Cẩm Chướng Xanh Xin Đừng Tàn

Chương 28: Yêu




Sau ca phẫu thuật, tôi không trở lại Bắc Kinh mà làm việc tại bệnh viện Xinhua, tỉnh Tây An. Tôi thuê chính căn phòng mà Chính Đông đã ở trước đây và vẫn giữ nguyên những đồ đạc mà em để lại. Chiếc gạt tàn vẫn để trên bậc cửa sổ, mang theo những mẩu thuốc lá đang hút dở. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng cai thuốc nhưng không hiệu quả. Rốt cuộc, vẫn là một ngày hút tận 2 bao. Xem ra, bắt đầu một thói quen thì rất dễ, nhưng từ bỏ chúng lại khó khăn vô cùng.

Trong căn phòng này, tôi lại như có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chính Đông.

Tôi mường tượng ra cái cách em đứng tựa lưng vào cửa sổ, tay kẹp điếu thuốc lá cháy dở, ánh mắt nhìn ra những ngôi nhà sáng đèn trong đêm tối.

Cái cách em vào bếp nấu mì tôm.

Hay cái cách em nằm co người ngủ trên đệm vì lạnh.

Tất cả đều khiến tôi nhớ em.

Có người hỏi, tôi không quên được người kia hay sao.

Tôi nói, tôi không quên.

Mẹ tôi hỏi, chuyện với Chính Đông sao vẫn còn cố chấp.

Tôi nói, Chính Đông là chấp niệm của tôi.

Có người cười cợt, có người khinh bỉ, cũng có người thương hại, có người lại cảm thông.

Tôi chỉ nhàn nhạt trả lời, đó là chuyện của tôi.

Cuối tuần, tôi lại trở về Bắc Kinh, ăn cùng bố mẹ một bữa cơm, nhưng cơ bản không có chuyện gì để nói.

Bố vẫn duy trì thái độ trầm mặc, coi tôi như người dưng. Thậm chí, ngay cả khi ông ngồi đối diện với tôi cũng không thèm liếc mắt nhìn tôi lấy một cái.

Sức khỏe của mẹ đã ổn định hơn trước, chỉ thỉnh thoảng, bà vẫn bị tăng huyết áp nhưng nếu cố gắng ổn định tinh thần và giữ cảm xúc tích cực thì cũng không có vấn đề gì nhiều. Tôi một tháng đều tranh thủ đưa mẹ đi bệnh viện kiểm tra một lần, cũng gửi thuốc về nhà thường xuyên. Tiền lương đều chuyển một phần vào tài khoản của bố mẹ, một phần để chi tiêu những khoản lặt vặt và một phần riêng để tiết kiệm.

Mẹ tôi càng ngày càng hi vọng tôi sớm lập gia đình, có một người vợ, sinh vài đứa con. Bà gọi đấy là cuộc sống của người bình thường.

Lúc đầu, bà còn muốn nối lại mối quan hệ của tôi và Tuệ Nhi khi thường xuyên mời cô ấy về nhà ăn cơm vào cuối tuần. Tuệ Nhi thì ngại ngùng, khó xử còn tôi thì như người bị ép buộc, cả người đều không thoải mái.

Cuối cùng, vì để tránh chuyện này xảy ra, Tuệ Nhi liền giả vờ hẹn hò với một anh chàng bác sĩ người Mỹ đã phẫu thuật mắt thành công cho cô ấy. Không ngờ, mối quan hệ của họ lại từ giả trở thành thật. Năm trước, tôi nhận thiệp cưới của Tuệ Nhi mà còn cảm thấy khó tin.

Tuệ Nhi thật đẹp trong bộ váy cưới màu trắng. Lúc tôi chúc rượu cho cô dâu và chú rể, tôi nói đùa:

– Vậy mà bảo em không thích, em không muốn. Rốt cuộc vẫn là ghét của nào trời trao của ấy.- Hồi đầu em ghét anh lắm, mà rốt cuộc thì chúng ta có nên duyên đâu. Sao, hối hận cũng không có cửa đâu.

Rượu vào làm tôi có chút say, mặt đỏ lên, hai mắt đều hoa. Nghe Tuệ Nhi nói, chỉ cười:

– Hối hận.

Thực ra, trước mắt tôi đều nhìn thấy Chính Đông. Tôi thấy chúng tôi nắm tay nhau bước lên sân khấu, chúng tôi cắt bánh, rót rượu vang và trao nhẫn vào tay của nhau.

Tôi có thể thấy Chính Đông cười.

Say rượu rồi, tôi lại hi vọng đó là thật dù biết đó chỉ là cảnh tôi tượng tưởng ra.

Không có Chính Đông, cũng không có đám cưới của chúng tôi.

Rượu vào đắng ngắt trong cổ họng, mãi mãi không tản đi.

Sau đám cười, Tuệ Nhi liền chế giễu tôi một trận. Đi đám cưới mà bạn của cô dâu say mềm, để chú rể và môt người khiêng mới về được đến nhà.

Mẹ tôi không còn cố níu kéo mối quan hệ của Tuệ Nhi và tôi. Nhưng thay vào đó, bà bắt tôi đi xem mắt.

Đầu tiên, cho tôi xem ảnh của những người phụ nữ mà tôi không quen biết. Khi thấy tôi không quan tâm, bà liền tự mình hẹn với họ.

Mẹ tôi thường bảo tôi chờ bà đi đâu đó rồi rốt cuộc lại lừa tôi đi coi mặt hết người này tới người khác.

– Anh làm gì? – Người đối diện hỏi.

– Bác sĩ.

– Lương anh bao nhiêu? Ý tôi là gia đình tôi rất nghèo. Tôi còn phải lo cho ông bà, bố mẹ, chị em của mình.

– Ý cô là, nếu tôi đồng ý quen cô thì tôi phải có trách nhiệm lo cho cả gia đình cô sao?

– Hà Ngạo Quân.

Mẹ tôi huých tay tôi. Cô gái có vẻ xấu hổ, bà liền đứng lên, viện cớ ra về. Trước khi đi, bà còn dặn tôi phải lịch sự và chiếu cố cô gái này thật tốt.

Sau khi mẹ tôi đi, cô gái định nói, nhưng tôi đã cướp lời trước.

– Lương tôi đủ sống. Gia đình tôi cũng nghèo. Mẹ bị cao huyết áp, bố thì ở nhà. Sau khi trừ các khoản chi phí thì chắc cũng đủ để tôi sống.

Cô gái hắng giọng, lộ vẻ khó xử.

Tôi đứng lên:

– Nếu không còn việc gì nữa. Tôi đi trước, tôi có hẹn rồi. Sau này muốn hẹn hò, tôi khuyên cô không nên hỏi lương của người đàn ông là bao nhiêu và việc cô và anh ấy hẹn hò không có nghĩa anh ta cần lo cho cả gia đình của cô. Hơn nữa, xin lỗi, cô không phải loại hình tôi thích. Quên, tôi để ví ở nhà mất rồi. Cô trả tiền nước hộ tôi nhé.

Tôi bỏ đi, mặc kệ khuôn mặt vẫn còn sửng sốt của cô gái.

Những lần khác, đi hẹn hò tôi lúc lấy lý do quên ví, lúc thừa nhận tôi là gay. Kết quả là những đối tượng xem mặt mẹ tôi sắp xếp đều không bao giờ muốn gặp lại tôi lần thứ hai.

Về việc này, mẹ tôi đã từng làm ầm ĩ một trận, nhưng tôi nói, tôi không biết tại sao phụ nữ lại không thích tôi và không liên lạc lại.Cứ thế, hai năm liền trôi qua.

Đối diện với cảnh còn, người mất, tôi lại cảm giác như đã trôi qua tận 2 thế kỷ. Mỗi ngày thật dài, hoàn toàn vô nghĩa và tẻ nhạt.

Tôi được nhận lời mời phỏng vấn của một kênh truyền hình.

Nữ phóng viên hỏi tôi:

– Bác sĩ Hà, tôi được biết anh giờ rất nổi tiếng. Anh đã tiến hành thành công nhiều ca phẫu thuật ghép tim nhân tạo, thậm chí lên cả báo quốc tế. Không chỉ bệnh viện Bắc Kinh mà cả những bệnh viện lớn đều mời anh về. Nhưng tại sao anh lại quyết định ở lại một bệnh viện nhỏ Xinhua.

– Tôi nghĩ Xinhua không phải một bệnh viện nhỏ. Nó đang phát triển, và tương lai có thể trở thành một bệnh viện lớn. Tôi không quan trọng môi trường tốt thế nào, điều kiện ưu ái ra sao, hay phúc lợi có nhiều hay không, tôi thích ở đây. Bởi thành phố này cho tôi rất nhiều kỉ niệm.

– Kỉ niệm gì thưa anh? Với gia đình, bạn bè hay bạn gái?

Nữ phóng viên nhìn tôi.

Tôi im lặng vài giây, rồi trả lời.

– Với người tôi yêu. Em ấy từng sống ở thành phố này. Em ấy nói em ấy thích sự bình yên của Tây An.

– Bác sĩ Hà, tôi thấy trước đây anh chưa từng nhắc tới người yêu?

– Là không cần nhắc. Vị trí của em ấy không ai có thể thay được.

– Vậy người đó giờ ở đâu?

– Không ở đây. Nhưng tôi vẫn sẽ chờ.

Buổi phóng vấn kết thúc. Chương trình được chiếu trên ti vi và được đăng lại trên mạng. Rất nhiều người biết đến cuộc phỏng vấn này, trong đó có người còn tự hỏi liệu người tôi nói đến có phải là người đàn ông ngồi xe lăn cùng tôi hôn môi trong ngày mưa ấy.

– Qúy khách, anh muốn hoa gì?

Người bán hoa hỏi tôi. Thấy tôi thất thần, cô ta liền hỏi lại.

– Hoa cúc, dùng để đưa tang. – Tôi trả lời.

Đám tang được tổ chức vào một ngày rất đẹp, có lẽ người yên nghỉ cũng cảm thấy được an ủi. Lúc tôi đến, mọi người đều đã về, căn phòng chỉ lác đác một vài người.

Họ cúi đầu chào tôi theo nghi thức. Tôi nói lời an ủi.

Đặt bó hoa xuống, tôi liền có chút tưởng niệm quá khứ.

– Hứa Thành, cậu rất không mong chờ tôi đến phải không? – Tôi hỏi.

Hứa Thành không trả lời được.

– Nhưng dù sao, tôi cũng đến rồi. Cậu cũng nên nể mặt tôi một chút chứ.

Tôi nói với linh vị.

Đột nhiên trong mắt tôi nhìn thấy một người quen thuộc đứng bên cạnh mình. Có lẽ, cho dù em có thay đổi thế nào, có hóa thành tro bụi, tôi cũng nhận ra. Tôi không biết hình ảnh này có phải tôi đang tưởng tượng hay không. Tôi sợ rằng, sẽ giống như bao lần trước, chỉ cần tôi đưa tay ra chạm vào em, em sẽ biến mất.

– Hứa Thành, tôi đến rồi.

Chính Đông nói với Hứa Thành trong linh vị.

Chính Đông của tôi đã trở lại rồi. Tôi thật sự đã chờ được em.

Chúng tôi ngồi trong quán cà phê sau khi rời khỏi nhà tổ chức tang lễ cho Hứa Thành. Em ngồi trước mặt tôi mà tôi như có cảm giác không thực.

Chính Đông vẫn như vậy. Dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, khuôn mặt có chút mệt mỏi vì đi đường xa.

Điều khác biệt duy nhất là em đã đeo kính che đi đôi mắt buồn và rất sâu kia.

– Em đeo kính rồi?

Tôi hỏi.

– Mắt bắt đầu không tốt lắm. Nên đeo kính nhìn cho rõ.

Chúng tôi lại lâm vào trầm mặc, cho đến khi Chính Đông cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.

– Em không ngờ Hứa Thành lại dại dột như vậy.

Hứa Thành chết. Cậu ta nhảy lầu mà chết. Cảnh sát không thể cứu kịp. Lúc nhảy xuống, cậu ta còn nói với cảnh sát:

“Tôi là gay đó. Tôi thích đàn ông. Bảo với vợ tôi, cô ta đi mà sống tốt. Chính Đông, em muốn gặp anh. Em sai rồi”

Chuyện của Hứa Thành lên tận báo chí, làm dư luận nổi sóng một thời gian. Có lẽ Chính Đông đọc báo nên biết.

– Ừ, tôi cũng không ngờ.

Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tôi hỏi em đã đi những nước nào. Em nói nhiều lắm. Ở Pháp phong cảnh rất đẹp, rất thơ mộng. Hàn Quốc thật yên bình, lãng mạn. Em còn kể em lên cả tháp Eiffel, từ trên cao nhìn ngắm Châu Âu.

– Còn anh?

Chuyện của tôi.

Chắc có lẽ là chuyện tôi chờ em 2 năm ở Tây An, làm việc tại Xinhua, hàng ngày vẫn cứ ra đứng ở ga tàu điện, chỉ hi vọng, một ngày, có thể nhìn thấy hình bóng của em trở về.

Có lẽ là chuyện tôi đã thuê căn phòng em đã ở, mọi đồ vật vẫn giữ nguyên. Từng thứ một đều nhắc tôi nhớ tới em.

Có lẽ cũng là chuyện tôi chưa từng bao giờ quên em, hết yêu em.

– Vẫn như cũ, tôi không có gì đáng nói – Tôi trả lời.

– Vậy sao?

Lúc đó, tôi không hề nhận ra trong giọng nói của em có chút thất vọng, có chút giận dỗi.

Trời đột nhiên đổ mưa. Tôi ở trong quán cà phê, nhìn ra bên ngoài cửa kính, chợt nhớ ra chậu hoa cẩm chướng vẫn còn để ở bên ngoài. Tôi hi vọng nó không bị úng nước.

– Chính Đông…

Tôi định nói, Chính Đông giờ ở đâu, tôi sẽ đưa em về.

Nhưng lời còn chưa nói ra tới miệng, trước sự sửng sốt của tôi, Chính Đông rướn người qua bàn, hai tay em tỳ trên mặt bàn làm điểm tựa, em hôn tôi.

Nụ hôn trên bờ môi, vì tôi vẫn chưa thoát ra khỏi sự sửng sốt của mình. Tôi cảm nhận được một luồng điện giật chạy dọc cơ thể. Bờ môi vẫn còn lưu luyến hơi thở của em, xác minh đây là sự thật.

– Ngạo Quân, em sắp sang 30 rồi. Anh còn nhớ lời anh hứa lúc trước không đấy?

– Ngạo Quân, hi vọng anh còn giữ ô cho cả hai chúng ta.

Tôi ghì lấy Chính Đông. Tôi trao cho em nụ hôn sâu, cho đến khi cả hai chúng tôi đều muốn tắt thở.

– Vẫn giữ. Để chờ em. Chính Đông, tôi yêu em

Mùa xuân này, có lẽ tôi và Chính Đông sẽ cùng nhau đi ngắm hoa cấm chưởng nở.