Tình hình chiến sự tồi tệ hơn nhiều so với tưởng tượng, Cô Mặc quốc có chuẩn bị mới đến, không biết chúng thuyết phục các nước nhỏ xung quanh thế nào mà Ôn Túc, Tư Lục, Quy Tư liên hợp đại quân đánh tới với khí thế quyết chiến đến cùng.
Hai bên giao chiến ba đợt, quân Địch Nhung thua trận, tổn thất nặng nề.
Tư Luật giận dữ, triệu tập toàn bộ binh mã thề chiến đến cùng, trận chiến này đánh gần nửa năm không ngừng nghỉ, binh mã Cô Mặc nhiều gấp ba lần Địch Nhung nhưng vẫn chưa thể vào trong biên giới Địch Nhung.
Quân Địch Nhung dựa vào binh mã mạnh mẽ thiện chiến cùng tài dẫn binh của Diệp Đinh đánh tập kích bất ngờ hết trận này đến trận khác.
Trong quân ai cũng biết đại tướng dẫn quân là Diệp Đinh, ban đầu chúng quân sĩ còn không muốn phục tùng vị tướng lĩnh từng là phe địch này. Sau đó phải nhờ Tư Luật cưỡng chế đè ép mọi tiếng hô bất mãn, một tay đưa Diệp Đinh lên chức vị thống soái.
Diệp Đinh đương nhiên không bỏ uổng tấm lòng của Tư Luật, mỗi lần ra trận đều làm gương xông lên trước trận chém giết, cuối cùng với phong cách chiến đấu cứng rắn và sách lược chống địch sắc bén thắng được mấy trận chiến gần như không thể cứu vãn. Khoảng hơn nửa năm sau, Diệp Đinh có được địa vị vững chắc trong quân, tất thảy vạn quân đều phục tùng.
Thế nhưng không phải mọi sự đều do con người quyết muốn là được, đứng trước binh lực tuyệt đối của Cô Mặc, mỗi lần Địch Nhung nghênh chiến là lại một lần tổn thương nguyên khí.
Cố gắng chống cự đến cuối tháng Mười, quân Địch Nhung đã bị ép phải rút lui ngàn dặm.
Không khí trong quân càng lúc càng u ám, khắp nơi toàn là vẻ mặt bi ai của binh lính bị thương.
Thân thể Diệp Đinh mấy năm trước hư hao quá mức, trải qua mấy trận mưa thu càng lúc càng suy sụp rõ rệt.
Nhưng tình thế chống đỡ được đến giờ quá nửa nhờ có hắn thì sao hắn có thể gục ngã, hàng đêm hắn luôn phải đè nén tiếng ho thật nhỏ, chỉ sợ bị người nghe thấy sẽ càng khiến lòng quân tan rã.
Diệp Đinh cầm từng quân cờ trên sa bàn diễn luyện trong tay, vừa mới gom được một nửa thì cửa lều doanh đã bị đẩy ra kéo theo một luồng gió lạnh vào trong.
Sa bàn ầm ầm lật úp lại, phủ một đống cát lên người Diệp Đinh.
Diệp Đinh dụi mắt, cau mày nói:
"Tính tình thối tha thế này, ai có thể chịu được ngươi."
Tư Luật kéo mạnh Diệp Đinh tới, đẩy mạnh hắn một cái đè lên vách đá.
Diệp Đinh nhăn mặt, nhìn thẳng vào hai mắt Tư Luật.
Không biết đã chịu đựng bao đêm chưa từng có một giấc ngủ yên, hai mắt Tư Luật đỏ bừng hằn đầy tơ máu, tóc rối tung, giọng nói cố nén tức giận hơi run rẩy:
"Diệp Đinh, ngươi viết thư xin Thượng kinh chi viện?"
Ánh mắt thản nhiên của Diệp Đinh quay sang bên cạnh nhìn về phía trăng sáng sao thưa ngoài cửa sổ, hắn thờ ơ đáp:
"Ừ."
Ánh mắt Tư Luật càng đỏ sậm hơn, hắn lập tức bóp chặt cổ Diệp Đinh, quát to:
"Ai kêu ngươi viết? Ai bảo ngươi tự làm theo ý mình?"
Phổi của Diệp Đinh vốn bị tổn thương, bị Tư Luật bóp mạnh như vậy thì không kìm được ho khan sặc sụa. Hắn cố hết sức gỡ ngón tay Tư Luật đang kẹp qua cổ, cố nén ngụm máu đang bốc lên trong ngực, cười giễu cợt:
"Tư Luật, ông đây đánh giết giùm ngươi mệt sắp chết, giờ không muốn đánh tiếp không được chắc?"
Đồng tử mắt Tư Luật rụt mạnh, kinh ngạc nhìn hắn:
"Diệp Đinh!"
Diệp Đinh lạnh mặt, không muốn nói nhiều.
Tư Luật chợt nổi giận, bóp chặt cằm Diệp Đinh, cắn xé đôi môi hắn.
Diệp Đinh thúc khuỷu tay lên đánh lại, không ngờ Tư Luật chẳng những không tránh né mà bấp chấp bị thương để đè chặt hắn xuống.
Môi răng va chạm cắn xé, mùi máu ngập trong khoang miệng, lửa giận và căm hận của Tư Luật biến thành răng nhọn cắn rách môi lưỡi của Diệp Đinh.
Diệp Đinh thực sự nổi giận đấm đá lung tung với Tư Luật, từng cú đấm đá cực kỳ nguyên thủy và hung dữ, cuối cùng hai người mình đầy thương tích nằm vật ra đất, thở hồng hộc buông nhau ra.
"Đồ chó điên Tư Luật."
Diệp Đinh quệt máu rỉ bên khóe môi, lảo đảo đứng dậy, lạnh lùng nói:
"Chờ xem, ta sẽ chống đỡ được giúp ngươi đến lúc Hoa quân chi viện."
Diệp Đinh không hề quay đầu vén rèm bỏ đi, lều doanh đằng sau còn truyền đến tiếng rống giận dữ và tiếng đập phá đồ đạc trút giận của Tư Luật.
Hắn đã ở mảnh đất này gần năm năm, mỗi ngày nhìn người dân trong tộc lùa dê bò đi qua đi lại trong ánh bình minh, nhìn các cô gái trẻ giặt quần áo bên dòng suối vung chày gỗ lên khiến bọt nước vẩy ra khắp nơi, cũng nhìn đàn ngựa vạn con tung vó hòa cùng mây trắng nơi chân trời xa xăm và triền núi xanh mướt trước mắt.
Nếu có một ngày những con người ấy rơi vào kiếp sống nô lệ, Diêp Đinh thật không nỡ.
Quân đội Địch Nhung không gắng gượng được bao lâu nữa, Diệp Đinh ngầm hiểu, Tư Luật lại càng hiểu rõ. Đối với một Địch Nhung lệ thuộc vào nước Hoa, đối tượng nên cầu cứu nhất chính là nước Hoa, nhưng Tư Luật từ chối.
Lý do từ chối chính là vì hắn.
Một khi đã thế, Diệp Đinh tự tay viết một lá thư xin cứu giúp gửi về Thượng kinh, cầu quân đội chi viện đến bảo vệ mảnh đất này.
Nếu lá thư này có thể đến tay Ngụy Uyên, quân chi viện đương nhiên sẽ đến bằng tốc độ nhanh nhất. Mà ánh sáng bị che lấp nhiều năm trước cũng sẽ lộ ra trước mắt thế gian, con đường sau này phải đi thế nào vẫn là một ẩn số.
Diệp Đinh vẫn là Diệp Đinh đó.
Thế nhưng Tư Luật đã không còn là Tư Luật có thể không hề do dự dùng Diệp Đinh để đổi lấy thành trì.
Diệp Đinh thở ra một hơi lạnh lẽo, liếc mắt nhìn về lều doanh đằng sau, nếu hắn còn ngây ngốc ngồi bên trong thêm một lúc chỉ e Tư Luật sẽ muốn giết cả hắn.
Nhà họ Diệp có lối chữ viết rất riêng biệt được sĩ tử trong thiên hạ đua nhau phỏng theo, nhưng hiện tại người thật sự kế thừa được khí khái của lối viết ấy trên đời chỉ có Diệp Đinh.
Thái tử Ngụy Hành bái Thủ phụ Nội Các Hồ Lễ làm thầy của Thái tử, thuở nhỏ sử dụng bảng mẫu luyện chữ đều là bút tích trước đây của Diệp Đinh.
Con kế thừa thư pháp của cha, mỗi một đường bút nét vẽ đều mang dáng dấp của Diệp Đinh.
Hồ Lễ nói, người cha ngốc kia của người tuy hơi ngây thơ ấu trĩ, nhưng thư pháp xinh đẹp hạng nhất, giống hệt con người hắn.
Thái tử tuổi còn tuổi nhỏ, nét bút tuy còn non nớt nhưng đã đủ lộ ra cốt cách của thư pháp nhà họ Diệp, điều này khiến Ngụy Uyên cảm thấy vui mừng.
Hồ Lễ ngày ngày dạy Ngụy Hành đọc sách viết chữ nên cực kỳ quen thuộc với thư pháp của Diệp Đinh, khi vừa nhìn thấy phong thư cấp báo đến từ Tây Bắc, trái tim hắn suýt nữa vọt ra khỏi ngực. Sau khi kinh ngạc nhìn kỹ một hồi, sắc mặt cũng chợt xanh chợt trắng, cuối cùng hắn nghiến răng thấp giọng chửi bậy một câu, xoay người chạy vào trong điện.
Chủ Bộ ngồi cạnh phụ giúp sắp xếp giật mình choáng váng, thầm than quái lạ khi thấy vị Thủ phụ đại nhân thường ngày vốn luôn điềm đạm ung dung lại có thể thô lỗ bạo nộ như vậy.
Trong cung, Ngụy Uyên vội vàng xử lý xong chính vụ rồi đi về phía sau điện.
Trên tháp rộng phủ tơ vàng gấm ngọc có hai em bé đang quấn lấy nhau, thấy Ngụy Uyên đến liền khua chân nhỏ nhào tới.
"Phụ hoàng!"
"Phụ hoàng, phụ hoàng!"
Ngụy Uyên cởi long bào, gỡ mũ miện, mỗi tay ôm lấy một bé vào trong lòng.
"Phụ hoàng thơm."
"Phụ hoàng thơm thơm."
Đáy mắt Ngụy Uyên lộ ra ý cười, hôn mỗi nhóc một cái.
Hai công chúa nhỏ cười khanh khách tranh nhau ôm chặt cổ phụ hoàng, dùng giọng nói mềm mại nũng nịu kể những việc mình làm khi phụ hoàng vắng mặt.
Ngụy Uyên nhìn hai cô con gái mềm mại đáng yêu như hai đóa hoa trong lòng, dáng vẻ ngây ngơ cùng hai bím tóc lắc lắc khiến mệt mỏi trong mắt đều tan đi, hắn ôm hai bé con đến điện phụ, đặt lên tháp mềm.
"Hôm nay muốn ăn gì?"
Đại công chúa Ngụy Diệu nói:
"Lê tuyết hầm."
Tiểu công chúa cũng gật đầu.
"Vâng."
Ngụy Uyên xoa lọn tóc mềm trên trán con gái, nói:
"Được, ngoan ngoãn ngồi yên, phụ hoàng làm cho các con."
Trong điện phụ có đầy đủ dụng cụ làm bếp, Ngụy Uyên chọn mấy quả lê tuyết Nam Tân đưa tới từ trong tay người hầu, vén tay áo rửa sạch tay, cẩn thận lột vỏ, quả lê tròn trịa dày thịt mọng nước trắng như tuyết cực kỳ ngon mắt.
Đại công chúa và tiểu công chúa ngồi trên tháp lật dây hoa, nước sôi lục bục trên bếp lò nhỏ bằng gốm nâu đỏ.
Mùi hương ngọt ngào của lê tuyết hòa lẫn trong làn hơi nước, Ngụy Uyên thỉnh thoảng quay đầu lại trông chừng con gái, đề phòng mình sơ sảy không thấy hai bé con ngã khỏi tháp. Hai chị em Ngụy Diệu và Ngụy Tiêu sinh ra đã xinh đẹp như tượng khắc ngọc mài, lại rất ngọt ngào ấm áp khiến Ngụy Uyên cực kỳ yêu thương.
Ngụy Uyên múc lê tuyết vào trong đĩa sứ men xanh, tuyết lê tròn xoe nổi bật trên chiếc đĩa vẽ hoa văn xanh trắng trông rất đáng yêu. Tiện tay khắc thêm đóa hồng đặt lên trên, hoa nhỏ tinh xảo rực rỡ ướt át khiến lê tuyết càng thêm óng ánh mọng nước.
Y vừa bưng đĩa sứ lên đã có người đến thông báo, nói là Hồ Thủ phụ dáng vẻ gấp gáp vội vàng chạy đến, hình như có việc gấp.
Ngụy Uyên đang muốn gọi người vào gặp, còn chưa kịp quay đầu lại nói một câu với Hồ Lễ ào vào như con gió một câu, đã thấy Hồ Lễ run tay giơ lên một tờ giấy, dáng vẻ như hận không thể dán luôn tờ giấy ấy lên mặt y.
Ngụy Uyên theo bản năng nhìn lướt qua tờ giấy kia, bên tai liền vang lên một tiếng choang vỡ vụn.
Thứ vỡ trên mặt đất là đĩa men xanh, thứ nát trong lòng y lại là nỗi nhớ nhung đau đớn chảy thành sông kéo dài suốt bốn năm.
Khoảnh khắc con đê vỡ, toàn bộ lý trí cũng tan thành mây khói, vực sâu trong lòng dâng lên từng đợt sóng to gió lớn.
Hai công chúa nhỏ ngơ ngác nhìn lê tuyết nát dưới đất, ngước lên nhìn thì thấy sương mù trong đáy mắt phụ hoàng ngưng tụ thành nước mắt, từng giọt rơi xuống làm nhòe nét bút trên giấy.