Bước Chân Đêm

Chương 3




Khi Từ Viên ngồi đối diện gương bát quái, bất ngờ anh ôm đầu kêu la như đang bị một cơn đau hành xác rồi chạy ra ngoài, người đàn ông chạy theo sau, ông ta linh cảm quanh nơi đây xuất hiện nhiều âm khí, người đàn ông này họ Diệp, người trong vùng ít khi xưng hô họ tên thật của ông là Diệp Quang Vũ, mà thường gọi ông là Kỳ Lâm, bởi ông ta có khả năng cảm nhận được nhiều điều kỳ lạ.

Trong nháy mắt Từ Viên như một người vô hình chạy náu hết gốc cây này rồi lại vụt băng qua gốc cây khác, bỗng anh khụy xuống nằm bất động, Kỳ Lâm đã tìm thấy anh ở một gốc cây lớn và đưa anh vào trong nhà, ông ta dùng đủ mọi cách mà Từ Viên vẫn không tỉnh lại.

Trong lúc cơ thể bất động, Từ Viên thấy có ai đó đang dẫn mình đi vào bóng tối sâu thẳm, đôi chân di chuyển bồng bềnh, rồi dừng lại ở một nơi có đề ba chữ Quỷ Môn Quan, nơi đây thật huyền ảo, bóng tối u minh, nơi đây có rất nhiều quỷ dữ, qủy Đầu Trâu Mặt Ngựa, trông rất khủng khiếp.

Tiếng tra xét hà khắc nghiêm ngặt nơi Quỷ Môn Quan với nhiều vong linh, hầu như không ai có thể nói dối được tội lỗi của mình đã gieo lúc còn sống, đến lượt tra hỏi Từ Viên:

- Lộ dẫn, giấy thông hành đến quỷ quốc của ngươi đâu?

Từ Viên ngơ ngác, một con quỷ binh giọng gầm gừ:

- Đó là căn cứ của người sau khi chết đến quỷ quốc báo danh, lộ dẫn này là do Phong Đô Thiên Vũ Diêm La Đại Đế phát cho, trên mặt lộ dẫn có đóng ba dấu ấn của Thành Hoàng Âm Ty phủ huyện Phong Đô.

Từ Viên không có lộ dẫn, giấy thông hành vì thể xác của anh chưa mai táng và mệnh còn dương thọ, nên quỷ binh đã trình lên Diêm Vương, và Diêm Vương đã phải nhờ đến tảng đá xanh Tam Sinh Thạch nằm gần cầu Nại Hà để nhìn rõ gieo nhân đời trước, quả của kiếp này, duyên khởi duyên diệt của Từ Viên rồi mới phán xét. Kiếp trước của Từ Viên hiển hiện rất rõ trên tảng đá xanh:

“Hơn một trăm năm trước, ở một ngôi làng có hai đứa trẻ con rất thân với nhau, cậu bé trai tên là Hứa Vận Minh, cô bé gái tên là Lý Diệu Hoa, Vận Minh hơn Diệu Hoa hai tuổi. Hằng ngày hai đứa trẻ gần gũi nhau như người một nhà, chúng cùng chơi thả diều và chạy nhảy tung tăng trên những đồng cỏ xanh, chúng cũng từng đóng chú rể cô dâu trong trò chơi đám cưới giả. Rồi những năm tháng tuổi thơ đi qua, hai đứa trẻ ngày nào đã trở thành người lớn, vẻ điển trai tuấn tú, tài năng bắn cung của Vận Minh khiến nhiều cô gái phải thương thầm, nét đẹp hiện trong đôi mắt long lanh như nước hồ thu với khuôn mặt trái xoan của Diệu Hoa đã làm biết bao chàng trai say đắm, đến tuổi trưởng thành trái tim ai cũng biết rung động gần người mình yêu thích, có một hôm Vận Minh nói với Diệu Hoa rằng:

- Không ai có thể thay thế nàng trong lòng ta!

Diệu hoa cũng nói:

- Em nguyện kiếp này được làm vợ chàng!

Vận Minh cười chọc ghẹo:

- Chỉ kiếp này thôi sao?

Diệu Hoa trả lời:

- Kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nữa em cũng là vợ chàng, được không chàng?

Bao mùa xuân hạ thu đông, bao mùa hoa đào nở, bao mùa chim én về xây tổ, tình yêu của đôi trẻ được mọi người ví như một cặp trời sinh cả tài lẫn sắc. Năm ấy! Vận Minh vừa tròn tuổi hai mươi, Diệu Hoa cũng lên mười tám, nàng đã từng tưởng tượng mình là tân nương trong ngày cưới, được mọi người đến chúc phúc trăm năm, thế nhưng tất cả những chờ đợi hi vọng trong nàng bỗng dưng sụp đổ, khi buổi sáng hôm ấy, Vận Minh đến gặp nàng và xin nàng tha lỗi cho chàng vì cha mẹ của chàng đã hứa hôn với gia đình nhà cô gái Hồ Như Ý, chàng không thể cãi lời họ! Cuộc chia ly trong nước mắt, một người gắng nén lòng mình, một người chỉ biết khóc trong đau khổ:

Diệu Hoa: - Có phải chàng không còn yêu em không?

Vận Minh: - Xin nàng tha lỗi cho ta!

Diệu Hoa: - Chẳng lẽ bao nhiêu năm qua chàng không còn chút tình cảm nào với em nữa sao?

Vận Minh: - Từ buổi gặp Như Ý thì giờ đây ta chỉ có nhớ đến nàng ấy!

Diệu Hoa: - Chàng đừng nói gì nữa, chàng đi đi!

Vận Minh lặng lẽ quay gót, Diệu Hoa ngấn lệ dài, nước mắt biết tỏ cùng ai? khi những tình cảm đong đầy bao năm giờ chia đôi ngả!

Từ hôm Vận Minh nói lời chia tay cũng là lần cuối nàng gặp chàng, nàng vô cùng buồn khổ, tự nhốt mình trong phòng không nói chuyện với ai, làm cho cha mẹ của nàng lo lắng! Những kỷ niệm của nàng và người yêu luôn hiện về càng làm cho nàng quặn thắt đáy lòng, nàng luôn nghĩ rằng Vận Minh đã thay lòng đổi dạ đem lòng yêu người con gái khác, cùng quẫn trong sự dày vò. Buổi chiều, khi bóng ngả xế tà người vắng, nàng đã tìm ra cây bông phía sau nhà treo cổ tự vẫn kết thúc một kiếp người.

Sau buổi sáng Vận Minh gặp Diệu Hoa nói lời chia tay, chàng đã rời khỏi làng bỏ đi vào rừng sâu, phải ly biệt người yêu chàng rất xót xa khi chàng và Diệu Hoa từ nhỏ đã sống cùng một xóm, mỗi mùa trăng lên chàng lại thổi tiêu để nàng cất giọng hát chung những bài ca! Thế nhưng chàng không có cách lựa chọn nào vì mấy ngày trước cha mẹ của nàng đã tìm gặp chàng, họ đã đưa ra một ý: “Vận Minh, chúng ta hiểu tấm chân tình của cháu và Diệu Hoa, nhưng từ ngày Diệu Hoa còn nhỏ thì nhà ta đã có mối thâm tình với gia đình họ Triệu, cho nên hai bên đã đồng thuận sau này cho Diệu Hoa và Triệu Kiến Hưng con trai nhà họ Triệu nên duyên chồng vợ, chúng ta là người lớn không thể không giữ lời trước những điều hai bên đã định, cháu hiểu ý của chúng ta chứ?”. Vận Minh chỉ biết cúi đầu, cha mẹ nàng muốn nàng có một cuộc sống đầy đủ, có kẻ hầu người tớ, chứ có ngủ mơ thì gia đình chàng cũng chẳng bao giờ có được cuộc sống phồn hoa như nhà họ Triệu, nhà họ Triệu có cả một nông trang lớn có tiếng khắp vùng. Tuy vậy nhưng chàng rất lo cho nàng vì Triệu Kiến Hưng là một người ngạo nghễ hung hăng, ăn chơi xa đọa…nhưng ý cha mẹ nàng đã quyết thì chàng không có cách nào nên phải nói dối lúc chia tay để nàng sớm quên chàng mà về làm dâu nhà người ta.

Từ ngày Vận Minh sống trong rừng, chàng đã khai hoang trồng nhiều loại cây màu, đến ngày thu hoạch chàng chuẩn bị mấy loại rau củ quả mang về biếu người thân và hàng xóm. Khi về đến làng nghe tin Diệu Hoa đã mất, chàng vội chạy ra mộ nàng, ôm nấm mồ mà đau thấu tâm can, chàng vô cùng ân hận, nhưng ngay chính bản thân chàng cũng rất khó lựa chọn một con đường khi cha mẹ nàng đã ấn định hôn nhân của nàng. Sau thời gian ấy chàng trở về rừng và không thấy chàng xuất hiện ở làng nữa, có người cùng xóm họ đã gặp chàng nhưng chàng đã xuất gia từ lâu”.

Xem Tam Sinh Thạch xong Diêm Vương sai quỷ binh gọi một nữ cô hồn đang ở đường Hoàng Tuyền, nơi có loài hoa Bỉ Ngạn nở đỏ rực, loài hoa này không có lá:

- Nữ cô hồn Lý Diệu Hoa mau xuất hiện.

Nghe tiếng quỷ binh gọi cô hồn nào cũng khiếp sợ, cho nên ma nữ Lý Diệu Hoa ngay lập tức hiển linh, giọng Diêm Vương giận dữ:

- Nữ cô hồn kia, ngươi ở con đường Hoàng Tuyền đã hơn một trăm năm nay, vì chưa được chuyển kiếp, vậy mà người còn lên phá dối dương gian, ám người vô tội, chẳng lẽ hơn một thế kỷ qua mối tình trong ngươi còn chưa dứt?

Nữ cô hồn cúi đầu thanh minh:

- Thưa, hạ nữ đã có lần muốn uống canh Mạnh Bà để quên đi mọi chuyện, nhưng thực là hạ nữ chưa quên được Hứa Vận Minh, cho đến khi Vận Minh chuyển kiếp vào người khác, thì người ấy giống Vận Minh từ cái nhìn trong ánh mắt cho đến những cử chỉ, càng làm cho hạ nữ không nguôi nỗi nhớ!

Diêm Vương giọng gay gắt:

- Ngươi có biết rằng tội của ngươi lớn lắm không? Ngươi chưa trả hết nợ trần gian mà đã tìm đến cái chết, thân thế của người là mượn từ cha mẹ cho nên ngươi thiếu nợ cha mẹ ngươi, cái ăn cái mặc của ngươi là từ đồng ruộng núi sông mà có cho nên ngươi cũng thiếu nợ và nợ nhiều món nợ khác, vậy mà người còn chưa tu tỉnh.

Nữ cô hồn lệ rơi hai hàng:

- Ngày trước hạ nữ nghĩ rằng chết là hết, là quên đi tất cả nhưng sau khi chết hạ nữ đến Vọng Hương Đài nhìn về nơi dương thế thì thấy cha mẹ, thân hữu của hạ nữ buồn khổ biết bao nhiêu, hạ nữ biết mình mang tội bất hiếu.

Diêm Vương nguôi giận:

- Ngươi còn được ở lại đường Hoàng Tuyền là ân xá của Thập Điện, cho nên ngươi hãy tu tỉnh mà trả lại dương khí cho Diệp Từ Viên, người này chỉ là luân hồi của Hứa Vận Minh chuyển kiếp, nhưng trong mỗi kiếp người không phải là giống nhau, nếu kiếp nào sống tu tâm thiện tính thì sẽ không tạo nghiệp.

Nữ cô hồn ăn năn:

- Hạ nữ đã đã thấu, xin tạ ơn Diêm Vương.

Đã gần hết ngày thứ hai mà Từ Viên vẫn chưa tỉnh lại, Kỳ Lâm đứng trước thềm nhìn về phía trời xa, những vệt nắng cuối ngày lấp ló sau những tán lá, Kỳ Lâm thầm nghĩ: “ráng chiều hôm nay đẹp quá nhưng sao người này vẫn chưa tỉnh”. Vừa lúc mặt trời lặn, màn đêm trùng xuống là lúc hồn phách của Từ Viên được trả về thể xác, bỗng chân tay anh cử động rồi mở mắt:

- Đây là đâu?

Kỳ Lâm mừng rỡ:

- Đây là nhà tôi!

Từ Viên nghiêng mặt nhìn Kỳ Lâm:

- Sao cháu lại ở đây?

Kỳ Lâm đỡ Từ Viên ngồi dậy, đưa cho anh một ly nước:

- Cậu uống đi, khi nào cậu khỏe lại tôi sẽ kể cho cậu nghe!

Từ Viên ở nhờ ngôi nhà ngoài bìa rừng đã hơn một tuần, anh rất tò mò về người đàn ông sống một mình, ít khi nào thấy Kỳ Lâm cười. Buổi tối Từ Viên nhìn ra bên ngoài có nhiều con đom đóm sáng lập lòe, Kỳ Lâm nhìn thẳng vào đôi mắt của Từ Viên:

- Cậu sợ đóm đóm không?

Từ Viên ấp úng:

- Dạ, không ạ!

Kỳ Lâm bước lại gần:

- Tôi biết cậu sợ đom đóm.

Từ Viên nghĩ thầm: “sao chú ấy hay vậy, đọc được cả suy nghĩ của mình”. Thấy Kỳ Lâm cởi mở nên Từ Viên liều hỏi:

- Chú Kỳ Lâm ở một mình nơi đây, chú có cảm thấy buồn không?

Kỳ Lâm quay mặt nhìn ra cửa sổ lảng tránh câu hỏi, Từ Viên biết ý:

- Cháu đi ngủ nha chú! Chú cũng đi ngủ sớm cho khỏe! Cháu thấy chú hay thức khuya!

- Cảm ơn cậu, tôi biết rồi!

Sáng hôm sau Kỳ Lâm dậy sớm ra phía đầu bếp chặt những cành cây khô làm củi, Từ Viên thấy vậy vội đi ra:

- Chú để cháu!

Từ viên cởi chiếc áo thun bước lại gần đống củi, Kỳ Lâm giật mình nhìn thấy vết bớt phía sau lưng Từ Viên, trong đầu mâu thuẫn “sao lại giống quá!”. Từ Viên xếp những cành củi ngay ngắn lại rồi nói:

- Chú ơi, cháu tính ngày mai quay về phòng trọ cũ và cháu sẽ tìm phòng mới rồi chuyển đến, chứ cháu ăn trực nhà chú nhiều quá rồi! Kỳ Lâm không để ý những lời Từ Viên vừa nói mà suy nghĩ về vết bớt ở lưng Từ Viên, bỗng Kỳ Lâm hỏi:

- Từ hôm gặp cậu tôi chưa biết cậu họ gì?

Từ Viên vui vẻ đáp:

- Dạ, cháu họ Diệp.

Kỳ Lâm hỏi tiếp:

- Cha mẹ cậu làm nghề gì?

Từ Viên trầm giọng kể:

- Mẹ cháu mất ngay lúc sinh ra cháu, còn cha cháu làm nghề đánh cá trên biển, năm ấy khi cháu còn rất nhỏ có một cơn bão lớn càn quyét những con tàu đánh cá ngoài khơi và từ đó cha cháu và nhiều ngư dân khác, họ đã không trở về.

Nghe lời kể của Từ Viên đến đó Kỳ Lâm như chết đứng tại chỗ, miệng ông ta không thốt nên lời, Từ Viên thấy vậy liền hỏi:

- Chú Kỳ Lâm, chú sao vậy?

Kỳ Lâm lắc đầu rồi lặng lẽ đi vào nhà mở ngăn tủ lấy ra một chiếc hộp nhỏ làm bằng gỗ, bên trong chiếc hộp đựng một chiếc kiềng đeo tay bằng đồng màu đã cũ, trên chiếc kiềng có một chữ 日(nhật) nổi, Từ Viên đứng phía sau bỡ ngỡ và cũng lấy ra chiếc kiềng đeo tay của mình, chỉ khác là chiếc kiềng của anh có chữ 月(nguyệt) nổi.

- Chú ơi, cháu cũng có một chiếc kiềng giống chiếc của chú.

Kỳ Lâm cầm hai chiếc kiềng:

- Sao cậu có chiếc kiềng này?

Từ Viên trả lời:

- Là chiếc kiềng của mẹ cháu.

Kỳ Lâm xúc động:

- Kiềng nhật nguyệt đã bao nhiêu năm rồi…

Kỳ Lâm khóc nấc lên, Từ Viên bước tới đứng trước mặt:

- Chú Kỳ Lâm, chú, chú…

Bỗng Kỳ Lâm ôm chặt Từ Viên:

- Con trai của cha! Đúng là con trai của cha đây rồi!

Từ Viên nghe thấy vậy hoảng hốt vội đẩy Kỳ Lâm ra:

- Không! Không! Chú không phải, cha cháu đã chết từ lâu rồi!

- Ta, ta không phải là Kỳ Lâm, ta, ta chính là Diệp Quang Vũ, là cha của con.

Kỳ Lâm ngồi bệt xuống, Từ Viên bỏ chạy ra ngoài quỳ gối trên bãi cỏ, ngẩng mặt nhìn trời xanh hỏi:

- Ông trời ơi! Đang có chuyện gì xảy ra với con thế này?

Kỳ Lâm đứng phía sau:

-Từ Viên, cha xin lỗi! Con hãy nghe cha nói, ngày đó khi cơn bão và những con sóng dữ phá tan chiếc tàu đánh cá ngoài khơi thì cha và nhiều người khác đã đối mặt với tử thần, ngoài biển kia có rất nhiều con sóng dữ nhưng đã có con sóng nào đó đưa cha dạt vào bờ, lúc tỉnh dậy cha mới biết mình còn sống sót nằm bên cạnh một mảng gỗ của con tàu, sau đó cha trở về làng ngư mình thì chú thím đã mang con đi nơi khác mà chẳng ai rõ ở đâu, bao nhiêu năm qua cha đi tìm con khắp nơi, có lúc cha tuyệt vọng vì không tìm thấy con.

Chuyện đang xảy ra là sự thật làm cho Từ Viên không thể tưởng tượng được, bao nhiêu năm qua anh vẫn nghĩ cha mình đã mất, đã bị sóng biển cuốn đi và mỗi năm anh vẫn làm giỗ cả cha và mẹ. Một lát sau Từ Viên bình tĩnh đứng dậy đến gần ôm chặt lấy cha mình:

- Cha ơi! Có thật cha là cha của con không? Những năm qua nhiều đêm con rất nhớ cha, từ lúc sinh ra con đã không còn mẹ, con tưởng rằng cha sẽ ở bên con, nhưng cơn bão năm ấy đã để con lạc mất cha.

- Con trai của cha, từ nay cha sẽ ở bên con, sẽ không có gì chia cắt được cha con mình đâu!

Cuộc đời con người có những định mệnh khiến người ta đi tìm câu giải đáp, những giọt nước mắt lăn dài trên suốt quãng thời gian xa cách, hai cha con Kỳ Lâm vui mừng trong nước mắt.

Ngày hôm sau Từ Viên đưa cha mình trở về nhà trọ cũ, vừa đến cổng ông Năm chủ nhà vội chạy ra:

- Cái cậu này, đi đâu mà bây giờ mới về? Tôi lo gần chết!

Kỳ Lâm mở lời chào:

- Chào anh Năm.

Ông Năm nhìn Từ Viên, Từ Viên giới thiệu:

- Đây là cha cháu!

Ông năm trố mắt ngạc nhiên:

- Sao trong các giấy tờ của cậu ghi là cha đã mất?

Từ Viên cười:

- Chuyện dài lắm bác Năm.

Ông Năm gật đầu lia lịa:

- Ờ, thôi hai cha con lại bàn ngồi uống nước đã nào!

Kỳ Lâm trả lời:

- Cảm ơn anh!

Ông Năm cười:

- Tôi chưa năm mươi đâu, gọi tôi bằng anh là hơi già, vợ tôi mới sinh thêm đứa nữa, mót mãi lần này lần thứ sáu mới ra được cô con gái, năm lần trước là năm công tử.

Từ Viên cũng bất ngờ:

- Chúc mừng bác Năm.

Ông năm cười sảng khoái:

- Tôi biết là cậu quay về dọn đồ đạc, nhưng bây giờ trời cũng sắp tối rồi, hai cha con ở lại đây ngày mai hãy về!

Kỳ Lâm đáp:

- Cảm ơn anh!

Ông Năm lại cười:

- Xưng anh Năm nữa rồi!

Buổi tối sau khi dùng bữa cùng vợ chồng ông Năm, Từ Viên xếp gọn đồ đạc vào những chiếc thùng rồi hai cha con anh đi ngủ sớm để ngày mai quay về. Bên nhà ông Năm tiếng trẻ sơ sinh khóc giữa đêm, Từ Viên cảm thấy những tiếng khóc đó rất quen thuộc, tiếng trẻ con khóc mãi làm anh lịm dần vào giấc ngủ miên man, rồi anh lại mơ thấy cảnh âm gian, trần thế! Thấy ma nữ Lý Diệu Hoa được siêu thoát và chuyển kiếp vào con gái của vợ chồng ông Năm.

Sáng hôm sau hai cha con Từ Viên đã rời khỏi nhà trọ Đồng Khanh trở về nhà, trên đường về có những đàn bướm bay lượn dập dìu đẹp đến lạ thường, chim trên cây cất tiếng líu lo, bình minh nắng sớm đón chào một ngày mới.