Cấm Kỵ Sư

Chương 21: Pháp Tắc Của Cấm Kỵ




Dù sao, cuộc sống đại học của tôi cũng coi như bắt đầu rồi, mặc dù nó còn hơi mơ hồ.

Câu chuyện về bên trong cánh đồng ngô của A Long, hắn trước sau chưa bao giờ chịu kể cho chúng tôi, mà Tiểu Hồ Tử---cũng chính là Hồ Văn Tĩnh, nhìn rất thành thật, trong xương cốt lại là một nam nhân rất biết chịu đựng, vẫn quấn quýt đòi A Long kể cho bằng được, còn bị A Long gạt vài bữa cơm, nhưng câu chuyện kia thì A Long vẫn không chịu kể.

Một vài ngày sau, các tân sinh viên tiếp tục đến báo danh, cảm giác mới mẻ ban đầu cũng không còn nữa, trường học này vốn cũng không lớn, nơi nào chúng tôi cũng đến hết rồi, vì vậy nhà trường liền chuẩn bị khai giảng.

Tuy nhiên, vẫn còn một điều kỳ lạ, đó chính là phòng trong ký túc xá của chúng tôi, chưa bao giờ có thêm một người bạn mới, vẫn luôn là ba người chúng tôi.

Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy rất kỳ quái, nhưng cũng thầm hô may mắn, người càng ít thì càng sống thoải mái, có lẽ số lượng sinh viên báo danh không đủ, ngay cả ký túc xá cũng không được đầy người.

Trường này chỉ có hơn 200 điểm, quả nhiên đủ hố người, ngay cả việc huấn luyện quân sự cũng không có, trực tiếp bắt đầu đi học.

Ngành mà tôi chọn là thư pháp, đến lớp học mới biết được, quả nhiên ngành này chẳng được để ý gì cả, tính luôn cả tôi bên trong thì lớp học tổng cộng chỉ có mười tám người, hơn nữa cũng đều là nam giới, thậm chí ngay cả giảng viên cũng là một lão già đầu hói, họ Trương, cả ngày đeo lên một cặp kính viễn thị, rung đùi đắc ý giảng cho chúng tôi nghe nguồn gốc của chữ Đại Triện và Tiểu Triện, sự khác nhau giữa bia thời Ngụy cùng chữ Lệ.

Con mẹ nó, chẳng trách ngành này đi ra ngoài chẳng ai muốn nhận, ông chủ công ty người ta nếu có hỏi về sở trường, há mồm ra nói nguồn gốc cùng khác biệt của mấy loại chữ viết hồi xưa, không bị người ta đánh bay ra ngoài cũng uổng.

Mười tám người chúng tôi chịu khổ sở, sau đó được mọi người xưng là mười tám đồng nhân của Thiếu Lâm, uy chấn trường học, thanh danh truyền xa.

Tôi nhớ rằng lúc đó có người muốn kêu gọi chuyển ngành, nhưng vào ngày nhập học đầu tiên, giảng viên Trương đã nói qua vài câu nói, để cho nỗi thấp thỏm trong mười tám người chúng tôi trở nên kiên định.

Hắn nói:

- Tôi có một tình yêu mãnh liệt với các nền văn hóa của Trung Quốc, tôi yêu thích văn hóa Trung Quốc, và muốn truyền bá văn hóa Trung Quốc cho nhiều người hơn. Văn hóa thư pháp Trung Quốc bắt nguồn từ thời xa xưa, bác đại tinh thâm, nó mang tính chất lịch sử và văn hóa của Trung Quốc, nó là tinh hoa của văn hóa Trung Quốc, là một kho báu, nên đưa ra bên ngoài thế giới cho họ chiêm ngưỡng và ca ngợi nó. Đã có người từng nói, cái gọi là tinh hoa chỉ là lỗi thời, văn hóa đã lụi tàn, gọi là tinh hoa, thật sự là sỉ nhục của một nước, họ coi thường truyền thống văn hóa Trung Quốc, ở khắp mọi nơi đều bắt chước phương Tây. Tôi muốn nói rằng, một quốc gia mà không có lịch sử văn hóa, không có một nền di sản nào của văn minh quốc gia, một người không thừa nhận lịch sử và văn hóa, nghĩa là người đó đã quên đi tổ tiên của mình.

- Điều đáng tiếc là rất nhiều người khi đề cập đến lịch sử và văn hóa, học có xu hướng nhìn vào những thứ đồ vật mục nát, hễ cứ thấy được là họ lại dán mãn di sản thời phong kiến, nhưng họ đã quên đi cái gọi là tinh hoa. Ví dụ như, vào 2000 năm trước đây, các nhà tư tưởng của chúng ta thời đó đã đưa ra một câu nói “Cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên, được họi là huyền đức”, nguồn gốc của câu nói này là ở chương 51 trong sách “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, ý nói sinh vạn vật mà không nhận là của mình, làm mà không cậy công, làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, đây chính là triết nhân của chúng ta ở thời cổ đại đã đưa ra lý luận vĩ đại về “Đạo” và “Đức”.

- Nếu như đem câu nói này được áp dụng vào nền giáo dục ngày nay thì có thể hiểu như sau: Đẻ con ra nhưng không coi đứa trẻ đó là tài sản riêng của mình, nuôi nấng trẻ con từ nhỏ đến lớn nhưng không bao giờ vì đó mà đòi hỏi báo đáp, nuôi dạy đứa trẻ trưởng thành nhưng không can thiệp vào vận mênh của chúng, không áp đặt suy nghĩ của mình cho đứa trẻ, không can thiệp vào tự do của trẻ. Dù vậy nhưng vẫn nhiều người nghĩ rằng loại tư tưởng này là cặn bã, bỏ mặc nó? Các bạn sinh viên, đừng bao giờ nghĩ rằng loại tư tưởng bình đẳng tự do này chỉ có ở phương Tây. Ngay từ hơn 2000 năm trước, tổ tiên của chúng ta đã đưa ra loại tư tưởng này. Vì vậy tôi mới nói, thái độ đối với một di sản văn hóa độc đáo, chính là loại đi cặn bã, lọc ra tinh hoa, đây chính là bản chất tinh túy bên trong văn hóa quốc gia, chúng ta nhất định phải phát triển tiếp, nó là giá trị để cho chúng ta có thể tự hào cả một đời, đồng thời các bạn cũng không cần lo lắng về công ăn việc làm trong tương lai, hãy nhớ rằng nền văn minh của lịch sử sẽ không bao giờ bị phai nhạt, các bạn đã chọn lựa ngành nghề này, tương đương với đảm nhiệm một loại tinh thần vĩ đại, và tôi tự hào về các bạn!

Không thể không nói, những lời nói của vị giảng viên Trương có vẻ lỗi thời này, đã tạo cho chúng tôi một niềm đam mê mãnh liệt, từ đây về sau không còn có người nào muốn đổi ngành nữa, hơn nữa những môn học do chính hắn dạy chưa bao giờ vắng một người.

Điều này tự nhiên cũng có cả tôi ở bên trong, tuy rằng tôi chạy đến không phải để học tập, nhưng với tinh thần vĩ đại của vị giảng viên này, tôi cũng phải tới, dù sao lịch học môn này chỉ mỗi ngày một tiết, cũng không mất bao nhiêu thời gian, còn những môn học khác, tôi cho nó đi gặp quỷ hết, bởi vì tôi còn cần thời gian để giải quyết vấn đề của mình.

Cấm kỵ bút ký, cuối cùng tôi đã có thể an tâm để cẩn thận nhìn xem, hơn nữa bên trong ký túc xá thỉnh thoảng chỉ có mấy sinh viên bỏ tiết xin nghỉ, không có bất kỳ ai, cũng không có ai làm phiền tôi.

Tôi luôn có ảo giác rằng quyển cấm kỵ bút ký này giống y như một quyển bí tịch võ lâm. Khi tôi mở nó ra, thì bên trong sẽ có một dòng chữ to hiện ra: Quy tắc chung của cấm pháp tầng thứ nhất. Sau đó ở bên trong sẽ là các loại giải thích cùng với những tranh vẽ sinh động mô tả rõ ràng, các loại quỷ quái vừa xem là hiểu ngay, giống như... Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự vậy.

Nhưng lúc mà tôi chân chính mở ra quyển cấm kỵ bút ký này, lại phát hiện được, thì ra đây chỉ là một bản bút ký.

Mở ra tờ đầu tiên, trên tờ giấy ố vàng đã vẽ lên ba chữ lớn, chính là ba chữ “Trấn, Khu, Phá”, phía dưới có viết một dòng chữ nhỏ: Quy tắc chung của ba chữ trong cấm pháp tầng thứ nhất, tất cả biến hóa, đều được biến hóa từ ba chữ này mà ra, con cháu đời sau hãy ghi nhớ.

A, thì ra là vậy, hóa ra ba chữ này chính là quy tắc chung, chẳng trách mỗi lần ông nội viết chữ đều không giống nhau, nhưng chỉ dạy ba chữ này cho tôi, có vẻ như các loại biến hóa khác cần tự mình đi tìm tòi.

Trong lòng tôi âm thầm vui mừng, may mà tôi đã tìm hiểu và học hỏi chữ cổ đại hai năm, lại đăng ký vào học ngành thư pháp, lần này đúng là mèo mù mà đụng phải chuột chết, bắt được!

Sau đó lại mở ra tờ thứ hai của bút ký, mặt trên dùng chữ Khải để ghi chép: Minh Gia Tĩnh(1) năm thứ hai mươi lăm, ở Giang Tô và Chiết Giang có thủy quái làm loạn, làm chết và bị thương rất nhiều người, các ngư dân do sợ điều cấm kỵ, sợ quái vật trả thù, không dám cứu người. Tổ tiên Hàn gia đã đi đến đó, và đến ngày thứ ba, mới đánh chết được con thủy quái này. Nói với dân chúng rằng: Con thủy quái kia, là từ oán khí của thủy quỷ biến hóa mà thành. Nếu như thấy chết mà không cứu, sợ rằng sẽ có nhiều thủy quỷ hơn, nếu mà cứu người, thì lại không thể nào diệt trừ lũ lụt. Con người sợ điều tà ác, mà thiên đạo lại không quan tâm, người tốt chịu hy sinh cũng không nhiều. Cứu người chính là tự cứu lấy chính mình, hãy nhớ lấy điều đó. Trên thế gian có nhiều điều cấm kỵ, có việc nên làm, có việc không nên làm, nhưng cần phải một lòng quan tâm thiện ác.

Đoạn văn này hoàn toàn là một đoạn văn viết theo phong cách cổ điển, nhưng cũng viết rất giống lối văn bây giờ, phương thức viết từ trái qua phải, hiển nhiên, đây chính là vì hậu nhân sau này của Hàn gia, vì sợ hậu nhân xem không hiểu, ở phía dưới thậm chí có một dòng chữ nhỏ chú giải.

Năm thứ hai mươi lăm của triều đại vua Minh Gia Tĩnh, ở Giang Tô và Chiết Giang có quái vật làm loạn, làm tổn thương rất nhiều người dân, ngư dân vì e sợ thủy quái trả thù, thấy có người rơi xuống nước cũng không dám cứu giúp. Ở địa phương mà ngư dân sinh sống có một cái cấm kỵ, chính là không được cứu người sống nào bị rơi xuống dưới nước, bởi vì đó là con mồi mà thủy quỷ bắt tới, mà ngư dân mỗi ngày đều phải giao thiệp với nước, nếu mà cứu người từ trong tay của thủy quỷ, thì sẽ bị thủy quỷ tìm tới người cứu để thay thế, hoặc là khiến cho người cứu không đánh bắt được con cá nào.

Sau đó, tổ tiên Hàn gia vội vàng đi đến đó, một mình một thuyền đi ra biển, kéo dài ba ngày, mới dẫn được con thủy quái vào bờ để giết nó, khi quái vật hiện hình, mới biết được là linh hồn của người chết trong nước quấy phá. Vì vậy tổ tiên đã cảnh báo tất cả mọi người: Thủy quái, chính là oán khí của thủy quỷ biến hóa mà thành. Mọi người cứ suốt ngày qua lại ở trên con sông, chỉ vì một điều cấm kỵ của ngư dân các người, liền thấy chết mà không cứu, nếu cứ như vậy, thì sẽ có càng nhiều, càng nhiều thủy quái hơn nữa. Nếu như mọi người đồng tâm hợp lực, đồng thời vứt bỏ đi thói quen này, mới có thể vĩnh viễn tránh thoát khỏi lũ lụt. Nếu như không có thủy quỷ, thì điều cấm kỵ này sẽ bị phá giải. Không thể lo sợ các thế lực tà ác mà quên đi lương tâm đ*o đức, nhớ kỹ, cứu người chính là cứu bản thân mình. Cấm kỵ trên thế gian này tuy rằng có rất nhiều, nhưng trong đó có việc nên làm, có việc không nên làm, thiện hay ác chỉ trong một ý nghĩ.

Đoạn văn này giải thích chi tiết rất tỉ mỉ, thực ra thì cố sự này rất đơn giản, chính là ở một nơi có thủy quỷ quấy phá, là câu chuyện về tổ tiên Hàn gia diệt trừ thủy quỷ. Nhưng mà tôi cảm thấy được người viết quyển bút ký này lại một mực đem cố sự này đặt ở trang đầu tiên, nhất định là có thâm ý gì đó.

Cấm kỵ, chính là những điều kiêng kỵ không thể đụng vào, chức trách của cấm kỵ sư chính là phải trợ giúp mọi người tránh khỏi cấm kỵ, rời xa nguy hiểm, tuy nhiên, một khi điều cấm kỵ ấy là bất hợp lý, vậy còn phải tuân thủ điều cấm kỵ này sao?

Cố sự bên trong nói tới hiển nhiên chính là đạo lý này. Cũng nhắc nhở hậu nhân của Hàn gia, không muốn dùng lí lẽ cứng nhắc, cho rằng cấm kỵ liền không thể đụng vào, liền một mực né tránh nó đi, có một số điều cấm kỵ cần phải cố gắng loại bỏ giống như câu chuyện về con thủy quỷ, ngư dân vì dựa theo điều cấm kỵ mà không dám cứu người rơi xuống nước, vậy thì chỉ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn và nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, thủy quái càng ngày càng nhiều, càng sẽ khó bị khống chế, người bị thủy quái làm hại sẽ càng ngày càng nhiều, nói không chắc được người mà ngươi không cứu trong ngày hôm nay, ngày mai sẽ hóa thành thủy quỷ kéo ngươi xuống dưới nước.

Vì lẽ đó, gặp phải cấm kỵ, không đơn giản chỉ là né nó đi cùng tìm biện pháp hóa giải nó, mà phải tìm kiếm ra căn nguyên của thứ đã tạo nên điều cấm kỵ này, đây mới là pháp tắc loại bỏ cấm kỵ cao thâm nhất.

Điều cấm kỵ, có thể là điều ác, cũng có thể là điều thiện, tất cả chỉ xem tâm niệm của người làm phép ra sao.

Đúng thật, cố sự này quả nhiên có thâm ý, tôi nghĩ thông điểm này không khỏi cảm thấy rất ngưỡng mộ, đồng thời đột nhiên nhớ tới tin tức tôi xem mấy ngày trước, nói rằng xung quanh con sông Dương Tử(2) có người chết chìm, ngư dân nhắm mắt làm ngơ, tuyên bố chỉ nhặt xác người chết chứ không cứu người, bất kể mọi người có cầu xin như thế nào đi nữa cũng không để ý tới, cuối cùng dẫn đến hậu quả là ba người bị chết đuối, lúc này bọn họ mới mang xác người chào giá, cũng giở công phu sư tử ngoạm khi gặp gia đình nạn nhân.

Thông tin này đã được rất nhiều người biết đến, trong lúc nhất thời đã gây ra quá nhiều người trong xã hội quan tâm cùng thảo luận, lên án mạnh mẽ đối với những người ngư dân bất lương này. Lúc này nhìn thấy ghi chép bên trong cấm kỵ bút ký, tôi mới nhớ đến, nói vậy thì cái truyền thống này của bọn họ đã được truyền xuống tới bây giờ, đây thực sự là một điều đáng tiếc, tổ tiên Hàn gia phải hao một phen khổ tâm, những vẫn không ngăn nổi sự ích kỷ của mỗi con người, dù sao thì không phải ai cũng muốn bị thủy quỷ trả thù.

Nhưng thực tế bọn họ lại không biết, từ thời khắc mà họ thấy chết mà không cứu, thì sau này dù sớm hay muộn hậu quả cũng sẽ báo ứng lên người họ.

- Cấm kỵ trên thế gian này tuy rằng có rất nhiều, nhưng trong đó có việc nên làm, có việc không nên làm, thiện hay ác chỉ trong một ý nghĩ.

Câu nói này, bắt đầu từ ngày hôm nay, tôi liền ghi nhớ sâu nó vào trong lòng.

Với sự tôn kính, tôi lại mở ra tờ thứ hai của cấm kỵ bút ký, phát hiện ra lần này là một câu chuyện được viết bằng tiếng địa phương, nhưng mà viết ngắn gọn hơn nhiều so với cố sự lúc nãy.

Ví dụ như, khi đi một mình trong con đường tối thì không nên quay đầu lung tung, khi xây dựng một tòa nhà thì không nên kinh động đến hài cốt, khi bu xung quanh người chết thì không nên gọi tên của họ, không sống trong căn phòng cũ tăm tối, hay sống ở gần những miếu thờ bãi tha ma, không dựa vào núi non sông suối, không nên treo chuông gió trong phòng ngủ, vào nửa đêm thì không nên soi gương, không nên trồng trọt vào những ngày mưa gió, ngồi trên thuyền không nên huýt sáo, giết lợn phải dùng một đao giết chết, tháng giêng không nên đi xem bói, đêm khuya không nên kể chuyện ma quỷ...

Trong bút ký ghi rất nhiều những điều như vậy, hơn nữa còn dùng chữ Khải để viết, ngay ngắn, rành mạch, hiển nhiên tổ tiên vô cùng để tâm khi viết quyển bút ký này.

Nhìn vào từng điều từng điều cấm kỵ, tôi bỗng nhiên cảm thấy sợ hãi, thực sự không thể nghĩ ra ở trên thế gian này hóa ra lại có nhiều điều cấm kỵ như vậy, chẳng trách lúc nhỏ, ông nội luôn không cho phép tôi làm cái này, không cho phép tôi làm cái kia, hiện tại nhớ đến nó, thì ra những điều đó chính là những điều cấm kỵ.

Sau khi lật được vài trang, tôi lại thấy được một ghi chép, chính là cấm kỵ không nên đi dã ngoại vào giữa trưa, trong lòng tôi hơi động, bận bịu đọc nó một cách cẩn thận. Ghi chép bên trong bút ký kỳ thật cũng rất đơn giản, giữa trưa là lúc dương khí cực thịnh trong ngày, vào giờ ngọ ba khắc thì dương khí mãnh liệt nhất, đó là thời điểm mà các tử tù bị chém cổ mất đầu, vì thế nên âm sát khí cũng là mãnh liệt nhất. Mà đi dã ngoại thì nhân khí sẽ không đủ, dương khí thưa thớt, vào giờ ngọ ba khắc chính là lúc du hồn đi qua lại, nếu như một mình chạy đi dã ngoại vào buổi trưa, sẽ bị âm sát khi xâm nhập, dễ dàng gặp phải nguy hiểm.

Tôi nghĩ tới khi mình còn bé đã không nghe lời của ông nội, giữa trưa chạy lên núi đi chơi, kết quả bị lạc đường nên gặp phải luyện cốt sư Mã Cửu, lúc đấy suýt chút nữa thì đã gặp đại họa.

Bây giờ nghĩ lại, Mã Cửu cũng đang lợi dụng vào thời điểm âm sát khí nồng nặc nhất, mới đi lên núi đào hài cốt, như vậy thì hiệu quả luyện cốt sẽ tốt hơn khi làm như vậy sao?

Nghĩ về điều này, tôi không thể không rùng mình, một việc làm tà ác như thế mà tôi lại có thể nghĩ đến vấn đề hiệu quả có tốt hơn hay không, phi phi.

Tôi không dám suy nghĩ lung tung nữa, những nội dung ghi trong quyển bút ký này quá mức tà tính, vào ban ngày nhìn vào nó cũng không nhịn được sống lưng cảm thấy lạnh, tôi cần phải ổn định tâm trí, không thể tự mình dọa mình làm ra những điều sai lầm.

Ở phía sau còn có rất nhiều nội dung, nhưng tôi cũng không có cẩn thận nhìn xem chi tiết từng cái, mà đại khái chỉ lật xem những nội dung chính, phát hiện được phần lớn về sau của bút ký, chỉ toàn giới thiệu yêu ma quỷ quái, trong đó giới thiệu các loại ma quỷ đang ẩn nấp trong thế gian này, ghi chép phương thức hại người của chúng nó, cùng với những phương pháp ngăn chặn cùng hóa giải.

Làm cho tôi kinh ngạc là những phương pháp hóa giải quỷ trong cấm kỵ bút ký này, cũng không giống với trong suy nghĩ của tôi, sử dụng đến cấm pháp Hàn gia, giống như ông nội dùng biện pháp cứng đối cứng diệt trừ, mà là giải quyết từ căn nguyên của vấn đề, hóa giải chấp niệm cùng oán khí của quỷ quái.

Ví dụ như chuyện lúc trước, tôi ở trong quán trà thời cấp ba gặp được quỷ keo kiệt, trong bút ký ghi chép làm quỷ keo kiệt, chính là do chấp niệm tham lam của những con người nhỏ mọn biến thành, biện pháp để đối phó với nó, liền phải từ căn bản mà hóa giải, người gặp phải con quỷ này ám, phải tán đi tiền tài để tránh được tai họa, rộng rãi đi làm bố thí, lấy tấm lòng bao la đi hóa giải hẹp hòi, lấy rộng rãi đối mặt với tham lam, lúc đó con quỷ keo kiệt tất nhiên sẽ cảm thấy xấu hổ, sẽ rút lui và không trở lại lần nào nữa, hoặc có thể làm cho nó tỉnh ngộ, hồn tiêu phách tán, tái nhập vào luân hồi.

Phương pháp này quả thật rất cao minh, rõ ràng đây đâu phải là phương pháp trừ quỷ, mà đây rõ ràng là lấy con quỷ này đi cảnh tỉnh mọi người, tôi cảm thấy rất khâm phục.

Nhưng cũng không phải chỉ có một mình phương pháp này, bên trong bút ký cũng có rất nhiều phương pháp lấy bạo chế bạo, ví dụ như những con quỷ do người chết oan lâu năm, sự oán phận đã phủ mờ tâm trí của chúng nó, phải dùng cấm pháp giết chết! Những con quỷ là tử tù bị chết do chặt đầu, lấy cấm pháp giết chết! Người đã chết nhưng lại đi hại người, phải đi tìm căn nguyên của vấn đề, không thích hợp giết chết, phải dùng Pháp Quyết Chữ Khu để giải quyết.

Phàm là cây cỏ động vật đều có thể trở thành yêu ma quỷ quái, nếu như chuyên tâm tu hành thì thôi, nếu mà hại người, dùng Pháp Quyết Chữ Trấn, nếu lại vi phạm, giết chết.

Ở dưới những thông tin về các loại yêu ma, còn ghi chép những con yêu ma đã bị tổ tiên Hàn gia diệt trừ, với kỹ càng cùng tỉ mỉ những phương pháp giải quyết, tôi càng xem càng mê li, đây đâu phải là quyển cấm kỵ bút ký cơ chứ, đây rõ ràng giống một quyển tiểu thuyết linh dị hơn.

Tuy nhiên khi nhìn vào đó, tôi chợt thấy một cái tên xuất hiện ở trong những con yêu ma này.

Lẻ loi hai chữ: Dạ Ma.

(1) Minh Thế Tông, vị hoàng đế thứ mười hai của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc.

(2) hay còn gọi là sông Trường Giang.

----------------------------------------------------------------------

Dịch: T

Beta: T

Nhóm dịch: MBMH Translate

Bản dịch được cập nhật độc quyền tại