Bọn Săn Vàng

Chương 16




Quan tòa Dee gặp thừa phát lại Hoong trước cổng pháp đình. Ngài kể lại chuyện lão Tang tự tử. Cuối cùng ngài thốt lên: “Số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy lão Tang đi tìm cái chết.”

Trở lại văn phòng quan tòa nói với lão Hoong, “Lão Tang và Fan mới chết, ta mất đi hai nhân viên văn phòng. Gọi viên lục sự mới vào đây, mang theo tất cả sổ sách hồ sơ lão Tang để lại.

Cả buổi sáng quan tòa cùng với lão Hoong và viên lục sự xem lại tất cả hồ sơ. Lão Tang là chánh lục sự chuyên lo giữ hồ sơ giấy tờ và kiêm luôn việc thu chi của pháp đình. Viên lục sự mới được ngài quan tòa bổ nhiệm tạm thay thế chỗ lão Tang. Nếu công việc trôi chảy, ngài quan tòa sẽ cân nhắc y vào chức vụ chính thức ban tham mưu pháp đình.

Theo dõi công việc xong, quan tòa đến bóng cây ở cuối góc sân dùng cơm trưa. Ngài đang uống trà thì viên chỉ huy lính hầu bước vào báo cáo không tìm thấy tung tích Po Kai.

Lão Hoong trở vào trong pháp đình xem xét công việc và tiếp khách. Quan tòa về lại văn phòng, ngài kéo bức mành xuống, nới chiếc thắt lưng rồi ngả người trên chiếc ghế trường kỷ.

Ngài giật mình, nhớ lại hai ngay căng thẳng đã qua, cũng đủ thấy thấm thía. Ngài nằm đó nhắm nghiền mắt thư giãn, ổn định lại tinh thần. Vụ mất tích của nàng Koo và lão Fan Choong đã được ngài giải quyết xong, ngài chợt nhớ lại vụ án ông cựu quan tòa vẫn chưa nhích thêm được một bước.

Không phải chuyện quan tòa chưa nắm vững những kẻ tình nghi, nào là Po Kai, Yee Pen, Tiến sĩ Tsao kể cả một số nhà sư bên chùa Bạch Vân trong đó có sư trụ trì Hui Pen, một nhân vật xuất đầu lộ diện quá sớm sau vụ âm mưu sát hại ngài quan tòa không thành. Lúc này ngài nhận diện được Yee Pen có quan hệ với tổ chức tội phạm nhưng không phải hắn cũng không phải Hui Pen hoặc Tiến sĩ Tsao là kẻ cầm đầu tổ chức. Kẻ giấu mặt giật dây không ai ngoài tên hung thần Po Kai. Hắn có tài trí lanh lẹ lại đóng kịch tài tình. Ngay khi ngài cựu quan tòa bị giết hắn trở lại Peng-lai, rõ ràng là trong vụ này màn đầu hắn giao cho Yee Pen và Kim Sang, xong hắn từ kinh đô trở lại nhào vô nắm lấy. Nhưng mà hắn nắm lấy việc gì? Việc này quan tòa cần phải xét lại những việc ngài và lão Hoong đã quyết đoán, đó là vụ âm mưu hành hung ngài với hai đệ tử. Bọn tội phạm nghĩ là ngài biết rõ âm mưu của bọn chúng hơn là ngài tưởng. Ngay cả quan điều tra từ trung ương về phối hợp với quan chức tại chỗ cũng không tìm ra manh mối bọn tội phạm. Vì vậy tin chắc trong những chiếc gậy của nhà sư có giấu vàng buôn lậu qua biên giới Hàn Quốc. Rõ ràng là số vàng được nhập lậu dưới dạng từng thỏi dát mỏng giấu bên trong cây gậy nhà sư thường chống đi. Nhà sư nào đi về vùng Peng-lai với gậy ngụy trang giấu vàng bên trong quả thực là mạo hiểm, bởi dọc đường làng ra tới đường cái quan, qua mỗi chặng đều có trạm lính gác, dân thường đều phải dừng lại để kiểm tra. Ai có vàng phải khai báo, đánh thuế tính theo chặng đường đã vượt qua cộng thêm với khoản trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế qua cửa khẩu Peng-lai. Ngài không làm sao hiểu được tại sao bọn tội phạm định lừa ngài vào một âm mưu độc địa hơn, có nghĩa là đánh lạc hướng một vụ án lớn do bọn chúng xếp đặt. Điều đó dễ khiến người ta quên vụ ngài cựu quan tòa và một vụ mưu sát mới đây. Vụ này được sắp xếp diễn ra sớm hơn đó là lý do giải thích cho vụ hành hung liều lĩnh mà bọn chúng phải thanh toán gấp. Phải công nhận là tên Po Kai lợi hại thật, hắn nghĩ cách làm quen với hai đệ tử Ma Joong và Chiao Tai rồi lần mò tìm hiểu mọi chuyện trong pháp đình. Bây giờ đã cao chạy xa bay, hắn đang ẩn mình một nơi xó xỉnh nào đó, ngồi một chỗ ra lệnh cho đồng bọn gây án.

Quan tòa thở hắt ra một hơi dài, ngài ngẫm nghĩ, cho đến lúc này liệu có một quan tòa nào dám mạo hiểm bắt giữ tiến sĩ Tsao và Yee Pen rồi áp dụng biện pháp hỏi cung bằng bạo lực không? Nghĩ lại ngài chưa đủ chứng cứ để tiến hành biện pháp mạnh tay. Thật khó khi phải truy bắt một người mà đơn giản họ chỉ nhặt được cây gậy bỏ lại trong bụi dâu, còn một người thì bởi thái độ dửng dưng khi nghe tin con gái mất tích. Trường hợp của Yee Pen thì dễ dàng hơn, phao tin thất thiệt một vụ buôn lậu vũ khí. Có tin cho rằng đã loại bỏ thêm một tay chân của Po Kai ngay sau khi Kim Sang bị giết chết. Quan tòa chợt nghĩ, việc đó đã góp phần ngăn trở Po Kai không thể thực hiện mưu đồ đen tối. Đây là cơ hội thuận lợi cho quan pháp đình tiến hành cuộc điều tra sâu rộng hơn nữa.

Quan tòa chợt nhớ lại sự việc diễn biến nhanh chóng, ngài quên cả việc đến thăm viên chỉ huy đồn lính đóng ở đầu cửa sông quan hệ giữa bên quân sự và hành pháp có phần phức tạp. Nếu hai bên cùng đẳng cấp thì bên dân sự phải được trọng đãi hơn. Đằng này viên chỉ huy đồn lính là một tay hách dịch, điều quan trọng là ngài xác định được quan điểm của chỉ huy đồn lính về vụ buôn lậu vàng. Hẳn nhiên mới có thể hiểu được vì sao bọn buôn lậu vàng mua bằng giá như ở Trung Quốc được miễn thuế. Tiếc là trước đó ngài bỏ qua không hỏi lão Tang về nghi thức ở địa phương. Đến đây ngài không suy nghĩ nữa, ngài bắt đầu thiu thiu ngủ.

Tiếng ồn ào bên ngoài sân pháp đình đã đánh thức quan tòa, ngài hoảng hồn vì giấc ngủ lâu hơn dự tính, nhìn ra ngoài trời vừa sẩm tối.

Giữa sân tập họp đầy đủ quan chức, lính hầu, lính gác. Đứng ở hàng đầu là hai đệ tử cao lớn Ma Joong và Chiao Tai.

Mọi người tránh qua hai bên nhường lối cho quan tòa, đến nơi ngài nhìn bốn nông dân chậm rãi đặt mấy thân cọc tre trói xác một con cọp to lớn xuống đất, thân dài ước chừng ba thước.

“Chiến hữu Chiao Tai đã hạ được nó.” – Ma Joong dõng dạc thưa trước quan tòa. “Bẩm quan bọn tôi được người nông dân dẫn đường lần theo lối mòn con thú thường quanh quẩn dưới chân núi. Đặt bẫy bằng một con cừu con, núp trong bụi rậm gần đó. Chờ mãi đến xế trưa mới thấy nó chậm rãi mò tới chỗ con mồi, chần chừ chưa vội nhào vô, hình như nó đánh hơi được có người đang gài bẫy. Chợt nó dừng lại thu mình ẩn nấp trong bụi cỏ tranh hơn nửa giờ. Trời đất thánh thần ơi! Con mồi cứ kêu be be mãi, nóng lòng chiến hữu Chiao Tai áp sát người xuống đất trườn tới, mũi tên đã lắp sẵn. Tôi nghĩ bụng, nếu mà lúc này con thú nhảy phốc tới chắc là trúng ngay đầu chiến hữu Chiao Tai. Tôi len lén bò theo sau cùng với hai lính hầu, cây chĩa ba lăm lăm trong tay. Bất ngờ chiến hữu Chiao Tai giương cung nhắm ngay cạnh sườn phía sau chân phải con thú, mũi tên cắm sâu vào, máu chảy ròng ròng.”

Nghe kể xong, quan tòa vui vẻ nói: “Ta không còn lo nghĩ chuyện hoang đường nữa, bây giờ con thú bằng xương bằng thịt đang nằm trước mặt mọi người, ta có lời khen ngợi các ngươi đã hạ được con thú dữ”.

“Ta lột da nó đi thôi!” Ma Joong nói – “Xong rồi xẻ thịt phân phát cho dân vùng quê mang về cho bọn trẻ ăn bồi dưỡng. Lột da phơi khô xong bọn tôi đem biếu quan để bọc ghế bành bày ở thư phòng”.

Quan tòa cảm ơn rồi cùng với lão Hoong bước ra phía cổng chính. Đông đảo dân chúng tràn vô sân pháp đình náo nức được tận mắt nhìn con thú dữ và để biết rõ người đã hạ được nó.

“Chiều nay ta ngủ dậy hơi trễ, hay là chúng ta đi ăn luôn” – Quan tòa nói với lão Hoong “Chúng ta ra quán hôm nọ hai đệ tử gặp Po Kai để ăn đổi món thử một bữa. Nhân tiện ta lắng nghe họ có nói gì tới Po Kai không. Ta đi bộ tới đó, trời mát làm cho tinh thần dịu bớt căng thẳng.”

Hai thầy trò dạo bộ qua mấy dãy phố nhộn nhịp ở phía cửa Nam, đến nơi tìm được quán ăn ngay. Từ trên gác chủ nhân nhìn thấy khách, vội vã bước xuống chào đón, cười tươi hớn hở. Lão giữ khách lại hồi lâu cho mọi người nhận ra khách quý, xong rồi mời khách qua phòng có chỗ ngồi riêng, ân cần hỏi khách muốn phục vụ món nào trước. Lão đon đả nói: “Chúng tôi có đầy đủ các món, nào là trứng cút, tôm lăn bột, thịt quay, cá mặn, thịt nguội, gà xé phay…”

“Cho ta” – quan tòa cắt ngang – “hai tô mì, một đĩa dưa mặn với một bình trà lớn.”

“Nhưng mà, bẩm quan cho phép tôi được mời quan ly rượu Hồng Đào,” – chủ quán tiu nghỉu thưa: “trước là để ngon miệng”.

“Tôi ăn khỏe lắm, cám ơn ông” – quan tòa đáp. Chủ quán vừa báo cho hầu bàn chuẩn bị dọn món ăn, quan tòa Dee hỏi gọn một câu. “Này, Po Kai thường ghé quán phải không?”

“Ái chà!” – chủ quán thét to. “Tôi biết ngay hắn là tên tội phạm chuyên nghiệp. Mỗi khi bước vào quán hắn lấm lét nhìn quanh, bàn tay thụt vào bên trong tay áo như định rút dao ra. Mới sáng nay nghe nói có yết thị truy nã hắn dán khắp nơi, biết vậy từ lâu tôi báo quan tòa rồi.”

“Tiếc là lúc đó ngươi không nói ra” – quan tòa nhắc. Ngài hiểu ông chủ quán là một nhân chứng đau khổ, không nhìn thấy, lại hay tưởng tượng viển vông. Ngài bảo “cho ta gặp ngay người phụ trách hầu bàn.”

Hầu bàn bước ra, trông lão khá lanh lẹ.

“Bẩm quan thật tình mà nói” – lão vừa mở lời, “tôi không ngờ ông Po Kai là một tên tội phạm, nghề phục vụ khách là phải biết nhìn mặt người. Bề ngoài ông ta là một người có văn hóa, lịch sự, uống rượu không say, không phá phách. Ông tử tế với hầu bàn nhưng không vì thế tỏ ra suồng sã. Có dạo tôi nghe phong phanh ông hiệu trưởng trường văn học gần Văn Miếu khen ông ta có tài làm thơ hay.”

“Ông ta có thường rủ bạn bè đến ăn uống tại đây không? – quan tòa Dee hỏi.

“Dạ bẩm quan không, khoảng mươi bữa gần đây, ngày nào cũng có ghé lại ăn uống, lúc thì một mình có lúc với gã Kim Sang. Hai ông khách này lịch sự lắm, họ chỉ nói toàn chuyện đùa. Lúc đầu nhìn cặp chân mày cong vút của Po Kai tôi thất thật tức cười. Đến khi nhìn lại thấy đôi mắt ông thì rất bình thường. Tôi nghĩ không hiểu là ông ta có đeo mặt nạ hay không. Chợt nhìn lại thấy ông cười mới hiểu ra mình đoán nhầm.

Quan tòa cám ơn rồi ăn vội cho hết tô mì, ngài trả tiền dù cho chủ quan không chịu nhận, ngài cho người hầu bàn tiền trà nước hậu hĩ.

Ra đến bên ngoài, ngài nói với lão Hoong. “Người hầu bàn có óc quan sát tỉ mỉ, ta e rằng Po Kai có dùng đồ giả để cải trang. Ta nhớ lại lúc hắn đến gặp nàng Tsao hắn không ra mặt, hắn khéo gây cho nàng ấn tượng hắn là một nhân vật có quyền thế. Chính hắn mới là đối thủ của ta, hắn đang núp bóng giật dây. Vậy là không còn hy vọng gì người của ta nhìn ra hắn, bởi hắn đã bỏ lớp vỏ bọc bề ngoài ra. Tiếc là ta chưa hề nhìn thấy hắn một lần.

Lão Hoong chưa kịp nghe câu sau cùng bởi lão đang lắng tai nghe tiếng sáo từ phía dãy phố dựng miếu thờ Thành Hoàng ở đàng kia.

“Có đoàn hát rong đang đi tới, thưa ngài” – Lão vui mừng nói: “Nghe nói bên chùa Bạch Vân sắp có buổi lễ, nên người ta đến dựng sân khấu để thu tiền những ai đến xem biểu diễn tối nay. Bẩm quan, ta đến xem thử ra sao?” – lão hăm hở đề nghị.

Quan tòa biết là lão thừa phát lại say mê sân khấu từ nhỏ, lão chỉ thích mỗi môn giải trí đó thôi, ngài vui vẻ gật đầu.

Phía trước chùa đông đúc người, phía trên là sân khấu được dựng bằng cột tre trải chiếu. Băng giấy xanh đỏ treo giăng ngang phất phơ trên nóc trần, trang phục đào kép sặc sỡ dạo tới dạo lui, sân khấu treo đèn chói lọi.

Hai thầy trò chen chúc tìm lối đi trong đám đông khán giả đứng xem, một lúc sau họ mới tìm thấy dãy ghế dành cho khách mua vé. Một cô gái trong bộ trang phục lòe loẹt bước tới thu tiền rồi chỉ hai ghế trống ở hàng sau. Không ai để ý hai vị khách mới tới, mọi cặp mắt đổ dồn về phía sân khấu.

Quan tòa hờ hững nhìn về phía bốn nghệ sĩ trên sân khấu. Ngài chỉ biết sơ qua môn nghệ thuật này, vậy mà ngài đoán ra được người mặc trang phục xanh thêu kim tuyến, chòm râu bạc phơ đứng ở giữa là người đóng vai một bô lão. Còn hai người kia và một bà đang quỳ ngài không đoán ra được.

Tiếng nhạc im bặt, vị bô lão cất tiếng đọc sớ dài dòng. Quan tòa không quen lối ăn nói kỳ cục trên sân khấu, ngài không chú ý.

“Vậy nghĩa là sao?” – ngài hỏi lão Hoong.

Lão thưa lại ngay “Người đàn ông cao tuổi đó là vị bô lão, vụ kiện do người đàn ông đứng bên trái khởi tố người vợ đang quỳ xuống đất. Người kia là em trai của nguyên đơn, hắn ra hầu tòa để chứng minh là vô tội.” Lão lắng nghe một hồi, rồi say sưa kể tiếp: “Người chồng xa nhà hai năm đến lúc trở về nhìn thấy vợ mình có thai. Gã đem chuyện ra trình báo vị bô lão, xin được phép ly dị vợ can tội ngoại tình.”

“Im đi!” – một gã to béo ngồi ở dãy ghế trước ngoái cổ lại quát.

Chợt đoàn nhạc đánh đàn, gõ chập cheng, người đàn bà mừng rỡ đứng ngay dậy, cất tiếng hát một khúc hát làm mê hoặc lòng người. Quan tòa không hiểu gì cả, ngài quay qua hỏi lão Hoong.

“Bà ta kể lể” – lão Hoong nói nhỏ vừa đủ nghe “chuyện cách nay đã tám tháng chồng bà trở về nhà rất khuya rồi ngủ lại đêm với bà, sáng sớm ông lại ra đi”.

Trên sân khấu thật náo nhiệt, bốn người kịch sĩ vừa hát vừa kể chuyện, còn vị bô lão bước đi vòng quanh đầu lắc qua lắc lại. Người đóng vai chồng quay mặt nhìn xuống khán giả vẫy tay chào, cất giọng hát lanh lảnh chỉ người vợ nói dối.

Bất chợt vị bô lão nhìn thấy ngón trỏ tay phải bị cụt của người em, gã hiểu ý khoanh hai tay thụt vào.

Chợt nhạc ngừng tiếng, vị bô lão quay qua thét vào tai hắn. Gã giả bộ hoảng sợ, bước đi nhanh, giậm chân xuống sàn, mắt tròn xoe. Vị bô lão lại nhìn vào mặt gã thét lớn, gã chìa bàn tay phải ra, một ngón trỏ bị cụt.

Khúc nhạc chuyển sang sôi nổi, tiếng la ó của khán giả cuồng nhiệt, lấn át cả tiếng nhạc, lão thừa phát lại Hoong cũng ráng gân cổ mà réo.

“Toàn bộ câu chuyện nghĩa là thế nào?” – quan tòa hỏi gắt giọng, tiếng la ó huyên náo lắng bớt.

“Người trở về đêm hôm đó chính là người anh em sinh đôi của y” – lão thừa phát lại vội đáp “Hắn đã chặt bớt một ngón tay để người vợ tưởng là chồng mình đã trở về. Thế nên vở tuồng mới đặt tên là “Một ngón tay trong một đêm xuân”.

“Chuyện lạ thật!” – ngài nói xong, đứng dậy. “Ta về thôi!” Gã béo mập ngồi dãy ghế trước lột cam quăng vỏ ra phía sau trúng vào người quan tòa.

Trên sân khấu người lo phông màn đang trải rộng tấm biểu ngữ kẻ năm chữ nét lớn sơn đen.

“Bẩm quan, nhìn kìa!” – Lão Hoong vội thưa. “Vở tuồng sắp tới là “Quan tòa Yii giải quyết ba vụ án ly kỳ”.

Quan tòa Dee nhìn nhận. “Quan tòa Yii là một nhà trinh thám đại tài từ Triều đại Hán cách nay bảy trăm năm, ta ở lại xem tuồng tích diễn ra sao?”

Lão thừa phát lại Hoong ngồi xuống thở một hơi dài tỏ vẻ hài lòng.

Đoàn ca kịch trỗi một khúc nhạc tưng bừng vui nhộn hòa theo nhịp tiếng nhạc gõ, người phụ trách đẩy chiếc bàn sơn đỏ ra giữa sân khấu. Một nhân vật khuôn mặt đen sì với chòm râu để dài bước ra sân khấu. Ông mặc chiếc áo dài đen rộng thùng thình thêu rồng đỏ, đầu đội mũ đen chóp cao đính một chuỗi hạt sáng chói. Ông chậm chạp ngồi xuống phía sau chiếc bàn đỏ, vừa lúc đó tiếng reo hò từ phía người xem vang dội.

Có hai người bước tới quỳ xuống trước bàn quan toà, họ cất tiếng hát bè giọng kim. Quan tòa Yii lắng nghe xòe tay vuốt chòm râu. Ngồi phía sau hàng ghế khán giả quan tòa Dee không nhìn rõ trên sân khấu. Ngay lúc đó một đứa trẻ lang thang bán bánh khô dầu leo qua dãy ghế trước gây gổ với gã to béo. Lúc này, ngài quen dần với các âm thanh tiếng nói sân khấu, ngài nghe và hiểu vài đoạn khác hát dù ở hàng ghế trước hai bên đang cãi nhau.

Chờ cho thằng nhỏ bán bánh đi rồi, quan tòa mới hỏi lão Hoong “Có phải đây là vụ án hai anh em nữa không? Ta nghĩ là hai bên đổ tội qua lại ai đã giết chết người cha già”.

Lão thừa phát lại gật gật, người đóng vai anh đứng dậy đặt trên bàn quan tòa một vật nho nhỏ. Quan tòa Yii chìa hai ngón tay ra cầm lấy săm soi rồi nhíu mày.

“Cái gì vậy?” – quan tòa hỏi.

“Bọn bây có lỗ tai không?” – gã béo mập nghiêng đầu hỏi giọng khàn khàn. “Đó là quả hạnh nhân”.

“Ra là vậy.” – quan tòa Dee nói giọng cứng cỏi.

Lão Hoong nhanh miệng đáp “Người cha già để lại quả hạnh nhân làm bằng chứng chỉ ra tên tội phạm, mảnh giấy viết tên hung thủ giấu trong ruột quả hạnh nhân”.

Trên sân khấu quan tòa Yii chậm rãi mở mảnh giấy ra. Bỗng đâu mảnh giấy bung ra dài hơn cả thước, ghi rõ hai nét chữ, ngài trải ra hướng về phía khán giả. Tất cả cùng la hò ầm ĩ.

“Giấy đề tên người em trai.” – Lão thừa phát lại Hoong buột miệng la lớn.

“Câm mồm đi không?” – Gã to béo quay lại quát.

Đoàn ca kịch trỗi nhạc tưng bừng nào là phèng la, chập chõa, trống con cùng hòa điệu. Người em trai đứng dậy cất tiếng hát não ruột rằng mình vô tội, tiếng sáo vi vút đệm theo. Quan tòa Yii mắt tròn xoe tức giận nhìn khắp một lượt cả hai anh em. Tiếng nhạc chợt im bặt. Sân khấu im phăng phắc, chợt quan tòa Yii nghiêng người về phía trước, nắm lấy vạt áo hai anh em kéo giật lại. Ngài ngửi miệng nghười em trước, xong rồi đến lượt người anh. Vừa xong ngài mạnh tay xô gã qua một bên, một tay vỗ bàn mồm la thét ầm ĩ, phía dưới khán giả vỗ tay hoan nghênh. Gã to béo đứng ngay dậy gào “Hay! Tuyệt!”.

“Chuyện gì vậy?” – quan tòa Dee hỏi.

“Ông quan bảo,” – lão Hoong đáp vẻ thích thú, chòm râu cằm giật giật, “miệng người anh ngửi có mùi nước cốt hạnh nhân. Người cha già biết là đứa con trai lớn sẽ giết ông và sẽ tìm cách hủy manh mối, vì vậy ông nghĩ cách đặt giấy bên trong quả hạnh. Rõ ràng quả hạnh là manh mối giúp tìm ra tội phạm, bởi đứa con trai lớn của ông thích món nước cốt hạnh nhân.”

“Cũng được đây!” – Quan tòa Dee nói vội. “Ta cứ nghĩ là…”

Chợt đoàn hát lại chơi bản hợp xướng nghe muốn đinh tai. Nhân vật hai anh em mặc áo dài đính kim tuyến sáng chói bước tới quỳ trước mặt quan tòa Yii. Trên tay mỗi người cầm một mảnh giấy ghi đầy chữ có đóng khác con dấu. Quan tòa Dee hiểu ra ngay lời kể của hai chàng công tử. Ngài hoàng thân có di chúc chia cho hai người con mỗi người một nửa gia tài đất đai, tài sản, nhà cửa, người phục dịch. Hai anh em kêu rêu chia không đều, người nọ đổ người kia được phần nhiều hơn.

Quan tòa Yii trợn mắt nhìn hai anh em, ngài tức giận lắc đầu, chuỗi hạt trên mũ chóp cao đong đưa qua lại sáng chói. Tiếng nhạc êm dịu dần, không khí căng thẳng của vở tuồng khiến quan tòa Dee cảm thấy ngột ngạt.

“Diễn tiếp đi!” – gã to béo nôn nóng la hét.

“Câm mồm!” – lần này quan tòa Dee quát lại, làm hắn chưng hửng.

Tiếng phèng la gõ inh tai, quan tòa Yii đứng dậy, giơ tay giật lấy mảnh giấy trên tay hai người đi kiện, tráo qua, lại cho hai bên. Xong rồi ngài giơ tay ra dấu tòa xử xong vụ kiện. Hai chàng công tử nhìn mảnh giấy trên tay chưa hiểu sao.

Phía dưới khán giả nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Gã to béo xoay người lại, giở giọng anh chị “Thế là ông hiểu rồi chứ? Ông biết chưa, hai tên đó…”

Giọng rè rè, hắn nhìn quan tòa.

“Tôi hiểu cả rồi, cám ơn anh,” – ngài giả vờ kiểu cách. Nói xong ngài đứng dậy rũ sạch vỏ cam trên vạt áo len lỏi qua đám đông. Lão Hoong bước theo sau ngoái nhìn lại về phía sân khấu vẻ tiếc nuối, lão nhìn thấy người con gái đang đứng trước bàn quan tòa.

“Vụ này gái giả trai, thưa ngài!” – lão nói “Tuồng tích kể cũng hay.”

“Thôi ta phải về, lão Hoong,” – quan tòa nhất quyết.

Hai thầy trò đang rảo bước qua ngõ phố đông người, chợt ngài nói “sự việc ở đời xoay chuyển ta khó mà lường được. Nhớ lại thuở còn là một thư sinh, ta đã nghĩ tới phận sự một quan tòa xử án chẳng hơn gì quan tòa Yii đang diễn trên sân khấu. Một ngày kia ngồi ở trên ghế quan tòa ta phải hạ mình chịu khó lắng nghe đủ mọi thứ chuyện của người dân kiện tụng, nào là chuyện lừa dối, tranh giành. Lúc đó ta phải nhận ra ngay khuyết điểm, phân xử kịp thời để ngăn chặn bọn tội phạm quỷ quyệt. Thế đó, lão Hoong ta đã học hỏi được nhiều điều bổ ích”.

Hai thầy trò nhìn nhau cười rảo bước về lại pháp đình.

Lúc vừa đến nơi, ngài ra lệnh lão Hoong đi theo tới phòng riêng. Ngài bảo: “Ngươi pha trà nóng thật ngon, ở lại đây cùng uống trà, xong rồi soạn áo cho ta đi dự lễ bên chùa Bạch Vân. Cực chẳng đã ta phải đi thôi, ta chỉ muốn ở nhà để ngươi giúp ta ra soát lại vụ án chưa tìm ra thủ phạm, nhưng biết làm sao được.”

Lão thừa phát lại pha trà xong bày ra bàn, quan tòa thong thả hớp từng ngụm trà, chợt ngài nói: “Này lão Hoong, ta biết là ngươi rất ham thích nghệ thuật san khấu. Rồi đây ta còn lui tới nhà hát nhiều lần nữa. Lúc đầu mọi việc còn lộn xộn nhưng dần dà ta sẽ tìm ra lời giải đáp. Ta nghĩ vụ án kia cũng vậy thôi.” – quan tòa ngẫm nghĩ đưa tay vuốt chòm râu.

“Cái vụ sau” – lão thừa phát lại Hoong vừa nói vừa mở hộp lấy chiếc mũ quan tòa đưa cho ngài xem. “Trước đây tôi đã xem qua, nó liên quan đến một chuyện là hiện thân của…”

Quan tòa Dee im lặng chợt ngài nắm tay đập xuống bàn.

“Lão Hoong” – quan tòa quát. “Ta đã hiểu ra rồi! Trời đất thánh thần nếu quả thật vậy ta phải đi xem ngay!”

Nghĩ ngợi một lúc ngài ra lệnh “Đưa cho ta xem bản đồ huyện lỵ.”

Lão thừa phát lại nhanh tay trải tấm bản đồ ra trên bàn. Quan tòa chăm chú nhìn từng chi tiết, ngài gật gù.

Chợt ngài nhảy dựng rồi đi lui, đi tới trong gian phòng, tay chắp sau lưng, cau mày suy tính. Lão thừa phát lại chăm chăm nhìn theo ngài, cho đến lúc này ngài mới dừng bước và đứng ngay ngắn lại, ngài nói “Thì ra là vậy! Thôi ta bắt tay vào việc, trước mắt ta còn nhiều việc phải làm mà thời gian thì có hạn”.