Bông Hồng Mất Tích

Chương 28




Diana ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Vẫn còn năm phút nữa mới đến giờ học như bà Zeynep Hanim đã định. Hàng rào gỗ bao quanh vườn quá cao khiến Diana không thể thấy được phía bên trong, trong khi đối lập với nó là cái cổng vườn rất thấp.

Mắt cô nhìn chăm chăm vào kim chỉ phút trên mặt đồng hồ đeo tay, đầu óc thì mải nghĩ xem toán học về nghe hoa hồng có nghĩa là gì. Dù có tưởng tượng xa cách mấy cô cũng không thể nghĩ được nội dung của bài học toán kỳ lạ này là gì.

Đúng lúc kim đồng hồ chạm tới vạch 6h11 phút cô nghe tiếng của Zeynep Hanim:

“Có những thứ cháu không thể dùng trí tuệ để nắm bắt được đâu.”

Diana mỉm cười để che giấu cảm giác ngạc nhiên của mình. Dù rằng có vẻ như bà ấy có thể đọc được những suy nghĩ của cô, nhưng cô vẫn không nghĩ bà ấy có thể làm được. Người ta còn biết nghĩ đến điều gì khác ngoài cái bài học mà họ đang phải ngồi chờ đến giờ vào cái giờ giấc dở hơi thế này rồi còn phải đếm số phút để được dạy cách nghe hoa hồng cơ chứ?

“Nếu nó là điều mà trí tuệ của cháu không thể nắm bắt được, vậy bà có thể nói cho cháu biết nghe hoa hồng là sao được không?”

“Cháu đã bao giờ ăn một quả ôliu chưa?”

“Tất nhiên là rồi. Nhưng sao ạ?”

“À, ta chỉ không biết liệu cháu có thể giải thích cho ta thế nào là vị của một quả ôliu thôi... Chúng ta thỏa thuận thế này nhé. Nếu cháu có thể miêu tả được cho ta biết một quả ôliu có hương vị thế nào thì ta cũng sẽ miêu tả cho cháu biết thế nào là nghe hoa hồng.”

“Được ạ. Một quả ôliu... nó... nó mặn... à... nó giống như... dầu... vị của nó như... à... nó có vị rất đậm đà... giống như...”

Zeynep Hanim nhăn mũi lại.

“Ô, ta đã thấy vị dầu, đậm đà, mặn mặn trong miệng rồi. Thật may là ta đã từng ăn ôliu chứ nếu không nghe cháu miêu tả xong ta sẽ không bao giờ thèm ăn ôliu đâu.”

“Được rồi, được rồi. Bà đã thắng.”

“Vậy, hãy bỏ qua việc nếm oliu và nghe hoa hồng nhé. Trước khi vào vườn hồng chúng ta hãy nói về bài học toán được chứ?”

“Vâng, mời bà. Cháu đang nghe đây.”

“Toán học về nghe hoa hồng là một bài học mà chắc chắn phải được tất cả mọi người học, bất kể là họ có tin vào nghệ thuật nghe hoa hồng hay không. Đơn giản là vì phương trình cháu học được trong bài học này có thể áp dụng cho bất cứ câu hỏi có rất nhiều câu trả lời thỏa đáng nào, nhưng lại không thể trả lời bằng các giác quan của chúng ta. Ví dụ như câu hỏi: Chuyện gì xảy ra sau khi chết, chẳng hạn vậy.”

“Nào, trước khi đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi như thế, chúng ta sẽ suy nghĩ về phương trình này nhé: Một chia cho vô cùng (1/∞). Chúng ta có một phút để giải phương trình đó. Nhưng trước tiên, hãy nói cho ta biết là cháu có nghe thấy bài hát những bông hồng đang hát không?”

“Bà biết rõ là cháu không nghe thấy thứ nào như thế mà.”

“Bài hát nào chúng đang hát hả Diana?”

“Cháu nói với bà rồi, cháu không nghe thấy gì cả.”

“Thôi nào, hãy đoán thứ xem. Có thể cháu sẽ đoán đúng thì sao.”

Nhận thấy Zeynep Hanim sẽ không buông tha mình, Diana bèn nói bừa:

“Được rồi. Chúng đang hát bài Cơn mưa màu tím.”

“Cháu có nghĩ là mình đoán đúng không?”

“Tất nhiên là không rồi.”

“Ta sẽ cho cháu thêm một cơ hội nữa. Hãy đoán thử xem nào.”

“Được ạ. Đó là bài Bình minh lên của Cat Stevens.”

“Cháu có nghĩ lần này mình đúng không?”

“Tất nhiên là không ạ. Cháu có thể hỏi bà định làm gì không ạ ?”

“Được rồi. Giờ chúng ta thử kiểm tra kiến thức số học của cháu nhé. Hãy cho ta biết có bao nhiêu khả năng cháu đoán đúng được bài hát?”

“Gần như là không.”

“Chính xác. Chia số bài hát được hát cho số đáp án có thể sẽ cho chúng ta biết khả năng đoán chính xác của bài hát đó. Số lượng bài hát được hát là 1. Nếu cháu nghĩ về những bài hát được viết khắp thế giới trong hàng nghìn năm bằng hàng trăm thứ tiếng, bởi hàng triệu nhạc sỹ thì số khả năng có thể được tính đến hàng tỉ tỉ. Rồi nếu chúng ta cộng thêm vào đó số bài hát chưa được viết nhưng những bông hồng đã biết rồi thì chúng ta có thể nói rằng số câu trả lời có thể dùng là vô cùng. Trong trường hợp đó thì khả năng có được câu trả lời đúng sẽ bằng 1 chia cho vô cùng. Đó là phương trình chúng ta phải biết trước khi có thể nghe thấy những bông hồng. Vậy 1 chia vô cùng bằng bao nhiêu?”

“Nếu cháu còn nhớ thì nó bằng 0.”

“Đúng vậy. Nhưng nếu nó là một số không bình thường thì điều đó có nghĩa là cháu không có bất kỳ cơ hội nào đoán đúng được bài hát hoa hồng đang hát. Vậy thì 1 chia cho vô cùng sẽ bằng một số 0 đặc biệt.”

“Một số 0 đặc biệt sao?”

“Ta chắc rằng kiến thức về toán học của cháu tốt hơn ta, Diana ạ. Nhưng ta vẫn muốn nói một chút về giá trị toán học của phép toán đó cho cháu nghe.”

“Hãy lấy bất cứ phương trình nào có 1 chia cho một số nào đó... Nếu phương trình đó có mẫu số với càng nhiều chữ số thì số lượng số 0 trong kết quả cũng sẽ càng nhiều. Nếu chúng ta chia 1 cho vô cùng, thì kết quả sẽ có vô cùng chữ số 0 trước chữ số 1. Vậy chúng ta sẽ có kết quả là 0,000... cho tới vô cùng. Nhưng nếu chúng ta để ý thì sẽ luôn thấy có một số 1 đứng ở tận cuối kết quả đó. Nó là số 0, nhưng là một số 0 đặc biệt, nó kết thúc với một số 1, ngay cả khi nó được che đi bởi sự vô cùng.”

“Điều này rất quan trọng. Trong khi phương trình cho chúng ta biết khả năng đoán biết chính xác bài hát thì nó cũng gợi cho chúng ta rằng đi tới câu trả lời chính xác không phải là không thể, vì luôn có số 1 đứng ở cuối.”

“Khi ta hỏi cháu bài hát nào những bông hồng đang hát, cháu trả lời theo cách dễ nhất là cháu không biết. Tại sao vậy? Tại vì cháu biết rõ rằng cháu không thể biết được. Bằng cách đoán, cháu có thể thấy rằng thật vô ích khi cố trả lời một câu hỏi mà có vô số câu trả lời có thể và không thể trả lời bằng năm giác quan.”

“Vậy bài hát thực sự không thể chỉ dùng cách suy đoán của đầu óc mà tìm ra được, mà chỉ có cách là tận mắt, tận tai chứng kiến nó. Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta nghe hoa hồng không phải bằng tai mà là bằng trái tim.”

“Khi mới sinh ra, trái tim của tất cả mọi người đều có khả năng này. Nhưng qua thời gian nó bị thui chột dần. Ai muốn chứng kiến hoa hồng hát trước tiên phải lấy lại được khả năng đã bị mất trong quá trình chúng ta được dạy dỗ để lớn lên. Và để lấy lại được khả năng này thì bắt buộc phải duy trì mối quan tâm không ngừng tới hoa hồng và chăm sóc chúng bằng tình yêu dành cho chúng.”

“Có thể chúng ta không thể nghe được hoa hồng vào bài học đầu tiên trong vườn. Nhưng chúng ta không bao giờ được đánh mất hy vọng. Điều đầu tiên, cũng là trước nhất, đó là việc thiếu đi tính chắc chắn cùng với những suy nghĩ hoặc cảm giác tiêu cực sẽ là kẻ thù trong khu vườn.”

“Hãy tưởng tượng một ngọn núi... Đứng trên đỉnh núi mà nhìn thì sẽ thấy cảnh vật thật tuyệt vời. Cháu muốn lên tới đó nhưng lại thấy có vẻ như nó ở xa quá và cháu mất hy vọng vào việc có thể lên tới được đỉnh núi. Cháu từ bỏ và nói rằng: “Mình sẽ không bao giờ có thể leo tới đó được.”

“Sự thật là, bước chân của những người đã lên tới đỉnh núi chẳng lớn gì hơn bước chân của cháu cả. Nhưng họ cứ đi, cứ tiếp tục đặt những bước chân nhỏ ấy, hết bước này đến bước khác. Không phải là phép màu gì làm cho những điều không thể thành có thể mà nó chỉ là sự kiên trì. Đó là cách nước đã xói mòn đá, và cũng là cách con người của thế kỷ XXI nghe hoa hồng hát.”

“Nếu chúng ta cũng tin rằng chúng ta có thể nghe tiếng hoa hồng và nếu chúng ta kiên trì, chẳng sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ nghe được. Điều đó khả thi vì luôn có một số 1 được giấu ở cuối một dãy chữ số 0. Và nếu chúng ta đi theo lối đi của số 0 ấy cho đến vô cùng thì chắc chắc chúng ta sẽ tới được số 1 đó.”

“Vậy sẽ thế nào nếu hoa hồng không nói gì cả? Hoặc chúng cũng chẳng hát bài hát nào? Để cháu nói cho cô nghe về khả năng đó nhé. Nếu số bài hát hoa hồng hát là 0, phương trình sẽ là 0 chia vô cùng và kết quả cũng sẽ bằng 0. Lúc này sẽ không có một số 0 đặc biệt nữa mà chỉ đơn giản là một số 0 to đùng. Thế có nghĩa là không có bài hát và không có khả năng nghe hoa hồng hát.”

“Đúng,” Zeynep Hanim trả lời. “Có hai cách. Một là bắt đầu và kết thúc ở đây ngay bây giờ, cách khác là cứ đi theo cho đến vô cùng. Để trả lời câu hỏi “Hoa hồng có hát không?” hay “Ta có thể nghe hoa hồng không?” thì chúng ta sẽ phải chọn một trong hai cách đó. Những câu hỏi này chỉ có hai câu trả lời có thể là “Có” hoặc “Không”. Không có câu trả lời thứ ba cho chúng. Với những người nói “Có”, thì kết quả cho phương trình kia là một số 0 đặc biệt. Ngược lại với những người nói “Không” thì như cháu vừa nói, đó sẽ là một số 0 to đùng. Đó là lý do tại sao không có cơ hội nào cho những người nói “Không” với việc nghe hoa hồng hát. Vì đó không phải là điều họ định làm. Với họ nghe những thanh âm mà tai mình có thể nhận biết được là đủ rồi. Bất cứ âm thanh nào ngoài những âm thanh đó sẽ không khiến họ bận tâm.

“Nhưng ai là người quyết định câu trả lời nào là đúng chứ?”

“Không quan trọng là câu trả lời nào mới đúng, Diana ạ. Điều quan trọng là cháu tin vào cái gì. Hãy hỏi bản thân mình, ví dụ như ‘Ta tin vào cái nào?’ Đơn giản, nếu câu trả lời là “Ta không thể nghe được hoa hồng” thì cũng tốt thôi. Không ai có thể trách cháu về điều đó được. Phải có những người không tin để có những người tin chứ. Ngày có vì có đêm, còn đêm có bởi vì có ngày. Thay vì hỏi “Cái nào đẹp hơn, ngày hay là đêm?”, hãy hỏi bản thân cháu xem cháu đang sống ở thời điểm nào. Hãy hỏi bản thân xem “Mình có tin là mình có thể nghe được hoa hồng không?”

“Cháu bắt buộc phải hỏi bản thân mình câu này vì nếu cháu chắc chắn câu trả lời là “không” thì cháu không cần phải vào trong vườn nữa. Thế là cháu sẽ không phải đối mặt với những khó khăn khi vào đó, không cảm thấy thất vọng hay thấy mình thất bại nữa. Và thế cũng có nghĩa là cháu sẽ không phải lắng nghe ta. Cháu sẽ không phải dùng cả ngày, cả tháng, có thể cả năm chờ đợi một bông hồng với hy vọng nó sẽ nói chuyện với mình. Mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều, dễ chịu hơn nhiều. Ví dụ như thay vì phải dậy sớm để tới khu vườn, cháu có thể ngủ trên giường đến lúc nào tùy thích. Cháu nghĩ thế nào? Như thế chẳng phải sẽ thích hơn sao?”

Zeynep Hanim dừng lại vài giây trước khi nói thêm:

“Thực ra điều đó phụ thuộc vào việc cháu có tin rằng mình có thể nghe được những bông hồng hay không. Hãy tưởng tượng nhé, với những người tin rằng có thể nghe thấy tiếng của hoa hồng thì điều gì sẽ thú vị hơn: Ngủ hay thức với hy vọng được nghe chúng hát?”

“Vậy còn cháu, Diana? Cháu có phải một trong số những người cho rằng ‘Có, tôi có thể nghe hoa hồng’ không?”

Zeynep Hanim chờ câu trả lời của Diana nhưng không thấy.

“Ta biết. Câu trả lời của cháu chính là lý do mà cháu đến đây.”

“Nhưng cháu đã trả lời đâu?”

“Ta đã nghe thấy câu trả lời mà ta cần nghe. Đôi khi im lặng còn đáng thuyết phục hơn cả trăm lời hứa ấy chứ.”

Diana vẫn im lặng.

“Tuy thế, việc tin rằng hoa hồng có thể hát vẫn chưa đủ để biết được bài hát chúng hát là gì. Chỉ có hai cách biết được bài hát thực sự là gì, đó là: Hoặc tự mình nghe nó hát, hoặc nghe người khác kể lại.”

“Nhưng tự mình nghe thì tốt hơn nhiều. Hoa hồng có tiếng hát tuyệt vời. Chúng giúp cháu thoát khỏi cái vỏ bọc bản thân mình, đưa cháu tới thế giới của chúng rồi trả cháu lại với hương hoa hồng thấm đẫm cơ thể cháu. Mùi hương đó sẽ không còn là hương của hoa hồng nữa, mà là hương thơm từ bên trong con người cháu, vì cuối cùng cháu cũng đã nhận ra thế nào là có trách nhiệm với bông hồng của mình.”

“Chờ chút ạ.” Diana bảo. “Đó đúng là câu Maria đã viết trong lá thư từ biệt cha. Nó nói rằng nó phải ra đi vì cuối cùng nó cũng đã hiểu ra thế nào là có trách nhiệm với một bông hồng. Chắc nó đã nghĩ tới việc đến gặp bà khi viết lá thư đó. Đó là lý do tại sao nó đã rời nhà đi.”

Diana chìm vào suy nghĩ một lát rồi bảo:

“Trong những lá thư của mình, Maria đã miêu tả bà là “một người biết chuyện”. Cháu có điều muốn biết, bà Zeynep Hanim. Nếu có gì đó vượt ra ngoài phạm vi của năm giác quan nhưng không có liên quan gì tới những bông hồng...”

“Đó là về mẹ cháu, phải không?”

“Sao bà biết?”

“Maria cũng muốn biết điều giống như cháu. Hồi ở đây, nó cầu nguyện Chúa hãy cho nó biết tin về mẹ mình. Kể cả khi không ai biết thì Chúa vẫn biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ cháu. Hãy hỏi và Ngài sẽ trả lời. Ngay cả khi cháu không nghe được Chúa thì Ngài cũng vẫn nghe thấy cháu.”

Diana nhìn có vẻ không tin lắm.

“Chúa không bỏ chúng ta đi mà không trả lời đâu, Diana ạ. Đặc biệt lại là với những người chân thành và toàn tâm, toàn ý, chờ đợi tin tức của mẹ mình. Sự cao cả của Chúa sẽ không cho phép những người mà Ngài đã sáng tạo ra bặt vô âm tín về bản thân mình hay về cả bản thân Chúa. Vài người tin rằng Chúa quá vĩ đại, quá cao quý để có thể quan tâm tới những việc thường ngày như thế. Nhưng ngược lại, vì Ngài cao cả như thế nên ngài quan tâm tới tất cả những chuyện của chúng ta dù là nhỏ nhất.”

Mắt bà Zeynep Hanim sáng bừng:

“Ngài quan tâm tới chúng ta, Diana ạ. Và theo cách tốt nhất, Ngài quan tâm tới Diana, tới Maria, tới Zeynep. Ngài quan tâm tới chúng ta, một cách cá nhân và riêng tư. Ngài luôn ở cùng chúng ta, nhưng để nhận ra điều này, chúng ta cũng phải ở cùng Ngài. Maria cảm thấy Chúa luôn quan tâm tới nó, đó là lý do tại sao nó hỏi Chúa về mẹ mình.”

“Cháu cũng đã hỏi mà.” Diana bảo. “Cháu đã cầu nguyện Chúa rất nhiều lần để biết tin tức của mẹ cháu. Cháu cầu xin ông ấy. Nhưng không bao giờ cháu nhận được câu trả lời. Cháu xin lỗi, nhưng Chúa đã bỏ chúng ta đi mà không trả lời.”

“Không. Ngài không làm thế. Nhưng có lẽ Ngài gửi câu trả lời của mình theo những cách không ngờ tới nhất. Đôi khi có thể là qua những giấc mơ, đôi khi là qua một bông hồng, có thể qua một người mẹ, thậm chí còn có thể qua một kẻ ăn xin.”

“Một kẻ ăn xin ư?”

“Ta nói sai gì à, cháu gái?”

Diana không biết phải nói sao. Cô muốn tin rằng điều Zeynep Hanim vừa nói chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Cố giấu vẻ ngạc nhiên và ra hiệu cho Zeynep Hanim tiếp tục.

“Giống như cháu, Maria cũng không biết tin tức gì của mẹ. Nhưng chắc chắn nó sẽ biết. Và đó sẽ không phải thông tin rằng nó đã mất mẹ mà là thông tin rằng nó không bao giờ mất bà ấy.”

“Vậy chuyện đó xảy ra như thế nào?” Giọng Diana như vỡ òa.

“Nếu Chúa đầy ơn phúc như thế thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu Chúa muốn, Ngài sẽ gửi cho Maria tin tức về mẹ. Sáu mươi bảy năm về trước một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau. Họ kết hôn, rồi hai năm sau một cô con gái ra đời. Mặc dù bác sỹ nói đứa trẻ vừa chào đời này không thể sống được, nhưng đứa trẻ ấy đã sống sót và lớn lên...Rất nhiều năm sau, khi đã thành một phụ nữ trưởng thành, trong một chuyến đi ra nước ngoài của mình, cô gặp một ông già làm vườn. Người làm vườn này nói với cô rằng ông có thể dạy cô cách nghe hoa hồng. Cô tin lời ông và hai mươi năm tiếp theo cô đã cống hiến bản thân mình cho nghệ thuật nghe hoa hồng. Trong khoảng thời gian đó, cô đã trải qua rất nhiều khó khăn. Vì “sự điên rồ” này mà cô đã phải chịu đơn độc. Chồng cô đã bỏ cô, còn người ta thì hắt hủi cô. Cô không còn cách nào khác ngoài việc đi xa khỏi thành phố của mình và đến Istanbul. Tại đây, cô mua một ngôi nhà có vườn và dành cả đời với những bông hồng. Qua thời gian, những hạt giống người trồng vườn già gieo trong lòng cô đã đâm chồi nảy lộc để rồi cuối cùng cô cũng đã có thể nghe được tiếng của những bông hồng.”

“Cháu có biết tại sao tất cả những sự việc đó và nhiều sự việc khác cứ tiếp tục diễn ra không, Diana? Có lẽ đơn giản là vì Chúa muốn Maria nghe thấy giọng của mẹ mình thông qua một cây hoa hồng. Vì lẽ này mà một Zeynep đã ra đời, một khu vườn đã được tạo ra và một cây hồng đã nở hoa.”

Dù Diana nghĩ rằng Zeynep Hanim đang nói có vẻ chắc chắn như thế vì những điều ấy dựa trên giả thuyết rằng Maria có thể nghe thấy giọng mẹ mình, nhưng những lời của bà theo cách nào đó cũng khiến cô được an ủi phần nào.

“Được rồi,” Zeynep Hanim bảo. “Đó là phần toán học và cũng là phần giới thiệu luôn. Ta đã nói khản cả giọng rồi, chúng ta nghỉ giải lao chút nhé. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây trong ba mươi ba phút nữa, được chứ?”

“Được ạ. Nhưng trước tiên cháu muốn hỏi bà một câu: Những bông hồng đang hát bài gì thế ạ?”

“Ta không thể nói cho cháu biết được. Nếu làm thế thì cháu sẽ không còn cố gắng để tự nghe chúng hát nữa.”