nó rồi lại ẩu đả. Khuyển Tử đeo cung tên trên lưng đi ra ngoài, bà cũng không sợ Khuyển Tử bị người bắt nạt, mà ngược lại sợ nó bắn người ta bị thương.

Khuyển Tử lên tiếng đáp một câu vâng, xách giỏ trúc lên, cất một cái bánh đậu rồi lên đường. Nó phải đi Phong Hồ thăm chú Vương, đi cũng phải mất một canh giờ.

Phong Hồ bốn phía hoang vu, trừ chú Vương què ra thì cũng không có ai khác, đều sống ở Phong hương hết cả.

Thiếu niên Khuyển Tử đi rất khỏe, một đường đi không ngừng nghỉ đến Phong Hồ, xa xa thấy một căn nhà gỗ qua đám cỏ dại. Khuyển Tử đi đến trước căn nhà, thấy cửa nhà đóng chặt, nó đứng ngoài cửa gọi: “Vương thúc.” Bên trong nhà gỗ không có ai đáp lại.

Khuyển Tử đẩy cánh cửa ra, quả nhiên trong nhà không một bóng người, có điều nồi trên bếp vẫn còn nóng, mở nắp nồi ra thì là nước nóng, trong nồi không nấu bất kỳ món gì. Đặt giỏ trúc trong nhà, Khuyển Tử đóng cửa lại. Nó đến Phong Hồ tìm chú Vương què, đi về phía mà chú ấy thường hay đi săn bắn thủy cầm.

Quả nhiên thấy một bóng dáng cao gầy quen thuộc ở ven hồ, Khuyển Tử vui mừng gọi to: “Vương thúc!”

Chú Vương què nghe thấy tiếng thì quay đầu lại, chống gậy bước nhanh đến, kích động gọi: “Khuyển Tử đó à?”

Khuyển Tử chạy tới dừng lại bên cạnh chú Vương què, vui tươi hớn hở.

“Thằng nhóc này, ta nghe nói con chuyển đến Trúc lý ở, còn định đi thăm con đây.”

“Nhưng ta lại đi đứng không tiện, không tồi, thằng nhóc nhà con còn nhớ đến ta.”

Chú Vương què mặt đầy râu lún phún, khuôn mặt gầy gò, quần áo trên người dơ bẩn, hắn ta vươn tay vỗ vỗ đầu Khuyển Tử.

“Vương thúc, người xem cung của con này.”

Khuyển Tử cười nói, tháo cung tên xuống, đưa cho chú Vương què xem.

“Khá lắm, là một cây cung thật tốt. Nhớ năm đó Vương thúc con cầm một cây Phách Vương Cung, hai tên đàn ông cũng không kéo nổi.”



Chú Vương què cảm khái, sâu sắc cảm thấy vận mệnh thăng trầm. Hắn ta trả lại cung tên, nhìn Khuyển Tử, vui mừng yên tâm cười.