Bên Đây Mưa Bụi, Bên Kia Rực Rỡ

Chương 132: Nghĩa quân




Hắn thấy Ngộ Chân đại sư đã lâu không gặp nay nằm ngửa dưới chân tượng Thiên Vương, từ đầu tới chân bị dây thừng trói chặt.

A Thường sợ tới mức lảo đảo ngã ra nền tuyết phía sau. Sắc mặt hắn còn trắng hơn cả tuyết bên dưới: Ngộ Chân đại sư không trấn áp được hắn nữa, tú tài giấy lại tái xuất nhân gian. Vậy những bậc cha chú của hắn đã từng đắc tội với kẻ này sao có thể sống được nữa?

Nghĩ tới đây bầu nhiệt huyết của hắn cũng bị đông lạnh thành băng. Trong đầu hắn hiện giờ không còn suy nghĩ nào ngoài hai chữ: Chạy trốn. Còn không trốn sẽ bị nhốt tới trấn nhỏ mẹ hắn từng đi qua và bị con yêu quái này mổ thành một bộ xương khô.

Vì thế hắn vừa lăn vừa bò về phía nhà mình, trong tai mơ hồ nghe thấy tiếng nói chuyện nho nhỏ luồn theo gió.

Hai người trong chùa Càn Hóa quả thực đang nói chuyện.

Ngộ Chân vốn đang vặn vẹo trên mặt đất như con sâu lớn nhưng càng giãy thì dây thừng trên người càng bó chặt và hận không thể nghiền nát xương của ông ấy. Vì thế ông đành phải thức thời mà từ bỏ, đầu nhẹ nâng lên nhìn bóng người đang ngồi lù lù trên thân tượng.

“Bần tăng bị trói sắp tắt thở rồi, ngươi mau xuống nhìn xem có phải dây thừng bó sai chỗ rồi không? Ngươi cởi ra điều chỉnh một chút đi, nếu ta mà chết thì ngươi sẽ phí công đó.”

Nói xong ông thấy kẻ bên trên chẳng thèm để ý thì tiếp tục nói, “Ngươi cảm thấy ngồi cao như thế sẽ giúp ngươi có được dáng vẻ như tiên như phật ư? Bên trên đó toàn mạng nhện thôi, ngươi mặc một thân áo trắng như thế thì tốt nhất đừng làm bẩn vẫn hơn.”

Nhưng người bên trên vẫn không trả lời, giống như kẻ đó đã ngủ. Ngộ Chân tức muốn bốc khói và chỉ đành đưa ra đòn sát thủ: “Mắt ta ngứa lắm, ngươi xuống giúp ta xoa xoa đi, ngứa sẽ chết người đó.”

Bóng trắng phía trên rốt cuộc cũng bật cười. Hóa ra lại là giọng nữ, vừa giòn vừa vang, “Ngươi đừng phí công dụ ta xuống dưới nữa. Ta biết ngươi muốn làm gì ta.”

Ngộ Chân sửng sốt. Vừa rồi đánh nhau ông cảm thấy đối phương có một thân xương cốt tinh tế, nhưng qua vài hiệp lại phát hiện người này chiêu nào cũng tàn nhẫn nên mới cho rằng đây là một gã đàn ông độc ác. Lúc này nàng mở miệng lại là giọng nói ngọt ngào trong trẻo của phụ nữ, lại còn là một cô nương trẻ tuổi.

Nhân vật như thế này ở đâu ra vậy? Đã thế nàng còn nhìn thấu ý đồ của ông nữa chứ?

Ngộ Chân kinh ngạc và định nói cái gì đó nhưng lại nghe thấy người kia nói tiếp, “Ngươi đến từ Tây Vực nên giỏi thuật Chúc Từ, nếu ngươi dùng hai mắt nhìn chằm chằm đối phương sẽ có thể khống chế tinh thần của họ và để họ làm theo ý ngươi muốn.”

Nói xong thấy sắc mặt Ngộ Chân khẽ thay đổi thế là nàng tiếp tục, “Thuật Chúc Từ ở thời cổ đại còn gọi là vu thuật. Vu khi ấy không chỉ là người thông thiên địa mà còn là kẻ truyền lời giữa con người và thần. Bọn họ cũng từng được

Huỳnh Đế ban tặng một cái tên chính thức. Nghe nói Huỳnh Đế cũng xuất thân vu sư, mỗi lần xuất chinh ông ấy đều thực hiện một bộ nghi thức như hiến tế tổ tiên, bói toán cầu phúc để thôi miên binh lính trong bộ lạc. Bọn họ cùng nhau nhảy múa phất cờ cổ vũ cho bộ lạc. Sau đó binh lính sẽ như được thần linh tương trợ mà tăng cao sĩ khí, bởi vậy Huỳnh Đế mới đánh đuổi được Xi Vưu.”

Nói tới đây nàng lại cười, “Ta vẫn luôn cho rằng Chúc Từ chỉ là thuật pháp trong truyền thuyết, bởi ngay cả sư phụ của ta cũng không đoán ra cơ chế của nó. Nhưng một ngày kia ta lại nhìn thấy có người dùng nó trên người kẻ khác và thành công khống chế đối phương.”

Dứt lời thấy Ngộ Chân không nói một lời nàng lại hỏi, “Hòa thượng, ngươi biết người cũng sử dụng được thuật Chúc Từ giống ngươi mà ta nói đến là ai không?”

Ngộ Chân liếm liếm đôi môi khô ráo, “Mọi lời nãy giờ đều là ngươi nói, có liên quan gì tới ta đâu?”

Người ngồi phía trên cười cười, “Được rồi, ngươi không thích nói về hắn thì

chúng ta nói chuyện tới một kẻ khác đi.” Nàng nói tới đây thì chống má, đôi mắt màu hổ phách sáng ngời trong bóng đêm, “Vừa rồi ngươi nói nếu ngươi chết thì ta sẽ không thể lấy ngươi ra uy hiếp người khác đúng không? Hòa thượng, vậy người mà ta phải dùng ngươi để uy hiếp lại là ai?”

Ngộ Chân lườm nàng một cái rõ dài, trong bóng tối cũng nhìn thấy rõ.

Vị cô nương kia bị chọc cười và nhớ tới lời của người nào đó khi mô tả vị hòa thượng này thế là không nhịn được nói, “Lời đồn quả nhiên không sai, đại sư ngươi chẳng có nửa phần cẩn thận mà người xuất gia nên có.”

Khi nói chuyện nàng nhảy khỏi bức tượng. Áo trắng bồng bềnh như tiên tử nhưng đó không phải đồ bằng giấy mà là một bộ quần áo bằng tơ tằm. Nàng lướt qua Ngộ Chân và đi tới dưới chân Thiên Vương, tay sờ soạng cái chân dính đầy bụi đất và ấn một ngón chân cái.

Một tiếng “tách” thật nhỏ vang lên, áo giáp phía sau lưng tượng Thiên Vương chậm rãi trượt qua hai bên để lộ một cái cửa hang đen tuyền bên trong. Vị cô nương kia không chui vào đó mà chỉ dùng đôi mắt ngó Ngộ Chân, “Chỗ này giấu đầy binh khí, đao, thương, kiếm, kích. Một kẻ xuất gia như ngươi nghĩ cái gì mà lại giấu mấy thứ đánh giết trong chùa miếu vậy hả?”

Ngộ Chân “hừ” một tiếng sau đó lật mình một cách thô lỗ, “Nếu ngươi đã biết hết rồi thì hai ta đừng có đánh đố nữa. Quá không thú vị!”

Vị cô nương kia vỗ tay, “Ta cũng cực kỳ không thích che che giấu giấu, nhưng ta còn một việc chưa suy nghĩ cẩn thận mong đại sư giải đáp nghi hoặc cho ta.”

Ngộ Chân thổi bông tuyết sắp bay tới mũi mình và “hừ” một tiếng, “Cô nương thông minh như thế mà còn có việc không nghĩ được hả?”

“Là…… bảy nhóm người mang tin tức.”

Ngộ Chân ngơ ngẩn thật lâu mới nở nụ cười kỳ quái thê lương. Đôi mắt ông ấy nhìn vạt áo bằng tơ lụa của nàng và nói, “Trước khi hắn tới đây, người nơi này thậm chí còn chẳng biết tơ lụa là cái gì.”

“Hắn là ai?”

“Tiên hạc tú tài ấy. Hắn xuất hiện lúc sao Hôm lên, mang theo như ý và cát tường cho thế gian,” Ngộ Chân nói, ánh mắt xuyên qua tuyết rơi và dừng lại ở cái đêm cách đây 20 năm, “Ngươi xem, sau khi hắn tới, người ở Luân Đài bắt đầu đọc sách, học chữ, thậm chí bọn họ không còn tình nguyện tuân theo vận mệnh bị áp bức, bắt nạt nữa mà bắt đầu phản kháng.”

20 năm trước, một vị tú tài mặc áo trắng bị vùi lấp trong tuyết lớn ở Luân Đài. Hắn được một gia đình nông dân cứu, sau đó dưỡng bệnh trong chùa Càn Hóa và dạy đám nhỏ đọc sách thánh hiền, hiểu chuyện thiên hạ.

Bọn nhỏ đều rất thích hắn. Bởi vì hắn mở ra một mảnh trời để tụi nó chỉ cần ngẩng đầu là có thể nhìn thấy mây trắng và tương lai rộng mở.

Rồi sau đó có hai đứa trẻ bị giết liên tiếp, thi thể chỉ còn lại xương trắng, thảm không nỡ nhìn.

Ban đầu các thôn dân hoài nghi do thư sinh gây ra. Thậm chí khi hắn ôm bộ xương của đứa trẻ thứ hai trong lòng bọn họ còn coi hắn là yêu quái. Nhưng vào cái đêm thư sinh bị đuổi đi thì đứa nhỏ từng cứu mạng hắn lại gặp được hung thủ thực sự.

Đó là một con sói lông bạc, lúc nằm bả vai nó đã cao tới cổ một người trưởng thành còn khi đứng lên thì nó to như một cái nhà.

Hòa Hương bị con sói kia cắn cổ nên hôn mê. Lúc con sói kia muốn kéo đứa nhỏ vào rừng và gặm sạch sẽ như hai đứa trẻ trước thì thư sinh xuất hiện.

Hắn vẫn luôn trốn ở thôn bên không đi là để bắt được con súc sinh ăn thịt người này.

Thư sinh có võ công siêu quần, nhưng hiện tại hắn bị thương chưa khỏi, tay lại không một tấc sắt mà phải đối đầu với một con quái vật như thế nên trận chiến

ấy đúng là ngươi chết ta sống, vô cùng thảm thiết. Đêm đó thư sinh mất ba ngón chân, một mảnh da lưng, còn con súc sinh bị vặn gãy cổ.

Đương nhiên, ngươi nhất định đã nghe thấy một phiên bản hoàn toàn khác. Ở đó thư sinh được miêu tả thành tú tài giấy, một con yêu quái khát máu. Còn Hòa

Hương được đại sư ta đây cứu vớt.

Chúng ta đương nhiên phải kể một câu chuyện xưa như thế. Tuy nó không phải hoàn toàn bịa đặt bởi nó là một giấc mộng của Hòa Hương trong lúc hôn mê.

Nhưng giấc mộng này sau đó được chúng ta sử dụng để bảo vệ thư sinh không bị đám quan binh đuổi bắt làm hại.

Binh lính của Hô Bóc rất sợ và kính trọng quỷ thần vì thế câu chuyện xưa này giúp ngăn cản không cho chúng quấy rầy chùa Càn Hóa trong nhiều năm.

Hẳn ngươi cũng biết thân phận thực sự của thư sinh nếu không hôm nay ngươi cũng chẳng tới đây, cũng sẽ không đoán được trong thân tượng Thiên Vương giấu đầy binh khí.

Đúng vậy, tú tài giấy chính là lãnh tụ Trương Thường Thanh của nghĩa quân mà Tân Lê Vương Hô Bóc treo thưởng vạn lượng vàng để truy lùng.

Vốn hắn là hậu duệ của danh gia vọng tộc ở khu đất bồi được Đại Yến bồi thường cho Tân Lê. Cha hắn từng làm tới chức Lại Bộ thượng thư nhưng lúc Thường Thanh được sinh ra thì Đại Yến đã mất quyền kiểm soát ở khu vực ấy. Vì thế dù là danh gia vọng tộc nhưng dưới sự thống trị của Tân Lê hắn cũng phải chịu đựng sự ức hiếp của binh lính và quý tộc Tân Lê giống người dân bình thường. Lớn lên trong hoàn cảnh ấy nên từ nhỏ Thường Thanh đã lập chí chống lại sự tàn bạo của Tân Lê và trở về Đại Yến.

Từ nhỏ hắn đã khắc khổ nghiên cứu binh pháp, mài giũa võ nghệ rồi dùng hết tài sản làm quân phí để bí mật tuyển quân và huấn luyện những người có cùng lý tưởng. Bọn họ thành lập lực lượng chống lại Tân Lê, đồng thời thu nạp những người lưu vong sau khi khởi nghĩa chống Tân Lê thất bại. Bọn họ âm thầm chờ đợi thời cơ và chỉ trong mấy năm ngắn ngủi con số đã lên tới ba vạn người.

Trước khi tới Luân Đài, nghĩa quân của Thường Thanh đã thu được hai châu ở Dưa Sa và đang chuẩn bị thu phục Y Châu thì bị quân đội Tân Lê phản công. Thường Thanh mang quân chống trả nhưng lại đi lạc và bị quân Tân Lê đuổi tới gần Luân Đài mới chạy thoát.

Hắn và ta có chút quen biết nên khi gặp nạn mới đến chùa Càn Hóa tìm ta.

Nhưng khi ấy ta vừa lúc đi xa nên hắn ở lại đây ba tháng, còn vì thế suýt mất mạng.

Nhưng cũng không phải không có thu hoạch gì bởi trong ba tháng ở Luân Đài, Thường Thanh đã thấy vô số gian khổ: nửa năm ăn trấu nửa năm ăn cơm, trên không một miếng ngói, dưới không một tấc đất.