Cảm Ơn Ký Ức

Chương 8




Tôi gọi một chiếc taxi, chỉ cho người tài xế thấy ông già "bảnh bao" đang đi lắc lư trên đường giống như mấy anh chàng thủy thủ say rượu. Giống như một con cá hói, ông bơi ngược dòng, cố luồn lách trong đám đông đang đi ngược chiều. Ông làm như vậy mà không để ý đến sự lạ lùng của mình so với những người xung quanh.

Nhìn ông, tôi nhớ lại những câu chuyện mà ông đã kể cho tôi nghe khi tôi còn bé.

Ông khiến tôi nhớ đến chuyện cây sồi khổng lồ của người hàng xóm, hiện bóng lờ mờ lên bức tường sân vườn nhà chúng tôi, rụng quả xuống khắp mặt cỏ.

Những cơn gió lớn thổi nhánh cây sồi khổng lồ đung đưa qua lại, tạo ra những tiếng sột soạt, cũng giống như bố tôi, giống như những con ky trong trò chơi bowling. Cả hai đều không bị ngã dưới sức gió.

Ông khiến tôi nhớ đến cả câu chuyện về chú cá hồi. Cá hồi bơi ngược dòng nên nó có thể học được kiến thức của cả thế giới. Những ai ăn thịt cá hồi cũng sẽ có được những kiến thức đó. Nhà thơ Finneces bỏ ra bảy năm trời câu cá hồi và khi ông câu dính con cá, ông hướng dẫn người học việc chiên cá lên. Mỡ nóng văng ra từ chảo dính vào tay, Fionn lập tức ngậm ngón tay để bớt đau.

Làm như vậy, tự dưng anh ta có được những kiến thức lạ thường và sự thông thái. Trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, khi ông không biết làm cách nào, ông lại ngậm ngón tay và thế là lại có kiến thức.

Ông kể cho tôi nghe những chuyện nửa thực nửa hư như thế từ cái ngày tôi còn ngậm ngón tay và ông còn khỏe như cây sồi. Chúng tôi như không có ý niệm gì về thời gian. Chúng tôi cùng nhau trò chuyện trong sân vườn, dưới tán liễu rủ nơi tôi thường hay trốn ông và cũng là nơi ông thường tìm thấy tôi. Ngày đó, chúng tôi còn ba người:

bố, mẹ và tôi. Ngày đó, cả ba chúng tôi còn tìm thấy nhau trên cõi đời này.

Tôi cười khi nhìn con cá hồi vĩ đại nhất của tôi đang lội ngược dòng. Bố nhìn lên, thấy tôi, đưa hai ngón tay lên và tiếp tục bước đi.

"Bố", tôi gọi từ cửa xe, "Thôi, lên xe nào".

Ông phớt lờ tôi, cầm điếu thuốc đưa lên miệng, hít một hơi thật mạnh và dài đến nổi hai cái má hóp xuống.

"Bố, đừng làm như vậy nữa. Lên xe chúng ta đi về khách sạn".

Ông tiếp tục bước đi, nhìn thẳng về phía trước đầy bướng bỉnh. Tôi đã thấy gương mặt như thế nhiều lần trước đây, khi ông tranh cãi với mẹ vì việc đi quán rượu quá thường xuyên và hay về trễ, tranh cãi với những người bạn trong Câu lạc bộ thứ Hai về tình hình chính trị, tranh cãi tại nhà hàng khi miếng bít tết của ông không được nướng chín đen như ông muốn. Thái độ "tôi đúng anh sai" làm cái cằm ông đưa ra như tỏ thái độ thách thức. Một cái cằm phản đối, một cái đầu bồn chồn lo lắng.

"Chúng ta không nói chuyện cũng được. Bố có thể phớt lờ con khi ở trong xe. Và trong khách sạn nữa. Đừng nói chuyện với con suốt đêm, nếu điều đó làm bố dễ chịu".

"Con thích vậy, phải không?", ông gắt gỏng.

"Trời?".

Ông nhìn tôi, cố không cười, chà chà mấy ngón tay vàng khói thuốc qua khóe miệng để che giấu sự mềm lòng. Khói thuốc bay lên mắt ông khiến tôi nghĩ về đôi mắt đục mờ của ông. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ đôi mắt ông màu xanh. Ngày đó, tôi hay ngồi đung đưa chân, tay chống cằm, ngồi nhìn ông bên chiếc bàn nhà bếp. Những lúc ấy, ông không cắm cúi sửa chiếc radio, hay đồng hồ, hay phích cắm.

Cặp mắt xanh lanh lợi!

Ông ém khói thuốc giữa hai môi rồi từ từ nhả ra, khói bay cong veo, lên mắt, và có thể đã nhuộm vàng đôi mắt ông. Màu vàng đục mờ tuổi tác, giống như màu ố vàng của tờ báo theo thời gian.

Tôi nhìn ông, mà lòng sững sờ, không muốn nói, không muốn thở, không muốn phá vỡ sự cuốn hút ông đã tạo ra. Cách đây mười năm, trước lúc phẫu thuật tim, lúc đó trông ông hãy còn khá trẻ. Tay áo xắn tới khuỷu, các bắp tay rám nắng vì làm việc nhiều ở ngoài vườn, các ngón tay có thể đễ đàng cong lại hay duỗi thẳng ra. Móng tay của ông lúc nào cũng hơi dơ. Ngón trỏ tay phải và ngón giữa bị ám khói vàng vì chất nicotine trong thuốc lá. Vàng, nhưng vững chắc.

Cuối cùng, ông dừng bước. Ông ném điếu thuốc xuống đất và giậm chiếc giày lên nó. Chiếc taxi dừng lại. Tôi ném cái phao cứu sinh gần ông và chúng tôi kéo ông ra khỏi sự kháng cự và lên "thuyền".

Luôn là người may mắn, ông giống như người bị té xuống sông, lội lên không bị ướt đã đành, mà lại còn có cá trong túi. Ông ngồi trên xe, chẳng nói với tôi chữ nào, quần áo ông, hơi thở, các ngón tay đều tỏa ra mùi thuốc lá. Tôi cắn môi cố không nói lời nào chuẩn bị ngón tay cái để ... bịt tai lại khi cần thiết.

Ông đã giữ im lặng lâu kỷ lục. Mười, có thể mười lăm phút. Cuối cùng thì ông đã nói ra như thể chữ đã xếp hàng lâu lắm rồi trong một sự im lặng hiếm hoi. Như thể từ ngữ tuôn trào từ trái tim ông như thường lệ, chứ không phải từ cái đầu. Ngôn từ vọt ra từ miệng ông như thoát khỏi bức tường là đôi môi ngăn cách. Bây giờ, môi đã mở và ngôn ngữ bay ra tứ phía.

"Bố ơi, bố nói gì quá chừng thế?".

"Con không nghe à?".

"Có nghe, nhưng ...".

Ông dùng một số thành ngữ, tiếng lóng, từ cổ và tỏ ra thích thú khi tôi hoang mang không đoán được chính xác bố muốn nói gì.

"Anh bạn, cậu biết chính xác tôi đang nói cái gì không?", ông gật đầu với anh tài xế.

"Anh ta đâu có nghe Bố nói".

"Sao vậy? Lãng tai à?".

Tôi tự dưng cảm thấy mệt mỏi. "Bố, chỗ ngồi của tài xế ngăn cách với khu vực phía sau bằng một tấm kính cách âm. Khi đèn đỏ tắt, họ không thể nghe bố nói".

"Giống cái máy trợ thính của chú Joe", bố trả lời, chồm người tới trước bật một cái nút trên chiếc xe. "Anh nghe tôi chưa?", ông la lớn.

"Vâng, nghe rồi ạ!". Người tài xế nhìn ông qua kính chiếu hậu. "Rất lớn và rõ".

Bố cười rồi bấm tắt. "Bây giờ anh có nghe tôi không?".

Không có tiếng trả lời, người tài xế liếc nhìn ông qua kính, nhãn trán trong khi vẫn để ý trên đường.

Bố cười thầm.

Tôi thì ôm mặt.

"Đó là cách bố hay làm với Joe", ông nói một cách nghịch ngợm.

"Có hôm, suốt cả ngày Joe chẳng biết bố đã tắt máy trợ thính. Ông ấy chỉ nghĩ chẳng ai nói điều gì cả. Cứ mỗi nửa giờ ông lại la lên:

CHÚA ƠI, Ở ĐÂY IM ẮNG QUÁ!". Bố cười ha hả và bật công tắc lên lại.

"Chào anh".

"Vâng thưa ông". Người tài xế trả lời.

"Tôi thấy đói quá. Anh có thể giới thiệu tiệm ăn nào ở gần khách sạn tôi không, để tôi có thể đi ăn mà không bị ai quấy rầy".

Người tài xế nhìn gương mặt ngây thơ của bố trong kính, tỉnh queo, không phản ứng gì và tiếp tục lái xe.

Tôi nhìn ra chỗ khác để bố đừng bối rối. Nhưng chỉ một lúc sau, người tài xế đưa một mảnh giấy xuống.

"Đây là danh sách một số tiệm ăn. Tôi nghĩ tiệm đầu tiên rất ổn, đây là tiệm mà tôi thích nhất".

Mặt bố sáng lên. Ông xem xét kỹ tờ giấy như thể nó là vật quý hiếm. Sau đó, ông xếp lại cẩn thận và bỏ vào túi áo một cách tự hào.

Người tài xế cười, dừng xe lại ngay khách sạn của chúng tôi.

Tôi liếc nhìn và lập tức cảm thấy trên cả hài lòng. Một khách sạn ba sao nằm ngay trung tâm thành phố, đi bộ khoảng mười phút là tới nhà hát lớn nằm trên đường Ox- ford.

Bố xuống xe, kéo túi xách đi vào cái cửa quay ở lối chính của khách sạn. Tôi nhìn theo ông trong khi chờ người tài xế thối tiền. Cái cửa quay khá nhanh. Tôi thấy ông đang cố gắng bắt nhịp vào. Ông nhích tới một chút lại dừng, nhích tới chút rồi lại dừng. Cuối cùng ông chạy ào vào và túi xách bị kẹt bên ngoài, làm cái cửa đứng lại nhốt ông bên trong.

Tôi nghe tiếng bố gõ gõ cửa kính. "Xin ai đó giúp đỡ!". Ông gọi.

Tôi vội vã đi vào nhưng ông cũng vừa tự "thoát" được ra.

"Tôi không thể đưa cho cô thẻ tín dụng nhưng tôi có thể cho cô lời đảm bảo", bố nói lớn với người phụ nữ sau quầy tiếp tân. "Lời nói của tôi cũng đáng giá như danh dự của tôi".

"Vâng, đây chị". Tôi đưa thẻ tín dụng vào quầy cho người phụ nữ trẻ.

"Tại sao bây giờ người ta không trả bằng tiền mặt?". Bố nói, dựa và quầy tiếp tân. "Bọn trẻ ngày nay tự chuốt lấy phiền phức cho mình, nợ chồng nợ bởi vì họ muốn như vậy. Họ muốn như vậy nhưng họ không muốn làm việc để có tiền. Vì vậy họ sử dụng miếng nhựa này. Ô, đây không phải là tiền thật của mình, tôi có thể nói với cô như vậy". Ông gật đầu dứt khoát.

Không ai phản ứng gì.

Người phụ nữ tiếp tân cười với ông một cách lịch sự và quay sang máy vi tính. "Hai người ở cùng phòng?", cô hỏi.

"Vâng", tôi trả lời.

"Giường đơn, tôi hi vọng thế?".

"Vâng, hai giường đơn".

"Đồng bộ không?". Ông chồm người tới trước cố xem tên của cô tiếp tân trên bảng tên. "Breda?", ông hỏi.

"Vâng thưa ông, tất cả các giường đều đồng bộ", cô nói lịch sự.

"Ô", ông nói. "Tôi hi vọng thang máy còn hoạt động. Tôi không thể xách hành lý lên cầu thang bộ được".

"Thang máy hoạt động rất tốt, ông Conway".

Tôi cầm chìa khóa đi thẳng đến thang máy, nghe ông lặp đi lặp lại câu hỏi không ngừng. Tôi nhấn nút lầu ba.

Cái phòng đúng tiêu chuẩn, sạch sẽ. Đối với tôi như vậy là ổn. Hai cái giường cách xa nhau, có tivi, và một cái quầy rượu nhỏ mà ông rất quan tâm trong khi tôi đi vào phòng tắm.

"Bố uống tí rượu", ông nói.

Tôi thả mình vào làn nước ấm êm dịu. Bọt xà phòng vung lên như miệng ly kem đầy. Nó mơn trớn mũi tôi, bao phủ thân thể tôi, chảy tràn xuống mặt nền phòng tắm và vỡ ra tạo nên những tiếng động nhỏ nhỏ. Tôi nằm xuống bồn tắm, nhắm mắt lại, cảm thấy những bong bóng nhỏ nở khắp người ...

Có tiếng gõ cửa.

Tôi phớt lờ.

Lại tiếng gõ cửa, lớn hơn.

Tôi vẫn không trả lời.

RẦM! RẦM!.

"Gì thế bố ơi?", tôi la lên.

"Ồ, xin lỗi, tưởng con ngủ quên".

"Con đang tắm mà".

"Bố biết. Nhưng con phải cẩn thận với cái bồn tắm đó. Có thể ngủ gật, trượt người vào nước và chết ngạt. Điều đó từng xảy ra với em họ của Amelia rồi.

Con biết Amelia chứ. Đến thăm Joseph đôi lần, nhà phía cuối đường".

"Bố, cám ơn bố đã quan tâm nhưng con ổn mà".

"Ừ".

Im lặng.

"Thật sự không phải vậy, Gracie. Bố đang lo không biết con ở trong đó bao lâu nữa?".

Tôi bực tức chộp lấy con vịt cao su màu vàng đang đặt cạnh bồn tắm và ...

bóp cổ nó.

"Con yêu?", ông hỏi giọng nhỏ hơn.

Tôi đè con vịt xuống nước, cố làm cho nó "chết đuối". Nhưng khi tôi buông tay ra, nó lại nổi lên, cặp mắt ngu ngơ nhìn vào tôi. Tôi hít một hơi dài và thở ra chậm rãi.

"Khoảng hai mươi phút, bố! Cỡ vậy được không?".

Im lặng.

Tôi nhắm mắt lại lần nữa.

"Con ... Con đã ở trong đó hai mươi phút rồi, và con biết người già như bố hay có vấn đề về tiết niệu mà ...".

Tôi không nghe thấy gì cả vì đang bận nằm trong bồn tắm. Hai chân cọ cọ làm nước văng tóe khắp nơi.

"Mọi chuyện trong đó ổn hả con?".

Lại tiếng bố.

Tôi đành quấn khăn choàng quanh người, mở cửa.

"A, con đã được tự do", ông cười, nói như reo.

Giờ thì đành phải làm một động tác đưa tay về hướng phòng tắm. "Xin mời ngài!".

Ông bước vào trong và đóng ngay cửa lại.

Uớt, run lẩy bẩy, tôi lướt qua chai rượu vang đỏ còn phân nửa trong tủ bar.

Tôi lấy lên một chai và xem nhãn hiệu.

Ngay tức khắc, một hình ảnh lóe lên trong đầu tôi, rất rõ ràng, tôi cảm thấy như toàn thân bay đi.

Một túi xách với cái chai bên trong, nhãn mác chính hiệu, miếng vải ca rô sọc đỏ trắng trải trên cỏ, một bé gái tóc bạch kim đang xoay vòng rất nhanh trong váy ngắn màu hồng. Rượu cũng xoay vòng, xoay vòng trong cái ly. Tiếng cười của cô bé. Tiếng chim hót líu lo. Mắt cá chân. Tôi cảm thấy mặt trời đốt làn da, bé gái nhảy múa xoay vòng dưới ánh nắng mặt trời, đôi khi che khuất ánh sáng, đôi khi xoay tròn theo nhiều hướng. Một bàn tay xuất hiện trước mặt tôi, trong tay là ly rượu đỏ. Tôi nhìn cô ta. Tóc đỏ, có chút ít tàn nhang, cười trìu mến với tôi.

"Justin", cô hát. "Hãy đến với Justin".

Cô bé gái cười và xoay vòng quanh, rượu cũng xoay vòng, mái tóc đỏ dài bay trong gió nhẹ ....

Sau đó thì tất cả biến đi. Tôi quay trở lại là chính mình trong phòng khách sạn, đứng trước quầy bar mini, nước từ tóc tôi nhỏ xuống tấm thảm. Bố đang chăm chú nhìn, nhìn tôi một cách tò mò, tay lơ lửng trên không như thể ông không biết là có nên đụng vào tôi hay không.

"Hãy đến với Joyce", ông hát.

Tôi tằng hắng. "Bố xong rồi à?".

Bố gật đầu và nhìn theo tôi vào phòng tắm. Trên lối vào, tôi dừng và quay lại. "Nhân tiện, con đã đặt vé cho buổi ba lê tối nay. Chúng ta sẽ rời khỏi đây trong một giờ nữa".

"Được rồi, con!", ông gật đầu nhẹ nhàng, nhìn theo tôi với đôi mắt lo lắng.

Tôi đã thấy ánh nhìn này khi tôi còn bé. Tôi đã thấy ánh nhìn này cả khi tôi đã lớn lên. Hàng triệu lần như vậy. Ánh mắt đó cũng giống như lúc ông giữ thăng bằng cho tôi khi mới tập chạy xe đạp. Ông giữ chặt chiếc xe, sợ buông tay ra thì tôi ngã mất.

Bố thở nặng nhọc bên cạnh và nắm chặt lấy tay tôi khi hai bố con đi bộ đến vườn Covent. Tôi lấy bàn tay còn lại, vỗ nhẹ vào túi để yên tâm rằng mấy viên thuốc trợ tim của bố vẫn còn nguyên ở đấy.

"Bố, tối nay nhất định chúng ta phải đi taxi về khách sạn. Con không muốn đi bộ thế này nữa".

Bố dừng lại, nhìn chằm chằm về phía trước. Rồi ông hít vào thật sâu.

"Bố ổn không? Có phải do tim của bố? Chúng ta ngồi xuống nghỉ mệt nhé?

Hay bố muốn quay trở về khách sạn?".

"Đừng nói nữa và hãy nhìn kia kìa, Gracie. Không phải vì tim của bố. Là vì cái kia?".

Tôi xoay người. Ngay đó, trước mắt tôi là Nhà hát Hoàng gia. Các hàng cột treo đèn kết hoa, thảm đỏ trải ngoài hành lang và đám đông xếp hàng chật cứng.

"Con đi từ từ thôi". Bố nói trong khi nhìn về phía trước. "Đừng cắm đầu cắm cổ đi như con bò tót thấy màu đỏ".

Vì đặt vé trễ nên chúng tôi phải ngồi ở tầng trên trong nhà hát rất lớn. Chỗ ngồi chẳng thuận tiện chút nào, nhưng dù sao, chúng tôi cũng còn may mắn là có vé. Tầm nhìn về phía sân khấu bị hạn chế. Nhìn qua ống nhòm để bên cạnh chỗ ngồi, tôi dò tìm trong khán phòng. Chẳng thấy bóng dáng người đàn ông Mỹ của tôi. Hãy đến với Justin! Tôi nghe giọng người phụ nữ vang vang trong đầu và suy nghĩ có khi Frankie cho rằng tôi nhìn thế giới qua cặp mắt của anh ta là đúng.

Bố bị mê hoặc bởi cảnh tượng xung quanh.

"Chúng ta có chỗ ngồi tốt nhất trong khán phòng đó con, nhìn kìa!". Ông chồm người qua ban công. Cái mũ vải muốn rơi ra khỏi đầu. Tôi phải chộp tay ông, kéo ông trở lại ông lấy tấm hình của mẹ từ trong túi ra và để tấm hình lên thềm ban công. "Chỗ ngồi tốt nhất, thật đó bà!". Ông nói đầy tình cảm.

Có tiếng trên loa kêu gọi mọi người giữ trật tự im lặng, ổn định chỗ ngồi.

Những âm thanh lộn xộn của dàn nhạc lắng xuống ánh sáng mờ dần và một khoảnh khắc im lặng báo hiệu cho điều kỳ diệu sắp bắt đầu. Người điều khiển gõ nhẹ. Dàn nhạc lập tức ngân lên, chơi bài của Tchaikovsky. Vũ công nam chính xuất hiện trên sân khấu trong bộ đồ bó sát người, đã đưa chúng tôi vào câu chuyện Hồ Thiên Nga một cái êm ái.

Tôi nhìn xung quanh, xem những người trong khán phòng. Mặt họ sáng lên, cặp mắt như múa cùng với các vũ công trên sân khấu. Khung cảnh hệt như một chiếc hộp nhạc mở ra, tràn ngập âm nhạc và ánh sáng. Bất kỳ ai nhìn vào đều bị mê đắm bởi sự kỳ diệu của nó. Tôi tiếp tục quan sát, từ trái sang phải.

Một loạt những gương mặt xa lạ cho đến khi ...

Mắt tôi mở to ra khi tôi bắt gặp gương mặt quen thuộc. Người đàn ông ở tiệm cắt tóc, mà bây giờ tôi biết từ Bea, là ông Hitchcock. Justin Hitchcock?

Bố thúc khuỷu tay vào tôi. "Con đừng nhìn xung quanh nữa, xem trên sân khấu kìa. Anh ta sắp sửa giết cô ấy".

Tôi quay mặt về sân khấu, cố nhìn chàng hoàng tử đang giương cung, nhưng tôi không thể.

Có sức mạnh khác kéo ánh mắt tôi quay lại khán phòng, lo lắng tìm xem Justin đang ngồi với ai. Trống ngực tôi đánh thình thình và tôi nhận ra nó chẳng theo bất kỳ giai điệu nào của Tchaikovsky cả. Bên cạnh anh là người phụ nữ có mái tóc dài màu đỏ và gương mặt lốm đốm ít tàn nhang, chính là người cầm máy quay phim trong giấc mơ của tôi.

Bên cạnh cô ta là một anh chàng trông dễ coi và đằng sau họ là người thanh niên trong chiếc cà vạt không thoải mái chút nào. Một người phụ nữ tóc đỏ uốn lọn lớn. Và một người đàn ông hơi béo. Tôi lục tìm trong ký ức của mình.

Cậu nhóc bụ bẫm trong cảnh có bình tưới và trò chơi thăng bằng? Có thể.

Nhưng còn hai người kia, tôi không biết. Tôi nhìn lại Justin Hitchcock và cười, thấy gương mặt của anh có vẻ vui hơn cả cảnh trên sân khấu.

Thình lình nhạc được thay đổi. Ánh sáng phản chiếu vào mặt anh lung linh và sự biểu hiện của anh càng thay đổi. Tôi biết ngay tức khắc rằng Bea đang ở trên sân khấu, và tôi quay lại nhìn lên. Cô bé đóng vai trong một nhóm những con thiên nga, chuyển động duyên dáng và hòa hợp với nhau, áo trắng muốt, váy xòe. Mái tóc dài được bới gọn. Tôi nhớ lại hình ảnh cô bé trong công viên, xoay vòng, xoay vòng trong cái váy xòe và cảm thấy dâng lên niềm tự hào kỳ lạ. Giờ cô bé đã lớn. Tôi ứa nước mắt.

"Ô, nhìn kìa, Justin!".

Tiếng Jennifer thì thầm. Lúc này, mắt Justin không rời khỏi đứa con gái.

Toàn thân trắng muốt, nhảy một cách uyển chuyển, mềm mại với những chú thiên nga khác. Không có động tác nào vụng về hay phạm lỗi. Cô bé đã trưởng thành. Điều đó xảy ra bằng cách nào? Mới hôm qua, cô bé còn xoay vòng đùa vui với anh và Jenifer trong công viên, một cô bé có cái váy xòe. Và bây giờ ...

Anh ứa nước mắt quay sang Jennifer để chia sẻ những suy nghĩ, những khoảnh khắc. Nhưng cùng lúc ấy, Jennifer đang với tay để nắm chặt tay Laurence.

Anh nhanh chóng nhìn sang chỗ khác, rồi nhìn lại đứa con gái trên sân khấu.

Nước mắt rơi và anh thò tay vào túi để lấy cái khăn ...

Một chiếc khăn tay đưa lên mặt tôi, lau đi những giọt nước mắt trước nó kịp rơi xuống.

"Sao con khóc thế?". Bố nói, vỗ nhẹ vào cằm tôi trong lúc màn hạ xuống cho giờ nghỉ giải lao.

"Con rất tự hào về Bea".

"Al?".

"Ô, không có gì ... Con đang nghĩ vở kịch Hồ Thiên Nga quả là một câu chuyện tuyệt diệu. Bố nghĩ sao?".

"Bố nghĩ mấy người này mang vớ chật quá!".

Tôi cười và lau nước mắt.

"Con nghĩ mẹ con có thích không?". Ông dịu dàng nhìn vào tấm hình. "Chắc mẹ con thích lắm ... Còn mấy chú ở Câu lạc bộ thứ Hai, chắc họ chẳng thể nào tin nổi điều này đâu. Donal McCarthy, ông hãy mở mắt ra chờ nhé bố!", bố cười thầm.

"Bố có nhớ mẹ không?".

"Đã mười năm rồi con".

Bố nghiêng người đến gần tôi và thúc bằng khuỷu tay. "Và mỗi ngày bố lại càng nhớ mẹ hơn ...".

"Cũng giống như khu vườn của bố. Mọi thứ mọc lên, kể cả tình yêu ... Và cứ thế nó lớn lên mỗi ngày. Làm sao mà con có thể tưởng tượng được bà ra đi?

Con thấy đấy, mọi thứ trên đời đều sẽ từ từ được xây dựng nên, kể cả khả năng đương đầu trước nghịch cảnh của chúng ta. Đó là cách để chúng ta tiếp tục ...".

Tôi lắc đầu, không tin được chính ông vừa thốt nên những lời ấy. Những lời sâu sắc, đầy triết lý.

"Justin, mọi người sẽ đi xuống quầy rượu. Anh đi cùng không?". Doris hỏi.

"Không". Anh trả lời, trong cơn giận dỗi như một đứa trẻ khoanh hai tay lại với nhau.

"Sao không?", Al trố mắt.

"Anh không thích đi".

Anh nhặt cái ống nhòm dùng để xem nhạc kịch lên, bắt đầu nghịch ngợm xoay vòng quanh nhìn ngắm mọi người.

"Nhưng vậy thì anh sẽ phải ở đây một mình".

"Thì sao?".

"Chú Hitchcock, cháu có được phép mời chú một ly rượu không?". Peter, bạn trai của Bea, lễ phép.

"Ồ, cháu không cần trịnh trọng vậy đâu. Gọi chú là Al được rồi". Al nhe răng cười.

Nhưng Peter "đính chính" lại ngay. "Vâng, chú Al. Nhưng câu vừa rồi, ý cháu định đề cập tới chú Justin kia!".

"Cậu có thể gọi tôi là ông Hitchcock". Justin nhìn chàng thanh niên, mặt nhăn nhăn cứ như có một điều gì không ổn trong phòng.

"Chúng ta sẽ không phải ngồi với Laurence và chị Jennifer đâu, em nghĩ ...".

Laurence. Lúc nào cũng Laurence.

"Chúng ta sẽ phải ngồi chung đấy, Al. Đừng có thốt một câu kỳ quặc thế!".

Doris chen ngang, ngắt lời Al ngay lập tức.

Al thở dài. "Được rồi ... Được rồi ... Nào, anh! Trả lời Peter đi chứ. Anh có muốn tụi em mang vô cho anh một chút gì đó để uống không?".

Vâng.

Rõ là anh muốn nói thế, nhưng anh chỉ lắc đầu.

"Vậy thôi. Mọi người sẽ quay lại trong vòng mười lăm phút nữa ...".

Al vỗ nhẹ vào vai Justin một cách đầy thông cảm trước khi tất cả họ rời khỏi, để Justin lại một mình ngay tại chỗ ngồi.

Hai phút sau, đã hoàn toàn mệt mỏi với cảm giác hối tiếc cho chính mình, anh nhìn quanh khắp nhà hát bằng chiếc ống nhòm dùng theo dõi vở diễn. Một trò chơi thú vị. Anh bắt được vài cặp đang cãi nhau gì đấy. Một cặp khác đang hôn. Một nhóm phụ nữ cười ầm ĩ với nhau.

Không có gì thú vị cả. Anh nâng ống nhòm, ngước cổ lên tầng bên trên.

Đây, vài nhóm nhỏ người ... Lác đác ... Cũng đang tán gẫu. Anh xoay chiếc ống nhòm một chút từ phải sang trái. Sau đó ngừng lại, vội vã chùi mắt. Chắc chắn là anh vừa thấy nó! Anh vội vã nâng chiếc ống nhòm lên lần nữa, lại chỗ vừa rồi, và ... vâng, chính là cô ấy! Với một ông già.

Cô cũng đang nhìn bằng chiếc ống nhòm, kín đáo theo dõi đám đông bên dưới. Sau đó, cô nhẹ nhàng xoay dần ống nhòm chầm chậm theo hướng sang phải, và ... Cả hai đều cảm thấy như đông cứng người. Họ nhìn thấy nhau. Nhìn chằm chằm nhau. Chạm mắt thông qua hai chiếc ống nhòm!

Anh đưa nhẹ cánh tay của mình lên. Vẫy.

Cô từ từ làm theo, động tác y như vậy. Ông già ngồi bên cạnh cô cũng đưa chiếc ống nhòm lên nhìn quanh quất, miệng hết mở lại đóng.

Justin đưa ngón tay của mình lên, ra dấu "Chờ nhé!".

Chờ nhé, tôi đang đến đây. Chỉ một phút thôi. Ở nguyên đấy, tôi sẽ đến chỉ trong một phút.

Anh cố ra dấu.

Cô cũng đưa ngón cái lên, như đồng ý.

Justin đặt ngay cái ống nhòm xuống và lập tức đứng dậy, cố xác định chính xác vị trí cô ngồi. Ngay lúc đó thì Laurence bước vào.

"Justin, tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên nói chuyện với nhau một chút". Anh ta nói, cố dùng giọng nhã nhặn, lịch sự nhất.

"Không, Laurence. Không phải lúc này. Tôi xin lỗi!". Anh cố gắng bước qua khỏi.

"Tôi hứa là không mất thời gian của anh đâu. Chỉ vài phút thôi, trong lúc chúng ta một mình với nhau ... Để xóa tan bầu không khí căng thẳng, anh biết đấy!".

Anh ta nới lỏng chiếc cà vạt đang thắt chặt.

"Vâng, tôi hiểu. Tôi cũng thật sự mong như thế. Nhưng tôi đang vội. Ngay bây giờ ...". Anh cố đẩy Laurence ra, nhưng anh chàng này đã đứng chắn ngay trước mặt.

"Vội ư?", anh ta nói, nhướn mày lên. "Tôi hiểu rồi ... Vâng, chỉ là vì tôi muốn cố gắng thử làm điều gì đấy. Nếu anh không sẵn sàng để trao đổi với nhau trong lúc này, tôi vẫn có thể hiểu được".

"Không, không phải thế!".

Justin đưa chiếc ống nhòm lên, nhìn về hướng Joyce. Cô vẫn còn ở đấy. "Chỉ là vì tôi đang rất vội để bắt kịp một người. Tôi phải đi, Laurence".

Jennifer bước vào ngay khi anh vừa nói dứt xong câu ấy. Gương mặt cô lạnh như đá.

Thành thật chút đi, Justin. Anh Laurence chỉ muốn xử sự như một người lịch sự, muốn nói chuyện với anh như hai người lớn với nhau. Vậy mà ... Xem anh đang làm gì kìa. Mặc dù em cũng chẳng ngạc nhiên gì về điều ấy".

"Không. Không. Nghe này, Jennifer".

Anh từng gọi em là Jen. Em chẳng nhớ gì đến những tháng ngày hạnh phúc đáng nhớ, khi cả gia đình ta trong vườn hoa công viên, Cái ngày hôm đó sau.

"Anh thật sự không có thời gian ngay lúc này. Em không hiểu đâu, anh phải đi".

"Anh không thể đi. Vở ba lê sẽ bắt đầu phần hai sau vài phút nữa, và con gái anh trên sân khấu. Đừng có nói với em là anh cũng đang muốn lên đó với con bé hay đi đâu đó tương tự thế, được chứ?".

Doris và Al cũng bước vào chỗ ngồi. Cơ thể quá khổ của Al chắn ngang lối ra vào. Trong tay anh ta là một lon coca và một cái túi to khổng lồ bánh snack.

"Anh nói anh ấy đi, Justin". Doris níu tay Justin, hi vọng anh "mắng mỏ".

giùm cậu em trai chuyên ăn đồ ngọt.

Justin cáu kỉnh. "Nói cái gì bây giờ?".

"Thì anh nhắc anh ấy về bệnh sử đau tim của gia đình, vì thế anh ấy phải nghĩ hai lần trước khi ăn và uống bất cứ thứ gì".

"Cái gì mà bệnh sử đau tim?". Justin đặt tay lên trán.

"Bố anh. Chết vì bị đau tim". Cô nhắc một cách thiếu kiên nhẫn.

Justin lạnh người khi nghe nhắc đến bố.

"Bác sĩ đâu có nói rằng anh cũng sẽ bị như thế". Al nhăn nhó.

"Bác sĩ bảo rằng anh dễ có nguy cơ như thế. Nhất là khi gia đình từng có người mắc bệnh về tim".

Cô vợ nói không ngừng.

Justin nghe một tiếng nói bên trong anh, như vọng ra từ nơi nào khác.

"Không. Không. Anh thật sự không nghĩ rằng em phải lo lắng về chuyện đó đâu, Al".

"Đúng đấy anh ạ. Chúng ta phải cẩn thận nếu như gia đình có bệnh sử tim mạch".

"Không, gia đình chúng ta không ...". Justin chựng lại. "Ôi trời ơi anh thật sự phải đi bây giờ ...".

"Anh sẽ không đi đâu hết". Jennifer đứng chắn đường. "Anh không đi đâu hết cho đến khi anh xin lỗi Laurence".

"Không, có gì đâu. Mọi thứ ổn mà Jen!". Laurence ngắt lời.

Tôi mới gọi cô ấy là Jen, không phải anh!

Những tiếng nói cứ dồn dập đến từ mọi phía, hết người này đến người khác.

Anh chẳng nói được lời nào. Anh thấy nóng, ngột ngạt, mồ hôi tứa ra.

Đột nhiên, ánh đen mờ dần nhạc bắt đầu nổi lên. Anh chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài việc ngồi xuống đúng vị trí của mình, bên cạnh một Jennifer đang nổi giận, một Laurence đáng nguyền rủa, một Peter im lặng, một Doris đầy ắp những điều lo lắng, và một Al lúc nào cũng đói.

Anh thở dài, nhìn lên chỗ Joyce.

Giúp tôi với.

Có gì đó hơi bất thường trong khu vực chỗ ngồi của gia đình Justin. Khi ánh đèn mờ đi, họ vẫn còn đứng nguyên ở đấy. Sau đó thì ngồi xuống, với những gương mặt lạnh như đá. Tuốt phía sau, một người đàn ông to béo đang nhóp nhép với một túi lớn khoai tây lát và bánh snach.

Sâu tận trong lồng ngực, trái tim tôi đang đập rộn lên. Rõ ràng anh nhìn thấy tôi, anh muốn đến với tôi. Tôi phải mất mấy phút mới có thể định thần lại, quay trở về khung cảnh thực tại của mình. Tôi nghĩ đến ký ức hạnh phúc trong công viên của gia đình Bea. Bên bố. Bên mẹ. Và ... tôi!

"Bố, con hỏi bố cái này được không?". Tôi tựa người sát cạnh bố, thì thầm.

"Anh chàng vừa mới nói với cô gái kia là anh ta yêu cô ấy. Nhưng cô ấy không phải là cô gái cần tìm rồi ...". Bố tròn mắt. "Trời ơi, cô gái thiên nga kia màu trắng chứ. Cô này màu đen. Họ đâu có giống nhau chút nào đâu mà anh chàng này nhầm nhỉ!".

"Bố ...".

Bố ngẩng lên nhìn tôi. "Chuyện gì thế con gái?".

"Vâng, có cái này ... có một chuyện mới vừa xảy ra và ...".

"Được rồi, nhưng đừng làm bố lỡ mất đoạn này ...".

Tôi đầu hàng với việc thì thầm vào tai ông và điều chỉnh âm lượng lớn hơn.

"Bố, có một việc vừa xảy ra, phá vỡ hết tất cả những quy tắc mà con từng biết. Con chỉ không hiểu tại sao".

"Gracie", bố nghếch mặt lên. "Con nhìn những người đang múa xem. Giá đừng ai bị tổn thương ... Chàng trai kia nghĩ rằng cô ấy chính là cô gái thiên nga.

Anh ta đưa cho cô ấy cái gì kìa ... Có phải một món quà không nhỉ? Một món quà".

Một món quà!

Tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Tôi nhìn lại lần nữa bố mẹ của Bea, đầy tự hào, ngắm con gái mình uyển chuyển trong từng động tác, như một chú thiên nga. Tôi lắc lắc đầu. Không. Không ai bị tổn thương cả.

"Có chuyện gì với mọi người trong vở kịch thế nhỉ?", bố lớn tiếng khiến người đàn ông ngồi bên cạnh tôi quay lại. Tôi phải thì thầm xin lỗi.

"Con gái, con đừng đặt những câu bắt đầu bằng Tại Sao, Như Thế Nào, Bởi Vì ... nữa. Đôi khi, con biết không, con cần phải quên đi tất cả mọi từ ngữ trên đời này và chỉ cần đăng ký để học cho được bài học mang tên Cảm Ơn thôi.

Hãy nhìn câu chuyện trên sân khấu kìa ...". Bố chỉ tay lên sân khấu. "Con có cần quan tâm đến chuyện tại sao sự thật cô ấy, một người phụ nữ, lại biến thành con thiên nga? Con có bao giờ phải chú ý đến những chuyện kỳ lạ như thế không?".

Tôi lắc đầu, mỉm cười.

"Con có từng gặp ai đó trước đây tự dưng bị biến thành thiên nga không?".

Tôi cười, thì thầm trở lại. "Tất nhiên là không, bố!".

"Đấy, thấy chưa. Tại sao? Ai cần biết là tại sao cơ chứ. Người ta không chú ý đến những điều đó. Cô gái chỉ cần nói Cảm ơn. Bởi vì những điều tốt đẹp sẽ đến trong đời cô ấy sau từ kỳ diệu này. Vậy thôi".

Tôi chìm trong im lặng.

"Nào, bây giờ thì chúng ta quay lại với vở diễn thôi. Cô ấy muốn tự tử kìa, thấy không? Nói với nhau những câu đầy kịch tính".

Bố đặt khuỷu tay lên ban công, tựa người sát vào như để được gần sân khấu hơn. Còn tôi, trong đầu tôi lúc này chỉ loáng thoáng hai tiếng:

Cảm ơn.

Suốt lúc đứng dậy hoan hô, Justin vẫn không rời mắt theo dõi cái cách bố Joyce giúp cô mặc lại chiếc áo choàng đỏ, hệt như chiếc áo hôm họ chạm mặt nhau trên đường Grafton. Cô bắt đầu di chuyển theo dòng người, ra lối ra vào gần cô nhất.

"Justin". Jennifer quắc mắt nhìn người chồng cũ, lúc này vẫn đang bận rộn dõi mắt nhìn đâu đâu hơn là chú ý đến cô con gái đang cúi chào trên sân khấu.

Anh vội vàng quay mặt trở lại, vỗ tay thật lớn kèm theo những tiếng chúc mừng, hoan hô âm ĩ.

"Mọi người ... Tôi chạy ra quầy rượu giữ vài chỗ tốt cho chúng ta nhé". Anh đi thẳng ra hướng cửa.

"Em đặt chỗ rồi mà!", Jennifer hét toáng lên đằng sau anh trong tiếng vỗ tay.

Anh đưa bàn tay lên ngang lỗ tai, lắc lắc đầu. "Anh không nghe em nói gì cả?".

Giờ thì đã có thể thoát ra, chạy dọc xuống hành lang, cố tìm lối đi lên tầng trên. Khi những tấm màn buông xuống, dòng người cũng hối hả rời nhà hát.

Đám đông giữa những dãy hành lang chật cứng, đến mức Justin chẳng thể nào đẩy ra để lách người qua được. Anh thay đổi kế hoạch:

Chạy thẳng ra lối ra vào và chờ cô ở đấy. Bằng cách này, anh không thể nào lỡ mất cô được.

"Chúng ta đi uống chút gì đi, con gái". Bố nói khi chúng tôi chậm rãi bước từng bước thong thả sau đám đông đang cố rời nhà hát. "Bố thấy có một quầy rượu ở tầng này".

Chúng tôi ngừng lại, đọc sơ đồ hướng dẫn.

"Đúng rồi bố. Có một quầy rượu ... Hướng này!". Tôi vừa nói vừa nhìn quanh.

Người phụ nữ hướng dẫn chỗ trong rạp hát báo cho chúng tôi biết rằng quầy rượu chỉ dành riêng cho những người trong đoàn hát, bạn bè và gia đình của họ.

"Tuyệt đấy. Chúng ta sẽ có được chút yên tĩnh trong này ...". Bố nói, đội chiếc mũ lưỡi trai lên đầu và bước tới. "Ồ, cô thấy cháu gái tôi đằng kia không.

Hôm nay là ngày đáng tự hào nhất trong đời tôi". Ông đặt tay lên trái tim mình.

Người phụ nữ nhoẻn một nụ cười tươi tắn, cho phép chúng tôi vào.

"Đi nào, bố!". Sau khi mua được thức uống, tôi kéo bố vào trong phòng và ngồi vào chiếc bàn trong góc xa, xa hẳn khỏi đám đông ồn ào.

"Nếu họ cố ném chúng ta ra ngoài, Gracie, bố sẽ không rời cốc bia này đâu.

Bố cứ ngồi nguyên đây".

Tôi vặn hai bàn tay vào nhau đầy căng thẳng, nhấp nhổm trên ghế ngồi, nhìn chung quanh tìm kiếm anh. Justin. Tên anh bay vòng vòng trong đầu tôi, vòng vòng cả trên lưỡi tôi như thể sẵn sàng thốt ra bất cứ lúc nào. Mọi người được lọc dần ra khỏi quầy rượu cho đến khi trong đấy chỉ còn lại toàn những thành viên trong đoàn hát và bạn bè, người thân, gia đình của họ.

Mẹ của Bea vào với hai người khác mà tôi không biết là ai. Có cả người đàn ông hơi mập mạp tôi từng gặp. Nhưng không hề thấy Justin Hitchcock. Mắt tôi nhìn khắp lượt quanh phòng.

"Cô bé kia rồi", tôi thì thầm.

"Ai con?".

"Một trong số những diễn viên múa. Cô ấy đóng vai một trong số những con thiên nga.

"Sao con biết? Tất cả họ trông đều giống hệt như nhau".

Không có dấu hiệu nào của Justin. Tôi bắt đầu lo đây lại là một cơ hội bị bỏ phí mất. Có lẽ anh ấy đã rời khỏi đây sớm hơn và không đến quầy rượu chung vui với mọi người.

"Bố", tôi nói với vẻ khẩn trương, "Con phải đi loanh quanh ra ngoài một chút để kiếm người này ... Bố đừng rời khỏi chiếc ghế này nhé. Làm ơn giúp con, bố nhé. Con sẽ quay lại nhanh thôi".

"Bảo đảm với con là bố chỉ cử động duy nhất thứ này ...", bố nhấc vại bia lên và đặt nó lên môi. Ông nhắm nghiền mắt, tận hưởng hương vị. Một lớp bọt bia mỏng màu trắng viền quanh miệng.

Tôi vội vã rời khỏi quầy rượu, đi lang thang quanh nhà hát khổng lồ, không biết phải bắt đầu tìm kiếm ở đâu. Tôi đứng bên ngoài, gần khu toilet nam vài phút, nhưng không thấy anh xuất hiện. Tôi nhìn qua ban công tìm chỗ ngồi của anh, nhưng nó trống rỗng.

Khi những người khách cuối cùng thưa thớt đi ra, Justin đành đầu hàng việc đứng ngay cửa ra vào chờ đợi. Có lẽ anh lại làm lỡ mất cô ấy lần nữa rồi. Anh thật ngốc khi nghĩ rằng chỉ có một lối ra duy nhất.

Justin thở dài, đầy thất vọng. Anh ước phải chi mình quay ngược được thời gian, trở về lại cái ngày trong tiệm làm tóc. Đang hồi tưởng lại những khoảnh khắc quý báu ấy, túi áo anh bất chợt rung lên.

"Anh trai, anh đang ở đâu thế?".

"Al ... Anh đã nhìn thấy người phụ nữ ấy lần nữa".

"Người phụ nữ trên chương trình tin tức?".

"Vâng!".

"Người phụ nữ trên chiếc xe buýt Viking?".

"Vâng ... Đúng là cô ấy".

"Người phụ nữ trong chương trình Mua Bán Đồ Cổ ...".

"CHÍNH XÁC! Vì Chúa, chúng ta phải làm sao để thoát khỏi tất cả những chuyện này?".

"Nàỵ .... Anh có bao giờ nghĩ rằng biết đâu cô ta là một kẻ chuyên rình mò anh không?".

"Nếu cô ta là một kẻ chuyên rình mò, thế thì tại sao anh lại luôn tìm cách đuổi theo như vậy?".

"Ừ nhỉ. Ừm, em nghĩ rằng có khi anh cũng là một kẻ chuyên rình mò, theo dõi mà anh không biết".

"Al ...", Justin nghiến răng trèo trẹo.

"Thôi, gì cũng được. Nhưng anh phải nhanh chóng lên đây trước khi chị Jennifer nổi cơn tam bành đấy".

Justin thở dài. "Được rồi, anh đến đây".

Anh dập điện thoại và đưa mắt nhìn lần cuối các lối đi, các con đường. Giữa đám đông, một thứ đột nhiên đập vào mắt anh. Một chiếc áo choàng màu đỏ!

Những hooc- môn kích thích trong người lại dâng lên. Anh chạy ào ra ngoài, lách qua đám đông. Trái tim anh thót lại. Mắt anh không rời khỏi chiếc áo khoác.

"Joyce!", anh gọi. "Joyce, chờ đã!". Anh hét toáng lên, tiếng lớn hơn.

Cô vẫn không ngừng bước đi, không nghe thấy anh.

Anh lại đẩy, lại lách người, lại vội vàng chen ngang đám đông cho đến khi chỉ còn cách người phụ nữ một gang tay.

"Joyce", anh thở không ra hơi, lách qua và chạm tới cánh tay cô ấy. Người phụ nữ hốt hoảng quay lại, gương mặt tột cùng ngạc nhiên và bực tức. Gương mặt của một người lạ!

Cô ta vung chiếc túi da đánh lên đầu anh.

"Á ... lạy Chúa!".

Anh xin lỗi, rồi chậm chạp tìm đường quay trở lại nhà hát, cố lấy lại nhịp thở bình thường, tay xoa xoa chỗ đau trên đầu, vừa rủa vừa lầm bầm mắng mỏ chính mình trong nỗi thất vọng ê chề. Anh chạm đến cánh cửa chính. Nó không mở! Anh cố lần nữa thật nhẹ nhàng, lắc lắc đẩy đẩy vài lần. Sau vài giây, anh chuyển sang đẩy và kéo cánh cửa với tất cả sức lực của mình, cố mở ra cho bằng được.

"Này ... Này ... Này ... Chúng tôi đóng cửa rồi. Nhà hát đóng cửa rồi!". Một nhân viên mặc đồng phục bước đến sau cánh cửa, ra dấu cho anh qua lớp kính.

Khi quay lại quầy rượu, tôi nghe lòng đầy biết ơn khi thấy bố vẫn đang ngồi im ở đúng cái góc nơi tôi đã để ông lại ở đó. Chỉ có điều, lúc này ông không chỉ một mình. Ngồi trên chiếc ghế bên cạnh ông, đầu của một cô gái nghiêng về phía ông, gần đến nỗi như là cả hai đang bàn luận chuyện gì sôi nổi lắm. Chính Bea!

Tôi hốt hoảng lao thẳng về phía họ.

"Xin chào". Tôi đến bên, đầy lo sợ với những gì đã tuôn tràn không ngừng nghỉ khỏi miệng bố nãy giờ.

"A ... Con đây rồi, con gái. Bố cứ tưởng con bỏ rơi bố rồi cơ. Cô gái dễ thương này đã đến hỏi thăm xem bố ổn không đấy ...".

"Cháu là Bea", cô gái mỉm cười. Ngay lập tức, tôi không ngăn được mình mường tượng rõ rệt cô đã lớn lên thế nào. Thật tự tin, cứng cỏi!

"Chào cháu, Bea".

"Cô biết cháu à?", một nếp nhăn nhỏ xuất hiện trên trán cô gái.

"À ...".

"Cô ấy là con gái bác, Gracie". Bố lại gọi nhầm tên tôi, nhưng lần này, tôi không đính chính.

"Ồ, Gracie". Bea lắc lắc đầu. "Thế mà cháu đã nghĩ cô là một người khác.

Rất vui được làm quen với cô".

Chúng tôi chìa tay ra, bắt tay nhau. Tôi giữ bàn tay cô bé hơi lâu hơn bình thường một chút, vì khi chạm vào làn da thật của cô bé, tôi như chạm vào ký ức.

"Tối nay cháu biểu diễn thật là tuyệt. Cô tự hào quá!". Tôi bật ra không kiềm được.

"Tự hào? Ồ, vâng ... Bố của cô, bác đây nói với cháu là cô chính là người thiết kế phục trang", cô bé mỉm cười. "Chúng rất tuyệt. Cháu rất ngạc nhiên là cháu chưa gặp cô lần nào cho đến lúc này. Chúng cháu toàn phả làm việc với Linda để thử và chỉnh sửa cho vừa trang phục diễn".

Miệng tôi há hốc. Bố nhún vai đầy vẻ căng thẳng và vội vàng đưa lên môi nhấm nháp một ngụm bia trong chiếc cốc mới. Một lời nói dối mới "sáng tạo".

làm sao.

"Ồ, cô không hề thiết kế chúng ... Cô chỉ ...".

Mình chỉ cái gì mới được, Joyce?

"Cô chỉ coi sóc và giám sát", tôi buột miệng. "Bố cô, bác ấy còn nói gì với cháu nữa?".

Tôi ngồi xuống, đầy căng thẳng, nhìn xung quanh tìm xem bố cô bé ở đâu, lòng thầm hi vọng anh đừng xuất hiện vào cái khoảnh khắc này, khi tôi đang vướng vào một lời nói dối tệ hại và quái dị.

"Khi cô đến, bác ấy đang kể cho cháu nghe bác ấy từng cứu sống một chú thiên nga như thế nào", cô bé mỉm cười.

"Đơn thương độc mã", cả bố và cô bé hòa giọng cùng nhau, cười lớn thành tiếng.

"Ha ha", tôi ráng cười theo, nhưng tiếng cười nghe thật gượng gạo. "Thật thế sao ạ?", tôi hỏi bố đầy nghi ngờ.

Bố nhấp tiếp một ngụm bia. Bảy mươi lăm tuổi. Thế mà ông đã uống hết một cốc rượu mạnh và một vại bia! Có Chúa mới biết ông sẽ nói gì kế tiếp. Chúng tôi phải rời khỏi đây càng sớm càng tốt thôi.

"Con biết không, con gái ... Thật tuyệt diệu khi cứu sống một cuộc đời. Thật sự, thật sự là như thế". Bố cao hứng. "Trừ khi con được chính tay mình làm điều đó, không thì con không hiểu được đâu".

"Bố của con ... Một anh hùng!", tôi mỉm cười.

Bea cũng bật cười. "Bác nói y hệt như bố cháu".

Tai tôi dựng đứng lên. "Bố cháu ... có ở đây không?".

Cô bé nhìn xung quanh. "Không, chưa đến ạ. Cháu không biết bố cháu đang ở đâu nữa. Bố cứ hay tránh mẹ cháu và người bạn trai mới của mẹ .... À, cháu không đề cập gì đến bạn trai của cháu đâu". Cô bé cười. "Nhưng để cháu kể cô nghe một câu chuyện khác. Bố cháu cũng từng khăng khăng bố là một ... siêu nhân!".

"Sao thế?". Tôi cắt ngang và sau đó phải cố kiểm soát chính mình.

"Khoảng một tháng trước, bố cháu đi hiển máu", cô bé mỉm cười và đưa cả hai tay lên trời. "Thế là bố nghĩ rằng bố cũng là một anh hùng khi đã cứu sống được cuộc đời ai đó. Cháu không biết nữa. Có lẽ bố cháu là một anh hùng thật.

Ông hiến máu ở trường cao đẳng, nơi ông được mời đến nói chuyện vài buổi.

Có thể cô biết nơi đó ... Nó ở Dublin. Trường Cao đẳng Trinity phải không nhỉ?

Cháu không để ý nữa, nhưng bố cháu chỉ làm thế vì cô bác sĩ rất dễ thương thôi.

Cô nghĩ sao? Hình như ở Trung Quốc, người ta có một khái niệm như là nếu cô cứu sống cuộc đời một ai đó, họ mãi mãi mang ơn ...?".

Bố lắc đầu. "Bác không biết gì về Trung Quốc cả. Nhưng cô này thì toàn ăn các món ăn Trung Quốc thôi", ông gật gật đầu hướng về phía tôi. "Cơm chiên với trứng ... hay vài thứ gì đó".

Bea cười lớn. "Để cháu kể tiếp. Bố cháu hình dung ra rằng nếu như ông cứu sống cuộc đời một ai đó thì ông xứng đáng được người ông cứu sống cảm ơn mỗi ngày suốt quãng đời còn lại của mình".

"Làm thế nào họ làm vậy được?", bố nghiêng người.

"Bằng cách gửi đến một giỏ bánh xốp nướng, rồi lấy quần áo gởi giặt ủi giùm cho bố. Rồi một tờ báo và cốc cà phê hộp mang tới đặt trước cửa mỗi buổi sáng. Rơi một chiếc xe hơi với tài xế riêng đưa đón. Rồi những chiếc vé xem nhạc kịch ...". Cô bé cau mày. "Cháu chẳng nhớ được cái gì khác nữa, nhưng ý nghĩ ấy thật là kỳ quặc. Cháu nói với bố rằng nếu bố cứ mong mỏi những điều như thế thì bố quay ngược thời gian về quá khứ để tìm một nô lệ là hơn, thay vì cứu sống cuộc đời một ai đó". Cô bật cười. Và bố cũng bật cười theo.

Miệng tôi tròn xoe như sắp sửa phát âm ra từ "Ồ!". Nhưng tôi im bặt. Không có thanh âm nào phát ra cả.

"Đừng hiểu nhầm ý cháu, bố cháu thật sự là một người sâu sắc và biết quan tâm đến người khác. Cô bé thêm vào, hiểu nhầm khoảnh khắc im lặng của tôi.

"Và cháu rất tự hào rằng bố đã hiến máu, vì bố cháu cực kỳ sợ kim tiêm. Bố cháu bị chứng ám ảnh sợ hãi với kim tiêm".

Cô bé tiếp tục giải thích. Và bố tôi thì liên tục gật đầu ra vẻ đồng ý.

"Bố cháu đây này". Cô bé mở chiếc mề đay hình trái tim đeo nơi cổ ra, khiến tôi không thốt nên lời lần nữa.

Một mặt của chiếc mề đay là tấm hình của Bea chụp với mẹ. Mặt kia là tấm hình cô bé với bố, khi cô bé hãy còn bé xíu, trong một vườn hoa ở công viên, vào cái ngày mùa hè rực rỡ mà tôi in sâu vào trong ký ức. Tôi nhớ cái cách cô bé nhảy lên nhảy xuống đầy phấn khích. Tôi nhớ mùi hương trên tóc cô bé khi cô bé ngồi trong lòng tôi trong những giấc mơ. Nhớ đã hét to:

"Cười nào!". Cô bé chẳng hề làm những điều ấy với tôi, tất nhiên. Nhưng tôi nhớ nó với đầy đủ cảm giác ngọt ngào, giống như uống một ngụm nước suối mát lạnh giữa ngày hè, nghe vị ngọt trôi từ từ xuống cổ. Tôi cảm nhận rõ ràng như là chính tôi đã trải qua khoảnh khắc ấy cùng với Bea, trong vườn hoa công viên.

"Bác phải mang kính vào để xem thôi ...", bố nói, nhích người lại gần hơn và cầm lấy chiếc mề đay vàng hình trái tim trong, những ngón tay già nua của mình. "Chụp ở đâu thế cháu?".

"Ở công viên gần nơi gia đình cháu từng sống. Chicago ạ. Lúc ấy cháu lên năm. Chụp với bố cháu đấy! Cháu yêu tấm ảnh này lắm. Đó là một ngày rất đặc biệt với cháu". Cô bé ngắm nó và mỉm cười. "Một trong những ngày đặc biệt nhất".

Tôi cũng mỉm cười, nhớ lại ngày hôm ấy.

"Anh nhiếp ảnh ơi!", một ai đó trong quầy rượu gọi to.

"Bố, chúng ta phải rời khỏi đây thôi ...". Tôi thì thầm trong lúc Bea đang xao nhãng đôi chút.

"Được rồi con gái, đợi bố uống nốt hết cốc này thôi".

"Không! Bây giờ cơ!". Tôi khăng khăng.

"Chụp ảnh chung nào ... Đến đây bác!". Bea kêu lên, kéo tay bố.

"Ồ!", bố đầy vẻ vui sướng.

"Không ... không không không không". Tôi cố nở nụ cười để che đi sự hoảng sợ của mình. "Chúng ta phải rời khỏi đây thôi".

"Chỉ một tấm ảnh, cô Gracie". Bea tươi tắn. "Chúng ta phải chụp chung với người phụ nữ đã chịu trách nhiệm thiết kế tất cả những bộ trang phục biểu diễn tuyệt đẹp này".

"Cô không phải ...".

"Vâng ạ, coi sóc trang phục diễn". Bea tự đính chính lại câu nói vừa rồi, ra vẻ xin lỗi.

Một người phụ nữ khác trong đám đông ném cho tôi một cái nhìn đầy sửng sốt khi nghe điều ấy. Bố bật cười. Tôi đứng bất động bên cạnh Bea - lúc này đã choàng một tay quanh tôi và tay kia quanh mẹ cô bé.

"Mọi người cười lên nào!". Bố hét to.

"Cười lên!". Cả đám đông reo hò, bật cười vui vẻ.

Tôi tròn xoe mắt.

Ánh đèn lóe lên.

Justin vào trong phòng.

Đám đông vừa chụp chung xong tấm hình giãn ra.

Thừa lúc lộn xộn ấy, tôi nắm lấy tay bố. Và chạy.

Chúng tôi quay trở lại phòng khách sạn theo ý bố. Ông leo lên giường với bộ quần áo ngủ màu nâu, có họa tiết là những cánh hoa nhỏ. Trong phòng lúc này, bóng tối dày đặc, đen quánh bao trùm lên mọi thứ. Chỉ trừ chiếc đèn màu đỏ nhỏ xíu, nhấp nháy ngay góc tivi. Nằm duỗi thẳng người trên giường, tôi cố sắp xếp lại hết những việc đã xảy ra trong ngày. Tôi nghe trống ngực mình đập thình thình. Cảm giác như dưới lồng ngực, có một nắm đấm cứ bật ra. Sao nó cứ mãi như tiếng trống trận không dứt thế nhỉ? Hết lần này đến lần khác. Tâm trí tôi lùng bùng với những điều Bea lỡ nói ra mấy tiếng đồng hồ trước. Từng từ từng chữ thốt ra khỏi miệng cô bé cứ như tiếng "tùng xèng" từ bộ trống.

Việc khám phá ra bố của Bea, Justin, đã hiến máu chừng một tháng trước ở Dublin - trùng với khoảng thời gian tôi ngã từ cầu thang xuống và thay đổi cuộc đời mãi mãi - cứ nhảy đi nhảy lại trong đầu tôi không dứt. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hay gì khác nữa? Có thể nào như thế không?

Có khi nào chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian như thế? Tôi mất đứa con. Tuyệt vọng tột cùng. Rồi những tan nát trong cuộc hôn nhân. Rồi tôi khám phá ra rằng, mọi thứ cũng trở nên rõ ràng từ đấy ...

Việc truyền máu. Đó có thể chính là câu trả lời cho câu hỏi tôi đang tìm kiếm. Có thể lắm. Câu trả lời xuất hiện ở nơi bất ngờ nhất, không hề được giấu sau những núi đá, những rặng cây, nó nằm ngay trước mắt tôi. Chỉ có điều là nếu như tôi không thật sự chịu nhìn, chịu tìm kiếm, thì hẳn nhiên có lẽ chẳng bao giờ tôi tìm ra chúng.

Lời giải thích cho những ký ức đột ngột xuất hiện trong đầu Lý do tạo nên mối liên kết vô hình, chặt chẽ và sâu sắc với Justin. Chính là đây! Tôi cảm thấy nó đang chạy dưới từng mạch máu của mình. Câu trả lời nằm ngay trong tim tôi đó chứ đâu. Tôi thở ra chầm chậm từng hơi, nhẹ nhàng nhắm mắt lại và đặt hai tay mình lên ngực.

Thình thịch. Thình thịch. Thình thịch.

Thời gian sẽ làm mọi thứ chậm lại. Thời gian sẽ mang đến câu trả lời.

Nếu như quả thật là tôi đã nhận máu từ Justin, thì hẳn sau đó, trái tim tôi đã đưa dòng máu đến từng ngóc ngách trong cơ thể ... Có những điều ẩn chứa và chảy theo trong dòng máu ấy. Dòng máu đã cứu tôi thoát chết. Dòng máu chứa đựng những điều từ trái tim anh ấy, đã ngự trị trong con người anh ấy, được tạo ra từ anh ấy ... giờ đây, một phần của chúng đang tồn tại trong tôi.

Thoạt đầu tôi thấy mình phát run lên vì ý nghĩ đó. Gai ốc đột nhiên nổi khắp người. Nhưng sau đó, khi tôi vòng tay ôm choàng lấy chính cơ thể mình, tôi đột nhiên không còn cảm thấy cô đơn nữa. Một cảm giác lâng lâng nhè nhẹ khi biết rằng một phần từ trái tim anh đang ở trong mình.

Đó có phải là nguyên nhân tạo nên sự kết nối giữa anh và tôi. Có thể nào như thế không, khi tôi có thể sẻ chia cùng anh những ký ức riêng tư, những cảm xúc riêng tư nhất?

Tôi thở dài, nhớ đến cái ngày khi tôi ngã xuống cầu thang. Ngày hôm ấy ...

Cũng là ngày đầu tiên trong suốt phần đời còn lại của mình, tôi cần phải cảm ơn cái tên Justin Hitchcock.

Hôm nay là một ngày thật dài. Những việc xảy ra ở sân bay, rồi chương trình Mua Bán Đồ Cổ, và cuối cùng là những điều vô tình nghe được tại Nhà hát Hoàng gia. Từng đợt sóng căng tràn cảm xúc ào ạt đập vào tôi suốt hai mươi bốn giờ qua, kéo tôi xuống và nhấn chìm trong đó. Tôi mỉm cười, nhớ lại từng việc một. Những khoảnh khắc quý giá bên bố. Chuyến đi "chu du" đến London.

Tôi phì cười một mình, gửi một lời cảm ơn lên trần nhà cao cao trên kia ...

Trong bóng tối, tôi chợt nghe có tiếng thở khò khè và những thanh âm sột soạt nho nhỏ vang lên.

"Bố?", tôi thì thầm. "Bố ổn không ạ?".

Hơi thở khò khè lớn hơn khiến tôi lạnh cả người.

"Bố?".

Nhưng liền sau đấy là tiếng khịt mũi. Và tiếng cười ha hả.

"Michael Aspel", ông nói trong tiếng cười. "Thích quá, Gracie".

Tôi mỉm cười nhẹ nhõm. Những cảm xúc ấy quá lớn với ông đến mức ông không giữ trong người nổi. Ông cười lớn hơn khi nghe tiếng khúc khích của tôi.

Cứ thế, tôi cười qua, ông cười lại. Nghĩ đến những chiếc dù trong sọt, rồi được đứng cùng người dẫn chương trình nổi tiếng, rồi chụp hình chung với nhau ...

"Ôi, cái dạ dày của bố ...", ông nhăn nhó.

Tôi cũng cuộn người lại, hai tay đặt trên bụng. Tôi chưa từng bao giờ nghe bố cười nhiều và hết hơi như thế. Từ ánh sáng nhợt nhạt hắt qua cửa sổ, tôi nhìn sang thấy bố co chân đá vào không khí và cười tiếp.

"Ôi trời ... Bố ... không ... ngừng ... được ...".

Chúng tôi lại cười lăn cười bò, cố ngưng nhưng lại bật cười nhiều hơn nữa.

Cười. Cười. Cười. Trong bóng tối. Không vì cái gì. Và vì tất cả mọi thứ.

Sau đó, cả hai bố con bình tĩnh lại dần dần và trở nên im lặng. Những giọt nước mắt nhẹ nhàng ứa ra khỏi mắt tôi, rơi xuống má. Tôi lấy tay quệt ngang để ngăn chúng lại.

Những giọt nước mắt như hòa trộn giữa những nỗi đau với niềm hạnh phúc.

Tôi nghĩ đến Conor và tôi, về tình yêu ngắn ngủi giữa chúng tôi, cũng như những tháng ngày khi sự ghét bỏ cứ lớn dần lên. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian đã cùng trải qua, cùng yêu thương rồi cùng chán nản. Tôi nghĩ đến cái khoảnh khắc đen tối, đau đớn, sợ hãi nhất của cuộc đời mình, nhớ ra mình đã can đảm hẳn lên như thế nào. Khi người ta rơi xuống tận cùng của sự yếu đuối, người ta sẽ có thêm sức mạnh. Khi người ta bị vùi xuống nơi thấp nhất, đột nhiên người ta có thể nâng mình cao lên đến chưa bao giờ được thế.

Bố đột nhiên ngừng cười khiến tôi lo lắng chạm tay đến công tắc đèn.

Bóng tối tan biến ngay lập tức, thay thế bằng ánh sáng.

Bố nhìn tơi bối rối như thể ông vừa làm điều gì đó sai nhưng lại không muốn thừa nhận nó. Ông chộp lấy chiếc khăn, khập khiễng với những bước đi vội vàng vào phòng tắm, tránh nhìn vào mắt tôi.

Lát sau, ông quay trở ra. Đã thay chiếc quần ngủ khác và cuộn cái khăn nhét dưới cánh tay. Tôi tắt đèn. Một sự im lặng lại bao trùm lên mọi thứ. Ánh sáng nhanh chóng được thay bằng bóng tối. Tôi lại bắt đầu nhìn chăm chăm lên trần nhà. Những câu trả lời trong đầu tôi lúc này lại biến thành câu hỏi.

"Con không ngủ được, bố". Giọng tôi nghe như đứa trẻ.

"Hay nhắm mắt lại và nhìn thấu vào trong bóng tối, con gái". Bố đáp với giọng ngái ngủ, nghe như trở lại ba mươi năm về trước.

Chỉ một khắc sau, ông ngáy đều đều. Giật mình ... Và lại ngủ tiếp.

Một tấm màn ngăn giữa hai chiếc giường đơn. Nhưng nó không thể ngăn được tình yêu thương giữa tôi và bố. Cũng như có những nỗi buồn xuất hiện trong đời, nhưng chúng không ngăn được niềm hạnh phúc. Tất cả những ý nghĩ ấy hòa trộn trong tôi. Và rất nhanh, tôi chìm vào giấc ngủ.