Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Chương 13: Tài hoa tuyệt đỉnh




Nổi danh phải nhân lúc còn sớm, nếu quá muộn, niềm vui cũng không được trọn vẹn. Dù cá nhân bạn đợi được, thì thời đại vẫn vội vàng, nếu bạn đã trong quá trình hủy hoại, thì hắn sẽ còn bị hủy hoại nhiều hơn nữa.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Khi lớp trang sức hoa lệ của màn đêm bị xóa nhòa. Bến Thượng Hải buổi sáng tinh mơ lại khoác lên mình một vẻ đẹp nguyên sơ. Nước sông Hoàng Phố tựa như đã xả trôi hết thảy vui buồn, bấy giờ chảy khoan thai chậm rãi biết mấy. Những người vừa sực tỉnh từ trong giấc mộng kia, vẫn còn chút ngây ngất say. Trong một ngày mới, họ sẽ tiếp tục hành trình dài đằng đẵng, đi về hướng mình đã chọn lựa. Cho dù có dùng cả đời, cũng phải đi đến điểm cuối cùng, khi ấy, trời đất sáng tỏ, nước chảy đá mòn.

Sau này mới biết rằng, rốt cuộc Trương Ái Linh lựa chọn đi trên con đường văn chương, không chỉ vì giấc mơ thiên tài của cô, mà cũng vì đây là phương thức sinh tồn của cô trên trần thế này. Chúng ta dều là những hạt cát trong dòng sông tháng năm, dù nhỏ nhoi, nhưng nhất cử nhất động, từng nụ cười nét mặt đều ảnh hưởng đến cả thế giới. Trương Ái Linh biết phải nổi danh nhân lúc còn sớm, cô không thích cảm giác muộn màng chậm trễ, bởi đó là thứ năm tháng héo tàn đến mức quên cả tín ngưỡng. Cho nên, cô chưa bao giờ nghi ngờ giấc mơ của chính mình. Cô hiểu, chỉ cần chắp cánh cho giấc mơ, sẽ có một ngày bay đi vạn dặm.

Học ở Đại học St John’s, tuy thường xuyên lâm vào tình trạng túng thiếu, nhưng Trương Ái Linh không muốn trở thành gánh nặng của cô mình, càng không muốn xin xỏ cha mình. Thế là, cô nảy ra ý tưởng “bán” văn kiếm tiền, bắt đầu viết những bài phê bình phim ảnh, phê bình kịch cho tờ The Times bằng tiếng Anh. Thời sinh viên, Trương Ái Linh không chỉ thích đọc tiểu thuyết, mà cô còn say mê xem phim. Bấy giờ, thị trường phim ảnh ở Thượng Hải lại phát triển nhất ở phương Đông. Những bộ phim ngoại quốc hay phim trong nước, Trương Ái Linh đều xem không bỏ sót bộ nào, những diễn viên nổi tiếng của thời đại ấy cô cũng đều quen mặt cả.

Không chỉ vậy, Trương Ái Linh còn chịu sự ảnh hưởng của cha, rất say mê hý kịch truyền thống. Kinh kịch, Việt kịch, Bình kịch, không loại nào cô không ham thích. Có sự tích lũy từ những bộ phim và các vở hý kịch này, Trương Ái Linh hạ bút ung dung tự nhiên. Trong một thời gian ngắn, rất nhiều bài phê bình kịch, phê bình phim của cô đã được đăng, ví dụ như Mẹ chồng nàng dâu, Chiến tranh nha phiến, Thu ca, Mây đen lấp trăng, Muôn tía ngàn hồng, Én đón xuân, Mượn đèn thủy ngân…

Sáng tác bằng tiếng Anh, bắt đầu phê bình phim kịch, Trương Ái Linh chính thức đi trên con đường văn chương từ đây. Khi mới bắt đầu bước đi trên con đường này, cô đã thành công vang dội. Văn đàn lúc ấy tịch mịch vô cùng, Thượng Hải thất thủ mấy năm, những tác giả lớn có chút thành tựu như Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Trương Hàn Thủy… đều đã mai danh ẩn tích. Nhiều năm sau, nữ tác giải Lý Bích Hoa từng nói một câu thế này: “Văn đàn vắng vẻ đến mức đáng sợ, chỉ xuất hiện một cô gái như thế”.

Về sau, Kha Linh tiên sinh[1] nói: “Tôi giơ đầu ngón tay đếm đi đếm lại, văn đàn lớn như thế, mà giai đoạn nào cũng không thể sắp xếp nổi một vị trí cho Trương Ái Linh; Thượng Hải thất thủ, mới tạo cơ hội cho cô ấy. Quân xâm lược Nhật Bản và chính quyền Uông Tinh Vệ đã cắt ngang truyền thống văn học mới, chỉ cần không phản đối lại họ, có chút nghệ thuật văn chương tô điểm thái bình, thì cầu còn chẳng được, cho đám nhà văn những gì, đương nhiên là nhà cầm quyền không hề tính toán. Trời cao hoàng đế xa, đó là vũ đài cho Trương Ái Linh thể hiện tài năng của bản thân…”.

[1] Kha Linh (1909-2000), tên thật là Cao Quý Lâm, bút danh Chu Phạn, Tống Ước, nguyên quán Thiệu Hưng, Chiết Giang, sinh ở Quảng Châu, là nhà lý luận điện ảnh, biên kịch, phê bình nổi tiếng của Trung Quốc.

Cho dù là cơ hội ngẫu nhiên hay là trùng hợp, thì tóm lại văn chương của Trương Ái Linh đã thực sự được thời đại công nhận. Cây bút mới của văn đàn này, tựa như một nụ hoa kỳ lạ, bắt đầu bung nở trên Bến Thượng Hải hỗn loạn. Tiếp theo, cô bắt đầu viết cuốn Chinese life and Fashion cho tạp chí Thế kỷ 20 do người Đức mở. Cực kỳ choáng váng trước sức chấn động của áng văn phi phàm này, tổng biên tập Metternich tuyên bố rằng: “Cô có khả năng thuyết minh về người Trung Quốc cho người nước ngoài hiểu”, và ngợi khen Trương Ái Linh là “thiên tài trẻ có tiền đồ rộng mở”.

Thành công lớn đến một cách đột ngột, vô cùng bất ngờ như thế, khiến cô vui mừng đến mức không thể diễn đạt bằng lời, cho dù đằng sau sự phồn hoa này, ẩn chứa rất nhiều gian khổ mà ít người biết được. Sau này, trong Đồng ngôn vô kỵ, Trương Ái Linh viết: “Tuy rằng khổ cực một chút, tôi vẫn yêu nghề của tôi”. Sáng tác là một quá trình kéo dài và gian khổ, chỉ có không ngừng tích lũy kinh nghiệm, mới có thể thu hoạch được thành công. Giống như một vở kịch, rất nhiều người chỉ xem những cảnh huyên náo, phồn hoa khua chiêng gõ trống, mà không biết sau tấm rèm sân khấu, những kép hát đó đã phải dốc tâm huyết ra sao.

Từ đây, sáng tác đã trở thành nghề nghiệp của Trương Ái Linh, đi theo cô cả cuộc đời. Nghề nghiệp này cô đơn, bởi vì không cần giao thiệp với con người, nghề nghiệp này đúng như mong ước của cô, một mình ngồi dưới bóng đèn yên tĩnh, lặng lẽ viết. Những việc Trương Ái Linh đã quyết làm, thì sẽ không thay đổi. Cô thôi học, không cần tấm bằng mỏng manh đó nữa, với khả năng xuất chúng, đối với hết thảy mọi điều trên thế gian này, cô đã sớm thấu hiểu sâu sắc.

Trương Ái Linh thậm xưng: “Tôi sinh ra là để viết tiểu thuyết”. Có lẽ sứ mệnh của cô khi đến nhân gian đúng là sống vì văn chương. Cô của khi ấy mới hai mươi tuổi. Dù đã từng kinh qua dâu bể chìm nổi, nhưng cuộc đời của cô còn chưa thực sự bắt đầu. Nếu nói về kinh nghiệm tình cảm, trải nghiệm tang thương, thì cô vẫn còn chưa có đủ. Nhưng một thiên tài, dường như có thể được miễn bỏ rất nhiều quá trình phức tạp, cô có ưu thế làm ít lợi nhiều so với những người bình thường khác.

Có lẽ câu từ do một người chưa từng nếm tận trăm vị, nhìn hết gió sương viết ra, lại càng uyển chuyển hơn. Ngược lại, một người đi hết cả muôn nước nghìn non, chỉ để lại tuổi già tản mát và trà lạnh lời cạn mà thôi. Trương Ái Linh là một cô gái cực kỳ nhạy cảm, cô có thể biến những chuyện vụn vặt của đời sống thành đề tài của tiểu thuyết một cách cực kỳ khéo léo. Gia tộc đã từng thịnh vượng rồi lụn bại của cô, và cả những người cô đã từng gặp trong cuộc đời, đều trở thành suối nguồn bất tận cho cô sáng tác.

Đối với rất nhiều người, thời điểm đầu năm 1943 vẫn là tiết xuân lạnh lẽo. Nhưng thế giới của Trương Ái Linh lại là trăm hoa đua nở. Cô là một người cực kỳ tinh tế tỉ mỉ, nghiên cứu và tạo ra thị hiếu của những người thị dân bình thường. Cô biết, những người cư trú ở Bến Thượng hải này thích đọc loại văn chương gì; cô biết, dưới ánh nắng mặt trời kia không có thứ gì là không rực rỡ và tươi mới. Thế nhưng, những chuyện cũ đó, rơi rớt lại trong góc nhỏ của lịch sử, có bao nhiêu người bằng lòng khai quật? Mà Trương Ái Linh là một người sưu tầm, sắp xếp, biên soạn những câu chuyện này, bày trên mặt bàn của năm tháng, để cho chúng sinh cùng đọc.

Chương mở đầu tiểu thuyết Vụn trầm hương, cô viết: “Xin bạn hãy tìm một chiếc lư hương bằng đồng gia truyền loang lổ gỉ xanh, châm một nén trầm hương, nghe tôi kể một câu chuyện Hương Cảng trước lúc chiến tranh. Bạn đốt xong nén trầm hương này, câu chuyện của tôi cũng kết thúc”. Phong cách độc đáo như thế, câu chuyện còn chưa bắt đàu, đã thu hút độc giả. Làn khói trầm hương lượn vòng ấy, khiến biết bao độc giả hồn say trong mộng.

Về sau, những sáng tác của Trương Ái Linh như hoa trĩu cành, liên tiếp bừng nở. Những truyện ngắn đã được đăng báo của cô gồm có Mối tình khuynh thành, Cái gông vàng, Ngói lưu ly, Phong tỏa, Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch…, tản văn có Tản kịch, Canh y ký, Tẫn dư lục, Viêm Anh ngữ lục… Rất khó để tin rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, Trương Ái Linh đã sáng tác ra rất nhiều áng văn kỳ diệu đến thế. Văn chương của cô giúp những con người đắm chìm trong nỗi sầu muộn tìm được một nơi để gửi gắm. Đúng như Kha Linh đã nói: “Trương Ái Linh đã mau chóng lên đỉnh cao chói lọi trên con đường sáng tác, trong chớp mắt đã nổi tiếng khắp Thượng Hải”.

Đây chính là Trương Ái Linh thiên tài. Tài năng của cô giống như một dòng sông băng bị nứt vỡ, trong giây phút nào đó, ào ào tuôn chảy, vượt muôn nghìn dặm. Phật nói, phổ độ chúng sinh. Phương thức độ cho người của mỗi người đều khác nhau, và phương thức của người đọc độ hóa cũng không giống nhau. Trương Ái Linh dùng văn chương để độ hóa cho người, đồng thời cũng là độ hóa cho chính mình. Đây chính là siêu độ về mặt tư tưởng, cũng là sự cứu rỗi cho vô vàn linh hồn cô đơn.

Trong văn chương của Trương Ái Linh, thường phát ra tiếng thở dài thấu tận tim gan. Rất nhiều người cho rằng, cô là một người già lão luyện nhân tình, nhưng không biết rằng, cô mới chỉ đang ở cái tuổi thanh xuân phơi phới. Truyện ngắn Mối tình khuynh thành của cô đã làm rung động muôn vàn độc giả. “Anh chẳng qua chỉ là người đàn ông ích kỷ, cô chẳng qua chỉ là người đàn bà ích kỷ. Trong thời đại chiến tranh loạn lạc này, không có nơi nào dung túng cho những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng dầu sao cũng có chỗ dung thân cho đôi vợ chồng bình thường này”.

Hoa hồng nhung và hoa hồng bạch của cô lại kể hết nỗi lòng tâm sự của biết bao người: “Lấy được đóa hồng nhung, lầu dần, sắc đỏ sẽ biến thành vệt máu muỗi trên tường, sắc trắng vẫn mãi là ‘đầu giường ánh trăng sáng’; lấy được đóa hồng bạch, màu trắng sẽ thành hạt cơm dính trên quần áo, màu đỏ lại là vệt dấu yêu thương thắm đỏ trong tim”. (Trần Trúc Ly dịch)

Bấy giờ, Trương Ái Linh đã sớm thoát ly khỏi cái vầng hào quang tuyệt đẹp sau gia tộc đó, cô trở thành một thị dân tự kiếm cơm ăn, hưởng thụ sự ấm áp và nhàn nhã mà mình tự mang lại. Cô để văn chương đi tới nơi sâu nhất của hồng trần, còn trong cuộc sống thực lại bắt đầu giữ khoảng cách với mọi người. Cho nên, dù văn chương của Trương Ái Linh khiến người ta nếm trải được mùi vị khói lửa, nhưng cô lại đem đến cho độc giả một cảm giác mỹ nhân thần bí như hoa cách một làn mây. Không ai có thể trực tiếp nhìn thẳng vào nội tâm của cô, bạn ngỡ rằng đi dạo trong lòng người, nhất định sẽ có một người là cô, nhưng thực ra người ấy lại xa xôi tới mức không thể nào với kịp.

Trương Ái Linh dùng phong thái cao ngạo cô độc cách biệt thế gian để đứng riêng một mình trên đỉnh cao của văn đàn Thượng Hải. Trong dòng Ngân Hà tịch liêu, cô là một vầng trăng, kiêu hãnh và cô độc tỏa sáng giữa vạn vì sao. Trên văn đàn đương thời, còn có mấy nữ tác gia cũng là những vì sao sáng chói, đó chính là Tô Thanh, Phan Liễu Đại và Quan Lộ. Họ được phong làm “Văn đàn tứ đại tài nữ”, phổ biến khắp Bến Thượng Hải. Trong mấy tài nữ này, Trương Ái Linh thích nhất Tô Thanh. Cô từng nói, trong các nữ tác gia cổ đại thích nhất Lý Thanh Chiếu, cận đại thích nhất Tô Thanh. Bởi Tô Thanh có thể nắm bắt một cách vững vàng những điểm thú vị của cuộc sống, đặc điểm của Tô Thanh là “đơn thuần trong vĩ đại”, có thể viết những chuyện phổ thông nhất thành những câu chuyện rung động lòng người. Và Tô Thanh cũng rất thích Trương Ái Linh, cô ấy nói: “Tôi đọc tác phẩm của Trương Ái Linh, thấy có một sức hút lạ lùng, không đọc ngấu nghiến không được. Đọc tiếp giống như nghe một khúc nhạc thê lương u uẩn, cho dù chỉ là trích đoạn nhưng cũng đủ rung động cõi lòng…”.

Bài viết Tôi đọc Tô Thanh của Trương Ái Linh giúp chúng ta nhìn thấy một Tô Thanh vô cùng chân thực, sinh động trong con mắt và tâm trí của Trương Ái Linh. Đoạn kết của bài văn đó, đến nay đọc lại, vẫn còn ý vị sâu xa như cũ. “Cô ấy đi rồi, còn một mình tôi đứng trên lan can trong bóng hoàng hôn, bất chợt nhìn thấy một tòa nhà cao tầng từ phía xa. Trên đường bên cạnh còn điểm một khối màu đỏ như son, còn tưởng là đường viền phản quang của vầng mặt trời lặn trên cửa sổ kính, nhìn lại lần nữa, lại là vầng trăng đêm Nguyên Tiêu, nhô lên đỏ ối. Tôi thầm nghĩ: ‘Đây là thời loạn…’, tôi nghĩ đến số phận của rất nhiều người, gồm cả tôi trong số đó; có cảm giác cuộc đời đau thương. Sự bình yên của tương lai chẳng thuộc về chúng ta, chúng ta chỉ có thể tự mình đi tìm sự bình yên cho riêng mình”.

Kỳ thực, họ đều là những cánh bèo trôi dạt giữa nhân gian, dẫu đang ở những tháng năm tuổi hoa, có được chỗ dừng chân tạm thời, nhưng cuối cùng, rốt cuộc cũng không vượt qua nổi sự bày bố của vận mệnh, hết thảy tương lai, đều không thể biết được.

Khi vinh quang nườm nượp kéo đến, Trương Ái Linh lại thường một mình nhấm nháp mùi vị của tịch liêu dưới ánh trăng yên tĩnh. Có lẽ chúng ta đều rất muốn biết, nhà văn viết ra hết thảy những chuyện tình nam nữ thế gian này, rốt cuộc đến bao giờ mới có thể gặp được một mối tình thuộc về riêng mình? Nhiều năm như thế, cánh cửa lòng cô, rốt cuộc khép hờ vì ai?