Khấu Lẫm đang đắm chìm trong thế giới của mình, chợt nghe giọng nói nghiêm trọng của Sở Dao: "Phu quân, bức họa Núi Sông Vạn Dặm này hình như là đồ dỏm."
"Cái gì?" Khấu Lẫm chống mép giường ngồi dậy, "Giả?"
Sở Dao nhíu mày, đầu ngón tay lướt qua cuộn tranh, không thế nào xác định: "Nhưng bức họa này trông còn có vẻ giống bút tích thực hơn so với bức họa dỏm thiếp mô phỏng lúc trước..."
Bức họa Núi Sông Vạn Dặm là tác phẩm của thời đại Tống Huy Tông, được vẽ bởi vị họa sư thiên tài từ Hàn lâm họa viện. Khi tác phẩm mới vừa ra đời vẫn chưa được đánh giá quá cao, chỉ được thu vào quốc khố. Thời kỳ Đường Tống là hai triều có nền văn hóa rất cường thịnh, văn hào họa kiệt ùn ùn không dứt, mà vị họa sư kia tuy có tài nhưng lại không hề nổi danh, phụng Thánh lệnh của Huy Tông vẽ bức họa này mà cũng không lưu lại ký danh của mình trên cuộn họa.
Nguyên nhân chân chính khiến bức họa trở thành quốc bảo truyền lại đời sau là nhờ công lao của Thái Tổ khai quốc của Đại Lương. Sau khi đánh tan quân Thát Đát thống nhất non sông, Thái Tổ luận công ban thưởng, những người huynh đệ theo ngài đánh thiên hạ đều được phong vương bái tướng, tỷ dụ như Định Quốc Công Tống gia, Trấn Quốc Công Phó gia, và Trịnh Quốc Công Thôi gia. Nhưng trong số đó có một người không muốn vào triều.
Người này là một cự phú tên Thẩm Phương, từng dùng tài lực giúp đỡ Thái Tổ giành lại giang sơn, công không thể thiếu. Thái Tổ luôn muốn ban tước vị cho ông ta nhưng đều bị cự tuyệt, Thẩm Phương chỉ biểu đạt ý nguyện muốn vào bảo khố của tiền triều để chọn chút bảo vật đem về. Thái Tổ không có lý do không đáp ứng, Thẩm Phương là người yêu thích hội họa, ở trong quốc khố chọn tới chọn lui, cuối cùng cầm về bức họa Núi Sông Vạn Dặm, từ đó mới khiến bức họa nhìn thấy ánh mặt trời.
Đây cũng là lần đầu tiên bức họa lưu lạc dân gian, bức họa giả lúc trước Sở Dao mô phỏng vẫn luôn được cho rằng là tác phẩm nhái của vị Thẩm Phương nhà giàu số một khai quốc công thần này.
Nhưng chỉ sau mười năm thì Thẩm Phương bị liên lụy vào án mưu phản, bị Thái Tổ xét nhà tru tộc. Bức họa Núi Sông Vạn Dặm lại biến thành chứng cứ phạm tội hùng hồn nhất cho ý đồ mưu phản của ông ta -- -- [Không muốn làm thần tử mà chỉ muốn Non Sông Vạn Dặm của trẫm?]
Có câu này của Thái Tổ mà bức họa Núi Sông Vạn Dặm trở thành sở hữu độc quyền của Đế vương, biểu tượng cho Hoàng quyền.
Bảy mươi năm trước Bắc Nguyên đánh vào kinh thành, Hoàng đế Bắc Nguyên còn cố ý phái một đội binh đặc biệt chuyên đoạt bức họa này, một đường hộ tống tới Bắc địa.
Trong suốt bảy mươi năm, bức họa Núi Sông Vạn Dặm trở thành bảo bối do Hoàng thất Bắc Nguyên cất giữ. Mãi đến lần này vì ký kết hòa ước với Đại Lương nên Bắc Nguyên mới trả bức họa này về.
"Bức họa này không giống như được làm cho cũ đi, coi bộ thật sự xuất hiện từ thời tiền triều Huy Tông. Hoạ sĩ vẽ rất tinh vi, tài nghệ tuyệt diệu." Bất luận Sở Dao xem xét thế nào đều cảm thấy đây mới chính là bút tích thực, "Tuy nhiên, nếu so với dồ dỏm thiếp đang mô phỏng, có một điểm khác nhau."
"Là ý gì?" Khấu Lẫm nghe không hiểu, ngồi ở trên giường nhìn Sở Dao thắc mắc.
"Trong vùng Đông Nam hải ước chừng có mấy ngàn đảo lớn đảo nhỏ, nghe nói họa sư không phải tùy ý vẽ đại mà so sánh với một quyển bút ký hàng hải đã sớm thất truyền mà họa ra. Nhưng bởi vì độ dài của cuộn họa có hạn, khẳng định không thể phóng to đầy đủ, cho nên những đảo nhỏ được miêu tả trong bức họa chỉ như hạt đậu đen, giống như một giọt mực chấm trên giấy."
Cuộn họa quá lớn, Sở Dao không có cách gì cầm đến mép giường cho Khấu Lẫm xem, bèn khoa tay múa chân diễn tả, "Vị trí này, so với bức họa giả do Thẩm Phương vẽ nhái dư ra một chấm mực."
Phải mất một hồi Khấu Lẫm mới hiểu được: "Ý của nàng là, bức họa này nhiều thêm một hòn đảo?"
Sở Dao gật đầu.
Khấu Lẫm nhíu mày: "Nàng có thể nhớ lầm hay không?"
Không phải Khấu Lẫm coi thường Sở Dao nhưng hắn thật không hiểu nổi sao nàng có thể nhìn ra? Nếu mở ra toàn bộ thì bức họa phủ kín mười mấy mặt bàn nối nhau, ngay cả cõng sau lưng mà cũng nặng trĩu. Trên bức họa có cả ngàn mương vạn hồ, sông nước đan xen, cỏ cây thành cụm, cho dù hai bức họa đồng thời mở ra ở trước mắt cũng khó có thể nhìn ra điểm khác nhau.
Không, phải nói là cho dù báo trước với hắn là hai bức họa có điểm khác nhau rồi kêu hắn so sánh mà tìm, hắn cũng chưa chắc có thể tìm ra. Vì thế hắn thật khó tin Sở Dao có thể nhớ rõ ràng chi tiết cực kỳ bé nhỏ như vậy.
Sở Dao bất mãn phu quân coi thường mình, lườm chàng ta một cái: "Thiếp phụng chỉ vẽ lại nên phải nghiên cứu đồ dỏm kia kỹ càng suốt mấy tháng, chớ nói hòn đảo chỉ nhỏ bằng một hột đậu đen, ngay cả một hoa văn trên mảnh lá đều biết rõ ràng, không có khả năng nhớ lầm."
Khấu Lẫm kinh ngạc dại ra, đây là trí nhớ đáng sợ đến độ nào? Sau này nhất định hắn phải cẩn thận chú ý, không thể có bất luận "đi sai bước nhầm" nào, bằng không khẳng định bị nàng nhắc mãi cả đời. Sợ nhất là chính mình đã hoàn toàn không còn ấn tượng, hoàn toàn tùy nàng thêm mắm dặm muối, chính mình căn bản không có biện pháp cãi lại.
Sở Dao thấy mặt Khấu Lẫm lộ vẻ vừa kinh ngạc vừa lo sợ, híp mắt hỏi: "Chàng đang suy nghĩ gì thế?"
"Không, không có gì, chỉ cảm khái trí nhớ của nàng quá tốt, trách không được sẽ học giỏi như vậy." Ánh mắt Khấu Lẫm láo liên, không dám nhìn thẳng vào mắt nàng, vội vàng tiếp tục phỏng đoán để lái ra khỏi đề tài nguy hiểm, "Vậy có thể lúc Thẩm Phương mô phỏng lại đã chấm thiếu một giọt mực?"
Sở Dao chống cằm cẩn thận suy ngẫm lại, lắc đầu: "Hẳn là không thể nào, dựa theo tiêu chuẩn hoàn hảo của bức họa dỏm kia, khả năng Thẩm Phương sẽ phạm sai lầm như vậy thật là rất nhỏ."
"Nếu là thế," Khấu Lẫm suy đoán, "Chỉ có thể đưa ra hai kết luận -- một là bức họa này cũng là đồ dỏm, bút tích thật sẽ giống như bức họa mà Thẩm Phương mô phỏng, sẽ không có hòn đảo này. Hai là bức họa này là bút tích thật, bức dỏm kia sở dĩ không có là do khi Thẩm Phương mô phỏng cố ý không chấm vào."
"Đúng là chỉ có thể đưa ra hai loại kết luận này." Sở Dao cắn cắn môi, cúi đầu nhìn bức họa dưới tay, phân tích dựa theo suy đoán của Khấu Lẫm, "Nếu theo như kết luận thứ nhất, bức họa này là đồ dỏm mà cũng vẽ lại thật tỉ mỉ y như bức họa thật, lúc ấy bút tích thật cũng không nổi danh, vì sao phải hao phí tâm tư mô phỏng, lại còn cố ý chấm thêm chỉ một hòn đảo duy nhất?"
Đặt dưới bối cảnh của thời đại đó thì quả thật không hợp lý chút nào.
Nhưng nếu thay đổi sang kết luận thứ hai, bức họa này chính là bút tích thực, vậy nghĩa là có một hòn đảo nhỏ chân thật tồn tại. Vậy thì vì sao khi Thẩm Phương vẽ lại phải cố ý bỏ đi hòn đảo này?
Khấu Lẫm đang ngẫm nghĩ về điếm nghi hoặc này: "Căn cứ theo lời Tạ Huyên nói với cha..."
"Tạ Huyên?" Sở Dao thắc mắc, "Tạ Huyên là ai?"
"Ảnh chủ Thiên Ảnh, là đệ đệ song sinh của Tạ Trình."
Sở Dao mở to hai mắt.
Khấu Lẫm chưa kể cho nàng nghe vụ này, vì liên quan đến Liễu Ngôn Bạch nên hắn còn chưa nghĩ kỹ phải xử lý như thế nào: "Trước tiên không đề cập tới vấn đề này, hãy bàn về chuyện bức họa trước đã. Theo như lời Tạ Huyên, tiên đế tu đạo không để ý tới triều chính nhưng lại phái đại quân chinh phạt Bắc Nguyên vài lần, đúng là bị đạo sĩ mê hoặc nên tin tưởng bức họa Núi Sông Vạn Dặm chính là bản đồ bảo tàng cất giấu bí mật trường sinh bất lão. Mười tám năm trước Đông Xưởng Lê thiến kích động Thánh Thượng ngự giá thân chinh Bắc Nguyên cũng là vì bảo tàng này. Hiện giờ huynh đệ Tống gia của phủ Định Quốc Công cam chịu để Thiên Ảnh lợi dụng cũng là vì..."
Khấu Lẫm ngưng giọng một chút, trong mắt toát ra một tia không thể tưởng tượng, "Chúng ta đều cho rằng đây là lời nói vô căn cứ, chẳng lẽ có thật hay sao? Chẳng qua bọn họ đều tìm lầm, bản đồ tàng bảo chân chính không phải là bút tích thực, mà là bức họa mô phỏng trong Hàn lâm họa viện? Là bản đồ bảo tàng do Thẩm Phương lưu lại?"
Sở Dao cũng tập trung toàn bộ tinh thần vào suy đoán này: "Cũng không thể nói là tìm lầm, nếu không nắm trong tay bút tích thực mà chỉ nhìn bức họa giả, vậy thì không có cách nào biết được trong vùng biển này sẽ thiếu một hòn đảo, bởi vì nguyên bản của bút tích thực không hề thiếu hòn đảo nhỏ này. Chỉ có khi nào có được cả hai bức thật và giả trong tay mà so sánh thì mới có thể xác định đảo nhỏ Thẩm Phương giấu bảo tàng là ở chỗ nào."
Nói cách khác, phải kết hợp cả hai bút tích mới ra được bản đồ bảo tàng chân chính.
Tri thức của Khấu Lẫm thật sự bị suy luận này làm cho điên đảo: "Nghe nói Thẩm Phương không chỉ là thương nhân mà còn là một thuật sĩ, có lẽ đã suy đoán ra sau này Thái Tổ chính là chủ nhân của thiên hạ nên mới lựa chọn giúp đỡ. Nếu Thẩm Phương lưu lại một bảo đồ phức tạp đến thế, hay là trên đời này thực sự có bí phương khiến người trường sinh bất tử?"
"Thiếp không tin." Sở Dao cúi đầu nhìn vị trí của hòn đảo nhỏ trên bức họa, "Lão sư cũng là một thuật sĩ, gieo quẻ xem tinh tượng phong thủy mọi thứ đều rất thông thạo. Lão sư đã từng giảng dạy ý trời và mệnh số cũng không phải chỉ nhờ gieo quẻ, mà phải căn cứ theo quy luật tự nhiên cùng liên hệ với hiện thực mà cân nhắc ra. Giữa thiên địa và âm dương đều tồn tại một quan hệ nhất định nào đó."
Thẩm Phương xuất thân bần hàn, có thể từ một kẻ ăn bữa hôm lo bữa mai mà nhờ niên đại rung chuyển để trở thành nhà giàu số một, nhất định phải có ánh mắt độc đáo và năng lực siêu quần. Với sự thông tuệ của ông ta thì có thể nhìn ra được sự nổi bật của Thái Tổ trong vài cỗ thế lực tranh đoạt thiên hạ thời bấy giờ, lựa chọn đem tiền đặt cược trên người Thái Tổ rồi cược thắng cũng đâu có gì kỳ quái? Tựa như Khấu Lẫm rất nhiều thời điểm liệu sự như thần, chẳng lẽ cũng vì biết bói toán? Đơn giản chỉ dựa vào đầu óc và kinh nghiệm mà thôi.
Sở Dao lẩm bẩm: "Trong sách sử triều đình biên soạn đã ghi lại Thẩm Phương là kẻ gian thương chỉ biết kiếm lợi. Sau khi Đại Lương lập quốc đã không ngừng đòi hỏi Thái Tổ ban lợi về kinh thương. Thái Tổ niệm tình ông ta giúp đỡ đều phê chuẩn, nhưng ông ta càng ngày càng nảy sinh lòng tham không đáy, còn muốn giành được độc quyền trong việc buôn bán muối. Thái Tổ không đáp ứng nên Thẩm Phương ghi hận trong lòng bèn muốn tạo phản. Đây hiển nhiên là Thái Tổ ra lệnh cho sử quan cố tình bêu xấu..."
Chỉ xét về vấn đề Thẩm Phương giúp đỡ Thái Tổ cướp lấy thiên hạ xong thì không cần tước vị cũng biết, ông ta ra tiền chỉ vì muốn mau chóng kết thúc thế đạo hỗn loạn. Mà ông ta lại là người làm giàu nhờ loạn thế, đúng ra phải hy vọng thế đạo càng loạn mới tốt, đủ có thể thấy ông ta cũng là người có tấm lòng lo ưu cho bá tánh.
"Theo thiếp nghiên cứu những sách dã sử tạp đàm cùng một ít sách cấm, đã có một sự miêu tả hoàn toàn khác về quan hệ giữa Thái Tổ và Thẩm Phương. Hầu như các sách đó đều nói sau khi trải qua binh lửa chiến loạn, lập quốc xong thì quốc khố trống rỗng, quân phí lương thảo hơn phân nửa đều do Thẩm Phương quyên giúp, nếu có thiên tai cũng do Thẩm Phương khẳng khái chi tiền. Thái Tổ đương nhiên rất cảm kích nên xưng huynh gọi đệ với ông ta. Nhưng sau khi lập quốc được tám năm, Thái Tổ nhàn rỗi rời kinh vi hành, trước tiên đến Chiết Giang thăm Thẩm Phương. Thấy Thẩm Phương có gia trạch ba trăm mẫu, trân châu như lấp biển, vàng bạc xếp thành núi, bèn cảm thấy nếu so sánh với của cải ông ta sở hữu thì số bạc hàng năm Thẩm Phương quyên ra cùng lắm chỉ là chín trâu mất một sợi lông, không hề có thành ý, vì thế nảy sinh bất mãn đối với Thẩm Phương..."
Nghe chuyện liên quan tới tiền, Khấu Lẫm phá lệ chú ý: "Giả sử thật sự có tiền như vậy, tại sao lại chứa tất cả vàng bạc châu báu trong nhà? Lẽ ra phải nên thống nhất đổi thành vàng bạc, để vào nhiều tiền trang khác nhau, ôm chi phiếu định mức vàng bạc mới đúng."
Sở Dao giải thích: "Vài thập niên trước cho dù Đại Lương rung chuyển như thế nào thì quốc gia vẫn còn tồn tại, chế độ cũng còn tồn tại. Nhưng vào thời đại của Thẩm Phương thì tiền triều mạt vong, thiên hạ vô chủ, tiền trang phá sản, chi phiếu định mức giống như tờ giấy lộn, giao dịch trong dân gian đều là lấy vật đổi vật, vàng thật bạc trắng. Sau khi lập quốc Thái Tổ tái lập chế độ chi phiếu định mức, thế nhưng bá tánh trải qua chiến loạn nên rất khó tin tưởng vào tín phiếu, tiền trang chỉ là thùng rỗng kêu to, loại tình huống này giằng co suốt mười mấy năm mới từ từ thay đổi."
Khấu Lẫm cau mày: "Sau đó thì sao?"
Mấy loại sách cấm này Sở Dao đã đọc từ lâu, lúc ấy cũng đâu để ý lắm, phải cẩn thận hồi tưởng: "Có mấy quyển dã sử đã nói, Thái Tổ muốn Thẩm Phương quyên ra một nửa gia sản để lấp đầy quốc khố tạo phúc cho bá tánh. Nhưng Thẩm Phương này có khả năng cũng là thần giữ của giống chàng..."
Khóe miệng Khấu Lẫm giựt giựt.
"Lúc cần ra tiền thì ông ta có thể quyên góp, nhưng đã giống như bị xẻo từng miếng thịt; hiện giờ không có nhu cầu cấp bách, tự nhiên bắt ông ta bỏ ra một nửa tài sản thì tuyệt đối không thể được, vì thế hai người tan rã trong không vui. Chỉ không quá hai năm, Thẩm Phương vì cuốn vào án mưu phản mà bị tru tộc xét nhà, bức họa Núi Sông Vạn Dặm cũng một lần nữa trở về trong cung, nhập vào bảo khố của Hoàng gia."
Trước đó, những tin đồn về bí phương Trường sinh bất tử khiến người chú ý đến chân tích của bức Núi Sông Vạn Dặm có vẻ đều liên quan đến triều đại Huy Tông. Nhưng hiện giờ xem ra là đến triều đại Thẩm Phương mới có quan hệ.
Thẩm Phương bí mật cất giữ có lẽ chẳng phải là bí phương trường sinh bất tử gì đó mà là tài phú của ông ta. Suy đoán này có ba loại khả năng:
- - -- Một là nhà cửa cả trăm mẫu của Thẩm Phương không chứa hết số của cải, cho nên bèn cất giấu số lượng dư ra ở trên đảo, hòn đảo kia chính là kim khố riêng của ông ta. Tóm lại ông ta đóng đô ở vùng duyên hải Chiết Giang, ra biển rất thuận tiện.
- - -- Một khả năng khác là Thẩm Phương biết được Thái Tổ muốn xuống tay với ông, vì thế không chịu lưu lại tài sản tiện nghi cho Hoàng thượng bèn dời đi.
- - -- Loại thứ ba là sự kết hợp của hai loại khả năng trên.
Sở Dao cân nhắc: "Thẩm Phương không có con nối dõi, ông ta giấu tiền đi, vẽ lại bức họa Núi Sông Vạn Dặm thiếu một cái chấm, dùng phương thức này để lại tài sản cho người có duyên..."
Mà diều quan trọng là yêu cầu phải có cả hai bút tích giả và thực kết hợp, ít nhất phải nghiên cứu tỉ mỉ cả hai bức họa cả trăm cả ngàn lần đến nỗi khắc trong tâm khảm, khi đó mới có thể phát hiện điểm khác biệt cực kỳ bé nhỏ này.
Người có duyên trong cảm nhận của Thẩm Phương nhất định phải là người yêu thích hội họa. Cũng có thể nghiệm ra Thẩm Phương yêu thích hội họa bao nhiêu.
Sở Dao nghĩ ra vấn đề này thì đương nhiên Khấu Lẫm cũng nghĩ đến, vội vàng lăn long lóc bò xuống giường bước nhanh đi đến bên bàn nhìn chằm chằm khu vực Đông Nam hải trên bức họa Núi Sông Vạn Dặm: "Hòn đảo kia ở nơi nào?"
Sở Dao ngẩng đầu thấy hai mắt chàng ta tỏa sáng, cúi đầu thấy chân chàng ta còn chưa kịp mang giày, hoàn toàn đã quên chính mình còn có thương tích trong người, buồn cười hỏi: "Vừa rồi là ai nói có tiền cũng không mua được sức khỏe?"
Khấu Lẫm hưng phấn dùng hai tay ôm mặt nàng hôn một cái thật mạnh: "Trời giáng xuống một món quà lớn như vậy, ta tình nguyện sống ít đi mười năm."
"Đều chỉ là suy đoán, đừng vội vui mừng." Sở Dao ngưỡng đầu ra sau, ghét bỏ chiếc cằm lởm chởm râu chưa cạo cạ vào mặt nàng.
"Tám chín phần mười." Khi Khấu Lẫm nói chuyện khóe miệng cong lên, khó có thể tự khống chế. Phải biết rằng đây là di sản của nhà giàu số một Thẩm Phương, bị chôn hai ba trăm năm cho đến bây giờ sắp được phơi bày dưới ánh nắng mặt trời.
Nói xong lại nhéo nhéo má Sở Dao, tấm tắc cảm thán, "Trước đây ta thật nghe không nổi đám nho chua thổi phồng cái gì mà "thư trung tự hữu nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc", nghĩ thầm ta không không học hành gì cả chẳng lẽ sẽ không có mỹ nhân bên cạnh, không kiếm được tài phú bàng thân? Hôm nay ta mới biết được, đọc sách nhiều quả nhiên có tác dụng cực đại."
(Hai câu thơ trên trích trong bài Lệ Học Thiên được viết bởi vua Tống Chân Tông Triệu Hằng, muốn nói lên tầm quan trọng của việc học và đọc sách.
Thư trung tự hữu thiên chung túc;
Trong sách tự có ngàn bồ thóc
Thư trung tự hữu hoàng kim ốc;
Trong sách tự có nhà lầu vàng
Thư trung tự hữu nhan như ngọc;
Trong sách tự có người như ngọc)
Sở Dao thấy bộ dáng cao hứng phấn chấn của Khấu Lẫm giống như bảo tàng kia đã rơi vào trong lòng, sợ chàng ta hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều bèn nói: "Tốt nhất nên tìm lão sư giám định lại một chút. Khi Bắc Nguyên trao trả bức họa, những người rành về họa của Hàn Lâm Viện và Quốc Tử Giám đều tham dự nghiệm họa, lão sư đã nhìn rồi, tin rằng lão sư hắn vừa thấy là có thể biết ngay có phải bút tích thực hay không."