Cảm Ơn Ký Ức

Chương 3




Tôi nhìn ba đứa trẻ chơi với nhau trên sàn của bệnh viện, những ngón tay ngón chân nhỏ xíu, những đôi má phinh phính, những đôi môi chúm chím đáng yêu, giống bố mẹ như khuôn đúc. Trái tim tôi quặn thắt. Mắt lại rưng rưng đầy nước và tôi đành phải quay nhìn đi chỗ khác.

"Cô ơi, cô vui lòng cho tôi một trái nho nhé?", bố giả vờ kêu với giọng líu ríu. Trông bố chẳng khác nào một chú chim hoàng yến nhún nhẩy trong lồng bên cạnh tôi.

"Bố, bố nên về nhà đi ạ, kiếm gì đó ăn. Bố cần nạp năng lượng chứ!".

Ông vớ lấy một trái chuối. "Thì kali đây!", ông cười, vung tay một cách mạnh mẽ. Tối nay bố sẽ chạy bộ về nhà".

"Làm thế nào bố đến đây được?", một ý nghĩ bất ngờ bỗng lóe lên trong tôi khi tôi chợt nhận ra rằng bố không hề đi nhiều trong thành phố mấy năm nay.

Mọi thứ trở nên quá nhanh với bố. Những tòa nhà cao tầng bất chợt mọc lên ở những nơi trước đó không hề có. Những tuyến đường giao thông với chỉ dẫn khác xa lúc trước. Ông buồn lắm khi bán chiếc xe hơi. Nhưng thị giác của ông không còn tốt nữa nên nếu lái xe thì sẽ rất nguy hiểm cho ông lẫn cho người khác trên đường. Bảy mươi lăm tuổi, và vợ mất đã mười năm ...

Bây giờ, ông có một nhịp sống của riêng mình, quanh quẩn trong khu vực của mình, trò chuyện với những người láng giềng, đi nhà thờ mỗi thứ Tư, Chủ Nhật. Tối thứ Hai thì đều đặn đến Câu lạc bộ thứ Hai (hoặc đôi khi gặp nhóm bạn làm ngân hàng vào thứ Ba). Đến cửa hàng thịt vào thứ Ba. Ngoài ra thì những ô chữ những câu đố và chương trình tivi có thể giúp ông bận rộn suốt cả ngày. Ông cũng dành thời gian cho khu vườn những khoảng trống thời gian còn lại.

"Fran ở nhà bên cạnh lái xe đưa bố đến!". Ông đặt trái chuối xuống, vẫn còn cười ha hả về trò đùa đòi chạy bộ về nhà ban nãy và nhón lấy một quả nho cho vào miệng. "Cậu ấy suýt chút nữa thì giết chết bố hai ba lần. Trước đây bố còn nghi ngờ không biết có Đức Chúa trời không. Nhưng đi xe với cậu ta thì đủ để bố biết rằng quả là có Đức Chúa trời đấy con ạ. Mà bố hỏi mua nho không hạt, sao những quả này lại có hạt thế nhỉ?". Ông nhíu mày, đặt chùm nho trở lại vào góc ngăn kéo rồi lựa lấy mấy cái hạt ra khỏi miệng, nhìn quanh thùng rác.

"Bây giờ bố vẫn còn tin Đức Chúa trời của bố hả bố?". Câu nói bật ra với giọng điệu cáu kỉnh và tàn nhẫn hơn mức tôi định hỏi, chỉ vì sự giận dữ trong tôi bỗng bất chợt bùng lên.

"Bố tin chứ. Joyce!". Luôn luôn như thế, không hề suy suyển. Ông đặt ống tẩu vào chiếc khăn tay, gói cẩn thận rồi bỏ nó trở lại vào trong túi. "Chúa trời luôn có những sắp đặt bí ẩn của mình, những sự sắp đặt mà chúng ta hoàn toàn không thể hiểu hay lý giải, không khoan dung và cũng không bắt ai chịu đựng.

Bố hiểu tại sao con nghi ngờ Đức Chúa trời lúc này - đôi khi tất cả chúng ta đều nghi ngờ. Khi mẹ con mất, bố ...". Ông ngập ngừng rồi bỏ dở câu nói như thường lệ. Điều khiến ông thiếu tin tưởng nhất vào Đức Chúa trời, điều khiến ông luôn đi đến chỗ mâu thuẫn kịch liệt với đức tin chính là khi nhắc đến người vợ đã mất.

"Nhưng lần này, Đức Chúa trời đã đáp lại lời cầu nguyện của bố. Ngài nghe tiếng bố gọi tối hôm qua. Ngài đã đáp lại lời bố ...". Ông chuyển sang nói bằng giọng Cavan, giọng ông vẫn dùng khi còn là một đứa trẻ, trước khi chuyển đến Dublin vào độ tuổi thiếu niên.

" Không có vấn đề gì, Henry. Tôi nghe cậu rất rõ. Tất cả đều trong tầm tay, chẳng việc gì phải lo lắng cả. Tôi sẽ làm việc này vì cậu, dễ ợt mà!". Bố dịu dàng. "Đấy. Đức Chúa trời đã nói thế và đã cứu lấy con. Ngài giữ cho đứa con gái yêu quý của bố vẫn sống và vì thế, bố sẽ biết ơn Ngài mãi mãi. Nhũng đau buồn rồi sẽ đi qua ...".

Tôi không trả lời bố tiếng nào, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Ông kéo cái ghế lại gần bên tôi. Nó tạo nên tiếng kêu ken két dưới sàn.

"Và bố tin vào một cuộc sống ở kiếp sau ...". Bố nói bằng giọng khẽ hơn.

"Thật đấy con ạ. Bố tin rằng có một thiên đường, ở trên kia, trên cả những đám mây. Tất cả những người từng ở đây rồi một ngày nào đó sẽ lên trên ấy. Ngay cả những người mắc tội tày đình, Đức Chúa trời vẫn sẽ tha thứ. Bố tin là như thế!".

"Tất cả mọi người hả bố?", Tôi cố ngăn những giọt nước mắt. Tôi ngăn chúng rơi xuống. Nếu tôi bắt đầu khóc, tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ ngừng được. "Thế con của con thì thế nào hả bố? Con của con cũng sẽ ở đó chứ?".

Trông bố đầy vẻ đau đớn. Chúng tôi đã không nói với nhau nhiều lắm về chuyện tôi có thai. Những ngày đầu tiên, tất cả chúng tôi đều lo lắng, nhưng không ai lo hơn ông. Rồi chỉ mới mấy ngày trước, chúng tôi cãi cọ đôi chút khi tôi xin ông cho để cái giường trống vào trong ga- ra. Tôi bắt đầu chuẩn bị phòng dành riêng cho bé sơ sinh. Bố biết không ... Trời ơi, một căn phòng cho bé sơ sinh. Chiếc giường dự phòng được mang ra lau chùi sạch sẽ. Chiếc giường cũi cho em bé đã mua từ trước. Những bức tường được dán giấy màu vàng tươi tắn.

Những hình vẽ ngộ nghĩnh và những đường viền hình các chú vịt con ở ngoài rìa.

Tháng thứ năm đã trôi qua. Một số người, trong đó có cả bố tôi, đều nghĩ rằng việc chuẩn bị phòng cho trẻ sơ sinh lẽ ra nên làm từ tháng thứ tư cơ. Chúng tôi đã chờ đợi đến sáu năm để có một đứa con, chính là đứa con này. Không có gì được mong chờ hơn thế.

"Con yêu, con biết không ... bố không biết ...".

"Con đã định sẽ gọi nó là Sean nếu nó là con trai". Cuối cùng tôi cũng nghe chính mình thốt lên. Tôi đã lẩm nhẩm nói điều này trong đầu mỗi ngày, lần này qua lần khác, và bây giờ, ở đây, nó tuôn tràn ra khỏi tôi thay vì những giọt nước mắt.

"Ừ, một cái tên đẹp lắm con ạ. Sean!".

"Và là Grace, nếu nó là con gái. Chắc mẹ sẽ thích cái tên ấy!".

Ông há hốc mồm và vội nhìn sang chỗ khác. Ai chưa biết gì về ông hẳn nghĩ rằng động tác đó nghĩa là ông tức giận. Nhưng tôi biết không phải như thế. Tôi biết rằng những cảm xúc như tuôn trào từ miệng ông. Những cảm xúc mà bấy lâu nay ông đã cất giữ vào lòng, khóa kín lại ... cho đến khi thật cần thiết ... Và trong khoảnh khắc hiếm hoi như thế, khoảnh khắc mà lòng ông giống như mảnh đất hạn hán kêu gào, mọi bức tường sụp đổ, cho cảm xúc tuôn tràn hết ra, ướt đẫm.

"Có vài lý do khiến con nghĩ nó là một đứa con trai bố ạ. Con không biết nữa, nhưng mà bằng cách nào đó con đã cảm thấy điều ấy. Lẽ ra con không phạm sai lầm đâu bố nhỉ. Con sẽ gọi nó là Sean ...", tôi lặp lại.

Bố gật đầu, "Ừ, đúng đấy con ạ. Đó là một cái tên rất dễ thương ...".

"Con đã từng nói chuyện với thằng bé. Con hát cho bé nghe. Con tự hỏi không biết bé có nghe thấy không ...".

Giọng nói của tôi chợt trở nên mơ màng xa xăm. Tôi thấy giống như đang giấu mình trong một hốc cây, rồi từ đó nói vọng ra. Một sự im lặng bao trùm lên căn phòng trong khi tôi tưởng tượng về một tương lai sẽ chẳng bao giờ có cho bé Sean bé bỏng của tôi. Nào là hát cho bé nghe mỗi tối. Nào là làn da mềm mại bì bõm trong nước khi tắm. Nào chơi đá chân và đạp xe đạp. Nào những lâu đài được xây trên nền cát. Nào những tranh luận, kể lại về các trận bóng nóng bỏng.

Cảm giác giận dữ về một cuộc đời bị bỏ lỡ - không, tệ hơn - một cuộc đời bị đánh mất khiến tôi như muốn điên lên.

"Con tự hỏi bé có biết không ...".

"Biết chuyện gì, con yêu?".

"Biết việc gì xảy ra ấy bố. Biết rằng bé đã lỡ mất ... Bé có nghĩ rằng chính con đã làm bé đi mất không bố? Con hi vọng rằng bé không trách con. Con là tất cả những gì bé có. Và ...". Tôi ngừng lại. Nỗi đau đớn quá mức chịu đựng lúc này. Tôi cảm thấy như mình muốn kêu gào lên, nhưng vài giây trôi qua, tôi phải ngừng lại.

Nếu tôi bắt đầu khóc bây giờ, tôi biết tôi sẽ không bao giờ ngừng lại được.

"Bây giờ bé đang ở đâu hả bố? Làm cách nào mà mình chết được trong khi mình thậm chí hãy còn chưa được sinh ra?".

"À, con yêu ...". Bố cầm lấy bàn tay tôi, lại nắm chặt nó lần nữa.

"Bố nói cho con nghe đi!".

Lúc này ông đang nghĩ về điều đó. Nghĩ thật lâu và thật khó khăn, ông vỗ nhẹ vào tóc tôi, những ngón tay vững chãi nhón lấy những sợi tóc trên gương mặt tôi, kéo nhẹ nhàng chúng ra đằng sau tai cho tôi, ông chưa bao giờ làm như thế từ khi tôi còn là một bé gái.

"Bố nghĩ rằng cậu bé ở trên thiên đường, con gái ạ! Chẳng có gì lướng vướng cả đâu, bố biết vậy mà. Bé đang ở trên đó với mẹ của con. Đúng vậy đấy.

Ngồi trong lòng bà, trong khi bà đang chơi bài Rummi với dì Pauline. Đưa hai tay che mắt bà, rồi cười khúc khích. Mẹ con cũng đang ở trên đó!".

Bố nhìn lên và ngúc ngoắc ngón tay trỏ chỉ lên trần nhà. "Bây giờ bà phải chăm sóc bé Sean hộ chúng tôi đấy nhé. Gracie. Bà nghe thấy tôi chứ? Bà sẽ kể cho bé nghe tất cả mọi điều về con, con ạ. Về chuyện khi con còn là một đứa trẻ. Về cái ngày con chập chững bước những bước đi đầu tiên. Về việc con mọc cái răng đầu tiên. Bà sẽ kể cho bé nghe tất cả những chuyện về ngày đầu tiên con đi học và ngày cuối cùng con đến trường. Rồi kể về tất cả mọi ngày ở khoảng giữa đó nữa. Bé sẽ biết tất cả mọi điều về con, vì thế một ngày nào đó khi con bước qua những cánh cổng ở trên thiên đường ấy, một ngày nào đó khi con là một bà già còn già hơn bố lúc này, cậu bé sẽ ngẩng nhìn lên khỏi bàn chơi bài Rummi và nói:

A, mẹ đây rồi. Chính là mẹ đây rồi. Mẹ của con! Bé sẽ biết ngay mà!".

Một cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng tôi, quá lớn. Tôi chỉ có thể cố nuốt xuống. Nó ngăn tôi không thốt nên nổi một câu cảm ơn, trong khi tôi muốn làm như vậy biết bao. Nhưng có lẽ bố đã nhìn thấy điều đó trong mắt tôi khi bố gật đầu đầy thấu hiểu rồi quay sự chú ý của ông trở lại với chiếc tivi, trong khi tôi nhìn ra khoảng không trống rỗng bên ngoài cửa sổ.

"Có một nhà nguyện nhỏ rất đẹp ở đây đấy, con gái. Có lẽ con nên đến thăm khi nào con thấy khỏe và sẵn sàng. Con không cần phải nói bất cứ điều gì cả.

Đức Chúa trời sẽ không phiền trách đâu. Chỉ cần ngồi ở đấy và suy nghĩ. Bố nhận ra là nó rất có ích".

Tôi nghĩ đó là nơi cuối cùng trên thế giới này tôi muốn đến. "Đó là nơi rất đẹp để đến ...", bố nói tiếp, cứ như thể đọc được ý nghĩ của tôi. Ông để mắt trông chừng tôi và tôi hầu như có thể nghe ông câu nguyện cho tôi khi ông nhảy qua giường để chộp lấy cái chuỗi tràng hạt nhỏ ông đặt bên cạnh.

"Nó là một tòa nhà xây theo phong cách rô- cô- cô, bố biết đấy ...", tôi đột nhiên nói, mặc dù chẳng hề biết rõ là mình đang định nói cái gì.

"Cái gì, con?". Cặp lông mày của bố nhíu lại và đôi mắt bố như thể biến mất bên dưới. Giống như hai con ốc sên biến mất vào trong vỏ của nó. "Cái bệnh viện này hả?".

Tôi nghĩ kỹ lại. "Hồi nãy chúng ta đang nói chuyện gì vậy bố?".

Sau đó, tới phiên ông suy nghĩ đầy căng thẳng. "Nói chuyện Maltesers hả?

Không!".

Ông im lặng một lúc, sau đó bắt đầu trả lời như thể ông đang bị bao vây trong một vòng vây những câu đố.

"Chuối! Không. Thiên đường! Không. Nhà nguyện! Chúng ta hồi nãy đang nói về nhà nguyện ...!". Ông nở một nụ cười rạng rỡ đáng giá cả triệu đô- la, hớn hở khi thấy mình đã "thành công" khi nhớ ra điều mình đã nói chưa tới một phút trước. Ông tiếp tục. "Và sau đó con nói là nó là một tòa nhà ọp ẹp. Nhưng nói một cách thành thật là bố cảm thấy nó rất tốt. Cũ kỹ một chút, nhưng chắc chắn là không có gì bất ổn trong sự già cỗi và củ kỹ hả con?". Bố nháy mắt với tôi.

"Con nói cái nhà nguyện xây theo phong cách rô- cô- cô, không phải nói nó ọp ẹp mà ...", tôi chỉnh ông, thấy mình giống như một cô giáo. "Nó nổi tiếng với những hoa văn trang trí cầu kỳ, phức tạp trên trần nhà".

"Thật thế hả con? Nó được làm từ hồi nào nhỉ?". Ông di chuyển chiếc ghế đến gần giường hơn.

"Năm 1762". Thật chính xác. Thật ngẫu nhiên. Thật tự nhiên. Thật không thể lý giải được sao tôi lại biết điều đó.

"Lâu thế à? Bố không biết rằng cái bệnh viện này lại ở đây từ thời đó đến giờ".

"Bệnh viện được xây dựng ở đây từ năm 1757", tôi trả lời, sau đó nhíu mày, làm thế nào tôi biết được điều đó nhỉ? Nhưng tôi không thể ngăn tôi lại được, như thể miệng tôi bị điều khiển tự động ấy, hoàn toàn không dính líu, gắn kết gì với bộ não của tôi.

"Nó được thiết kế bởi chính người đàn ông đã xây nên tòa nhà Leinster. Ông tên là Richard Cassells. Một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất mọi thời đại".

"Bố từng nghe về ông ấy", bố nói dối. "Nếu con nói là Dick thì bố đã biết ngay rồi". Ông nén cười.

"Đó là sản phẩm trí tuệ của Bartholomew Mosse". Tôi giải thích và tôi thật sự cũng chẳng biết những kiến thức, những từ ngữ đó từ đâu tới. Từ đâu được nhỉ? Tôi không biết. Giống như một cảm giác gì đó là lạ - cảm giác rằng những điều này thật thân thuộc, quen lắm nhưng tôi lại chưa từng bao giờ nghe về chúng, chưa từng bao giờ nói về chúng trong bệnh viện này. Tôi nghĩ có lẽ tôi đã dựng nên chúng, nhưng ở một nơi nào đó sâu thẳm trong lòng mình, tôi biết rằng những điều vừa nói ra đều chính xác cả. Một cảm giác như dòng máu nóng ấm áp đang chảy trong cơ thể tôi.

"Năm 1745, ông mua một nhà hát nhỏ được gọi tên là New Booth và ông đã chuyển đổi nó thành bệnh viện nội trú đầu tiên ở Dublin".

"Nó nằm ngay đây hả con? Cái nhà hàt ấy?".

"Không, nó nằm trong ngõ hẻm George. Đây chỉ là miếng đất thôi. Nhưng rốt cuộc là nó quá nhỏ và ông ta đã mua miếng đất ở đây sau khi hỏi ý kiến của Richard Cassells và năm 1757, một bệnh viện nội trú mới, bây giờ được biết với cái tên Rotunda, được khánh thành bởi một nhà quý tộc. Vào ngày 8 tháng 12, nếu con nhớ chính xác".

Bố đầy vẻ bối rối. "Bố không biết rằng con quan tâm đến tất cả những điều như thế, Joyce. Làm thế nào con biết tất cả những điều đó?".

Tôi nhíu mày. Chính tôi cũng không biết là làm sao tôi biết điều đó nữa. Đột nhiên tôi thấy mình tràn ngập trong cảm giác thất vọng và tôi lắc đầu một cách dữ đội. "Con muốn cắt tóc", tôi thêm vào một cách giận dữ, thổi bay những sợi tóc trước trán tôi. "Con muốn ra khỏi chỗ này".

"Được rồi con gái". Bố nói với giọng thật khẽ. "Chẳng bao lâu nữa đâu con!".

Phải cắt tóc!

Justin thổi bay những sợi tóc phủ lòa xòa trước mắt và nhìn trừng trừng bóng mình trong gương. Mãi cho đến khi hình ảnh này đập vào mắt, anh vẫn thấy mình đang xách hành lý, đi về lại London, miệng huýt một khúc nhạc vui nhộn - khúc nhạc về một người đàn ông vừa ... ly dị lần đầu được nằm bên người phụ nữ khác vợ mình.

Vâng, với anh, thật ra đây là lần thứ hai cơ, nhưng lại là lần đầu tiên khiến anh hồi tưởng lại với cảm giác tự hào. Vậy mà bây giờ, đứng trước tấm gương dài, đủ phản chiếu anh từ trên xuống dưới. Tiếng huýt sáo của anh chựng lại.

Trong đó là hình ảnh anh đầy khốn khổ, bờm xờm bù xù khác hẳn niềm vui hiện tại.

Anh chỉnh lại điệu bộ của mình, hóp má, gập cánh tay lại theo kiểu khoe cơ bắp. Thề rằng nếu bây giờ mà bóng mây đen của chuyện li dị được tan biến, anh sẽ lấy lại "phong độ" với vóc dáng cũ. Bốn mươi ba tuổi, anh khá đẹp trai và anh biết thế, dù rằng không hề tỏ ra kiêu ngạo. Đánh giá của riêng anh về ngoại hình chỉ đơn thuần là nhìn nhận mọi thứ một cách logic như khi nếm thử một cốc rượu vang ngon. Theo kiểu đơn giản là nho được trồng ở nơi phù hợp, trong những điều kiện phù hợp. Những sự chăm sóc và quan tâm phù hợp trộn lẫn với việc giẫm đạp đúng cách để chà nát nho ra. Vậy là thành rượu ngon. Anh đánh giá ngoại hình của mình cũng bằng những cảm xúc thông thường đơn giản và dễ hiểu như thế, rằng anh được sinh ra với gen di truyền tốt, nét mặt cân đối, mọi thứ ở đúng vị trí phù hợp. Thế là ổn rồi.

Với chiều cao gần một mét tám mươi, anh cao ráo, bờ vai rộng vững chãi.

Tóc dày màu nâu hạt dẻ, mặc dù cũng có chỗ lốm đốm bạc. Nhưng anh chẳng quan tâm về điều ấy. Anh bắt đầu có tóc bạc từ hồi mới hai mươi tuổi và luôn cảm thấy rằng những sợi tóc bạc khiến anh trông khác biệt so với mọi người.

Chỉ có một ít sợi thôi, nhưng chính tóc bạc làm anh sợ quy luật tự nhiên của tạo hóa, cái quy luật như biến những sợi tóc muối tiêu của anh thành gai nhọn, đâm thủng quả bóng giả tạo của cuộc đời. Qui luật tự nhiên rồi cũng sẽ đến với anh, làm lưng anh còng xuống, mang bộ dạng của những kẻ lang thang bần hàn thế kỷ mười sáu, và nhanh chóng nhuộm trắng mái tóc anh bằng loại thuốc nhuộm như thể là một thứ nước quý hiếm từ suối nguồn cuộc sống bất tử.

Với Justin, tiến bước và thay đổi là những gì anh mong muốn. Anh không phải mẫu người có thể tạm dừng lại, không phải mẫu người dễ bị mắc kẹt giữa cuộc đời. Nhưng anh không muốn quy luật của tạo hóa ứng với cuộc sống hôn nhân của mình. Jennifer rời bỏ anh hai năm nay vì điều ấy, mặc dù tất nhiên không phải chỉ vì điều ấy thôi mà còn vô số nguyên nhân rạn nứt to lớn khác nữa. Quá nhiều thứ, thật sự anh ước anh có thể rút cây bút và tờ giấy ghi chú ra, viết một danh sách hết những điều đó trong khi vợ anh hò hét hàng tràng đả kích bực dọc.

Khi những đêm cô đơn đầu tiên đến, Justin đã từng cầm chai thuốc nhuộm tóc trong tay và tự hỏi nếu anh nhượng bộ triết lý cứng nhắc của mình, anh có thể làm mọi thứ ổn hơn không? Liệu anh có thể thức dậy vào buổi sớm mai và Jennifer lại ở trên giường? Liệu vết sẹo nhỏ trên cằm anh có lành lại như lúc chưa hề bị chiếc nhẫn cưới cào trúng? Liệu danh sách những điều cô ấy ghét khủng khiếp về anh có thể trở thành những điều cô ấy yêu? Anh tỉnh hẳn sau đó và đổ hết chai thuốc nhuộm vào bốn rửa chén trong căn hộ đang thuê, làm lớp thép không rỉ đen ánh lên. Nó như một lời nhắc nhở anh mỗi ngày về quyết định sẽ sống thật là mình, cho đến khi anh chuyển đến London để sống gần con gái hơn, gần cả sự căm phẫn của người vợ cũ.

Mặc dù lướng vướng với những sợi tóc dài trước trán che ngang mắt, anh vẫn mang dáng dấp của một người đàn ông đáng làm người khác phải "ngoái nhìn". Rắn rỏi hơn, trẻ hơn, có lẽ ít những nếp nhăn quanh mắt hơn. Nhưng lỗi khác, như vòng eo "phình ra", một phần vì tuổi già và một phần khác do chính anh tạo nên, bởi anh đã tập thói quen uống bia, tìm kiếm cảm giác được an ủi trong men bia suốt thời gian làm thủ tục ly hôn thay vì đi bộ hoặc chạy bộ như thường lệ.

Cảnh tượng đêm hôm trước lặp lại trước mắt anh khi lên giường ngủ - nơi anh và Sarah cuối cùng cũng hiểu nhau một cách tường tận. Cả ngày anh cảm thấy mình giống như một người đàn ông khổng lồ trong khu nội trú sinh viên và việc anh tạm dừng bài giảng về những bức họa của người Hà Lan, người Flemish để nói về chuyện tình cảm của mình như chỉ mới xảy ra cách đây vài giây. Những sinh viên năm nhất đang trong cuộc vui hàng năm được tổ chức vì mục đích từ thiện. Sau buổi tiệc bia bọt đêm trước, chỉ một phần ba sinh viên đến lớp. Và anh cho rằng những người có mặt cũng chẳng chú ý gì nếu anh nói sâu, chi tiết về chuyện riêng tư.

Tuần lễ Hiến máu vì Cuộc sống đã kết thúc, Justin thở phào nhẹ nhõm biết chừng nào về điều ấy. Sarah rời khỏi trường cao đẳng, trở về lại với công việc chính của cô. Chỉ đến tháng này, khi quay lại Dublin, anh mới tình cờ chạm mặt cô ấy ở một quán bar, nơi anh mới biết rằng cô thường xuyên đến. Và rồi họ lại đi. Anh không chắc mình sẽ còn gặp lại cô ấy lần nữa không mặc dù túi áo Jacket bên trong của anh vẫn còn lưu một mẫu giấy nhỏ ở nơi rất an toàn ghi số điện thoại của cô ấy.

Anh phải thừa nhận rằng mặc dù đêm trước là một đêm thật vui có khá nhiều rượu Château Olivier, nhưng anh vẫn luôn cảm thấy thất vọng mặc dù đó là một nơi lý tưởng ở Bordeaux, trong một bar nhạc sống trên đường về phòng khách sạn của mình. Anh cảm thấy như bỏ lỡ cơ hội bộc lộ tình cảm. Anh lấy được sự mạnh dạn sau vài cốc rượu tại quầy bar nhỏ trong khách sạn trước khi gọi để gặp cô, nhưng lúc anh đến thì đã không còn đủ tỉnh tảo để nói chuyện nghiêm túc.

Vì Chúa, Justin, có người đàn ông nào mà nói chuyện. Mặc dù câu chuyện chán phèo như thế này không?

Mặc dù câu chuyện kết thúc trên giường nhưng anh cảm thấy Sarah thật sự quan tâm đến cuộc nói chuyện. Anh cảm thấy có điều gì đấy cô muốn nói với anh và có lẽ cô đã nói. Anh đã nhìn thấy điều đó từ đôi mắt buồn buồn xanh lơ khi đôi môi của anh và cô làm nên những nụ hồng mở ra - khép lại. Những chai rượu whisky Jameson đã làm anh không nghe được những gì cô nói, mà còn hát vang lên át các cả những câu chữ của cô, giống như một đứa trẻ nóng nảy dỗi hờn.

Khi kết thúc bài giảng cho chuyên đề thứ hai trong hai tháng. Justin ném những bộ quần áo của anh vào trong túi, hạnh phúc khi ngoái nhìn lại sau lưng căn phòng khốn khổ mùi ẩm mốc. Chiều thứ sáu là thời gian để quay lại London, quay lại với cô con gái của anh, với cậu em trai tên Al, với cô em dâu Doris, từ Chicago đến thăm. Anh rời khách sạn, bước ra ngoài trên những con đường rải sỏi của khu Temple Bar và vào trong chiếc taxi đang chờ anh sẵn.

"Đến sân bay nhé!".

"Anh đến đây du lịch à?", người tài xế đột nhiên hỏi.

"Không", Justin nhìn ra ngoài cửa sổ, hi vọng đến đây là kết thúc cuộc nói chuyện.

"Anh làm việc à?", Người tài xế khởi động máy.

"Vâng".

"Anh làm việc ở đâu thế?".

"Trường cao đẳng".

"Trường nào nhỉ?".

Justin thở dài, "Trinity".

"Anh làm công việc bảo trì trong trường học?". Đôi mắt xanh nhảy một cách khôi hài với anh trong gương.

"Tôi là giảng viên môn Nghệ thuật và Kiến trúc", anh nói đầy vẻ phòng thủ, khoanh hai tay lại và thổi những sợi tóc đang lòa xòa trước trán ra khỏi mắt.

"Kiến trúc sư hả? Tôi từng là một người làm nghề xây dựng đấy".

Justin không đáp lại và hi vọng cuộc nói chuyện sẽ kết thức ở đó.

"Anh đi nghỉ ở đâu? Nghỉ hè à?".

"Không".

"Vậy anh đi đâu?".

"Tôi sống ở London". Và số an sinh xã hội của tôi ở Mỹ là ...

"Và anh làm việc ở đây?".

"Vâng".

"Anh không sống ở đây sao?".

"Không".

"Sao thế?".

"Bởi vì tôi là một giáo viên thỉnh giảng ở đây. Một người bạn đồng nghiệp cũ của tôi mời tôi đến giảng một chuyên đề trong vòng một tháng".

"À ...", người tài xế mỉm cười với anh trong gương như thể anh đang cố tình trêu chọc ông ấy. Thế ở London anh làm gì?", đôi mắt của ông ta cật vấn anh.

Mình sẽ là một kẻ giết người hàng loạt, nhắm đến "con mồi" là những tài xế taxi tò mò tọc mạch.

"Rất nhiều thứ khác ở đây", Justin thở dài và chịu thua khi thấy người tài xế đang chờ đợi anh nói tiếp. "Tôi là biên tập viên của tờ Phê bình Nghệ thuật và Kiến trúc, tờ báo quốc tế duy nhất thật sự về nghệ thuật và kiến trúc được xuất bản", anh nói một cách tự hào. "Tôi bắt đầu làm việc đó cách đây mười năm và cho đến nay, chúng tôi vẫn không có đối thủ. Tờ báo có số lượng xuất bản cao nhất loại ấy".

Hai mươi ngàn người đặt mua thôi, mình đang nói dối.

Không có phản ứng nào trở lại.

"Tôi cũng là ủy viên ban quản trị".

Người tài xế cau mày. "Anh phải đụng chạm đến cơ thể người chết à?".

Justin nhăn cả mặt lại đầy vẻ bối rối. "Cái gì? Không!". Sau đó anh thêm vào một câu không cần thiết và cũng chẳng liên quan. "Tôi cũng là cộng tác viên thường xuyên và cho một tiết mục hỏi đáp trên đài BBC về chủ đề nghệ thuật và văn hóa".

Chỉ hai mươi lần trong năm năm và chưa bao giờ trong nhóm được mời thường xuyên, Justin. Ồ, im đi!

Người tài xế đang dò xét Justin, từ kính chiếu hậu. "Anh có lên tivi bao giờ chưa?", ông nheo mắt. "Tôi không nhận ra anh".

"Ừm, ông có xem chương trình đó không?".

"Không".

Ừm, ra thế đấy.

Justin đảo mắt. Anh ném áo khoác đi, mở một cái nút khác của áo sơ mi và hạ thấp cửa sổ. Tóc anh đang dính bệt vào trán. Vẫn như thế. Một vài tuần đã trôi qua và anh vẫn chưa đến tiệm hớt tóc. Anh thổi những sợi tóc lòa xòa ra khỏi mắt.

Họ dừng lại trước đèn đỏ và Justin nhìn sang bên trái. Một tiệm hớt tóc!

Này, anh không phiền tấp sang trái trong vài phút chứ?".

"Nghe này. Conor, đừng lo lắng quá về việc đó. Anh thôi xin lỗi đi!". Tôi nói trong điện thoại một cách mệt mỏi. Anh ta làm tôi kiệt sức. Mỗi từ mỗi chữ của anh ta làm tôi kiệt sức". Bố đang ở đây với em. Bố con em đang đi taxi về nhà với nhau, mặc dù em khỏe đến mức cảm thấy có thể tự ngồi trong xe của em và lái xe một mình".

Bên ngoài bệnh viện, bố đang giữ cửa xe mở sẵn cho tôi và tôi bước vào taxi. Cuối cùng tôi cũng đang về nhà, nhưng tôi không cảm thấy nhẹ nhõm như tôi đã hi vọng trước đó. Chẳng có gì ngoài cảm giác sợ. Tôi sợ gặp những người tôi biết và phải giải thích cho họ chuyện gì đã xảy ra, hết lần này đến lần khác.

Tôi sợ đi vào trong nhà và phải có đối mặt với căn phòng dành cho trẻ sơ sinh đã được trang trí xong một nữa; phải thay thế nó với một cái giường dự phòng và lấp đầy tủ bằng những túi xách, những đôi giày ê hề của chính tôi mà tôi sẽ chẳng bao giờ mang hay xách. Tôi sợ phải đi làm thay vì rời khỏi công việc như dự tính của mình. Tôi sợ nhìn thấy Conor. Tôi sợ quay trở về với cuộc hôn nhân không còn tình yêu và cũng chẳng còn đứa trẻ nào để làm chúng tôi quên bớt đi.

Tôi sợ sống mỗi ngày của phần còn lại trong cuộc đời tôi với chuyện Conor cứ đều đều gọi điện thoại bảo rằng muốn ở đây với tôi, trong khi dường như chuyện mong muốn anh ấy đừng về nhà lại là câu thần chú mỗi ngày tôi cầu nguyện. Tôi biết lẽ ra, theo cảm xúc thông thường thì phải là tôi muốn chồng tôi hối hả trở về nhà với tôi - thật sự anh ấy muốn hối hả chạy về nhà với tôi - nhưng có quá nhiều chữ "nhưng" trong cuộc hôn nhân của chúng tôi và tai nạn lần này không phải là sự cố lặp đi lặp lại bình thường.

Lối xử sự của tôi thật lạ lùng. Đó là lối xử sự có thể khiến những người chín chắn trưởng thành thấy rằng tôi thật không ổn, vì tôi không muốn có ai ở bên mình. Tôi cứ bị xáo trộn cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi muốn ở một mình với nỗi đau của riêng mình. Tôi muốn tự làm dịu nỗi đau đớn tiếc nuối của mình bằng những từ ngữ cảm thông, nhưng lời giải thích giản dị. Tôi muốn mình được phép vô lý, được phép tự thương xót mình, được phép tự vấn. Những cay đắng mất mát rồi sẽ qua đi trong vài ngày, trời ơi ... và tôi muốn được một mình để làm điều ấy.

Có điều gì đó không bình thường trong cuộc hôn nhân của chúng tôi.

Conor là một kỹ sư. Anh ra nước ngoài làm việc nhiều tháng liền trước khi trở về nhà một tháng, rồi sau đó lại đi tiếp. Tôi có một công việc của riêng mình và lần đầu tiên khi anh xa nhà, tôi cáu kỉnh bực bội, cứ ước anh trở lại. Nhưng tất nhiên mọi thứ thay đổi theo thời gian. Bây giờ, tôi lại cáu kỉnh bực bội khi anh kéo dài cả tháng trời ở nhà. Một cảm giác hiển hiện rất rõ ràng là tôi không hề thấy cô đơn nữa.

Conor đã làm công việc này cách đây nhiều năm, nên rất khó khăn để anh rời bỏ nó chuyển sang một việc gì đó khác. Trước kia, tôi từng tranh thủ đi thăm anh ấy bất cứ khi nào tôi có thể nhưng thật không dễ để cứ xin nghỉ phép hoài.

Những chuyến đi thăm ngắn dần, thưa dần, sau đó là dừng hẳn.

Tôi đã luôn nghĩ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ còn ổn chừng nào chúng tôi còn cùng cố gắng. Nhưng sau đó tôi nhận ra bản thân mình đang phải cố gắng để mà thực hiện cái việc "cố gắng" đó. Tôi đào sâu dưới cái lớp phức tạp mà chúng tôi đã tạo nên trong chừng ấy năm để bắt đầu một mối quan hệ mới. Mối quan hệ mới đó là gì? Tôi tự hỏi, chúng tôi sẽ làm cách nào để hồi sinh lại mọi thứ? Có thứ gì trên đời đủ khiến hai con người có thể hứa với nhau rằng sẽ trải qua mỗi ngày trong phần còn lại của cuộc đời mình luôn ở bên nhau? À, tôi đã tìm ra nó. Đó chính là cái từ được gọi là "tình yêu". Một từ ngắn gọn đơn giản. Nếu nó không chứa đựng ý nghĩa nhiều đến thế, có lẽ cuộc hôn nhân của chúng tôi đã hoàn mỹ lắm rồi.

Tâm trí của tôi cứ lang thang tận đâu đâu trong thời gian tôi nằm trên giường ở bệnh viện. Cũng có khi, nó bị chặn lại trong lúc lang thang, giống như lúc vào một căn phòng và quên mất vào để làm gì. Tôi đứng chết lặng một mình. Đó là những khoảnh khắc tâm trí tôi tê cóng đi, khi nhìn thấy những bức tường màu hồng, tôi chẳng nghĩ được cái gì khác ngoại trừ sự thật là tôi đang nhìn chằm chằm vào một bức tường mào hồng.

Tâm trí của tôi bị bao bọc trong cảm giác tê liệt quá mức, nhưng cũng có những trường hợp trong lúc đang lang thang nghĩ đâu đâu, tôi đào sâu vào ký ức của mình năm tôi lên sáu. Lúc đó tôi đã được bà ngoại Betty tặng cho một bộ ấm trà tuyệt đẹp mà tôi cực kỳ thích. Bà giữ nó bên nhà của bà để cho tôi chơi mỗi khi bà gọi tôi đến chơi những ngày thứ Bảy, và suốt buổi chiều, khi bà ngoại uống trà với những bà bạn thì tôi sẽ mặc một trong những chiếc áo đầm đẹp nhất của mẹ tôi khi mẹ còn bé và dùng buổi trà chiều với dì Jemima.

Những chiếc váy chẳng bao giờ thật vừa nhưng tôi luôn mặc chúng. Dì Jemima và tôi cũng chẳng bao giờ dùng trà nhưng hai chúng tôi đều lịch sự giả vờ cho đến khi bố mẹ đến và đón tôi về vào cuối ngày. Tôi đã kể câu chuyện này với Conor cách đây vài năm và anh cười ha hả, cười đến nỗi bỏ lỡ mất một chi tiết chính.

Đó là một điểm dễ dàng bị lỡ mất tôi sẽ không bắt anh ta có trách nhiệm về chuyện đó nhưng tâm trí tôi lại đang hét lên với anh ấy khi anh ấy không hiểu vấn đề, răng tôi ngày càng phát hiện rõ ràng con người không bao giờ thật sự mệt mỏi với việc chơi đùa và ăn mặc, dù nhiều năm đã trôi qua. Những lời nói dối giữa chúng tôi bây giờ ngày càng tinh vi, phức tạp; những chữ chúng tôi lừa dối nhau, ngày càng khéo léo. Như những anh chàng cao bồi với người da đỏ như bác sĩ với y tá, đến vợ và chồng, chúng ta chẳng bao giờ ngừng giả vờ.

Ngồi trong chiếc xe taxi bên cạnh bố, trong khi nghe Conor ở bên kia điện thoại, tôi nhận ra tôi đã ngừng đóng kịch.

"Conor đang ở đâu vậy con?". Bố hỏi ngay khi tôi vừa kết thúc cuộc điện thoại. Ông mở nút áo sơ mi trên cùng và nới lỏng cà vạt, ông mặc sơ mi và mang cà vạt bất cứ khi nào rời khỏi nhà, và không bao giờ quên chiếc mũ lưỡi trai. Ông tìm cái tay quay trên cánh cửa, để quay chỉnh cho cửa sổ từ từ hạ xuống.

"Thiết bị này bằng điện tử, bố. Có cái nút ở đó. Anh Conor vẫn còn ở Nhật, anh ấy sẽ về nhà trong vài hôm nữa".

"Hôm qua, bố nghĩ rằng cậu ta sẽ quay về ngay chứ ...", ông ấn cho cửa sổ hạ xuống hết và gió như muốn thổi bay mọi thứ. Cái mũ suýt bị thổi bay khỏi đầu ông làm vài sợi tóc lúc nãy còn dính bệt giờ bắt đầu phất phơ, ông sửa lại cái mũ, lại đánh vật với nút điều khiển sau khi có được một khoảnh khắc hít thở khí trời để lại trở về với không khí ngột ngạt trong chiếc taxi.

"A. được rồi!", ông mỉm cười đầy vẻ chiến thắng, đấm nắm đấm vào cửa sổ.

Tôi chờ đến khi ông ngừng "chiến đấu với cái cửa sổ rồi mới trả lời. "Con nói anh ta không cần làm thế".

"Con nói với ai cái gì, con gái?".

"Conor. Bố đang hỏi con về Conor mà, bố!".

"À, đúng rồi. Bố đang hỏi con ... Cậu ta sẽ về nhà sớm chứ?".

Tôi gật.

Trời nóng quá, tôi thổi những sợi tóc khỏi cái trán bết mồ hôi. Đột nhiên, tôi cảm thấy tóc mình quá nặng nề và rít rịt ở trên đầu. Những sợi tóc nâu khẳng khiu. Sức nặng của chúng đè tôi xuống và một lần nữa, tôi cảm thấy mình quá sức chịu đựng đến mức muốn cạo sạch hết đi ngay lập tức. Tôi trở nên bị kích động, cứ nhấp nhổm trên chỗ ngồi của mình, và bố đủ nhạy cảm để nhận ra điều đó lần nữa, biết rằng không thể nói gì.

Tôi đã như thế suốt cả tuần, những cơn giận dữ bất chợt không kiềm nén.

Thế nên tôi muốn nắm nắm đấm lại và thoi vào tường hoặc thoi vào những cô y tá. Sau đó tôi lại muốn khóc và cảm thấy nỗi mất mát trong tôi lớn đến nỗi như thể tôi sẽ không bao giờ có thể lấp đầy nó lại được lần nữa. Tôi muốn chẳng thà giận dữ. Giận dữ tốt hơn. Giận dữ thì nóng bỏng có thể lấp đầy, có thể cho tôi thứ gì đó để bấm vào.

Chúng tôi ngừng lại trước hệ thống tín hiệu đèn giao thông và tôi nhìn sang bên trái. Một tiệm hớt tóc.

"Vui lòng tấp qua bên đó ...".

"Con muốn làm gì thế, Joyce?".

"Bố chờ trong xe nhé. Chỉ mười phút thôi. Con chỉ đi vào và cắt gọn lại tóc chút xíu. Con không chịu được mái tóc này thêm chút nào nữa".

Bố nhìn vào tiệm hớt tóc, sau đó nhìn người tài xế taxi. Và cả hai biết rằng không thể nói thêm điều gì nữa cả. Chiếc taxi ngay phía trước chúng tôi cũng ra dấu và di chuyển tấp vào lề đường. Chúng tôi dừng ngay sau nó.

Người đàn ông trên chiếc xe phía trước chúng tôi bước xuống, và tôi lạnh người khi đặt một chân bước ra khỏi xe, khi nhìn anh ấy. Anh ta thật quen thuộc. Tôi nghĩ rằng mình biết anh ấy. Anh cũng dừng lại, nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm một lát. Cố lục lọi từng nét trên gương mặt của nhau.

Anh gãi gãi cánh tay trái, một điều gì đó khiến tôi phải chú ý thật kỹ và thật lâu.

Cái khoảnh khắc đầy bất thường. Tôi ghét cảm giác vừa quen vừa lạ thế này, và tôi quay đi thật nhanh.

Anh cũng quay đi thật nhanh khỏi tôi và bắt đầu bước đi.

"Con định làm gì đấy?". Bố hỏi to hơn mức cần thiết. Cuối cùng tôi cùng rời khỏi xe. Tôi đi thẳng vào tiệm hớt tóc và nhận ra rất rõ ràng là cả tôi lẫn người đàn ông lạ mặt kia đều cùng điểm đến. Những bước đi của tôi trở nên đầy máy móc, vụng về, không tự nhiên nữa. Có điều gì đó toát ra từ anh ấy khiến tôi bị xáo động. Bị đảo lộn.

Có lẽ tôi phải nói với ai đó rằng không còn đứa trẻ nào nữa cả. Vâng, một tháng không ngừng nói về đứa trẻ, rồi bây giờ lại chẳng có đứa trẻ nào để nhắc đến. Xin lỗi, mọi người. Tôi cảm thấy có lỗi về chuyện đó, như thể tôi đã lừa dối những người bạn của mình và gia đình mình. Một trò bỡn cợt kéo dài nhất có thể. Một đứa bé ... sẽ chẳng bao giờ có. Trái tim tôi như thắt lại với ý nghĩ ấy.

Người đàn ông giữ cánh cửa mở và mỉm cười. Đẹp trai. Gương mặt tươi tắn.

Cao. Vai rộng. Có dáng thể thao. Hoàn hảo. Có phải anh ta đang hơi đỏ mặt không? Quen quá. Rõ ràng là tôi phải biết anh ta.

"Cảm ơn anh", tôi nói.

"Không có gì!".

Chúng tôi lại cùng ngừng lại, nhìn nhau lần nữa, quay nhìn hai chiếc taxi y hệt nhau đang chờ chúng tôi bên vỉa hè và lại quay lại nhìn nhau. Tôi nghĩ anh muốn nói điều gì đó nhưng tôi vội vàng nhìn qua chỗ khác và bước vào trong.

Tiệm hớt tóc chẳng có ai. Hai nhân viên đang ngồi tán gẫu. Họ là hai người đàn ông, một người có mái tóc so le bờm sư tử, người kia tóc nhuộm vàng. Họ nhìn chúng tôi và làm chúng tôi chú ý.

"Cô thích người thợ nào?", anh chàng người Mỹ từ taxi hỏi khẽ.

"Tóc vàng", tôi mỉm cười.

"Thế thì tôi chọn người thợ tóc bờm sư tử", anh nói.

Miệng tôi há hốc nhưng tôi bật cười.

"Chào ông bà", người đàn ông tóc bờm sư tử bước đến chỗ chúng tôi. "Tôi giúp được gì ông bà đây?". Anh ta nhìn anh, chàng người Mỹ rồi nhìn sang tôi.

"Ai định cắt tóc nhỉ?".

"À, cả hai chúng tôi, tôi cho rằng thế, đúng không?", anh chàng người Mỹ nhìn tôi, và tôi gật.

"Ồ, xin thứ lỗi. Tôi cứ nghĩ là ông bà đi cùng nhau".

Tôi nhận ra rằng chúng tôi đứng quá sát, đến nỗi gần như chạm nhau. Chúng tôi cùng nhìn xuống hai phần hông như bị nối liền, sau đó ánh mắt giao nhau và rồi cả hai đều bước một bước gian ra.

"Hai ông bà nên thử môn bơi đồng bộ được đấy", người thợ hớt tóc bật cười trước hai động tác xảy ra cùng lúc, nhưng câu đùa im bặt ngay khi chúng tôi phản ứng.

"Asley, anh cắt tóc cho quý bà xinh đẹp này. Nào, mời ông đến đây với tôi".

Người thợ hớt tóc dẫn khách đến một cái ghế. Anh chàng người Mỹ lại nhìn tôi trong lúc bị dẫn đi và điều đó khiến tôi bật cười lần nữa.

"Được rồi, tôi chỉ muốn cắt ngắn bớt chừng năm phân thôi. Anh chàng người Mỹ nói. "Lần trước tôi cắt tóc, họ đã cắt đến mức ... hừm ... cứ như cả chục phân.

Vâng, xin vui lòng cắt ngắn giùm chỉ năm phân thôi", anh có vẻ căng thẳng.

"Taxi chờ tôi ngoài để đưa tôi ra sân bay, vì thế, vui lòng cắt nhanh đến mức anh có thể".

Người thợ hới tóc nhe răng cười. "Chắc chắn rồi, không có vần đề gì. Anh sẽ quay trở về Mỹ à?".

Người đàn ông trợn tròn mắt. "Không, tôi không đi đến Mỹ. Tôi không nghỉ mát ở đây, và tôi cũng không gặp bất kỳ ai khi đến nơi cả. Hiểu không? Tôi sẽ chỉ bắt một chuyến bay thôi. Để đi. Rời khỏi đây. Nhưng người Ai- len các anh hỏi quá nhiều câu hỏi đấy!".

"Chúng tôi ấy à?".

"Vâ ...", anh nhổm lên, mắt nhíu lại nhìn người thợ hớt tóc.

"Được rồi", người thợ hớt tóc mỉm cười, chỉ cây kéo vào anh ta.

"Vâng, các anh đúng như vậy đấy". Những cái răng nghiến lại.

Tôi nên để khỏi bật cười lớn và người đàn ông ngay lập tức quay lại nhìn tôi.

Anh có vẻ bối rối. Có lẽ chúng tôi biết nhau. Có lẽ anh ta cùng làm việc với Conor. Có lẽ tôi học cùng trường với anh ta hồi còn bé. Hoặc cùng trường Đại học. Có lẽ anh ta làm việc trong lĩnh vực bất động sản và tôi đã làm việc với anh ta. Không thể được. Anh ta là người Mỹ. Có lẽ tôi đã giới thiệu cho anh ta xem một căn nhà nào đó trong quá trình làm việc. Có lẽ anh ta nổi tiếng và tôi không nên nhìn chằm chằm như vậy. Tôi trở nên bối rối và lại lập tức quay đi lần nữa.

Người thợ hớt tóc phủ một chiếc áo choàng đen quanh tôi. Tôi liếc trộm trong gương người đàn ông ngồi bên cạnh mình. Anh ta đang nhìn tôi, Tôi quay nhìn chỗ khác sau đó lại quay nhìn anh ta. Anh ta vội nhìn chỗ khác. Cứ như thể chúng tôi "chơi tennis" bằng những ánh mắt. Những ánh mắt liếc trộm cứ đưa qua đưa lại suốt giữa chúng tôi.

"Thưa bà, bà muốn làm gì?".

"Cắt tất cả", tôi đáp, cố gắng tránh nhìn bóng mình phản chiếu trong gương nhưng tôi cảm thấy hai bàn tay lạnh cóng dưới hai bên má nóng bừng. Ngẩng đầu lên, tôi bắt buộc mình phải nhìn trực diện chính mình, mặt đối mặt. Không có gì làm mất nhuệ khí cho bằng bắt mình nhìn trực diện chính mình khi bạn không sẵn sàng đi đến giới hạn của một thứ gì đó. Một thứ gì còn nguyên, còn vẹn nguyên và bạn không thể chạy thoát khỏi được. Bạn có thể nói dối chính mình, nói dối trí óc mình và cả phần bên trong trí óc mình tất cả thời gian, nhưng khi bạn nhìn thấy chính gương mặt của mình, mặt đối mặt, vâng, bạn biết rằng bạn đang nói dối. Tôi không ổn. Điều đó tôi không thể che giấu được chính mình. Sự thật đó đang nhìn tôi chằm chằm trong gương. Đôi má tôi hóp vào, quầng mắt thâm đen, một đường màu đỏ viền quanh mắt cứ như là dùng bút kẻ mắt - dấu tích từ nhưng trận khóc thầm đêm đêm.

Nhưng trừ những phần đó, còn lại tôi trông vẫn giống tôi. Mặc dù đã xảy ra biến cố to lớn trong cuộc đời tôi, tôi trông vẫn giống hệt là mình. Đầy mệt mỏi, nhưng là tôi. Tôi không biết tôi mong đợi cái gì. Một phụ nữ hoàn toàn thay đổi, một người mà ai nhìn vào cũng biết rằng vừa trải qua sang chấn, tổn thương tâm lý lớn. Nhưng bây giờ thì chiếc gương nói thế này:

Không thể biết được mọi thứ chỉ bằng cách nhìn vào tôi. Không bao giờ có thể biết được tất cả chỉ bằng cách nhìn vào ai đó.

Tôi cao một mét sáu mươi lăm, với mái tóc chạm đến vai. Màu tóc của tôi pha trộn giữa màu vàng và nâu. Tôi là mẫu người mọi thứ đều ở mức trung bình. Không mập, không gầy. Tôi tập thể dục hai lần mỗi tuần, chạy bộ chút ít, đi bộ chút ít, bơi chút ít. Không có gì quá giới hạn, không có gì chưa đạt chuẩn.

Không bị ám ảnh cái gì. Không nghiện ngập cái gì. Tôi cũng không quá nhút nhát hay quá cởi mở, chỉ là chút ít của cả hai điều ấy, tùy thuộc vào tâm trạng của tôi tùy thuộc vào hoàn cảnh. Tôi không bao giờ hành động quá trớn một chuyện gì và tận hưởng hầu hết mọi thứ tôi làm. Tôi hiếm khi buồn chán và càng rất ít khi nào rên rỉ, than vãn.

Khi đánh chén, cũng có khi tôi uống ngà ngà, nhưng chưa bao giờ say tới mức ngã lộn nhào hay ốm. Tôi thích công việc của tôi, nhưng không yêu nó.

Ngoại hình của tôi kha khá, không đến mức lộng lẫy nhưng cũng không quá xấu. Không mong đợi quá nhiều, không thất vọng quá nhiều. Tôi chẳng bao giờ quá mức chịu đựng cái gì, chỉ là nhẹ nhàng làm dịu xuống. Tôi ổn. Không có gì tuyệt diệu nhưng đôi khi cũng đặc biệt. Tôi nhìn vào trong gương và nhìn thấy trong đó một mẫu người ở mức trung bình về mọi mặt. Một chút mệt mỏi. Một chút buồn. Nhưng không rơi vào tuyệt vọng. Tôi nhìn người đàn ông bên cạnh mình và tôi thấy anh cũng y hệt như vậy.

"Xin lỗi", người thợ hới tóc phá vỡ dòng suy nghĩ của tôi. "Cô muốn cắt tất cả? Cô chắc không? Mái tóc cô rất khỏe và đẹp". Người thợ hớt tóc luồn ngón tay qua mái tóc. "Đây là màu tóc tự nhiên của cô à?".

"Vâng, tôi có từng dùng một chút màu nhuộm nhưng tôi đã ngưng vì ...".

Suýt nữa, tôi buột miệng nói, "Vì tôi có thai". Mắt tôi lại rưng rưng và tôi nhìn xuống, nhưng anh ta lại nghĩ rằng tôi đang gật gật đầu nhìn xuống bụng - cái bụng bây giờ bị che dưới tấm áo choàng.

"Ngưng vì cái gì vậy?", anh ta hỏi lại.

Tôi tiếp tục nhìn xuống chân mình, giả vờ đang làm gì đó với bàn chân mình. Một động tác lẩn tránh vụng về. Tôi không thể nghĩ ra cái gì để nói với anh ta, vì thế tôi giả vờ không nghe thấy.

"Hả? Cô nói rằng cô ngừng dùng thuốc nhuộm tóc vì cái gì?".

"Ồ, tôi ...". Đừng khóc. Đừng khóc. Nếu mình bắt đầu khóc bây giờ, mình sẽ không bao giờ ngừng lại được. "Ồ, tôi không biết", tôi lầm bầm, cúi người xuống chiếc giỏ xách để dưới sàn. Nó sẽ qua thôi. Nó sẽ qua thôi. Một ngày nào đó tất cả những chuyện này sẽ qua thôi, Joyce. "Chất hóa học. Tôi ngưng dùng vì chất hóa học".

"Vâng, vậy nên mới có màu thế này ...", anh ta cầm lấy những món tóc của tôi và cột lại sau lưng. "Cô có muốn chúng tôi thử làm kiểu tóc của Meg Ryan trong phim French Kiss?".

Anh kéo cả mái tóc về một hướng và tôi thấy tóc tai mình dựng đứng như thể đang bị kẹt ngón tay trong một ổ cắm điện. "Nó là một kiểu tóc rối rất gợi cảm.

Hoặc chúng tôi cũng có thể làm kiểu nào đó khác". Anh ta làm rối đầu tóc tôi thêm chút nữa.

"Anh có thể nhanh một chút không? Taxi của tôi cũng đang đợi bên ngoài".

Tôi nhìn ra cửa sổ. Bố đang tán gẫu với người tài xế. Cả hai đều đang bật cười và tôi cảm thấy nhẹ nhõm được chút ít.

"Ồ ... vâng. Những thứ như thế này không thể vội vàng được. Tóc cô rất nhiều".

"Được rồi. Tôi cho phép anh làm nhanh mà. Chỉ cần cắt tất cả đi thôi". Tôi quay nhìn ra xe.

"Vâng, chúng ta cần rời mắt khỏi nó một chút, thưa cô". Anh ta chỉnh lại khuôn mặt tôi quay thẳng trở vào gương. "Cô không muốn có một mái tóc như người hành tinh, đúng không? Tôi sẽ làm cho cô một mái tóc rất gọn gàng, rất nhanh, rất thời thượng. Nó sẽ hợp với cô, tôi nghĩ thế, làm lộ cả xương gò má cao cao. Cô nghĩ sao?".

Tôi không quan tâm đến xương gò mà. Tôi muốn cắt hết tóc.

"Thật sự là ... Chúng ta chỉ cần làm như thế này thôi ...", tôi chộp lấy cây kéo khỏi tay anh ta, cắt món tóc của tôi, sau đó đưa chúng ra sau cho anh ta.

Anh ta thở hổn hển. Lắp bắp không rõ tiếng.

"Hoặc chúng ta có thể làm thế này".

Anh chàng người Mỹ há hốc mồm khi nhìn thấy người thợ hớt tóc lôi ra một chiếc kéo to đùng và cứ thế, từng đoạn tóc dài rơi lả tả. Sau đó, anh quay lại người thợ hớt tóc của mình, cũng chộp lấy cây kéo trước khi người thợ cắt một nhát khác. "Đừng làm thế", anh chỉ, "Làm y như cô ấy cho tôi!".

Người thợ hớt tóc thở dài, tròn mắt. "Không, tất nhiên là không, thưa ông".

Anh chàng người Mỹ bắt đầu gãi gãi cánh tay trái lần nữa. "Tôi phải cắn nó một phát". Anh cố gắng kéo tay áo sơ mi lên. Trong lúc đó thì tôi uốn người bên chỗ ngồi của mình, cố nhìn cánh tay anh ấy.

"Xin cô vui lòng ngồi yên".

"Ông có thể ngồi yên được không thưa ông?".

Hai người thợ hớt tóc nói với một giọng ngân nga hoàn hảo. Họ nhìn nhau và bật cười.

"Có một điều gì đó rất buồn cười", một người trong bọn họ nhận xét. Anh chàng người Mỹ và tôi nhìn nhau. Buồn cười chắc hẳn rồi.

"Xin vui lòng nhìn thẳng vào gương, thưa ông".

Anh quay đi.

Người thợ hớt tóc đặt một ngón tay dưới cằm tôi và khéo léo kéo gương mặt tôi quay thẳng lại. Anh đưa cho tôi một món tóc cột kiểu đuôi ngựa.

"Làm kỷ niệm".

"Thôi, không cần đâu!". Tôi từ chối nhận lấy món tóc.

Mỗi centimet của món tóc này đều từ cái khoảnh khắc đã qua. Những suy nghĩ, những điều ước, những hi vọng, những khao khát, những giấc mơ, chúng đều không thể kéo dài hơn. Tôi muốn cô một sự khở đầu mới. Một đầu tóc mới.

Người thợ hớt tóc bắt đầu tạo dáng cho mái tóc mới dựa trên kiểu tóc hiện giờ và cứ mỗi đoạn tóc rơi xuống tôi đều nhìn theo cách nó bị thổi bay dạt trên mặt đất. Đầu tôi bắt đầu nhẹ hơn. Mái tóc từng được nuôi dưỡng từ cái ngày chúng tôi mua giường cũi cho con. Cắt. Mái tóc từng được nuôi dưỡng từ cái ngày chúng tôi sơn phòng để đón bé sơ sinh, những bình sữa, áo yếm, đồ chơi.

Tất cả đều được mua quá sớm, nhưng chỉ vì chúng tôi cảm thấy quá mong chờ.

Cắt.

Mái tóc từng được nuôi dưỡng từ cái ngày chúng tôi chọn tên cho con. Cắt.

Mái tóc được nuôi dưỡng từ cái ngày chúng tôi thông báo về đứa con trong bụng cho bạn bè và gia đình. Cắt.

Cái ngày của lần siêu âm đầu tiên. Cái ngày tôi phát hiện ra rằng mình mang thai. Cái ngày con tôi được tượng hình. Cắt. Cắt. Cắt.

Ký ức với những đớn đau gần đây vẫn còn đọng lại trong tận chân tóc. Tôi phải chờ cho chúng dài ra cho đến khi tôi có thể cắt bỏ hết chúng và sau đó tất cả mọi vết tích sẽ tan biến, tôi sẽ lại tiếp tục đi tiếp cuộc đời mình.

Tôi đến bên chỗ tính tiền khi anh chàng người Mỹ đang trả tiền cắt tóc.

"Mái tóc hợp với cô lắm", anh nhận xét, thăm dò tôi.

Tôi định kéo mấy sợi tóc ra sau vành tai để giấu vẻ e dè ngượng ngập, nhưng không có gì ở đó cả. Tôi thấy nhẹ hẫng, một cái đầu nhẹ hẫng, tràn ngập cảm giác vui thích, choáng váng với cảm giác vui thích.

"Mái tóc của anh cũng vậy".

"Cảm ơn cô".

Anh mở cửa cho tôi.

"Cảm ơn anh", tôi đáp rồi bước ra ngoài.

"Cô khách sáo quá", anh nói với tôi.

"Vâng, cảm ơn!", tôi mỉm cười, "Anh ... cũng thế".

"Cảm ơn", anh gật đầu.

Chúng tôi bật cười. Chúng tôi cùng nhìn hai chiếc xe taxi đang xếp hàng chờ, và nhìn nhau tò mò. Anh mỉm cười.

"Chiếc thứ nhất hay chiếc thứ hai nhỉ?" anh hỏi.

"Xe của tôi ấy hả?".

Anh gật đầu. "Cái ông tài xế trên xe tôi không ngừng nói chuyện ...".

Tôi nhìn kỹ cả hai chiếc taxi, thấy bố trong chiếc thứ hai, đang chồm người lên phía trước nói chuyện với người tài xế.

"Chiếc thứ nhất. Bố tôi không ngừng nói chuyện ...".

Anh nhìn chiếc taxi thứ hai - nơi lúc này bố đã tì sát gương mặt vào lớp cửa kiếng và nhìn tôi như thể tôi là "yêu quái hiện hình".

"Ồ, chiếc thứ hai chứ!". Anh chàng người Mỹ nói, và bước vào chiếc taxi của anh ta, liếc nhìn lại lần thứ hai.

"Này ...", tôi phản đối, nhìn anh ta bước vào.

Tôi lướt qua chiếc taxi của tôi và cả hai chúng tôi đều kéo cửa xe đóng lại cùng một lúc. Người tài xế taxi và bố nhìn tôi như thể họ vừa nhìn thấy một bóng ma.

"Chuyện gì thế?", tim tôi đập loạn xạ. "Chuyện gì xảy ra thế? Nói con nghe nào!".

"Tóc của con ...", bố nói một cách đơn giản nhưng gương mặt thì lộ vẻ thất kinh, "Con giống hệt như một đứa con trai".