Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 4: Nơi người lạ lộ danh tính




Qua câu chuyện ta biết rằng Louis XIV vào thành phố Blois đã dấy lên một cảnh tượng ồn ào, nổi bật khiến nhà vua trẻ thật thoả mãn.

Khi qua cổng lâu đài "Các đẳng cấp", nhà vua thấy ông Hoàng Quận công Gaston d Orléans giữa đám vệ binh và các nhà quý tộc thuộc hạ. Nét mặt Đức vua vốn ngày thường cũng đã khá trang nghiêm, quan trọng nay lại toát thêm một dáng vẻ sáng rực và nghiêm chỉnh mới mẻ.

Đức bà vận lễ phục uy nghi đứng trên một bao lơn lui vào trong để đón chào người cháu mình. Mọi cửa sổ của toà lâu đài xưa cũ lúc thường vắng vẻ và đìu hiu nay sáng rực dưới ánh đuốc với các bà ăn mặc lộng lẫy.

Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hoan hô nổi lên khi nhà vua trẻ bước qua ngưỡng cửa toà lâu đài bảy mươi hai năm về trước Henri III phải vận dụng đến cả phản bội, mưu sát để giữ được chiếc vương miện trên đầu mình và cho gia đình mình - chiếc vương miện đã có lần trượt sang một gia đình khác.

Mọi con mắt sau khi ngắm nhìn nhà vua trẻ của nước Pháp, trông thật là đẹp trai, duyên dáng, sang trọng, lại quay sang phía ông vua Pháp thứ hai, thật khác với ông vua đầu, thật già nua, xanh xao, còm cõi mà người ta vẫn gọi là Hồng y Mazarin.

Đương thời, Louis XIV có đẩy đủ những tính cách trời cho của một người quý phái hoàn toàn: mắt sáng và hiện một màu xanh biếc. Những nhà tướng số giỏi giang nhất, khó đi sâu vào tâm hồn người nhất,nhưng khi nhìn được vào mắt nhà vua cũng không thể dò được đến tận đáy của cái nhìn dịu dàng sâu thẳm ấy. Đó chỉ vì đôi mắt nhà vua giống như màu xanh của trời cao thăm thẳm, hay hơn nữa như là màu xanh ghê rợn, thu hút của biển Địa Trung Hải phía dưới lườn các chiếc tàu lướt sóng trong một ngày mùa hạ đẹp, trải ra như một tấm gương vĩ đại kht thì lấp lánh ánh sao, khi thì dập dồn giông bão.

Nhà vua thấp người, chỉ vừa chừng năm bộ hai tấc nhưng sự tươi trẻ đã xoá bớt khuyết điểm ấy nhờ cung cách khéo léo toát lên một vẻ quý phái sang cả khi ngài đi đứng, nói năng.

Đúng vậy, lúc bấy giờ ngài đã xứng đáng là ông vua rồi, có lẽ còn vượt trên cả ý tưởng về vua trong thời đại của kính trọng, tôn sùng theo truyền thống này nữa, nhưng chỉ vì từ lâu người ta ít để cho dân chúng chiêm ngưỡng ngài, còn với những người được thấy thì lại thấy ngài bên cạnh người mẹ cao lớn, cạnh Đức hồng y oai nghi nên trông như ngài ít đáng bậc vua và thường nói "Đức vua không cao bằng Đức hồng y".

Dù ở Kinh đô người ta có bàn tán ít nhiều về thân xác của nhà vua như thế, dân chúng thành phố Blois cũng đón vua như một vị thần và được Đức ông, Đức bà - cô chú vua, chủ nhân toà lâu đài đón rước ngài gần đúng bậc vua chúa.

Dù sao phải nói rằng, khi nhìn thấy trong phòng khách có những chiếc ghế bằng nhau dành cho ngài, cho Thái hậu, cho Đức hồng y, cho cô chú ngài, kín đáo khéo léo xếp bao nửa vòng tròn của chỗ hội, Louis XIV thấy tức giận đỏ mặt và nhìn quanh dò xét dáng mặt của những người tham dự xem sự xếp đặt có vẻ hạ nhục ấy có phải là cố ý không, nhưng rốt lại Đức hồng y, Thái hậu và những người khác không ai tỏ thái độ gì hết, nên ngài phải nén giận ngồi xuống và cố ý ngồi trước cả mọi người.

Các nhà quý tộc và phu nhân được lần lượt giới thiệu với nhà vua và Đức hồng y.

Nhà vua nhận ra rằng Thái hậu và ngài thật ít biết tên những người được giới thiệu trong khi trái lại Đức hồng y lại tỏ ra có trí nhớ và lanh trí lạ lùng để tiếp chuyện họ, nói về lãnh địa, ông bà và con cái họ, có khi kể ra cả tên một vài người, khiến những viên thuộc hạ đáng kính đó rất đỗi vui mừng và vững tin rằng chính vị này mới thật là vua của họ, người biết hết thần dân: mà cũng vì một lẽ khác, là mặt trời chỉ có một và đang soi sáng rờ rỡ, sưởi ấm cả thế gian.

Mọi người không ai nghi ngờ rằng nhà vua đang quan sát kỹ càng, đang tiếp tục xem thử trên những khuôn mặt ban đầu đối với ngài thật vô nghĩa, thật tầm thường bây giờ có gì thay đổi không.

Một bữa ăn nhẹ được dọn ra. Nhà vua đang nóng ruột đợi nó vì không dám đòi hỏi nơi Hoàng thúc. Cho nên, lần này, vinh dự tiếp đón dù không đúng với thứ bậc của ngài ít ra cũng thoả mãn được cái bụng thích ăn ngon của ngài.

Còn về phía Đức hồng y, ngài chỉ đưa đôi môi héo hắt lướt qua món cháo đựng trong cái chén vàng thôi. Vị đại thần có toàn quyền cực kỳ tuyệt đối này vốn từng lấy quyền nhiếp chính từ khi Thái hậu và hiện nắm vương quyền qua nhà vua, thế nhưng lại tỏ ra có cái bụng không tốt lắm.

Thái hậu, Anne d Autriche cũng không ăn được nhiều như Hồng y vì đau ung thư, căn bệnh khiến bà phải chết vào sáu bảy năm sau.

Đức ông chẳng ăn được gì cả vì đang cuống cuồng lên với sự kiện vĩ đại này chưa từng có trong cuộc sống nơi tỉnh lẻ.

Chỉ có Đức bà đại diện dân Lorraine (Lo-ren) là ngồi đối đầu với nhà vua. Thế nên Louis XIV không người tranh chấp thành ra kẻ độc nhất phải ăn gần hết bữa tiệc, làm thoả dạ cho bà cô trước tiên và sau nữa là ông De Saint Remy, người quản gia rất độc đáo.

Bữa ăn xong, thấy Đức hồng y gật đầu đồng ý, nhà vua đứng dậy và theo lời mời của bà cô, ngài đi vòng quanh khắp những người đến hội hôm nay.

Các bà vẫn là những người có nhận xét tốt nhất, dù ở Paris hay ở Blois cũng vậy. Các bà nhận xét rằng Luois XIV hôm nay có cái nhìn bất thần, táo bạo, hứa hẹn giá trị của một người biết xét đoán sâu sắc. Còn các ông thì thấy rằng Nhà vua có dáng kiêu hãnh, cao kỳ, thích ai nhìn vào mắt ngài lâu và thẳng, đều phải cúi xuống tránh, điều đó báo hiệu ở ngài dáng dấp của một vị chủ nhân.

Louis XIV thăm vừa khoảng một phần ba số người thì thoáng nghe một tiếng từ miệng Đức hồng y đang nói chuyện với Đức ông.

Tiếng đó là tên một người phụ nữ. Louis nghe lọt tên đó là không thèm nghe gì nữa cả và ngài chẳng kể đến phần vòng cung tiếp theo đang chờ đón, ngài cứ mong bước thẳng về phía đầu bên kia.

Đức ông lúc bấy giờ tỏ dáng lịch sự đang hỏi thăm Hồng y về sức khỏe các cháu gái của ngài. Năm sáu năm về trước ba cô cháu gái từ Ý đến thăm Hồng y. Đó là các tiểu thư Hortense (Oóc tăng-xơ), Olympe (ô-lim-pơ) và Marie De Mancini. Vậy thì, bây giờ Đức ông đang hỏi thăm sức khỏe của các cháu gái Hồng y, ngài nói rằng thật tiếc là đã không được tiếp các tiểu thư vào trường hợp này, bây giờ chắc các cô đã lớn đẹp và duyên dáng lắm rồi như vóc người các cô đã từng hứa hẹn ở lần gặp gỡ trước.

Điều làm nhà vua chú ý là quan điểm trái ngược giữa hai người đang tán chuyện. Giọng của Đức ông thì bình tĩnh như thường ngày khi nói như trên, còn giọng của ngài Mazarin thì vụt tăng lên một bực rưỡi so với thường ngày để trả lời lại.

Người ta cứ tưởng rằng ngài nói như thế cốt để cho người đang còn ở cuối phòng xa có thể nghe được.

- Thưa Đức ông, tiểu thư De Mancini còn phải được giáo huấn cho xong đã, còn phải làm bổn phặn và phải học hỏi đúng với vị thế của mình. Cuộc sống ở một triều đình son trẻ và hào nhoáng sẽ làm mờ nhạt một ít những điều ấy đi.

Louis nghe mà cười buồn. Triều đình đúng là son trẻ, nhưng vị Hồng y keo kiệt đã thu xếp tất cả để không thể nào gọi là hào nhoáng được. Lúc đấy, Đức ông trả lời:

- Chắc là ngài không có ý cấm cung các tiểu thư ấy hay là làm cho họ quê mùa đi chứ gì?

- Không đời nào. -Vị Hồng y tiếp lời mà nhấn mạnh cái ý của ngài khiến cho từ giọng êm như nhung bỗng trở nên gắt gỏng chối tai. Không đời nào, tôi vẫn có ý gả chồng cho nó và càng cao càng tốt.

Đức ông trả lời độ lượng theo kiểu lái buôn dụ khách hàng.

- Khách đông sàng không thiếu người chầu chực đâu?

- Tôi cũng mong như thế vì cháu nó vừa đẹp đẽ, vừa duyên dáng mà cũng vừa hiền thục nữa.

Trong khi họ nói chuyện, Louis XIV được Đức bà tháp tùng, đi dọc hàng người chào đón. Bà hoàng chỉ một người con gái 22 tuổi tóc hoe, to lớn có dáng như một thôn nữ đi dự hội làng.

- Đây là tiểu thư Amoux (Ac-nu), con gái bà thầy âm nhạc của tôi.

Nhà vua mỉm cười và Đức bà chẳng làm cho ngài mở lời nhiều hơn nên tiếp tục:

- Tiểu thư Anne De Montalais, cô gái đức hạnh và làm việc nhà giỏi.

Lần này thì chẳng phải vua cười mà chính là cô gái được giới thiệu, vì đây là lần đầu tiên trong đời cô nghe Đức bà nói về một đức tính đáng kính như thế.

Cùng lúc ấy, Nhà vua thoáng giật mình vì nghe lọt một tiếng.

- Tiểu thư thứ ba tên là gì ạ? - Đức ông hỏi.

Hồng y trả lời:

- Marie.

Chắc trong tiếng này có một sức mạnh thần bí nào đó vì như ta đã nói, Nhà vua giật nẩy mình và lôi Đức bà đến giữa vòng người như là để tâm sự, nhưng thật ra là để đến gần Hồng y hơn. Ngài cười nói nho nhỏ:

- Cô ơi, thầy giáo địa lý không chịu dạy tôi rằng Blois xa Paris quá chừng.

- Gì thế, cháu - Bởi vì phải đi xa như thế vài năm mới đuổi kịp thời trang.

- Cô trông các tiểu thư kia kìa - mấy cô đẹp quá.

- Nói khe khẽ một chút cháu à. Họ nghe thấy thì điên lên mất.

Nhà vua mỉm cười nói:

- Khoan đã, thưa cô. Câu thứ hai của tôi sẽ chữa cho câu thứ nhất. Thế này, có một vài tiểu thư hình như đã già và một vài cô xấu đi vì thời trang mười năm trước đây.

- Ồ, Hoàng thượng, Blois chỉ cách Paris có năm ngày đường thôi mà.

Nhà vua nói:

- Như thế thì tính ra mỗi ngày trễ hai năm.

- Hoàng thượng thấy thật thế sao? Lạ thật, tôi không nhận ra?

Louis XIV tiến về phía Mazarin lấy cớ tìm điểm ngắm, và nói:

- Cô trông những thứ trang sức xưa rích với cái đầu tóc kiểu cách kia, rồi nhìn cái áo dài trắng nọ. Chắc đó là của một thị nữ của Thái hậu, chắc như vậy, dù rằng tôi không nhận ra cô ta: Hãy xem cái dáng hình giản dị, cái cung cách duyên dáng đó! Một phụ nữ là như thế đó, còn các cô kia chỉ là áo quần mà thôi.

Đức bà cười trả lời:

- Cháu thân mến của tôi ơi, lần này thì cái khoa tướng số của ngài sai bét rồi. Người mà Hoàng thượng chỉ không phải dân Paris mà là một cô gái ở Blois.

Louis ngờ vực:

- Ô, thực sao, thưa cô?

- Louise lại đây!

Và cô gái bước tới, thẹn thùng, đỏ mặt, gần như cúi gập mình vì bắt gặp cái nhìn vương giả.

Đức bà long trọng nói:

- Đây là tiểu thư Louis - Francoise De La Baume - Leblanc con gái của hầu tước De La Vallière.

Cô gái uyển chuyển cúi mình chào trong dáng điệu bối rối thẹn thùng cùng cực trước Nhà vua khiến cho ngài vì nhìn nàng mà mất một vài tiếng trong câu chuyện giữa Hồng y và Đức ông. Tiếng Đức bà tiếp tục:

- Đây là dâu của ông De Saint Remy, quản gia của tôi, người chủ trì công việc sửa soạn cho món gà tây nhồi nấm mà Hoàng thượng hết sức khen đó.

Lời giới thiệu đó thật có tác dụng hơn bất cứ sự duyên dáng, đẹp đẽ, tươi trẻ nào. Nhà vua mỉm cười. Dù lời nói của Đức bà chỉ là một lời nói đùa hay khờ khạo thì nó là ngọn lửa tàn nhẫn đốt cháy hết tất cả những gì Louis vừa thấy là duyên dáng, thơ mộng nơi cô gái kia. Tiểu thư De La Vallière, qua ý tưởng của Đức bà, rồi chuyển qua Nhà vua, chỉ còn là dâu của một người có tài hơn người về việc nấu cơm gà tây nhồi nấm thôi.

May mắn là Louis cúi xuống quá thấp nên không nghe được lời của Đức bà và cũng không thấy được cả cái cười mỉm của Nhà vua. Cô bé khốn khổ kia vì có khiếu hay vì may mắn chỉ có mình là chọn màu trắng giữa các phụ nữ nơi đây, cô bé ngây thơ như chim câu dễ dàng xúc động đó, nếu cô nghe được những lời ác độc của Đức bà, nếu cô thấy được nụ cười lạnh nhạt ích kỷ của Nhà vua, hẳn là cô phải ngã xỉu đi ma chết mất thôi. Nhưng như chúng ta đã nói, Louis đang ù tai, quáng mắt không nghe, không thấy gì hết, trong khi Nhà vua vội vã quay về lắng nghe câu chuyện giữa Hồng y và Đức ông. Đúng vào lúc đó, Mazarin chấm dứt câu chuyện.

- Marie và các chị em nó lúc này đang đi Brouage. Tôi bảo chúng đi dọc sông Loire phía bờ đối diện với đường chúng tôi đã đi, cho nên nếu chúng theo lời tôi thì chỉ ngày mai là tới Blois rồi.

Những lời ấy đưa ra với một kiểu cách tế nhị, mực thước, một giọng đầy tự tin, cố ý và có tầm mức sâu xa khiến cho ngài Giulio Mazarin đúng là người kịch sĩ đứng bậc nhất trên thế giới. Những lời ấy thẳng vào trái tim của Louis XIV.

Hồng y chỉ cần quay lại khi nghe tiếng chân của Nhà vua bước tới là thấy ngay hiệu quả trên mặt của đồ vệ mình, nơi đôi mắt ngượng ngùng long lanh. Nhưng mà con cáo già trong hai mươi năm nay đã lừa mọi nhà ngoại giao châu Âu, bây giờ đang giương cái bẫy gì đó?

Hình như là từ khi nghe những lời sau cùng đó, ông vua trẻ đã bị ghim một gai độc. Ngài không đứng yên được và đưa mắt nhìn khắp mọi người trong phòng. Có đến hai mươi lần ngài dò hỏi nơi Thái hậu, nhưng vị quốc mẫu này đang vui chuyện với cô em dâu và cũng bị cái liếc của Mazarin hấp dẫn nên không thể nhận ra cái nhìn cầu khẩn của người con.

Tù đó thì âm nhạc, hoa, ánh sáng, các nàng, tất cả đều trở nên xấu xí, vô nghĩa đối với Louis XIV. Sau khi cắn môi cả hàng trăm lần, duỗi tay chân kiểu như một đứa bé có giáo dục không muốn ngáp trước mặt mọi người, nhưng là để bầy tỏ hết mọi sự chán nản cùng cực, ngài bèn đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn về phía cửa, nghĩa là phía của giải thoát.

Ngài bỗng thấy trên khung cửa nổi lên một khuôn mặt nâu sạm và chứng tỏ một dáng đẹp hùng dũng với chiếc cổ áo cao lấp loáng phản chiếu mọi ánh sáng rọi vào đó. Người sĩ quan này đội chiếc mũ màu tro có giắt bông đỏ chứng tỏ rằng ông tới đây là vì công việc chứ không phải vì vui chơi. Nếu là ham vui mà tới, nếu ông là triều thần chứ không phải lính tráng, thì ông phải cầm mũ nơi tay theo lẽ thường là có hưởng thụ thì phải chịu luỵ một chút.

Điều khác chứng tỏ rằng ông đến vì công việc và đang thi hành phận sự quen thuộc, đó là ông khoanh tay, dáng điệu thản nhiên đến mức lạnh lùng đứng nhìn cuộc lễ hội có vui vẻ xen lẫn buồn chán này.

Người lính lâu năm nào thì cũng thành triết nhân và người này, có vẻ hiểu rất rõ những nỗi chán nản hơn là sự vui tươi, biết ngày vui bao giờ cũng chóng tàn và chỉ còn nỗi chán chường ở lại thôi.

Ông đứng đó, dựa vào khung cửa chạm trổ và tình cờ bắt gặp cái nhìn buồn bã, mệt mỏi của Nhà vua.

Có vẻ không phải đây là lần đầu người sĩ quan bắt gặp đôi mắt ấy để hiểu đầy đủ ý nghĩa những gì chúng biểu lộ, cho nên ngay sau khi lướt qua dáng hình của Louis XIV, thấy rõ tâm trạng của Nhà vua, ông hiểu là đến lúc phải phục vụ và mạnh dạn kêu to như khi đứng giữa một đoàn kỵ binh nơi chiến trường:

- Ngự lâm quân đâu?

Tiếng kêu vang như sấm chuyển qua suốt cả ban nhạc, đoàn ca, cả những tiếng rì rầm, những người đang đi dạo qua lại khiến cho Thái hậu và Hồng y phải ngạc nhiên nhìn Nhà vua.

Louis XIV, xanh mặt nhưng quyết tâm vì thấy người sĩ quan ngự lâm đã đoán được ý mình và thay mình ra lệnh nên đứng dậy và bước ra cửa. Thái hậu hỏi:

- Con đi đấy à?

Trong khi đó Hồng y chỉ đưa mắt nhìn dò hỏi, đôi mắt xuyên suốt nên không thể nào làm dáng dìu dàng được. Nhà vua trả lời:

- Thưa mẹ, vâng. Con thấy mệt và cũng muốn ghi chép ít việc tối nay.

Trên môi của viên đại thần thoáng một nụ cười và hình như ông gật đầu chào vua. Đức ông và Đức bà vội vã gọi các nhân viên đến trình lời tiễn biệt.

Nhà vua chào xong, bước qua phòng và ra đến cửa.

Trước cửa có hàng rào hai mươi lính ngự lâm đợi chờ. Nơi đầu hàng quân là viên sĩ quan cứng cỏi nọ, tay cầm kiếm. Nhà vua đi qua, mọi người cố kiễng gót để được nhìn rõ mặt. Mười ngự lâm quân dẹp đám đông ở phòng ngoài và nơi các bậc thềm để nhường lối cho Nhà vua. Còn mười người khác thì tháp tùng Nhà vua và Đức ông đi tiễn.

Những người phục vụ sau rốt.

Đoàn hộ vệ nhỏ bé này theo Nhà vua đến tận căn phòng dành sẵn. Gaston nói:

- Căn phòng thật không làm sao xứng đáng được với ngài, nhưng xin Hoàng thượng vui lòng cho.

Ông hoàng trẻ trả lời:

- Xin chúc điều tốt lành cho chú khi đã tiếp đón tôi như thế này.

Gaston chào, được hôn từ giã, rồi bước đi.

Trong hai mươi người lính ngự lâm đi theo Nhà vua, mười người lại đưa đức ông trở về phòng tiếp tân vẫn còn dày đặc người tuy rằng Nhà vua không còn ở đấy nữa. Mười người còn lại được chia các vị trí canh gác và người sĩ quan cứ mỗi năm phút lại đi tuần tra các vọng gác với đôi mắt lạnh lùng thành thạo. Khi xếp đặt xong, ông đặt bản doanh nơi tiền phòng có sẵn một chiếc ghế dựa lớn, một cây đèn, có rượu, có nước và bánh mì khô. Ông vặn đèn cao lên, uống nửa ly rượu vang, ngồi trong chiếc ghế bành và cố sức dỗ giấc ngủ.

Người sĩ quan đang ngủ hay đang cố ngủ ấy trông có dáng không ưu tư, nhưng thật ra là mang một trọng trách lớn. Làm phó quan tổ chức ngự lâm quân, ông điều khiển cả đại đội ngự lâm mang từ Paris đến gồm một trăm hai mươi người. Hai mươi người đang theo nhà vua, còn trăm người khác là lo bảo vệ cho Thái hậu và Hồng y. Ngài Giulio Mazarin hà tiện bớt số tiền phải chi tiêu cho toán hộ vệ riêng của ngài bằng cách sử dụng các ngự lâm quân và sử dụng rộng rãi là khác, vì ngài dùng đến năm mươi người theo một mức độ đặc biệt quá lộ liễu, quá khiếm nhã đối với một người ngoại quốc được ân huệ của triều đình này.

Chuyện càng khiếm nhã thêm, nếu không nói là quá lạ lùng đối với người ngoại quốc này, là phía lâu đài dành riêng cho ngài Hồng y lại sáng choang, nhộn nhịp. Lính ngự lâm gác từng tốp trước các cửa và chặn lại không cho ai vào hết, trừ những người truyền tin lúc nào cũng đi theo Hồng y để chuyển lệnh, cả những khi nghe ngài đi dạo.

Hai mươi người làm việc phía Thái hậu, còn ba mươi người thì để ngày mai thay phiên các bạn mình.

Trái lại, phía lầu Nhà vua thì tối tăm lặng lẽ và cô tịch.

Cửa đóng lại rồi thì chẳng còn có dáng gì là của Hoàng đế cả.

Người hầu cận cứ từ từ rút đi hết. Ông hoàng Gaston có sai người đến hỏi xem Nhà vua có cần gì ông không, và sau tiếng không nhạt nhẽo của người sĩ quan ngự lâm vốn từng quen những câu hỏi đáp như thế rồi, tất cả căn lều đều ngập chìm vào trong giấc ngủ như ở nhà một bậc trưởng lão tốt bụng vậy.

Nhưng từ phần lầu vua ở này, có thể dễ dàng nghe được tiếng nhạc của lễ hội, và nhìn được các cửa sổ sáng choang đủ màu sắc của phòng hội. Mười phút sau khi về, Louis XIV có thể nhận thấy Hồng y ra về, vì ngài có cái lối ra đi náo nhiệt riêng biệt, mang theo một số rất lớn các nhà quý tộc, các bà tiễn đưa.

Với lại chuyện đó thì cũng chỉ cần nhìn qua cánh cửa sổ không khép là đã thấy hết.

Bậc tôn quý đi qua sân có Đức ông cầm đuốc dẫn rồi sau đó là Thái hậu có Đức bà thân mật cầm tay, cả hai thì thầm tâm sự trên suốt đoạn đường. Phía sau hai cặp này là các mệnh phụ, cận thần, quan chức kéo dài đoàn diễn, các cây đuốc bập bùng sáng rực như trong một đám cháy, thế rồi những bước chân, tiếng nói cười tắt dần trong các tầng lầu trên cao, chẳng ai còn nghĩ đến ông vua chống khuỷu tay trên cửa sổ đang buồn bã ngồi nhìn cả làn sóng ấy trôi qua, nghe những tiếng ồn ấy xa dần. Chẳng ai cả, chỉ trừ người khách lạ trong quán trọ Médices mặc chiếc áo choàng đen vừa bước ra.

Nét mặt buồn bã, ông ta tiến thẳng đến toà lâu đài, đi rảo quanh cung điện vẫn còn người. Thấy không ai giữ cửa, giữ cổng, - chắc vì tên lính của Đức ông đang tán tỉnh làm quen với lính nhà vua, nghĩa là đang nhậu lén - mà chẳng lén gì cả, người lạ len lỏi qua đám đông, vượt khoảng sân, tiến đến tận bậc thềm đẫn lên lầu mà Hồng y đang ngủ.

Ông ta hướng về đấy có lẽ vì đèn đuốc sáng choang, vì các cận thần và quan chức tụ tập ồn ào. Nhưng một loạt tiếng các khẩu súng lắc cắc chuyền dài và tiếng người lính canh la lên khiến ông ta phải đứng sững lại.

- Đi đâu đấy ông bạn?

Người lạ bình tĩnh trả lời:

- Tôi đến gặp Hoàng thượng.

Người lính báo với một sĩ quan của bậc quý nhân; người này nói với giọng của người tuỳ phái văn phòng Bộ đưa ra khi có ai đến cầu việc:

- Qua thang lầu đối diện bên kia kìa.

Thế rồi, chẳng cần quan tâm đến khách lạ nữa, ông ta quay về tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.

Người khách lạ cũng chẳng buồn mở miệng, cứ bước theo lời chỉ dẫn. Phía này chẳng có ai cười nói, chẳng có đèn đuốc. Chỉ có cảnh tối mò, trong đó một người lính gác đi lại như chiếc bóng. Sự yên tĩnh tới mức người ta có thể nghe tiếng bước chân qua lại và tiếng miếng sắt thúc ngựa vang lên trên lớp gạch lát nhà.

Người lính gác này thuộc số hai mươi ngự lâm quân phục vụ vua đang lên phiên theo kiểu một bức tượng cứng nhắc và vô tình. Hắn hỏi:

- Ai đấy?

- Bạn - Người lạ trả lời.

- Muốn gì?

- Nói chuyện với Hoàng thượng.

- Ồ, ồ, không thể được nữa rồi, ông khách thân mến ạ.

- Sao thế?

- Vì Hoàng thượng ngủ rồi.

- Ngủ rồi?

- Ừ

- Kệ, làm sao tôi cũng cần gặp.

- Nhưng tôi đã nói là không thể được mà.

- Nhưng…

- Thôi đi đi!

- Lệnh như thế à?

- Tôi chẳng phải cần báo cáo với anh. Đi đi!

Và lần này người lính gác tỏ cử chỉ đe doạ theo với lời nói, nhưng người lạ vẫn không nhúc nhích như thể là chân đã mọc rễ rồi. Ông ta nói:

- Thưa ngài ngự lâm, có phải ngài thuộc hàng quý tộc không?

- Rất hân hạnh.

- Thế thì, tôi cũng vậy, và giữa những nhà quý tộc với nhau thì phải nể mặt nhau chút ít.

Người lính gác hạ súng xuống trước những lời thuyết phục đáng nể vì ấy. Anh ta nói:

- Thưa ông, cứ nói đi, nếu sức tôi có thể làm được thì…

- Cám ơn. Có sĩ quan ở đây không?

- Thưa ông có.

- Thế thì cho tôi nói chuyện với ông ấy.

- Dễ thôi. Mời ông bước lên.

Người khách lạ trịnh trọng chào người lính gác và bước lên thềm trong khi tiếng kêu: "Phó quan có khách" chuyển từ người gác này qua người khác đi trước kẻ lạ và làm xáo động nhóm người của viên sĩ quan.

Ông ta kéo lê đôi bết, dụi mắt và gài vội cái áo choàng để tiến tới đón người lạ, hỏi:

- Có việc gì cần đến tôi đây, thưa ông?

- Ông là sĩ quan trực, phó quan ngự lâm!

- Rất hân hạnh.

- Thưa ông, tôi rất cần được gặp Hoàng thượng.

Người phó quan nhìn kỹ kẻ lạ mặt và dù chỉ mới thoáng qua ông cũng vẫn thấy rõ điều ông muốn biết, đó là một dáng vẻ đặc biệt ẩn sâu bên trong bộ áo ngoài bình thường. Ông nói:

- Không thể cho là ông điên khùng được, nhưng chắc là ông phải có lý do vào hầu chuyện Hoàng thượng mà chưa có sự đồng ý chứ?

- Thưa ông, rồi Hoàng thượng sẽ đồng ý.

- Thưa ông, chưa chắc. Hoàng thượng vừa mới trở về phòng một khắc trước đây và bây giờ chắc đang thay áo. Vả lại, lệnh đã ra rồi.

Người khách lạ ngẩng đầu lên trả lời:

- Khi Hoàng thượng biết tôi là ai thì ngài sẽ rút lệnh ấy lại.

Viên sĩ quan càng lúc càng ngạc nhiên, càng lúc càng bị thuyết phục.

- Nếu tôi vào báo thì chắc tôi cũng phải được biết quý danh tính?

- Ông vào báo tôi là Hoàng đế Charles II, vua nước Anh, Scotland và Ireland.

Viên sĩ quan thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc lùi lại và trên khuôn mặt nâu sạm hiện rõ những nét xúc động sâu sắc của những con người có nghị lực thường cố gắng che giấu tận trong tâm hồn.

- Ồ, vâng, thưa ngài; đáng lẽ tôi phải nhận ngay là ngài đấy ông đã thấy hình tôi rồi à?

- Thưa chưa.

- Hay là ông đã thấy tôi ở triều đình, trước khi người ta đuổi tôi qua Pháp?

- Thưa ngài, cũng không phải vậy.

- Thế thì làm sao ông biết được tôi?

- Thưa ngài, tôi đã gặp Hoàng đế cha ngài vào một thời điểm kinh khiếp. Ngày mà…

- Thưa vâng.

Một áng mây mờ thoáng qua. Trên trán ông hoàng, rồi ông ta khoát tay, nói:

- Sao còn có gì trở ngại nữa không?

Người sĩ quan đáp:

- Thưa ngài, xin lỗi, tôi không thể tưởng được một ông vua đưới hình dạng đơn sơ như thế này. Với lại, lúc nãy tôi đã nói là tôi có dịp trông thấy Hoàng đế Charles I… À mà xin lỗi, để tôi vào báo.

Rồi ông lại quay lui, hỏi:

- Chắc Hoàng thượng muốn giữ kín buổi hội kiến này phải không ạ?

- Tôi không đòi hỏi, nhưng nếu có thể được thì.

- Được chứ ạ, vì tôi có thể vào thẳng nơi vua ở, không phải qua viên cận thần túc trực. Nhưng xin Hoàng thượng để tôi giữ thanh kiếm.

- Đúng vậy. Tôi quên là không ai được mang kiếm trong cung vua Pháp.

- Hoàng thượng là ngoại lệ, nhưng như vậy thì tôi phải chia bớt trách nhiệm cho viên nội thần.

- Kiếm tôi đây, thưa ông. Bây giờ thì ông vui lòng vào báo rồi chứ?

- Chỉ một lát thôi, thưa ngài.

Thế rồi viên sĩ quan chạy vào gõ cánh cửa và người hầu phòng ra mở. Ông hô lớn:

- Hoàng đế nước Anh đến!

Người hầu phòng lập lại:

- Hoàng đế nước Anh đến!

Nghe tiếng hô, một cận thần ra mở toang hai cánh cửa và người ta thấy Louis XIV, không mũ, không gươm, áo chưa kịp cài, hấp tấp bước tới, dáng điệu ngạc nhiên hết sức.

- Kìa, người anh em của tôi! Không ngờ người lại có mặt ở Blois này, - Louis XIV kêu lên, vừa khoát tay đuổi viên cận thần qua phòng bên cạnh.

Charles II trả lời:

- Thưa ngài, tôi đi Paris hy vọng gặp Hoàng thượng, không ngờ tiếng đồn rằng ngài sắp tới đây, nên tôi nán ở lại vì có chuyện muốn thưa cùng ngài.

- Căn phòng này có vừa ý ngài không, hỡi người anh em của tôi!

- Thưa ngài, rất hợp, tôi chỉ sợ có ai nghe thấy.

Tôi đã đuổi người cận thần và người gác đêm qua phòng bên rồi. Sau bức vách này là một phòng trống có lớp tiền phòng, ngài đã thấy chỉ có một người sĩ quan thôi. Đúng không?

- Thưa ngài, vâng.

- Thế thì, người anh em hãy nói đi, tôi nghe đây.

- Thưa Hoàng thượng, tôi bắt đầu đây và mong ngài xót thương đến gia đình điêu linh của chúng tôi.

Nhà vua nước Pháp đỏ mặt và kéo chiếc ghế ngồi đến bên ông vua nước Anh. Charles II nói:

- Thưa Hoàng thượng, tôi không rõ ngài có biết những chi tiết về cuộc đời khốn khổ của tôi không?

Louis XIV đỏ mặt hơn lần trước rồi nắm lấy tay vua Anh, nói:

- Người anh em ạ, nói ra thì xấu hổ, nhưng quả thực Hồng y rất ít khi nói chuyện chính trị với tôi. Tệ hơn nữa là ngày xưa tôi có nhờ gã hầu phòng Laporte đọc cho nghe chuyện lịch sử, nhưng ông ta lấy Laporte của tôi đi, không cho đọc nữa, vì thế tôi phải xin phép người anh em kể lại hết cho tôi nghe cứ như nói với một người chẳng biết gì hết.

- Thế thì, thưa Hoàng thượng, phải kể lại từ đầu, chắc là tôi lại có may mắn gợi thêm lòng thông cảm của ngài.

- Nói đi, người anh em cứ nói đi.

- Thưa ngài, hẳn ngài biết rằng năm 1650, trong khi Cromwell cầm quân ở Irlande, tôi được mời về Edimbourg và lên ngồi ở Stone. Một năm sau, Cromwell tấn công vào chúng tôi sau khi bị thương ở một tỉnh thành đã chiếm. Mục đích của tôi là đối đầu với hắn ta và tôi cũng muốn đi khỏi xứ Scotland.

- Scotland hầu như là nơi chôn nhau cắt rốn của ngài vậy người anh em ạ.

- Vâng, nhưng dân Scotland đúng là những đồng bào hung tợn. Thưa ngài, họ bắt tôi từ bỏ tôn giáo của cha mẹ tôi, họ treo cổ Lord Montrose, người giúp việc trung thành nhất của tôi chỉ vì người này không phải là người cùng bọn. Người tử vì đạo đó, theo ân huệ được ban trước khi chết, đã mong rằng thân xác của ông được chia đều cho khắp các thành phố của Scotland để ai cũng thấy lòng trung thành của ông và do đó đi đâu tôi cũng gặp một mảnh xương thịt của con người đã hành động, chiến đấu từng hơi thở của chính tôi.

Theo một cuộc hành quân táo bạo, tôi đi xuyên qua đạo quân của Cromwell và tiến thẳng về Anh. Người Bảo trợ (Cromwell được tôn là Người bảo trợ nền cộng hoà) rượt đuổi theo, cố theo kịp bước đường trốn chạy lạ lùng của chúng tôi nhắm vào ngai vàng là chính. Nếu tôi tới London trước hắn thì chắc chắn phần thưởng của cuộc chạy đua ấy sẽ về tôi, nhưng hắn chặn tôi được ở Worcester.

Thần thánh nước Anh không ở về phía chúng tôi nữa mà ở phía hắn. Thưa ngài, ngày 3-9-1651, đúng ngày kỷ niệm trận chiến Dumbar khốn khổ cho dân Scotland, tôi lại bị thất bại nữa. Hai ngàn người đổ gục quanh tôi trong lúc tôi quyết chiến không chịu lùi bước. Cuối cùng phải chạy thôi. Từ đó thì chuyện tôi trở thành tiểu thuyết. Tôi bị truy đuổi đến cùng cực, tôi phải cắt tóc ngắn, cải trang thành người tiều phu. Có bữa tôi phải leo lên một cây sồi trốn cả ngày và do đó có tên Cây sồi của vua còn đến bây giờ. Chuyện phiêu lưu phong hầu quốc De Stafford tôi mang trên yên ngựa người con gái của hầu tước, chuyện ấy người ta vẫn loan truyền lại trong một đêm không ngủ. Thưa ngài, đến một ngày nào đó tôi sẽ viết lại mọi chuyện, để dạy dỗ những vị vua anh em của tôi.

Chẳng hạn, tôi sẽ kể lại rằng, khi đến nhà ông Norton tôi gặp một ông mục sư của triều đình mải mê xem trò chơi ném chai, gặp một người hầu cận cũ kêu tên tôi mà nước mắt chảy ròng ròng và vì lòng trung thành mà suýt giết tôi như là một kẻ khác mang lòng phản bội hại tôi. Sau rốt, tôi sẽ nói về những nỗi kinh hoàng của tôi.

- Thưa ngài, vâng, nhưng nỗi kinh hoàng khi tôi đang ở nhà đại tá Windham thì một tay thợ bịt móng đến quan sát ngựa của chúng tôi, tuyên bố rằng đã được đóng móng tận miền Bắc.

Louis XIV lẩm bẩm:

- Thật lạ là tôi không biết gì hết. Tôi chỉ biết là ngài đổ bộ ở Brighelmsted và ở Normandie thôi.

Charles II kêu lên:

- Ôi lạy chúa, nếu vua không biết chuyện của nhau thì làm sao cứu nhau được?

Louis XIV tiếp tục:

- Nhưng người anh em ơi, như ngài đã bị đối xử tàn nhẫn ở xứ Anh như thế thì vì lẽ gì ngài hy vọng vào cái xứ khốn khổ này với đám dân chúng ham chống đối này?

- Ồ, thưa ngài, đó là vì từ trận chiến Worcester, mọi việc đã đổi thay nhiều. Cromwell chết đi sau khi ký một hiệp ước với nước Pháp và trong đó hắn ký tên ngay phía trên ngài. Hắn chết ngày 3-9-1658, lại một ngày kỷ niệm nữa của các trận chiến Worcester và Dunbar.

- Con hắn ta lên thay rồi.

- Nhưng thưa ngài, nhiều người có gia đình con cái mà không có vẻ như được nối nghiệp. Gia tài của Olivier quá nặng nề đối với Richard. Richard không phải thuộc phe Dân chủ mà cũng không phải là Bảo hoàng. Richard để mặc cho những người hộ vệ ăn chặn bữa cơm của hắn ta, và để các phụ tá chia nhau cai trị đất nước. Richard đã từ chức hôm 22-4-1659, hơn một năm rồi đấy, thưa ngài. Từ lúc ấy, nước Anh chỉ là cái sòng bạc mà người ta lấy chiếc vương miện của cha tôi đem ra làm giải. Hai tay chơi lâu nhất là Lambert và Monck. Thưa ngài, bây giờ đến lượt tôi, tôi cũng muốn chen vào hội, để tranh áo bào.

- Thưa ngài, cần một triệu để làm sa đoạ các tay đánh bạc này, để tôi có đồng minh hay có thể là cần hai trăm nhà quý tộc của ngài để đuổi họ ra khỏi cung White-Hall của tôi, như xưa kia Jesus đã đuổi các tay buôn thần, bán thánh.

Louis XIVgiật mình:

- Thế nghĩa là ngài đến để hỏi tôi…

- Nhờ ngài giúp đỡ, nghĩa là không phải như bổn phận của các ông vua với nhau mà còn như những người Thiên chúa giáo bình thường nữa. Thưa ngài, giúp đỡ hoặc bằng liền bạc, hoặc bằng nhân lực. Ngài giúp, chỉ khoảng chừng một tháng, tôi sẽ dùng Lambert chống Monck hay dùng Monck chống Lambert và tôi chiếm lại được tài sản ông cha của tôi mà không tốn thêm một guinée (ghi-nê) của đất nước tôi, một giọt máu của thần dân tôi, bởi vì bọn kia đang say sưa với cách mạng, với bảo hộ và dân chủ và không muốn gì hơn là ngất ngưởng, ngủ say trên ngai vàng. Hoàng thượng giúp thì tôi sẽ hàm ơn hơn cả cha tôi. Người cha khốn khổ đã phải trả giá đắt vì sự tàn tạ của gia đình! Ngài thấy đây, tôi khốn khổ như thế này, tôi tuyệt vọng hết mực, vì thế mà tôi phải nặng lời với cha tôi?

Charles II ấp mặt vào hai bàn tay nhưng khuôn mặt tái nhợt ấy bỗng đỏ lên, lựa như xấu hổ vì những lời bất hiếu ấy.

Ông vua trẻ Louis XIV cũng khổ sở không kém. Ông cựa quậy trong chiếc ghế bành mà không nói lên được tiếng nào, cuối cùng, Charles II, vì lớn hơn 10 tuổi, đè nén được cảm xúc dễ hơn, nên lên tiếng trước:

- Thưa ngài, ngài trả lời thế nào? Tôi chờ ngài như một người tử tội chờ ngưng xử. Tôi đành chịu chết chăng?

Ông hoàng Pháp trả lời Charles II:

- Người anh em ơi, ngài hỏi tôi vay một triệu, mà lại hỏi nơi tôi đấy? Nhưng một phần tư số đó tôi cũng chẳng có nữa là! Tôi chẳng có gì hết. Tôi chẳng phải vua nước Pháp cũng như ngài chẳng phải là vua nước Anh vậy. Tôi chỉ là một cái tên, một con số mặc áo quần thêu hoa gấm, chỉ có thế thôi. Tôi ngồi trên một cái ngai ai cũng thấy, đó là điểm tôi hơn ngài còn tiền, tôi không có gì hết, tôi không làm được gì hết.

Charles II kêu lên:

- Đúng thế sao?

Louis hạ thấp giọng:

- Người anh em của tôi ơi, tôi chịu đựng nghèo khổ còn hơn quần thần nghèo nhất của tôi nữa. Nếu Laporte đáng thương của tôi còn ở đây, hắn sẽ kể cho ngài nghe rằng tôi ngủ, chân tôi thọc qua tấm nệm rách. Hắn sẽ kể cho ngài nghe rằng, sau này, khi tôi cầm chiếc long xa, thì người ta sẽ đem lại cho tôi mấy cái xe ngựa bị chuột gặm hết một nửa rồi. Hắn sẽ kể cho ngài nghe, khi tôi bảo dọn bữa, người ta sẽ đến nhà bếp của Hồng y để hỏi còn có gì cho vua ăn không. Và ngài hãy xem kìa, ngay ngày hôm nay, ngày tôi được hai mươi tuổi, ngày tôi đủ tuổi trưởng thành với địa vị chúa tế, đáng lẽ tôi phải nắm được chìa khoá kho tàng, điều khiển được guồng máy chính trị, quyết định được hoà hay chiến, thế mà chung quanh tôi đây có cái gì không: chỉ có sự bỏ rơi, sự khinh miệt, sự im lặng trong khi ngài xem đằng kia, bao nhiêu là nhộn nhịp, bao nhiêu là ánh sáng, bao nhiêu là tung hô! Ngài thấy đó, đó mới chính thực là ông vua nước Pháp, người anh em của tôi ạ.

- Đằng điện của Hồng y?

- Vâng, đằng điện Hồng y?

- Thưa ngài, thế thì tôi chịu chết rồi.

Louis XIV không trả lời.

- Đúng là chịu chết bởi vì chẳng bao giờ tôi đi cầu xin những người đã để cho mẹ tôi, em tôi, nghĩa là con cháu của Henri IV phải chịu chết vì đói và lạnh nếu ngài De Retz và nghị viện không chịu gởi cho họ củi và bánh mì.

Louis XIV khẽ thốt lên.

- Chết.

Ông vua Anh tiếp tục:

- Còn kẻ khốn khổ là Charles II, cháu của Henri IV như ngài, vì không có nghị viện cũng không có Hồng y De Retz, cũng sẽ chết như mẹ và em hắn suýt bị như vậy.

Louis nhíu mày, vân vê mãi, chiếc cổ tay áo ren. Dáng điệu lặng yên, không nói lên lời ấy rõ ràng là dấu hiệu của một cơn xúc động đè nén từ bên trong, khiến cho Charles II phải động lòng đưa ra nắm tay ông vua trẻ, nói:

- Cảm ơn người anh em của tôi. Ngài thông cảm giùm tôi, đối với tôi thế cũng là đủ trong hoàn cảnh như thế này của ngài.

Louis XIV bỗng ngửng đầu lên nói:

- Thưa, có phải ngài cần một triệu bạc hay hai trăm người như ngài nói không ạ?

- Thưa ngài, một triệu là đủ.

- Ít quá!

- Đưa cho một người như thế là đã quá nhiều. Thường thì lòng tin không đắt đến thế đâu, lâu nay tôi chỉ tiếp xúc với toàn những kẻ vụ lợi thôi.

- Ngài nghĩ xem, hai trăm người chỉ là hơn một đại đội thôi.

- Thưa ngài, trong gia đình chúng ta đã có truyền thống, đó là chuyện bốn người, bốn nhà quý tộc Pháp trung thành với cha tôi, suýt nữa đã cứu được cha tôi, người bị một nghị viện kết án, chung quanh có cả quân đội canh gác, cả một chính quyền bao vây.

Thế là nếu tôi có thể đưa một triệu hay hai trăm người, thì ngài sẽ thoả mãn và sẽ coi tôi là người anh em xứng đáng phải không?

- Sẽ coi ngài là người cứu vớt tôi, và nếu tôi lấy lại ngôi được, thì chừng nào tôi còn làm vua, nước Anh sẽ là anh em của nước Pháp như ngài với tôi vậy.

Louis đứng dậy, nói:

- Việc nhà tôi không muốn làm cho mình, không làm được cho mình, tôi sẽ cố làm cho ngài. Tôi sẽ tìm ông vua nước Pháp kia, con người giàu có, con người đầy quyền uy đó, để tìm một triệu đồng hai hai trăm người cần thiết.

Charles kêu lên:

- Ôi ngài đúng là một người bạn tốt, một người có tấm lòng của Chúa ban! Ngài đã cứu tôi và lúc nào ngài cần đến cái mạng sống này thì cứ bảo tôi.

Louis nói thật nhỏ:

- Suỵt! Suỵt người anh em ạ. Coi chừng người ta nghe dược. Chưa xong việc đâu! Đi hỏi tiền ở Mazarin còn khó hơn đi qua được một khu rừng yêu tinh mà mỗi một cái cây là có một con trấn giữ; còn hơn là đi chinh phục cả thế giới kia!

- Nhưng, thưa ngài, nếu như chính ngài hỏi xin!

- Tôi đã nói với ngài là chẳng bao giờ tôi hỏi xin cả!

Louis trả lời với một giọng kiêu hãnh làm xanh mặt ông vua nước Anh. Và khi thấy Charles II muốn rút lui có lẽ vì bị chạm tự ái, ông vội tiếp:

- Xin lỗi người anh em, tôi không có một người mẹ, người em gái đang phải chịu khốn khổ, chiếc ngai của tôi không êm và trống trơn, nhưng tôi đang thật sự ngồi trên ngai. Xin lỗi, người anh em chớ chấp, vừa rồi chỉ là lời nói của một kẻ ích kỷ. Tôi sẽ tìm cách đền bù lại. Tôi sẽ đi gặp ông Hồng y. Xin đợi một lát rồi tôi trở về.