*Dãy núi Hương Sơn nằm ở Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam.
Ngoài Vu Minh ra, dù là Trương Yên và Điền Hữu Lương chết ngay trước mặt họ, hay Trương Đại Xuyên đã mất tích nhiều ngày, thì tất cả bọn họ đều bị đúc khuôn trong lớp xác sáp bọc da người khi vẫn còn thở, sau đó chết vì ngạt nước.
Hồn phách của người sống bị luyện thành hồn chết đuối, trở thành cái xác không hồn bị khống chế.
"Điền Hữu Lương và Trương Đại Xuyên trở thành hồn chết đuối là do Vu Minh làm." Phương Lam nói: "Vu Minh bị luyện thành hồn chết đuối là vì trên người hắn có sẵn lớp sáp, và bị Trương Yên giết hại.
Điểm mấu chốt bây giờ là tại sao Trương Yên cũng bị luyện thành hồn chết đuối."
Yêu tinh cá khẽ cười: "Chung quy, cô Phương vẫn còn trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Đến giờ cô vẫn còn chưa hiểu rõ hồn chết đuối là thứ gì, nên mới hỏi một vấn đề đơn giản như vậy."
"Tấn Thành* có con sông Thấm trải dài từ bắc xuôi nam, cắt ngang núi Thái Hành* chia đôi hai vùng Sơn Tây và Hà Nam, rồi hòa vào dòng chảy của sông Hoàng Hà.
Hai bên bờ sông là ngọn núi Yết Lệ*, tùng bách bạt ngàn, linh khí ngập trời." Lão cười nói với giọng điệu phởn phơ và khiêu khích.
*Tấn Thành là thành phố cấp địa khu của tỉnh Sơn Tây, tên gọi cũ là Kiến Hưng, Trạch Châu.
*Thái Hành Sơn là một dãy núi chạy từ sườn phía đông của cao nguyên Hoàng Thổ ở các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây và Hà Bắc của Trung Quốc.
*Núi Yết Lệ là ngọn núi truyền thuyết được ghi lại trong "Sơn Hải Kinh".
Đi về hướng Bắc 200 dặm là ngọn núi Yết Lệ, tùng bách bạt ngàn.
Sông Thấm bắt nguồn từ đây, chảy về hướng nam trút vào Hoàng Hà.
Chiêm Đài xưa nay vốn bao che cho người thân, đến bây giờ mà cậu vẫn không lên tiếng trách mắng yêu tinh cá, điều này khiến Phương Lam lấy làm ngạc nhiên, bèn liếc nhìn cậu.
Nhưng cô lại bắt gặp vẻ im lặng hiếm thấy cùng với ánh mắt cậu rực sáng, như đang chờ đợi yêu tinh cá nói tiếp.
Cô chợt hiểu ra ý đồ của cậu, thế là nhếch khóe miệng, quay mặt đi chỗ khác.
"Lúc mới tu thành hình người, lão đây rất không quen, cho nên thích nhất là biến trở lại hình dạng cá, bơi ngược dòng từ Hoàng Hà về sông Thấm.
Vào ngày tết Nguyên tiêu (15/1 âm lịch) của nhiều năm về trước, lão nghỉ chân tại bờ sông Thấm, đúng lúc gặp một đoàn đưa dâu mặc đang thổi kèn đánh trống tưng bừng, cực kỳ náo nhiệt."
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của Phương Lam, Chiêm Đài liền giải thích: "Tính ra, cá hồi mắt đỏ tu thành hình người cũng phải hơn trăm năm trước.
Hồi đó, việc ma chay cưới gả đều chú trọng xem ngày lành, rất ít người chọn ngày tết Nguyên Tiêu.
Hơn nữa, tập tục cưới hỏi của phương bắc là hôn lễ sẽ được tổ chức từ lúc hừng đông đến chiều tà của ngày cưới, nhưng thỉnh thoảng có vài thôn dân vẫn cử hành hôn lễ theo lệ cũ, đưa dâu lúc hoàng hôn."
Yêu tinh cá cười ha hả, nói: "Đúng thế, hôn lễ được tổ chức muộn nhất cũng không quá chạng vạng, nhưng đoàn người kia lại đưa dâu vào lúc gần nửa đêm, đi dọc theo hai bờ sông Bí*.
Hai lá cờ đỏ rực tung bay theo gió, chiếc kiệu hoa đong đưa theo sát phía sau.
Tiếp đó là sáu tên người hầu có vóc dáng gầy gò, gương mặt vô cảm giống như cái xác không hồn, bước thấp bước cao khiêng rương của hồi môn."
*Sông Bí nằm ở Hà Nam.
"Trong phong tục của Tấn Trung* có trò chơi dân gian múa gậy, là kỹ nghệ được lưu truyền qua các đời gọi.
Một chàng trai đứng trên mặt đất, với một cây gậy sắt được dựng thẳng đứng vai.
Một cô gái thân nhẹ như chim yến đứng trên cây gậy, lả lướt nhảy múa theo bước chân của chàng trai."
*Tấn Trung là một thành phố cấp địa của tỉnh Sơn Tây, nằm ở phía đông của núi Thái Hành.
*Múa gậy là môn nghệ thuật dân gian bắt nguồn từ Thái Nguyên của tỉnh Sơn Tây, dùng để gửi gắm hy vọng và lời cầu nguyện về cuộc sống tốt đẹp của người dân lao động.
"Những người hầu của đoàn đưa dâu đều có một cây gậy sắt trên vai, nhưng lại không thấy cô gái nhảy múa trên đó.
Tiếng kèn vang vọng rõ mồn một giữa hẻm núi hoang sơ vắng vẻ, nhưng âm sắc lại yếu ớt, man mác buồn, lấy đâu ra không khí vui mừng? Ngoại trừ những bộ quần áo đỏ rực thể hiện cho ngày vui cưới hỏi, còn lại đều trông như đám đưa tang."
Yêu tinh cá cười nhạt: "Khi đó, tôi còn nhỏ tuổi nên khá tò mò, bèn quẫy đuôi bơi theo bọn họ.
Lúc tới vùng núi Hương Sơn, chiếc kiệu hoa đột nhiên bị nghiêng một cái, rơi đánh ‘rầm’ xuống đất."
"Tôi sợ hết hồn, dõi mắt nhìn thì thấy tấm màn đỏ của kiệu hoa bị hé ra một góc nhỏ.
Một cô gái mặc áo cưới lăn ra khỏi chiếc kiệu, đầu đội chiếc mũ phượng bằng vàng lấp lánh, và trùm chiếc khăn lụa đỏ."
"Bờ sông lộng gió, khăn che đầu bị gió thổi bay, lộ ra nửa bên mặt của cô ấy, nước da trắng hơn tuyết, mặt mày như vẽ." Yêu tinh cá dừng lời, rồi quay sang nhìn Phương Lam, nói: "Lão đây kém cỏi, chỉ mới tu hành hơn mấy trăm năm giữa thời buổi loạn lạc, đời này từng gặp không biết bao nhiêu người tuyệt sắc.
Cô cũng có thể được tính là một người trong số đó."
"Cô dâu mà tôi nhìn thấy đêm đó cũng là tuyệt sắc giai nhân." Lão nheo đôi mắt cá, buồn bã nói.
"Đêm tối mịt mùng, hẻm núi lẫn nước sông đều đen kịt, tôi cứ ngỡ rằng đã giấu mình rất kín đáo ở bờ sông, nhưng cô dâu kia dường như lại nhìn đúng về phía tôi, cất tiếng kêu cứu mạng thảm thiết." Lão khẽ ho một tiếng, "Tôi tự nhận bản thân cũng có lòng trượng nghĩa, người đẹp gặp hoạn nạn muốn chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân, tất nhiên là tôi phải cứu rồi."
Chiêm Đài cười mỉa: "Ông là cá thành tinh, là loài lưỡng tính, gặp người đẹp còn chẳng nảy sinh ham muốn, chứ nói gì đến anh hùng cứu mỹ nhân.
Tôi thấy, lúc đó ông thích chiếc mũ phượng lấp lánh ánh kim trên đầu của cô dâu thì có.
Đúng không?"
Yêu tinh cá không hề xấu hổ khi bị Chiêm Đài vạch trần, còn cười khẩy thừa nhận.
"Tôi biến thành hình người, đứng ở bờ sông.
Cô ấy gần như ngay lập tức nhào vào trước ngực tôi.
Tôi vòng tay ôm cô ấy, định thừa cơ lấy mũ phượng.
Ngặt nỗi, cô ấy lại hơi ngửa đầu ra sau, khuôn mặt đẫm nước mắt, mà rằng Dẫn tôi theo với!."
"Đôi mắt cô ấy trong veo, chứa chan tình cảm.
Khi đó, tôi còn trẻ tuổi, ánh mắt ấy khiến tôi ngây ra như phỗng." Yêu tinh cá lạnh lùng nói, "May mà tôi không phân biệt nam nữ, càng không có tình yêu trai gái, cho dù động lòng nhưng lý trí vẫn còn tỉnh táo."
"Tôi vô thức định nắm lấy cổ tay cô ấy, nhưng bỗng cảm thấy mái tóc dài dưới chiếc mũ phượng đang bay theo gió của cô ấy hơi ẩm.
Cô ấy là một cô dâu, vẫn ngồi suốt trong chiếc kiệu bít bùng, thì tại sao tóc lại ướt cho được? Tôi giật thót trong lòng, bèn sinh nghi.
Đoạn, tôi đưa mắt nhìn về phía đoàn người hầu đi đưa dâu phía sau.
Khuôn mặt bọn họ đờ đẫn như con rối gỗ, đang nhìn chằm chằm hai người chúng tôi."
"Cô dâu bỏ trốn, sao người đưa dâu lại chẳng có động tĩnh gì, cứ để mặc cô ấy cầu cứu tôi.
Tôi càng thấy nghi hơn, lại nhìn về phía đám người khiêng của hồi môn, bấy giờ mới nhận ra những hòm gỗ màu đen vừa dài vừa nhỏ kia, rõ ràng là những chiếc quan tài chỉ vừa đủ cho một bé gái tầm 7, 8 tuổi."
Ngay từ đầu đã chẳng có đám cưới nào hết, mà là đoàn đưa tang.
Yêu tinh cá kinh hoàng ra mặt, lại cúi đầu nhìn cô gái đang ôm lấy mình.
Mái tóc dài đen tuyền như dây leo đang quấn từng vòng quanh người cô ấy.
Lão lập tức buông tay ra rồi lùi lại, nhưng đã quá muộn.
Mái tóc đen như những chiếc xúc tu thật dài, vừa giống như con tằm nhả tơ, lại như con nhện độc đang giăng lưới, bay nhanh về phía cá chép tinh, ghim chặt lấy tay chân và eo lão.
"Trong tình thế nguy cấp, tôi liền biến trở lại hình cá theo bản năng." Sau nhiều năm mà lão vẫn sợ hãi khi nhớ lại: "May thay, bản thể của lão là một con cá, vốn trơn trượt nên khó bắt, còn có vảy trên thân.
Vảy cá sẽ dựng thẳng đứng khi gặp nguy hiểm, nó như một lưỡi dao sắc cắt đứt sợi tóc trói trên tay tôi.
Nhân lúc đám tóc kia hoảng hồn thả lỏng trong giây lát, tôi liền nhảy “tùm” xuống nước.
Nhờ thế mới giữ được cái mạng này."
Trong khoảnh khắc nhảy xuống nước, lão còn ngoái đầu nhìn lên bờ.
Dưới cờ tang như đang vẫy gọi, cô dâu mặc bộ áo cưới đỏ tươi, tóc đen vờn quanh thân, cứ đứng đó lạnh lùng nhìn lão.
Giây phút ấy, lão bỗng hiểu ra, không phải chỉ có một cô gái… Mà là các cô gái.
Bốn cô gái.
Bốn cô gái xinh xắn tầm 7, 8 tuổi đáng ra phải nằm trong bốn chiếc quan tài của hồi môn.
Mái tóc đen như sợi dây thừng đan thành mạng nhện, cột chặt họ lại với nhau, giống như con rối gỗ, gắn bốn cá thể khác nhau tạo thành một cô dâu đang độ tuổi xuân.
Mái tóc đen tết thành tấm lưới khổng lồ, khuôn mặt họ mỗi lúc một mơ hồ, khi thì là bốn gương mặt trắng bệch, lúc lại hợp thành một cô dâu xinh đẹp tuyệt trần.
Yêu tinh cá sửng sốt nhìn lên bờ hồi lâu, cho đến khi cô gái diễm lệ nước mắt giàn giụa kia mỉm cười với lão.
Có điều, nụ cười đó chỉ trong phút chốc đã tách biệt thành bốn khuôn mặt bé gái nhạt nhòa.
Cô dâu mặc áo cưới biến mất giữa đêm đen, kiệu hoa lại được nâng lên.
Đám người khiêng kiệu với mặt không biểu cảm, lại đặt thanh sắt màu đen trên vai.
Bên trên bốn gậy sắt là bốn bé gái 7, 8 tuổi đang nhẹ nhàng nhảy múa theo bước chân của người nâng kiệu, như trò chơi dân gian trong ngày tết Nguyên tiêu.
Yêu tinh cá như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, vội ngụp xuống nước, ra sức bơi về phía trước.
Một trăm năm sau, lão cũng không dám đặt chân tới sông Thấm nữa.
"Cô đã hiểu chưa nào?" Chiêm Đài nhẹ giọng hỏi Phương Lam, "Hiểu được hồn chết đuối là gì chưa?"
"Xác sáp bọc da người giam giữ linh hồn của người sống, luyện thành hồn chết đuối.
Hồn chết đuối ẩn trong lớp sáp, vất vưởng chốn nhân gian như một cô hồn dã quỷ."
"Con người chết đi, thân thể mục rã thành tro, cuối cùng tan biến rồi lại tái sinh giống như vạn vật trên đời.
Hồn phách đi vào luân hồi, dựa vào kiếp trước mà lựa chọn cửu đạo*.
Trong khi hồn chết đuối được luyện từ hồn người sống, bơ vơ chẳng có lối về, lẽ nào có thể tự do nằm ngoài quy luật của vạn vật?"
*Cửu đạo: Con đường đi đến sự sống, ngược với cửu tuyền (chín suối).
"Tất nhiên là không rồi." Chiêm Đài buông câu nhẹ tênh.
"Khi lớp xác sáp bọc da người tan rã, hồn chết đuối thoát ra như linh hồn lang thang, sau đó lại bị hút về, cuộn thành đám tóc mà cô vẫn gọi."
Chiêm Đài nhận lấy đám tóc từ tay hồ tiên, lại nói với Phương Lam: "Đây vốn không phải là tóc, mà là lưới hồn được dệt từ hồn chết đuối.
Thứ này gặp nước sẽ tạo ra ảo giác, nhử người sống rơi vào lưới.
Còn khi ở trên cạn, nó lại trở về dạng lưới hồn, không thể tạo ra ảo ảnh.
Lưới hồn mà yêu tinh cá nhìn thấy được tạo thành từ hồn chết đuối của bốn bé gái."
"Và cho đến nay, chúng ta đã gặp Vu Minh, Trương Yên, Điền Hữu Lương và Trương Đại Xuyên, bốn cái hồn chết đuối du đãng trên trần thế.
Có điều, lưới hồn của bọn họ, hiện đang ở đâu và rơi vào tay ai?"
"Bốn bé gái 7, 8 tuổi bị luyện thành hồn chết đuối, lưới hồn tập hợp ưu điểm từ vẻ ngoài của họ tạo nên một cô gái tuyệt sắc, chắt lọc lấy tính cách thuần khiết đáng thương, để dụ dỗ người qua đường tốt bụng.
Vu Minh lắm mưu nhiều kế, Trương Yên thận trọng to gan, Điền Hữu Lương táng tận lương tâm, Trương Đại Xuyên lòng lang dạ thú.
Bốn người bọn họ mà kết thành lưới hồn, thì sẽ tạo ra loại ảo ảnh nào?"
"Chưa kể đến việc, ở những nơi chúng ta không biết, liệu còn có nhiều người bị luyện thành hồn chết đuối, rồi bện thành tấm lưới hồn như thế không?" Phương Lam rùng mình.
Chiêm Đài chỉ vào đám tóc trên tay, nói: "Lần đầu tiên nhìn thấy thứ này ở núi Thiên Môn, tôi đã biết là nó tạo ra ảo ảnh để tấn công con người.
Nó ẩn nấp trong nước, dụ người ta ngạt nước, rồi giết chết họ không để lại dấu vết.
Nhưng đến khi Trương Yên gặp nạn, tôi mới nghĩ nó rất có thể có liên quan đến hồn chết đuối.
Mãi đến hôm nay, nghe yêu tinh cá kể lại chuyện xưa, tôi mới chắc chắn, đám tóc này chính là lưới hồn được dệt từ hồn chết đuối."
Chiêm Đài nói: "Yêu tinh cá phát hiện lưới hồn ở sông Thấm, chúng ta trông thấy lưới hồn lần đầu tiên ở núi Thiên Môn.
Lưới hồn được sử dụng như một thứ pháp khí nguy hiểm, sau khi dùng xong, nó bị vứt bỏ ở nơi sông sâu núi hiểm.
Vạn vật tương sinh tương khắc, dần dà thì nó vẫn không thể tồn tại trên thế gian."
"Trên Thái Hành Sơn, trong núi Thiên Môn, ai là người cuối cùng đã thu phục lưới hồn?" Chiêm Đài nói: "Trong Sơn Hải Kinh có đoạn: nơi có tổng cộng 46 ngọn núi, dài 12.000 dặm, vị thần mang mặt ngựa, đền thờ được làm bằng rong."
Cậu xách lưới hồn lên và nói với cô: "Trông có giống rong không?"
Phương Lam không trả lời vì vẫn còn khiếp sợ.
Đầu Trâu Mặt Ngựa.
Chiêm Đài đang nói đến Mặt Ngựa.
"Đầu Trâu Mặt Ngựa phụ trách hộ tống áp giải hồn người chết." Cậu nói tiếp: "Khi dương thọ đã tận, hồn phách rời khỏi thể xác, quỷ Đầu Trâu rung chuông đồng trước lúc động quan, đưa linh hồn đi vào cánh cổng của cái chết, bước qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà, đầu thai chuyển kiếp khác.
Đây là gọi là hộ tống."
"Vậy còn quỷ Mặt Ngựa? Chẳng lẽ quỷ Mặt Ngựa phụ trách áp giải?" Phương Lam hỏi.
Xác sáp bọc da người dùng để luyện hồn chết đuối, khi lớp xác sáp tan rã thì hồn chết đuối tràn ra ngoài và kết thành tấm lưới.
Lưới hồn được tạo thành từ những phần hồn tinh túy tích tụ lại, gom góp càng nhiều càng mạnh mẽ, tạo ra ảo ảnh giữa hư không.
Chiêm Đài vừa nói rằng hồn phách không thể lưu lại cõi trần, chỉ khi được luyện thành hồn chết đuối thì mới có thể ở lại trên đời dưới hình dạng lưới hồn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, nếu lưới hồn bị bỏ quên, rơi vào hồ nước, nó sẽ dẫn dắt La Sát Mặt Ngựa đến cắn nuốt, bởi không phải là vật của cõi dương.
"La Sát Mặt Ngựa chịu trách nhiệm áp giải vong hồn, đưa hồn chết, đi đến cửa sống." Chiêm Đài nói..