9.
Kỷ Vân Hòa nói, mỗi năm sinh nhật cô bé đều mong mẹ đến. Thật ra cô bé không được gặp mẹ thường xuyên. Từ khi nhớ được đến giờ, mẹ cô bé luôn ở nước ngoài.
Kỷ Vân Hòa điện thoại cho mẹ, hoặc là bà ấy không nghe máy, hoặc là nghe thì cũng chỉ nói vài phút. Bà ấy có những bữa tiệc bất tận, có vô số bạn tình mới, sau này có lẽ sẽ có con, Kỷ Vân Hòa không biết được.
Nhưng dù vậy, Kỷ Vân Hòa vẫn rất nhớ mẹ.
Người khác có mẹ, cô bé cũng muốn có. Chẳng những phải có, mà còn phải là người tốt nhất.
Vì vậy cô bé đã tự tô điểm cho mẹ thật đẹp đẽ trong trí tưởng tượng của mình, là người phụ nữ tốt nhất trên đời. Còn về phần vì sao mẹ không muốn quay về, Kỷ Vân Hòa cố tình không nghĩ đến.
Bây giờ, cuối cùng Phó Tâm Nhã đã quay về, đập tan mọi ảo tưởng của Kỷ Vân Hòa.
Điều mà Trình Khả Khả nhận thấy, chắc gì Kỷ Vân Hòa không thấy.
Cô bé gối đầu lên tay tôi, nói khẽ: “Bà ấy không phải thật sự yêu tôi, bà ấy chỉ muốn thắng cô. Bà ấy muốn tôi với bố mãi mãi chờ đợi bà ấy.”
Tôi thở dài, xoa đầu Kỷ Vân Hòa.
Tôi có thể vờ an ủi cô bé rằng “Thật ra mẹ rất yêu con”, nhưng với đứa bé thông minh, trưởng thành sớm thế này thì mánh khóe lừa gạt này vô ích. Vì vậy tôi xem cô bé như một người lớn, nghiêm túc chia sẻ.
“Cả đời này rất dài, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều người, cha mẹ chỉ là một trong số đó. Vậy nên họ không yêu chúng ta cũng không sao, chúng ta không cần vì họ không yêu mình mà lại liên tục làm tổn thương bản thân.”
Kỷ Vân Hòa nhìn tôi: “Cô là trẻ mồ côi phải không?”
Tôi không thấy bị xúc phạm, chỉ cười thản nhiên: “Con từng điều tra cô?”
“Bố điều tra.” Kỷ Vân Hòa ngập ngừng rồi thẳng thắn, “Tôi ở bên cạnh ông ấy nghe lén một ít.”
“Đó là sự thật.” Tôi nói, “Cô bị ném trước cổng trại trẻ mồ côi từ khi còn rất nhỏ, viện trưởng học viện Tinh Lan đã nuôi dưỡng cô.”
Tôi cho Kỷ Vân Hòa đi ngủ, khi tôi chuẩn bị ra khỏi phòng thì cô bé gọi tôi lại.
“Này.”
Tôi quay đầu nhìn lại.
Cô bé dùng giọng điệu bình tĩnh hỏi tôi: “Tình thương cô dành cho chúng tôi là một phần công việc của cô sao? Nếu không trả tiền… cô không còn yêu chúng tôi sao?”
Tôi ngẫm nghĩ, hỏi cô bé.
“Con biết bố Trình Khả Khả không? Trình Ngộ Kiều là ca sĩ nổi tiếng. Ca hát là công việc của anh ta, nhưng tình cảm anh ta dành cho âm nhạc cũng là thật.”
Tôi mỉm cười với Kỷ Vân Hòa: “Yêu là yêu, không phân biệt tình yêu vì công việc hay không.”
10.
Kỷ Từ nói anh ta muốn nói chuyện với tôi.
Trong một quán café riêng tư, anh ta ngồi đối diện tôi, mặc âu phục, đi giày da, ánh nắng chiếu vào người anh ta làm dịu dàng đi vẻ lạnh lùng thường ngày, khiến anh ta trở nên dễ gần hơn.
Câu đầu tiên anh ta nói với tôi: “Phó Tâm Nhã đã về.”
Tôi uống cốc Caramel macchiato trong tay, không biết phải đáp thế nào nên ồ một tiếng.
“Chúng tôi từng yêu nhau, nhưng không thích hợp sống chung.”
Kỷ Từ uống một ngụm Americano nóng.
“Chúng tôi đều kiêu ngạo, chỉ quan tâm bản thân, không thỏa hiệp người khác dù chỉ một chút. Tôi có sự nghiệp của mình, cô ấy có tiệc tùng, xã giao của cô ấy, nhà cửa luôn lạnh lẽo, không ai muốn chăm sóc người kia. Cho nên… Bắc Ninh,” anh ta nhìn tôi, “Tôi nghĩ kỹ rồi, tôi bằng lòng cưới cô.”
Tôi suýt phun ngụm Caramel macchiato lên quần anh ta.
“Không phải chứ.” Tôi kinh hãi nói, “Kỷ tổng, tôi đưa ra yêu cầu này từ lúc nào?”
Kỷ Từ cười, “Cô không cần lo lắng quá, thân thế của cô tôi đã biết rồi.” Anh ta nghiêng người về trước, nhìn tôi chăm chú, “Tôi không ngại.”
Tôi “…”
Thật khó.
“Đầu óc anh có vấn đề à sếp Kỷ? Anh không phải là đang tìm một công cụ hình người sao, còn có thể nói nghe hay ho đến vậy.”
Câu này không phải tôi nói, mà là người khách ở phía sau Kỷ Từ.
Ghế ngồi ở quán café này rất cao, chắn mất tầm mắt chúng tôi, lúc này người kia đứng lên tôi mới nhìn thấy rõ anh ta.
Chiếc kính râm che kín mặt, người đàn ông kia nở nụ cười ngang tàng.
“Nhận ra tôi chứ?”
“Tất nhiên.” Tôi bình tĩnh, “Bố Trình Khả Khả.”
Trình Ngộ Kiều có lẽ chưa từng bị ai gọi vậy trong đời, nụ cười ngông nghênh của anh ta lập tức tắt ngúm.
Nhưng rồi anh ta lại nhìn về phía Kỷ Từ.
“Nếu anh từng điều tra về Thẩm Bắc Ninh, hẳn biết cô ấy tốt nghiệp học viện Tinh Lan, tức là làm việc gì chứ? Cô ấy với anh có quan hệ công việc, người cô ấy quan tâm là Kỷ Vân Hòa chứ không phải anh. Đổ nước trong đầu anh ra đi.”
Kỷ Từ lạnh lùng: “Không phải anh cũng thế sao?”
“Sao tôi giống thế được chứ, Thẩm Bắc Ninh có tình cảm với tôi.” Trình Ngộ Kiều nở nụ cười tự tin, “Cô ấy nghe nhạc của tôi!”
Kỷ Từ mỉa mai, “Cô ấy chơi game của công ty tôi.”
“Cô ấy không chỉ nghe mà còn nghe đi nghe lại.”
“Cô ấy không chỉ chơi mà còn kiếm tiền.” Kỷ Từ liếc nhìn tôi, “Cô ấy kiếm được rất nhiều.”
Tôi “…”
Người ta nói đàn ông đến c.h.ế.t vẫn là thiếu niên. Tôi thấy hai người này đừng nói là thiếu niên, còn lâu họ mới tốt nghiệp tiểu học nổi.
Hai người cãi cọ ồn ào đến mức không để ý tôi đã bị người đàn ông thứ ba kéo đi.
Đương nhiên là ảnh đế Cố.
Cố Trạch cắn điếu thuốc lá, mạnh mẽ kéo tôi đi xuyên qua hành lang quán café.
Đi đường thôi mà, đâu cần phải diễn như Bản sắc anh hùng vậy.
Đi đến một nơi yên tĩnh, anh ta nhìn về phía xa xăm, vẻ u sầu.
“Thẩm Bắc Ninh, tôi biết người phụ nữ như em là loài chim không chân*. Hai kẻ phàm phu tục tử đó không thể là điểm dừng chân của em được.”
(Chú thích: chim không chân là loài chim sinh ra không có chân, nó kiếm ăn, sống, bay trên trời suốt cả cuộc đời. Chim không chân thường được ví von trong lĩnh vực văn học, tượng trưng cho sự lang thang và mệt mỏi của cuộc sống. Loài chim này cũng được nhắc đến trong bộ phim A Phi chính truyện của đạo diễn Vương Gia Vệ. Không có nhân vật nào tên "A Phi" trong phim. A Phi (Phi = Bay) ở đây được sử dụng như một danh từ chung - chỉ lớp thanh niên sống phóng túng, bốc đồng trong xã hội Trung Hoa. Tham khảo: https://www.sohu.com/a/607439676_121346181)
Tôi: “?”
Nói nghe rất văn vở. Nhưng dù sao thì…
Tôi: “Cảm ơn đã hiểu.”
“Ừ.” Cố Trạch gật đầu, “Tôi có thể hiểu em, chúng ta là những người giống nhau. Tôi đã nói với công chúng từ rất lâu trước kia rằng tôi sẽ không bao giờ kết hôn lần nữa.”
Các nhà phê bình điện ảnh nói ảnh đế Cố có đôi mắt nhìn ai cũng đều rất thâm tình. Lúc này anh ta quay đầu, dùng ánh mắt đó nhìn tôi.
“Nhưng vì em, tôi nghĩ một chú chim không chân như tôi có thể phá lệ mà dừng lại.”
Tôi “…”
Chẳng phải anh cũng không hai người kia sao! Ngoại trừ việc biểu đạt nghe văn vẻ hơn!!!
“Ngài Cố, chúng ta nói xem có khả năng này không…” tôi nhắc nhở anh ta, “tôi không thích anh.”
“Sao em có thể không thích tôi?” Cố Trạch dập tắt thuốc, cười, “Nếu không thích tôi, em sẽ không đối xử tốt với Tiểu Phong như vậy.”
Tôi “?”
Tôi nói: “Tôi đối xử tốt với Tiểu Phong vì tôi thu phí của anh. Hơn nữa, đúng là tôi thực sự thích cậu bé.”
“Không có ai thích những đứa con trai 7-8 tuổi, nhất là đứa ầm ĩ như Tiểu Phong.” Mắt Cố Trạch lóe lên một tia ghét bỏ rất khó phát hiện, “Con nít vốn phiền phức, bản chất là rất đáng ghét, nếu không ghét, như vậy thì chỉ có một yếu tố - quan hệ huyết thống.”
Anh ta lắc đầu, “Em với Tiểu Phong không có quan hệ huyết thống, ngoài việc yêu ai yêu cả đường đi thì tôi không nghĩ ra khả năng thứ hai.”
Anh ta không nhận thấy sắc mặt tôi đã thay đổi.
Tất nhiên tôi biết về thân thế Cố Tiểu Phong. Vợ trước của Cố Trạch mê đắm anh ta, dùng đủ mọi thủ đoạn để mang thai mới có thể kết hôn với anh ta.
Khi sinh Cố Tiểu Phong, cô ấy qua đời vì sinh khó, bỏ lại đứa bé này. Dư luận ầm ĩ, Cố Trạch không thể bỏ mặc thằng bé nên phải giữ nó bên mình.
Tôi biết Cố Trạch không yêu Cố Tiểu Phong nhiều, nhưng tôi không ngờ anh ta lại có ác cảm sâu sắc như vậy.
Cố Tiểu Phong có thể lớn lên khỏe mạnh, ngoại trừ chứng tăng động giảm chú ý thì không có vấn đề gì khác về thể chất và tinh thần có lẽ là nhờ thằng bé hời hợt.
Tôi đang định tranh cãi với Cố Trạch thì điện thoại reo lên. Người gọi là giáo viên chủ nhiệm của Trình Khả Khả.
Bố con bé trăm công ngàn việc, lúc cần tìm thì không thấy bóng người nên số điện thoại trong vở của bọn trẻ đều là số của tôi.
“Alo, phụ huynh của Trình Khả Khả phải không?”
Tôi vừa nghe máy, bên kia đã vang lên giọng nói hốt hoảng của giáo viên chủ nhiệm.
“Trình Khả Khả, con bé… nó ở trên sân thượng trường…”
Tôi choáng váng.
Cố Trạch thấy biểu hiện tôi khác thường, đang định nói gì đó.
Tôi hất anh ta ra, quay người chạy như điên.
11.
So với Kỷ Vân Hòa và Cố Tiểu Phong, Trình Khả Khả luôn cư xử ngoan ngoãn hơn rất nhiều. Nhưng cô bé mới là người có vấn đề nghiêm trọng nhất trong số bọn nhỏ.
Kỷ Từ và Cố Trạch tuy rất ít quan tâm đến con nhưng cuộc sống riêng tư của hai người họ trong những năm qua tương đối sạch sẽ, không gây quá nhiều bất lợi với con cái.
Nhưng Trình Ngộ Kiều thì khác.
Anh ta nổi tiếng từ năm mới mười mấy tuổi, được đội ngũ quản lý và người hâm mộ bảo vệ suốt mười mấy năm qua. Nói dễ nghe thì là anh ta vẫn như một thiếu niên; nói khó nghe thì anh ta là một đứa trẻ to xác.
Cuộc sống với những buổi tiệc tùng của anh ta chưa bao giờ ngưng, những người bạn giá bên cạnh anh ta cứ liên tục thay đổi, từ người mẫu đến nghệ sĩ trẻ, rất khó để đảm bảo ai cũng tốt.
Ngày đầu tiên tôi gặp Trình Khả Khả là lúc tôi đi đón Cố Tiểu Phong. Trình Khả Khả và Cố Tiểu Phong chung tổ trực nhật, tôi chú ý đến cánh tay cô bé có vết thương do bị móng tay bấu vào.
Tôi hỏi Trình Khả Khả ai làm, cô bé nói --- “Bạn gái bố.”
Mà khi tôi hỏi Trình Ngộ Kiều, anh ta bối rối không biết ra sao. Anh ta có quá nhiều bạn gái đến nỗi không biết ai là ai chứ đừng nói điều tra ra ai là người làm hại Khả Khả.
Khi tôi mới vào Trình gia làm việc, gần như Trình Khả Khả không nói chuyện với tôi. Cô bé cũng không nói chuyện với người khác, chỉ trò chuyện với mấy chú mèo con sau vườn. Cô bé ngồi xổm ở đó, trò chuyện với chúng rất lâu.
Cô bé cảnh giác với tôi, nghĩ tôi là một trong những bạn gái của bố. Tôi cũng không ép cô bé trò chuyện với mình, cứ để cô bé chơi ngoài sân.
Ngày thứ ba, trời đổ mưa, tôi cầm hai chiếc ô ra ngoài, một cái che cho cô bé, một cái che cho bọn mèo con.
Ngày thứ tư, tôi cầm chậu cá khô đưa lũ mèo con, nói với chúng nó phải ăn ngoan thì mới lớn lên được. Trình Khả Khả ngồi bên cạnh nhìn tôi, không nói gì.
Ngày thứ năm, Trình Khả Khả ăn hết bữa trưa tôi nấu, lần đầu tiên gương mặt nhợt nhạt của cô bé có tí sắc hồng.
Sau đó, cô bé không còn kháng cự tôi.
Cô bé này rất ngoan, tôi làm việc nhà, cô bé sẽ âm thầm ở bên giúp tôi, trước khi ngủ còn lễ phép nói với tôi, “Chúc cô Tiểu Thẩm ngủ ngon.”
Nhưng tôi biết, cô bé chưa bao giờ thực sự thân thiết với tôi.
Xe taxi lao nhanh, tôi xuống xe là chạy như điên.
Rất đông người tụ tập dưới khu nhà dạy học. Giáo viên chủ nhiệm ra đón tôi, giọng nức nở.
“Mẹ Khả Khả…”
Tôi cắt ngang, “Báo cảnh sát chưa?”
Giáo viên chủ nhiệm ngập ngừng, “Trường chúng tôi là trường quý tộc, xe cảnh sát đến thì sẽ ảnh hưởng…”
“Báo cảnh sát!” Tôi lạnh tanh.
Cô chủ nhiệm sợ hãi lấy điện thoại gọi cảnh sát, tôi xông lên lầu.
Ở rìa sân thượng, một bóng người nhỏ bé ngồi đó.
Mọi người đứng ở phía lối vào sân thượng ở xa xa, không ai dám đi qua vì bóng dáng nhỏ bé đó ngồi quá sát mép sân thượng, chỉ cần chạm nhẹ là sẽ ngã xuống.
“Khả Khả.” Tôi gọi, “Cô Tiểu Thẩm đến rồi.”
Cô bé quay lại nhìn tôi, mái tóc bị gió thổi lòa xòa trên mặt. Hiếm khi bạn nhìn thấy vẻ đau buồn như thế trên gương mặt một đứa trẻ.
Tôi thử thăm dò tiến lại gần.
“Khả Khả, có gì thì nói với cô Tiểu Thẩm, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết.”
Trình Khả Khả lắc đầu, cô bé bước thêm nửa bước về phía trước, rồi lại thêm nửa bước.
“Khả Khả!” Giọng tôi cao lên, “Tất cả là lỗi của cô!!”
Trình Khả Khả dừng chân, quay đầu lại, hoảng hốt nhìn tôi, lắc đầu. Ý là không phải lỗi của tôi.
“Không phải lỗi của cô? Tại sao lại trừng phạt cô?” Tôi run rẩy, “Nếu con c.h.ế.t, người yêu thương con sẽ khổ sở cả đời. Con muốn cô đau khổ cả đời đúng không?”
Trình Khả Khả luống cuống, cô bé lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt rớt xuống.
Cuối cùng cô bé lên tiếng, giọng nức nở nghẹn ngào.
“Lưu Hạo với Đường Thông nói… Con là đứa bé không ai cần hết…”
Tôi đã hiểu.
Ngôi trường này là trường tiểu học quý tộc, cha mẹ của bọn trẻ không phú thì quý, rất nhiều người ở cùng vòng giao tiếp với Trình Ngộ Kiều.
Trình Ngộ Kiều tự mình vượt qua sóng to gió lớn, không ngại bị toàn mạng bôi xấu, nhưng rất nhiều lời nói ác mồm ác miệng thông qua cha mẹ chúng truyền tới tai bạn bè cùng lớp Trình Khả Khả, rồi lại rơi xuống đầu cô bé mới 6-7 tuổi. Đây là điều quá sức chịu đựng của cô bé.
“Khả Khả…”
“Cô đừng gạt con.” Trình Khả Khả lùi một bước, chỉ còn vài cm là cô bé sẽ ngã xuống, “Đừng lừa con là cô cần con. Cô sẽ kết hôn, có đứa con riêng của cô. Bố con tiêu tiền mời cô đến chăm sóc con nhưng một ngày nào đó cô sẽ rời đi.”
Tôi đứng đó, bàng hoàng.
Trình Khả Khả là đứa bé nhỏ nhất trong 3 đứa tôi chăm sóc, nhưng thực ra cô bé là người trưởng thành nhất. Vì cô bé luôn trầm lặng ít nói nên tôi không nhận thức được sự bi quan thấm sâu trong lòng cô bé.
Tôi tiến lên một bước, Trình Khả Khả hét to: “Đừng tới đây!”
“Đúng vậy, không ai cần con cả.” Tôi nhìn thẳng vào mắt Trình Khả Khả.
Mọi người xung quanh ngẩn ra. Trình Khả Khả cũng sững sờ.
“Nhưng thế thì sao?” Tôi nói.
“Cô cũng không ai cần. Mới sinh ra cô đã bị ném trước cổng viện trẻ mồ côi, nhưng vậy thì sao? Cô trưởng thành rất tốt, càng lớn càng mạnh mẽ. Vẫn có những người ức hiếp cô, nhưng cô có khả năng trừng trị lại họ; cô cũng không có nhà, không có người thân như trước, nhưng cô biết một ngày nào đó sẽ có.”
Tôi luôn không muốn nói về chuyện cá nhân của mình, xét cho cùng thì đó không phải là chuyện vui vẻ gì, nhắc đến là như xé toạc vết thương lòng. Nhưng giờ phút này, trước mặt Trình Khả Khả, trước mặt tất cả những người chứng kiến, tôi không ngại cầm d-a-o cắt miệng vết thương đó ra lần nữa, sau đó nói với họ --- mọi thứ sẽ khép lại.
Trình Khả Khả ngẩn ngơ nhìn tôi, tôi vừa nói vừa đi từng bước một về phía trước. Tôi đã ở rất gần cô bé.
“Khả Khả.” Tôi đưa tay ra về phía cô bé, “Mọi chuyện đều sẽ thành quá khứ, chúng ta sẽ trở thành những người lớn rất tốt.”
Nước mắt cô bé từng giọt nặng trĩu rơi xuống tay tôi.
Trình Khả Khả vươn tay, nắm lấy tay tôi.
Nhưng chân cô bé trượt đi, rơi xuống.
Trong nháy mắt đó, tôi có hai lựa chọn.
Một là, thả tay Trình Khả Khả…
Không.
Tôi chọn nắm chặt tay cô bé.
Chúng tôi cùng nhau rơi xuống.
Hoàng hôn đang buông xuống, ánh sáng vàng khổng lồ chìm xuống, sau đó bóng tối bao trùm lên tôi.
12.
Tôi thấy rất nhiều chuyện trong quá khứ. Những cảnh tượng như đèn kéo quân quay vòng qua, cảnh tượng cuối cùng dừng lại năm tôi 12 tuổi.
Lúc đó cô giáo dạy văn ra đề bài, “Ước mơ của em”.
Có người muốn làm nhà khoa học, có người muốn làm nghệ sĩ nổi tiếng.
Tôi viết “Mơ ước của em là làm một người mẹ”.
Người dì nuôi tôi nhìn thấy bài văn tôi viết.
“Ước mơ của em là trở thành mẹ của tất cả những đứa trẻ không có mẹ.”
Những lời này đọc hơi trúc trắc nhưng mắt dì lại ướt.
“Em là một đứa trẻ rất may mắn, dì nhận nuôi em, trở thành mẹ của em. Em hy vọng những bạn nhỏ khác cũng may mắn giống như em, có được người mẹ của mình.”
Dì nói, bài văn đó của tôi giúp dì kiên định với kế hoạch gây dựng sự nghiệp của mình.
Mấy năm sau, học viện Tinh Lan ra đời, tôi trở thành lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.
Thật tốt, đời này của tôi xem như đã thực hiện được mơ ước của mình.