Bí Mật Của Hạnh Phúc

Chương 48: Đừng luôn tự lên án hay quá trách cứ bản thân




Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ tiềm ẩn - đôi khi kiểm soát được và đôi khi không thể làm được điều đó. Khi cuộc sống trở nên tồi tệ hơn, chúng ta thường có khuynh hướng đào bới, suy luận hàng loạt những lý do và nguyên nhân khiến chúng ta thất bại. Kiểu suy nghĩ này chỉ khiến chúng ta thêm buồn phiền và làm giảm khả năng sáng tạo của mình. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng chỉ có thể kiểm soát được một phần của sự việc mà thôi. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề và phân tích cội nguồn khi một sự cố, tình huống xấu xảy ra, tất cả không hoàn toàn do lỗi của bạn. Hãy nhớ rằng nhìn nhận nguyên do, xử lý hậu quả là điều nên làm hơn là cứ chăm chăm dằn vặt bản thân mình. 

Khách mời sắp đến mà họ vẫn không tắt được vòi nước của máy rửa bát đĩa. Nước tràn đầy ra sàn bếp và lan đến tận phòng khách. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ là “Tại sao giờ này mình lại đi rửa bát đĩa? Nếu mình rửa bát bằng tay thì chuyện này đã không xảy ra. Nếu mình đợi đến ngày mai hãy dùng máy rửa chén thì buổi tiệc hôm nay đâu có hỏng như thế này. Giá mà mình có đủ thông minh để thấy trước những việc này. Mà tại sao mình lại mua cái máy này chứ? Mình dám chắc là nếu mua ở một hiệu khác thì nó sẽ không chảy tràn ra bếp như vậy đâu! 

Khi mọi việc xấu đi, chúng ta luôn tìm cách trách cứ, và thường nhìn vào gương rồi phiền trách chính hình ảnh của mình. Những nhà tâm lý học tại Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia nhận thấy rằng, nhiều người trong chúng ta đang là nạn nhân của lối suy nghĩ “tất cả là lỗi tại tôi”. 

Thật ra, chúng ta chỉ có thể trực tiếp kiểm soát một phần nào của tình huống mà thôi, vì vậy chúng ta không nên mất thời gian tự trách mình. Tự trách mình cũng như tự thương hại mình chẳng giải quyết được chuyện gì và cũng không cải thiện được tình hình chút nào. Lỗi lầm là chuyện quá khứ, làm thế nào để khắc phục lỗi lầm mới là chuyện đáng quan tâm. 

Hạnh phúc không tùy thuộc vào số lần thất bại hay những chuyện không vui đã xảy đến. Điều quan trọng là sau đó, con người có tìm ra được bài học tích cực, hướng đến điều tươi sáng hay chỉ đưa ra những kết luận tiêu cực về mình. Những người luôn nghĩ “mình là đầu mối gây ra mọi vấn đề” sẽ ít cảm thấy hài lòng về mình hơn những người không nghĩ như vậy. 

- Panos