Bảy Thanh Hung Giản

Quyển 1 - Chương 14




Một Vạn Ba được một đêm nằm mơ đến là ngọt ngào, lúc rời giường khóe miệng không cưỡng được cứ cong cong, đến lúc dọn đồ ăn sáng, không thấy Mộc Đại đâu, tinh thần lại càng khoan khoái, rất tích cực chia bát múc cháo cho mọi người, còn giả đò quan tâm hỏi Hoắc Tử Hồng: “Cô chủ nhỏ…sẽ không sao chứ ạ?”

Hoắc Tử Hồng ừ một tiếng: “Chắc sẽ ủ rũ mất vài ngày.”

Chỉ ủ rũ mất vài ngày thôi á? Một Vạn Ba không khỏi buồn bực, chứ không phải là sẽ không gượng dậy nổi sao?

Chú Trương ngồi bên cạnh hừ một tiếng: “Bị dao rạch cho một nhát, ban đầu sẽ ào ào chảy máu, nhưng mấy ngày sau không phải là vết thương sẽ đóng vảy sao? Cô chủ nhỏ không sao đâu.”

Một Vạn Ba vẫn cố ngoi ngóp giãy chết: “Vậy thì cũng phải từ từ, khôi phục lại từng chút một chứ?”

Hoắc Tử Hồng buông một câu đập bẹp hi vọng của hắn: “Mộc Đại không giống vậy.”

Bà ấn một ngón tay lên mặt bàn, giây tiếp theo bật ngược ngón tay lên cao: “Con bé là thế này, giống như lò xo vậy, sẽ nhanh chóng bật ngược lại, cậu cứ chờ mà xem.”

***

Ăn sáng xong, Tào Nghiêm Hoa đang trọ gần đó là người đầu tiên đến báo danh, lấy cớ là để học việc kinh doanh quán bar hằng ngày, nhưng kỳ thật thì tròng mắt chỉ dính lên tầng trên: “Em gái Mộc Đại của tôi đâu rồi?”

Vừa dứt lời đã thấy Mộc Đại tinh thần uể oải đi xuống từ tầng trên. Một Vạn Ba giả bộ cúi đầu lau ly, trong lòng thầm rủa: “Ngã đi, ngã đi.”

Thấy cô bình an vô sự xuống tới bậc cuối cùng, không thể làm gì khác đành đổi sang cầu nguyện: “Đừng bật ngược, đừng bật ngược.”

Trời xanh cũng coi như còn quan tâm đến hắn, chung quy thì hôm nay Mộc Đại không có dấu hiệu gì là sẽ bật ngược. Cô đi thẳng tới bên bàn ngồi xuống, mở nắp chung trà, không nói tiếng nào lặng lẽ ăn bữa sáng.

Hoắc Tử Hồng cười cười đi tới, cầm một cái vỏ bánh nướng lên, giúp cô cuộn trứng và khoai tây sợi xào cay, rồi đưa cho cô: “Đánh không lại người ta, bắt không được người ta, đều là chuyện nhỏ cả, thí sinh nhiều vậy mà quán quân chỉ có một, chẳng lẽ từ kẻ đứng thứ hai trở xuống, đều chỉ còn nước nhảy lầu thôi sao?”

Mộc Đại nhìn bánh cuộn, không đáp lời ngay: “Dì Hồng, dì là con gái của giáo sư Lý phải không?

“Hôm qua, sao La Nhận lại động thủ với dì? Hắn ta động thủ thì là hắn ta không đúng, tại sao không báo cảnh sát?”

Hoắc Tử Hồng khẽ máy môi, lại cười: “Mộc Đại của chúng ta giờ thành cái kho mười vạn câu hỏi vì sao rồi.”

Bà đặt bánh cuộn vào cái đĩa cạnh bát cháo của Mộc Đại: “Chuyện liên quan tới quá khứ, sau này cũng đừng hỏi nữa. Đã là chuyện từ rất lâu rồi, dì cũng không muốn nhắc lại.”

Mộc Đại không nhìn bà, cúi đầu khuấy khuấy cháo trong bát: “Có một số việc, dì không muốn nói đến, nhưng người khác sẽ không theo ý dì. La Nhận sẽ không buông tay.”

Ánh mắt Mộc Đại rơi lên tay Hoắc Tử Hồng.

Tay Hoắc Tử Hồng, tuy không phải là trắng nõn nà như cọng hành lột lá, nhưng cũng coi như thon dài, được chăm sóc cẩn thận. Theo cách nói của các cụ thì chính là tay của các tiểu thư phu nhân chưa từng làm việc nặng.

Năm thứ hai tiểu học thì bỏ học phụ cha mẹ bán hàng ư? Mộc Đại không phải là chưa từng nhìn thấy tay của người bán rau, những đôi tay đó luôn dính đầy bùn đất từ những mớ rau tươi mới vừa được hái xong, màu bùn đọng lại trong vân da, dùng xà phòng chà rửa thế nào cũng không thể tẩy sạch.

***

Ăn sáng xong, nhân lúc Hoắc Tử Hồng mải nói chuyện với chú Trương dưới quán, Mộc Đại lẻn vào phòng bà. Căn phòng này, cô thường ngày vẫn hay ra vào, cho tới giờ cũng chưa từng để ý nhiều lắm, lần này vào lại mang theo tâm lý dè chừng cẩn thận, ngực như bị thứ gì đó đè ép, buồn bực cực kỳ.

Đầu giường dì Hồng đặt một cuốn sách để đọc trước khi đi ngủ, là cuốn “Bình giải Thế thuyết tân ngữ (*)”, trên bàn đặt một quyển sách tham khảo các kiểu hoa văn phục sức dân tộc, trước đó bà từng đề cập muốn mua lại một cửa hàng mặt phố, đồ vải vóc mỹ nghệ là một trong những ý tưởng kinh doanh hàng đầu, hoa văn trang trí nhuộm ghim nhuộm sáp trên vải phải là do tự bà vẽ lấy, không thể là kiểu bán đầy ngoài chợ được.

(*) Thế thuyết tân ngữ (世说新语) là một cuốn sách được viết vào thời Nam Tống, do một nhóm các văn sĩ được Lưu Nghĩa Khánh tập hợp biên soạn, nội dung chủ yếu là ghi chép lại những câu chuyện và lời nói của một số danh sĩ từ thời Đông Hán đến thời Tấn – Tống, được coi là tập tiểu thuyết bút ký tiêu biểu trong kho tàng văn học cổ Trung Hoa, là bộ văn ngôn chí nhân (sách cổ ghi chép về việc người) đầu tiên của Trung Quốc.

Bình giải Thế thuyết tân ngữ là sách diễn giải, phê bình Thế thuyết tân ngữ.

Trên kệ tủ nhiều ngăn là vài món đồ lặt vặt mà dì Hồng cất giữ, có tượng đất hoàng bàn (*), có đèn lồng thủ công đặc biệt do nghệ nhân lành nghề chế tác với số lượng giới hạn, còn có một cái hồ lô được trang trí hoa văn in bằng sắt nung.

(*) Hoàng bàn (黄胖) là một món đồ chơi dân gian, được nhắc đến trong “Tứ triều văn kiến lục” của Diệp Thiệu Ông: “Hàn (tức Hàn Thác Trụ, tể tướng thời Nam Tống) nhân trong tiệc rượu ngày xuân của gia tộc tổ chức bên Tây Hồ, đã lấy đất nặn thành tượng, gọi là hoàng bàn. Phỏng theo bức đầu tiên mà làm thành hơn mười tượng, du khách lại ngỡ là món đồ đặc trưng của xứ ấy.”

Khi còn nhỏ xem “Bát tiên quá hải”, cô từng lấy trộm cái hồ lô đó, mở nắp đổ nước ngọt vào, trèo lên bàn học bắt chước Thiết Quải Lý (*), vừa cười ha hả vừa tháo hồ lô đeo trên thắt lưng xuống, ngửa đầu đổ nước ngọt vào miệng, đổ được một nửa thì bị dì Hồng lấy lại hồ lô đem đi. Cô cứ tưởng sắp bị đánh, cụp đuôi theo dì Hồng vào nhà, ai ngờ dì Hồng lại nói: “Mộc Đại, đây là hồ lô đựng dế đó.”

(*) Bát tiên là một nhóm tám vị tiên trong thần thoại Trung Hoa, là những thần tiên trừng trị điều ác, ca ngợi điều thiện, giúp đỡ người khó khăn. Bát tiên phần nào phản ánh con người trong xã hội, với các độ tuổi khác nhau, nam nữ già trẻ, phú quý bần hàn, văn sĩ võ tướng, khỏe mạnh tàn tật, đáp ứng mọi nhu cầu thờ bái của các giai tầng trong xã hội. Truyền thuyết Bát tiên quá hải kể về cuộc hành trình chu du thiên hạ của bát tiên sau khi dư tiệc Bàn đào của Vương Mẫu.

Thiết Quải Lý đứng đầu Bát tiên. Tương truyền ông là người triều Tùy, họ Lý, tên Huyền, thường xuất hồn thoát xác đi vân du. Một lần xuất hồn đi triều bái Thái thượng lão quân, đệ tử của ông lỡ đem xác ông đốt mất, lúc trở về không còn xác để nhập, đành nhập vào xác của một người ăn mày bị chết đói. Vậy nên ông thường được miêu tả là một lão ăn mày rách rưới, bị què một chân, hông đeo hồ lô, tay chống quải trượng, pháp thuật vô biên.

Mắt cô trợn to như chuông đồng: “Hồ lô đựng dế, nuôi dế ấy ạ?”

Dì Hồng nói: “Đúng vậy.”

Rồi bà kể cho cô nghe chuyện người xưa khi nuôi những loài côn trùng có tiếng kêu, thường dùng hồ lô đựng cho đẹp. Chọn hồ lô nuôi trùng cũng có lưu ý riêng, gọi là “tử, nhuận, kiên, hậu (*)”, để giữ gìn, có người còn dùng vải nhung làm bao đựng hồ lô.

(*) Có nghĩa là chọn hồ lô màu tím, thân sáng bóng, thành cứng và dày.

Cô chẳng lọt tai được bao nhiêu, trong đầu chỉ nghĩ: Thôi xong, không chừng bao nhiêu nước tiểu của con dế nuôi trong hồ lô đều vào bụng mình hết rồi…

Bây giờ nhớ lại, dì Hồng quả là có học vấn, cứ như lớn lên trong thế gia thư hương.

Lòng Mộc Đại chợt căng thẳng.

Dì Hồng và cô gái tên Lý Á Thanh kia vẻ ngoài giống nhau như đúc, chính Lý Thản cũng thú nhận rằng giáo sư Lý có một cặp con gái sinh đôi, La Nhận còn thẳng thắn chỉ ra rằng dì Hồng vốn không giống Hoắc Tử Hồng sống ở số 12 ngõ Trần Tiền, hồ Lạc Mã trước đây…

Lẽ nào người chết ở hồ Lạc Mã, bị dây câu móc thành con rối mới là Hoắc Tử Hồng thật, mà người hiện đang sống dưới cái tên Hoắc Tử Hồng lại chính là…Lý Á Thanh?

***

Nhìn lại Hoắc Tử Hồng, Mộc Đại làm thế nào cũng không thể lấy lại được cảm xúc như trước kia, cũng không sao liên hệ bà với một dì Hồng ngây thơ đến độ khiến người ta tức ói máu được nữa.

Cô ngồi xuống cái bàn bên cạnh cửa sổ, lấy giấy bút khẩn trương viết lại những gì mình đang nghĩ.

Nếu như dì Hồng thực sự là Lý Á Thanh, bà đã giấu giếm sự thật này rất nhiều năm nay, không thể hồn nhiên vô tư như bà thường thể hiện bên ngoài thế được, hay nói cách khác, lời dì Hồng chưa chắc đã là sự thật.

“Cô tận mắt thấy tôi động vào Hoắc Tử Hồng sao?”

Cũng không phải thấy tận mắt, chỉ là nghe thấy tiếng kêu kinh hãi, sau đó thì thấy La Nhận bóp cổ dì Hồng rồi đẩy mạnh bà ra.

Nếu là dì Hồng động đến La Nhận trước thì sao? Trước đó bà đã bày bố, bà biết nếu công kích La Nhận, chắc chắn anh sẽ tự vệ, mà khi La Nhận động vào bà thì bà lập tức cố ý thét lên…

Mộc Đại bị chính ý nghĩ của mình dọa sợ, cô hốt hoảng xé nát vụn tờ giấy trước mặt rồi ném xuống đất, hai tay nắm tóc nằm rạp lên mặt bàn.

Không phải không phải không phải, nghĩ như vậy là không đúng, La Nhận là một con quỷ, chỉ hai ba câu nói đã dẫn dụ được cô hoài nghi dì Hồng.

Tào Nghiêm Hoa lạch bạch chạy tới. Gã thấy Mộc Đại nổi nóng vo giấy xả giận, cảm thấy đây chính là thời cơ.

“Em Mộc Đại này, đừng vì chuyện này mà tức giận, không đáng đâu.

“Thành thật mà nói, luận về thực lực, em bỏ qua cho lũ lưu manh gây chuyện ở mấy con phố gần đây, là đã chịu thiệt ở chỗ không đủ kinh nghiệm rồi. Nếu không phải do đối phương quỷ kế đa đoan thì sao có thể tính kế em như vậy được chứ.”

Gã chỉ là phỏng đoán, nhưng ăn nói lại hùng hồn lý lẽ đâu ra đấy, cứ như thể tận mắt thấy chuyện xảy ra tối qua. Có điều cũng gãi đúng chỗ ngứa, khiến người ta cảm thấy thỏa đáng.

Mộc Đại rốt cuộc cũng ngẩng đầu lên nhìn gã.

Tào Nghiêm Hoa nói đầy thành khẩn: “Chuyện thế này, thực ra hoàn toàn có thể tránh khỏi, em biết then chốt nằm ở đâu không?”

Tránh khỏi? Dù biết cái tên Tào Nghiêm Hoa này không mấy đáng tin, nhưng Mộc Đại vẫn bị khơi dậy lòng hiếu kỳ: “Then chốt là ở đâu?”

“Then chốt là ở chỗ, em thiếu một đồ đệ kinh nghiệm phong phú, võ công cào cường, tri kỷ đáng tin!

“Ấy ấy, em Mộc Đại, em đừng bỏ đi mà…”

Tào Nghiêm Hoa đuổi theo sau lưng Mộc Đại, không cam lòng tiếp tục ồn ào: “Em Mộc Đại, em nghĩ mà xem, nếu lại xảy ra chuyện như vậy, có một đệ tử chịu thương chịu khó xông ra, chính là anh đây, thì kể cả bị bắt bị đánh bị sợ bị khóc, cũng là anh đây chịu, không quan hệ gì đến em mà! Mộc Đại em à, em suy nghĩ thử xem…”

***

Đêm xuống, Mộc Đại mơ một giấc mơ.

Mơ thấy Hoắc Tử Hồng đi đến đầu giường cô, dịu dàng lay cô: “Mộc Đại, Mộc Đại, tỉnh lại đi.”

Cô rõ ràng đang tỉnh táo, lại không thể cử động, cũng không thể phát ra tiếng. Dì Hồng ngồi xuống bên giường cô, bắt đầu xe chỉ luồn kim.

Thân kim to như một chiếc bút, lỗ xỏ chỉ lớn bằng hạt đậu tương, sợi chỉ kia cũng rất kỳ quái, nhìn như được chập lại bởi vài sợi dây. Mắt cô thuận theo sợi chỉ lướt xuống, thấy sợi chỉ được rút ra từ một cái lưới đánh cá rất to trùm lên đầu gối dì Hồng.

Sàn nhà biến đâu mất, chuyển thành một mặt hồ lăn tăn gợn sóng, một nửa lưới đánh cá nằm dưới mặt hồ, mơ hồ còn có thể thấy trong lưới có cá đang giãy giụa.

Đột nhiên, cả mặt hồ rộng lớn chìm trong sương mù, chỉ có chiếc giường là lơ lửng.

Mộc Đại phát hoảng, muốn hỏi bà, dì Hồng, dì làm gì thế?

Trong họng như bị nhồi bông, nói thế nào cũng không ra được tiếng. Trên mặt dì Hồng lộ ra nụ cười kín đáo, chậm rãi thò tay qua, ấn chặt lấy đầu cô, tay kia cầm cây kim, xuyên thẳng vào gò má cô…

Cả người đổ mồ hôi lạnh, cẳng chân co lại đạp một cái, lại phát hiện ra mình đạp vào chăn, trái tim nháy mắt rơi về vị trí cũ, như trút được gánh nặng.

Có điều, không ngủ lại được nữa rồi.

Mộc Đại ôm chăn gối xuống nhà dưới, đi đến vị trí gần cửa sổ mà cô thường ngồi, lấy gối đầu kê lên cửa sổ, dựa lên ghế dài, ngả người xuống nửa nằm.

***

Ngũ đại hình thời thượng cổ.

Nguyệt túc.

Chân mày La Nhận cau chặt, đầu ngón tay gõ lên màn hình cảm ứng, trang mạng cũng theo đó mà hiện ra.

Điểm qua một vài nội dung tìm được, đều na ná như nhau: hình phạt, hình phạt thời thượng cổ Trung Quốc, khởi nguyên và sự phát triển của hình phạt, sự thay đổi từng bước của hình phạt theo tiến bộ của xã hội loài người.

Trong nội dung có nhắc đến, hình phạt cao nhất ở hiện đại, đơn giản chỉ là tử hình hoặc tù chung thân, các hình thức tử hình cũng không có nhiều loại lắm, thậm chí ở vài quốc gia và vùng lãnh thổ còn đề xướng việc tôn trọng nhân quyền, bãi bỏ tử hình, nói cách khác, sự tôn trọng đối với con người trong hình phạt cũng theo trình độ văn minh của xã hội mà ngày càng được nâng cao.

Mà ngược dòng thời gian về phía trước, vào thời thượng cổ, thậm chí là thời kỳ nô lệ, hình phạt đều rất dã man tàn bạo, điển hình nhất chính là ngũ đại hình.

Ghi chép sử sách sớm nhất là vào thời Hạ Khải (*), gồm có mặc (thích chữ vào mặt), nhị (xẻo mũi), nguyệt (chặt chân), cung (tước đoạt khả năng sinh sản), đại bích (tử hình).

(*) Vị vua thứ hai của nhà Hạ, trị vì từ năm 2197 TCN đến 2188 TCN.

La Nhận mơ hồ cảm thấy, lối suy nghĩ này là đúng. Chính miệng Lưu Thụ Hải đã thú nhận mình là kẻ sát nhân, sau khi chết, chuyện trên lưng thiếu mất một mảng da thì chưa giải thích được, nhưng chuyện bị chặt chân thì rất giống như là bị xử theo hình phạt.

Hơn nữa, bị chặt chân không phải chỉ có mình ông ta.

La Nhận bỗng cảm thấy buồn bực trong lòng. Anh đứng dậy đi tới cạnh cửa sổ, mở cửa ra cho thông khí, thuận tay giật mạnh cổ áo.

Đêm xuống người lặng, không khí ẩm ướt, ngọn đèn trong đêm tối trải dài trên những con đường quanh co khúc khuỷu, những phiến đá lát ánh lên thứ màu sắc mà chỉ ban đêm mới có. Nhìn về phía bên kia, cách xa xa ở phía đối diện là quán bar Họp Tan Tùy Duyên.

La Nhận nhìn một hồi, trong lòng chợt loé lên một ý nghĩ, lấy từ trong hành lý ra một cái ống nhòm có thể nhìn được trong đêm của Đức.

So với hiệu quả không thua gì kính viễn vọng vào ban ngày, công dụng của ống nhòm vào ban đêm bị suy giảm, nhưng anh vẫn nhận ra người kia là ai.

Khóe môi La Nhận hé ra nụ cười, lẩm bẩm: “Vẫn còn canh gác à?”