Ra khỏi
thành Tây Dao, đi chừng mười dặm về phía Bắc, chính là bà mẹ của thảo nguyên,
sông Cát Tang. Sông Cát Tang là một nhánh của sông Hồng, là cội nguồn tươi tốt
của cả vùng đất này. Trên thảo nguyên là những người dân du mục, dựng lều trại
sống dọc theo bờ sông.
Nơi tôi
quen thuộc nhất là bộ tộc của lão Đa, Đa Luân Khắc. Tháng trước tôi ra ngoài
hái thảo dược, tình cờ gặp một cậu thiếu niên bị trẹo chân khi xuống ngựa, đó
là A Tử, cháu trưởng nhà lão Đa. Tôi đưa cậu ta về nhà, lại chữa chân cho cậu
ta. Vốn chỉ là tiện tay thôi, chưa đến mức “dũng tuyền tương báo*”, cha của A
Tử tặng mấy con dê nướng tới tận chỗ tôi, còn hoan nghênh tôi tới chơi bất cứ
lúc nào.
*
Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo: ân nghĩa nhỏ như giọt nước cũng phải
dùng cả con suối để báo đáp.
Bọn họ
biết nói tiếng Hán, lại nhiệt tình hiếu khách, đặc biệt hào phóng. Tôi đã thích
náo nhiệt, lại được biết nhà lão Đa có một phương thuốc bí mật gia truyền. Vì
vậy mới ôm ý đồ đen tối, thường xuyên chạy tới tìm bọn họ.
Mùa
thu, sắc trời quang đãng, mùa thu miền Bắc Trung Quốc tới rất sớm, trong làn
gió mát mẻ mang theo hương thơm của cỏ xanh. Cây cỏ tươi tốt không cao quá móng
ngựa. Ánh mặt trời ấm áp, trong lòng tôi thoải mái hơn nhiều, để ngựa tùy ý
chạy sâu vào trong thảo nguyên.
Tôi đi
về hướng Bắc khoảng một tiếng đồng hồ, trèo qua một sườn núi cao cao, xa xa
hiện ra một dòng sông xanh lấp lánh ánh nước. Chính là nơi này.
Bên bờ
sông có hơn mười chiếc lều bạt màu trắng, giống như những bông hoa màu trắng nở
ra trên thảm cỏ. Tôi vui vẻ thúc vào bụng ngựa, chạy về phía bọn họ.
Cách
lều bạt còn hơn mười mét, tôi lập tức phát hiện có điều không đúng. Trước một
gian lều treo cờ đỏ vây đầy người. Theo tập tục của thảo nguyên, chỉ khi nào
người trong tộc mắc trọng bệnh hoặc có phụ nữ sinh sản mời có thể treo cờ đỏ
trên lều.
Tôi vội
vàng chạy tới. Một thiếu niên cao gầy, mắt to nhìn thấy tôi đầu tiên, chạy lại
đón.
“A Tử!”
Tôi nhảy xuống ngựa: “Có chuyện gì vậy?”
A Tử
nhìn thấy tôi, mừng như điên, chạy lên kéo tôi: “Mẫn tỷ tỷ, tỷ đến thật đúng
lúc! Tam tỷ của đệ sắp sinh rồi!”
Con gái
thứ ba nhà lão Đa, Chu Y, là một mỹ nhân có tiếng trên thảo nguyên này, gả cho
quán quân trong lễ đua ngựa năm ngoái, khi quen biết cô ấy, cô ấy đã có thai
gần chín tháng.
“Không
phải còn nửa tháng nữa mới sinh sao?” Tôi hỏi.
“Hôm
qua tam tỷ không cần thận bị ngã, bụng bắt đầu đau.”
Tôi
nghe vậy, hoảng hốt hỏi: “Vậy hiện giờ thế nào rồi?”
“Vẫn
đau đến tận bây giờ, còn chưa thấy có dấu hiệu gì. Có một đại phu người Hán đi
ngang qua, nhưng đó là nam nhân, gia gia và tỷ phu không cho hắn vào nhìn.”
Cậu ta
chỉ sang một hướng, tôi nhìn thấy trong đám người có một anh chàng trẻ tuổi
đang kêu to: “Lúc nào rồi còn bận tâm chuyện này! Có cái gì quan trọng hơn mạng
người hay sao?”
Điệu bộ
cứ như bên trong chính là vợ con mình vậy.
Tôi đi
qua vỗ vỗ vai anh ta, người kia quay phắt đầu lại. Hơn hai mươi tuổi, gầy tong
teo như một thư sinh yếu ớt, lôi thôi lếch thếch, lúc này còn đang kích động,
đôi mắt trừng lớn như muốn lọt tròng.
Tôi
cười nói: “Đại ca đừng kích động, còn có tiểu muội đây. Tiểu muội thay đại ca
đi cứu người.”
“Sao?
Cô là ai?” Anh ta bực bội. Tôi đã đi về phía kều trại.
Đi vào
trong lều, một mùi tanh tưởi quái dị đập vào mặt khiến tôi choáng váng trong
chốc lát. Bên trong oi bức không chịu nổi, tối om, không có ánh sáng, Chu Y
đang nằm trên giường, yếu ớt rên rỉ, bên cạnh có mấy người phụ nữ và mấy đứa
trẻ đang lo lắng suông. Điểm chết người chính là còn có một có một bà đồng quái
dị như phù thủy đang nhảy qua nhảy lại khắp lều.
“A Mẫn
à!” Vợ của lão Đa, bác gái Cổ Li đầy nước mắt nước mũi nhào tới: “May mà cháu
đến rồi! Cháu mau xem cho Chu Y một chút đi!”
Tôi nắm
tay an ủi bà ấy: “Đại nương đừng nóng vội, cháu đi xem ngay đây.”
Tuy tôi
không học khoa phụ sản nhưng kiến thức cơ bản vẫn có đầy đủ, không đến mức bó
tay chịu trói.
Tôi lớn
tiếng hô: “Chuẩn bị vài sạch, nước nóng. Bà đồng và bọn nhỏ ra ngoài cả đi!”
Mấy
người phụ nữ giật mình. Bác gái Cổ Li dùng ngôn ngữ bản tộc nói lại một lần,
bọn họ mới nửa tin nửa ngờ bắt tay vào làm việc.
Tôi đi
xem Chu Y. Sắc mặt cô ấy tái nhợt, đầu đầy mồ hôi, hai mắt vô thần, hiển nhiên
đã ở trong tình trạng kiệt sức. Thế nhưng toàn thân vẫn cứng nhắc.
Tôi xốc
lên chiếc chăn rất nặng trên người cô ấy, vừa dùng nước nóng lau người cho cô
ấy, vừa kiểm tra tình trạng của cô ấy. Cô ấy hơi tỉnh lại một chút, rên rỉ: “A
Mẫn?”
“Là
tôi.” Tôi dịu dàng nói với cô ấy: “Cô yên tâm, cô và đứa trẻ sẽ không có chuyện
gì. Tôi còn phải làm mẹ nuôi chứ!”
Tử cung
thắt lại một cái, Chu Y đau đớn nhăn mặt, nắm chặt tay tôi. Tôi chịu đau, kiên
nhẫn chờ cơ đau bụng sinh của cô ấy qua đi. Một lúc lâu sau, cô ấy mới nhẹ
nhàng nói: “Ta tin A Mẫn.”
Tôi gật
đầu, bắt đầu châm cứu cho cô ấy. Bộ châm pháp này của lão Trương vốn dùng để
làm chậm cơn co giật. Tôi to gan thay đổi một chút để thích ứng với tình huống
đặc biệt của Y Chu.
Tôi nói
với cô ấy: “Đã mở tám phân, sắp sinh rồi. Cô phải kiên trì.”
Chu Y
thở hổn hển gật đầu.
Tuy lều
vải rất thoáng đãng nhưng rất nhanh tôi đã đổ mồ hôi toàn thân. Trong khi châm
cứu và xoa bóp, tình hình của Chu Y chậm rãi chuyển biến tốt, thân thể cứng
nhắc thoáng thả lỏng, hít thở cũng dễ dàng hơn nhiều. Miễn cưỡng uống hết một
bát canh bổ, cô ấy lại có sức để đối phó với những cơn đau bụng sinh.
Phụ nữ
khó sinh, biện pháp trực tiếp nhất là phẫu thuật. Tôi không muốn làm, thứ nhất
là kỹ thuật ngoại khoa của tôi rất kém, thứ hai là điều kiện vệ sinh ở đây quá
tệ. Nếu không đi vào ngõ cụt, tôi tuyệt đối không đi đến nước đó.
Bác Cổ
Li lo lắng nói: “Cứ tiếp tục như vậy, chưa nói đến mẹ, đứa bé phải làm sao bây
giờ?”
Tôi
liên tục châm châm cứu cứu. Mồ hôi theo gương mặt nhỏ xuống, tôi hoàn toàn
không có thời gian để lau. Dựa vào những thi thức mơ hồ còn nhớ được khi đi học
trước kia, tôi cố gắng tiến hành từng bước một.
Giống như
đã trải qua một thế kỷ, lại giống như mới chỉ vài giây vài phút, đứa bé từ trên
tay tôi rời khỏi cơ thể mẹ. Tôi nhìn cuống rốn quấn trên cổ đứa trẻ, trong lòng
căng thẳng.
Bác Cổ
Li kêu lên đầu tiên. Những người phụ nữ khác đều lộ vẻ tuyệt vọng.
Tôi
quyết định thật nhanh, cắt cuống rốn, đặt đứa bé nằm xuống, cúi người làm hô
hấp nhân tạo.
Một
lần, hai lần, ba lần… Trong lúc đó, tôi cấp tốc hạ châm xuống những huyệt
chính.
Chu Y
suy yếu hỏi: “Con của ta thế nào rồi?”
Tôi
không rảnh trả lời, tiếp tục hô hấp nhân tạo.
Đứa bé
vẫn nằm đó vô tri vô giác, giống như những cố gắng của tôi hoàn toàn không có
tác dụng.
Mồ hôi
tôi chảy vào mắt. Bác Cổ Li kéo tôi: “Quên đi, đây đều là mệnh.”
Tôi bỏ
tay bác gái ra, cúi đầu lại thổi khí vào miệng đứa bé.
Chu Y
khóc nấc lên. Cũng chính lúc này, đứa bé trong tay tôi oa lên một tiếng, lồng
ngực nho nhỏ phập phồng hô hấp.
Tôi thở
phào một hơi.
Bác gái
Cổ Li vui mừng khôn xiết: “Sống lại rồi! Đứa bé sống lại rồi!”
Chu Y
giãy dụa ngồi dậy: “Cho ta xem!”
Tôi đặt
đứa bé đã được bọc cẩn thận vào tay Chu Y.
Chu Y
nhìn đứa bé, nước mắt chảy xuống, dùng ngôn ngữ bản tộc thì thào gì đó.
Bác gái
Cổ Li nhào tới ôm lấy tôi khóc: “A Mẫn à, cháu thật sự là thiên thần từ trên
trời phái xuống…”
Tôi lau
mồ hôi, lúc này mới cảm thấy chân tay, eo, thắt lưng đều đau nhức, đặt mông
ngồi xuống chăn chiên. Quay đầu nhìn nụ cười hạnh phúc, thỏa mãn của Chu Y,
cũng không khỏi nở nụ cười.
“Là một
cô bé!”
Ánh mắt
nồng ấm của Chu Y dừng trên gương mặt đứa bé: “Nữ nhi tốt lắm, người Hán các cô
có câu, nữ nhi là chiếc áo bông tri kỷ của mẹ.”
Dường
như đứa bé cũng cảm nhận được bầu không khí vui sướng này, rốt cuộc buông tiếng
khóc rống lên. Tôi nhận lấy đứa bé kiểm tra một lần, tim đập, hô hấp của đứa bé
đều rất bình thường.
Chồng
của Chu Y ở bên ngoài chờ đã hết kiên nhẫn, cao giọng gọi tên Chu Y. Mấy người
phụ nữ vui vẻ ôm đứa bé ra ngoài cho anh ta nhìn.
Tôi còn
lo lắng đàn ông sẽ kỳ thị con gái, không ngờ anh chàng kia vừa nhìn thấy con
gái đã kích động đến mức khóc không thành tiếng.
Lão Đa,
Đa Luân Khắc, đi tới trước mặt tôi, cung kính làm một cái đại lễ với tôi.
Tôi sợ
hãi nâng ông ấy dậy: “Bác Đa, bác làm gì vậy?”
“A Mẫn
à, cháu đã cứu hai tôn tử của ta, còn cứu nữ nhi của ta, cháu là quý nhân của
tộc ta, vĩnh viễn là khách quý trong tộc ta. Đại ân tình hôm nay, chúng ta phải
báo đáp thế nào đây?”
Tôi
cười: “Cứu người là trách nhiệm của người học y, cháu chỉ làm hết chức trách
thôi, nói gì đến ân tình, càng không cần nói đến báo đáp.”
Chồng
Chu Y đi tới, dùng tiếng Hán cứng nhắc nói: “Mẫn cô nương, cô cứu đứa bé, cô
đặt một cái tên đi.”
“Tôi?”
Tôi vừa sợ vừa quẫn bách: “Nhưng tôi không hiểu quy củ đặt tên của tộc mọi
người.”
Lão Đa
cười nói: “Vậy đặt một cái tên Hán là được!”
Tôi
nhìn gương mặt nhỏ nhắn đang oa oa khóc kia, lại nhìn trời chiều rực rỡ phía xa
một chút, nói: “Tuy sinh ra vào lúc chạng vạng, thế nhưng phải trải qua nhiều
gian nguy, thay da đổi thịt. “Tịch dương vô hạn hảo, chích thị tẫn hoàng
hôn**”. Vậy đặt là Triêu Vân(Mây sớm) đi.”
**
Hai câu cuối trong bài Đăng Lạc Du Nguyên của Lý Thương Ẩn. Bạn nghi ngờ với
trình độ văn chương dốt nát của bạn Tiểu Hoa, bạn ấy đã nhầm chữ “cận” thành
chữ “tẫn”. Hai câu thơ thật sự phải thế này:
Tịch
dương vô hạn hảo
Chích
thị cận hoàng hôn
Dịch
thơ (Trần Trọng San)
Nắng
chiều đẹp vô hạn
Chỉ
tiếc sắp hoàng hôn.
Chồng
của Chu Y vô cùng vui vẻ, liên mồm nói cảm ơn.
Lão Đa
cũng chỉ huy người trong tộc: “Nhanh đi giết một con dê, đêm nay chúng ta phải
ăn mừng một phen.” Rồi lại hỏi tôi: “A Mẫn ở lại ăn tối đi.”
Tôi
thẳng thắn cười: “Đây là đương nhiên. Cháu đã có thể coi đây là nhà, vậy cháu
cũng không khách sáo nữa.”
Mặt
trời còn chưa xuống núi, lửa trại đã được đốt lên. Bọn nhỏ đá cầu cách đó không
xa. Kẻ mê đá cầu nửa mùa như tôi truyền thụ cho bọn chúng một bộ quy tắc thi
đấu và một ít kỹ thuật nông cạn, cuối cùng lại được bọn chúng thờ phụng như của
quý. Ngược lại khiến tôi cảm thấy rất ngượng ngùng.
Tôi
ngồi bên cạnh nhìn, bỗng phát hiện bên chân có một cái bóng đến gần, ngẩng đầu
nhìn lên, chính là đại phu người Hán xúc động lúc trước. Anh ta mặc một bộ quần
áo cũ kỹ không quá vừa người, đầu tóc có chút hỗn loạn, râu ria giống như nhiều
ngày không cạo. Tuy rằng như vậy, cử chỉ của anh ta vẫn coi như nhã nhặn.
Tôi
cười, chào hỏi anh ta: “Chào đại ca!”
Gã thư
sinh mặt trắng này cũng là một người sảng khoái, toét miệng chào: “Chào cô
nương.”
Tôi
hỏi: “Đại ca cũng là người Hán à? Không biết xưng hô thế nào?”
Thư
sinh cào cào mái tóc mất trật tự, nói: “Tại hạ họ Trình.”
“Trình
đại ca.” Tôi nói: “Đại ca gọi A Mẫn là được rồi. Đại ca đi ngang qua đây à?”
“Coi
như vậy đi.” Tiểu Trình nói: “Ta du ngoạn phương Bắc, ở lại vài ngày rồi đi về
phía Nam, mười ngày trước, khi gặp lão Đa là lúc đang định Nam hạ. Vốn định hôm
nay vào thành Tây Dao. Cô từ trong thành tới à?”
“Đúng
vậy.” Tôi nói: “Chẳng trách trước đây chưa từng gặp anh. Đại ca dự định đi
đâu?”
“Thẳng
về phía Nam, xa nhà nhiều năm, muốn về nhà xem sao.”
Tôi
cười cười, bỗng có chút cô đơn: “Có thể về nhà thật tốt.”
“Mẫn cô
nương.” Bạn học họ Trình ngồi xuống bên cạnh tôi, ra vẻ thân quen nói: “Nếu đã
cùng nghề, xin hỏi một chút vừa rồi cô nương cứu hai mẹ con bọn họ thế nào?”
Tôi và
anh ta vừa gặp đã thân, nên miêu tả sự thật lại cho anh ta nghe một lần.
Bạn
Trình nghe xong vô cùng hứng thú, túm lấy tôi hỏi: “Chẳng hay cô nương bái sư
nơi nào?”
Tôi học
từ sách của lão Trương, nhưng cũng không thể mặt dày tự xưng là đệ tử của ông
ấy, liền cười nói: “Không có sư phụ.”
Bạn
Trình hoài nghi nhìn tôi chằm chằm, trên người tuy lôi thôi, râu ria đầy mặt
nhưng đôi mắt lại trong vắt đến mức khiến người ta cảm thấy áp lực. Anh ta nhìn
thẳng vào tôi giống như muốn đục một lỗ trong suy nghĩ của tôi. Tôi chột dạ,
cái chuông báo động trong đầu reo vang.
Tôi
căng thẳng một lúc, Tiểu Trình đang định nói gì đó thì A Tử gọi một tiếng: “Mẫn
tỷ, tới uống trà sữa đi!”
Tôi
nhảy dựng lên như có lò xo gắn dưới mông, bỏ chạy. Tiểu Trình yếu ớt hô lên một
tiếng: “Cô…” Tôi đã chạy thật xa.
Mặt
trời xuống núi, lửa trại bốc cháy hừng hực, giá xiên dê đang quay ken két, mùi
rượu, mùi thịt thơm ngào ngạt tỏa ra bốn phía. Tiếng cười và tiếng ca rộn rã
lượn lờ. Các cô gái và bọn trẻ nắm tay nhảy múa bên đống lửa.
Bạn
Tiểu Trình cách tôi không xa, đang nắm tay một cô nương, cười tủm tỉm nói:
“Nhìn bàn tay này của cô nương, tương lai nhất định sẽ gả cho một trượng phu có
một đàn dê sung túc, sau đó sinh hai con trai.”
Cô nương
kia vừa vui mừng vừa xấu hổ.
Tiểu
Trình buông tay cô nương kia ra, chuyển sang một cậu trai vẻ mặt bực bội ở bên
cạnh: “Ai da, đại ca, ấn đường (vị trí giữa hai lông mày) của
ngươi biến thành màu đen, dường như có huyết quang tai ương!”
“Nói cái
gì đấy!” Cậu trai kia đứng phắt dậy.
Tôi vội
vàng chạy tới, kéo Tiểu Trình: “Nào, nào, nhân dân các tộc đều là một nhà, cùng
nhau tới nhảy múa đi.”
“Rõ
ràng là vậy mà.” Trình bán tiên vẫn chưa từ bỏ ý định.
Tôi
cười hỏi: “Bán tiên, vậy ngài xem tướng cho tôi đi?”
Tiểu
Trình cười: “Trước đó đã xem rồi. Cô nương tương lai phú quý không thể kể bằng
lời, là mẫu nghi thiên hạ…”
Xiên
thịt dê trong tay tôi rơi xuống đất: “Anh nói cái gì?!”
Trình
bán tiên vênh váo: “Không nói, không nói nữa. Nhân mệnh tại thiên, nói ra thiên
cơ sẽ bị trời phạt.”
“Chờ
một chút!” Tôi kéo anh ta: “Đây là chính anh nhìn ra hay người khác nói cho
anh?”
Tiểu
Trình cười nửa thật nửa giả: “Mẫn cô nương, ta thấy dường như cô không cam
lòng. Bất kể phú quý hay nghèo hèn đều là vô định, cuộc sống thế nào còn phải
xem chính mình. Cô xem, thảo nguyên mênh mông, không giới hạn, thật ra cứ đi
mãi rồi sẽ thấy đường.”
Không
ngờ đến đây rồi còn đụng phải tri kỷ của Lỗ Tấn tiên sinh. Tôi trợn tròn mắt.
Tiểu Trình
vẫy vẫy tay, lại chạy tới một bên làm thầy tướng số.
Tôi
sững sờ, bị A Tử kéo vào đám người nhảy múa, cứ cười đùa như vậy, tạm thời quên
đi lo lắng trước mắt. Nhảy mệt, A Tử hào hứng nhét vào trong tay tôi một chén
rượu: “Uống đi!”
Tôi
không suy nghĩ nhiều, lập tức ngửa cổ uống rượu. Ngay sau đó, một chất lỏng
nóng bỏng chảy vào trong dạ dày, rồi cỗ nhiệt lượng lại bốc lên, hun nóng đôi
mắt tôi, tôi đặt cái chén xuống, ho khụ khụ.
Những
người dân du mục nhìn thấy dáng vẻ này của tôi liền cười rộ lên.
Bác Cổ
Li cười: “Dù sao A Mẫn cũng là nữ hài tử từ phía Nam tới.”
Thế
nhưng, sau khi cỗ nhiệt lượng đó qua đi, thứ còn lại chính là cảm giác ấm áp
sâu sắc và hương thơm ngào ngạt. Tôi cảm thấy mùi vị không tệ, hăng hái bừng
bừng nói: “Tôi muốn nữa, cho tôi một chén nữa.”
Dân du
mục nghe vậy cảm thấy rất thú vị, A Tử lập tức đổ đầy một chén nữa cho tôi.
Lúc này
tôi uống thật tinh tế. Chậm rãi nuốt xuống, cảng cảm thấy loại rượu này có
hương cỏ xanh thơm ngát, vô cùng ngon miệng. Uống một ngụm, ăn một miếng thịt
dê nướng, trải nghiệm này vô cùng tuyệt vời.
Đang
vui vẻ, bạn nhỏ Tiểu Trình ghé tới hỏi tôi: “Đây là chén thứ mấy rồi?”
“Không
biết.” Tôi uống vào bụng còn đếm làm gì: “Rất ngon, anh có uống một chút
không?”
Tiểu
Trình quay đầu mắng những người khác: “Nha đầu này không còn biết gì nữa rồi.
Sao không ngăn cô ấy lại?”
A Tử
oan ức nói: “Tửu lượng của Mẫn tỷ có vẻ rất tốt mà.”
Giọng
nói của lão Đa có chút mơ hồ: “Quá càn quấy. Mau mang trà tới đây.”
Tôi ôm
bình rượu, cầm lên tu ừng ực. Tiểu Trình kêu ầm lên, vội vàng giật lấy. Tôi
không cho, kêu to: “Đừng động vào pho mát của tôi!”
Tiểu
Trình toát mồ hôi: “Cô còn uống nữa, hậu quả ngày mai cô chịu.”
Tôi ôm
bình rượu không tha, nhìn thấy dưới mớ tóc bù xù của bạn Tiểu Trình thật ra
gương mặt cũng rất thanh tú, vì vậy tôi vươn tay sờ soạng một cái, thì thầm:
“Thật là mềm.”
Tiểu
Trình tức giận, hất tay tôi ra, vội vàng lui về phía sau, mặt đỏ như mông khỉ.
Tôi
cười ha ha, cao giọng hát: “Thảo nguyên xinh đẹp là nhà của ta, gió thổi cỏ hoa
bay khắp trời…” Tuy ca từ đẹp nhưng không có một âm độ nào của tôi là đúng với
nguyên bản.
Lão Đa
còn rất cảm động: “Cô nương thật sự là tri kỷ.”
Tôi bị
gió thổi qua, một cảm giác hào hùng bùng lên trong lồng ngực, nhất thời cảm
thấy ý chí thiên hạ, quan sát bốn phương. Vừa nghĩ như vậy, tôi lập tức giãy
dụa đứng lên, mở hai tay ra, muốn ôm bầu trời đầy sao đêm nay, trong nháy mắt
nghĩ mình sắp bay lên đến nơi.
Đứng
bật dậy như thế, tôi đầu váng mắt hoa, phịch một cái ngã xuống mặt cỏ. Tiếng
mọi người thân thiết gọi tôi giống như bị gió thảo nguyên thổi qua. Ánh lửa mờ
dần, tiếng động trôi xa, trời đất quay cuồng.
Tôi
nhắm mắt lại, mê man trong hương rượu.
Khi
tỉnh lại, trời đã sáng. Tôi đang nằm trong một căn lều nhỏ sạch sẽ, bên cạnh là
em gái của A Tử, đang ngủ say sưa. Đầu tôi đau đến mức khó có thể dùng từ ngữ
để miêu tả, chỉ hận không thể dung dao chặt phứt đi. Hương trà sữa thơm nồng
bay từ bên ngoài vào. Tôi gắng gượng đứng dậy.
Bác gái
Cổ Li nhìn thấy tôi, cười nói: “A Mẫn tỉnh rồi à? Có đau đầu không? Uống chút
trà đi.”
Tôi cảm
kích cầm cốc trà, ngồi xuống một tấm thảm bên bếp lửa. Bầu trời phía Đông ánh
lên sắc hồng mềm mại, sáng sớm ở thảo nguyên rất lạnh, cái đầu phập phồng đau
đớn của tôi bị gió thổi qua tỉnh táo hơn rất nhiều.
Bác gái
đưa cho tôi một chiếc bánh nóng hầm hập: “Ăn đi. Chơi đùa cả một đêm chắc cũng
đói bụng rồi. Nhưng cháu tỉnh dậy cũng thật sớm.”
Tôi
nói: “Trước đó vài ngày cháu đang điều chế loại dược mới, cứ cách ba canh giờ
lại phải thêm nguyên liệu mới, vì vậy ngủ muộn dậy sớm, mãi thành quen.”
Sau sự
kiện binh sĩ trúng độc, toàn bộ tâm trí tôi đặt hết vào chương độc kinh, chế
tạo ra rất nhiều loại dược có thể lưu trữ lâu dài. Ngày đó, khi đọc tiểu thuyết
của ông nội Kim, hâm mộ nhất là những cao thủ võ lâm bất cứ lúc nào cũng có thể
lấy ra mấy cái lọ, đổ chút dược vào nước là có thể cứu mạng. Hiện giờ chính
mình cũng làm không ít, tất cả đều đưa đến chỗ Tiêu Huyên một phần, vậy mà anh
ấy vẫn đứng giữa trung tâm nguy hiểm.
Nói đến
đây, không biết hiện giờ anh ấy thế nào? Chuyện của anh ấy đã xử lý đến đâu?
Gây dựng một sự nghiệp lớn như vậy, một mình anh ấy chống đỡ, vậy mà trước giờ
chưa từng thấy kêu khổ.
Uống
hết cốc trà sữa, dường như gió lại lớn hơn một chút. Tôi đứng lên, nói cảm ơn
bác gái.
Trong
gió dường như có một mùi kỳ lạ, tôi nghi hoặc nhìn về hướng gió thổi tới. Thảo
nguyên mênh mông, đường chân trời uốn thành một đường cong duyên dáng. Nhìn có
vẻ mọi thứ đều rất bình thường và an bình.
Tôi
cười lắc đầu, say rượu khiến thần kinh của tôi không bình thường. Tôi trùm chăn
quay lại.
Còn
chưa đi được năm bước, một hơi thở khác thường lại trôi về đây, trong đó giống
như còn trộn lẫn mùi máu tanh.
Tôi
dừng lại, những con ngựa của dân du mục đột nhiên kích động.
Những
người đang bận rộn đều ngừng tay, những người đàn ông cảnh giác nhìn về một
hướng trên đồng cỏ. Trong sự yên lặng như tờ, tôi cảm giác được cả vùng đất như
đang rung lên.
“Đây
là…”
“Lang
đạo tới!!!!”
Cái gì?