Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen

Chương 9




Ái tình và hôn nhân ở Pháp

Muốn hiểu rõ thái độ của đàn ông và đàn bà Pháp đói với hôn nhân và ái tình, trước hết phải nhớ lịch sử tình cảm ở Pháp những thời đã qua. Trong lịch sử đó có hai trào lưu.

Trào lưu thứ nhất là một trào lưu rất mạnh có tính cách tình cảm. Ngay từ hồi Trung cổ, ở Pháp đã phá sinh thứ luyến ái phong nhã. Giới thượng lưu Pháp thời đó đều có những nét này : trọng người đàn bà, muốn làm đẹp họ hoặc bằng những bài ca, bài thơ (như bọn troubadour) (1) hoặc bằng những hành động caođẹp. Không có một nền văn chương nào mà coi trọng luyến ái và tình dục như vậy.

Nhưng một trào lưu thứ nhì, bình dân hơn, tiến song song ở Pháp với trào lưu thứ nhất. Trào lưu đó đã được Rabelais tả : Ái tình thể chất, nhục dục đóng vai trò chính. Hôn nhân không phải là một vấn đề tình cảm mà là một sự sắp đặt có tính cách thực tế để dạy con và quản lí các lợi chung. Trong các hài kịch của Moliere, người chồng là một gã hơi lố bịch, vợ nếu có cơ hội thì cho chồng mọc sừng, mà chồng cũng tìm một tình nhân nào đó.

Tới thế kỉ XIX, một giới buốc-gioa (bourgeois) đông đảo và phong lưu coi trọng vấn đề tiền bạc và lưu lại gia tài cho con cái, nên cho hôn nhân là một vụ mua bán, như trong các tiểu thuyết của Balzac. Do sống chung, có những bổn phận chung, do sự hoà hợp về nhục dục mà ái tình có thể phát sinh giữa vợ chồng được, nhưng cái đó không cần thiết. Nhiều cuộc hôn nhân có hạnh phúc mới đầu chỉ là những cuộc hùn vốn. Cha mẹ và các chưởng khế bàn tính với nhau về món hồi môn, về khế ước hôn nhân, trước khi bọn tr thấy mặt nhau nữa.

Ngày nay những cái đó thay đổi cả rồi. Của cải không còn quan trọng lớn nửa vì một người đàn bà thông minh, siêng năng, hoặc một người chồng có một nghề tốt, thì còn có giá trị gấp mấy một số hồi môn bằng tiền rất dễ mất giá. Trào lưu tình cảm, cái nhu cầu ái tình lãng mạn được di truyền của tổ tiên từ mấy thế kỉ, cũng mất sức mạnh đi rồi. Vì đâu ? Trước hết vì đàn bà đã do chiến đấu mà được tự do hơn, đối với đàn ông chỉ như một người bạn gái chứ không còn là một vị thần xa và lạ ; sau nửa vì thiếu nữ ngày nay biết rõ ái tình thể chất hơn , có những ý niệm đúng đắn và lành mạnh hơn về ái tình và hôn nhân.

Thanh niên nam nữ vẫn còn tìm ái tình đấy, nhưng tìm nó trong một hôn nhân bền vững. Họ ngờ thứ hôn nhân do đam mê vì họ biết rằng đam mê thì không bền. Thời Moliere, hễ cưới rồi là hết yêu nhau. Bây giờ cưới rồi mới bắt đầu yêu nhau. Trong những trường hợp có hạnh phúc, sự kết hợp mật thiết hơn hồi xưa vì ở cả trên ba phương diện : thể chất, tình cảm và lí trí. Thời Balzac người ta cho yêu vợ chính thức là điều lố bịch. Ngày nay tiểu thuyết truỵ lạc hơn thời xưa nhưng đời sống lại lành mạnh hơn. Trong một thế giới khó khăn, đàn ông và đàn bà phải đem hết sức ra để chiến đấu, các phụ nữ Pháp càng thấy rằng một hôn nhân có tính cách bạn bè về nhục dục và tình cảm là giải pháp tốt hơn cả cho vấn đề ái tình. (2)

(1) Phường ngâm thơ hát vè rong ở Pháp thời Trung cổ.

(2) Ở nước ta hồi xưa không có trào lưu thứ nhất (tôn trọng đàn bà và làm đẹp lòng họ), chỉ có một trào lưu tựa trào lưu thứ nhì (hôn nhân là sự sắp đặt thực tế nhưng rất trọng nghĩa vợ chồng, không lăng nhăng như ở Pháp), rồi giữa hai thế chiến, ở thành thị do ảnh hưởng của Pháp bắt đầu phát sinh trào lưu "hôn nhân hùn vốn" ; bây giờ trào lưu đó đã qua và trai gái ở thành thị cũng tìm thứ hôn nhân bạn bè như ở Pháp.