Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 24: Giấc mộng Hoa Tư




[1] Giấc mộng Hoa Tư: Chỉ giấc mộng hư ảo, nguyện ước về những tiếc nuối trong quá khứ, những ước mong của con người.

“Tinh tinh tinh”, lắc chiếc chuông, từng chiếc “tinh” lạnh lẽo vang lên, từng tiếng, từng tiếng xâu thành một chuỗi vô hình, chia cắt không gian và thời gian.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Hương Cảng quả thực là một thành phố náo nhiệt và phồn hoa, nơi đây có vô vàn hoa tươi rực rỡ và cỏ xanh mơn mởn. Thành phố này từ xưa đến nay đều gắn liền với nước, giống như bất cứ lúc nào cũng có dòng chảy ngầm cuộn trào. Đây là thành phố không thể đưa ra lời thề hẹn, nhưng lại có thể thỏa mãn nguyện ước của biết bao kẻ tự ti và kiêu ngạo. Đi trên đường phố tấp nập, không ai biết bạn từ đâu đến, sẽ đi về đâu. Bạn có thể thoải mái không kiêng dè mà mơ mộng, cũng có thể cô độc thản nhiên như không.

Xuân thu mười năm, quay đầu nhìn lại, quá khứ xa xăm đã là biển biếc nương dâu. Mười năm trước, từ nơi này cô vội vã ra đi, mười năm sau, quay đầu đất cũ, liệu có được coi là trở về hay không? Trương Ái Linh lựa chọn đến Hương Cảng một lần nữa, không chỉ để trốn tránh biến động ở Thượng Hải, mà cũng vì bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi vừa xa lạ lại vừa quen thuộc. Đường phố huyên náo, những bước chân vội vã và những gương mặt lạnh nhạt là thứ mà cô nhìn thấy. Cô biết, người của thành phố này trong vòng xoáy bận rộn lo cho mình còn chưa xong, duy chỉ có như thế, mới có thể không bị quấy nhiễu.

Rất nhiều người không hiểu, ở Thượng Hải, Trương Ái Linh đã tìm lại được sân khấu thuộc về cô, vậy tại sao lại dứt khoát quay người như vậy? Mưa gió mấy năm, cô đã chịu đủ tủi nhục và trách móc, khó khăn lắm mới dùng văn chương để giành được bầu trời mới, nhưng cô lại từ bỏ sự tôn vinh khó khăn lắm mới có được này, một mình âm thầm vứt bỏ tất cả, lựa chọn đi đến Hương Cảng xa xôi. Là cô linh cả được điều gì? Hay chỉ là cô muốn ra đi mà thôi?

“Thời đại thật vội vã, đã nằm trong sự tàn phá, và sẽ còn có càng nhiều sự tàn phá lớn hơn ập đến”. Đây là một câu mà cô đã nói từ nhiều năm về trước, câu nói này giống như lời tiên đoán, bao trùm vận mệnh của chúng sinh. Những năm ấy, Trương Ái Linh chưa từng được yên ổn, cảm giác bức bách vẫn luôn quẩn quanh bên cạnh, khiến cô muốn chạy trốn. Cuộc đời mênh mang, cô ảo tưởng rằng bản thân mình sẽ giống như mây trôi, phiêu dạt nơi chân trời. Để trốn chạy ký ức, quên đi quá khứ, cô chỉ muốn xuất phát, bắt đầu cuộc hành trình xa xôi.

Cô chọn đến Hương Cảng, là vì nhớ đến lời dặn của mẹ trước khi bà đi, đến Đại học Hương Cảng xin học lại. Có lẽ đây chỉ là một cái cớ, nhưng cái cớ này có thể giúp cô tạm thời ở lại. Cô xin xuất cảnh, có được chứng nhận của Đại học Hương Cảng, lý do đến Hương Cảng là “Tiếp tục quá trình học tập bị gián đoạn vì chiến tranh”. Trước khi đi, cô không tiết lộ với bất cứ ai, kể cả em trai Trương Tử Tĩnh. Hơn nữa cô đã giao hẹn với người cô, hai bên không thư từ qua lại, không liên lạc với nhau.

Có thể thấy, cô đã quyết tâm quên đi tất cả, sự thê lương khi quay lưng với thế giới đó, đã trở thành số mệnh chẳng thể thoát khỏi. Em trai Trương Tử Tĩnh nghe tin chị gái đi, bàng hoàng như mất đi thứ gì, nước mắt lặng lẽ lăn xuống. Kha Linh và những danh nhân văn hóa Thượng Hải, đều biết tin sau khi cô đã đi Hương Cảng, chỉ cảm thấy tiếc nuối trước sự lựa chọn của Trương Ái Linh.

Nhưng sự ra đi của Trương Ái Linh, là đúng hay là sai? Văn chương của Trương Ái Linh, cần được mảnh đất Thượng Hải này nuôi dưỡng, rời Thượng Hải, văn chương của cô cũng nhạt màu theo. Để mất văn chương rực rỡ, cô còn là Trương Ái Linh của buổi ban đầu không? Có lẽ sự ra đi của cô là một sai lầm. Cho dù kết quả như thế nào, chúng ta đều phải tôn trọng lựa chọn của cô, tâm nguyện của cô.

Tuy nhiên, sự ra đi của Trương Ái Linh cũng là việc sáng suốt. Nếu cô ở lại Thượng Hải, không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn cô sẽ gặp phải kiếp nạn “xét xử”. Những tài nữ Dân Quốc tài hoa tuyệt đỉnh đó đều bị thời gian tàn phá, quá khứ diễm lệ vô song ấy đã trở thành vết thương không thể chạm tới. Trương Ái Linh đi rồi, vinh quang của thành phố này không thuộc về cô, nhục nhã của thành phố này cũng không thuộc về cô. Cô là của chính cô, chỉ là của chính cô mà thôi!

Trước khi đến Hương Cảng, cô còn đến Tây Hồ Hàng Châu một chuyến. Đối diện với mặt hồ gợn sóng lấp loáng, non xanh nước biếc, Giang Nam thi ý mà văn nhân tài tử các đời mê đắm này, đối với cô lại chẳng có sức hút mấy. Dường như vẻ xinh đẹp lạnh lùng và sự thê lương quạnh quẽ của cô, không hợp chút nào với tòa thành dịu dàng này. Đê Tô trải dài, đỉnh các tao nhã mang đến cho cô một cảm giác lạnh lẽo và xa cách không thể chạm vào. Cuộc sống của Trương Ái Linh chưa bao giờ là trăng gió yếu mềm, cô thuộc về khói lửa bao trùm Dân Quốc. Cho nên cô phải ra đi, cất giấu sự cô đơn, che giấu vết thương giữa sự huyên náo.

Năm 1952, Trương Ái Linh ba mươi hai tuổi, đặt chân lên mảnh đất Hương Cảng, mà trong lòng quả thực đầy trăn trở. Chuyến tha hương này mặc dầu lạnh lẽo, thảm thương, nhưng cô tin rằng, mảnh đất này sẽ có một nơi yên ổn cho linh hồn mỏi mệt của cô. Thế sự khó vẹn toàn, nhân sinh đâu đâu cũng là sự bó buộc. Khuôn viên với vẻ rực rỡ xanh thắm ngày nào của Đại học Hương Cảng, chỉ là dung nhan của cô đã đổi khác.

Sau mấy lần gặp trục trặc, cuối cùng tháng Tám năm đó, Trương Ái Linh đã chính thức đăng ký được đi học trở lại ở trường Đại học Hương Cảng. Tuy nhiên, bấy giờ, Trương Ái Linh đã mất đi nguồn tài chính, vì số tiền tiết kiệm ít ỏi đã tiêu hết, cô bắt đầu rơi vào cảnh khốn quẩn. Không còn cách nào khác, cô đành ra ngoài tìm việc. Nghe nói cô từng nhận lời mời của Viêm Anh, đến Tokyo một chuyến, nhưng sau gặp trở ngại, lại quay ngược trở lại Hương Cảng. Việc cô vội vã đi đã khiến nhà trường nổi giận, vì thế nhà trường đã từ chối cho cô học lại.

Trương Ái Linh là một phụ nữ cao ngạo, lần này đến Hương Cảng, học lại chỉ là một lý do, cho nên bị nhà trường từ chối, đối với cô cũng chẳng có gì ghê gớm. Cô bình thản ra đi, tìm một chỗ ở tạm cho mình, bắt đầu tìm việc kiếm sống. Cô từng nói: “Hương Cảng là một thành phố xinh đẹp nhưng bi thương”. Cho nên, muốn tìm một công việc như ý thật không dễ dàng gì. Trong quá trình xin việc, cô đã vấp phải vô vàn sự lạnh nhạt và coi thường.

Nhưng Trương Ái Linh lúc đó, không còn là một cô nữ sinh chưa hiểu sự đời nữa. Cô là một nữ tác gia trẻ tuổi, tác phẩm của cô đã từng hô mưa gọi gió khắp Bến Thượng Hải. Có lẽ vinh quanh đó tuy bị thời gian làm nhạt nhòa, nhưng tài hoa từ trong cốt tủy của cô thì đến chết vẫn còn. Rất mau chóng, Trương Ái Linh tìm được công việc phiên dịch ở Sở Tin tức của Mỹ đóng tại Hương Cảng. Cô có nền tảng quốc văn vững chắc, lại thêm trình độ ngoại ngữ rất cao, biên phiên dịch với cô không phải là việc khó.

Trương Ái Linh đã dịch những tác phẩm lớn như Ông già và biển cả, Tuyển tập Emerson, Bảy tiểu thuyết lớn của nước Mỹ… Cô không có nhiều hứng thú với việc dịch văn học, đó chỉ đơn thuần là một công việc mà thôi. Thời gian này, cô còn viết kịch bản phim Cô gái nhỏ, Tương phùng Nam Bắc, phong cách văn chương thanh đạm hơn rất nhiều, nhưng vẫn không mất đi phong vị vốn có. Tẩy bỏ trang điểm phù hoa, Trương Ái Linh đã sợ hãi đám người hỗn loạn trên thế gian này. Thứ cô cần, không phải là trang sức rực rỡ, mà trang điểm tự nhiên.

Ở Hương Cảng, thứ Trương Ái Linh thích nhất không phải là công việc này, mà là hai người bạn cô kết giao được, đó là nữ sĩ Quảng Văn Mỹ và chồng cô là Tống Kỳ – nhân viên phiên dịch của Sở Tin tức Mỹ. Tống Kỳ tiên sinh là con của Tống Xuân Phảng, một nhà biên kịch nổi tiếng. Năm 1948, anh đến Hương Cảng, rồi công tác tại bộ phận biên tập sách báo của Sở Tin tức Mỹ, Công ty Điện Mậu Ảnh Nghiệp và Công ty Điện ảnh Thiệu Thị. Anh trung thành với văn học cổ điển Trung Quốc, có nhiều nghiên cứu mới mẻ và đặc biệt về Hồng lâu mộng. Cũng chính vì Hồng lâu, Trương Ái Linh và anh càng có chung hứng thú và kiến giải tương đồng với nhau.

©STENT: http://www.luv-ebook.com

Vợ chồng Tống Kỳ sống ở Thượng Hải vào những năm 40, nên họ ngưỡng mộ Trương Ái Linh đã lâu, từ lâu đã là độc giả trung thành của cô. Không ngờ cơ duyên trùng hợp, khiến họ gặp nhau ở Hương Cảng, từ đó, tình bạn của họ kéo dài đến tận cuối đời. Về chuyện tình cảm của Trương Ái Linh, họ đều không lạ gì, những lúc nói chuyện cũng nhắc đến, nhưng Trương Ái Linh thường không bàn luận gì. Về sau, hai vợ chồng họ không bao giờ nhắc lại quá khứ dâu bể của cô nữa.

Ở Hương Cảng, Trương Ái Linh tứ cố vô thân, vợ chồng Tống Kỳ đã giúp đỡ cô rất nhiều. Để một phụ nữ đơn thân như cô bị bên ngoài quấy nhiễu, vợ chồng họ đã tìm thuê giúp Trương Ái Linh một căn nhà ở khu gần nhà họ ở. Cứ như thế, họ qua lại thăm hỏi nhau nhiều lần hơn. Đều là những người sống tình cảm, lại cùng định cư ở Thượng Hải, những điểm chung này đã đem đến biết bao tình cảm ấm áp cho Trương Ái Linh khi cô đang cô độc nơi chân trời góc bể. Cho dù Thượng Hải đã mang lại quá nhiều vết thương cho cô, nhưng vầng trăng sáng của cố hương, lại khiến cô nhớ nhung sâu đậm.

Sự yên ổn tạm thời, khiến Trương Ái Linh bắt đầu có ý định sáng tác trở lại. Trong lòng cô, viết lách vẫn luôn là một mối tình không thể chia cắt. Cho nên, dù là đắc ý hay là thất vọng, cô đều cần văn chương để chữa trị. Đây là lần đầu tiên Trương Ái Linh viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, tác phẩm mang tên Ương ca[2]. Sau khi viết xong, Trương Ái Linh cực kỳ tự tin, cô đem bản thảo cho vợ chồng Tống Kỳ đọc, rồi mới đem gửi cho các nhà môi giới xuất bản của Mỹ.

[2] Ương ca: Một loại hình hát múa dân gian lưu hành ở nông thôn miền Bắc Trung Quốc, có trống và thanh la làm nhịp.

Tài hoa của Trương Ái Linh đã được Sở trưởng Sở Thông tin Mỹ, McCarthy, công nhận. Ông thấy Trương Ái Linh đúng là thiên tài văn học, một người Trung Quốc có thể viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh đến trình độ điêu luyện như vậy, gần như khiến người ta phải ghen tỵ. Cuốn Ương ca sau này được xuất bản ở Mỹ, và đã nhận được phản ứng khá tốt trong giới đọc sách. Có người phê bình sách viết rằng: “Cuốn sách làm rung động lòng người này, là sáng tác bằng tiếng Anh đầu tiên của tác giả. Nó thể hiện khả năng tiếng Anh thuần thục của tác giả, khiến những người sinh ra đã nói tiếng Anh như chúng ta, phải ngưỡng mộ”.

Về sau, Trương Ái Linh dịch Ương ca sang tiếng Trung, tác phẩm này liên tục được đăng trên báo Thế giới ngày nay của Hương Cảng. Sau này, nó được xuất bản cả bản tiếng Trung lẫn bản tiếng Anh ở Hương Cảng, nhưng lượng tiêu thụ lại cực kỳ ảm đạm. Có lẽ vì phong cách sáng tác của Trương Ái Linh đã thay đổi quá lớn, độc giả yêu thích cô trước đây vẫn còn chìm đắm trong Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch, trong Mối tình khuynh thành và Mười tám mùa xuân. Họ không có cách nào bước vào cảnh giới bình thường tẻ nhạt mà gần tự nhiên này trong văn của Trương Ái Linh, hay nói cách khác, khẩu vị của họ từ lâu đã quen với vị nồng đậm. Khi uống một tách trà thanh đạm, hẳn sẽ thấy vô vị.

Tiếp đó, Trương Ái Linh lại viết cuốn Tình yêu trên vùng đất đỏ, nhưng cuốn sách này cũng chung số phận bị độc giả lạnh nhạt. Trương Ái Linh chỉ muốn đổi phong cách, thử nghiệm ẩn dụ chính trị, để độc giả đọc được hơi thở cuộc sống chân thực. Nhưng cô đã thất bại, cái độc giả thích vẫn là những đề tài Dân Quốc. Bôn ba nghìn dặm, thứ đổi lại được là kết cục thịnh quá tất suy. Kỳ thực, cô không phải dốc hết vốn liếng trút vào một canh bạc, chỉ là cô muốn một lần đọ sức với vận mệnh, trên con đường nhân sinh thử rẽ ngoặt trước mà thôi. Nhưng biết làm sao, tất cả đều không đơn giản, không thuận lợi như cô tưởng tượng.

Trương Ái Linh lưu lại Hương Cảng ba năm. Trong ba năm, thứ duy nhất khiến cô được an ủi đó là tình bạn đẹp với vợ chồng Tống Kỳ. Còn hương vị mà thành phố này mang đến cho cô, thực sự một lời khó có thể nói hết. Nếu như tiếp tục ở lại Hương Cảng, lĩnh hội thế thái nhân tình của chúng sinh nơi đây, với tài năng của mình, cô nhất định sẽ một lần nữa viết ra những tác phẩm kinh hãi thế tục. Nhưng trái tim của cô đã không thể quay lại quá khứ, cô không có cách nào chiều theo thế giới này một lần nữa, thứ cô cần là được thế giới này ân sủng.

Mấy lần di chuyển, cuộc đời chính là một giấc mộng Hoa Tư, đáng tiếc tỉnh mộng quá khó. Hóa ra, thứ chúng sinh không quên được, vẫn là một Trương Ái Linh vận áo sườn xám của Bến Thượng Hải năm xưa. Hóa ra, trong ngõ nhỏ của năm tháng, khói lửa vẫn luôn bao trùm, bờ bên kia mà cô lầm tưởng hóa ra chẳng có điểm tận cùng.