Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 61




- Sáng nay có lễ tuyên phúc: chúng ta sẽ không thể đi qua quảng trường Saint Peter được, phải đi vòng vậy.

Chìm trong suy nghĩ của chính mình, hai người đi vòng qua khu Santo Spirito rồi quay lại thành Vatican qua Lâu đài San Angelo, trước đây đã từng là lăng của hoàng đế Hadrien trước khi trở thành pháo đài và nhà ngục của Giáo hoàng. Cha Nil cảm thấy khó chấp nhận những khoảng im lặng nặng nề chen giữa họ từ khi ông đến Roma.

Cuối cùng Leeland cũng cất tiếng:

- Tớ không hiểu nổi cậu: cậu không ra khỏi tu viện từ nhiều năm nay, và ở đây cậu cũng sống như một người tu kín. Cậu đã yêu mến Roma biết bao khi chúng ta còn là sinh viên, hãy tận dụng một chút, đi thăm vài viện bảo tàng, gặp lại những người mà cậu quen biết trước đây… Cậu cư xử như cậu đã chuyển tu viện của cậu đặt giữa thành phố này vậy!

Cha Nil ngẩng đầu về phía bạn ông.

- Khi vào tu viện, tớ đã chọn nỗi cô đơn ở giữa một cộng đồng toàn cầu là Giáo hội Công giáo. Hãy nhìn đám đông kia, họ có vẻ rất sung sướng trước một lễ phong thánh mới! Trong một thời gian dài, tớ tin rằng họ là gia đình của tớ, thay thế cho gia đình đã từ bỏ tớ. Giờ đây, tớ biết rằng công việc nghiên cứu về nhân thân của Jesus đã loại tớ ra khỏi gia đình thứ hai này. Không ai xem xét lại những cơ sở của một tôn giáo là nền tảng của cả một nền văn minh mà lại không hề hấn gì! Tớ mường tượng rằng tông đồ thứ mười ba kia, khi chống đối lại Mười hai tông đồ, đã phải chịu đựng nỗi cô đơn tương tự. Tớ chỉ còn một người bạn, là Đấng Jesus mà tớ đang cố gắng vén màn bí ẩn về Người.

Ông nói thêm trong một tiếng thở dài:

- Và cả cậu nữa, tất nhiên.

Lúc này họ đang đi dọc những bức tường cao của Thành Vatican. Tu sĩ người Mỹ thọc tay vào túi rồi lấy ra hai tấm bìa nhỏ màu hồng.

- Tớ có một bất ngờ cho cậu. Tớ nhận được hai giấy mời xem buổi hòa nhạc của Lev Barjona tại nhạc viện Saint Cecillia ở Roma, đúng vào trước Noel. Tớ không cho phép cậu lựa chọn đâu, cậu sẽ đi với tớ.

- Anh chàng Lev Barjona này là ai?

- Một nhạc công dương cầm nổi tiếng người Israel, tớ đã quen ở đó khi anh ta còn là học sinh của Arthur Rubinstein: chúng tớ trở thành bạn của nhau dưới chân người thầy này. Một con người đáng ngạc nhiên, có một cuộc sống không giống ai. Anh ta đã ưu ái viết thêm một dòng riêng tư vào giấy mời, nói rằng tấm giấy mời thứ hai là để dành cho cậu. Anh ta sẽ biểu diễn bản Concerto thứ ba của Rachmaninov, hiện anh ta là người chơi bản này hay nhất.

Họ đi vào trong Thành Vatican.

- Tớ rất vui, cha Nil nói, tớ yêu thích Rachmaninov và đã rất lâu không xem buổi hòa nhạc nào, có thể điều đó sẽ khiến tớ thay đổi suy nghĩ.

Đột nhiên, ông dừng phắt lại và nhíu mày.

- Nhưng… làm thế nào mà bạn cậu lại gửi cho cậu tấm vé thứ hai để dành cho tớ?

Leeland có vẻ ngạc nhiên vì nhận xét này, và đang chuẩn bị trả lời thì họ bị tách nhau ra: một chiếc limousine công vụ sang trọng lướt qua ngay trước mặt họ. Bên trong, họ thoáng nhìn thấy bộ áo chùng tím của một Hồng y. Chiếc xe đi chậm lại để qua cổng Belvedere, và cha Nil đột nhiên nắm lấy cánh tay của tu sĩ người Mỹ.

- Rembert, hãy nhìn biển số chiếc xe này xem!

- Thì sao? S.C.V., Sacra Civitas Vaticani, đó là biển số của Vatican. Cậu biết rồi đấy, ở đây ngày nào mà chẳng thấy những chiếc xe như thế.

Cha Nil vẫn đứng như trời trồng giữa sân Belvedere.

- S.C.V.! Nhưng đó chính là ba chữ cái mà cha Andrei đã viết trong sổ của ông ấy, ngay trước chữ “Hiệp sĩ dòng Đền”! Từ nhiều ngày nay, tớ cố vắt óc xem nó có nghĩa là gì: vì tiếp sau nó là một mã số Dewey không đầy đủ, tớ đã tin chắc rằng nó chỉ một thư viện ở đâu đó trên thế giới. Rembert, tớ nghĩ mình vừa hiểu ra rồi! S.C.V. và đằng sau là bốn chữ số chính là vị trí của một loạt tác phẩm tại một trong các thư viện thuộc Sacra Civitas Vaticani, Vatican. Lẽ ra tớ phải nghĩ đến điều này: cha Andrei là người mắc bệnh lục lọi mãn tính. Ở thư viện San Girolamo, ông ấy đã tìm thấy một văn bản hiếm của Origène, nhưng chính ở đây ta phải tìm tác phẩm thứ hai mà ông ấy đã viết trên sổ tay.

Cha Nil ngẩng đầu nhìn về phía tòa nhà sừng sững.

- Trong đó, ẩn giấu ở một nơi nào đó, có một cuốn sách có thể sẽ cho phép tớ biết được nhiều hơn về bức thư của tông đồ thứ mười ba. Nhưng còn có điều gì đó mà tớ chưa hiểu, Rembert ạ: các hiệp sĩ dòng Đền có liên quan gì đến chuyện này nhỉ?

Leeland không nghe ông nói. Tại sao Lev Barjona lại gửi cho ông hai tấm giấy mời nhỉ?

Ông máy móc bấm mã số cửa vào kho sách Vatican.

Khi tiếng chuông vang lên, Breczinsky căng thẳng nắm lấy khuỷu tay người đang nói chuyện với mình.

- Chắc là họ đấy, sang nay tôi không chờ tiếp ai khác. Nếu ra bằng cửa trước chắc là anh sẽ gặp họ. Kho sách này có một cầu thang dẫn thẳng ra Thư viện Vatican: tôi sẽ dẫn anh đi lối đó, nhanh lên, họ sắp đến rồi.

Mặc một chiếc áo dòng bó sát, Antonio ném một cái nhìn sang tu sĩ người Ba Lan, trên gương mặt nhợt nhạt của ông hiện rõ vẻ hốt hoảng. Mọi việc thật dễ dàng: chỉ sau một lát trao đổi trong văn phòng mình, Breczinsky đã như bị tan chảy ra trước mặt anh. Hồng y hiểu rõ tâm hồn con người: chỉ cần biết cách tìm được vết thương bí mật, và ấn lên đó.