Bắt Trẻ Đồng Xanh

Chương 20




Tôi ngồi, nốc rượu không ngừng, đợi Tina và Janine bước ra nhưng hoá ra họ không còn ở đây. Một gã giống hệt đàn bà, tóc uốn xoăn tít bắt đầu chơi đàn dương cầm, sau đó một cô nàng duyên dáng, Valencia, bước ra hát. Chả có gì tốt đẹp ở ả cả, nhưng dù sao ả vẫn còn hơn hai chị người Pháp kia, ả còn hát được những bài tử tế. Dương cầm ở sát quầy bán thức ăn, nơi tôi ngồi, và cái ả Valencia ấy đứng khá gần tôi. Tôi nháy mắt với ả chút đỉnh, nhưng ả làm ra vẻ không nhận thấy. Có lẽ bình thường tôi cũng chẳng thèm làm điều đó nhưng tôi đã say mèm. Hát xong ả biến nhanh đến mức tôi không kịp mời ở lại uống chút đỉnh cùng tôi. Tôi gọi đầu bếp đến, bảo gã hỏi xem mụ già Valencia có muốn đi uống với tôi không. Hắn nói, sẽ hỏi ngay tắp lự, nhưng có lẽ hắn chẳng thèm chuyển lời đề nghị của tôi. Chẳng ai buồn chuyển hộ điều gì bao giờ, nếu bạn đề nghị.

Tôi ngồi trong cái bar chết giẫm ấy đến tận một giờ đêm, nốc vô tội vạ như một con sâu rượu. Tôi hoàn toàn say. Nhưng có một điều mà tôi vẫn nhớ rõ, không được làm ồn, không được gây lộn. Tôi không muốn mọi người chú ý đến tôi rồi lại hỏi bao nhiêu tuổi, chả hay ho quái gì hết. Nhưng tôi say quá chừng, thật khủng khiếp! Mà khi đã say thực sự thì tôi lại bắt đầu nghĩ ra cái tích chết giẫm này, cứ như có viên đạn nằm trong ruột tôi. Tôi ngồi ở bar với viên đạn găm trong ổ bụng. Lúc nào tôi cũng để một tay dưới áo để máu không nhỏ xuống sàn vì không muốn để lộ việc mình bị thương. Tôi giấu kín điều tôi, một thằng ngốc, bị thương. Rồi bỗng nhiên tôi muốn gọi điện cho Jane kinh khủng, để biết xem nàng đã về nhà chưa. Tôi bước đi tay vẫn cứ giữ chặt vết thương để máu khỏi nhỏ giọt. Tôi uống đến mức như vậy đấy!

Nhưng khi đã vất vả chui được vào một trạm điện thoại, tôi chẳng còn tâm trạng gọi cho Jane nữa. Có lẽ, tôi đã quá say. Thế vào đó, tôi gọi cho Sally.

- Allo! - Tôi la lên, khi thấy có người nhấc cái máy chết dẫm ấy lên. Thậm chí không phải là la nữa, mà là rống lên, tôi say quá mà.

- Ai gọi đó? - Một giọng đàn bà lạnh ngắt hỏi.

- Cháu đây. Holden Caulfield đây. Làm ơn gọi hộ Sally...

- Sally ngủ rồi. Bà nó đang nói đây. Tại sao anh gọi khuya vậy, Holden? Anh có biết mấy giờ rồi không?

- Cháu biết. Cháu cần nói chuyện với Sally. Rất quan trọng. Bà gọi cô ấy cho cháu.

- Sally ngủ rồi, anh bạn trẻ ạ. Mai gọi lại nhé. Chúc ngủ ngon!

- Đánh thức cô ấy dậy. Này, đánh thức cô ấy dậy. Bà nghe thấy không!

Rồi bỗng nhiên một giọng khác vang lên.

- Holden, tôi đây. - Hoá ra là Sally. - Lại một trò gì nữa đấy?

- Sally? Em đấy ư?

- Phải. Phải. Xin đừng có gào lên! Anh say phải không?

- Aha! Em nghe này! Nghe này, ê! Anh sẽ đến vào ngày trước lễ Giáng Sinh, đồng ý không? Anh sẽ cùng em chuẩn bị cái cây thông chết giẫm ấy.Được không? Này, Sally, được không?

- Được. Anh say quá rồi. Đi ngủ đi. Anh đang ở đâu, và đi với ai?

- Sally? Anh sẽ đến chuẩn bị cây thông, được chứ? Em nghe thấy không? Được chứ? Hả?

- Được mà. Còn bây giờ, anh đi ngủ đi. Anh ở đâu? Anh đi với ai vậy?

- Không ai cả. Anh, con người anh và chính bản thân anh. - Chà! Tôi say quá chừng! Tôi đứng ôm bụng: - Anh bị bắn lén! Bọn cướp Rocky giết anh. Em nghe thấy không. Sally! Sally! Sally này, em nghe thấy anh nói chứ!

- Em chả hiểu gì cả. Em cũng cần đi ngủ. Mai anh gọi lại nhé.

- Nghe này, Sally! Em có muốn anh đến tân trang cây thông không? Muốn không hả?

- Vâng! Vâng. Chúc anh ngủ ngon!- Rồi nó treo ống nói.

- Chúc ngủ ngon! Chúc ngủ ngon, Sally, em thân yêu! Mặt trời bé nhỏ của anh, cô bé đáng yêu của anh! - Tôi rên rỉ. Bạn có hình dung nổi tôi say đến mức nào không?

Sau đó, tôi đành treo ống nghe lên và nghĩ, có lẽ nó mới đi chơi về. Tự nhiên tôi tưởng tượng nó vui vẻ ở nơi nào đó cùng vợ chồng Lunt và thằng công tử bột từ Andover kia. Hình như chúng tụ trong một cái ấm trà khổng lồ và chuyện trò bằng thứ giọng cố tình thanh tao, điệu bộ phô trương, uốn éo. Tôi nguyền rủa mình vì đã gọi điện cho nó. Nhưng khi đã nốc say, tôi cứ như thằng không bình thường vậy.

Tôi đứng trong trạm điện thoại chết giẫm ấy khá lâu, ôm chặt máy để khỏi bất tỉnh. Nói thật, tôi cảm thấy trong người mệt quá chừng. Cuối cùng, tôi cũng ra khỏi được chỗ đó và vào nhà vệ sinh nam, chuệnh choạng như một thằng ngốc. Ở đó, tôi mở nước lạnh chảy đầy bồn rồi chúi đầu xuống cho nước ngập đến tận tai. Sau đó tôi cũng chả thèm lau đầu. Kệ thây nó, tôi nghĩ, cho nước chảy ướt rườn rượt như chuột lột. Sau đó, tôi lại gần máy thông hơi, bên cửa sổ, ngồi lên nó. Nó ấm áp quá chừng. Ngồi đó thật dễ chịu và tôi thì đang lạnh run như chó sói. Thật nực cười, nhưng cứ mỗi lần uống say, tôi lại lên cơn sốt.

Chả có việc gì làm cả, tôi ngồi trên cái máy thông hơi đếm gạch hoa trắng dưới sàn. Tôi ướt quá trời. Nước từ đầu chảy xuống cổ, cà vạt ướt sũng, cả cổ áo nữa, nhưng tôi nhổ toẹt vào chuyện đó. Bỗng gã đệm đàn cho Valencia, cái thứ công tử bột chết giẫm giống hệt đàn bà, có bộ tóc xoăn tít, bước vào, tay vuốt vuốt mái tóc quăn vàng của hắn. Tôi nói chuyện trong lúc gã chải đầu, dù gã chẳng niềm nở với tôi mấy.

- Nghe này, anh sẽ thấy cô Valencia khi trở về gian phòng chính chứ?- Tôi hỏi.

- Không loại trừ khả năng đó! - Gã trả lời. Gã khích đấy, rõ đồ ngu. Tôi thật may với mấy thằng ngu hóm hỉnh.

- Nghe này, anh chuyển hộ lời chào của tôi đến cô ấy nhé. Hỏi hộ xem lão đầu bếp đểu cáng đã chuyển lời của tôi đến cô ấy chưa, được không?

- Sao cậu chưa về nhà hả Mac. Của đáng tội, cậu bao nhiêu tuổi hả?

- Tám mươi sáu. Nghe này, hãy chuyển lời chào của tôi đến cô ấy nhé. Được không?

- Sao cậu không về nhà hả Mac?

- Không về! Ồ anh chơi đàn dương cầm tuyệt thật, quỷ tha ma bắt!

Tôi cố tình nói dối. Thực ra, gã chơi thối không ngửi nổi.

- Lẽ ra anh phải biểu diễn trên Đài mới đúng. - Anh lại đẹp nữa. Tóc vàng quăn tít, và đại loại như vậy. Anh cần người chủ thầu tổ chức biểu diễn hả?

- Về nhà đi, Mac. Hãy tỏ ra thông minh một chút, về nhà đi ngủ đi.

- Tôi chả có nhà cửa nào hết. Thực đấy, anh cần người chủ thầu tổ chức biểu diễn phải không?

Gã thậm chí không buồn trả lời. Gã bước ra, ép mớ tóc quăn xuống rồi bỏ đi. Giống hệt thằng Stradlater. Tất tật lũ chó má đẹp mã ấy giống hệt nhau. Chúng chải tóc, tỉa tót xong rồi bước đi bỏ lại bạn một mình.

Cuối cùng khi rời máy thông hơi về phòng gửi áo ngoài, tôi khóc rống lên. Chả có lý do nào hết, cứ đi và gào lên. Có lẽ, đó là vì tôi rất cô đơn và rầu rĩ. Khi lại gần phòng gửi áo ngoài, tôi không sao tìm được số của mình. Nhưng bà giữ áo hoá ra rất tốt. Bà ấy trả bành tô cho tôi mà không cần số. Và cả chiếc đĩa hát Cô bé Chirley Beans, tôi cứ thế cầm nó theo. Tôi muốn cho bà giữ áo một đô vì lòng tốt của bà, nhưng bà ấy không nhận. Bà ấy ra sức thuyết phục tôi lập tức về nhà đi ngủ. Tôi cố hẹn gặp bà, nhưng bà không muốn. Bà nói bà đáng tuổi mẹ tôi. Lúc đó, tôi cho bà xem túm tóc bạc trắng của mình rồi nói, tôi đã bốn mươi tư tuổi - tôi đùa, dĩ nhiên rồi. Bà ấy thật tốt bụng. Thậm chí bà ấy thích cả cái mũ thợ săn chết dẫm của tôi và nhắc tôi đội vào vì tóc đang ướt đẫm. Một phụ nữ tuyệt vời.

Ngoài trời, cơn say của tôi biến sạch. Lạnh khủng khiếp, răng tôi không đập nổi vào nhau. Tôi run rẩy toàn thân, không sao ghìm được. Tôi đến đại lộ Medison đợi xe buýt, tôi gần như hết sạch tiền nên không thể gọi taxi được. Nhưng tôi ghét lên xe buýt quá chừng. Ngoài ra, chính tôi cũng không biết mình sẽ phải đi đâu. Thế nên thử đi qua cái hồ nhỏ xem lũ vịt quái quỉ có đó không. Đến giờ tôi vẫn chưa biết điều đó. Công viên ở gần đây, mà tôi cũng chả có nơi nào để đi, thậm chí không biết sẽ ngủ đêm ở đâu, nên cắm đầu chạy thẳng đến đó. Tôi không thấy mệt, nói chung, chả cảm thấy gì hết ngoài nỗi buồn khủng khiếp.

Tôi vừa vào công viên thì xảy ra một việc khốn kiếp. Tôi đánh rơi đĩa hát của em tôi. Nó vỡ tan thành nghìn mảnh, tuy vẫn nằm trong cái bao giấy rộng nhưng đã nát vụn. Tôi suýt khóc rống lên, tôi tiếc cái đĩa quá chừng, nhưng chỉ móc những mảnh vụn ra khỏi bao giấy, nhét vào túi áo. Chả còn gì cứu vãn được nữa, nhưng tôi không muốn vứt đi. Tôi đi dọc công viên. Bóng tối ở đây thật khủng khiếp.

Cả đời tôi sống ở New York và biết rõ công viên trung tâm này như lòng bàn tay mình. Từ nhỏ tôi đã trượt băng trên đôi giày trượt có bánh, rồi đi xe đạp ở đấy - thế mà tôi không tài nào tìm nổi cái hồ nhỏ. Tôi biết rành rành - nó ở gần Cửa Nam, nh ưng không sao tìm ra nổi. Có lẽ tôi say hơn mình tưởng. Tôi cứ đi mãi, trời tối hơn, và mỗi lúc càng khủng khiếp. Tôi không gặp phải ai hết, lạy Chúa, có lẽ tôi sẽ nhảy dựng lên vì sợ nếu chẳng may gặp phải kẻ nào. Cuối cùng tôi cũng tìm ra được cái hồ. Nhưng chả có lũ vịt nào ở đó. Tôi đi vòng quanh hồ suốt lượt, thiếu chút nữa thì ngã xuống đó, nhưng không thấy một con nào. Tôi nghĩ, có thể chúng đang ngủ bên bờ, trong các lùm cây, nếu vẫn còn ở đây. Chút nữa tôi lộn cổ xuống nước, vậy mà chả tìm ra nổi con vịt nào.

Cuối cùng tôi ngồi xuống ghế băng, chỗ đó không đến nỗi tối tăm lắm. Tôi run như một thằng khốn nạn, tóc ở gáy biến thành những que băng nhỏ dù đã đội mũ săn. Tôi phát hoảng, bỗng nhiên tôi bị sưng phổi rồi chết thì sao? Tôi hình dung cả triệu thằng giả đối đến dự đám tang tôi. Cả ông nữa, ông từ Detroit đến, ông thường gào lên tên đường phố, khi tôi đi xe buýt cùng ông, còn các bà cô sẽ chạy lại - chỉ riêng các bà cô tôi đã có đến năm chục người, và tất tật đều là cặn bã. Sẽ có một đám đông khổng lồ, chả có thể nói thêm được điều gì nữa. Tất tật bọn họ đã bổ nhào đến khi Allie chết, cái lũ chết giẫm ấy. Anh D.B kể, có một bà cô ngu xuẩn, mồm tứ thời bốc mùi, cứ khóc mãi rằng thằng bé nằm ngoan quá. Tôi không có ở đó, lúc đó tôi nằm viện vì cứa phải tay sâu quá, buộc phải chữa chạy.

Còn lúc này tự nhiên tôi lại nghĩ mình sẽ bị sưng phổi, tóc hoá thành băng hoàn toàn và tôi sẽ chết. Tôi thấy thương bố mẹ. Nhất là mẹ, bà vẫn chưa kịp trấn tĩnh sau cái chết của Allie. Tôi hình dung bà đứng mãi không biết cất quần áo và đồ thể thao của tôi vào đâu. Chỉ có một điều an ủi tôi, người ta sẽ không để em gái tôi đến dự đám ma chết giẫm của tôi, vì nó còn quá nhỏ. Một sự an ủi duy nhất. Nhưng rồi tôi lại hình dung thấy cả đoàn người quái quỷ ấy vùi tôi trong nghĩa địa, đặt tôi lên tảng đá có khắc tên. Xung quanh rặt thây ma. Phải, vừa mới chết, họ đã vùi ngay bạn xuống đất! Chỉ còn một hy vọng, khi tôi chết sẽ tìm được một người thông minh và hắn sẽ quẳng tôi xuống sông. Quẳng đâu cũng được, miễn là đừng có bị ném vào cái nghĩa địa ngàn lần đáng nguyền rủa ấy. Lại còn đến viếng thăm bạn mỗi chủ nhật, đặt hoa lên bụng bạn nữa. Cùng một trò vớ vẩn chết giẫm! Người chết thì cần quái gì hoa cơ chứ? Ai còn cần đến chúng?

Lúc trời đẹp, cha mẹ tôi thường ra nghĩa địa đặt hoa lên mộ Allie. Tôi đi cùng họ hai lần rồi thôi. Thứ nhất chả vui vẻ gì khi phải thấy nó trong cái nghĩa trang đê tiện này. Nó nằm đó, xung quanh toàn thây ma cùng bia kỷ niệm. Khi có nắng thì không sao, nhưng cả hai lần, chúng tôi ở đó, tự nhiên trời bắt đầu mưa. Không thể chịu nổi. Mưa rơi thẳng xuống mộ, xuống đám cỏ mọc trên bụng thằng bé. Mưa như trút nước. Tất cả những người thăm mộ bỗng chạy ra xe như phát cuồng, bật ra điô rồi phóng đến một nhà hàng khá giả nào đó ăn trưa. Với ai cũng có thể làm như vậy được, trừ Allie của tôi. Thật đê tiện không chịu nổi. Tôi biết, ở ngoài đó, chỉ có thân xác nó, còn linh hồn nó đã lên trời, nhưng tôi vẫn không chịu đựng nổi. Tôi không muốn nó nằm đó chút nào. Các bạn không biết nó chứ, nếu biết thì đã hiểu cho tôi. Khi trời nắng, thì không đến nỗi não, nhưng trời chỉ nắng khi trời muốn mà thôi.

Rồi bỗng nhiên, để khỏi nghĩ đến chứng sưng phổi, tôi móc tiền ra đếm, dù đèn đường hầu như chả có. Tôi còn cả thảy ba đô, tôi đã phung phí cả một gia tài từ lúc rời Pencey. Tôi lại gần hồ, lần lượt thả từng đồng xuống chỗ nước không đóng băng. Tôi không biết mình làm thế để làm gì, có lẽ để lãng quên mọi ý nghĩ về bệnh sưng phổi và cái chết. Nhưng tôi không quên nổi.

Tôi lại nghĩ, chuyện gì sẽ xảy ra với Phoebe khi tôi có kết cục khủng khiếp thế. Dĩ nhiên, nghĩ đến chuyện này thật ấu trĩ. Nhưng tôi đã không thể dừng lại được. Con bé đối xử với tôi rất tốt. Nó yêu tôi thực sự. Tôi không tài nào vứt bỏ được những ý nghĩ ngu xuẩn chết giẫm ấy ra khỏi đầu óc và cuối cùng quyết định làm việc này, về nhà nhìn nó dù sau đó có thể thực sự bị sưng phổi rồi chết. Chìa khoá nhà tôi có mang theo người, và tôi định hành động như sau, mò vào nhà thật khẽ rồi nói với Phoebe dù chỉ một lời. Chỉ có một điều làm tôi lo ngại, cửa chính nhà tôi cứ rít lên cọt kẹt suốt. Toà nhà ấy khá cũ, người quản lý lười như quỷ. Cửa vào tất cả các hộ đều cọt kẹt. Tôi sợ bỗng cha mẹ tôi nghe thấy tôi về thì sao. Nhưng tôi vẫn quyết thử xem sao.

Tôi ra khỏi công viên, đi về nhà. Tôi đi bộ suốt. Chúng tôi sống không xa công viên lắm, và tôi chẳng mệt mỏi chút nào, cả cơn say cũng biến mất. Chỉ có điều, tôi đang lạnh ghê người và xung quanh chả có ma nào hết.