Bụi Trần Lắng Đọng

Chương 9: Ốm




Tôi sợ chuột. mọi người nói tôi ốm.

Tôi không ốm, chỉ sợ cái loài có cặp mắt sáng, hàm răng nhọn hoắt và tiếng kêu chít chít.

Nhưng mọi người vẫn bảo tôi ốm.Tôi cũng không có cách gì để mọi người không nói như thế. Việc tôi có thể làm được là, khi mẹ đến, tôi nắm chặt tay Trác Mã. Hàng ngày, quản gia đưa thằng Trạch Lang và thằng Nhi Y con người đao phủ, chờ ở cổng. Hễ thấy tôi ra, hai đứa bám theo không rời một bước.

Trác Mã nói "Cậu chưa phải là Thổ ti mà oai hơn cả Thổ ti".

Tôi nói "Tôi sợ".

Trác Mã không chịu "Xem cái vẻ ngốc của cậu kìa!"

Nhưng cặp mắt cô ta vẫn không rời anh thợ bạc. Anh thợ bạc ngước lên nhìn chúng tôi. Anh gõ phải tay, tôi cười. Người lâu nay không cười, đến lúc cười cảm thấy khoái vô cùng, thậm chí còn khoái hơn cả với con gái. Vậy là, tôi nằm ngửa ra đất mà cười. Ai trông thấy cũng nói, đúng là cậu ốm rồi.

Vì tôi ốm mà Lạt ma Môn Ba và Phật sống Tế Ca có dịp thi tài cạnh tranh.

Hai người đều nói có thể chữa lành bệnh cho tôi. Lạt ma Môn Ba ở gần, tiện bề đọc kinh và thuốc thang, tụng kinh là trước, thuốc thang là phụ, không thấy công hiệu. đến lượt Phật sống Tế Ca ra tay, cũng cái cách chữa chạy gần như thế nhưng thuốc là chính, đọc kinh là phụ.Tôi không muốn hai người này chữa bệnh cho tôi, nếu tôi ốm thật. Lúc uống thuốc tôi phải nhắm mắt, có thể thấy thuốc trôi xuống bụng, rồi theo xuống ruột.Tức là thuốc không đến được nơi có chuột mà tôi sợ, lũ chúng bò lên vách ngăn dạ dày.Thấy hai vị kia quý thuốc, rất trịnh trọng, tôi rất muốn cười.Thuốc của Lạt Ma Môn Ba là những viên đen, thuốc viên đựng trong cai hộp rất đẹp, có cảm giác trong cái hộp ấy không phải là thuốc mà là ngọc quý.Thuốc của Phật sống dạng bột, bên ngoài gói bằng giấy, bên trong bọc bằng nhiều lớp lụa vàng. Bàn tay mập mạp của Phật sống mở từng lớp từng lớp lụa tưởng như vô tận, tôi cảm thấy trong đó là cả thế giới, kết quả chỉ có một ít bột màu xám. Phật sống đọc kinh cho thuốc, làm ra vẻ quý lắm, nhưng cái nơi sợ hãi ở trong bụng tôi đang buồn cười. Đổ cái thứ bột ấy vào miệng cảm giác như một đàn ngựa chạy trên cánh đồng khô hạn, bụng quặn lên, trước mặt bụi bay mù mịt.

Tôi hỏi hai vị thầy thuốc có pháp lực tôi bị bệnh gì.

Lạt ma Môn Ba nói "Cậu chạm vào cái gì dơ dáy".

Phật sống Tế Ca cũng nói như vậy.

Họ nói có hai thứ dơ dáy.Thứ nhất là ô uế, thứ hai là tà ma.Tôi không biết họ nói loại nào, cũng không muốn hỏi.Trạch Lang có thể nhại rất đúng tiếng hai vị thầy thuốc. "Cậu, xem ra cậu không chạm vào thứ gì dơ dáy cả", nói xong, nó và tôi cùng cười. Người đao phủ tương lai không cười thành tiếng. nó cười bẽn lẽn.Tiếng cười của thằng Trạch Lang lại như trút nước.Tôi thích cả hai đưa.Tôi nói với chúng "Tao thích chúng mày, muốn cả đời chúng mày bám đít tao".

Tôi bảo với chúng, tôi không đụng chạm vào cái gì dơ bẩn cả.

Lúc chúng tôi đến với nhau, thường chỉ một mình tôi nói.Trạch Lang không có gì để nói, nên không nói.Thằng Nhi Y có nhiều chuyện nhưng không biết nói từ đâu. Loại như nó đưa vào chùa để học kinh là thích hợp nhất. Nhưng nó là con nhà người đao phủ của gia đình chúng tôi. Cả hai đứa đi theo tôi dạo chơi trên cánh đồng mùa thu. Bầu trời thu mỗi ngày một cao hơn, xanh hơn. Mùi quả anh túc lan toả, vạn vật như mơ. Bỗng tôi nói với thằng Nhi Y "Đưa tao về nhà mày xem".

Mặt nó tái dại, quỳ xuống "Thưa cậu, ở đấy còn có những thứ còn sợ hơn cả chuột".

Bởi nói vậy tôi càng muốn đi.Tôi không phải là đứa nhát gan.Trước kia tôi cũng không sợ chuột, chỉ có mẹ biết tại sao. Cho nên tôi nhất định đòi đến nhà người đao phủ để xem.

Trạch Lang hỏi, nhà thằng Nhi Y có gì mà sợ.

"Dụng cụ giết người, cái gì cũng dính máu".

Còn gì nữa?

Nó nhìn quanh, nói "Áo quần, áo quần dính máu của người chết".

Tôi nói "Mày đi trước dẫn đường".

Thật không ngờ, nhà người đao phủ lại phẳng lặng yên tĩnh như vậy.

Một ít thảo dược phơi ở sân.Theo sự hiểu biết về cơ thể người, có thể coi người đao phủ là một bác sĩ ngoại khoa ở vùng này. Bà vợ người hành hình không chịu nổi số phận, đẻ ra thằng Nhi Y được ít lâu thì bà chết.Trong nhà chỉ còn bà nội của thằng Nhi Y đã ngoài tám mươi là người đàn bà duy nhất. Đến khi bà biết tôi là ai, liền nói "Thưa cậu, lẽ ra tôi phải chết từ lâu rồi, nhưng không ai chăm sóc hai đao phủ nhà cậu, nên tôi chưa được chết".

Thằng Nhi Y nói, tôi đến không phải để đòi mạng bà.

Bà già nói, không phải vô cớ mà cậu đến nhà kẻ nô tài. Mắt bà già không còn sáng nữa, nhưng bà vẫn mò mẫm lau cái ấm đồng thật sáng bóng, sạch sẽ.

Chúng tôi tham quan nơi để dụng cụ hành hình trước. Đầu tiên là roi da, da bò sống, da bò đã thuộc, dây thừng, dây thừng bện với dây kim loại, không thiếu thứ gì. Những thứ này là của nhiều đời Thổ ti Mạch Kỳ ban thưởng.Tiếp theo là các loại dao kiếm lớn nhỏ khác nhau. Các loại dao, kiếm lớn nhỏ và hình dáng khác nhau không phải là để bày cho đẹp, mà đối với từng bộ phận cơ thể phải dùng các loại khác nhau. Lưỡi kiếm rộng bản và mỏng rằng thích hợp cho việc chém vè. Lưỡi kiếm nhỏ và dài là để đâm vào vùng dưới xương sườn, xuyên tận bộ phận nóng hôi hổi. Loại dao cong như mặt trăng đầu tháng rất thích hợp cho dầu gối người. Còn nhiều thứ khác nữa, ví dụ móc chuyên để móc mắt, kim để chữa răng nhưng cũng có thể làm mất toàn bộ hàm răng con người. Những dụng cụ ấy để chật một gian nhà.

Thằng Trạch Lang rất thích những thứ ấy, nó nói với thằng Nhi Y "Có thể tuỳ ý giết người, đã lắm!"

Thằng Nhi Y nói "Giết người đau khổ lắm, những người ấy phạm tội, nhưng họ không phải là kẻ thù của đao phủ". Nó nhìn tôi, rồi khẽ nói "Với lại, có nhiều người bị giết oan".

Tôi nói "Sao mày biết?"

Người đao phủ trong tương lai của nhà Mạch Kỳ nói "Cháu không biết, cháu chưa giết người bao giờ, nó cha cháu nói vậy". Rồi nó chỉ lên gác "Nghe nói, đống áo quần trên kia cũng có thể biết".

Áo quần ấy để trong một gian gác xép. Gác xép làm thêm lấy chỗ để áo quần người chết. lên gác xép là một cái thang độc mộc. Đứng trước căn gác, một thằng Nhi Y tái nhớt hơn vừa rồi "Thưa cậu, đừng lên nữa nhé?" Tôi cũng sợ, liền gật đầu. Nhưng thằng Trạch Lang kêu lên "Cậu! cậu sợ hay là ngốc? Đến cửa rồi mà không vào xem, cháu không chơi với cậu nữa".

Nó nói tôi ngốc, tôi thấy nó cũng ngốc không kém. Nó cứ nghĩ, muốn chơi với tôi thì chơi, không thì thôi.Tôi nói "Mày nhớ lấy câu nói vừa rồi nhé! Nên nhớ, không phải mày chơi với tao mà là phục dịch hầu hạ tao".Tôi rất vui khi thấy nó nghe được câu nói ấy rồi đứng ngây đuỗn, há hốc cái miệng ngu ngốc.Thằng Nhi Y thì đứng ngơ ngác bên cạnh tôi.

Tôi làm ra vẻ giận dữ, thằng Nhi Y leo lên cái thang độc mộc. Một đầu thang ghếch lên cửa gác xép. Lạt ma được mời đến viết một câu thần chú ngay trên cửa.Trên câu thần chú được rắc bột vàng, bột vàng lấp lánh dưới nắng.Tôi bước lên theo. Đầu tôi chạm vào chân thằng Nhi Y, nó quay lại nói đến nơi rồi hỏi tôi có muốn mở cửa ra không, biết đâu có oan hồn, oan hồn sẽ chạy ra ngoài.Thằng Trạch Lang đứng dưới nói mày mới giống oan hồn.Tôi nhìn thằng Nhi Y, cảm thấy thằng Trạch Lang nói đúng, nó giống một oan hồn.Thằng Nhi Y nói với tôi "Thưa cậu, cháu không sợ, chỉ sợ làm cậu sợ".

Hai đứa trẻ, một bạo gan, một hay nói.Trong con mắt đứa bạo gan thì không coi ra ra gì, nhưng biết chăm sóc đến người nhát gan.Tôi thích cả hai đứa. Nhà của người đao phủ ở một góc đồi, thấp hơn nhà Thổ ti, nhưng cao hơn các nhà khác. Đứng trên cái thang độc mộc, tôi thấy cánh đồng rộng lớn ngoài kia, trời đã sang thu, chim bồ câu dại đang bay lượn. Lúc này chúng tôi đang đứng cao hơn đàn bồ câu, trông thấy dòng sông chảy về cuối trời.

Tôi nói "Mở ra".

Thằng Nhi Y lấy cái khoá trên cánh cửa, tôi nghe thấy tiếng thở nặng nề của tôi và của thằng Trạch Lang. Chỉ có thằng Nhi Y vẫn bình tĩnh, thì thầm "Cháu mở rồi".Tay nó vừa đặt lên cửa, cánh cửa kêu ken két và mở ra. Một luồng gió lạnh thổi vào mặt, ba chúng tôi đều rùng mình. Chúng tôi bước thận trọng, đi theo hướng ánh sáng từ ngoài chiếu vào. Áo quần vắt ngang vắt dọc trên những cây sào, chúng lặng lẽ buông rủ, trông giống như những người đang ngủ đứng.Trên cổ những chiếc áo đều có vết máu đã thâm đen.Toàn là áo quần còn tốt, áo quần mọi người mặc vào dịp lễ tết. Những người sắp chết đều mặc quần áo đẹp và để lại cho người đời những bộ quần áo dính máu sau khi chết.Tôi lật một chiếc áo viền da rái cá, chuẩn bị để trông thấy một khuôn mặt gầy gò trong đó, nhưng chỉ thấy lớp lụa lót bóng loáng.Thằng Trạch Lang bạo gan, khoác một chiếc áo lên người nhưng cũng chẳng xảy ra chuyện gì.

Không gặp chuyện gì kỳ lạ khiến chúng tôi thất vọng.

Trên đường về, chúng tôi trông thấy bóng người từ núi phía đông, tiếp theo ở phía tây cũng xuất hiện một bóng người. hai đứa kia chờ xem ai đang đi tới. Chúng biết, nếu có ai đang đi trên đường, chắc chắn sẽ đến nhà tôi. Người có tiền biếu tiền, người có đồ biếu đồ, người không có gì sẽ biếu câu chuyện khiến Thổ ti phấn khởi.

Lên lầu, Trác Mã đưa nước trà ra, tôi bảo cô lấy nước cả cho hai thằng kia.Trác Mã không vụi nguýt tôi một cái "Em phải hầu nước chúng nó à?" Tôi mặc kệ, Trác Mã đành bày ra hai cái bát nước trước mặt hai đứa kia và rót nước.Tôi nghe thấy Trác Mã mắng hai đứa "Không biết lễ phép gì, dám ngồi uống trà trước mặt cậu! Đi, ra cửa đứng uống!"

Lúc ấy, lũ chó canh cửa sủa vang.

Trác Mã nói "Có khách".

Tôi nói "Người đến cưới em đấy".

Trác Mã cúi đầu, không nói gì.

Tôi nói "Đáng tiếc, không phải anh thợ bạc".

Tôi muốn nhìn mặt Trác Mã lúc này, nhưng dưới nhà có tiếng báo khách đến.Tôi ra vịn lan can nhìn xuống, hai đứa kia mỗi đứa một bên đứng phía sau. Hôm ấy tôi mặc cái áo dài gấm hoa, thắt lưng màu hồng, chuôi dao gài thắt lưng có ba hạt san hô màu xanh. Khách ngước lên thấy tôi, giơ tay vẫy vẫy. Sau đấy là cha, tiếp theo là anh trai, rồi mẹ, cả nhà Thổ ti Mạch Kỳ ra đón khách. Ở chỗ chúng tôi không ai chào chủ nhà như thế nhưng tôi biết khách đang giơ tay vẫy chào chúng tôi.

Khách lên lầu. Cả nhà Thổ ti Mạch Kỳ chuẩn bị đón.

Khách vào.

Tôi nghĩ, mình đã thấy yêu quái. Người kia tuy mặc áo dài thụng rộng thùng thình, mắt xanh, ông ta bỏ mũ xuống để lộ mái tóc vàng. Người này đi đường mồ hôi nhễ nhại, mùi hôi khó chịu.Tôi hỏi anh trai có phải là yêu quái không? Anh ghé vào tai tôi nói thầm "Tây".

"Chị ở cái nước của những người như thế à?".

"Đúng vậy".

Khách nói tiếng chúng tôi, nhưng nghe lơ lớ thật kì quặc, không giống tiếng chúng tôi, nghe như tiếng Tây của họ. Ông ta ngồi kia nói chuyện, cuối cùng thì nhà Mạch Kỳ cũng nghe hiểu, ông ta ngồi trên cái nhà nổi trên biển từ Anh quốc đến.Trên lưng con lừa ông ta cưỡi có một cái chuông tự kêu để biếu Thổ ti.Trong phòng của cha và mẹ cũng bày cái thứ này. Nhưng cái của ông ta biếu trên mặt có một lớp men pháp lam trông rất đẹp.

Ông ta có cái tên rất hay: Charles.

Cha gật đầu "So với tên người Hán, tên ông giống với tên chúng tôi hơn".

Anh tôi hỏi ông Charles "Ông đi qua lãnh thổ của chúng tôi để đi đến đâu?"

Charles chớp chớp cặp mắt xanh, nói "Đích đến của tôi là lãnh địa của Thổ ti Mạch Kỳ".

Thổ ti nói "Ông đưa điều gì tốt lành đến cho chúng tôi?"

Charles nói "Tôi vâng ý Thượng Đế đến đây để truyền bá phúc âm".

Tiếp theo, cha và Charles bàn xem Thượng Đế có ở đây được không. Ông giáo sĩ truyền đạo tỏ ra tin tưởng lắm. nhưng Thổ ti Mạch Kỳ lại tỏ thái độ nghi ngờ. Cha hỏi Charles Thượng Đế của ông ta có phải là Phật đà? Trả lời không phải, nhưng cũng giống như Phật đà, Thượng Đế đưa lại hạnh phúc cho chúng sinh nghèo khổ.Thổ ti cảm thấy giữa hai vị khác nhau rất ít, chẳng khác nào Lạt ma Môn Ba và Phật sống Tế Ca học vấn sâu rộng tranh luận vấn đề. Họ trang luận những vấn đề thế giới niết bàn của A Di Đà Phật lá bồ đề to bằng bao nhiêu "đo tuần"[1], trên một cái lá có thể ở bao nhiêu Bồ Tát chính quả...Thổ ti không thích thú gì khi các vị Lạt ma tranh luận những chuyện ấy. Không phải cha cảm thấy triết học kinh viện không có ý nghĩa, mà tranh luận như vậy càng chứng tỏ Thổ ti dốt nát. Cha nói với ông Charles mắt xanh tóc vàng kia "Ông đến coi như khách của chúng tôi. Mời ông ở chơi".

Bên ngoài có mùi hương Ấn Độ khử độc phòng khách.

Mẹ vỗ tay, ông quản gia chân thọt vào đưa khách lên phòng. Mọi người đang định giải tán thì tôi nói "Còn một vị nữa, ông kia không phải là người dắt lừa, mà dắt một con la".

Quả nhiên chó ở cổng sủa như điên.

Cha mẹ và anh trai nhìn tôi bằng ánh mắt đặc biệt. nhưng tôi chịu đựng cái nhìn như kim châm của họ, chỉ nói "Khách đến kìa!".

Chú thích:

[1] Nguyên văn tiếng Phạn "Yojana", rộng chừng 40 dặm, thời ấy người ta hình dung nước Ấn Độ chỉ có 30 dặm